A Kiều Hôm Nay Đầu Thai Không?

Chương 2: Rượu Mạnh Bà


“Nếu lấy được A Kiều, ta sẽ đúc nhà vàng cho nàng ở.”

Editor: Iris N

A Kiều cũng chẳng buồn phiền được lâu, từ ngày thành ma, thất tình lục dục của nàng càng lúc càng mờ nhạt, đến cả hận cũng mơ hồ, sau khi gặp được Vệ Tử Phu, nàng chỉ cảm thấy trái tim mình tràn ngập cảm giác chán chường, vốn đã lãnh đạm thờ ơ, giờ càng trống rỗng.

Lờ đờ bay trở lại hầm mộ, nàng lại ngã người vào giường ngọc ngủ như chết, trước khi ngủ còn lải nhải với thị nữ tượng gốm: “Làm ma chán quá thể.”

Nhưng tới khi tỉnh lại lần nữa, A Kiều đã thấy Sở Phục đang ôm đầu, tràn đầy hận thù: “Nương nương, Vệ Tử Phu đầu thai rồi.”

Cơn buồn ngủ còn sót lại của A Kiều bỗng chốc bay biến, nàng suýt nữa ngã từ trên giường ngọc xuống, kinh ngạc kêu to đến lạc cả giọng: “Sao có thể như thế được!”

Vệ Tử Phu và Lưu Cứ đều chết oan, ôm oán hận bước vào cõi U Minh, thế nào cũng phải chờ đến khi khắp thiên hạ biết được nỗi oan khuất này, kẻ mưu hại bọn họ phải đền tội thì mới có thể đầu thai sang kiếp khác, nếu không oán khí sẽ chất đầy trong ngực, căn bản không thể vào giếng luân hồn. . Kiếm Hiệp Hay

Cùng lắm nàng mới ngủ có một giấc thôi mà, sao Vệ Tử Phu đã đi đầu thai rồi?

Sở Phục giận dữ khôn cùng, A Kiều cứ thiếp đi, mà nàng ta thì ngày đêm đều không thể nhắm mắt. Nàng ta và A Kiều cùng gặp nạn, nàng ta lại còn là lệ quỷ, phải sống dựa vào oán khí của những hồn ma trong chốn U Minh này. Mà đâu là nơi oán khí nhiều nhất, đương nhiên là Uổng Tử Thành.

Nàng ta tới Uổng Tử Thành để tẩm bổ cho hồn phách của mình, còn định hỏi Vệ Tử Phu xem có biết ai là người hại bọn họ hay không.

Ai mà ngờ được Vệ Tử Phu và Lưu Cứ ở Uổng Tử Thành chưa bao lâu mà đã lần lượt đi đầu thai rồi!

Hóa ra Lưu Triệt thấy con mình đã chết lại đâm ra hối hận, đại khai sát giới trên dương thế, chu di tam tộc của Giang Sung, thiêu chết Tô Văn, giết Mãng Thông [1], còn xây một một cái Tư Tử Đài (Đài nhớ con), hai mẹ con Vệ Tử Phu cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng, đương nhiên sẽ đi đầu thai.

[1] Giang Sung vu oan cho Lưu Cứ tội vu cổ nên Hán Vũ Đế mới bị bệnh. Hán Vũ Đế tới Cam Tuyền cung dưỡng bệnh. Lưu Cứ ở lại thành Trường An. Để bảo vệ mình, Lưu Cứ bắt buộc phải khởi binh giết Giang Sung. Sau đó, Thái tử còn thiếu chết Hồ Vu sư ở Thượng Lâm uyển. Hoàng môn Tôn Văn tức tốc thoát khỏi Trường An tới thẳng Cam Tuyền cung diện kiến Vũ Đế, tố Thái tử hành sử khác thường, khiến Hán Vũ Đế thêm nghi ngờ Lưu Cứ. Sau này, Lưu Cứ khởi binh thất bại, dẫn đến cái chết của hai mẹ con Vệ Tử Phu như mình chú thích ở chương trước. Tuy nhiên sau cái chết của Lưu Cứ, Hán Vũ Đế lại điều tra ra rằng Lưu Cứ bị Giang Sung vu oan. Giang Sung đã chết, Hán Vũ Đế chu di tam tộc của Giang Sung. Tô Văn gièm pha Lưu Cứ vì vụ thiêu chết Hồ Vu Sư nên cũng bị thiêu chết. Mãng Thông vốn là người có công bình định Lưu Cứ cũng bị xử tử. Như vậy, Hán Vũ Đế xóa bỏ toàn bộ trách nhiệm của mình trong cái chết của Lưu Cứ.

Sở Phục gọi mãi mà A Kiều không tỉnh dậy, đành phải tới trước cửa tiệm của Mạnh Bà cản Vệ Tử Phu. Nàng ta bị chặt đầu, khó khăn lắm mới lắp lại được, lúc cất giọng, tiếng nói nghe ken két trong cổ họng, tựa như tiếng ma quỷ oán thán: “Nói cho cùng là người phương nào đã mưu hại nương nương!”

Vệ Tử Phu bưng một bát canh Mạnh Bà trong tay, từ từ nhìn về phía Sở Phục: “Tới tận bây giờ nàng ta còn chưa biết sao? Thế thì không biết vẫn tốt hơn.”

Nói rồi nàng ta bưng bát lên uống một hơi cạn sạch, bị Đầu Trâu Mặt Ngựa giải tới giếng luân hồi, nhảy xuống, Sở Phục đuổi theo không kịp, hận đến mức nghiến răng nghiến lợi, vừa nghiến một cái, đầu nàng ta lại rơi xuống.

Lúc này nàng đang cầm cái đầu trong tay, cái miệng vẫn rít lên bày tỏ nỗi oán hận với A Kiều.

“Nói cho cùng, nói cho cùng là người phương nào?”

Là ai chứ? Sở Phục nghĩ mãi không ra, nữ tử Đại Hán ai mà chẳng mong muốn có thể ở bên phu lang tới đầu bạc răng long, vậy mà tại sao tới lượt nương nương lại thành ra có quan hệ “mị đạo” với đàn bà, dùng thuật trấn yểm [2] cơ chứ?

[2] Lịch sử thời Hán đề cập lý do Trần hoàng hậu bị phế là do có quan hệ “mị đạo” với đàn bà, đại loại có nghĩa là quan hệ đồng tính nữ. Ngoài ra Sở Phục bị coi là vu nữ (phù thủy) nên cũng là người giúp Trần hoàng hậu dùng vu cổ, trấn yểm. Vụ này do Trương Thang điều tra, cuối cùng Sở Phục và hơn 300 người bị giết, Trần A Kiều bị phế, nhốt vào Trường Môn cung.

Hẳn là do có người cố tình hãm hại, che mắt Bệ hạ.

A Kiều ôm chân, gác cằm lên đầu gối, ngơ ngác: “Nàng ta đã nói thế thật à?”

Trước đây còn không hiểu, nhưng giờ thì còn cái gì không hiểu nữa, định tội cho nàng không phải là Trương Thang, mà là Lưu Triệt, nói nàng dùng thuật trấn yểm cũng không phải là Trương Thang, mà là Lưu Triệt.

Ngoại trừ Lưu Triệt, còn có ai là kẻ thù của nàng nữa đâu?

A Kiều ngồi đờ đẫn hồi lâu, bỗng bật cười, nhìn Sở Phục rồi nói: “Nào, chúng ta đi tìm Mạnh Bà đi.”

Sở Phục không rõ nguyên do: “Tìm Mạnh Bà làm gì ạ?”

A Kiều kéo nhẹ đai lưng: “Nhờ nàng ấy giúp ngươi gắn cái đầu lại cho chắc.”

Cửa tiệm của Mạnh Bà ở bên bờ Nại Hà, trong tiệm đun một nồi canh to sôi sùng sục, Mạnh Bà ngồi bên cạnh nồi canh, thi thoảng lại cầm một cái muôi cán dài khuấy mấy cái trong nồi, nồi canh hầm lâu tới mức vừa đặc vừa sánh, mùi hương lan xa mười dặm.

Trước nồi canh không biết cơ man nào là ma đang chờ đợi, thoạt nhìn không thể đếm hết được.

Ma uống canh xong sẽ đi lên cầu Nại Hà, ma tốt qua cầu, mặt cầu vững như bàn thạch; ma xấu qua cầu, lòng bàn chân tựa dẫm lên gỗ mục, rắn đồng chó sắt đang chầu chực giữa lòng Nại Hà để ăn linh hồn của những con ma xấu đó.

Mạnh Bà được gọi là Mạnh Bà nhưng không phải là một bà lão mà là một cô gái đang tuổi thanh xuân, dáng người có lồi có lõm, mái tóc dài được vấn thành kiểu phi kế, tay cầm một chiếc quạt tròn. Mặt quạt không biết làm bằng thứ nhung đỏ gì mà từ đó mọc ra một chùm hoa bỉ ngạn.

Dưới tay nàng cũng có bảy tám ma nữ để sai phái. Thấy A Kiều tới, nàng giao chiếc muôi cho thị nữ, hỏi nàng: “Lâu lắm rồi không gặp cô.”

A Kiều dụi dụi mắt, gần đây nàng càng ngày càng hay buồn ngủ, mà bình thường đã ngủ là rất khó tỉnh lại, đúng là đã lâu rồi không tới cửa tiệm của Mạnh Bà nói chuyện phiếm.

Nàng đưa cho cô hầu của Mạnh Bà là Lan Nha một đôi trâm bằng vàng, nhờ nàng ấy khâu lại đầu cho Sở Phục.

Lan Nha gỡ một chiếc trâm trên đầu xuống làm kim, rồi lấy một sợi chỉ mỏng từ trong túi mình ra, xâu qua thân kim, khâu đầu cho Sở Phục, vừa khâu vừa cười: “Lần này chị lại ngủ bao lâu thế?”

A Kiều không biết, trong chốn U Minh không có ngày đêm, ai mà biết được nàng đã ngủ bao lâu, dù sao cũng đủ lâu để Vệ Tử Phu đi đầu thai.

Sợi chỉ mềm mại tựa hoa lan của Lan Nha đã đính chặt cái đầu của Sở Phục lại, đúng là đã dốc hết tâm huyết. Thấy A Kiều đã lại che miệng ngáp, Lan Nha bật cười khe khẽ: “Nếu như chị thấy nhàm chán thì sao không tới Vọng Hương Đài (đài nhìn về quê hương) để thăm người thân.”

Lan Nha có người thân còn ở dương thế. Vọng Hương Đài cao ngất trong mây, đáy rộng đỉnh hẹp, ngay bên cạnh chính là biển lửa đao đâm lên tua tủa, càng đi lên cao đường càng khó đi, vậy mà ngày rằm tháng bảy nào nàng ấy cũng đi lên đài để gặp được người thân trên dương thế.

Cũng chỉ có tới ngày rằm tháng bảy, cánh cửa âm ty mở ra, hồn ma mới có thể trở về dương thế thăm người nhà.

A Kiều nhăn sống mũi, hiện giờ nàng đã chẳng còn người nào để mà nhớ thương, cũng không có ma nào để mà thương nhớ.

Nàng coi Lưu Triệt như chồng mình nên mới có thể giở trò làm nũng, hắn lại cảm thấy nàng kiêu căng, độc ác, chỉ muốn tìm mọi cách diệt trừ Trần thị thật nhanh. Nói cho cùng vẫn là nàng ngu ngốc, đế vương làm sao có thể làm chồng người khác được.

Nếu như nàng không lấy Lưu Triệt, chắc hẳn dù nàng có hoành hành ngang ngược thế nào đi chăng nữa, hắn cũng sẽ bao dung cho nàng, tựa như cái cách hắn vẫn bao dung cho Bình Dương [3].

[3] Công chúa Bình Dương, em gái Lưu Triệt.

Phong Đô cũng có hồn ma kết hôn, cả hai đều chưa tới lúc đầu thai nên liền ở bên nhau sống qua ngày, nhưng đôi khi có những đôi quấn quýt si mê quá, nhất định không chịu đi đầu thai, đều hóa thành chim tương tư, đêm nào cũng kêu váng lên như khóc lóc.

A Kiều không muốn làm chim tương tư, cũng không muốn làm cây tương tư, nàng muốn làm người.

Lan Nha tình nguyện hầu hạ Mạnh Bà để đổi lại một chút phúc phần cho người thân trên dương thế. Nghe nàng nói vậy, Mạnh Bà liền cười: “Đấy là ngươi thôi, nàng ấy hiện giờ không có những suy nghĩ như thế.”

A Kiều u mê nhiều năm, giờ trong thoáng chốc lại tỉnh ra, nên càng không chịu được việc cứ chết dí ở âm ty nữa, đôi chân lúc ẩn lúc hiện: “Làm ma đúng là là chán quá thể.”

Mạnh Bà đang nghịch móng tay, nghe vậy cười: “Nếu đã không muốn làm ma, vậy thì làm người đi, mười dặm nhân gian, có chỗ nào không hay, một bát canh xuống bụng, chẳng có nhớ chuyện xưa tích cũ, sao cứ phải để mình bị vây hãm trong nhân quả một kiếp làm gì.”

A Kiều cũng muốn đầu thai, nhưng nàng không giống những con ma khác: “Trên phù của người khác có ghi ngày giờ, của ta đến ngày giờ cũng chẳng có, làm sao mà đầu thai được.”

Nói xong, nàng lấy phù ghi tên từ trong tay áo ra. Đó là một tấm thẻ nhỏ tầm một tấc, trên đó viết ngày sinh sáng đẻ của của nàng trong kiếp này. Mạnh Bà cầm lên đọc kỹ, đọc hồi lâu mới nói: “Đúng là cô khác với những kẻ khác.”

“Khác thế nào cơ?”

Mạnh Bà hé miệng cười: “Cô có một tâm nguyện chưa được hoàn thành.”

A Kiều ngơ ngác, không hiểu ra sau, nàng không biết bản thân mình còn có nguyện vọng gì chưa được thực hiện, nàng không còn muỗn gặp lại Lưu Triệt nữa mà.

Mạnh Bà nhìn khuôn mặt nhỏ nhắn ngơ ngơ ngác ngác của nàng, gợi ý cho nàng: “Dù là bản thân có nhớ được hay không, chỉ cần tâm nguyện chưa thành thì vẫn không thể đầu thay. Chưa chắc đó đã là do cô mong muốn, có lẽ là do người khác còn nợ cô, cần phải đòi lại mới được.”

Thấy nàng vẫn chẳng nhớ ra nổi, Mạnh Bà vung tay lên, một chén rượu xuất hiện từ trong hư không, “Cô uống rượu này, tai nghe thấy cái gì thì miệng nói ra cái đó, đó chính là tâm nguyện chưa thành của cô.”

Loại rượu này ngửi thì thơm, nếm thì ngon, được ủ từ ngũ uẩn của con người [4], qua bao nhiêu năm mới thành rượu, chỉ cần một giọt cũng khiến cho ma quỷ say khướt. Sau một ly này, toàn bộ những tiếc nuối chưa thể thỏa mãn ở kiếp trước kiếp này đều sẽ hiện lên trong lòng

[4] Theo quan niệm Phật giáo, ngũ uần là năm yếu tố tạo thành con người, từ thân đến tâm, ngoài ngũ uẩn đó ra thì không có gì gọi là “ta”. Ngũ uẩn bao gồm: sắc uẩn chỉ sự nhận biết mình có thân và sáu giác quan (hay còn gọi là lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý); thọ uẩn là toàn bộ cảm giác để cảm nhận sự thay đổi chung quanh, không phân biệt chúng là dễ chịu, khó chịu hay trung tính; tưởng uẩn là nhận biết sự khác biệt, như là màu này khác màu kia, mùi này khác mùi kia…; hành uẩn là ý định, toan tính, suy tư, cân nhắc trước một quyết định, bao gồm tất cả các chủ tâm trước khi một hành động được hình thành nên là đối tượng đã tạo nên nghiệp thiện ác; thức uẩn là sự nhận thức nhờ mặc định, mặc định cái này chua, mặc định cái kia đắng, mặc định cái nọ màu đỏ, mặc định cái kia nóng, cái này lợi, cái kia không lợi… (Tóm tắt từ wikipedia)

Trong chén rượu rực rỡ năm màu, ánh nước hơi lay động, lăn tăn gợn sóng, khiến người ta hoa mắt váng đầu, A Kiều chưa bao giờ nhìn thấy thứ rượu này, nâng ly lên hỏi: “Rượu này có tên không?”

“Tên tự đặt thôi.” Mạnh Bà phe phẩy chiếc quạt tròn, nàng không chỉ biết nấu canh, nàng còn biết ủ rượu, chỉ là những hồn ma bình thường chẳng có cơ hội uống được rượu của nàng mà thôi, chiếc quạt tròn trong tay bỗng ngừng lại: “Rượu này tên là ‘Cầu mà không được’.”

A Kiều đưa lưỡi ra, mới vừa nếm thử một giọt, trong tai dường như lập tức có sấm sét nổ vang.

“Nếu lấy được A Kiều, ta sẽ đúc nhà vàng cho nàng ở.”

“Nếu lấy được A Kiều, ta sẽ đúc nhà vàng cho nàng ở.”

“Nếu lấy được A Kiều, ta sẽ đúc nhà vàng cho nàng ở.”

“Nếu lấy được A Kiều, ta sẽ đúc nhà vàng cho nàng ở.”

Giọng nam, giọng nữ, giọng trẻ, giọng già, từng câu từng chữ đập vào tai, chấn động tới độ tim gan A Kiều cũng run lên, miệng cũng vô thức lẩm bẩm thành tiếng, tạo thành một câu thì thầm: “Nếu lấy được A Kiều, ta sẽ đúc nhà vàng cho nàng ở.”

Nói xong, người lảo đảo, nửa ly rượu còn lại hắt lên người.

Sở Phục vội vàng chạy tới đỡ nàng: “Nương nương!” Nàng ta chỉ một lòng bảo vệ chủ nhân, vội vàng hỏi Mạnh Bà: “Nương nương làm sao thế này? Say rượu sao?”

Mạnh Bà phì cười, quạt tròn lại nhẹ nhàng phe phẩy: “Thực ra nàng vốn dĩ chìm trong cơn say, hiện giờ mới là tỉnh.”

Giữa lúc say, đầu óc A Kiều lại vô cùng tỉnh táo, nghe thấy những lời này của Mạnh Bà, tự nhiên cảm thấy cũng hơi có lý. Còn chẳng phải là một cơn say dài hay sao, đến Vệ Tử Phu còn tỉnh rồi, nàng mà còn không tỉnh thì còn ra cái gì nữa?

Thì ra thằng nhãi Lưu Triệt kia còn nợ nàng một cái nhà vàng!

Nhưng mà… nhưng mà hắn vô cùng bạc tình, đến cả khi nàng chết hắn còn bắt nàng lấy thân phận thứ dân xuống địa phủ thì làm thế nào hắn mới chịu trả nhà vàng cho nàng, để nàng thoát khỏi cái nghiệp từ kiếp trước này, có thể đầu thai chuyển thể bình thường được đây?

Chẳng lẽ còn phải đợi lão già như khúc gỗ mục kia cũng xuống âm ty mới có thể đòi nhà vàng hay sao?

A Kiều nhắm nghiền đôi mắt, Sở Phủ vẫn luôn ở bên cạnh nàng. Lan Nha dâng trà lên cho Mạnh Bà, hỏi: “Thật sự là do chuyện nhà vàng mà chị ấy mới không thể đầu thai hay sao ạ?”

Nụ cười trên miệng Mạnh Bà vẫn chưa nhạt đi, mày cũng cong lên: “Mộng nhà vàng chưa thành, không chỉ là tiếc nuối của một mình nàng ấy, mà còn là tiếng thở dài tiếc hận thiên cổ. Có thêm nguyện lực [5] của trăm ngàn năm sau ngăn cản, nàng ấy đương nhiên không thể đầu thai.”

[5] Khái niệm của Phật giáo nghĩa là năng lực của ý chí để thúc đẩy việc hoàn thành tâm nguyện. Đoạn này nhìn chung nghĩa là sự nhà vàng không chỉ là tiếc nuối của A Kiều mà còn là nỗi tiếc hận, bất bình của người đời sau, trăm ngàn năm cộng lại, nguyện lực quá lớn khiến A Kiều không đầu thai được.

“Chẳng lẽ cứ kìm kẹp chị ấy ở chỗ này như thế mãi sao?” Lan Nha bất bình thay A Kiều.

Mạnh Bà ngẩng đầu phóng tầm mắt ra xa, nhìn mặt trăng đỏ rực. Bầu trời càng ngày càng dày đặc sương đen, khẽ nói: “Cơ duyên của nàng ấy sắp tới rồi.”

Nhiều năm về trước, Phong Đô đã chật kín hồn ma tới mức sinh ra tai họa. Phong Đô Đại đế đã dành ra một chỗ để xây thành Phong Đô mới, nhưng vẫn chẳng chứa nổi nhiều u hồn như thế. Những hồn ma nấn ná mãi không chịu đi như A Kiều càng ngày càng nhiều, ngay cả thành Phong Đô mới cũng có rất nhiều con dân địa phủ bị cưỡng chế ép đi.

Hồn ma quá nhiều, sương mù dày đặc tràn ngập, phía trên đã có ý định dọn sạch những hồn ma này, bắt bọn họ đi đầu thai.

Địa Tạng Vương Bồ Tát có lòng từ bi, hứa sẽ hoàn thành tâm nguyện cho những hồn ma đó, vốn là bảy mươi lăm ty nay lại có thêm một ty nữa, gọi là Ty Giải Mộng. Những kẻ giống A Kiều nên tới Ty Giải Mộng nói chuyện.

“Chỉ cần một lòng muốn đầu thai thì thể nào cũng có cách.”

Mạnh Bà thấy A Kiều ngủ thế là đủ rồi, giơ quạt tròn quạt về phía mặt nàng một cái, một cơn gió nhẹ quất và mặt, A Kiều từ từ tỉnh dại.

Cuối cùng cũng giải tỏa được nỗi lòng, nàng đứng dậy thi lễ với Mạnh Bà, lúm đồng tiền như hoa, từ nay nàng là một con ma tốt, một con ma tỉnh táo, một lòng đầu thai làm người.

=


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận