Khi Robert Bellamy đến cổng thì trời vẫn còn tối. Anh cho xe đỗ sát bờ tường cao tới hai mét rưỡi, còn căng dây thép gai phía trên. Một bốt gác đặt ở đó với hai người bảo vệ có vũ trang. Một người lính đứng lại bên trong nhìn ra trong lúc người kia tiến đến bên chiếc xe.
– Tôi có thể giúp gì cho ông?
– Sĩ quan chỉ huy Bellamy tới gặp tướng Hilliard.
– Xin ông cho xem giấy tờ, ông chỉ huy?
Robert Bellamy móc ví và lấy tấm thẻ căn cước của anh có ghi Phòng 17 Tình báo hải quân. Người lính gác xem tấm thẻ một cách cẩn thận và đưa trả lại cho anh.
– Cảm ơn ông chỉ huy.
Anh ta gật đầu với người lính đứng trong bốt gác, và cánh cổng mở ra. Người lính gác phía trong nhấc điện thoại.
– Sĩ quan chỉ huy Bellamy đang trên đường vào.
Một phút sau, Robert Bellamy tiến đến trước một chiếc cổng điện đóng kín bưng.
Một người lính gác tiến đến bên chiếc xe.
– Sĩ quan chỉ huy Bellamy phải không?
– Đúng vậy.
– Xin phép được xem giấy tờ của ông?
Anh đã toan phản đối nhưng rồi lại nghĩ. Thây kệ. Đây là lãnh địa của họ mà. Anh lại móc ví ra và đưa tấm thẻ cho người lính.
– Cảm ơn ông chỉ huy. – Người lính làm một tín hiệu nào đó không rõ, và cánh cổng mở ra.
Khi Robert Bellamy lái xe tiến vào, anh lại nhìn thấy một bức tường bảo vệ thứ ba ở trưóc mặt. Lạy Chúa, anh nghĩ, mình đang ở trong vùng cấm rồi.
Một người gác mặc quân phục khác bước lại bên chiếc xe. Khi Robert Bellamy đưa tay để lấy chiếc ví ra thì người gác nhìn biển số xe và nói:.
– Xin chạy thẳng tới toà nhà điều hành, thưa ông chỉ huy. Sẽ có người đón ông tại đó.
– Cám ơn.
Cánh cổng mở ra, và Robert cứ theo đường xe chạy, tới bên một toà nhà khổng lồ trắng toát. Một người đàn ông mặc đồ dân sự đang đứng đợi phía bên ngoài, run lên vì những cơn gió lạnh của tháng mười.
– Ông chỉ huy, ông có thể để xe ở ngay đó. Chúng tôi sẽ lo sau. – Anh ta gọi to.
Robert Bellamy để chìa khoá lại trong xe và bước ra. Người đàn ông đứng đón anh chừng ba mươi tuổi, dáng cao, gầy, nước da mai mái.
– Tôi là Harrison Keller. Tôi sẽ đưa ông đến phòng làm việc của tướng Hilliard.
Họ đi vào một phòng tiền sảnh lớn, trần nhà cao.
Một người đàn ông mặc đồ dân sự đang ngồi sau chiếc bàn.
– Sĩ quan chỉ huy Bellamy.
Robert Bellamy quay người lại. Anh nghe tiếng kêu tách của một chiếc máy ảnh.
– Cám ơn ngài.
– Cái gì? – Robert Bellamy quay sang Keller.
– Chỉ mất một phút thôi. – Keller đoán chắc với anh.
Sáu mươi giây sau, Robert Bellamy được trao cho một tấm phù hiệu nhận dạng màu xanh trắng với ảnh của anh trên đó.
– Xin ông đeo tấm phù hiệu nầy liên tục trong thời gian ông ở trong toà nhà nầy, ông chỉ huy.
Được. Họ bắt đầu đi theo một hành lang dài, sơn màu trắng, Robert Bellamy thấy những chiếc camêra bảo vệ được đặt cách nhau chừng sáu mét dọc theo cả hai bên hành lang.
– Toà nhà nầy có lớn lắm không?
– Khoảng hơn hai trăm ngàn mét vuông, thưa ông chỉ huy…
– Thế cơ à?
– Dạ. Cái hành lang nầy là hành lang dài nhất thế giới – ba trăm hai mươi lăm mét. Chúng tôi hoàn toàn tự nhốt mình ở đây. Tại đây có một trung tâm mua bán, tiệm cà phê, trạm bưu điện, tám Snackbar, một bệnh viện kèm theo một phòng mổ, một phòng khám nha khoa, một chi nhánh ngân hàng nhà nước của vùng Laurel, một tiệm giặt là, một tiệm giầy, một hiệu cắt tóc và một vài cửa hàng linh tinh khác nữa.
Một cái nhà ở xa của mình, Robert nghĩ. Anh cảm thấy chán nản một cách kỳ lạ.
Họ đi ngang qua một khu vực rộng lớn đầy những máy tính điện tử. Robert dừng chân, kinh ngạc.
– Một ấn tượng mạnh, phải không ạ? Đó mới chỉ là một trong số những phòng máy tính của chúng tôi. Hệ thống nầy gồm những máy giải mã và những máy tính trị giá 3 tỉ đôla.
– Có tất cả bao nhiêu người làm việc ở đây?
– Khoảng mười sáu ngàn.
Anh được dẫn vào chiếc thang máy, loại dành riêng, mà Keller sử dụng với một chìa khoá. Họ đi lên tầng trên và bắt đầu theo một lối khác trên dãy hành lang dài cho tới khi họ tới khu phòng làm việc ở phía cuối hành lang.
– Ngay trong nầy thôi, ông chỉ huy.
Họ bước vào một phòng đợi lớn, với bốn bàn thư ký. Hai trong số thư ký đã đến làm việc. Harrison Keller gật đầu với một trong hai người, và cô ta bấm một cái nút. Cánh cửa dẫn vào căn phòng phía trong bật mở.
– Xin mời vào, thưa quý vị. Tướng quân đang đợi các ông.
– Đi lối nầy. – Harrison Keller nói.
Robert Bellamy lặng lẽ theo anh ta. Anh thấy mình bước vào căn phòng rộng lớn, trần nhà và tường đều được bọc một lớp cách âm dầy. Căn phòng đầy đủ tiện nghi, với nhiều những bức ảnh và vật kỷ niệm có tính chất cá nhân. Rõ ràng là người đàn ông ngồi sau chiếc bàn kia đã ở đây khá lâu rồi.
Tướng Mark Hilliard, phó giám đốc NSA, có vẻ chừng giữa tuổi 50, dáng rất cao, khuôn mặt nổi bật với cặp mắt giá lạnh, sắt đá, tư thế đĩnh đạc. Ông tướng mặc một bộ complê mà xám, chiếc sơmi trắng và càvạt xám. Mình đã đoán đứng, Robert nghĩ.
Harrison Keller cất tiếng:
– Báo cáo tướng Hilliard, đây là sĩ quan chỉ huy Bellamy.
– Cảm ơn ông đã ghé qua, ông sĩ quan.
Cứ như là một lời mời đên dự bữa tiệc trà vậy.
Hai người đàn ông bắt tay nhau.
– Mời ngồi. Tôi xin cược là ông muốn dùng một ly cà phê.
Ông ta đọc được ý nghĩ người khác.
– Vâng, thưa ngài.
– Còn Harrison?
– Không, cảm ơn ngài. – Anh ta ngồi xuống một chiếc ghế dựa ở góc phòng.
Một nút bấm được ấn xuống, cánh cửa mở ra, một người phương Đông mặc đồng phục bước vào với một khay cà phê và bánh nướng Đan Mạch. Robert để ý thấy anh ta không đeo phù hiệu nhận dạng. Thật tệ.
Cà phê được rót ra. Mùi thơm ngào ngạt.
– Ông uống thế nào nhỉ? – Tướng Hilliard hỏi.
– Uống đen ạ. – Ly cà phê thật ngon.
Hai người đàn ông ngồi đối diện nhau, trên những chiếc ghế da mềm.
– Ngài giám đốc yêu cầu tôi gặp ông.
Ngài giám đốc, Edward Sanderson. Một nhân vật huyền thoại trong nghề gián điệp. Một nghệ sĩ rối, bậc thầy, tài ba và nhẫn tâm, nổi danh với vỉệc tổ chức hàng chục cuộc đảo chính táo bạo trên khắp thế giới ít khi người ta nhìn thấy ông xuất hiện trước công chúng mà chỉ thầm thì nói về ông ta ở chốn riêng tư.
– Ông đã ở phòng 17 ngành tình báo hải quân bao lâu rồi, ông sĩ quan? – Tướng Hilliard hỏi.
– Mười lăm năm. Robert không úp mở. Anh dám đánh cược cả tháng lương rằng ông tướng có thể nói chính xác ngày anh gia nhập ONI.
– Trước đó, tôi tin là ông đã chỉ huy một phi đội máy bay của Hải quân ở Việt Nam.
– Thưa ngài, vâng.
– Ông đã bị bắn rơi. Họ không nghĩ là ông có thể qua khỏi.
Tay bác sĩ nói: “Hãy quên anh ta đi. Anh ta sẽ không qua được được đâu”. Anh đã muốn chết đi cho rảnh. Sự đau đớn thật không thể chịu nổi. Và rồi Susan đang cúi xuống bên anh: “Mở mắt ra nào, chàng thuỷ thủ anh đâu có muốn chết”. Anh đã bắt hai mắt mình phải mở ra và qua sự lờ mờ trong đau đớn, nhìn thấy người phụ nữ đẹp nhất mà anh từng thấy trên đời. Cô có khuôn mặt trái xoan mềm mại, mái tóc đen dầy, đôi mắt nâu long lanh và một nụ cười ấm lòng. Anh đã cố mở miệng nói, nhưng điều đó quá sức.
Tướng Hilliard đang nói điều gì đó.
Robert Bellamy kéo đầu óc mình trở về với hiện tại.
– Ngài nóì gì, thưa tướng quân?
– Chúng ta có một rắc rối, ông sĩ quan. Chúng tôi cần sự giúp đỡ của ông.
– Chuyện gì vậy, thưa ngài?
Ông tướng đứng dậy và bắt đầu đi đi lại lại.
– Điều tôi sắp nói với ông là một vấn đề rất nhạy cảm. Nó còn trên mức tối mật.
– Rõ, thưa ngài.
Ngày hôm qua, ở vùng núi Alps, Thuỵ Sĩ, một quả bóng thám không thời tiết của NATO đâm vào núi. Có một vài dụng cụ thí nghiệm quân sự tối mật ở trên quả cầu đó.
Robert thấy mình bỗng phân vân, không hiểu tất cả những chuyện nầy sẽ dẫn tới đâu.
– Chính phủ Thuỵ Sĩ đã chuyển tất cả những dụng cụ nầy khỏi quả cầu đó, nhưng đáng tiếc là hình như có một số người đã chứng kiến vụ tai nạn. Điều có tính quan trọng sống còn là không ai trong số họ được nói với bất kỳ ai khác về những gì họ đã trông thấy. Bởi nó có thể cung cấp những thông tin quý giá cho một số nước nhất định. Ông nghe tôi nói đấy chứ?
– Thưa ngài, tôi nghĩ là như vậy. Ông muốn tôi nói chuyện với các nhân chứng và cảnh cáo họ không bàn tán về những gì họ đã trông thấy.
– Không hoàn toàn như vậy, ông sĩ quan.
– Vậy thì tôi không hiểu?
– Tôi muốn ông đơn thuần tìm ra những nhân chứng nầy. Những người khác sẽ nói với họ về sự im lặng cần thiết kia.
– Tôi hiểu. Tất cả những nhân chứng nầy đều ở Thuỵ Sĩ ư?
Tướng Hilliard dừng lại trước mặt Robert.
– Đó chính là khó khăn của chúng ta, ông sĩ quan ạ ông biết đấy, chúng ta không hề biết họ là ai. Hay họ ở đâu.
Robert nghĩ là anh đã bỏ qua điều gì đó.
– Xin ngài nói lại?
– Chúng ta chỉ có một thông tin duy nhất là các nhân chứng đi trên một chiếc xe buýt du lịch theo tuyến. Họ ngẫu nhiên đi qua hiện trường khi quả bóng thám không bị nạn gần một làng nhỏ tên là… ông ta quay sang Harrison Keller.
– Uctendort.
Viên tướng quay lại phía Robert.
– Khách xuống xe trong ít phút để xem vụ tai nạn và rồi lại tiếp tục đi. Khi chuyến du lịch kết thúc, những người khách nầy lại tản đi tứ phương.
Robert chậm rãi nói:
– Thưa tướng quân Hilliard, có phải ngài đang nói rằng không hề có hồ sơ gì về việc những người nầy là ai hoặc họ đã đi đâu ư?
– Đúng thế.
– Và ngài muốn tôi sang đó tìm họ?
– Đúng thế. Ông đã được người ta tin cậy tiến cử. Tôi nghe nói ông có thể nói lưu loát dăm bảy thứ ngôn ngữ, và ông có một tiểu sứ hoạt động tuyệt vời: Ngài giám đốc đã thu xếp để ông được tạm thời chuyển sang NSA.
– Khủng khiếp thật! Tôi cho là tôi sẽ làm việc với chính phủ Thuỵ Sĩ về chuyện nầy?
– Không, ông sẽ làm việc một mình thôi.
– Một mình? Thế nhưng…
– Chúng ta không được kéo bất kỳ ai khác vào sứ mệnh nầy. Tôi không sao nói hết được tầm quan trọng của những gì có trong quả cầu đó, ông sĩ quan ạ. Vấn đề là thời gian. Tôi muốn ông báo cáo với tôi về kết quả mỗi ngày của công việc ông làm.
Viên tướng viết một con số lên tấm các và đưa nó cho Robert.
– Có thể gọi tôi ở số máy nầy, ngày cũng như đêm. Một chiếc máy bay đang đợi để đưa ông tới Zurich. Ông sẽ được đưa về chỗ ở để thu xếp hành lý cần thiết, và rồi ông sẽ được đưa ra sân bay.
Quá nhiều cho lời “Cảm ơn ông đã ghé qua”. Robert muốn hỏi “Sẽ có người cho mấy con cá vàng của tôi ăn trong thời gian tôi đi vắng chứ?” nhưng anh có cảm giác rằng câu trả lời sẽ là “ông không có con cá vàng nào cả”
– Ông sĩ quan, trong công việc của ông bên ONI, tôi cho là ông có những quan hệ tình báo ở nước ngoài?
– Thưa ngài, vâng. Tôi có một vài người bạn có thể có ích.
– Ông không được tiếp xúc với bất kỳ ai trong số họ. Ông không được phép có bất kỳ tiếp xúc nào cả. Không còn nghi ngờ là những nhân chứng mà ông sẽ tìm kiếm là công dân của nhiều nước khác nhau. – Viên tướng quay sang Harrison Keller.
Keller bước đến bên một chiếc tủ hồ sơ ở góc phòng và mở ra. Anh ta lấy một phong bì lớn, chuyển cho Robert.
– Có năm mươi ngàn đôla trong nầy bằng một số đồng tiền châu Âu khác nhau và hai mươi ngàn đôla Mỹ. Ông cũng sẽ thấy dăm bộ giấy tờ giả sẽ được chuyển đến vào lúc cần thiết.
Tướng Hilliard giơ ra một tấm các bọc nhựa màu đen bóng và dầy cộp với một vạch trắng trên đó.
– Còn đây là chiếc thẻ tín dụng.
– Tôi không cho là tôi sẽ cần đến nó, thưa tướng quân. Số tiền mặt sẽ là đủ, và tôi còn một chiếc thẻ tín dụng của ONI rồi.
– Cầm lấy.
– Tốt thôi. – Robert xem xét tấm thẻ. Nó được đảm bảo bởi một nhà băng mà anh chưa bao giờ được nghe thấy tên. Phía dưới tấm thẻ có một số điện thoại.
– Không có cái tên nào trên thẻ cả. – Robert nói.
– Nó tương đương với một tấm ngân phiếu trắng đấy. Nó không đòi hỏi sự nhận diện nào. Hãy yêu cầu họ gọi điện đến số máy trên thẻ khi ông mua một thứ gì đó. Điều quan trọng là ông phải luôn luôn giữ nó trong người.
– Vâng.
– Và nầy, ông sĩ quan?
– Dạ, thưa ngài.
– Ông phải tìm được những nhân chứng đó. Tất cả bọn họ. Tôi sẽ thông báo với giám đốc rằng ông đã bắt đầu nhận nhiệm vụ nầy.
Cuộc gặp gở kết thúc.
Harrison Keller tiễn Robert ra phòng ngoài. Một lính thuỷ đánh bộ mặc quân phục đã ngồi ở đó. Anh ta đứng dậy khi hai người bước vào phòng.
– Đây là đại uý Dougherty. Anh ấy sẽ đưa ông ra sân bay. Chúc may mắn.
– Cảm ơn.
Hai người bắt tay nhau. Keller quay đi và bước trở vào văn phòng của tướng Hilliarđ.
– Ông đã sẵn sàng chưa, thưa ông sĩ quan chỉ huy? – Đại uý Dougherty hỏi.
– Rồi.
Mà sẵn sàng gì mới được cơ chứ? Trong qụá khứ, anh đã giải quyết nhiều nhiệm vụ tình báo phức tạp, nhưng chưa bao giờ có chuyện điên rồ như thế nầy. Người ta muốn anh tìm kiếm một số lượng không rõ những nhân chứng không được biết là ai và không biết là người nước nào. Xác suất được thua trong chuyện nầy ra sao đây? Robert phân vân. Mình cảm thấy giống như Nữ hoàng Trắng trong Xuyên qua lớp kính vậy. Sao có lúc tôi tin là có tới sáu điều không thể được trước bữa ăn sáng. Ồ, đây là cả sáu điều đó cộng lại.
– Tôi được lệnh đưa ông thẳng về chỗ ở và rồi ra căn cứ không quân Andrews, – đại uý Dougherty nói. – Có một chiếc máy bay đang đợi.
Robert lắc đầu.
– Tôi phải ghé vào cơ quan tôi trước đã.
Dougherty lưỡng lự.
– Cũng được. Tôi sẽ cùng đi với ông đến đó và đợi ông.
Dường như không thấy anh thì họ không tin anh vậy. Bởi vì anh đã biết có một quả bóng thám không bị nạn ư? Điều đó thật vô lý. Anh trao lại tấm phù hiệu của mình tại bàn đón tiếp và bước ra ngoài trời giá lạnh, rạng sáng. Chiếc xe của anh không còn đó.
Thay vào chỗ đó là một chiếc xe sang trọng dài thượt.
– Chiếc xe của ông sẽ được bảo quản, thưa ông chỉ huy, – đại uý Dougherty nói với anh. – Chúng ta sẽ đi chiếc xe nầy.
Có một sự quan tâm chu đáo về tất cả đến mức Robert cảm thấy hơi khó chịu.
– Được anh nói.
Và họ lên đường tới Cục Tình báo hải quân. Mặt trời buổi sớm mờ nhạt đã biến mất sau những đám mây mưa. Sẽ là một ngày xấu. Theo nhiều nghĩa chứ không hẳn chỉ là một, Robert nghĩ.