Băng Phách Hàn Quang Kiếm

Chương 2: Ma quỷ thành trung văn ngọc địch


Lời vừa dứt, chợt nghe tiếng ầm ầm vang vọng khắp thung lũng. Những võ sĩ do vương tử Nepal phái tới đã phát hiện tung tích bọn họ, liên tục ném những tảng đá lớn xuống. Quế Hoa Sinh cả giận:

– Thủ đoạn thật độc ác!

Vừa nói vừa kéo Mạch Sĩ Già Nam tránh né, có mấy tảng đá lăn tới cạnh suối nhưng không tảng nào chạm được đến họ. Một tên võ sĩ hắc y lần xuống, tưởng chừng chuẩn bị ném đá tiếp. Quế Hoa Sinh cười lạnh: 

– Được, cho ngươi nếm thử mùi vị bị ném đá!

Song chỉ dụng lực bắn ra. Võ sĩ kia không ngờ Quế Hoa Sinh lại có Đạn Chỉ thần công, có thể bắn viên đá lên cao mấy chục trượng, nhất thời bị đánh trúng huyệt đạo, hét lên rồi ngã xuống!

Các võ sĩ khác thấy vậy thì không dám tới gần hơn nữa, không ngừng ném đá xuống. Đột nhiên trong sơn cốc vang lên tiếng sấm đinh tai, đập vào các vách đá xung quanh rồi dội lại khiến ai nấy váng óc. Mạch Sĩ Già Nam kêu lớn: 

– Không xong rồi, nếu chúng tiếp tục ném đá sẽ gây ra tuyết lở!

Vừa nói xong thì tuyết đã bắt đầu lăn xuống, thanh thế kinh người! Ở những dãy núi cao quanh năm tuyết phủ thường xảy ra hiện tượng tuyết lở, nhất là những ngọn núi ở Tây Tạng vốn có vô số động băng. Chỉ cần có gió mạnh hoặc địa chấn thì những khối băng tuyết nặng ngàn cân sẽ tuôn trào như núi lửa, dù là anh hùng hảo hán thần thông quảng đại cũng bị chôn sống. Những võ sĩ kia tuy không có khả năng tạo ra địa chấn, nhưng đá lớn liên tiếp bị ném xuống làm động đến băng tuyết, càng ném thì phạm vi rung động càng lớn, cũng làm hiện tượng tuyết lở xảy ra. Quế Hoa Sinh không thể liều mình đánh nhau với bọn họ, chỉ đành dùng khinh công thượng thừa tránh né tuyết lăn, lại còn phải chiếu cố cho Mạch Sĩ Già Nam. Dù y võ công trác tuyệt, cũng luống cuống tay chân. Tuyết lở càng lúc càng nhiều, càng lăn càng lớn. Tình cảnh của hai người càng lúc càng nguy hiểm, mắt thấy tuyết cầu ầm ầm lăn xuống chấn động cả thung lũng, núi băng dường như cũng rung rinh. Chợt họ nghe tiếng địch nhu hòa theo gió từ xa truyền tới, tiếng tuyết lăn như sấm cũng không át nổi tiếng địch!

Quế Hoa Sinh kinh ngạc bội phần, không chỉ là vì nội công thâm hậu của người thổi địch, mà còn vì giai điệu dịu dàng êm tai, tựa như,

Gian quan oanh ngữ hoa để hoạt,

U yết lưu cảnh thuỷ hạ than. (*)

(*) hai câu trong bài Tỳ Bà Hành cửa Bạch Cư Dị:

閒關鶯語花底滑,

幽咽流景水下灘。

Dịch nghĩa:

(Nghe như) tiếng chim oanh giọng (líu lo) qua lại trong hoa

Nhịp suối ngập ngừng, nước chảy xuống bãi

Mời xem thêm tại 

Đây là giai điệu Giang Nam. Vài năm qua Quế Hoa Sinh đều rong ruổi chốn biên cương, những điều mắt thấy tai nghe chỉ là thảo nguyên đại mạc, đàn hồ gió bắc, chưa được nghe qua tiếng ngọc địch êm tai thế này.

Một lát sau, tiếng địch thay đổi, từ điệu tình cảm Giang Nam đã đổi thành điệu U Yến, 

Ngân bình sạ phá thuỷ tương bính,

Thiết kỵ đột xuất đao thương minh. (*)

Mạnh mẽ hiên ngang, làm cho người ta sục sôi huyết mạch, tinh thần phấn chấn, Quế Hoa Sinh càng thấy lạ, ở nơi núi băng hẻo lánh này, sao lại có nữ tử Trung Nguyên tinh thông âm luật đến thế?

(*) hai câu trong bài Tỳ Bà Hành cửa Bạch Cư Dị:

銀瓶乍破水漿迸,

鐵騎突出刀鎗鳴。

Dịch nghĩa:

(Bỗng dưng nghe như) tiếng nước bắn tung ra khỏi thành bình bạc vị phá vỡ

(Nghe như) đoàn quân thiết kỵ ào ào đến, đao thương sáng ngời

Mời xem thêm tại 

Chuyện càng kỳ lạ hơn là, tiếng địch vừa cất lên, cầu tuyết lăn xuống ít dần, tiếng địch cất lên lần thứ hai, đám võ sĩ phía trên bắt đầu la hoảng, rồi không còn tảng đá nào ném xuống nữa. Một lát sau, tiếng chuông vang vọng từ thành ma quỷ truyền tới, Mạch Sĩ Già Nam nói: 

– Bọn hắn đánh chuông gọi người quay về!

Quả nhiên những võ sĩ kia xoay người chạy đi, tiếng còi hiệu vang lên đó đây trên đỉnh núi, vừa nghe là biết tín hiệu họ gửi về gọi đồng bọn.

Người đã đi mất, gió cũng lặng dần, sơn cốc trở lại vẻ yên tĩnh thường ngày. Mạch Sĩ Già Nam lẩm bẩm: 

– Chuyện này thật là kỳ quái, tại sao chúng lại sợ tiếng địch?

Ngừng lại một chút, hít một hơi dài, gã nói tiếp:

– Ban nãy trên đường đến đây ta cũng nghe có tiếng địch. Khi đó ta phát hiện có hai tăng nhân quần áo kỳ lạ theo dõi ta, ta đang định vạch trần bọn chúng thì tiếng địch vang lên, có điều không lớn và dài như hôm nay. Hai tên kia vừa nghe thì bỏ chạy mất. Ngươi có thấy không, tiếng địch vừa cất lên, đám kia đã không dám ném đá xuống nữa. 

Quế Hoa Sinh du hiệp tứ phương, kỳ nhân dị sự đã nhìn thấy không biết bao nhiêu lần nhưng chưa từng gặp chuyện quái lạ như đêm nay, suy nghĩ một chút, liền nói: 

– Nếu chúng sợ tiếng địch như vậy, trong thành ma quỷ cũng gióng chuông cảnh báo thì ngươi nên tranh thủ trốn xuống núi lúc này đi!

Mạch Sĩ Già Nam hỏi: 

– Ngươi thì sao?

Quế Hoa Sinh khẽ mỉm cười: 

– Ta muốn tìm hiểu thành ma quỷ một chút, hy vọng có cơ duyên gặp gỡ nhân vật thổi địch kia!

Mạch Sĩ Già Nam trân trọng tạ ơn Quế Hoa Sinh, nhắc lại tâm ý của Pháp vương Bạch giáo nhờ chuyển tới Hoạt Phật Đạt Lai lần nữa rồi từ tạ xuống núi.

Quế Hoa Sinh lại quay lại Thánh miếu. Lúc này cửa miếu đóng chặt, thủ vệ võ sĩ cũng biến mất. Quế Hoa Sinh nhảy lên tầng thứ nhất của Bạch tháp, ẩn thân sau gác mái cong cong, lén gỡ một viên ngói nhìn xuống. 

Bên dưới, hai hàng lông mày của vương tử đang nhíu chặt, hắn đang nói chuyện với một đám tăng lữ võ sĩ, có vẻ như đang thương nghị gì đó. Chúng dùng tiếng Nepal nói chuyện, Quế Hoa Sinh nghe không hiểu gì cả, nhưng nhìn thần sắc căng thẳng của chúng, tất có quan hệ với tiếng địch thần bí kia. 

Một lát sau chợt nghe ba tiếng huýt, một dài hai ngắn, đáp lại là ba tiếng vòng sắt kêu lanh canh, cũng là một dài hai ngắn, vương tử nhướng mày, vội nói nhanh hai chữ, cửa miếu mở ra, một hồng y lạt ma cao lớn bước vào.

Hồng y lạt ma này xem ra đã hơn sáu mươi tuổi, mặt đầy nếp nhăn nhưng tinh thần tráng kiện, vừa bước đến vừa cười lớn, nói tiếng Tạng:

– Được vương tử yêu mến mà triệu kiến, lẽ ra đã sớm bái yết, tiếc rằng có một số việc làm cho chậm trễ, xin thứ tội.

Vương tử kia tự mình ra nghênh đón, chắp tay đáp lễ cung kính, dùng Tạng ngữ hỏi thăm, sau đó nói: 

– Được Tàng Linh thượng nhân quang lâm, quả thật vui mừng không hết, không biết thượng nhân có chịu hạ mình đến tệ quốc làm Đệ nhất quốc sư không?

Quế Hoa Sinh kinh hãi, lúc sinh tiền, Quế Trọng Minh phụ thân y đã đi khắp Mông Cổ Tây Tạng, từng nói với y, Hồng giáo Tây Tạng có Tàng Linh thượng nhân tinh thông võ công mật tông, nội ngoại công phu đều cao vô cùng. Thiên Sơn nữ hiệp Dịch Lan Châu, một trong Thiên Sơn thất kiếm, khi rong ruổi Tây Tạng đã cùng lão ta tranh tài võ công, phải hơn trăm chiêu mới đánh bại được lão. Vương tử Nepal đêm nay tiếp kiến ba sứ giả Phiên vương Tây Tạng, sứ giả Bạch giáo Pháp vương ở Thanh Hải, lại đến vị đệ nhất cao thủ lạt ma của Hồng giáo này, dã tâm của hắn thật không thể xem thường.

Tàng Linh thượng nhân chắp tay nói: 

– Hiện nay Hoàng Giáo đang nắm quyền, tệ giáo ở Tây Tạng tuy không có chỗ dung thân nhưng không thể rời xa hương thổ.

Vương tử Nepal đáp:

– Tệ quốc vẫn không chọn Bạch giáo, thượng nhân nếu chịu ủy khuất làm quốc sư, quý giáo có thể phát dương quang đại ở tệ quốc, chuện đó có gì không tốt? Hơn nữa sau này vẫn có cơ hội quay lại Tây Tạng.

Tàng Linh thượng nhân suy nghĩ một hồi, hai mắt quét qua hai hàng tăng lữ võ sĩ, cẩn thận đánh giá, trên mặt lộ ra vẻ thất vọng.

Quế Hoa Sinh cảm thấy kỳ quái, Tàng Linh thượng nhân bên dưới lại nói: 

– Đề Ma Đạt Đa không ở đây sao?

Vương tử Nepal đáp:

– Tiểu quốc của chúng ta không giữ chân được lão, lão ta đã đến Mecca. (Thành phố thần thánh của Islam, thủ đô của lãnh thổ Makkah thuộc Ả Rập)

Tàng Linh thượng nhân nói: 

– Long Diệp đại sư ở Ấn Độ cũng không đến sao?

Vương tử Nepal đáp: 

– Năm ngoái Long Diệp đại sư từng tới kinh thành Đức Mãn Đô (*) của tệ quốc, có thể năm sau sẽ quay lại.

(*) Thành phố Kathmandu, hiện là thủ đô và là thành phố lớn nhất của Nepal.

Tàng Linh thượng nhân nói: 

– Ta tuy ở nơi hoang dã, kiến thức nông cạn, cũng có nghe nói Đề Ma Đạt Đa là đệ nhất cao thủ Ả Rập. Còn về Long Diệp đại sư, hơn mười năm trước ta đến Đức Lý (*) dâng hương có duyên gặp được ông ấy. Võ công của ông ta thật có thể gọi là kinh thế hãi tục. Ta nghĩ hai người này có thể tranh phong cùng lão khất bà họ Dịch ở Thiên Sơn. 

Quế Hoa Sinh cười thầm, Dịch Lan Châu đã mất bảy, tám năm, Tàng Linh thượng nhân không biết, vẫn còn nhớ hận xưa thù cũ.

(*) Delhi, thủ đô Ấn Độ.

Phiên tăng áo hồng có vị trí quan trọng ở Nepal, nghe Tàng Linh thượng nhân nói vậy, rõ ràng xem thường võ công của bọn họ, cảm thấy gượng gạo. Vương tử Nepal nói: 

– Thượng nhân muốn thấy hai người bọn họ cũng không phải chuyện gì khó, ngày phật đản năm tới ta sẽ mở tiệc Vô Già ở Kathmandu, hai người bọn họ nhất định sẽ đến.

Hai chữ “Vô Già” trong tiếng Phạn là muốn nói đến tâm thức “khoan dung vô lo”, ý rằng từ thánh hiền đến người thường, tăng lữ hay người vô thần, bần tiện hay quý phái đều có thể tham gia. Lễ Vô Già của đạo Phật là một lễ lớn, trong lịch sử Phật giáo ở Trung Quốc từng có Lương Vũ Đế từng làm lễ Vô Già (theo Nam Sử). Quế Hoa Sinh nghe xong, trong lòng hơi động, bất giác nghĩ về pháp hội ở Nepal.

Tàng Linh thượng nhân thở dài: 

– Phải chờ đến sang năm? Nếu hôm nay bọn họ có ở đây, ta có thể nhờ bọn họ ra sức đi lấy một thứ bảo vật hiếm có.

Vương tử Nepal hỏi: 

– Vật gì vậy? Phải đi đâu mà kiếm?

Tàng Linh thượng nhân cười nói: 

– Ngay trong núi này! Ta phí mấy chục năm tâm huyết mới tìm ra một chút đầu mối, còn chuyện có giống như ta dự liệu hay không thì không dám nói.

Vương tử Nepal thấy lão không chịu tiết lộ vật đó là cái gì thì khó chịu trong lòng, liền nói:

– Nếu thượng nhân đã chờ mấy chục năm thì cũng không cần vội trong chốc lát. Hay là quá bộ đến tệ quốc, chờ mời được Đề Ma Đạt Đa và Long Diệp thượng nhân rồi trở lại đây.

Tàng Linh thượng nhân lắc đầu nói: 

– Không phải vậy. Nói thật với vương tử, ta tới đây lần này, một là vì lòng ái tài của vương tử, sau là vì bảo vật này. Ta vừa đến ngọn núi này liền phát hiện có chút kỳ lạ, tựa hồ là có dị nhân võ công cực kỳ cao minh cũng đến đây, chỉ sợ bọn họ vì món bảo vật này mà đến.

Vương tử vội vàng hỏi: 

– Thượng nhân phát hiện chuyện kỳ lạ gì?

Tàng Linh thượng nhân hỏi: 

– Ban nãy các ngươi có nghe được tiếng địch không?

Vương tử nói: 

– Có chuyện gì sao?

Tàng Linh thượng nhân nói: 

– Người thổi sáo nội công rất có hỏa hầu, dưới trướng vương tử không thiếu cao thủ, lẽ nào không biết sao?

Vương tử cả kinh, rồi cười giả lả: 

– Người đó chắc không phải vì bảo vật mà đến, ta chỉ lo y đối đầu với ta!

Tàng Linh thượng nhân nói: 

– Bất kể như thế nào, bảo vật này ta không thể để cho người khác phát hiện trước. Dù có mạo hiểm cũng nhất định phải lấy được nó đêm nay. Vương tử, có một cách vẹn toàn cho đôi bên, ngươi giúp ta lấy bảo vật, ta lại giúp ngươi trừ kẻ lợi hại đối đầu kia. Người không cần lo lắng, có bảo vật trong tay, ta sẽ là thiên hạ vô địch!

Vương tử bán tín bán nghi, liền hỏi: 

– Giúp ông như thế nào?

Tàng Linh thượng nhân nói: 

– Cho ta một đội võ sĩ, để ta chỉ huy.

Vừa nói vừa đánh giá các võ sĩ tăng lữ lần nữa, từ nét mặt của lão có thể thấy rõ niềm tiếc nuối ở đây không có cao thủ, nhưng lão nóng lòng muốn lấy bảo vật kiếm có kia, bất đắc dĩ mạo hiểm một lần.

Vương tử hơi nhíu mày, thương lượng một lúc với hồng y phiên tăng, lựa ra tám võ sĩ mang đao.

Võ sĩ Nepal lấy võ phân định danh hiệu, ai nấy đều sử dụng “Qua Khắc lợi đao”, đao cong như trăng non, sắc bén ngang với miến đao. Tàng Linh thượng nhân nhướng mày thầm nhủ, “Tốt xấu cứ thử một lần.”

Rồi dẫn theo tám võ sĩ, bước ra khỏi miếu.

Quế Hoa Sinh thầm nghĩ, “Lão ta định tìm bảo bối gì mà có thể trở thành vô địch thiên hạ?”

Lòng hiếu kỳ nổi lên, định âm thầm theo dõi Tàng Linh thượng nhân, muốn tận mắt xem lão ta đào núi quật bảo, nhưng lại nghĩ, “Xem tình hình đêm nay, vị dị nhân thổi sáo chỉ sợ đã đến đây rồi, nếu như bỏ lỡ cơ hội thì tiếc nuối cả đời!”

Bảo vật vô giá dễ cầu, tuyệt thế cao nhân khó gặp, ý đã quyết liền ngồi lại xem tiếp.

Tàng Linh thượng nhân đi rồi, vương tử cùng tăng lữ và các võ sĩ lại tiếp tục dùng tiếng Nepal nói chuyện. Quế Hoa Sinh nghe không hiểu, khó chịu trong lòng. Qua một hồi lâu, y chợt thấy sắc mặt mọi người trong miếu trở nên căng thẳng, Quế Hoa Sinh hồi hộp, tai nghe văng vẳng tiếng địch, tiếng nhỏ mà trong như tơ nhện, một lát nữa, tiếng địch càng rõ hơn, như xa như gần, âm thanh cũng rõ hơn một chút, làn điệu tao nhã như tiên nhạc phảng phất, tươi đẹp nhu hòa, hoàn toàn trái ngược với không khí nghiêm trọng trong miếu. 

Tiếng địch đã đến sát bên, bỗng nhiên ngừng lại, có tiếng gõ cửa vang lên.

Tăng chúng võ sĩ im phăng phắc, không dám lên tiếng, ai lấy đều nhìn vương tử dò ý. Vương tử Nepal đeo mặt nạ lên mặt, mọi người thấy vậy đều làm theo. Mặt nạ làm bằng cỏ rơm, bao hết cả tai, chỉ lộ vị trí đôi mắt và miệng, nhìn thật hoạt kê.

Quế Hoa Sinh thầm nghĩ, “Chẳng lẽ người này là người quen? Bọn họ sợ bị nhận ra mặt thật?”

Chuyện nơi đây càng lúc càng kỳ lạ!

Tiếng gõ thứ mười ba vừa dứt, vương tử vung tay lên, cánh cửa sắt mở rộng, trong giây phút đó, Quế Hoa Sinh dường như không tin vào mắt mình.

Người bước vào là một thiếu nữ mặc áo trắng, khuôn trăng đầy đặn, tóc ngang vai, da như bạch ngọc, lông mày nhàn nhạt, đôi mắt xanh biếc sáng ngời! Nàng hình như là nữ nhi ngoại quốc, có mấy phần giống người Hán, mấy phần giống người Tạng, nhưng Quế Hoa Sinh chưa nhìn thấy nữ tử nào có dung mạo tuyệt sắc như vậy, dù là người Hán hay người Tạng.

Y không thể tin được, một mỹ nhân dị quốc lại có thể biết những giai điệu Giang Nam!

Chuyện kỳ lạ chỉ mới bắt đầu, thiếu nữ kia cất tiếng oanh vàng nói mấy câu, tuy Quế Hoa Sinh nghe không hiểu, nhưng tưởng chừng được nghe tiếng địch, khiến tâm hồn mê mẩn.

Mọi người trong miếu không ai lên tiếng, thiếu nữ kia khẽ mỉm cười, chậm rãi nói bằng tiếng Hán:

– Vương tử Ngạch Nhĩ Đô, ngươi không dám mặt đối mặt với ta, chắc là cũng biết việc ngươi đang làm ở đây là việc không thể lộ ra ngoài phải không? Được, ta nể mặt ngươi, không trách cứ ngươi trước mặt hạ nhân. Ngươi mau đưa ta về nước, chuyện đêm nay ta sẽ không nói cho bất cứ ai biết.

Thiếu nữ này biết Hán ngữ đã là một chuyện lạ, nàng lại dùng khẩu âm Bắc Kinh, tuy không trôi chảy lắm, nhưng từng chữ thốt ra thật chính xác. Hơn nữa, nghe cách nàng nói chuyện thì vương tử kia cũng biết Hán ngữ.

Sự thắc mắc này của Quế Hoa Sinh mãi sau khi y đến Nepal mới hiểu rõ. Trong lịch sử, Nepal từng thông thương qua lại với Trung Quốc, từ thời Tấn triều, hòa thượng Pháp Hiển từng đến Nepal, sau này cao tăng Huyền Trang thời Đường cũng đến đó, sau đó không lâu, Đường triều từng tiếp sứ tiết của Nepal. Thời Nguyên, các kiến trúc sư Nepal đã đắp tượng hơn tám mươi người từng đến Trung Quốc. Thủ lĩnh Araniko (*) từng là Quang Lộc đại phu, chức ngang Đại Tư Đồ thời Nguyên. Từ đó về sau hai nước qua lại không ngừng, cho nên giới thượng lưu ở Nepal hoàn toàn dùng Hán văn làm chữ viết chính, trong hoàng thất dùng Hán ngữ nói chuyện. Con cháu trong hoàng gia từ nhỏ đã học chữ Hán. Thiếu nữ này dùng Hán ngữ nói với vương tử, có ý giấu chúng nhân xung quanh.

(*) Xem thêm:

Nhưng vương tử kia vẫn im như thóc. Thiếu nữ nhẹ nhàng xoay sáo ngọc trong tay, miệng nói:

– Ngạch Nhĩ Đô, ta đã chừa cho ngươi một con đường lùi, ngươi không làm theo thì tự rước nhục!

Nàng vừa nói vừa chậm rãi bước đi giữa hai hàng tăng lữ võ sĩ, đôi mắt xinh đẹp lướt qua từng người, tựa hồ muốn tìm ra vương tử trong những kẻ này. Khi nàng đến gần tượng phật to lớn kia, một tăng nhân áo hồng khẽ run, rồi bật người lên chụp xuống thiếu nữ áo trắng.

Tăng nhân áo hồng tuy có mang mặt nạ, Quế Hoa Sinh vẫn nhận ra hắn chính là phiên tăng từng giao thủ với mình trước kia, thấy hắn đánh lén phía sau thiếu nữ, áo cà sa mở rộng như một đám mây lửa, thế đến như sấm sét khiến người khác kinh hãi. Hồng y phiên tăng ra tay nhanh, thiếu nữ kia còn nhanh hơn, nàng không quay đầu lại, phía sau dường như có mắt, trở tay vẩy sáo ngọc một cái, áo cà sa đã bật lên. Nói thì chậm, trong chớp mắt nàng đã xuất ba chiêu, sáo ngọc trong tay chỉ đông đánh tây, chỉ nam đánh bắc, rõ ràng là chiêu số kiếm pháp.

Trong lúc đó, vài võ sĩ khác cũng xuất thủ, tiếng loạt xoạt vang lên, ánh đao đầy phòng. Phía sau nàng, đám tăng lữ võ sĩ rút bội đao ra. Quế Hoa Sinh thầm kêu không ổn, y biết hồng y phiên tăng công lực không yếu, chỉ sợ thiếu nữ áo trắng khó ứng phó mười mấy thanh phi đao một lúc. Y không kịp suy nghĩ, bóp vỡ một viên ngói thành mấy chục mảnh nhỏ, phóng ra như mưa.

Công phu ám khí của Quế Hoa Sinh vốn thuộc hàng nhất lưu, tiếc rằng y đang treo ngược người trong mái, chỉ có thể dùng một cánh tay phát lực, thủ pháp phóng ám khí Đảo Tử Kim Tiễn tuy đánh rơi năm sáu thanh đao nhưng vẫn còn năm sáu thanh bay đến sau lưng bạch y thiếu nữ. 

Thiếu nữ bỗng cười dài một tiếng, sáo ngọc vẩy một cái, không biết nàng dùng thủ pháp gì đã cuốn lấy áo cà sa của phiên tăng kia. Sáo ngọc xoay tròn, khiến áo cà sa mở rộng, cuốn hết năm sáu thanh đao đó lại. Thủ pháp thâu ám khí kỳ diệu như vậy, đến Quế Hoa Sinh cũng thầm kêu xấu hổ, “Nếu biết nàng ta có công phu như thế, ta hà tất phải can thiệp?”

Hồng y phiên tăng mất áo, kinh hoàng thất sắc định lui ra, nhưng làm sao được. Năm ngón tay thiếu nữ kia giơ cao ống sáo, nhanh như chớp đã rạch nát mặt nạ của hắn. Tuyệt chiêu này càng khiến Quế Hoa Sinh kinh tâm động phách, sáo ngọc là nhạc khí hình trụ, nàng ta lại có thể dùng như đao sắc kiếm bén, lại không thương tổn đến da thịt của đối thủ. Công phu này Quế Hoa Sinh tự nhủ chưa chắc y có thể làm được.

Hồng y phiên tăng vừa mất áo vừa mất mặt nạ, nhất thời ngây người như phỗng. Đám võ sĩ đang vây công hoảng sợ, bạch y thiếu nữ kia không thừa cơ ra chiêu, chỉ thấy sáo ngọc xoay tròn giữa những ngón tay thanh tú, đôi mắt như minh châu trong veo chậm rãi nhìn từng người. Kỳ quái là, những người bị nàng ta nhìn qua đều câm lặng như ve sầu mùa đông, cả đại điện yên tĩnh, nghe được cả tiếng một sợi tơ rơi. 

Thiếu nữ nhìn hồng y phiên tăng, chậm rãi nói:

– Đạo Thánh quốc sư, ông không ở Kathmandu hành đạo lại chạy đến Tây Tạng làm hộ pháp sao? 

Hồng y phiên tăng không đáp, vứt mảnh mặt nạ còn lại trên mặt xuống, bước ra khỏi miếu.

Trong số các võ sĩ Nepal có người kinh hô, lập tức có thêm mấy người nữa đi theo phiên tăng kia. Không biết là ai bắn một mũi tên ra, xem ra những người này đều là tâm phúc của vương tử, tuy rõ biết không địch lại, vẫn thét vang xông lên.

Thiếu nữ lắc đầu thở dài, lạnh lùng nói: 

– Ngạch Nhĩ Đô vương tử, ngươi không nghe ta khuyên thì đừng trách ta rạch mặt ngươi!

Lời nói vừa dứt, sáo ngọc lại vung lên, trong chớp mắt đánh bay loan đao của các võ sĩ đứng xung quanh. Sáo ngọc bay múa một lúc, đã có năm sáu người bị nàng rạch nát mặt nạ.

Thiếu nữ mặc áo trắng cười vang, sáo ngọc dừng lại, trong chốc lát đám người đó ào ào bỏ chạy ra khỏi miếu như thủy triều rút, trong đại điện trống không bỗng có một người từ trên cao buông mình xuống, Quế Hoa Sinh vỗ tay:

– Ngọc địch phong thanh quả là cao cường, tại hạ xin chịu thua, thiện tai thiện tai!

Bạch y thiếu nữ nói: 

– Đa tạ cao nhân đã tương trợ, hân hạnh gặp mặt.

Quế Hoa Sinh đến gần thiếu nữ, dưới đèn lưu ly trong phật điện, nàng càng lộ vẻ yêu kiều xinh đẹp, thiếu nữ hơi cúi người, mỉm cười nói: 

– Tiểu nữ xin đáp lễ.

Môi nhỏ chúm chím như anh đào, mùi hương lẩn khuất trên người nàng khiến Quế Hoa Sinh ngây ngẩn tâm thần vội vàng đáp lễ.

Hai người gặp mặt, Quế Hoa Sinh ý loạn tình mê, cô gái kia cũng vừa mừng vừa sợ, thầm nhủ, “Nghe nói nam nhân Trung Hoa tuấn tú, quả nhiên không sai.” 

Có điều nàng hơi rụt rè, không giống như vẻ mặt Quế Hoa Sinh hiện giờ.

Quế Hoa Sinh lấy lại bình tĩnh, miệng nói: 

– Cuồng sinh vô lễ, xin hỏi phương danh tiểu thư.

Theo phong tục Trung Nguyên, hỏi tên một thiếu nữ xa lạ là việc không hợp lễ lắm, cũng may thiếu nữ này không câu nệ lễ tục, tự nhiên cười nói:

– Có gì là vô lễ, tôi tên Hoa Ngọc.

Quế Hoa Sinh ngẩn người: 

– Đây là tên người Trung Nguyên.

Bạch y thiếu nữ lại cười: 

– Thật sao? Tuy tôi chưa từng tới Trung Nguyên nhưng rất mong được đến đó. nghe nói người Hán thích ngọc thạch, xem nó như biểu tượng của sự kiên trinh nên tôi lấy tên này.

Quế Hoa Sinh đáp: 

– Hiểu biết của tiểu thư về Trung Nguyên thật không ít.

Thiếu nữ nói tiếp: 

– Tôi chỉ mới học Hán văn mấy năm, bảo là hiểu được Trung Nguyên thì còn kém lắm. Xin hỏi phương danh tiên sinh?

Quế Hoa Sinh nói: 

– Tôi là Quế Hoa Sinh.

Thiếu nữ lại cười khúc khích, nói:

– Nghe nói ở Trung Nguyên, tên của huynh đệ tỷ muội trong nhà thường có một chữ giống nhau phải không? 

Quế Hoa Sinh đáp: 

– Không sai, đó là cách định bối phận thường thấy ở Trung Nguyên.

Thiếu nữ tinh nghịch nói: 

– Huynh tên Hoa Sinh, tôi tên hoa ngọc, nếu ở Trung Nguyên, người khác sẽ nghĩ chúng ta là huynh muội.

Quế Hoa Sinh lại ngẩn người một lúc, nhưng thấy nàng thiên chân vô tà, tự nhiên thoải mái, cũng cười nói: 

– Không sai, đúng là như vậy. Nhưng tôi nào có phúc khí được một người em gái như cô?

Bạch y thiếu nữ bật cười: 

– Đêm nay huynh giúp tôi rất nhiều, xem ra huynh lớn hơn tôi một chút, được, gọi huynh là đại ca ca cũng không sao. 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận