Bảo Đại, Hay Là Những Ngày Cuối Cùng Của Vương Quốc An Nam

Quyển 2 - Chương 38


Chabrignac cách Brive-la-Gaillarde ba mươi cây số, là một làng nhỏ ở Corrèze giữa những quả đồi, có bốn trăm dân với những ngôi nhà mái lợp ngói rêu phong. Bà cựu Hoàng hậu Nam Phương đã chọn nơi đây để sống ẩn dật những ngày cuối đời. Đồng quê, thật là đồng quê, khác hẳn những ngọn núi ở Cannes hoặc khung cảnh tĩnh mịch của Đà Lạt. Tuy vậy có vài cây thông là nét tương đồng duy nhất với thành phốcao nguyên ở Việt Nam.

Bà đã chán cuộc sống của giới thượng lưu. Chắc hẳn trong lòng đầy oán hận về diễn biến của thời cuộc, lẫn phiền muộn về thân phận, bà muốn được sống yên tĩnh và êm ả. Vì vậy năm 1958, bà mua một ngôi nhà dài mái ngói, tường đá trong trang trại La Perche ở làng Chabrignac. Toà nhà dựa lưng vào sườn đồi. Trước mặt là một cánh đồng bát ngát có nhiều đầm hồ. Ngược lại với chồng, bà cựu Hoàng hậu còn giữ được phần lớn tài sản. Ngoài căn nhà rộng mênh mông ở Neuilly, bà còn nhiều nhà ở Maroc, một căn nhà ở đại lộ Opéra, thêm một trang trại ở Congo và nhiều đồ vật quý. Nhưng dần dần bà chẳng thiết đến những tài sản ấy nữa mà chỉ nghĩ đến trang trại ở Corrèze.

Cơ ngơi ở Chabrignac rộng đến một trăm sáu mươi hecta đất, thêm một đàn gia súc gồm khoảng một trăm con bò sữa. Còn ngôi nhà dài bình dị xây bằng đá ở La Perche, bà cho sửa sang lại cho có vẻ hoành tráng quen thuộc với gia đình bà. Ba mươi hai buồng, bốn phòng khách v.v… Tuy nhiên có một lý do khác, tình cảm hơn, hình như đã thúc đẩy bà chọn nơi biệt lập nầy, gần như một tổ chim đại bàng.

Bà bá tước De La Besse, rất đỗi ngạc nhiên như trên trời rơi xuống khi được tin người láng giềng mới dọn đến là một cựu Hoàng hậu An Nam. Ai đã đưa tin nầy cho bà? Xóm giềng, người thân hay lời đồn đại? Dù thế nào đi nữa thì cũng không phải chính bà Nam Phương đã nói ra. Bà bá tước cảm thấy ở gần như thế là một điều không thích hợp. Ý tưởng nào đã khiến bà ta dọn đến ở cạnh nhà bà? Trang trại La Perche mà bà Nam Phương mới mua không chỉ ở cách nhà bà vài cây số hay ở bên cạnh như thế đã là quá táo bạo rồi. Đằng nầy nó lại sát hàng rào với lâu đài Chabrignac, thuộc sở hữu gia đình De La Besse từ nhiều thế kỷ nay. Bà bá tước ngạc nhiên vì bản thân bà là một công chúa An Nam. Bà là con gái của vua Hàm Nghi.

Một sự trùng hợp? Có thể, nhưng thật là đặc biệt! Gần như là huyền diệu. Vậy là hai hậu duệ của ngai vàng An Nam không cố ý mà lại thành láng giềng của nhau, một trong những vùng xa xôi cách biệt nhất của nước Pháp…

Nữ bá tước De La Besse, tên gốc Việt Nam là Công chúa Như Lý, thời thơ ấu đã sống ở Algérie. Năm 1885, Vua Cha là Hàm Nghi đã rời khỏi kinh thành Huế tham gia kháng Pháp cuối cùng bị Pháp bắt và phế truất rồi đem đày ở đây từ năm 19 tuổi. Ông sống yên bình ở nơi nầy. Nói đúng ra ông chỉ bị đày một thời gian. Ông đã về Paris và ở lại đó. Ông đã lấy vợ người Pháp, con gái một quan toà đương nhiệm trong thành phố. Trong thời gian lưu đày Hàm Nghi không vào quân đội, không chạy theo các dục vọng mà đam mê… âm nhạc, hội hoạ và điêu khắc, và chắc là có tài tạc tượng vì ông đã có tác phẩm trưng bày ở thủ đô.

Các Hoàng đế An Nam, từ Hàm Nghi đến Duy Tân đều cam chịu cuộc sống lưu đày do Pháp áp đặt, phục tùng ý muốn của Paris, tận dụng những mặt thuận lợi của hoàn cảnh nơi xa lạ. Không hề có dấu hiệu nổi loạn, bất phục tùng hay ý muốn quay về nước… Duy Tân sống trong cảnh thiếu tiện nghi và túng bấn. Trái lại Hàm Nghi được hưởng một khoản trợ cấp kha khá và có một gia nhân được đưa từ trong nước sang và được chính phủ Pháp thay thế hai năm một lần. Cả hai, không hận thù mà còn yêu nước Pháp hơn cả người Pháp. Họ muốn được phục vụ trong quân đội Pháp.

Hàm Nghi qua đời ở Alger năm 1940, được mai táng trên mảnh đất thuộc sở hữu của ông. Tướng De Gaulle đã có ý định đưa thi hài ông về nước. Hiện nay Hàm Nghi an nghỉ tại Thonac ở Dordogne, gần nơi ở của con gái và không xa trang trại La Perche của cựu Hoàng hậu Nam Phương. Kỳ lạ là trong những năm 60, mảnh đất tây-nam của nước Pháp nổi tiếng vì cảnh đẹp, vì các món ăn đặc sản ở địa phương, trở thành nơi chôn cất của nhiều thành viên trong hoàng tộc An Nam. Nhưng cựu Hoàng hậu Nam Phương và công chúa Như Lý, mà số phận thích đùa và lạ lùng đã đưa họ ở bên cạnh nhau tại một nơi biệt lập tận cùng của nước Pháp, suốt năm năm không hề gặp nhau. Mặc dù những hậu duệ của vua Hàm Nghi có thái độ ủng hộ Diệm, hai chi họ không bất hoà với nhau.

Trong lâu đài La Noche nơi lúc nầy công chúa Như Lý đang ở có pho tượng Phúc – Lộc – Thọ bằng ngọc thạch, tượng trưng cho hạnh phúc, con cháu đầy đàn, may mắn. Đó là quà cưới của Bảo Đại. Lúc còn nhỏ, Bảo Đại – đã được tấn phong Hoàng đế An Nam – đã được Hàm Nghi tiếp ở Alger.

Vậy tại sao lại có sự lạnh nhạt ngăn cách hai người đàn bà tuổi còn trẻ như vậy?

Có thể là do đối lập giữa một chi họ “chính thống” của Nhà vua yêu nước bị Pháp bị lưu đày và chi họ của Bảo Đại, ông vua do Pháp lập nên tự nguyện thoái vị và quay về với Pháp chống lại kháng chiến hoặc nữa là do cái kết cục bi thảm đầy tai ách của cuộc chiến ở Đông Dương.

Nam Phương sau khi cởi bỏ chiếc áo khoác được mọi người tôn kính khi bà đi bên cạnh chồng trong các buổi tiếp đón chính thức, không đến Corrèze một mình. Đi theo bà có người quản gia. Theo lời bình phẩm của các bà lắm điều trong làng Chabrignac thì đó là một người điển trai, dong dỏng cao, cử chỉ dễ chịu, ăn mặc trang nhã. Ông đã chữa trị bằng liệu pháp vận động cho bà khi còn ở Cannes. Nghe nói ông là đảng viên cộng sản…

Vì vậy ông quan tâm đến gia đình bà và ngược lại. Còn các gia nhân ở Corrèze phục vụ cho cựu Hoàng hậu thì họ cứ một mực cho rằng giữa hai người đã có quan hệ tình cảm với nhau…

Trong toà nhà đồ sộ có tới ba mươi hai phòng, Nam Phương sống vui vẻ. Các gia nhân còn nhớ tiếng cười, tiếng hát, lối sống yêu đời của bà. Dậy sớm, bà ăn bận giản dị đi thăm khắp trang trại, vui vẻ trò chuyện với những người nông dân đến chào bà.

Bà đi chợ mua bán, tự lái chiếc xe Dauphine, bao giờ cũng có chị hầu phòng hay người quản gia đi theo. Bà chăm sóc các cây hoa, tự tay trang hoàng nhà cửa. Tất cả sẽ là hoàn hảo, nếu không có nỗi nhớ quê hương. Nam Phương nghĩ một ngày kia bà có thể về Việt Nam, nếu không phải là phục hồi chế độ quân chủ thì ít nhất Bảo Long, con trai trưởng, là niềm hy vọng và chỗ dựa tinh thần của bà cũng có vai trò nào đó trên chính trường Việt Nam.

Bà không bị giám sát như hồi có người cán bộ chính trị Việt Minh đóng trong cung An Định ở Huế hoặc những cảnh sát đeo bám theo bà khắp nơi ở Paris hay ở Cannes. Ngay nhà thờ, các cha cố cũng ít gần bà hơn hồi bà sống ở Đà Lạt và ở Huế. Không thấy dấu tích gì về việc bà có quyên góp hay không cho nhà thờ trong làng Chabrignac. Vĩnh biệt người đàn bà lạnh lùng và cương nghị. Hình ảnh của bà giờ đây khác hẳn, có thể đó là hình ảnh của một người đang hạnh phúc.

Bốn người công nhân nông nghiệp trong trang trại cũng như các chị hầu phòng tôn sùng bà. Tất cả đều được bà chủ hơi khác thường nầy chiều chuộng. Họ có quà Noel, quà biếu…

Ông Bảo Đại đến thăm bà ba lần. Ba lần trong năm năm. Bà con nông dân trong vùng chú ý đến chiếc ôtô dài, choáng lộn đậu trước nhà đánh dấu chuyến thăm lần đầu của ông. Ông đến chủ yếu để làm đám cưới cho con gái thứ hai – Phương Liên (Hoa Sen) lấy một thanh niên quê ở Bordeaux. Báo giới nhiều năm nay tưởng như đã quên cặp vợ chồng vương giả nầy, nhân dịp nầy lại trở lại vui đùa với cảnh cựu hoàng mời ông xã trưởng làng Chabrignac, một đảng viên cộng sản, đến dự tiệc cưới.

Nam Phương sống phần lớn thời gian tại ngôi nhà đá, bà rất ít lên Paris, chủ yếu cũng là để thu dọn nốt đồ đạc còn để lại ở Neuilly rồi tìm cách chuyển nốt về Corrèze.

Các con bà cũng sống ở Chabrignac, nhất là những đứa bé nhất. Trong các dịp nghỉ hè, chúng để lại những kỷ niệm tươi sáng, dễ thương. Tất cả, trừ Bảo Long, vẫn luôn mang vẻ mặt nghiêm khắc.

Ngày 14 tháng 9 năm 1963, bà Nam Phương từ Brive về, kêu đau họng. Hôm sau bà cho gọi bác sĩ đến thăm bệnh. Ông nầy chẩn đoán chỉ là viêm họng thông thường, kê đơn rồi đi ngay, có lẽ không biết tiền sử bệnh của bà là tràng hạt (lao hạch). Vài giờ sau Nam Phương kêu khó thở. Các bà hầu phòng và ông quản gia không yên tâm lại gọi điện cho xã Jouillac ở kế bên, rồi lại gọi đến thị trấn Pompadour ở cách đó một chục cây số để yêu cầu cử một thầy thuốc khác. Nhưng chẳng có ai đến.

Mỗi phút qua đi, bà cựu hoàng càng kêu đau. Phải giữ bà trên giường vì bà cứ muốn vùng dậy cho dễ thở. Cuối cùng bà chết vì ngạt. Sen đầm, nhân viên cấp cứu chạy đến, cố tìm cách cho bà hồi lại nhưng không kết quả Bà ra đi, tuổi đời mới 49.

Thi hài bà được an táng ở Chabrignac trong một nghĩa trang nhỏ trông sang nhà thờ. Một ngôi mộ thấp lè tè, kín đáo cạnh các nhà mồ to, nặng nề của vùng Corrèze, trên tấm mộ chí ghi rõ phẩm tước và tên thời con gái của bà viết bằng tiếng Pháp: “Nơi đây an nghỉ bà Hoàng hậu nước An Nam, tên khai sinh là Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào”. Phía sau chạm khắc dòng chữ Hán đọc từ trên xuống: Đại Nam Nam Phương Hoàng hậu chi mộ.

Tang lễ mang tính cách gần như chính thức. Tham dự có một số nhân vật thân cận của Bảo Đại, quận trưởng, nhiều dân biểu trong vùng, và bà công chúa Như Lý, người em họ láng giềng suốt năm năm qua không một lần gặp mặt.

Người ta nói: thi hài bà cựu hoàng được chôn cùng với những nữ trang quý báu, một kiềng cổ, một xuyến nhỏ nạm ngọc lam, không biết của thật hay giả.

Ngôi mộ đã ba lần bị đào bới. Hai lần để định ăn trộm báu vật và một lần vào dịp kỷ niệm trận Điện Biên Phủ, chắc vì động cơ chính trị…

Hiện nay bia đá đã sứt cạnh, dáng vẻ tiêu điều. Một người làm vườn ở Jouillac được giao nhiệm vụ trông coi ngôi mộ, nhưng mỗi năm mỗi già yếu thêm chẳng còn đi lại thăm nom được nữa. Hàng năm vào dịp Thanh minh trong lễ Các Thánh, chỉ có công chúa Phương Liên, con gái thứ hai của bà, sống ở Bordeaux, đem hoa tươi đến trồng trên mộ. Theo dân làng Chabrignac, Bảo Đại không một lần đến nghiêng mình trước mộ.

Ngược lại, cách ngôi mộ chỉ độ mươi mét, có một nấm mộ khác của người quản gia. Ông có nguyện vọng được an táng bên cạnh người chắc là ông đã từng yêu.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận