7
Hiệu giặt là hạnh phúc
♦
Kano Creta xuất hiện
Tôi mang một chiếc blouse và một chiếc váy của Kumiko đến hiệu giặt cạnh nhà ga. Thường thì tôi mang quần áo bẩn tới hiệu giặt ngay góc phố gần nhà, không phải vì thích chỗ đó hơn mà đơn giản là gần hơn. Thỉnh thoảng Kumiko cũng đến hiệu giặt gần nhà ga. Buổi sáng đi làm nàng ghé qua đó vứt quần áo bẩn, chiều về thì tạt vào lấy. Chỗ này đắt hơn một chút, nhưng theo Kumiko thì họ giặt sạch hơn chỗ gần nhà. Những bộ đồ đẹp nhất, nàng luôn luôn mang tới đó giặt dù hơi bất tiện. Chính vì vậy mà hôm đó tôi quyết định đạp xe đến đó, vì tôi nghĩ nàng hẳn sẽ thích giặt đồ của mình ở đó hơn.
Ra khỏi nhà, tôi mặc quần vải bông mỏng màu xanh lá cây, mang đôi giày tennis muôn thuở, vận áo thun màu vàng dành cho các fan của Van Hallen mà Kumiko được một hãng băng đĩa tặng. Chủ hiệu giặt hôm nay vẫn mở dàn JVC to hết cỡ như khi tôi đến lần trước. Sáng nay anh ta nghe một đĩa của Andy Williams. Khi tôi bước vào, Bài hát đám cưới ở Havaiivừa dứt và Hoàng hôn Canada mới dạo đầu. Vừa vui vẻ huýt sáo theo tiếng nhạc, chủ nhân vừa hí hoáy viết gì đó vào sổ bằng bút bi, động tác của anh ta vẫn mạnh mẽ, quả quyết như lần trước. Trên chồng đĩa chất trên giá, tôi thấy những cái tên như Sergio Mendes, Berr Laempert và ban 101 Strings. Hẳn anh ta là người mê thể loại jazz nhẹ. Bỗng dưng tôi nghĩ: những tín đồ thứ thiệt của loại jazz “nặng đô” như Albert Ayler, Don Cherry, Cecil Taylor hẳn sẽ không bao giờ trở thành chủ một hiệu giặt gần nhà ga. Nhưng cũng có thể họ làm được. Chỉ có điều họ sẽ không là một ông chủ hiệu giặt vui vẻ và hạnh phúc.
Khi tôi đặt chiếc blouse màu xanh có in hoa và chiếc váy màu xanh xám nhạt lên quầy, anh ta trải rộng ra xem qua rồi viết lên biên lai “blouse và váy”. Chữ viết anh ta rõ ràng, nắn nót. Tôi thích những chủ hiệu giặt viết chữ rõ ràng. Và nếu họ thích Andy Williams thì lại càng hay.
– Ông Okada phải không? – Tôi đáp rằng phải. Anh ta viết tên tôi, xé liên thứ nhì đưa cho tôi. – Thứ Ba tuần sau có, lần này ông đừng quên ghé lấy đấy nhé. Mấy món này của bà Okada phải không?
– Ừ.
– Màu đẹp lắm, – anh ta nói.
Bầu trời trĩu mây xám xịt. Dự báo thời tiết cho hay sẽ có mưa. Đã quá 9 rưỡi sáng, nhưng vẫn còn rất nhiều người che ô xách cặp vội vã bước về phía các bậc tam cấp nhà ga. Ấy là những người đi làm muộn. Buổi sáng nóng nực và ẩm ướt, nhưng điều đó chẳng có gì khác với những người này, ai nấy đều chỉnh tề lê, chỉnh tề cà vạt, chỉnh tề giày đen bóng. Tôi thấy nhiều người trạc tuổi tôi, nhưng chẳng ai trong họ diện áo thun Van Hallen. Mỗi ngườu đều đeo huy hiệu công ty trên ve áo, dưới nách cấp một tờ Thời báo Kinh tế Nhật bản. Chuông reo, nhiều người tất tả lao lên các bậc thang. Đã lâu tôi không nhìn thấy những người như vậy.
Đạp xe về nhà, bất chợt tôi nhận ra mình đang huýt sáo bản Hoàng hôn Canada.
Kano Malta gọi điện lúc 11 giờ trưa.
– Xin chào. Chẳng hay đây có phải nhà của ông Okada Toru không ạ? – cô ta hỏi.
– Vâng, tôi Okada Toru đây. – Ngay từ câu chào đầu tiên, tôi đã nhận ra Kano Malta.
– Tên tôi là Kano Malta. Lần trước ông thật tử tế đã nhận lời gặp tôi. Không biết chiều nay ông có dự định làm gì không?
– Không, tôi đáp. Tôi mà có kế hoạch gì thì chẳng khác nào con chim di cư có cổ phiếu vậy.
– Nếu vậy thì em gái tôi, Kano Creta, sẽ đến gặp ông lúc 1 giờ chiều.
– Kano Creta? – tôi hỏi bằng giọng khô khan.
– Vâng. Lần trước hẳn là tôi đã cho ông xem ảnh của cô ấy.
– Dĩ nhiên tôi nhớ. Chỉ có điều…
– Tên cô ấy là Kano Creta. Cô ấy sẽ đến gặp ông với tư cách đại diện của tôi. 1 giờ chiều có tiện cho ông không?
– Được, – tôi nói.
– Cô ấy sẽ đến, – Kano Malta nói rồi gác máy.
Kano Creta?
Tôi hút bụi sàn nhà rồi chỉnh trang nhà cửa đâu ra đó. Tôi cột hết báo thành một bó rồi ném vào trong tủ. Tôi cho những băng cát-xét vứt vung vãi vào hộp rồi xếp ngay ngắn lên giá. Tôi rửa hết chỗ bát đĩa chất đống trong bếp. Rồi tôi tắm vòi hoa sen, xịt dầu thơm, thay quần áo sạch. Tôi pha cà phê mới rồi ăn trưa; bánh sandwich với thịt xông khói và trứng luộc. Tôi ngồi trên ghế sofa mà đọc tờ Tạp chí gia đình, vừa đọc vừa ngẫm nghĩ xem bữa tối sẽ nấu món gì. Tôi đánh dấu mục giới thiệu cách làm món xà lách bằng rong biển với đậu phụ, rồi viết các thứ cần dùng ra một tờ giấy đặng khi đi mua hàng thì cầm theo. Tôi mở radio. Micheal Jackson đang hát bài Billy Jean. Tôi nghĩ về hai chị em Kano Malta và Lano Creta. Hai chị em lấy hai cái tên đến là ngộ ngĩnh! Nghe cứ như một cặp nghệ sĩ hài vậy. Kano Malta, Kano Creta.
Cuộc sống của tôi đang chuyển hướng một cách kỳ lạ, đó là điều chắc chắn. Con mèo đi mất. Những cuộc gọi lạ lùng của một người đàn bà kỳ lạ. Tôi đã gặp một cô gái lạ, và bắt đầu lui tới một căn nhà không người ở. Wataya Noburu đã hãm hiếp Kano Creta. Kano Malta đã tiên đoán đúng rằng tôi sẽ tìm thấy cà vạt. Kumiko bảo tôi rằng tôi không cần phải kiếm việc làm.
Tôi tắt radio, trả tờ Tạp chí gia đình lên kệ sách rồi uống một tách cà phê khác.
° ° °
Kano Creta nhấn chuông đúng 1 giờ không sai một mảy may. Cô ta trông hoàn toàn giống như ảnh chụp: một phụ nữ nhỏ nhắn chừng 25, 26 tuổi, thuộc típ ngưới trầm lặng. Cô duy trì được một cách tài tình dáng vẻ của một phụ nữ thập niên sáu mươi. Cũng cái kiểu tóc “bồng” tôi từng thấy trong các bộ phim thời đó, đầu mút các sợi tóc hơi xoăn lên. Tóc trước trán hất ngược về phía sau, được giự lại bằng một cái kẹp tóc to, lấp lánh. Lông mày cô ta tô sắc nét bằng bút chì, mỹ phẩm làm tăng thêm bóng mờ bí ẩn cho cặp mắt, còn son môi tái tạo hoàn hảo cái màu được ưa chuộng vào thời đó. Trông như thể chỉ cần ấn vào tay cô ta một chiếc micro là lập tức cô sẽ cất tiếng hát Johnny Angel.
Cô ăn mặc giản dị hơn rất nhiều so với trang điểm. Một bộ đồ công sở đúng nghĩa, thực tế, không màu mè: áo blouse trắng, váy xanh lục bó sát, không nữ trang. Cô kẹp dưới nách một chiếc xắc sơn mài màu trắng, mang đôi giày trắng mũi nhọn bé tí. Đôi gót giày mảnh và sắc lẹm như đầu bút chì, trông như đồ chơi búp bê. Tôi hầu như muốn tỏ lời khen cô ta đã có thể đi đến nhà tôi trên đôi giày ấy.
Vậy là Kano Creta đây. Tôi dẫn cô vào nhà, mời cô ngồi lên sofa, đun lại ấm cà phê rồi rót cho cô một tách. Cô đã ăn trưa chưa? – tôi hỏi. – Trông cô có vẻ đói. Không, cô chưa ăn.
– Nhưng xin ông đừng lo, – cô ta vội nói thêm. – Buổi trưa tôi luôn ăn rất ít.
– Có thật không? Đừng khách sáo nhé. Làm vài cái sandwich thì có gì khó đâu. Tôi vẫn quen nấu nướng, làm việc này việc nọ mà.
Kamo Creta khẽ lắc đầu.
– Ông tử tế quá, nhưng thật tình tôi không ăn. Xin đừng lo. Một tách cà phê là đủ lắm rồi.
Song tôi vẫn dọn lên một đĩa bánh quy để phòng xa. Kano Creta ăn liền ngay bốn chiếc, tỏ vẻ rất ngon miệng. Tôi ăn hai chiếc rồi uống cà phê.
Cô ta có vẻ thoải mái hơn sau khi ăn bánh và uống cà phê.
– Hôm nay tôi đến đây với tư cách đại diện cho chị tôi, Kano Malta, – cô nói. Dĩ nhiên Kano Creta không phải là tên thật của tôi. Tên thật của tôi là Setsuko. Tôi lấy cái tên Creta từ khi làm trợ lý cho chị tôi. Biệt danh dùng trong công việc mà thôi. Creta là tên xưa của đảo Crete, nhưng tôi chẳng có liên quan gì đến đảo Crete cả. Tôi chưa đến đó bao giờ. Chị tôi đã lấy tên Malta, thành thử chị chọn tên Creta cho tôi để hai cái tên đi với nhau thành cặp. Chẳng hay ông đã tới đảo Crete bao giờ chưa, thưa ông Okada?
– Chẳng may là chưa, – tôi đáp. – Tôi chưa hề đến Crete mà cũng không định đến đó trong tương lai gần.
– Tôi thì muốn đến Crete một lúc nào đó, – Kano Creta vừa nói vừa gật đầu, vẻ hết sức nghiêm trang. – Crete là hòn đảo Hy lạp gần châu Phi nhất. Đó là một hòn đảo lớn, từng có một nền văn minh phồn thịnh vào thời cổ đại. Chị tôi Malta thì có đến Crete. Chị bảo nơi đó thật tuyệt. Gió mạnh, mật ong thì cực ngon. Tôi rất mê mật ong.
Tôi gật đầu. Tôi thì chẳng thích mật ong đến thế.
– Tôi đến đây là có một việc muốn nhờ ông, – Kano Creta nói. – Tôi muốn lầy một mẫu nước trong nhà ông.
– Nước? – tôi hỏi. – Cô muốn nói nước ở vòi ấy à?
– Nước ở vòi là được rồi, – cô ta nói. – Song nếu gần đây có cái giếng nào thì tôi cũng muốn lấy nước ở đó nữa.
– Tôi e rằng gần đây chẳng có cái giếng nào đâu. Thật ra thì có một cái, nhưng lại nằm trong sân nhà người khác, và lại cạn từ lâu rồi. Chẳng còn tí nước nào cả.
Kano Creta nhìn tôi với vẻ khó hiểu.
– Có đúng là cái giếng đó không còn nước không? Ông có chắc không?
Tôi nhớ lại âm thanh đùng đục khi Kasahara May ném viên gạch xuống cái giếng nơi căn nhà không người ở kia.
– Cái giếng ấy đúng là cạn mà. Tôi tin chắc thế.
– Tôi hiểu, – Kano Creta nói. – Thôi được. Tôi sẽ chỉ lấy nước ở vòi thôi, nếu ông không phiền.
Tôi dẫn cô ta xuống bếp. Từ trong chiếc túi xách sơn mài màu trắng cô ta rút ra hai cái lọ con, loại người ta vẫn cùng để đựng thuốc. Cô lấy nước vào đầy một lọ rồi đậy nắp lại hết sức cẩn thận. Cô bảo cô muốn lấy nước từ đường ống cấp nước cho bồn tắm. Tôi dẫn cô ta vào buồng tắm. Hoàn toàn không bối rối trước những chiếc đồ lót và tất chân mà Kumoko đang phơi trong đó, Kano Creta mở vòi nước đong đầy vào chai kia. Đậy nắp xong, cô lật úp lại để kiểm tra xem có bị rò không. Hai nắp lọ có phân màu rất rõ: màu xanh dương cho nước trong bồn tắm, màu xanh lục cho nước trong bếp.
Trở lại sofa ngoài phòng khách, cô ta cho hai cái lọ vào một túi đông lạnh nhỏ bằng nhựa, phong kín lại rồi cho túi nhựa vào chiếc xắc sơn mài, cái khóa kim loại với một tiếng cách khô khốc. Cử động của hai bàn tay cô hết sức thuần thục, rõ ràng cô đã làm việc này nhiều lần rồi.
– Cám ơn ông rất nhiều, – Kano Creta nói.
– Chỉ có thế thôi à? – tôi hỏi.
– Vâng, hôm nay thế là đủ, – cô nói. Cô vuốt thẳng váy, kẹp xắc vào dưới nách rồi dợm đứng dậy.
– Đợi chút đã, – tôi nói, hơi bối rối. Tôi không ngờ cô ta lại bỏ về đột ngột như vậy. – Cô có thể nán lại thêm một chút được không? Vợ tôi muốn biết con mèo đang ở đâu. Nó đi mất gần hai tuần nay rồi. Nếu cô có biết gì, xin cho tôi được rõ.
Vẫn kẹp chiếc xắc sơn mài màu trắng ở dưới nách, cô ta gật đầu nhanh mấy cái. Khi cô ta làm vậy, những đuôi tóc xoăn nhẹ của cô ta bập bềnh gợi nhớ đến sự thanh thoát của thập niên sáu mươi. Mỗi khi cô chớp mắt, hai hàng lông mi giả của cô động đậy lên xuống chậm rãi như những cái quạt cán dài trong tay các cô nô tì ở mấy bộ phim về Ai cập thời cổ đại.
– Nói thật với ông, chị tôi bảo đây sẽ là một câu chuyện dài hơn nhiều so với ta tưởng lúc đầu.
– Dài hơn ta tưởng lúc đầu?
Cụm từ “chuyện dài hơn” khiến tôi hình dung một cây sào dài cắm giữa sa mạc, ngút tầm mắt không còn bất cứ vật nào khác. Mặt trời càng lặn thì bóng sáo càng kéo dài ra, dài ra mãi, cho tới khi đầu mút của nó vươn ra xa tít đến nỗi mắt trần không thấy được.
– Chị ấy bảo vậy, – Kano Creta nói tiếp. – Chuyện này sẽ không chỉ dừng lại ở việc con mèo đi mất.
– Tôi không hiểu gì cả. Chúng tôi chỉ nhờ chị em cô mỗi một việc là tìm con mèo. Chỉ có thế thôi. Nếu con mèo đã chết, chúng tôi cũng muốn biết chắc. Tại sao “chuyện sẽ không dừng ở đó” chứ? Tôi chẳng hiểu gì hết.
– Tôi cũng không, – Kano Creta nói. Cô đặt tay lên chiếc kẹp tóc trên đầu, dịch về phía sau một chút. – Nhưng xin ông hãy tin ở chị tôi. Tôi không nói rằng chị ấy gì cũng biết. Nhưng một khi chị ấy đã báo “chuyện sẽ còn dài” thì nhất định là chuyện sẽ còn dài, ông hẵng biết cho như thế.
Tôi gật đầu, không nói gì. Tôi không thể nói thêm gì nữa.
– Thưa ông Okada, hiện giờ ông có bận gì không ạ? Ông có định làm gì từ đây cho đến hết buổi chiều không? – Nhìn thẳng vào mắt tôi, Kano Creta lại đổi giọng lễ phép kiểu cách.
– Không, – tôi nói, – tôi chẳng định làm gì cả.
– Vậy thì không biết ông có cảm phiền nghe tôi kể đôi điều về bản thân không? – Kano Creta hỏi. Cô ta đặt chiếc xắc sơn mài màu trắng xuống sofa rồi đặt hai bàn tay lên chiếc váy xanh, nơi đầu gối, tay nọ xấp trên tay kia. Móng tay cô cắt khéo, sơn màu hồng thật đẹp. Cô không đeo chiếc nhẫn nào.
– Vâng, xin mời cô cứ kể, – tôi nói. Và thế là dòng chảy cuộc đời tôi lại đang ngoặt sang những hướng ngày càng lạ lùng hơn nữa – như đã được tiên báo trước từ cái khoảnh khắc Kano Creta bấm chuông nhà tôi.