Một dòng không khí cuồng nộ quật cô xuống đất và quăng cô về phía trước, nhưng cô cố đứng dậy và chạy tiếp. Chỉ được vài bước, cô cảm thấy nghẹt thở như sắp bị ngất đi. Cô cố lao lên vài bước nữa, vài bước nữa, cho đến khi cô đập đầu vào một vật cứng. Anna đặt tay lên bề mặt một bức tường và bắt đầu dò dẫm tìm đường đi. Nhưng cô đang tránh xa hay đang xông vào giữa luồng khói? Tro và bụi xộc đầy vào miệng, mắt, tai, mũi cô và bám vào da cô. Cô có cảm giác như mình sắp bị thiêu sống. Cô nghĩ tới hình ảnh những người nhảy ra khỏi tòa nhà. Một cái chết như vậy nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với việc bị khói và lửa tra tấn đến chết. Giờ thì cô đã hiểu cảm giác của họ, nhưng cô đâu có ở trên một tòa nhà cao tầng nào để có thể nhảy xuống. Cô chỉ còn có thể nghĩ đến một điều là bao lâu nữa mình sẽ chết ngạt. Cô bước lên một bước nữa, quỳ xuống và bắt đầu cầu nguyện.
Đức Chúa trời… Cô cảm thấy lòng nhẹ nhõm, và khi cô vừa chuẩn bị nhắm mắt để buông mình vào một giấc ngủ vĩnh hằng thì trông thấy ánh đèn pha của xe cảnh sát. Người ở trên thiên đường… Cô thu hết tàn lực đứng lên và loạng choạng bức về phía ánh đèn. Tên Người là linh thiêng… nhưng chiếc xe chạy nhanh quá, và không nhận thấy tiếng kêu cứu yếu ớt của cô. Vương quốc của Người… Anna lại ngã xuống và bị mép đường cứa rách đầu gối, Người là đấng tối thượng, nhưng cô chẳng cảm thấy gì. Dưới trần thế, cũng như trên thiên đường. Cô bám vào mép hè đường và không hiểu bằng cách nào đó, cô tiến lên được một vài insơ nữa. Cô vừa sắp tắc thở thì cảm thấy mình chạm vào một cái gì đó âm ấm. Còn sống không? “Cứu”, cô kêu lên một cách yếu ớt và hoàn toàn không hy vọng nhận được câu trả lời.
“Đưa tay cho tôi”, câu trả lời đến ngay lập tức. Cánh tay của anh ta rất rắn chắc. “Cố đứng lên nào!”
Với sự giúp đỡ của anh ta, bằng một phép màu nào đó, Anna đã đứng dậy được. “Cô có trông thấy ánh đèn ở đằng kia không?” giọng nói hỏi cô, nhưng cô thậm chí chẳng trông thấy anh ta đang chỉ tay về hướng nào. Anna xoay một vòng, và nhìn chằm chằm vào không gian tối đen đang bao phủ quanh mình. Bỗng cô hét lên một tiếng kêu vui sướng khi cô nhìn thấy một tia nắng đang xuyên qua màn khói dầy đặc. Cô nắm chặt tay người lạ và cả hai cùng nhích dần về phía luồng sáng mỗi lúc một lớn dần, cho đến khi cô bước ra khỏi địa ngục và trở về với New York.
Anna quay sang nhìn người vừa cứu cô. Một hình người phủ đầy tro bụi. Nếu không có chiếc mũ và phù hiệu, cô sẽ không thể nhận ra đó là một viên cảnh sát. Anh ta mỉm cười và đôi hàm răng trắng bóng của anh ta hiện ra trên khuôn mặt đen như bồ hóng. “Cứ nhằm hướng ánh sáng mà đi”, anh ta nói, và biến vào màn khói đen kịt trước khi cô kịp nói lời cảm ơn. Amen.
***
Fenston chỉ dừng tìm cách liên lạc với văn phòng của mình khi tòa Tháp Bắc đổ sụp xuống trước mắt ông ta. Ông ta để ống nghe xuống rồi chạy dọc theo hành lang để tìm Leapman. Gã đang nguệch ngoạc dòng chữ “ĐÃ BÁN” lên cánh cửa một văn phòng không có người.
“Ngày mai sẽ có mười nghìn người tới thuê chỗ này”, gã nói. “ít nhất thì chúng ta cũng đã giải quyết được một chuyện”.
“Ông có thể thay thế một văn phòng, nhưng thứ ông không thể thay thế là tiền của tôi”, Fenston nói một cách bực bội. Ông ta dừng lại. “Và nếu tôi không sờ được vào bức Van Gogh.”
Leapman nhìn đồng hồ. “Chắc đã bay qua được một nửa Đại Tây Dương”.
“Hy vọng là thế, bởi vì bây giờ thậm chí chúng ta chẳng còn tài liệu nào để chứng minh bức tranh đó thuộc về mình”, Fenston vừa nói vừa nhìn ra ngoài cửa sổ. Ông ta nhìn chằm chằm vào đám mây xám xịt đang lơ lửng trên khu vực nơi trước đó tòa Tháp đôi vẫn vươn lên kiêu hãnh.
Anna nhập vào một nhóm người tả tơi khi họ thoát ra khỏi bóng tối. Mọi người quanh cô trông đều rã rời như thể họ vừa kết thúc một cuộc chạy maratông, nhưng vẫn chưa đến đích. Thoát ra khỏi bóng đen kinh hoàng đó, Anna nhận thấy mình không dám nhìn thẳng vào ông mặt trời; thậm chí việc mở mí mắt ra cũng đã là một khó khăn đối với cô. Đi tiếp, đi tiếp, cô loạng choạng, từng ly một, từng bước một và sau mỗi bước lại gập người ho ra bụi và tro. Cô tự hỏi không hiểu còn bao nhiêu thứ chất lỏng đen đặc ấy đọng lại trong người cô. Đi tiếp được vài bước nữa, cô khuỵu gối xuống, rồi tiếp tục ho và khạc nhổ. Khi ngẩng nhìn lên, cô thấy một đám người đang nhìn mình một cách kinh ngạc, như thể cô vừa hạ cánh xuống từ một hành tinh khác.
“Chị đã có mặt ở một trong hai tòa tháp đó à?” một người hỏi cô. Anna không còn sức để trả lời, và cô quyết định tránh xa những cặp mắt tò mò ấy càng nhanh càng tốt. Đi được vài bước nữa, Anna đụng phải một du khách Nhật Bản đang cúi khom người để chụp ảnh cô. Cô bực mình xua tay. Ông ta lại cúi thấp mình hơn nữa và xin lỗi.
Khi tới ngã tư tiếp theo, cô ngã ngồi xuống bên vỉa hè và nhìn lên biển chỉ đường-cô đang ở giao lộ giữa phố Franklin và phố Nhà thờ. “Mình chỉ còn cách nhà Tina vài khu nhà nữa” là ý nghĩ đầu tiên của cô. Nhưng Tina vẫn còn ở đâu đó sau cô, làm sao cô ấy có thể sống sót? Không một tín hiệu cảnh báo, một chiếc xe buýt đỗ lại ngay sát bên cô. Cho dù trên xe đã chật cứng người, giống như những toa xe điện ở San Francisco vào giờ cao điểm, mọi người vẫn cố mở một đường cho cô lên. Chiếc xe buýt dừng lại ở mọi góc phố, để đón một số người lên và thả một số người khác xuống, và không có ai hỏi thu tiền. Dường như mọi người dân New York đang đoàn kết lại để vượt qua thảm kịch này.
“Chúa ơi”, Anna thì thầm khi ngồi trên xe buýt, hai tay ôm lấy mặt. Lần đầu tiên cô nghĩ tới những người lính cứu hỏa đi ngược chiều với mình nơi cầu thang bộ, tới Tina và Rebecca, những người chắc có lẽ là đã thiệt mạng. Một thảm kịch không chỉ còn là một bản tin khi một nạn nhân của nó là người mà ta quen biết.
Khi chiếc xe buýt dừng lại tại một ngôi làng gần công viên Quảng trường Washington, Anna gần như ngã ra khỏi xe. Cô loạng choạng đi lên vỉa hè, ho ra những cục bụi đen kịt. Cô đã cố nhịn để không ho trên xe buýt. Một người phụ nữ cúi xuống và đưa cho cô một chai nước. Anna súc miệng và nhổ ra một bãi nước đen nhờ. Cô tiếp tục súc miệng hết chai nước mà không dám uống lấy một giọt. Người phụ nữ chỉ về phía một khách sạn nơi những người thoát nạn đang vào ra từng đoàn. Chị ta nắm lấy tay Anna, rồi đưa cô tới khách sạn đó và dẫn cô tới tận toa lét dành cho nữ giới ở tầng trệt. Trong toa lét đầy người, cả nam lẫn nữ. Anna nhìn mình trong gương và hiểu tại sao những người đi đường lại nhìn cô một cách tò mò như vậy. Trông cô như thể vừa bị ai đó dội mấy thùng nước tro lên đầu. Cô rửa tay dưới vòi nước cho đến khi chỉ còn những vết đen bám ở móng tay. Rồi cô bắt đầu tìm cách gột rửa lớp bụi bám trên mặt-một công việc đầy khó khăn. Cô quay lại để cảm ơn người phụ nữ lạ, nhưng chị ta, cũng giống như viên cảnh sát kia, đã biến mất.
Anna khập khiễng đi ra đường, cổ họng khô rất, đầu gối rớm máu, chân phồng rộp và đau nhức. Vừa loạng choạng đi dọc khu Waverly Place, cô vừa cố nhớ số nhà của Tina. Cô đi qua nhà hàng Waverley Diner không một bóng người, rồi dừng lại trước số nhà 273.
Anna nắm lấy thanh thép quen thuộc ở bao lơn như nắm một sợi dây cứu mệnh và khập khiễng đi lên những bậc thềm tới cánh cửa trước. Cô lấy tay lần theo những cái tên gắn trên một tấm bảng cạnh cửa: Amato, Kravits, Gambino, O’Rourke, Forster… Forster, Forster, cô lặp lại cái tên một cách sung sướng, trước khi ấn cái chuông nhỏ. Nhưng làm sao Tina có thể trả lời tiếng gọi chuông của cô, khi mà chắc chắn là cô ta đã chết, là ý nghĩ duy nhất của Anna lúc đó. Cô bỏ tay ra khỏi bảng tên như thể điều đó có thể làm cho Tina sống lại. Cuối cùng cô quay mình bước đi, nước mắt chảy dàn dụa trên khuôn mặt bám đầy tro bụi, rồi thình lình một giọng nói bực bội lên tiếng hỏi, “Ai đấy?”
Anna khuỵu xuống bậc thềm.
“Ôi, Chúa ơi”, cô kêu lên, “cậu vẫn còn sống, vẫn còn sống”.
“Nhưng cậu không thể”, một giọng nói đầy ngờ vực cất lên.
“Mở cửa ra”, Anna nói, “và cậu sẽ thấy mình vẫn còn đây”.
Tiếng chốt cửa được rút ra là âm thanh tuyệt vời nhất mà Anna được nghe ngày hôm ấy.