Thế là Quế Hoa Sinh không quản phong trần sương gió, lên đường đến Lạp Tát. Lúc này đang là đầu xuân, băng tuyết dần tan, người đi lại trên đường không ít. Y đi liền một tháng đã sắp tới thủ phủ Tây Tạng.
Khi Quế Hoa Sinh vào thành, sắc trời đã tối, y thấy kiến trúc nhà cửa lều bạt trên đường rất khác so với nhà cửa trong thành. Người người qua lại nhộn nhịp, mỗi căn lều vải đều có ánh nến thấp thoáng bên trong, khói hương bảng lảng. Trước lều, những người Tạng đang thực hiện lễ bái dâng hương. Quế Hoa Sinh kéo một lão đầu lại hỏi:
– Lão trượng, hôm nay là lễ gì sao?
Ông lão đáp:
– Không phải hôm nay, là ngày mai kìa!
Nói rồi chỉ tay lên mặt trăng trên trời:
– Khách quan, người từ đâu đến vậy? Có phải là tín đồ Phật môn không, sao lại quên mất ngày Phật đản sinh?
Quế Hoa Sinh ngẩng đầu nhìn, trăng tròn vành vạnh tỏa sáng, kinh ngạc hỏi lại:
– Ngày Phật đản sinh không phải mùng tám tháng bốn sao?
Ông lão ngẩn ra rồi cười nói:
– Khách quan, ngươi là người Hán nên không biết, may ta hiểu được lịch Hán, bằng không thật không hihểu vì sao ngươi kinh ngạc đến thế. Ngày mai là ngày mùng tám tháng bốn đó!
Quế Hoa Sinh thắc mắc:
– Trăng trên trời đang tròn…
Ông lão kia cười nói:
– Chúng ta dùng lịch Tây Tạng. Người Hán các ngươi dùng âm lịch, ngày trăng tròn là ngày mười lăm, lịch Tây Tạng không giống vậy, có khi đầu tháng đã tròn, có lúc lại là cuối tháng. Tính theo lịch Hán, hôm nay là ngày mười bốn tháng ba, ngày mai chính là ngày mười lăm tháng ba. Ngày Phật đản năm nay đúng dịp trăng tròn cho nên đặc biệt náo nhiệt, từ hôm qua mọi người đã tắm rửa trai giới, đốt hương lễ Phật.
Quế Hoa Sinh trong lòng hơi động, lẩm bẩm trong miệng, “Tháng ba mười lăm, tháng ba mười lăm?”
Chợt bừng tỉnh, khi bạch y thiếu nữ sắp rời đi, ngọc chưởng ấn ba lần, ba năm mười lăm, đó là nhắc y kỳ hạn ngày mười lăm tháng ba đó sao?
Ông lão kia nói tiếp:
– Khách quan, ngươi thật may mắn, năm nay Đạt Lai Lạt Ma, tự chủ trì nghi tiết lễ Phật, ba toà đại điện cung Bố Đạt Lạp sẽ mở rộng cổng đón thiện nam tín nữ vào lễ Phật. Cả đời chúng ta chưa chắc nhìn thấy Lạt Ma một lần, ngươi vừa đến, ngày mai theo vào trong đó là thấy được chân diện Lạt Ma, thật là phúc khí to lớn!
Quế Hoa Sinh vui mừng khôn xiết, vội vàng cám ơn lão đầu, vội tìm khu lều dành cho khách tương trú chân để nghỉ qua đêm. Đêm đó y thầm nhủ, “Hóa ra Hoa Ngọc muội muội hẹn ta nửa đêm ngày mai gặp gỡ ở cung Bố Đạt Lạp, nhưng nàng làm sao vào đó được đây? Hay buổi chiều cũng mở để người người tham quan?”
Y ngủ không được, đành đi tìm chủ nhân lều hỏi thăm. Người chủ lều cũng nói giống như ông lão kia, ngày mai, ba điện chính sẽ mở đón khách, đến chiều sẽ đóng lại, mọi người sẽ phải rời khỏi đó, còn trịnh trọng nói thêm:
– Lạt Ma là thần thánh, há có thể chứa phàm nhân trong cung điện của người? Để chúng ta vào trong đại điện chiêm ngưỡng đã là phúc phận không nhỏ!
Nỗi băn khoăn trong lòng Quế Hoa Sinh càng lớn, thầm nghĩ, “Trừ phi ta đoán sai dụng ý của nàng? Nhưng nếu không phải như vậy thì giải thích thế nào đây?”
Y càng thắc mắc thân phận của bạch y thiếu nữ, lòng nôn nóng mong ngày mai mau đến.
Cả một đêm không chợp mắt, không chờ được đến lúc hừng đông, Quế Hoa Sinh đã chạy đi mượn y phục Tạng dân của chủ lều, tránh thu hút sự chú ý của người khác.
Đạt Lai Lạt Ma mở cung Bố Đạt Lạp, đồng thời tự chủ trì nghi thức lễ Phật đản, chuyện này khiến cả Lạp Tát vui mừng xôn xao, thậm chí thiện nam tín nữ nơi khác nghe được cũng tìm đến. Quế Hoa Sinh tưởng mình dậy sớm, ra khỏi lều vải đã thấy dòng người dài dằng dặc di chuyển trên đường, y chậm rãi hòa vào đó bước đi.
Cung điện Bố Đạt Lạp được xây trên núi bồ đào ngoài thành Lạp Tát (núi Bố Đạt Lạp), cao mười ba tầng. Tương truyền sau khi Tạng vương Tùng Tán Can Bố cưới con gái của Đường Thái tông Lý Thế Dân, Văn Thành công chúa triều Đường (năm 641 sau Công Nguyên), vì công chúa mà xây điện này, các đời sau xây dựng tu sửa thêm, trở nên lộng lẫy cực kỳ. Cung điện gồm ba toà kim điện lớn trên đỉnh núi, còn có tám tòa kim tháp chứa nhục thân các đời Lạt Ma, tường vác phủ kín các lá vàng, bên trong khảm châu báu, nhìn từ xa sáng loáng như lầu quỳnh điện ngọc, tráng lệ phi thường.
Quế Hoa Sinh đi theo dòng người từ tảng sáng, gần trưa mới vào được cửa cung Bố Đạt Lạp. Từ cửa đến thềm đá có hai hàng lạt ma mặc áo vàng dẫn đường. Cửa lớn ba tòa đại điện mở rộng, thiện nam tín nữ nối đuôi nhau theo các lạt ma dâng hương lễ Phật, đoàn người đông đảo, đợi đến khi Quế Hoa Sinh vào trong đại điện thì đã không còn một chỗ trống nào, người đến sau, chỉ còn cách lễ bái bên ngoài cung.
Y nhìn quanh quất tìm bạch y thiếu nữ, nhưng điện rộng người đông, tìm người ở đây như thể tìm kim đáy biển, làm sao có thể tìm thấy. Quế Hoa Sinh thầm vận chân lực chen vào trong, người xung quanh y dường như bị một lực đẩy vô hình đẩy tới, tự dạt sang một bên. Cũng may trong đại điện rất đông, người khác chỉ cho rằng người phía sau đẩy tới nên không quan tâm.
Quế Hoa Sinh đi hết mấy ngàn bậc thang trong ba tòa đại điện hết một canh giờ, vẫn không thấy hình bóng y muốn gặp. Đoàn người dồn ra hành lang trước đại điện, Quế Hoa Sinh biết điển lễ đang cử hành ở đại điện chính giữa, liền chen vào hành lang đại điện, nhưng chỉ thấy trên điện có bốn khe lớn, tượng vàng đầu người mình ngựa, dưới là các chuông gió, chạm khắc rất tinh xảo. Hơn một tháng rong ruổi từ cao nguyên Tây Tạng hoang vu không dấu chân người đến cung điện Bố Đạt Lạp uy nghiêm lộng lẫy này, y tưởng chừng bản thân đang lạc vào mộng cảnh.
Quế Hoa Sinh phóng mắt nhìn ra, chỉ thấy những kèo cột trong hành lang khúc khuỷu đều dát vàng, chạm trổ hoa văn tinh xảo, không diễn tả hết vẻ trang trọng xa hoa. Y thở dài, “Bên ngoài như vậy, bên trong không biết sẽ còn thế nào? Chỉ là một toà cung điện Bố Đạt Lạp này đã tốn bao nhiêu nhân lực tài lực cho nó!”
Bốn vách đại điện đều khảm hình vẽ cố sự trong tích Phật, nhân vật cảnh tượng kỳ lạ, sinh động vô cùng. Bích họa cung Bố Đạt Lạp vốn nổi tiếng thiên hạ, dùng lụa trắng kết dính vào vách, sau đó mới dùng mực vẽ lên trên, như vậy màu sắc của tranh sẽ giữ được rất lâu, không phai mờ. Mấy trăm năm qua, không biết có bao nhiêu họa sĩ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, đến đây vẽ tranh, quả thật đây là một bảo tàng hội họa tuyệt tỉnh, chẳng trách có thể khiến Quế Hoa Sinh mê mẩn.
Quế Hoa Sinh đang say sưa xem bích họa, chợt cảm thấy phía sau có lực ép tới, hông hơi nhói lên, dường như có người điểm vào huyệt Nhuyễn Ma, y không khỏi giật mình.
Cũng may Quế Hoa Sinh đang ngầm vận nội kình, vừa cảm thấy khác thường liền vận khí hộ huyệt ngay lập tức, đồng thời trở tay định bắt người kia, nhưng chợt có mấy tiếng ôi chao vang lên, y quay đầu nhìn, đã thấy vài người té ngã, bản thân đang nắm tay một phụ nữ béo mập, người này trợn mắt nhìn y, to tiếng mắng:
– Ngươi định làm gì hả?
Quế Hoa Sinh nắm tay bà ta, phát hiện người này không biết võ công, vội vàng buông tay, luôn miệng xin lỗi:
– Tôi cảm thấy có người chen tới tôi rồi sờ soạng lung tung, tôi tưởng là tiểu tặc thừa cơ trộm đồ. Không ngờ bắt lầm đại nương, xin thứ tội.
Cũng may người Tạng không xem trọng sự đụng chạm nam nữ như người Hán, lời nói của Quế Hoa Sinh chân thành, người phụ nữ kia cười nói:
– Trong cung Bố Đạt Lạp của Hoạt Phật, ai mà dám ăn trộm! Ngươi chắc là người Hán, mới tới đây không lâu phải không?
Quế Hoa Sinh gật đầu, người kia nói huyên thuyên một tràng dài, chợt tiếng chuông trong đại điện vang lên, hai hàng lạt ma áo vàng bước đi vòng quanh điện, đại điển lễ Phật liền bắt đầu, nhất thời trong ngoài yên lặng như tờ, người phụ nữ mập kia cũng ngậm miệng cúi đầu hành lễ.
Quế Hoa Sinh nhủ thầm, “Người đánh lén ta võ công thật không yếu, rất lanh trí. Ta ra tay không chậm mà hắn vẫn kịp lẩn vào trong đám người. Mấy người té ngã rõ ràng do hắn xô đẩy, ngầm tạo hỗn loạn tránh khỏi bị phát hiện. Hắn là ai? Sao lại đánh lén ta?”
Suy nghĩ mãi không đoán ra.
Lúc này chuông đã đổ ba lần, hai đại lạt ma đi đầu niệm kinh, một lúc sau, Đạt Lai Lạt Ma rẽ người bước ra giữa tiếng chuông trầm hùng. Tất cả mọi người hô vang phật hiệu, cúi đầu sát đất, không dám ngước nhìn.
Quế Hoa Sinh không thể không làm theo bọn họ cúi đầu hành lễ, nhưng y lén nhìn xung quanh, Đạt Lai Lạt Ma khoảng bốn mươi tuổi, người hơn mập, khuôn mặt trang nghiêm, không có gì khác biệt. Người thu hút ánh nhìn của Quế Hoa Sinh lại là người khác, không phải Hoạt Phật.
Phía sau Đạt Lai Lạt Ma có vài tăng lữ tướng mạo và trang phục đặc biệt khác người, vừa nhìn đã biết là quý khách ngoại quốc. Có người đến từ Ấn Độ, Nepal, Xích Kim (*), Bhutan, trong đó có phiên tăng khoác hồng bào, chính là người đã giao thủ với Quế Hoa Sinh ở thành ma quỷ. Quế Hoa Sinh thầm giật mình, “Sao hắn lại tới đây?”
Liền cho rằng kẻ đó đến đây chắc chắn có gian mưu.
(*) Sikkim, là một bang của Ấn Độ, nằm trên dãy Himalaya, có biên giới quốc tế với Nepal ở phía tây, với khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc ở phía đông bắc, với Bhutan ở phía đông.
Lạt Ma chủ trì lễ đại điển rất nhanh, đầu tiên nhúng càng liễu vẩy nước cam lộ khắp tượng phật phía trước, sau đó hiến Cáp Đạt (khăn tay lụa, hiến khăn lụa là lễ tiết tôn kính ở Tây Tạng). Cuối cùng là lễ thắp hương, lễ vừa xong thì điển lễ hoàn thành. Hộ pháp đệ tử của Lạt Ma truyền lời, các đệ tử bái lễ phải rời đi trước hoàng hôn.
Quế Hoa Sinh quay lại lều vải, chủ lều vẫn chưa về, y ngồi nghỉ một lúc, điều dưỡng tinh thần, ăn cơm tối xong, chủ lều mới về đến, cao hứng bình luận về đại điển hôm nay, chúc phúc cho Quế Hoa Sinh. Lão còn nói thêm, tối nay điện Bố Đạt Lạp tổ chức đốt đèn lễ Phật, rất nhiều thiện nam tín nữ không quay về nhà mà ở lại dưới chân núi ngắm đèn. Chủ lều than thở:
– Đáng tiếc ta tuổi già sức yếu, bằng không ta cũng chịu đói bụng một đêm. Thắng cảnh khó gặp như vậy, khách quan đừng bỏ qua.
Quế Hoa Sinh cám ơn liên tục, cáo từ chủ lều.
Khung cảnh ban đên của cung Bố Đạt Lạp quả là mê người, mái nhà đúc bằng vàng chiếu rọi xuống núi tuyết lấp lánh kim quang, cực kỳ tráng lệ. Mười ba tầng cung điện, mỗi góc mái cong cong của từng tầng đều treo đèn lưu ly. Ánh đèn, ánh trăng, ánh tuyết, ánh vàng hòa vào nhau, không khí thần bí vô cùng. Quế Hoa Sinh lơ lãng ngắn nhìn, trong đầu chỉ nghĩ đến bạch y thiếu nữ.
Cung điện Bố Đạt Lạp to lớn hoành tráng, các dãy nhà trải dài cả nửa đỉnh núi. Phòng ốc từ tầng thứ nhất đến tầng thứ sáu đều đắp từ bùn trắng, gọi là Bạch Trại, là nơi làm pháp sự nhỏ. Tầng thứ bảy đến tầng thứ mười ba là Hồng Trại, nhưng phân biệt từ màu bùn đất, gồm bốn màu, đỏ, vàng, đen, hồng. Bùn đỏ đắp tường, bùn vàng đắp mái hiên, bùn đen đắp trên đỉnh phòng và bệ cửa sổ, bùn hồng thì đắp trong chỗ ngồi ở đại điện. Đỉnh cung màu vàng son lộng lẫy như một căn phòng ngũ sắc. Tầng thứ bảy đến tầng thứ mười ba là chỗ ở của tăng lữ trong cung.
Quế Hoa Sinh từ bên dưới ngọn núi này ngước nhìn lên, trong lòng do dự, thầm nghĩ, “Cung điện Bố Đạt Lạp rộng rãi như vậy, Hoa Ngọc muội muội dù có ở đây cũng không biết làm sao mà tìm. Hơn nữa, đèn thắp nhiều như sao, sáng rực khắp nơi, làm sao tiềm nhập vào?”
Mắt thấy trăng dần lên đến đỉnh, trong lòng lo lắng, cuối cùng quyết định bất luận thế nào cũng phải vào cung tìm người.
Đoàn người chen chúc dưới chân núi, Quế Hoa Sinh âm thầm vòng qua sườn núi, ẩn thân dưới tán cây ngọn cỏ, đến gần điện. Y sớm đã mang theo một bộ y phục lạt ma, lúc này liền đổi quần áo, chờ đúng lúc gió lớn thì nhanh tay bắn ra mấy viên đá làm tắt ba cái đèn lưu ly phía tây. Cao nguyên Tây Tạng gió rất mạnh, huống hồ cung Bố Đạt Lạp nằm trên núi, cho nên đèn đóm ở đây đều có thiết bị thông khí. Chờ gió đi qua, lạt ma canh cửa phát hiện có ba ngọn đèn bị tắt, ngạc nhiên thì thầm:
– Sao gió đêm nay lợi hại như vậy nhỉ?
Liền bắc thang trèo lên thay đèn. Quế Hoa Sinh tranh thủ lúc này, thi triển khinh công tuyệt đỉnh lướt vào cửa lớn. Lạt ma gác cổng đang mải thay đèn, không để ý phía dưới thang.
Quế Hoa Sinh cúi thấp đầu, kéo áo che nửa mặt, gặp phải lạt ma thì tránh đường. Lạt ma trong cung rất đông, nhìn thấy y trong trang phục như vậy đều không để ý, cứ như vậy, Quế Hoa Sinh đã đi qua mấy toà điện.
Vào ban đêm, bích họa trong cung càng đẹp hơn gấp trăm ngàn lần, ngoài ra còn có đèn lồng, ngọc khí, hương án, cổ lư, vải thêu… hoa lệ vô cùng, Quế Hoa Sinh thầm thở dài, “Hoàng cung bất quá cũng chỉ thế này.”
Đáng tiếc y chỉ có thể nhìn qua một chút, trong lòng còn có việc, không thể ngắm lâu.
Chuông điểm canh ba, Quế Hoa Sinh không hay không biết đã lên đến tầng thứ mười hai của tẩm cung Đạt Lai Lạt Ma. Y chợt thấy hai đại lạt ma đang bước đến, liền ẩn mình sau tượng phật, một người lên tiếng:
– Lạt Ma đến trễ, còn tiếp kiến tân khách, thật là mệt mỏi.
Người kia lên tiếng:
– Ngươi biết không, người đến hôm nay đều là khách nhân tôn quý, còn có nữ hộ pháp Bội Hữu Bối Diệp Linh Phù cũng tới đây. Chỉ sợ Lạt Ma còn phải tiếp vị nữ hộ pháp này.
Người đầu tiên nói tiếp:
– Lạt Ma đặc biệt dọn dẹp sạch sẽ một tẩm cung cho quý khách, mời Tạng vương và hai vị công chúa bồi tiếp nàng ta. Nghe nói cung điện Bố Đạt Lạp của chúng ta, qua hai đời Hoạt Phật, ngoài một vị công chúa Ấn Độ và vị nữ hộ pháp Bội Hữu Bối Diệp Linh Phù này ra thì chưa từng có nữ tử nào tiến cung. Việc này thật là ngàn năm có một.
Quế Hoa Sinh nghe được, trong lòng hơi động, “Nữ hộ pháp này ở đâu ra, lại có thể khiến Hoạt Phật phải tiếp kiến, cả điện Bố Đạt Lạp phải cung nghênh?”
Y lặng lẽ theo sau bọn họ lên đến tầng thứ ba, chờ cho bọn họ đi khỏi rồi mới nhìn xuống, bên trong ánh đèn rực rỡ, trên màn lụa cửa sổ hiện lên hai cái bóng, một người là Đạt Lai Lạt Ma, người kia là hồng y phiên tăng.
Hồng y phiên tăng lên tiếng:
– Hoạt Phật thần thông quảng đại, hoành dương phật pháp, tiểu bang lân quốc, thấm nhuần tư tưởng, vương tử vốn muốn yết kiến đã lâu, chỉ vì trong nước có việc không thể đến dự thịnh điển, nên đặc phái tiểu tăng đến đây thăm hỏi, cúng dường tháp vàng, kính xin huấn thị.
Đạt Lai Lạt Ma nói:
– Quý quốc là nơi phật đản sanh, từ xưa tới nay vốn là nước phật, các đời hiền vương bảo vệ thánh pháp, có phật bảo hộ, vận nước tất hưng thịnh. Quý vương tử lần này cúng dường kim tháp, bản tự đa tạ, xin người thay ta đáp lễ cho vương tử.
Hồng y phiên tăng nói tiếp:
– Tệ vương tử còn có một chuyện bẩm báo với Hoạt Phật.
Đạt Lai Lạt Ma đáp:
– Mời nói.
Hồng y phiên tăng nói:
– Bạch giáo pháp vương có phái sứ giả đến đến tệ quốc, cậy nhờ tệ quốc giúp ông ta trở về Tây Tạng, vương tử tệ quốc xem Hoàng giáo là chính giáo, Đạt Lai Ban Thiện vốn là Hoạt Phật, nên đã khéo léo từ chối lời mời của Pháp vương Bạch giáo.
Quế Hoa Sinh nghe đến đó trong lòng thầm mắng, rõ ràng là vương tử Nepal xúi bảo Pháp vương Bạch giáo tiền nhiệm tấn công Tây Tạng, bây giờ lại gây xích mích, xem ra là muốn gây nên chiến tranh ở Tây Tạng để hắn thừa nước đục thả câu, đứng giữa thủ lợi.
Y đang định xông vào lột trần âm mưu thì chợt nghe có tiếng gió phía sau. Quế Hoa Sinh trở tay đánh lại một chưởng, chỉ nghe có người dùng Tạng ngữ nói lớn:
– Ác đồ to gan, lại dám xông vào thánh cung!
Lập tức một luồng kình phong ập đến, phách không chưởng của Quế Hoa Sinh không cản được đối thủ.
Quế Hoa Sinh quay đầu nhìn lại, đằng sau là hai tăng nhân, một áo đen, một áo vàng, đầu quấn vải trắng, mặt sạm đen, là hai hành cước tăng Ấn Độ. Người áo đen cầm trúc trượng, ra tay nhanh như gió, miệng vừa nói vừa điểm đến đại huyệt trên người Quế Hoa Sinh. Người áo đen cầm bình bát vàng đang đứng bên cạnh, mắt hổ trợn trừng, dường như cũng muốn ra tay.
Quế Hoa Sinh hơi bất ngờ, thủ pháp điểm huyệt của tăng nhân áo đen cực kỳ nhanh nhẹn chính xác, tuyệt không thua cao thủ nhất lưu Trung Nguyên, y đang định nhìn cho kỹ thì tăng nhân áo vàng đã nói:
– Mau bắt giữ hắn, đừng kinh động đến Hoạt Phật.
Bình bát trong tay từ trên giáng xuống đầu Quế Hoa Sinh như Thái Sơn áp đỉnh.
Quế Hoa Sinh không kịp nói gì, tay rút Đằng Giao bảo kiếm chém ra, tiếng đinh đang vang lên, kiếm đã chém vào bình bát. Tăng nhân áo vàng xoay tròn bình bát, một lực hút mơ hồ sinh ra, trong lúc vội vã, Quế Hoa Sinh không kịp rút Đằng Giao kiếm ra. Y kinh hãi, võ công tăng nhân Ấn Độ này thật quái dị. Nói thì chậm, sự tình khi đó rất nhanh, tăng nhân còn lại xoay trượng trúc một cái, thừa cơ điểm liền ba huyệt Tuyền Cơ trước ngực, huyệt Chương Môn dưới eo, huyệt Phong Phủ sau đầu Quế Hoa Sinh. Ba huyệt này không nằm gần nhau, nhưng trượng thế của tăng nhân này phiêu hốt, ba huyệt đạo đều bị bóng trượng bao phủ.
Quế Hoa Sinh là truyền nhân Đạt Ma kiếm pháp, hậu bối của Thiên Sơn thất kiếm, lâm nguy không loạn, trúc trượng của tăng nhân áo đen vừa nhấc lên, y liền hét lớn một tiếng như sấm mùa xuân, hắc y tăng nhân cả kinh, trượng không còn chính xác, bị Quế Hoa Sinh bắt lấy một đầu trượng kéo về phía trước, gã liền ngã sấp. Hóa ra Quế Hoa Sinh đã dùng công phu Sư Tử Hống, người bình thường nghe phải thì tim phổi đều tê liệt, hai tăng nhân này không bị ảnh hưởng nhiều lắm, nội công thực không kém.
Công lực của người dùng bát vàng hút kiếm cao hơn, tuy có hơi kinh hãi nhưng chỉ bước lui hai bước, Quế Hoa Sinh tinh minh cơ cảnh, thừa lúc gã đang bước lùi thì dụng sức xỉa mạnh bảo kiếm xuống. Chỉ nghe một tiếng như ngọc vỡ vang lên, bát vàng đã bị bảo kiếm chọc thủng một lỗ dưới đáy. Quế Hoa Sinh lập tức rút kiếm ra. Hoàng y tăng nhân không ngờ Đằng Giao bảo kiếm có thể cắt vàng chém sắt, kinh ngạc đến sững sờ.
Tiếng thét của Quế Hoa Sinh đã kinh động đến Đạt Lai Lạt Ma đang ngồi bên trong, ông ta lập tức bước ra. Quế Hoa Sinh chỉ vừa nói:
– Hoạt Phật xin nghe…
Chưa hết câu thì tăng nhân cầm bát vàng đã xuất thủ. Một mảng kim quang theo gió bay tới, mang theo tiếng sấm ì ùng, muốn chụp xuống đầu Quế Hoa Sinh. Quế Hoa Sinh không tưởng được kim bát to như vậy lại có thể dùng như ám khí đánh người, không dám xem thường, vội vàng dùng thân pháp Bàn Long Nhiễu Bộ tránh sang một bên, trở tay đánh lại một kiếm.
Chỉ nghe keng một tiếng, bát vàng sượt qua kiếm, bay về tay người đánh, trúc trượng của tăng nhân áo đen đã đến một bên. Hồng y phiên tăng quát lên:
– Cuồng đồ to gan, tự ý vào thánh cung khinh nhờn Lạt Ma, tội đáng muôn chết! Xin mời Lạt Ma lui vào nghỉ ngơi, bần tăng thay người bắt hắn lại.
Áo cà sa xòe ra như một đóa mây lửa chụp xuống cùng với kim bát của tăng nhân áo vàng.
Quế Hoa Sinh một người một kiếm lực chiến ba cao thủ, làm sao còn có thể mở miệng nói chuyện? Đạt Lai Lạt Ma nhìn thấy trên cổ Quế Hoa Sinh đeo kim phật. Đó là tín vật Mạch Sĩ Già Nam đưa cho Quế Hoa Sinh. Đạt Lai nhận ra đây là một trong bảy pháp khí của Pháp vương Bạch giáo, nghi vấn trong lòng nổi lên, lúc đầu cho rằng Quế Hoa Sinh là thích khách Pháp vương Bạch giáo phái đến, nhưng nghĩ tới nghĩ lui, Pháp vương Bạch giáo không có tôn xưng cao quý (Đạt Lai trong Đạt Lai Lạt Ma nghĩa là Lạt Ma chí cao vô thượng), tuy đối địch với mình, nhưng cùng một nguồn giáo phái, lại mang thân phận Lạt Ma, chắc chắn không dùng đến hạ sách này. Cho nên dù ông ta nghi rằng Quế Hoa Sinh là sứ giả của Pháp vương Bạch giáo, nhưng không lên tiếng ngăn cản, cũng không quay vào phòng, chỉ chắp tay quan chiến phía sau hai lạt ma hộ vệ.
Mắt thấy kim bát chụp xuống, Quế Hoa Sinh hiển lộ công phu, một chưởng vỗ ra, đồng thời vẩy bảo kiếm một cái, đẩy áo cà sa của phiên tăng ra, xoay người tránh khỏi trúc trượng của hắc y tăng nhân. Đạt Lai Lạt Ma tuy không biết võ công, nhưng ông ta biết hai tăng nhân Ấn Độ kia là cao thủ nhất đẳng, hồng y phiên tăng lại là Quốc sư của Nepal, võ công không yếu. Mắt thất Quế Hoa Sinh một mình giao thủ với cả ba đại cao thủ, thân pháp tuyệt mỹ, tuyệt không hề rơi xuống hạ phong, trong lòng thầm ngạc nhiên.
Kỳ thực Quế Hoa Sinh có nỗi khổ riêng khó nói thành lời. Ba người này, nếu đơn đả độc đấu thì không ai là đối thủ của y, nhưng lấy một chọi ba thì không dễ ứng phó, nhất là kim bát của tăng nhân áo vàng kia, vừa có thể dùng như binh khí, vừa làm ám khí đánh người, rất khó phòng bị. May mà y có bảo kiếm trong tay, nếu không đã bại từ lâu.
Ba người kia vây càng lúc càng chặt. Quế Hoa Sinh cùng lúc sử dụng cả kiếm lẫn chưởng, dốc hết bản lĩnh giữ nhà vẫn bị bọn họ bức lùi từng bước, vòng vây càng lúc càng nhỏ lại, tình thế nguy hiểm vô cùng. Hoàng y tăng nhân đột nhiên phi người lên cao, chụp kim bát xuống, thế đến nặng như núi, Quế Hoa Sinh xuất chưởng đỡ lại bị bát vàng hút vào, đồng thời trúc trượng trong tay tăng nhân áo đen cũng điểm đến trước ngực, y lui lại tránh thì hồng y phiên tăng xông ra giơ áo bao lấy bảo kiếm. Chỉ nghe bộp một tiếng, trúc trượng của hắc y tăng nhân đã điểm trúng huyện Đản Trung của Quế Hoa Sinh.
Chợt có tiếng vòng ngọc va chạm leng keng, rồi gió đưa làn hương thoảng đến, hai lạt ma áo vàng bước đến trước, đồng thanh nói:
– Nữ hộ pháp tham kiến Lạt Ma.
Đạt Lai Lạt Ma vội vàng nói:
– Xin mời!
Quế Hoa Sinh đang vận nội công thượng thừa, cơ ngực co lại, hút lấy trúc trượng của tăng nhân áo đen, nghe vậy vừa mừng vừa sợ, liếc mắt nhìn qua, chỉ thấy một thiếu nữ dịu dàng đi đến, chính là bạch y thiếu nữ mà mình ngày nhớ đêm mong.
Bạch y thiếu nữ giơ tay ngọc, khẽ mắng:
– Ngươi không mau về nước, ở đây làm gì?
Sắc mặt hồng y phiên tăng đại biến, thu áo lại, chắp tay thi lễ, Hoạt Phật nói:
– Nữ hộ pháp bảo ngươi quay về, ta không giữ ngươi ở lại.
Hồng y phiên tăng dùng tiếng Nepal nói líu lô mấy câu, lập tức bước ra khỏi cung Bố Đạt Lạp.
Bảo kiếm của Quế Hoa Sinh đang bị áo cà sa của hồng y phiên tăng níu chặt, hắn vừa thu lại áo, bảo kiếm lập tức rời ra. Một tiếng keng vang lên, bảo kiếm lại chém kim bát mẻ một miếng lớn. Lúc này, chỉ nghe bạch y thiếu nữ nói mấy câu với Đạt Lai Lạt Ma, Đạt Lai chắp tay nói với hai tăng nhân kia:
– Vị cư sĩ Trung Quốc này không phải là thích khách, vốn có công với Phật môn, xin hai vị dừng tay.
Kỳ thực hồng y phiên tăng vừa đi, hai người dù có liên thủ hợp đấu cũng không phải là đối thủ của Quế Hoa Sinh. Lúc này bọn họ đang bị Quế Hoa Sinh đánh cho thở hồng hộc, Đạt Lai Lạt Ma vừa nói xong, Quế Hoa Sinh liền dừng tay trước.
Chỉ thấy hai người kia sợ sệt khấu đầu trước Hoạt Phật, lại quỳ nửa chân hành lễ với bạch y thiếu nữ. Quế Hoa Sinh tuy không hiểu bọn họ nói gì nhưng cũng đoán được là ý xin tha tội. Hai người này thi lễ với bạch y thiếu nữ xong cũng lui ra.
Quế Hoa Sinh còn kinh ngạc hơn so với lần sơ ngộ thiếu nữ này ở thành ma quỷ. Y nằm mơ cũng chẳng ngờ nàng là nữ hộ pháp. Đến Đạt Lai Lạt Ma chí tôn vô thượng cũng rất tôn kính nàng ta. Quế Hoa Sinh bước lên trước, cúi chào Hoạt Phật rồi thi lễ với nữ hộ pháp. Thiếu nữ mặc áo trắng dịu dàng nở nụ cười, dùng tiếng Hán nói với y:
– Đại ca ca sao lại khách khí với muội như vậy?
Đạt Lai Lạt Ma hỏi:
– Ngươi là sứ giả Pháp vương Bạch giáo sao? Nghe nữ hộ pháp nói, trong thành ma quỷ, ngươi từng làm một việc có ích cho Tây Tạng.
Quế Hoa Sinh đáp:
– Tôi đang muốn tìm hiểu tận tường về đạo Phật.
Bạch y thiếu nữ nói:
– Đây là đại ca ca của tôi ở Trung Quốc, người có thể tin tưởng huynh ấy. Tôi đến đây đã lâu, đã gặp được Lạt Ma, đã đến lúc cáo từ, ngày khác có duyên sẽ trở lại bái kiến.
Nói rồi dịu dàng cúi chào, bước xuống lầu, Lạt Ma vỗ tay tiễn người. Quế Hoa Sinh không ngờ vừa gặp mặt nàng lại rời đi, trong lòng buồn vui lẫn lộn, tiếc không thể trò chuyện lâu hơn với nàng, nhưng còn Lạt Ma bên cạnh, y không dám mạo muội, chỉ đành trơ mắt nhìn thiếu nữ đi xuống, trong lòng chua xót.
Hoạt Phật nói:
– Cư sĩ, xin mời tới tịnh thất nói rõ mọi chuyện.
Quế Hoa Sinh nói rõ kỳ ngộ ở thành ma quỷ, dã tâm của vương tử Nepal, và thành ý của Pháp vương Bạch giáo mà Mạch Sĩ Già Nam gởi gắm cho y. Đạt Lai Lạt Ma than thở:
– Ngạn ngữ Tây Tạng có câu, kẻ địch chính trực còn hơn bằng hữu, tiểu nhân ngọt ngào chắc chắn có việc cần nhờ. Lời này thực không sai.
Nói rồi liền dặn dò lạt ma chấp sự trong cung sắp xếp nơi ở cho Quế Hoa Sinh, tiếp đãi như thượng khách.
Quế Hoa Sinh hỏi lạt ma chấp sự:
– Nữ hộ pháp có thân phận thế nào trong giáo?
Lạt ma chấp sự chắp tay, cung kính nói:
– Phải có công đức rất lớn với Phật môn mới có thể được phong là đại hộ pháp.
Quế Hoa Sinh hỏi:
– Là do ai phong?
Lạt ma chấp sự đáp:
– Là do trụ trì chùa Na Lạn Đà phong, ở Ấn độ, địa vị đó ngang với Lạt Ma của chúng tôi. Chùa Na Lạn Đà có hai mảnh Bối Diệp Linh Phù, tương truyền là do Phật tổ hái xuống trong lúc giảng kinh dưới gốc bồ đề, ban cho đệ tử Già Diệp. Chùa Na Lạn Đà mở đại hội Phật giáo mỗi sáu mươi năm một lần, tặng Bối Diệp Linh Phù cho người có công đức lớn, phong làm hộ pháp. Đại hội sáu mươi năm mở một lần, nhưng chưa chắc có người có công đức lớn trong sáu mươi năm đó. Hộ pháp đã hiếm thấy, nữ hộ pháp càng hiếm hơn!
Quế Hoa Sinh nghe xong, vừa vui mừng vừa kinh ngạc. Nhưng y vẫn là chưa đoán được thân phận thiếu ấy, nàng là ai, làm sao có thể trở thành nữ hộ pháp?
Lạt ma chấp sự không chịu hé răng về lai lịch nữ hộ pháp, càng không muốn nói thêm gì khác. Ngày thứ hai, Quế Hoa Sinh gặp lại bọn họ, tiếp tục hỏi về bạch y thiếu nữ, liền biết nàng đã rời cung Bố Đạt Lạp từ lâu. Quế Hoa Sinh khó chịu, đang định cáo từ, lạt ma chấp sự liền nói:
– Lạt Ma có pháp dụ, nói là nếu cư sĩ thích, có thể ở thêm trong cung.
Quế Hoa Sinh đang nghĩ cách từ chối, lạt ma kia lại nói tiếp:
– Trước khi nữ hộ pháp rời đi, có để lại mấy câu, Lạt Ma bảo chúng tôi nói lại với người.
Quế Hoa Sinh vội hỏi:
– Là lời gì vậy?
Lạt ma chấp sự nói:
– Nữ hộ pháp nói, xin mời cư sĩ đến Nepal một chuyến, nếu có duyên, tự nhiên sẽ gặp lại.
Quế Hoa Sinh nói nhanh:
– Tôi đang muốn đi Nepal.
Lạt ma chấp sự tiếp lời:
– Trong cung chúng tôi có người biết tiếng Nepal, trước khi cư sĩ đi đến đó, có muốn học một chút không?
Quế Hoa Sinh suy nghĩ, chuyện không biết ngôn ngữ là trở ngại rất lớn, so với việc đến Nepal mới bắt đầu học, chi bằng học tại đây trước, liền ở lại cung Bố Đạt Lạp, ngày đêm khổ học. Quế Hoa Sinh học hơn hai tháng, biết qua một ít từ ngữ, có thể tạm đối đáp với người Nepal.
Hôm đó trời vừa sáng, Quế Hoa Sinh quyết định cáo từ, lạt ma chấp sự trong cung dẫn y đi yết kiến Đạt Lai Lạt Ma. Tầng thứ mười ba có một hoa viên lớn, Đạt Lai Lạt Ma đang tản bộ trong vườn, đứng trong hoa viên này có thể thấy cảnh sắc toàn thành Lạp Tát, phóng mắt nhìn ra xa còn thu được đỉnh Hi Mã Lạp Nhã quanh năm tuyết phủ vào mắt.
Quế Hoa Sinh yết kiến Lạt Ma, nói rõ ý định của mình, Đạt Lai Lạt Ma vui vẻ chúc phúc cho y, lại nói nếu y gặp khó khăn sau khi đến Nepal, có thể đến gặp quốc vương Nepal xin giúp đỡ. Ông ta đưa cho Quế Hoa Sinh một phong thư, lúc cần kíp có thể đưa tận tay quốc vương. Hoạt Phật đã phái sứ giả đến gặp Pháp vương Bạch giáo, Pháp vương đang phái hộ pháp đệ tử đến Nepal thu hồi pháp khí, người đệ tử này có thể là Mạch Sĩ Già Nam, Hoạt Phật hỏi Quế Hoa Sinh có muốn chờ Mạch Sĩ Già Nam đến đây cùng đi hay không. Quế Hoa Sinh nóng lòng muốn gặp lại thiếu nữ kia, quyết định lên đường trước.