Bảo Đại, Hay Là Những Ngày Cuối Cùng Của Vương Quốc An Nam

Quyển 2 - Chương 7


Hôm sau, ngày 8 tháng 9, các báo ở Bắc Bộ đã tổ chức tiệc chiêu đãi Vĩnh Thuỵ tại nhà hàng Asia. Cùng dự có Hoàng thân Vĩnh Cẩn, sĩ quan cận vệ Nguyễn Hữu Tường, và ông Phạm Khắc Hòe, cựu Tổng lý Ngự tiền văn phòng, nay làm việc tại Bộ Nội vụ. Ông thay mặt chủ tịch Hồ Chí Minh làm chủ toạ lễ bế mạc “Tuần lễ Vàng” ngày 30 tháng 9 năm 1945, và ngay tối hôm đó chủ toạ tiệc chiêu đãi ban tổ chức Tuần lễ Vàng, chủ toạ bữa cơm chay nhân ngày lễ Hạnh nguyện của Phật giáo tại chùa Quán Sứ ngày 16 tháng 10. Dự lễ tấn phong Giám mục Lê Hữu Từ ngày 29 tháng 10 năm 1945, dự Đại hội Liên đoàn công giáo tại Phát Diệm ngày 30 tháng 10 năm 1945. Ông luôn tháp tùng Hồ Chủ tịch trong nhiều cuộc lễ long trọng: khai mạc đại hội thanh niên thành Hoàng Diệu ngày 25 tháng 9, lễ thành lập Hội Thân hữu Việt Mỹ ngày 5 tháng 10, khai mạc tuần lễ văn hoá ngày 7 tháng 10, dự lễ khai mạc cuộc lạc quyên gạo chống đói ngày 11 tháng 10, dự cơm chay của nhà Phật tại chùa Quán Sứ ngày 14 tháng 10, dự lễ tế Khổng Tử tại Văn Miếu Quốc tử giám ngày 21 tháng 10, dự tiệc liên hoan đoàn kết giữa các đảng phái (Việt Minh, Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội) ngày 24 tháng 10. Theo gợi ý của chính phủ, ngày 14 tháng 9 năm 1945 nhân danh Hoàng thân Vĩnh Thuỵ, nguyên Hoàng đế Bảo Đại, ông viết thư cho chính phủ và quốc dân Pháp với giọng văn khá hùng hồn: Tôi kêu gọi sự hiểu biết của các người có trách nhiệm của nước Pháp để khỏi có những việc đáng tiếc xảy ra. Nếu sự chẳng may không thể tránh khỏi được thì trong hàng ngũ quân đội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tôi quyết sẽ là một tên lính thường ở bên cạnh đồng bào của tôi và sẽ chiến đấu hy sinh tính mệnh để khôi phục tự do cho Tổ quốc(4).

Từ đây cố vấn Vĩnh Thuỵ sau khi vượt qua xuất sắc một số thử thách, trở thành một chính khách được thừa nhận, được mọi người kính nể. Ông không thèm để ý đến một câu nói hài hước của dân ngoại ô thủ đô: “Việt Nam là một dân tộc nhỏ nhưng lại có một ông vua cao to, béo tốt như Tây!”.

Ông còn được chính phủ bổ nhiệm tham gia Uỷ ban dự thảo hiến pháp cùng với bảy thành viên khác do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, có trách nhiệm cùng với các thành viên khác soạn ra bản dự thảo hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để trình Quốc hội thông qua. Tại đây, theo lời những người thân cận, ông tỏ ra rất nổi bật, khác hẳn hình ảnh mờ nhạt của ông ở hội đồng chính phủ.

Kiến thức của ông về luật hành chính học được ở trường khoa học chính trị Paris đã giúp ông có được vai trò tích cực trong Uỷ ban soạn thảo hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ông còn được cử làm chủ tịch ngoại giao uỷ viên hội, uỷ viên quản trị hội đồng Đại học Việt nam với một số trí thức khác(5).

Sau khi chủ toạ lễ tấn phong Giám mục Lê Hữu Từ tại Phát Diệm ngày 27-10-1945, ông ra nghỉ ở Sầm Sơn (Thanh Hoá). Ông ở lại hai tháng ở bờ biển, hai tháng rong chơi, ngắm mặt trời lặn, những ngày nghỉ kỳ lạ. Có lúc thảng thốt ông tưởng tượng có một phát súng từ đâu đó bắn trúng hay một nhát dao găm sẽ kết liễu đời ông. Nhưng chính quyền không những không tìm cách hãm hại ông, mà còn mời ông chuyển đến một nơi khác sâu trong đất liền, mãi vùng Thọ Xuân, an toàn hơn bãi biển, giữa lúc có tin Pháp đang ngấp nghé đổ bộ lên Sầm Sơn. Người này đã thành kẻ thù trực tiếp của ông, kể từ khi họ nổ súng tái chiếm Nam Bộ. Bất kể thế nào, chính quyền nhân dân không muốn ông rơi vào tay họ. Tháng chạp năm 1945, ông nhận lời mời ứng cử đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá và đã trúng cử với số phiếu khá cao: 92% phiếu bầu, mặc dầu ông không bận tâm lắm đến phiếu việc bầu cử và cũng không đi vận động bầu cử và cũng không biết đích xác địa điểm bỏ phiếu để thực hiền quyền công dân của mình.

Theo nghị quyết của hội nghị Postdam, quân đội Trung Hoa từ Vân Nam vào miền Bắc để giải giáp quân Nhật. Theo chân chúng là những đảng phái quốc gia chống cộng, âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng. Bọn này cũng tìm thấy ở Cựu hoàng một sự ủng hộ khi thấy những viên tướng Quốc Dân Đảng Trung Hoa có vẻ có thiện cảm với ông, tưởng đâu ông cũng muốn khôi khôi phục lại quyền bính nên nước lợi dụng ông. Phái đoàn Pháp ở HN nhiều lần xin gặp, nhưng có lẽ nể mặt Cụ Hồ nên ông lảng tránh (6).

Nhưng không, điều đó không hợp tính cách ông. Như thế cũng có nghĩa là có thể xảy ra nạn đảng tranh dẫn đến nội chiến, một điều ông muốn tránh từ trước khi tự nguyện thoái vị. Ông không thể làm như thế. Vì vậy ông vẫn tiếp tục ở lại Sầm Sơn, tránh xa mọi mưu toan lật đổ chính quyền nhân dân của tướng Lư Hán và bọn tay sai người Việt.

***

Ngày tháng trôi qua, áp lực của các đảng phái đội lốt quốc gia được quân đội Trung Hoa đứng đằng sau tăng lên.

Trên đường phố, một số dân chúng đi biểu tình qua biệt thự ông ở, hô khẩu hiệu đòi lập chính phủ mới do Vĩnh Thuỵ đứng đầu. Các tướng lĩnh Trung Hoa liên tục tới gặp ông.

Tháng 2, tất cả các đảng cánh hữu thân Trung Hoa vận động dân chúng xuống đường đòi hỏi lập một chính phủ do cựu hoàng làm chủ tịch.

Vĩnh Thuỵ tâm sự với ông Hòe: “Ông biết đấy, tôi không phải là người ham quyền bính. Những người thuộc phe quốc gia nói dân chúng ủng hộ tôi“. Sau khi đi hỏi ý kiến ông Hồ, cựu hoàng đã tránh không tiếp đại biểu của đoàn biểu tình mấy trăm người diễu qua biệt thự ông ở. Ngày 22 tháng 2, ông thẳng thắn tuyên bố trước các nhà báo: “Tháng 8 năm ngoái, tôi bỏ ngôi vua mục đích là để thế giới và trong nước biết rằng dân tộc Việt Nam không phân biệt giai cấp trên dưới đều một lòng đoàn kết chặt chẽ để quyết giành lấy độc lập và tự do. Ngày nay các đảng phái đều đoàn kết, tôi rất vui lòng vì có đoàn kết mới có lực lượng, có lực lượng mới tranh thủ được hoàn toàn độc lập. Bởi vậy tôi mong rằng toàn dân nên đem kết tinh thần và lực lượng đế giúp chính phủ trong công việc kháng chiến kiến quốc.

Những việc gì có thể làm cho lòng người hoang mang, có thể để cho quân địch lợi dụng như bãi thị, bãi công thì nhân dân không nên làm.

Vận mệnh của nước nhà là ở trong tay toàn thể đồng bào chúng ta đoàn kết chặt chẽ thì nhất định chúng ta thắng lợi.

Nếu toàn thể dân chúng muốn tôi trở lại chính quyền thì tôi sẵn sàng nhận, nhưng một nhúm người không phải là toàn thể dân chúng. Việc bầu chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ do Quốc hội định đoạt. Vì chỉ Quốc hội mới là đại biểu chính thức của dân chúng cả nước. Không phải một nhóm người muốn cho ai làm chủ tịch là người ấy được làm chủ tịch ngay”(7).

Cùng ngày, điều ngạc nhiên là Hồ Chí Minh có một lúc cho biết ông không phản đối việc cựu hoàng đứng đầu nhà nước còn ông sẽ làm cố vấn tối cao thế vào chỗ của ông Vĩnh Thuỵ. Phải chăng theo ý nghĩ của ông Hồ đó là một cách tương kế tựu kế làm vừa lòng người Pháp đang đòi hỏi ký kết hiệp định với một chính phủ tiêu biểu cho “thống nhất dân tộc”…

Người ta kể lại câu chuyện lạ lùng giữa cố vấn Vĩnh Thuỵ và chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Một buổi sáng khi Vĩnh Thuỵ đang dùng bữa sáng điểm tâm thì cụ Hồ đến với một dáng điệu có vẻ suy sụp. Cụ nói: Ngài hãy trở lại vai trò đứng đầu nhà nước… Người Pháp không muốn thương thuyết. Những người trong phe quốc gia đang gây sức ép mạnh đối với tôi”. Vĩnh Thuỵ nghe thấy thế lấy làm lạ, hỏi lại: Cụ không đùa đấy chứ? Nếu tôi đứng đầu chính phủ, tôi có thể chọn các ông bộ trưởng giúp việc tôi được không? Hay buộc phải chấp nhận những người do Cụ đưa ra?

Cụ Hồ trả lời dứt khoát: “Không, ngài có thể lấy tất cả những người ngài muốn, để lập chính phủ mới”.

Nhưng đến khi gặp lại, cụ Hồ lại thay đổi ý kiến:“Thưa Ngài, tôi nghĩ lại rồi, tôi không thể thoái thác nhiệm vụ trong lúc khó khăn này. Tôi vẫn phải ở lại cương vị đứng đẩu chính phủ”(8).

***

Ngày 7 tháng 3, ký Hiệp định sơ bộ Việt – Pháp được một ngày, ông luôn luôn ở bên cạnh chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp chính thức đại biểu Pháp Sainteny và đến thăm đáp lễ ông ta. Ngày 8 tháng 3 năm 1946, Hội đồng chính phủ họp quyết định cử một phái bộ thân thiện đi Trùng Khánh đồng thời cũng cử một phái đoàn thân thiện đi Pháp. Ngày 11 tháng 3, hội đồng chính phủ lại quyết định cố vấn Vĩnh Thuỵ dẫn đầu phái đoàn đi Trùng Khánh. Trong đoàn còn có Nghiêm Kế Tổ, người của Việt Nam Quốc dân đảng, Thứ trưởng Ngoại giao, Nguyễn Công Truyền, đại biểu Việt Minh, uỷ viên tuyên truyền thuộc Uỷ ban Nhân dân Bắc Bộ, Hà Phú Hương, đại biểu Đảng Dân chủ Việt Nam (trong Việt Minh), uỷ viên tuyên truyền thuộc Uỷ ban nhân dân Trung Bộ. Phái bộ sẽ để lại một đại diện ở lại Trung Hoa làm đại diện thường trú cho phái bộ. Hội đồng chính phụ còn xác định nhiệm vụ của phái bộ là tỏ rõ cho chính phủ Trung Hoa là các đảng phái đã đoàn kết rồi, hỏi Trung Hoa có thể giúp ta những gì, yêu cầu ta những gì, tỏ cảm tình với Trung Hoa, trao đổi ý kiến chứ không cam kết gì. Phái bộ còn được phép để lại Trung Hoa một đại diện cho phái bộ(9). Cố vấn Vĩnh Thuỵ nhận lời đi Trùng Khánh nhưng với tư cách cựu hoàng đi du lịch chứ không lãnh đạo phái đoàn. Vì vậy Nghiêm Kế Tổ, người của Việt Nam Quốc dân đảng làm trưởng đoàn. Đúng ngày lên đường, 16 tháng 3 năm 1946, Vĩnh Thuỵ nói với Phạm Khắc Hòe cựu tổng lý văn phòng của ông: “Sau khi tôi lên đường đi Trung Hoa, ông có thể vui lòng đi Huế một lần nữa mời bà Nam Phương đưa các con ra Hà Nội không. Cụ Hồ cũng đã đồng ý với đề nghị này”(10).

Vậy là Vĩnh Thuỵ và Hồ Chí Minh chia tay nhau. Họ không gặp lại nhau nữa và mỗi người ở một phe đối lập nhau trong cuộc chiến tranh Việt – Pháp sau này.

Nhưng thời gian đầu chính phủ Hồ Chí Minh vẫn có thái độ nương tay, cho đến phút cuối cùng vẫn cố níu kéo một con người lầm lạc trở về với sự nghiệp chính nghĩa. Ông Phạm Khắc Hòe kể lại sau ngày toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ chí Minh còn cử ông Phạm Ngọc Thạch đem tiền sang và vận động Bảo Đại về nước tham gia kháng chiến với nhân dân. Nhưng ông khước từ. Sau này chính ông Phạm Khắc Hòe còn được Hồ Chủ tịch cử đi Hongkong để vận động Bảo Đại trở về nhưng sắp đi thì được tin Bảo Đại đã nhận lời về với Pháp nên ông Hòe không đi nữa. Cũng theo nhà báo Tường Hữu, một nhân viên Việt Nam của hãng thông tấn Pháp cho biết Chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh còn phái một nhân viên cao cấp trong chính phủ tên là Hồ Đức Linh mang vàng và ngoạí tệ sang cho Bảo Đại và thuyết phục ông về nước nhưng không thành công(11).

Chú thích:

(1) Nguyên văn câu tiếng Pháp: ” Ça vaut bien le coup, alors?”.

Xem Hồi ký của Phạm Khắc Hòe: “Từ Triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc”, Nhà xuất bản Thuận Hoá, 1987.

(2) Nói chuyện với ông Bảo Long tại Paris (Tác giả).

(3) Báo Quyết chiến, cơ quan ủng hộ chính quyền nhân dân cách mệnh, xuất bản tại Thuận Hoá ngày 8 tháng 9 năm 1945.

(4) Báo Cứu Quốc ngày 15 tháng 9 năm 1945.

(5) Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hậu trong bài “Những điều còn ít biết về một người thư ký đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946″. Thông báo khoa học của viện Bảo tàng cách mạng Việt nam, tháng 6-2005

(6) Võ Nguyên Giáp. Những năm tháng không thể nào quên, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân

(7) Báo Sự thật ngày 24 tháng 2 năm 1946. Xem thêm báo Cứu Quốc ngày 23 tháng 2 năm 1946, Phạm Khắc Hòe dẫn trong Từ Triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, Nhà xuất bản Thuận Hoá, 1987.

(8) Bảo Đại, Con Rồng An Nam, sách đã dẫn. Có một việc ít người biết tới là việc cụ Hồ đã có ý định để Cựu hoàng Bảo Đại thay mặt cụ để ký vào Hiệp định 6 tháng 3 với Pháp. Cụ nói với Vũ Đình Huỳnh, một người giúp việc gần gũi: Để ông ta ký mà hay. Pháp tin ông ta hơn tin tôi” (xem Hồi ký Vũ Đình Huỳnh: Tháng Tám cờ bay, Báo Văn Nghệ, tháng 4 năm 1993) (B.T.).

(9) Biên bản Hội đồng chính phủ ngày 8 và ngày 11 tháng 3 năm 1946, lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

(10) Xem Phạm Khắc Hòe, “Từ Triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc”, Nhà xuất bản Thuận Hoá, 1987.

(11 Tường Hữu, Sự thật về chiến tranh Việt Nam 1945-1975, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, 2004 (ND).


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận