Xem chứ!
Editor: Iris N
Bởi muốn giữ người lại qua đêm, nhà họ Bạch lập tức mở tiệc mời các vị “đại sư” ngồi vào bàn.
Hai bàn tiệc được đặt sau sảnh Uyên Ương, bà hai nhà họ Bạch nói hết lời thì đi luôn, để con trai mình tiếp đón mọi người. Có tổng cộng hai chiếc bàn tròn nhỏ, mỗi bàn chỉ có bốn người ngồi.
Bởi nhà đang làm tang lễ, tiệc cũng là tiệc chay nhưng tiệc chay cũng lại đúng theo quy củ, bốn loại quả tươi, tám loại quả khô được xếp nghiêm chỉnh trên đĩa sứ Thanh Hoa.
Tiền Nhị vừa nhìn thấy đã quay sang ca ngợi cậu chủ Bạch: “Có tâm quá.”
A Kiều vừa nhếch khóe miệng lên, Tiền Nhị lập tức hiểu ra, thế này là bà cô nhỏ đang chê gã quê mùa, vội vàng lại trưng bộ mặt “Làm gì có gì mà tôi chưa thấy bao giờ” lên, cứ như thể khi nãy chỉ là nói mấy câu khách sáo với cậu chủ Bạch mà thôi.
Tiền Nhị đi tới trước bàn. Đầu tiên, gã kéo ghế cho A Kiều, mời cô ngồi xuống.
Nhưng A Kiều không ngồi, hình như cô đã rất quen với việc sai khiến Tiền Nhị: “Tôi không muốn ăn cơm với bọn họ.”
Lời nói không hề kiêng dè chút nào, sắc mặt của hòa thượng kia còn khá một chút, sắc mặt những người còn lại đã tối sầm. Tuy vậy cô vừa mới để lộ chút khả năng, người nọ đến giờ vẫn nghẹn họng không nói ra lời. Họ không biết lai lịch cô thế nào nên đành giả như không nghe thấy.
Còn gì còn chuyện gì mà Tiền Nhị không nghe theo cô nữa, gã chỉ hận không thể khiến A Kiều tiếp tục làm cao như thế, càng làm cao thì sau này mới dễ nâng giá.
“Vậy để tôi chuẩn bị suất ăn riêng rồi rồi mang lên phòng cho cô.” Tiền Nhị nhìn A Kiều, chỉ chực cười đon đả mà phải kìm nén, căn bản gã chưa từng hầu hạ người khác bao giờ, không ngờ đến lúc làm lại cứ như đã quen từ lâu.
A Kiều chắp tay sau lưng, cằm hơi hếch lên, đi ra ngoài.
Cậu Bạch lập tức bảo nhà bếp chuẩn bị thêm một suất ăn nữa. Anh ta đi phía sau A Kiều, cũng ra ngoài theo.
A Kiều vừa đi, mấy người hành nghề dị đoan nhìn nhau đầy ẩn ý, khi nãy trong đại sảnh ai cũng ra vẻ mình là này là nọ, có A Kiều làm chim đầu đàn đứng mũi chịu sào thì ngược lại, không khí lại trở nên hài hòa một cách kỳ lạ.
Người khi nãy bị A Kiều quát một câu câm miệng, không cho nói vẫn còn ngồi đó không nói một lời. Những người khác lãnh đạm nhìn anh ta, chẳng ai ra tay giúp đỡ, họ vẫn muốn xem trình độ của cô bé kia rốt cuộc cao đến mức độ nào.
Cuối cùng, đạo sĩ ngồi bên cạnh đưa tay vỗ nhẹ vào người anh ta, tiếng nói tắc nghẹn trong cổ họng rốt cuộc cũng bật được ra: “Con bé kia có lai lịch thế nào? Đây là cái thứ tà thuật gì chứ?”
“Thuật ngôn linh.” Một người mặt lớn tai vuông cười cười, ông ta tự giới thiệu bản thân mình trước: “Tôi họ Từ, Từ Hoằng Mậu, là người gốc Giang Thành, các vị ở đây đều ở nơi khác tới, có mấy chuyện mọi người có lẽ không biết.”
Bọn họ đã là nhóm người thứ ba được nhà họ Bạch mời tới.
Hai nhóm người trước đều phải thất thểu ra về. Từ Hoằng Mẫu cũng từng hỏi thăm nhưng chẳng hỏi được gì, trong đó có một số người có danh tiếng cũng chưa làm xong được được việc này.
Nhà họ Bạch tăng giá hết lần này đến lần khác nhưng ra giá càng cao lại càng ít người đến. Đã tới bảy ngày của bà cụ, tòa nhà này chắc chắn sẽ còn nguy hiểm hơn. Mọi người mỗi người một phách thì chẳng thà cùng hợp sức với nhau.
Nói một cách đơn giản, bản thân ông ta cũng không an tâm, lôi kéo được người nào thì hay người đó, nhiều người nhiều sức.
“Cái giá mà nhà họ Bạch đưa ra dù có chia ra theo đầu người cũng không thấp.” Từ Mậu Hoằng đề xuất ý kiến này, kể ra trên bàn cũng có mấy người bắt đầu dao động, còn có người nửa tin nửa ngờ, ai biết Từ Mậu Hoằng nói có thật hay không.
Đây đã là nhóm người thứ ba rồi, những người được mời này căn bản có đến một nửa được mời theo kiểu hú họa, nhỡ đâu lại được thì sao. Tiền Nhị chính là một ví dụ.
Từ Mậu Hoằng đã biết được lai lịch của Tiền Nhị, căn bản là mở cửa hàng đồ cổ ở Giang Thành, bán đồ cổ giả, nghề tay trái là xem phong thủy cho nhà người ta, là kẻ chỉ có cái mẽ ngoài, vậy nên ban đầu ông ta không coi Tiền Nhị ra gì, không ngờ Tiền Nhị lại thật sự có thể mời được một cao nhân.
“Ông nói thì hay đấy nhưng lần này mọi người cùng làm, làm được việc thì tính cho ai? Làm hỏng việc thì tính cho ai?” Một thanh niên gầy gò tên Phương Văn Kính lên tiếng nghi ngờ.
Từ Mậu Hoằng không hề tức giận, ông ta mỉm cười: “Bà hai nhà họ Bạch chi tiền rất hào phóng, nhưng nói cho cùng ngôi nhà này loạn kiểu gì thì bà ta chẳng đề cập câu nào.”
Đúng là bà hai nhà họ Bạch chưa nói thật nhưng ban đầu mọi người cũng không đề ý, đã mời bọn họ tới đây thì còn để làm gì nữa, nói một cách nhẹ nhàng thì bọn họ tới đây để làm “nhân viên vệ sinh”, dọn dẹp mấy “thứ không sạch sẽ” cho người ta.
Nhưng mà liên tục mời ba nhóm người, mỗi nhóm còn nhiều người như thế, ngôi nhà này có phải là thật sự vô cùng đáng sợ hay không?
Phương Văn Kính vẫn chưa tin hẳn. Lúc người hầu bưng đồ ăn lên, anh ta hỏi mấy câu khách khí nhưng dù bọn họ có hỏi thế nào đi chăng nữa thì người hầu cũng chỉ lắc đầu nói không biết, đến lúc hỏi ban đêm ở nhà tổ có chuyện gì quái lạ không, người hầu kia vội vã xua tay đi thẳng.
Bởi vậy, lập tức có người đồng ý liên minh với Từ Mậu Hoằng, ngồi xuống cạnh ông ta, trao đổi danh thiếp với nhau. Danh thiếp của Từ Mậu Hoằng thực sự in mấy chữ “Công ty dọn vệ sinh Từ thị”.
Mọi người xúm lại hỏi ông ta xem nói cho cùng chuyện của nhà họ Bạch là như thế nào.
A Kiều chắp tay sau lưng đi dạo một vòng quanh sân, cậu chủ Bạch vẫn đi theo cô suốt. Anh ta chưa từng gặp một cô gái nào như A Kiều, đi theo cô một lúc lâu mà cô vẫn cứ như thể không hề nhìn thấy anh ta.
“Ngôi nhà này được xây từ thời nhà Thanh, sau nhiều năm như thế nhưng vẫn bảo tồn được kha khá. Nơi này hơi lớn, phải đi lâu lâu mới hết được.” Lúc nói những lời này, cậu Bạch hơi tỏ ý khoe khoang.
Tuy vậy, A Kiều hoàn toàn không dao động, trên mặt còn có vẻ không đồng tình, mẩu đất nhỏ tẹo thế này mà cũng gọi là lớn à.
Cậu chủ Bạch muốn tiếp tục tán chuyện nên hỏi A Kiều: “Em muốn biết buổi tối ngôi nhà này loạn lên là loạn kiểu gì không?”
A Kiều liếc mắt nhìn anh ta: “Thích thì nói, không nói thì thôi.”
Thực ra cô cũng hơi hơi muốn biết, nói là tới đây bắt ma cơ mà cô đi dạo một vòng, cả ngôi nhà chẳng thấy ma quỷ gì, vật âm duy nhất chính là bản thân A Kiều. Nếu như không phải là có ma thì người nhà họ Bạch sao phải sợ hãi đến mức này?
Cậu chủ Bạch mỉm cười, cảm thấy thật thú vị, thì thào: “Ngôi nhà này đêm nào cũng thay đổi.”
Anh ta định dụ A Kiều hỏi anh ta thêm mấy câu nhưng cô gái trẻ không nói gì, chỉ dùng đôi mắt đen láy nhìn anh ta chằm chằm, khiến anh ta lạnh cả sống lưng.
Anh ta quyết định không úp úp mở mở nữa: “Lúc đi tiểu đêm, người hầu trong nhà có thể nhìn thấy trong sảnh… có người đi lại.” Lúc nói đến chữ người, anh ta vốn định đổi thành ma nhưng lời còn chưa ra khỏi miệng đã cảm thấy răng va vào nhau, đành phải nuốt từ “ma” này xuống.
“À ~ sao lại còn có ma đi lại nhỉ?” A Kiều nghe cũng biết anh ta muốn thay từ bèn thay hộ luôn, kéo dài giọng, cười hì hì nhìn anh ta.
Cậu Bạch kinh hãi giật mình. Anh ta vội vã về nhà chịu tang, ngủ lại nhà tổ một đêm, ban đêm tỉnh dậy, định đi nhà vệ sinh, vừa mở mắt ra, gian phòng vẫn là gian phòng ấy nhưng đồ đạc xếp đặt trong phòng đã hoàn toàn thay đổi. Anh ta đang ngủ trên một chiếc giường Bạt Bộ khắc hoa.
Lồm cồm bò dậy ra ngoài phòng, anh ta đã thấy bên ngoài đèn đỏ lung linh, bóng người lay động, tai còn nghe thấy tiếng ê ê a a không giống tiếng người, cậu Bạch liền trợn mắt “ngủ” luôn.
Hôm sau, nói thế nào anh ta cũng không chịu ở lại, đến khách sạn Giang Thành thuê phòng một tháng. Từ hôm đó cậu ấm sống trong nhung lụa từ bé này ngày nào cũng dậy lúc năm sáu giờ sáng lái xe về nhà tổ nhà họ Bạch rồi đến tầm ba giờ chiều thể nào anh ta cũng phải ra khỏi đó, nhất định không chịu chờ đến khi trời nhá nhem tối.
Anh ta nói hết những chuyện này cho A Kiều nhưng vậy mà cô gái này lại chẳng hề sợ hãi. Anh ta bảo: “Cô đừng có nhận việc này nữa, một cô gái xinh đẹp như cô mà làm việc này thật quá lãng phí.”
Đôi mắt cười của A Kiều liếc qua cậu Bạch khiến xương cốt anh ta trong người anh ta gần như nhũn hết cả ra. Vốn biết cô là “tiên cô” nhưng đối mặt với vẻ hút hồn như vậy, anh ta vẫn không thể nào kìm chế nổi.
“Chỗ này từng có người chết à?” A Kiều hỏi anh ta.
Cậu chủ Bạch suýt sặc nước bọt, anh ta lắc đầu cười trừ: “Không có, sao lại thế được.”
A Kiều thấy anh ta vẫn không chịu nói thật bèn mặc kệ anh ta rồi đi thẳng tới phòng của mình. Cậu Bạch còn muốn đi theo cô tiếp nhưng thấy đã sắp tới ba giờ rưỡi, chỗ này trời tối rất sớm nên vội vàng ra khỏi tòa nhà của nhà họ Bạch, chẳng khác gì ma đuổi.
Tiền Nhị đi khắp nơi mới tìm thấy A Kiều. Vừa gặp, A Kiều đã nói hết những chuyện gã khó khăn lắm mới hỏi thăm được ra: “Nhà họ Bạch này từng có người chết.”
Chỉ mấy ngày trước, đang yên đang lành người hầu được thuê tới đây làm lại chết trong phòng. Người nhà người kia định kiện cáo, nhà họ Bạch phải đền tiền mới xong việc.
Tiền Nhị nói: “Cô Trần này, hay là chúng ta đi thôi, coi như là chưa nhận việc lần này.” Có người chết thì khác hẳn rồi, gã xem “phong thủy” giúp người ta trên cơ bản toàn lừa gạt là chính, chẳng có chút thực lực nào, dù có kiếm tiền cũng không thể lấy tính mạng ra đổi được.
Trên phương diện tham sống sợ chết, Tiền Nhị chắc chắn không đứng thứ hai.
“Không có chí tiến thủ. Nếu ông sợ thì đi đi.”
Tiền Nhị càng không dám, nhỡ đâu gã đưa cô tới đây mà không đưa được cô về, nhà họ Trần chẳng lột da gã ấy chứ, hơn nữa còn cả Hạng Vân Độc cũng không thể trêu vào. Gã dò hỏi lần nữa: “Thế thì cô Trần có cần nhờ giúp đỡ không?”
Huyết ngọc yên lặng nằm trên cổ A Kiều, cô mỉm cười: “Tôi về phòng, ông đừng có quấy rầy tôi.”
Nhìn thấy nụ cười tự tin của cô, Tiền Nhị thở phào nhẹ nhõm. Nghĩ rằng A Kiều định về phòng tập trung công lực, gã nhanh chóng gật đầu: “Không quấy rầy, không quấy rầy, nhất định không quấy rầy.”
Tiền Nhị định đi rồi nhưng lại tiếc thầm trong dạ, nhỡ đâu được việc thì sao? Đêm nay ít ra cũng phải được tận 50 vạn cơ đấy, gã phải bán bao nhiêu đồ cổ giả mới được từng ấy tiền chứ?
Lúc Tiền Nhị còn đang do dự, mấy người hòa thượng đạo sĩ đã đi tới. Gã vừa mới đi một lúc mà mấy người kia rõ ràng đã tạo thành liên minh.
Tiền Nhị không cam lòng, nhân dân tệ đỏ chói từ trên trời rơi xuống, ai mà biết được sẽ rơi xuống đầu người nào. Gã cắn răng nhắm mắt quyết tâm, đi vào phòng, lấy dụng cụ của mình ra.
Kiếm đồng tiền (hình minh họa ở cuối chương) treo trước cửa, bùa gỗ đào treo trên đầu giường, tượng phật bằng đồng thau đặt trước cửa sổ, túi trái nhét một tấm gương bát quái, túi phải nhét một chồng bùa bằng giấy vàng, hai tay đeo hai chuỗi Phật châu, trước ngực đeo một miếng ngọc hình Phật mà gã phải mất rất nhiều tiền mới có được. Đến lúc này gã mới cảm thấy an tâm.
A Kiều đang định về phòng xem bộ phim trong loạt series về cương thi, ai ngờ nhà tổ nhà họ Bạch lớn như thế mà lại có! Thể! Không! Có! Mạng!
A Kiều tức giận đến mức xoay người ngủ luôn, đến giờ ăn tối cũng chưa tỉnh, Tiền Nhị lại không dám quấy rầy cô nên mang đồ ăn tới trước cửa phòng rồi lại vội vội vàng vàng quay về phòng mình.
Quả nhiên chỗ này trời tối nhanh thật.
Mặt trời còn chưa xuống núi, toàn bộ tòa nhà nhà họ Bạch đã im ắng không một tiếng người, toàn bộ người hầu đều đi hết cả.
Một tòa nhà lớn như thế mà chỉ còn lại tám người bọn họ. Hòa thượng đạo sĩ mỗi người một kiểu, A Kiều, Tiền Nhị là một đội, mấy người còn lại kết thành một nhóm nhỏ, túm tụm lại một chỗ uống trà, ngóng chờ xem đêm nay sẽ có chuyện lạ gì.
Họ uống trà được một lúc lại hết nước nóng.
“Người câm” bị trúng thuật ngôn linh của A Kiều nên rất muốn tỏ ra là mình cũng là người từng trải, khi nãy chỉ là lơ đãng nên mới sảy chân, cầm bình nước lên định ra ngoài: “Tôi đi rót thêm nước nóng cho mọi người.”
Từ Mậu Hoằng cản anh ta lại: “Không cần, trời sắp tối rồi.”
“Người câm” tưởng rằng Từ Mậu Hoằng làm như vậy là khinh thường anh ta, mặt tỏ vẻ không vui: “Không ai đi thì chúng ta ngồi thế này đến sáng hay sao?” Nói rồi anh ta cầm ấm nước lên rồi ra ngoài.
Một lúc lâu sau, anh ta vẫn chưa trở về.
Phương Văn Kính xì một tiếng: “Đã bảo anh ta đừng có cố rồi mà xem đi, giờ ai đi tìm anh ta chứ?” Nhóm nhỏ dù sao cũng vừa mới thành lập chưa lâu, ai mà chịu đi tìm anh ta chứ.
Từ Mậu Hoằng cảm thấy dù sao mình cũng là người cầm đầu bèn nói: “Thế này đi, mọi người cùng đi, đằng nào thì hiện giờ cũng chưa có chuyện gì, không phải sao?”
Phương Văn Kính lầm bà lầm bầm. Người còn lại là một người trung niên tự giới thiệu mình là Lão Tôn căn bản gần như không có gì nổi bật, Từ Mậu Hoằng bảo ông ta làm gì thì ông ta cũng gật đầu.
Hai thắng một, đành phải đi tìm người,
Lúc đi, Từ Mậu Hoằng còn gõ cửa phòng đạo sĩ bên cạnh: “Đạo trưởng, Tống tiên sinh ra ngoài lấy nước nóng mãi vẫn chưa về, chúng tôi đi tìm cậu ấy xem sao.”
Ông ta cảm thấy đạo sĩ này có vẻ cũng nhiệt tình nên mới gọi ông ta nhưng bên trong mãi chẳng có tiếng động gì phát ra.
Trên hành lang có treo đèn lồng màu trắng, chiếu sáng cả đường đi. Gió thổi qua, ánh đèn lay động, khiến cho ánh trăng càng thêm phần ảm đạm. Phương Văn Kính nói: “Toàn là những người chỉ quan tâm đến việc của mình, ông đừng có hy vọng gì vào bọn họ.”
Từ Mậu Hoằng không hề tức giận, ba người vòng ra sân sau, vốn định đi về phía nhà bếp nhưng lúc ở trên hành lang đã nghe thấy có tiếng đàn tiếng trống từ phía trước vọng lại. Mặt ba người đồng loạt biến sắc, quay sang nhìn nhau.
Phương Văn Kính cho là cứ lùi lại trước đã nhưng thấy Từ Mậu Hoằng và Lão Tôn chưa động đậy gì nên anh ta cũng không tiện về trước bèn đi theo bọn họ xem tình hình thế nào.
Sân sau vốn được bao phủ bằng một màu trắng toát nhưng càng đi về phía trước lại càng đông vui tấp nập.
Sảnh ngoài, nến đỏ cháy hừng hực, đèn lồng đỏ treo cao, một sân khấu kịch được dựng lên giữa sảnh, khắp sảnh tràn ngập trong tiếng cười tiếng nói của khách khứa. Từ cửa nhỏ hai bên, người hầu lũ lượt bưng rượu và đồ ăn lên.
Phương Văn Kính bước lên mấy bước, định đi về phía trước, Từ Mậu Hoằng giữ chặt anh ta lại: “Cậu làm gì thế?”
Phương Văn Kính gạt tay ông ta ra, mắt đờ đẫn: “Uống rượu mừng chứ còn làm gì.”
Lúc này, Từ Mậu Hoằng mới nhìn thấy “Người câm” ngồi bên bàn tròn, đang vẫy tay với bọn họ. Trong sảnh tràn ngập màu đỏ, chỗ nào cũng dán chữ hỉ, bên ngoài có người liên tục chào hỏi rồi dẫn khách vào trong.
Nhà họ Bạch làm đám cưới.
Từ Mậu Hoằng tập trung nhìn xung quanh, dù là khách ngồi bên bàn hay là người hầu bưng đồ ăn, ai cũng lướt trên mũi chân.
Phương Văn Kính đã ngồi xuống, lại còn nâng chén chúc mừng với những người khác. Từ Mậu Hoằng mở “công ty vệ sinh” thật nhưng ông ta cũng chưa bao giờ nhìn thấy nhiều ma như thế cùng một lúc.
Vừa định kéo Lão Tôn về kiếm người giúp đỡ, chân đã không tự chủ nổi, đưa về phía trước, có một nha hoàn tô son điểm phấn, mặc quần áo tươi sáng bước tới mời ông ta: “Bạch phủ có hỉ, mời tiên sinh ngồi vào bàn.”
Từ Mậu Hoằng trong lòng thì tỉnh táo nhưng lại không thể điều khiển được bước chân mình, ông ta đi theo sau nha hoàn, cảm thấy người mình nhẹ bẫng đi, cúi đầu nhìn xuống thấy mình cũng đang lướt trên mũi chân.
Từ Mậu Hoằng thầm than khổ trong lòng, tay chân đều không thể kiểm soát được, cứ ngồi vào bàn, uống chén rượu rồi tính vậy.
Tiền Nhị mơ mơ màng màng ngủ một lúc đã tỉnh. Có tiếng nhạc liên tục truyền tới từ ngoài phòng. Bình thường gã vẫn thích nghe thứ này, vừa nghe thấy chiêng trống vang lên đã biết họ đang hát cái gì, ngáp một cái, lẩm bẩm: “Nhà này có ai đang làm đám cưới à?”
Nói xong, gã giật mình tỉnh dậy, cưới xin cái gì chứ, hôm nay là bảy ngày của bà cụ nhà họ Bạch.
Tiếng động xung quanh lúc lớn lúc nhỏ, Tiền Nhị dụi mắt, định ra ngoài phòng nhìn ngó xung quanh một lúc nhưng mà phòng lại biến thành một căn phòng bé tẹo, không cửa sổ, chẳng có chút ánh sáng nào.
Nhưng càng tối, Tiền Nhị lại càng không dám động đậy, làm sao biết được trong bóng tối có những gì chứ. Gã cắn răng quyết tâm, lấy một lá bùa từ trong túi quăng ra.
Lá bùa gặp bóng tối lập tức sáng lên, nhưng Tiền Nhị nhắm chặt mắt không dám nhìn, chỉ cảm thấy mọi thứ trước mắt sáng bừng lên. Gã nuốt khan, chuẩn bị tâm lý một hồi, có chết cũng phải biết sao mình chết chứ!
Lại ném một lá bùa nữa ra, lúc ánh lửa bốc lên, gã nhận ra đây là một căn phòng bằng gạch thô, không cửa, không cửa sổ nên mới không có ánh sáng chiếu vào.
Tiền Nhị gào lên thất thanh “Bà cô ơi cứu tôi với a a a a a a…”
A Kiều không nghe thấy tiếng Tiền Nhị, cô cũng bị tiếng nhạc đánh thức, ngồi dậy dụi dụi mắt. Phòng tối đen nhưng khác với Tiền Nhị, cô không cần ánh sáng vẫn có thể nhìn rõ mọi thứ.
Cô rất quen với loại bố cục này, hầm mộ tứ phương của cô cũng giống thế này. A Kiều vung tay lên, thủ thuật che mắt lập tức biến mất, căn phòng lại trở về với hình dạng ban đầu.
A Kiều mở cửa, khu nhà được xây theo kiểu tứ hợp viện này giờ lại toàn là tường gạch, chỉ có một cánh cửa, chính là cánh cửa mà cô vừa mở ra.
A Kiều rẽ sang bên trái, miết ngón tay lên tường gạch màu xám, đi đến đâu khu nhà trở về hình dạng cũ đến đấy như vừa nhấc ngón tay qua lại biến thành gạch xám.
A Kiều sờ lên cửa, đẩy nhẹ nhưng không mở được.
Tiền Nhị ở trong phòng khóc lóc hết nước mắt, gã ném một chiếc bùa màu vàng ra, trong phòng liền có một chút ánh sáng nhưng lửa vừa bốc lên đã tắt ngấm, gã đành phải cách một lúc lại ném một tờ, giống như cô bé bán diêm, hy vọng có thể ngồi chờ trong phòng cho đến sáng.
Gã lại quăng một lá bùa chiếu sáng bèn thấy một cánh tay trắng muốt như ngọc vươn ra từ trong bóng đêm. Tiền Nhị thét lên thất thanh, ôm đầu co rúm lại nhưng cánh tay ma kia vẫn chưa chịu từ bỏ, xách cổ gã lên, kéo gã ra ngoài.
Tiền Nhị giãy giụa, tay chân vung vẩy, luôn miệng cầu khấn: “Ôi bà cô ơi, tha cho con đi mà, con chỉ là đá ngang thôi, bà muốn tìm thì tìm đám hòa thượng đạo sĩ đi, bọn họ chẳng phải là chuyên nghiệp, nói chuyện với bà cũng hợp hơn hay sao…”
A Kiều thả gã xuống đất, thấy gã còn giãy giụa loạn xạ, đạp gã một cái: “Ông còn nhiều bà cô vậy à?”
Tiền Nhị nghe thấy giọng A Kiều chẳng khác gì nghe thấy tiếng chuông trời, hận không thể dập đầu với cô: “Bà cô của tôi ơi, thế mà cô cũng xử lý được. Từ nay về sau trên trời dưới đất, tôi chỉ có một bà cô là cô thôi.”
Gã lau sạch nước mắt nước mũi, giờ mớ nhận ra khắp xung quanh toàn tường gạch, cánh cửa mà A Kiều vừa mở ra đang từ từ biến mất, gã run rẩy: “Bà cô ơi, chúng ta phải chạy nhanh đi thôi.”
Nhưng A Kiều không nhìn gã, cô nhìn xung quanh. Chuyện này thế mà hay ho thật, nếu như dùng ma lực có thể xây nhà cửa thì có phải cô cũng có thể tự xây cho mình cả một cái Hán cung hay không?
A Kiều nghĩ một lúc nhưng nhất thời không còn nhớ nổi Hán cung trông thế nào nữa, cung điện hiện ra trong lòng cô là cung Trường Môn [1].
[1] Sau khi bị phế truất, Hoàng hậu Trần A Kiều bị đày vào cung Trường Môn
“Chúng ta đi xem trò vui đi.” A Kiều đi về hướng có tiếng nhạc.
Mặt Tiền Nhị nhăn như quả mướp đắng, theo sát A Kiều, coi cô như bùa giữ mạng, vừa đi vừa khuyên: “Nếu như cô muốn xem kịch nghe hát thì tôi chi tiền, tôi mời cô tới Nhà hát lớn Quốc gia nghe, chúng ta… đi khỏi đây nhanh nhanh được không?”
A Kiều thấy gã thật phiền phức: “Còn nói nữa tôi khiến ông câm miệng đấy.”
Tiền Nhị mau chóng im bặt, đồ của gã chỉ còn không đến năm sáu tấm bùa với một tấm gương bát quái, vẫn còn phải cầu xin bà cô che chở cho.
Một người một ma đi vào sảnh, đập vào mắt vẫn là cảnh tượng đám cưới. Tiền Nhị tinh mắt, vừa đưa mắt qua đã thấy ba người gồm “Người câm”, Từ Mậu Hoằng, Phương Văn Kính đang ngồi uống rượu mừng, thấy gã tới còn vẫy tay với gã.
Tiền Nhị nhanh chóng nhắm tịt mắt lại, không muốn tự bổ sung thêm một người vào nhóm ba người kia, run rẩy hỏi: “Chuyện này… thế này là thế nào?”
“Đây là ảo cảnh.” A Kiều thấy Tiền Nhị hèn nhát như thế, vỗ nhẹ lên đầu ông ta: “Được rồi, ông mở mắt ra đi.”
Lúc này Tiền Nhị mới dám ở mắt ra, nhìn chăm chú, máu nghề nghiệp lại trỗi dậy, trong phòng này toàn là đồ cổ thật đấy. Gã nhìn xong rồi nói: “Nhìn quần áo như thế này, hẳn là người thời dân quốc.”
Nhưng mà đồ cổ trong phòng này ít nhất cũng phải là đồ từ thời nhà Thanh, gã vừa nhìn đã dính chặt mắt vào đó.
“Chỉ nghĩ được đến đó thôi. Đợi ra ngoài tôi cho ông một miếng ngọc.” A Kiều nói rồi sai gã. “Ông đi xem xem đây là đám cưới của ai.”
“Tốt quá.” Tiền Nhị vừa nghe A Kiều định cho gã một miếng ngọc, biết ngay là đồ tốt, nhiệt huyết dâng trào, mau chóng đi nghe lén.
Tuy đây là ảo cảnh nhưng cái gì cũng giống y như thật, ngay cảm đám người hầu kẻ hạ đang khua môi múa mép cũng vậy, đám nha hoàn hùa nhau cười nhạo Bạch đại nãi nãi không được sủng ái, cái vị nhị di nãi nãi này mới là người trong lòng Bạch đại gia.
Làm lễ cưới này phải tiêu tổng cộng hai ngàn đồng đại dương, ngoài ra đại gia chuộc thân cho nhị di nãi nãi đã tiêu hết một vạn đồng đại dương, đấy là còn chưa kể đến những thứ quần áo đắt như vàng mà ông ta đã tặng lúc theo đuổi bà ấy.
Tiền Nhị định kể những chuyện này cho A Kiều mà đi khắp nơi chẳng thấy cô đâu, gã sợ đến mức toát mồ hôi lạnh mới thấy cô đang vào chiếc bàn đối diện sân khấu, tay cầm một nắm hạt dưa, nhẩn nha cắn, mũi chân còn đang nhếch lên đu đưa.
Suýt nữa Tiền Nhị đã quỳ xuống trước mặt cô, gã nghiêng lại gần kể chuyện cho A Kiều nghe rồi lại tỏ vẻ kì quặc: “Đây chẳng lẽ là làm đám cưới xung hỉ tránh tang à?” Không phải.
A Kiều nhả vỏ hạt dưa, chỉ lên sân khấu: “Đến rồi.”
Tiếng nhạc trên sân khấu bỗng thay đổi, giọng nói tinh tế cất lên: “Ai da, họa mi lang [2].”
[2] Họa mi là vẽ mày, chồng vẽ mày cho vợ thể hiện sự ân ái giữa hai vợ chồng. Họa mi lang là chỉ người chồng, người yêu.
Chú thích của editor:
Giường Bạt Bộ
Kiếm tiền đồng