Mẹ tôi không được học hành tử tế, khi mang thai tôi, bà ấy mượn một cuốn từ điển của người bạn thuở nhỏ, ngày nào cũng đọc, thế là phát hiện ra từ “Vận Thanh” – Âm thanh du dương, vần điệu nhịp nhàng. Và nếu là con trai thì chỉ cần đổi một chữ thôi, là Lâm Thịnh.
Có lẽ do tôi đã được gọi bằng cái tên này nhiều năm, thấy tên con gái nghe hay hơn nhiều.
Những điều này không phải do chính miệng mẹ tôi kể lại, mà được người bạn thời thuở nhỏ của bà ấy thỉnh thoảng kể cho nghe.
Người đó luôn nói kèm theo vẻ tiếc nuối và buồn bã, thể như bác ấy buồn hơn tôi rất nhiều. Tôi biết điều đó thật kỳ lạ, nhưng tôi chưa bao giờ được nhìn thấy mẹ tôi – bà bị vỡ tử cung vào ngày tôi chào đời, qua đời vì mất quá nhiều máu.
Người bạn ấy của mẹ đã có gia đình, đã có con cái, song lúc nào cũng chăm lo giúp đỡ tôi. Thỉnh thoảng chúng tôi ngồi sưởi nắng cạnh nhau trên chiếc ghế tre trước cửa nhà cũ, bác ấy nhéo má tôi và nói, Vận Thanh trông giống mẹ quá, mắt và mũi đẹp y hệt mẹ.
Thật sao? Tôi về nhà, lục tìm hai bức ảnh duy nhất của mẹ mà tôi có, một bức là ảnh cưới của bố mẹ, bức còn lại là ảnh mẹ tôi ngồi trên xích đu cùng người bạn thuở nhỏ. Tôi vừa nhìn ảnh vừa soi mình trong gương, giống hay không giống, tôi không biết, chỉ cảm thấy thật xa lạ.
Tôi được bố nuôi dạy khôn lớn, theo như lời mọi người thường nói, ông ấy là một người lương thiện, không giỏi ăn nói nhưng được cái chất phác hiền lành. Khi không có việc gì làm, bố tôi ở nhà kiếm việc. Khi có việc, bố tôi ra công trường làm, mỗi tuần về nhà một ngày, mang về mấy món đồ chơi xinh đẹp mà bọn trẻ con thích cho tôi, rồi đưa một ít tiền cho bà nội chăm sóc tôi. Đôi khi tôi nghe thấy bà nội giục bố tìm cho tôi một người mẹ khác, ông ấy chỉ trả lời: “Không vội.”
“Không vội” nghĩa là gì? Hồi đó còn nhỏ nên tôi không biết, nhưng khi nghe thấy bà nội và bố thì thầm nói chuyện, tôi biết đây không phải một cuộc trò chuyện mà tôi nên nghe. Tôi chỉ có thể im lặng, ngoan ngoãn ăn hết bát cơm trên tay.
Sau đó tôi được đưa đi học tiểu học trên thị trấn, các bạn chê cười tôi vì tôi là một đứa trẻ không có mẹ. Càng quá đáng hơn nữa, họ nói tôi khắc chết mẹ tôi. Tôi không muốn bị nói như vậy, thế là cãi nhau to với họ rồi giơ nắm đấm lên. Nhưng khi về đến nhà lại trốn trong phòng thầm khóc, không dám lớn tiếng vì sợ bà nội nghe thấy. Tôi lại lấy ảnh của mẹ ra, nhìn người phụ nữ trẻ tuổi với nụ cười tươi tắn mà chảy nước mắt, thầm tự hỏi, có thật là con khắc chết mẹ ư? Mẹ có trách con không? Con xin lỗi…
Những ngày như vậy cứ tiếp diễn cho đến khi tôi học lớp 2, một hôm tôi về nhìn thấy một người phụ nữ lạ ở nhà. Cô ấy có mái tóc ngắn, trông rất giản dị, tay dắt một đứa bé vẫn chưa bước vững.
“Thanh thanh, đây là cô Trần, con chào đi.”
Tôi ngước lên nhìn bố, rồi nhìn sang bà, thấy vẻ mặt bà không vui. Không biết có nên gọi hay không, tôi đành cẩn thận nói ba chữ “Con chào cô”.
Cô Trần rất dịu dàng, lại gần sờ lên mái tóc tôi: “Thanh Thanh ngoan quá.” Sau đó cúi xuống bế con nhỏ lên, dạy: “Duyệt Duyệt, chào chị đi.”
Cô bé đó không chào, chỉ tròn xoe mắt nhìn tôi.
Đến tối tôi nghe bố và bà bội cãi nhau, bà nội chất vấn bố, tại sao lại tìm một con đàn bà từng qua một lần đò về đây, lại còn dắt theo của nợ. Giọng bà rất lớn, tôi nghĩ chắc ai cũng nghe thấy.
Tôi biết “của nợ” nghĩa là gì… Tôi từng nghe các bạn cùng trang lứa gọi tôi như thế. Nghĩ đến ánh mắt của đứa bé vẫn đang bập bẹ học nói, tôi cảm thấy bé cũng đáng thương như tôi.
Sáng sớm hôm sau thức dậy, tôi thấy trong bếp cô Trần đã nấu xong mì làm bữa sáng cho cả nhà. Bà nội cũng có phần, nhưng bà không ăn. Tôi ngồi cạnh bố, cô Trần thì ôm đứa bé trong lòng. Bốn người chúng tôi ngồi bên chiếc bàn gỗ gấp, trước mặt là những bát mì cà chua trứng nóng hổi.
“Thanh Thanh, cô Trần là bạn bố quen ở công trường, từ giờ trở đi sẽ sống cùng chúng ta. Duyệt Duyệt là con gái của cô Trần, từ sau cũng sẽ là em gái của con. Bây giờ con đã làm chị, phải học cách chăm sóc em.”
Tôi không ngạc nhiên khi nghe bố nói thế. Vậy ra cô Trần chính là mẹ mới của tôi, nhưng có gì đó ngăn tôi gọi cô là mẹ. Tôi chỉ biết cười ngoan ngoãn gọi thêm một câu “cô Trần”, rồi nói “chị chào em” với đứa trẻ đang không hiểu gì cả, cho họ biết rằng tôi đã chấp nhận, dù tôi không còn lựa chọn nào khác.
Vì thái độ can ngăn quyết liệt của bà nội nên bố tôi và cô Trần không làm giấy chứng nhận kết hôn, chúng tôi vẫn cứ thế sống chung dưới một mái nhà.
Rồi Trần Phương không còn làm việc ở công trường nữa, chỉ ở nhà chăm tôi và Trần Cẩn Duyệt, thành thử chúng tôi có nhiều thời gian với nhau hơn. Tôi biết nói thế này thật không hay, nhưng tôi thích Trần Phương hơn bà nội. Trần Phương luôn dịu hiền và kiên nhẫn, quan tâm xem trên đường đến trường tôi có bị lạnh hay không, có nên đan thêm cho tôi một chiếc áo len hay không, hay là hỏi tôi có thích ăn đồ cô ấy nấu không.
Bà nội thường làm khó Trần Phương, trong khi cô Trần luôn nhẫn nhịn chịu đựng. Có lần tôi muốn giúp lắm vì không thể cứ khoanh tay đứng nhìn, cho dù tôi không làm được gì nhiều và bà nội cũng không ứ gì tôi, nhưng Trần Phương đã ngăn tôi lại, cố tình mượn cớ bảo tôi đi trông em. Để rồi buổi tối khi nằm trên giường, Trần Phương nói: “Thanh Thanh ngoan, không sao đâu. Bà nội cũng vất vả lắm.”
Tôi thích những tháng ngày đó, như thế tôi mới cảm nhận được phần nào cách mọi người miêu tả về “mẹ”.
Đồng thời, cũng giống như mọi người, tôi cho rằng cuộc sống tuy chưa hoàn hảo nhưng chỉ cần thế thôi cũng đã đủ tươi đẹp, bỗng mọi thứ ngừng lại vào một ngày Trần Phương thông báo rằng cô ấy có thai. Nếu vừa hay là bé trai thì mọi chuyện sẽ hoàn toàn thay đổi. Nói không chừng bà nội sẽ vì vậy mà thích Trần Phương hơn.
Nhưng không.
Chúng tôi sống với nhau được hai năm, cho đến khi Trần Cẩn Duyệt có thể tròn vành rõ chữ gọi tôi là “Chị Thanh Thanh” và dần dần lúc nào cũng dính lấy tôi, Trần Phương vẫn chưa mang đến đứa con thứ ba cho gia đình này. Tôi không rõ đầu đuôi căn cớ, nhưng tôi biết đó không phải là chuyện xấu.
Nhưng thế nào mới là chuyện xấu? Chuyện xấu sẽ đảo lộn cuộc đời ta vào những lúc ta không ngờ nhất, theo chiều hướng mà ta chẳng thể lường trước nhất. Hôm đó tôi vẫn còn học trên trường, thấy chủ nhiệm lớp hớt hải chạy vào lớp gọi tôi ra, tôi thấy chú tôi mang vẻ mặt u ám nặng nề, nói bố tôi đã xảy ra chuyện, chú đến đón cháu về.
Về đến nhà, thấy bà tôi đang khóc giời khóc đất và Trần Phương đang ngồi xổm lau nước mắt bên cạnh, tôi mới nhận ra đây không phải là một tai nạn bình thường, bố tôi đã mất. Tôi nghe đồng nghiệp của bố ở công trường nói Lâm Thành Kiến không thực hiện các biện pháp bảo hộ khi làm việc trên cao, vô tình bị ngã, tử vong tại chỗ. Xin gửi lời chia buồn tới gia đình.
Nước mắt tôi chảy dài trên mặt, chẳng thể nào ngừng lăn. Trần Cẩn Duyệt núp trong góc nhìn thấy tôi khóc, chập chững lại gần, suýt nữa thì ngã, em nắm lấy ống quần đồng phục học sinh của tôi, gọi tôi là chị Thanh Thanh, chị Thanh Thanh…
Tôi quỳ xuống ôm em, vừa khóc vừa lau nước mắt cho em. Trần Cẩn Duyệt còn quá nhỏ để hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nhìn thấy mẹ khóc, nhìn thấy tôi khóc thì cô bé khóc theo.
Nhưng những giọt nước mắt của tôi, một nửa tôi dành cho bố, một nửa dành cho chính tôi.
Những ngày sau đó tôi không đi học, chỉ ở nhà lo đám tang cùng người lớn. Bầu không khí trở nên nghiêm trọng và kỳ lạ, có người hàng xóm bàn tán rằng Trần Phương sắp đi bước bữa, có người nói tôi đáng thương, mẹ thì mất, bố thì chết. Tôi không phân biệt nổi rốt cuộc câu nào làm tôi đau lòng hơn.
Bà nội không chịu đựng được cú sốc tinh thần, trở nên cực kỳ cay nghiệt. Bà khóc suốt cả ngày lẫn đêm, mấy ngày liền không ăn được bao nhiêu. Khi nhìn thấy tôi, bà mắng tôi vì đã hại chết mẹ tôi và khắc chết con trai bà, nói tôi là sao chổi xui xẻo, là đồ phá của tốn cơm. Tôi thảm hại vì bị mắng, nhưng thực ra trong lòng chẳng cảm thấy gì nữa.
Hay là bẩm sinh tôi đã không có trái tim, ngay cả bản thân tôi cũng không nắm bắt nổi cảm xúc của chính mình.
Nhưng đó là lần đầu tiên Trần Phương đứng lên cãi lại bà nội, vì tôi.
“Sao bà lại mắng con bé! Con bé là cháu gái của bà!” Cô ấy bảo vệ tôi sau lưng.
“Ai mà cần nó?! Ngay cả họ hàng bên nhà mẹ nó còn không muốn nó, nên Lâm Thành Kiến mới nuôi ấy chứ. Nếu không có tao thì nó có lớn được như ngày hôm nay không? Cái loại lấy oán báo ân!”
Trần Phương quay người lại nhìn tôi, tay run rẩu lau nước mắt trên mặt tôi, nói: “Không phải đâu, bố con rất yêu con, ông ấy không hề không cần con.”
Tất nhiên tôi biết điều đó, nhưng tôi không nói gì cả.
“Trần Phương, mày mau mang theo của nợ của mày cút khỏi cái nhà này. Đừng diễn kịch ở đây nữa, cũng đừng mơ lấy được một xu tiền bồi thường. Nếu mày thích cái con xui xẻo kia thì dẫn theo đi, Thành Kiến đúng là bị các người cùng nhau hại chết!”
Trần Phương mặc kệ, nhưng tôi thấy vẻ do dự trên mặt cô, tôi biết rồi sẽ đến lúc mình phải đối mặt với khoảnh khắc này. Tôi quay người định về phòng, nhưng Trần Cẩn Duyệt nắm lấy tay tôi không cho tôi đi, có lẽ em sợ hãi trước tiếng cãi nhau ồn ào. Tôi cúi xuống nhìn em, một cô gái nhỏ co rúm lại vì sợ, trong lòng dấy lên cảm xúc lẫn lộn, cuối cùng, tôi quyết định cạy ngón tay em ra, rút tay về.
Tôi nghe giọng em chuyển từ thút thít sang oà khóc, tôi không ngoảnh lại, mà đóng chặt cửa, chặn mọi thứ lại bên ngoài.
Bảy ngày sau, bố được chôn cạnh mộ của mẹ. Dạo đó tôi tránh giao tiếp nhiều với Trần Phương. Sau khi quỳ lạy trước mộ bố, tôi trốn trong phòng một mình khóc không ra hơi, vò đầu bứt tóc, vùi đầu vào đầu gối, căm hận sự xuất hiện của bản thân trên cõi đời này.
Tôi lại một lần nữa cầm bức ảnh của mẹ lên, nghĩ giờ đây mình sẽ sống dật dờ như tấm bèo nước, không có nơi nào để đến và không có đường nào để về. Tôi nhìn bức ảnh, nhìn khuôn mặt đáng lẽ nên cảm thấy thân thương nhất trên đời này, nhưng thực ra lại vô cùng xa lạ, đau đớn vô cùng.
Tôi không biết mình là ai.
Đúng lúc đó Trần Phương gõ cửa phòng, tôi cho cô ấy vào, cũng không giấu gì những giọt nước mắt của tôi, song vẫn cố gắng tỏ ra bình thản nhất có thể. Tôi đoán cô ấy sắp bỏ đi, cô ấy và bố tôi không có con, cũng không ràng buộc bởi hôn nhân hợp pháp. Một khi bố tôi mất, mọi thứ đều đứt gánh giữa đường.
Tôi giả vờ bình tĩnh hỏi: “Duyệt Duyệt đâu ạ?”
“Đang ngủ trong phòng.” Trần Phương bước tới cạnh tôi, rúc vào trong góc cùng tôi, tôi thì ôm đầu gối ngồi xổm, còn Trần Phương ngồi trên nền nhà.
Nhìn bức ảnh trên tay tôi, Trần Phương nhẹ nhàng rút ra, tôi không ngăn cản cô ấy. Cô ấy hỏi tôi có nhớ mẹ không.
Tôi không trả lời, thậm chí còn có chút hy vọng cô ấy sẽ nhanh chóng nói ra điều muốn nói, cho mọi thứ nhanh nhanh kết thúc đi. Quá trình chờ đợi hồi hộp đối với tôi giống như lưỡi dao tùng xẻo sắc bén.
Nếu phải nói về điều làm tôi luyến tiếc, thì tôi luyến tiếc Trần Phương, không nỡ rời xa Trần Cẩn Duyệt, hay kể cả một chút hơi ấm gia đình không thuộc về tôi – chính lại là những thứ tôi không thể nắm giữ và cũng chẳng thể giữ chắc.
Không hiểu sao hạnh phúc dễ dàng thuộc về người khác nhưng lúc nào cũng thật xa vời và mong manh đối với tôi đến thế. Tôi vốn không tin tình yêu là thứ kiên cố vững bền, càng không tin tình yêu sẽ đến với tôi. Chán chường, thất vọng, vừa chạnh nghĩ, nước mắt vừa “lộp độp” rơi xuống nền bê tông.
Trần Phương gạt nước mắt cho tôi, tôi chống cự, nghĩ hành động này quá sức tàn nhẫn đối với mình.
Cô trả lại bức ảnh vào tay tôi. Tôi nhẹ nhàng nhận lấy, chờ đợi những lời tiếp theo.
“Thanh Thanh…” Trần Phương gọi tên tôi, không biết sau này có bao giờ được nghe lại ai đó gọi tôi theo cách dịu dàng như vậy nữa không?
“Con vẫn làm chị gái của Duyệt Duyệt được không?”
…
Tôi ngạc nhiên ngước lên nhìn, Trần Phương cũng nhìn tôi, trong mắt đầy bao dung và nghiêm túc. Hay là tôi hiểu sai lời cô ấy nói?
“Cô sẽ đưa con đi cùng,” Trần Phương tiếp.
Tôi không thể nhịn được nữa, không biết đây là mơ hay là thật, chỉ biết nước mắt tôi ào ra chẳng thể kìm nén như sóng triều trào dâng. Tôi nhào vào vòng tay của Trần Phương, khóc không thành tiếng, nói với âm tiết đứt đoạn: “Vâng.”
Chờ thêm hơn một tháng, tiền bồi thường của cha tôi đã có, tổng cộng 120.000 tệ, mạng người thật rẻ rúng, chỉ mấy xấp tiền đặt trên bàn thôi là đổi được cả cuộc đời. Với điều kiện là dẫn tôi đi, Trần Phương lấy 10.000 tệ, sau đó cô cũng giúp tôi chuyển trường và tìm một căn nhà nhỏ rách nát ở thành phố để ở tạm.
Ngày rời làng, chúng tôi chỉ mang theo cả thảy hai kiện hành lý và ít đồ đạc nhỏ lẻ. Trần Phương không còn rảnh tay, một tay tôi giúp xách ít đồ, tay còn lại dắt theo Trần Cẩn Duyệt – em gái tôi.
Chúng tôi lên xe, cất hành lý. Tôi ôm em gái trong lòng, nhìn đôi mắt sáng ngời của em và đôi môi ngọt ngào gọi tôi là chị Thanh Thanh… Em rất hào hứng đối với chuyến đi.
Tôi hôn lên má em, tôi không biết chiếc xe sẽ lái đi đâu, nhưng không sao, Trần Phương biết, tôi sẽ đi theo cô ấy.
Năm đó tôi đã hơn chín tuổi, chưa tròn mười. Nhìn cô em gái trong vòng tay, tôi biết tình yêu của Trần Phương dành cho em ấy là bản năng, nhưng tình yêu cho tôi là một sự lựa chọn.
Tôi mãi mãi biết ơn sự lựa chọn ấy. Tôi không làm được gì nhiều, chỉ có thể thương yêu em gái nhiều hơn.
Nghĩ đến đây, tôi lại hôn lên má em.