Bẩm Đại Nhân - Có Người Gây Rối, Nhiễu Loạn Triều Cương

Chương 21


Viên Tử Vọng cố ý tìm đến Tằng Tri Hứa để giải thích khoa thi mùa xuân sắp đến, Lại Bộ giao cho y công vụ cần phải đến ngoại tỉnh để công tác, khích lệ tinh thần cho các sĩ tử.

Y dẫn theo Đồng Thấm bởi vì phu nhân đã lâu không ra ngoài, Tô Châu lại là nửa quê hương của nàng, y muốn nhân cơ hội này dẫn nàng du ngoạn một phen.

Người ta đã đưa ra công văn rõ ràng, Tằng Tri Hứa cũng khó mà nói thêm gì. Ta thì mỗi ngày đều dỗ dành Đồng Thấm, cuối cùng nàng cũng đồng ý để ta đi theo.

Vài ngày trước khi lên đường, lại xảy ra một chuyện kỳ lạ. Chưởng quỹ của Vân Lai tửu lâu tìm đến cửa, ông nói vào đêm mồng bảy, Viên Tử Vọng đến Vân Lai tửu lâu để mua say, sau đó có lẽ do quá chén y đã đập phá không ít bàn ghế trong quán. Những vật ấy chẳng phải quý giá gì, nhưng kệ rượu lại không may bị hủy hoại, trong đó có vài hũ rượu ngon được chưởng quỹ ủ suốt ba mươi năm, thiệt hại này thật lớn vô cùng.

Viên Tử Vọng không có ở nhà, Đồng Thấm là người tiếp đãi lão chưởng quỹ. Nàng tuy trông có vẻ khờ khạo, nhưng thực ra không hề ngốc nghếch, lập tức hiểu rõ ý tứ trong lời của lão chưởng quỹ, liền sai tỳ nữ đến sổ sách lấy tiền, bồi thường gấp đôi cho lão chưởng quỹ, còn thay mặt Viên Tử Vọng xin lỗi chân thành. Trái lại làm lão chưởng quỹ có chút ngượng ngùng, ông lấy từ trong ngực ra một tờ giấy giao cho Đồng Thấm.

Lão chưởng quỹ nói: “Đây là bài thơ do Nguyên đại nhân đề trên tường vào đêm đó, tiểu nhân đã đặc biệt sao chép lại, xin phu nhân thỉnh giáo đại nhân, nếu đại nhân đồng ý, tiểu nhân muốn đóng khung bài thơ này, coi như là phúc khí của tửu lâu chúng ta.”

Đồng Thấm mở tờ giấy ra, ta nghiêng đầu nhìn, đó là một câu thơ: “Đẳng hàn biến khước cố nhân tâm, khước đạo cố nhân tâm dị biến.”

Vì sao Viên Tử Vọng lại viết câu thơ này trên tường?

Ta cảm thấy kỳ lạ, nhưng lại chú ý đến sắc mặt của Tông Thấm sau khi nhìn thấy câu thơ này liền trở nên trắng bệch.

Đến khi lão chưởng quỹ rời đi, Đồng Thấm vẫn nắm chặt tờ giấy, hai tay run rẩy, hồi lâu không lấy lại tinh thần.

Nhưng ta lại nắm được manh mối, ta hỏi: “Phu nhân, đêm mồng bảy, có phải là sanh thần của phu nhân không? Chẳng phải đại nhân nói quay về Lại Bộ xử lý công vụ, sao lại đến Vân Lai tửu lâu uống rượu một mình?”

Ta quan sát biểu hiện của Đồng Thấm, nàng khẽ cau mày, xem ra cũng không hiểu nổi.

Ta hỏi tiếp: “Phu nhân, đêm ấy, hai người có cãi nhau không?”

Đồng Thấm chậm rãi lắc đầu. Đúng vậy, bọn họ thành hôn đã ba năm, chưa từng lớn tiếng với nhau.

Ta lại hỏi: “Vậy đại nhân có nói với phu nhân chuyện ngài ấy đi uống rượu đêm đó không?”

Đồng Thấm lại lắc đầu, vẻ u sầu trên trán càng thêm đậm.

Cuối cùng ta hỏi: “Đại nhân có điều gì phiền lòng chăng, phu nhân có muốn hỏi thử không?”

Đồng Thấm không phản ứng gì chỉ chặt chẽ nắm lấy tờ giấy, sai ta đi gọi lão chưởng quỹ đến sơn lại tường, còn dặn dò lão chưởng quỹ đừng để lộ chuyện Viên Tử Vọng làm bậy khi say rượu.

Ta đáp ứng, nhưng trong lòng lại biết, việc này ắt có điều mờ ám.

Thế nhưng, Đồng Thấm chẳng hỏi Viên Tử Vọng điều gì, hai vợ chồng thu xếp xong xuôi, liền ngồi xe ngựa đi về phía nam.

Mùa đông ở Tô Châu có một vẻ đẹp khác lạ, khi chúng ta đến đúng vào lúc trời sắp trở lạnh, thời tiết vô cùng oi bức, ẩm ướt, hơi nước tụ lại trong không trung, nhìn đâu cũng thấy một tầng sương mù, chẳng thấy chút dấu hiệu nào của mùa đông.

Dường như Viên Tử Vọng không quen với khí hậu ẩm ướt ở đây, trông người y có vẻ uể oải.

Đồng Thấm lau mặt cho y, nhẹ giọng hỏi: “Khi chúng ta còn nhỏ sống ở Nam Hải quận, nơi đó còn oi bức hơn nhiều, sao bây giờ phu quân sao lại không quen?”

Viên Tử Vọng cười cười, nhẹ nhàng đáp lại: “Lâu ngày không trở về, có lẽ thân thể của vi phu đã quen với thời tiết phương Bắc rồi.”

Đồng Thấm cúi đầu giặt khăn, không nói thêm lời nào.

Lại bộ Thị lang đến Tô Châu, tất nhiên sĩ tộc địa phương không dám lơ là, Viên Tử Vọng thông thạo đạo làm quan, đối với những thiện ý của họ đều tiếp nhận hết thảy một đoàn người đông đảo kéo tới, không ngờ mở tiệc tại tửu lâu, đặt hẳn năm mâm rượu.

Đồng Thấm theo lễ đi cùng, đối mặt với sự nịnh nọt của những phu nhân quan lại, nàng vẫn có chút khờ khạo không nói một lời, chỉ im lặng bóc tôm cho Viên Tử Vọng. Viên Tử Vọng sau vài chén hoàng tửu, sắc mặt đã đỏ bừng, hơi men lượn lờ. Y ngồi xuống, thấy trong bát mình là những con tôm nõn trong suốt, hoàn chỉnh, ánh mắt không khỏi trở nên ấm áp nhìn về phía Đồng Thấm.

Đồng Thấm cười với y, đó là một nụ cười tĩnh lặng và ấm áp.

Viên Tử Vọng ăn liên tục vài con tôm, lặng lẽ nắm lấy tay Đồng Thấm dưới gầm bàn để biểu thị sự cảm kích.

Cảnh tượng này, không biết đã khiến bao nhiêu đôi phu thê trong quan trường ghen tị. Nhưng ta nhìn biểu cảm của Đồng Thấm, không hiểu sao càng lúc càng thấy tuyệt vọng, mờ mịt.

Lần này theo cùng còn có không ít quan viên của Lại Bộ, khi Viên Tử Vọng uống nhiều rượu về phòng nghỉ ngơi, những người kia liền bày biện ra, ngụ ý sâu xa mà nói về chuyện làm khảo quan chẳng dễ dàng gì. Các đại gia thế tộc tất nhiên hiểu rõ ẩn ý trong lời nói, ngân phiếu, châu báu thay nhau nhét vào tay họ, miệng cười xin hãy thông cảm.

Ta ẩn mình trong góc nhìn rõ tất cả.

Mà điều ta nhìn rõ hơn cả là khi Viên Tử Vọng rời tiệc, trong mắt y hoàn toàn không có chút say.

Rõ ràng y đã quen với những việc như vậy, thậm chí còn đang dung túng cho tất cả diễn ra. Cá lớn nuốt cá bé, cá bé ăn tôm tép, không chừng số tiền hối lộ mà những tiểu quan nhận được đằng sau còn phải chia một phần cho y.

Viên Tử Vọng…a…e rằng là một trong những mắt xích của vụ án mua quan bán chức. Y xuất thân từ sĩ tộc, gia tộc của thê tử lại là mạch hệ thâm hậu ở Tô Châu, y hoàn toàn có khả năng lợi dụng thế lực của gia đình Đồng Thấm để câu kết với các đại gia thế tộc địa phương. Tô Hàng xưa nay phú quý, các công tử nhà giàu muốn làm quan vốn chẳng phải chuyện khó khăn gì. Viên Tử Vọng còn mang danh quan chức của Lại Bộ, việc dàn xếp giữa chốn quan trường càng dễ như trở bàn tay.

Vậy kẻ muốn ám sát y, là ai?

Vài ngày sau, phụ mẫu của Đồng Thấm đến thăm nàng, ta vốn tưởng sẽ thấy cảnh phụ từ tử hiếu, mẫu hiền tử thảo, không ngờ phụ mẫu của Đồng Thấm đối với nàng lại lạnh nhạt, mà Đồng Thấm cũng giữ tư thế nghiêm chỉnh, mắt không liếc nhìn, chẳng hề có chút thân mật nào giữa người thân.

Hai lão phu thê Đồng gia đều chỉ tập trung vào Viên Tử Vọng. Hết hỏi Viên Tử Vọng về quan lộ thế nào, lại hỏi y kết giao được những trọng thần nào. Cuối cùng, Đồng phu nhân dặn dò Đồng Thấm, nói bà có thân thích ở xa định tham gia khoa thi mùa xuân năm nay, rồi đưa cho Đồng Thấm một phong bao nhỏ bên trong ghi tên tuổi và quê quán của vị thân thích này, nhờ nàng giao cho Viên Tử Vọng, mong y giúp đỡ sắp xếp. Đồng Thấm đáp một tiếng vâng, vẫn như thường lệ ngoan ngoãn vâng lời.

Sau khi tiễn phụ mẫu rời đi, ta không nhịn được mà thăm dò Đồng Thấm, muốn biết vì sao một đại tiểu thư như nàng lại phải sống chịu đựng như thế.

Tông Thấm bình thản đáp: “Ta là thứ nữ. Lão gia phu nhân không muốn mang tiếng là hà khắc với thứ nữ, người biết xuất thân của ta là thứ nữ cũng không nhiều.”

Thì ra là vậy nhưng ta cảm thấy có điều gì đó kỳ quặc.

Những gia tộc sĩ tộc xưa nay vốn rất coi trọng xuất thân môn đệ, nếu Đồng Thấm chỉ là thứ nữ, sao Viên gia lại đồng ý cho Viên Tử Vọng cưới nàng?

Đồng Thấm ném phong bao đi.

Ta kinh ngạc trước sự phản nghịch của nàng, nàng lạnh nhạt nói: “Cả đời chàng chỉ mong muốn bảo vệ sự công bằng của trường thi. Ta không thể làm khó chàng.” 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận