Bảo Đại, Hay Là Những Ngày Cuối Cùng Của Vương Quốc An Nam

Quyển 2 - Chương 16


Đạn súng cối tầm gần của Việt Minh rơi trúng vào tường của trường dòng, phá huỷ chiếc cổng lớn của trường dòng làm hỏng hàng chiến và các chân cột. Một chiếc cột trúng đạn cối đã sụp đổ. Mái nhà bị nghiêng, khói đạn mù mịt trong các hành lang. Những người trong tu viện dù là tu sĩ hay dân tị nạn đều ở vị trí thuận lợi để quan sát tại chỗ các diễn biến. Bảo Long nhìn thấy một chiếc xe tăng bị trúng mìn và các dù thả quân tăng viện và lương thực rơi xuống cánh đồng ngay bên cạnh, nhận ra những chiếc phi cơ bay thấp ngay trên đầu là những chiếc Spitfire đang bắn phá các toà nhà trong cung An Định, nơi cậu sống mấy hôm trước đội quân nhảy dù sang mặt trận bên kia, cậu cũng nhận ra máy bay Spitfire đang bay sát mặt đất ngay trên đầu cậu để xả đạn vào ngôi nhà mà cậu đã sống ở đó mấy ngày hay mấy giờ trước đây. Cậu nghe thấy cả tiếng lách cách của các súng liên thanh. Sợ nhất là các tiếng nổ vào ban đêm. Bộ đội Việt Nam thường lợi dụng đêm tối để tấn công quân Pháp nhiều hơn ban ngày.

Ngày 20 tháng Giêng, khi trời hửng sáng thì một quả mìn đã được gài sẵn ở trong số các mố cầu ngay sát gần mặt nước nổ tung, làm tung lên một cột nước. Nhưng chiếc cầu sắt bắc qua sông Hương chỉ bị hư hỏng nhẹ như bất đắc dĩ. Người đi bộ vẫn đi qua được cho đến khi hai tiếng nổ liên tiếp làm cây cầu bị sập hoàn toàn. Bây giờ thì cây cầu nổi tiếng Trường Tiền (đương thời còn gọi là cầu Clémenceau) đã sập hẳn chìm dần trong dòng nước sông Hương. Việc giao thông đi lại trên cầu tạm ngừng. Đám đông tụ tập gần đó thấy đã phá huỷ được chiếc cầu sắt kiên cố reo hò hoan hô. Dân chúng cố đô phần lớn sống tập trung quanh hoàng thành ở bờ bắc sông Hương. Còn quanh khu vực phố Tây ở bên bờ nam thì không thấy bàn tán gì dù cũng có một số người dân ở đây đã có mặt lúc cầu bị đánh sập.

Tiếng reo hò xen lẫn tiếng hát vang lên từng đợt. Tự vệ, dân quân là những người náo động nhất chiếm số đông trong các trận đánh. Quân số của họ là hơn một nghìn rưởi. Họ mặc thường phục trên ngực áo chỉ ghim một miếng vải đỏ-vàng, tượng trưng cho màu quốc kỳ Việt Nam. Lực lượng chính quy Việt Nam gồm khoảng hai nghìn quân. Họ phối hợp với nhau, thay nhau tiến công liên tục các vị trí Pháp. Trên dải đất hẹp trên bờ bắc sông Hương đối diện với các toà nhà theo kiến trúc thuộc địa bên bờ nam, dân quân và tự vệ – những người lính đầu tiên làm quen với trận mạc – ở thế áp đảo do quân số đông. Ngoài ra bộ đội còn đóng rải rác khắp chung quanh thành phố để bao vây quân Pháp, cố dồn đối phương vào khu phố Tây nhỏ hẹp hình tam giác để tiêu diệt.

Ở Huế, Pháp có 750 quân thuộc trung đoàn 21 bộ binh thuộc địa và một trung đoàn xe bọc thép có những tháp pháo nhô lên nhưng được nguỵ trang kỹ bằng lá cây Cây cầu sắt Clémenceau hoành tráng bắc qua sông Hương, vốn là niềm tự hào của thành phố, nay đã đổ gục, dầm cầu chìm sâu trong dòng nước. Đi lại qua sông phải dùng thuyền bè.

Tiếng đại bác 75 gầm vang át cả tiếng hô xung phong. Nhưng pháo binh Việt Nam chưa biết điều chỉnh được tầm bắn, chưa biết phối hợp với bộ binh, nên chưa phát huy được hoả lực. Sau nầy, trong chiến tranh, các khẩu pháo được đưa đến gần mục tiêu và bắn thẳng nên gây nhiều thiệt hại cho đối phương hơn. Còn giờ đây, tiếng súng đại bác chỉ có tác dụng cổ vũ tinh thần hăng hái chiến đấu của bộ binh.

Tối ngày 20 tháng Giêng, một bản thông cáo chiến sự đầu tiên làm nức lòng quân và dân xứ Huế. Hơn 100 lính Pháp bị loại khỏi vòng chiến. Một xe Jeep và hai xe bọc thép bị phá huỷ. Chiến công đầu thật đáng phấn khởi. Nhưng không có ý nghĩa quyết định. Vì nhiều lý do, thông tin liên lạc chậm trễ hay chuẩn bị chưa xong, Huế nổ súng chậm hơn Hà Nội đến sáu tiếng rưỡi đồng hồ. Như vậy, còn đâu là yếu tố bất ngờ nữa?

Tuy nhiên, tại Huế, trong những giờ phút giao tranh đầu tiên, bộ đội Việt Nam giành được lợi thế. Máy phát điện nổ tung, đèn tắt ngấm cùng một lúc với hiệu lệnh tiến công. Điện mất thì nguồn nước cũng bị cắt. Kho xăng bốc cháy nguồn xăng dầu có nguy cơ cạn sạch.

Bị tiến công tới tấp, quân Pháp rút bỏ nhiều vị trí bên bờ bắc rút về khu hành chính và khu phố Tây ở bờ nam sông Hương để cố thủ chờ viện binh. Việt Minh làm chủ khu dân cư bên bờ bắc. Tự vệ, dân quân và bộ đội chính quy dùng hàng trăm chiếc thuyền, ghe vượt sông đổ bộ sang bờ nam, tiếp tục tiến công quân Pháp. Vừa đặt chân lên bờ họ ào ạt xung phong ngay vào các vị trí Pháp đóng trong các toà nhà công sở dọc bờ sông. Hăng hái, dũng cảm có thừa, nhưng tiến công thiếu bài bản, trang bị vũ khí không đủ, sau lưng là mặt sông không có chỗ dựa, họ vẫn xông thẳng lên, bất chấp thiệt hại. Sau cuộc tiến công vào sở Công chính Trung bộ, cả một trung đội hy sinh chỉ có ba người sống sót?

Xác chết ngổn ngang bao quanh các toà nhà theo kiến trúc thuộc địa. Tuy nhiên họ đã chiến thắng. Quân Pháp rút bỏ dãy nhà công sở dọc bờ sông riêng vị trí Monn ở ngay đầu cầu Clémenceau vẫn trụ vững. Toà nhà khách sạn vuông vức, dáng hơi cổ lỗ, đối diện với hoàng thành là nơi cố thủ của quân Pháp ở Huế, một thách thức đối với lực lượng Việt Minh tập trung trong thành nội ở phía trước mặt bên kia sông Hương. Trận đánh giành giật khách sạn Morin diễn ra ác liệt giữa lực lượng tiến công và quân cố thủ.

Cũng như đạn đại bác, các trái lựu đạn tự tạo của Việt Minh không phát huy hiệu lực do được chế tạo từ các chất liệu kém chất lượng. Các đường đạn của lính Pháp gây nhiều thương vong cho bên tiến công. Việt Minh tiếp tục tăng viện từ bờ bắc sang. Như những con kiến, mỗi người mang một bó rơm để sẽ đốt dưới toà nhà chính trong khách sạn. Nhưng như thế chưa đủ. Phải lâu mới cháy hết. Vì thế họ đổ các xô ớt vào đống lửa. Rơm trộn ớt cháy nổ lép bép tạo ra một đám khói mù mịt đến ngạt thở.

Nhưng đã quá muộn. Xe bọc thép Pháp, đã xuất hiện cách đó chỉ khoảng một trăm mét. Ngay lập tức, chúng nổ súng chặn đứng cuộc tiến công và cuối cùng đánh lui được lực lượng tiến công.

Khách sạn Morin đáng thương, đen sạm khói súng vẫn nằm trong tay quân Pháp. Việt Minh bị thiệt hại nặng, bỏ dở cuộc tiến công, và sau đó không trở lại nữa. Họ bỏ lại các toà nhà đã chiếm được, rút ra ngoại thành thắt chặt vòng vây, tiếp tục quấy rối, tiêu hao lực lượng Pháp. Mấy lần Pháp đưa mấy trung đội cố gắng nống ra phá vây nhưng không thành công. Binh lính và thường dân Pháp ở Huế bị vây chặt trong thành phố trong nhiều tuần(4).

Ngay đêm 19 tháng Chạp năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi:

“Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thưc dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chử nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp đế cửu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm,. không có gươm thì dùng cuộc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thưc dân Pháp để cứu nước.

Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước… “(5)

Chiến tranh lan rộng, giao tranh ngày càng dữ dội và quyết liệt. Cuộc chiến đấu ở Huế kéo dài hai tháng. Hai tháng kinh hoàng cho người dân cố đô. Hai tháng cầu nguyện không dứt đối với các thầy tu trong bầu trời rực lửa. Khó khăn lắm quân Pháp mới ngăn được các cuộc tiến công của đối phương nhưng luôn luôn bị vây chặt và phải chiến đấu từng ngày để khỏi mất thêm các điểm tựa.

Từ mấy tuần trước, khi tình hình trở nên căng thẳng, Bảo Long không đến lớp nữa. Cậu không còn nhắc tới các khẩu hiệu của Việt Minh nữa. Chúng đã lùi về quá khứ mà những người thân trong gia đình bà hoàng cũng cố gắng để cậu không nhớ tới nữa.

Cậu được mẹ cho mặc bộ quần áo hợp với tuổi, khác với quần áo của bọn trẻ cũng đang lánh nạn trong trường dòng. Tuy nhiên từ ngày đến đây, cậu không còn đi bít tất ngắn nữa. Cậu không thích ngủ một mình trong căn phòng dành cho mình. Quá tối, không có không khí, quá kín mít. Mấy tháng sống như bị giam lỏng, cậu phải bỏ sở thích đi chơi lông nhông với lũ bạn trên phố. Cậu cảm thấy gò bó, như bị nhốt trong tù. Cậu thích được ngủ chung với những đứa trẻ khác.

Vài ngày sau, giao tranh đỡ kịch liệt hơn. Đúng vào lúc cậu đã quen với những tiếng nổ đinh tai và những chùm tia sáng xé màn đêm. Lúc đầu cũng thấy sợ. Sợ cuống cuồng, rúc đầu vào nệm, thở hổn hển. Đêm đầu tiên thật kinh khủng. Mọi người trong tu viện đang ngủ, sau những tiếng ùng oàng đầu tiên, vùng ngay dậy, rối rít chạy đi tìm chỗ ẩn nấp, nhưng Bảo Long trong trạng thái quá căng thẳng gần như suy sụp cậu ngồi lì một chỗ. Chẳng thiết ăn uống. Ngay cả Cha bề trên Larouste có bộ râu dài, rất bình tĩnh, ra sức an ủi cậu ta cũng không ăn thua.

Tuy nhiên mấy ngày sau, cậu ta quen dần và còn thấy trong hoàn cảnh tị nạn như thế nầy cũng có cái hay. Giống như một cuộc thí nghiệm độc đáo, gần như một trò chơi. Bây giờ thì đúng là cậu ta không phải vui đùa với đánh trận giả có máy bay mà còn say mê với cuộc xung đột thật sự đang diễn ra. Cậu còn ép buộc các em chơi trò chiến tranh như thể là những sự kiện đang diễn ra ngoài kia vẫn chưa đủ. Cậu thích nhất là máy bay. Cũng giống như cha cậu trước đây khi Huế bị Mỹ ném bom lần đầu tiên, cậu nhận ra đó là những Spitfire bay là là sát mái nhà rồi những chấm trắng nhỏ từ trên trời hạ dần dần xuống. Đó là những chiếc dù mang lương thực và vũ khí do máy bay DC-3 hoặc Dakota thả xuống tiếp tế cho quân đang bị vây hãm. Bảo Long chăm chú nhìn theo dõi, chỉ cho các em từng loại máy bay. Cả những chiếc Junker 52 mới tịch thu được của Đức, được Pháp đặt lại tên là Toucan. Trong những ngày hiếm hoi tạm im tiếng súng, bầu trời yên bình vắng bóng máy bay, Bảo Long ra sân chơi. Chỉ có những trận đánh lẻ tẻ, những cuộc xung phong chớp nhoáng, rời rạc của bên nầy hoặc bên kia. Có những hôm yên ắng, Bảo Long nai nịt quần áo mùa đông bịt kín đầu, chơi trò dựng trại bằng hàng trăm vỏ đạn liên thanh 7,65 do máy bay Spitfire thả xuống rải rác trong vườn của các cha xứ.

Cậu cùng với các em còn nuôi những con vật bị lạc đang lang thang tìm chỗ trú ẩn. Mấy anh em Bảo Long đã quen với cuộc sống kỳ lạ vừa khủng khiếp vừa đau khổ. Dường như không còn gì khiến chúng phải chú ý hay bị “choáng” nữa. Chúng thản nhiên như đã quen với hiểm nguy và cả cái chết.

Bảo Long mặc dù tuổi còn nhỏ phải làm quen với cuộc sống trong tu viện. Cậu vẫn tiếp tục cuộc sống trong tu viện. Chẳng có gì đáng cười. Chỉ có chặt chẽ, nghiêm túc, kém vui vẻ hấp dẫn như ngoài đời từ sau cách mạng. Dậy sớm trước 5 giờ sáng, ăn bữa sáng đạm bạc. Chỉ có cơm và cơm. Không có thức ăn. Thỉnh thoảng các cha xứ chia cho mấy khẩu phần ăn do lính Pháp đem biếu. Khi đó, không khí vui vẻ như ăn tiệc.

Nhưng những bữa tiệc như thế thật hiếm hoi. Tuy nhiên, các tu sĩ quen sống kham khổ. Đôi khi còn chịu nhịn, tô điểm thực đơn của Bảo Long bằng những thức ăn do các con chiên đem biếu các cha nhân ngày giỗ tết ở Huế, thiên chúa giáo và tín ngưỡng truyền thống vẫn chung sống hoà thuận với nhau, không khi nào xung khắc(6).


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận