Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót

Chương 35: Chương 09


9
Giếng và sao

Thang biến mất
Mới hơn 5 giờ sáng trời đã rạng, thế nhưng tôi vẫn thấy trên đầu mình cơ man nào là sao. Trung uý Mamiya đã nói với tôi như vậy: từ đáy giếng nhìn lên, ta có thể thấy sao ngay giữa ban ngày. Những vì sao le lói xếp gọn trong mảnh trời vành vạnh hình bán nguyệt như những tiêu bản khoáng vật quý. 
Có lần, khi cắm trại trên đỉnh núi với vài người bạn năm tôi lên mười, mười một tuổi, tôi đã thấy nhiều sao, thật nhiều sao, ngập cả bầu trời. Cảm giác như bầu trời sẽ bục vỡ dưới sức nặng của ngần ấy sao mà sụp xuống. Tôi chưa bao giờ thấy trời đầy sao đến nỗi làm ta sửng sốt thế kia. Khi mọi người đã ngủ tôi vẫn không sao chợp mắt được, bèn chui ra khỏi lều, nằm trên mặt đất ngắm trời sao. Chốc chốc một vì sao băng lại vẽ một vòng cung sáng láng xuyên qua vòm trời. Tuy nhiên, càng ngắm tôi càng thấy bồn chồn. Nhiều sao quá, bầu trời rộng và sâu quá. Một dị vật quá to lớn, áp đảo, nó bao quanh tôi, bủa vây tôi, khiến tôi gần như choáng váng. Trước đó tôi vẫn luôn cho rằng trái đất nơi mình đang đứng là một vật vững chắc và tồn tại mãi mãi. Hay đúng hơn, tôi chẳng bao giờ nghĩ đến điều đó. Tôi coi đó là chuyện đương nhiên. Nhưng trên thực tế, trái đất chẳng qua chỉ là một dúm đá trôi lửng lơ trong một góc nhỏ nhoi của vũ trụ này: một chỗ đứng chân tạm thời trong cái khoảng không vô cùng tận của vũ trụ. Nó – và – tất cả chúng ta cùng với nó – có thể ngay ngày mai thôi sẽ bị thổi bay vô trung tích vì một tia bùng loé bất thần hay một thăng giáng cỏn con trong năng lượng vũ trụ. Dưới bầu trời đen dày sao đến nghẹt thở kia, tôi bàng hoàng nhận ra sự nhỏ nhoi vô nghĩa của sự tồn tại của chính mình (mà dĩ nhiên không cần phải mất nhiều lời như vậy). Đó là một khám phá thật lớn lao đối với một đứa trẻ. 
Từ đáy giếng nhìn lên những ngôi sao lúc bình minh là một trải nghiệm đặc biệt rất khác với từ trên đỉnh núi nhìn lên bầu trời ngợp sao, như thể ý thức tôi – bản thân sự hiện hữu của tôi – thông qua khung cửa sổ hẹp kia được ràng buộc chặt với mỗi một vì sao kia trên bầu trời. Tôi cảm thấy một niềm thân thiết sâu xa với những vì sao đó: chúng là những vì sao của tôi, không ai khác nhìn thấy chúng ngoài tôi, nơi đáy giếng tối tăm này. Tôi coi chúng như của chính mình, và đến lượt mình chúng gội lên tôi năng lượng và hơi ấm. 
Thời gian trôi qua, bầu trời càng lúc càng chịu tác động của vầng mặt trời sáng rỡ mùa hè, từng vì sao một tự xoá mình khỏi tầm nhìn của tôi. Chúng tự xoá mình một cách hoàn toàn lặng lẽ, và tôi mở to mắt quan sát quá trình tự xóa mình đi ấy. Tuy nhiên, mặt trời mùa hè không xoá sạch tất cả các vì sao khỏi bầu trời. Một vài vì sao mạnh mẽ nhất vẫn còn lại. Dù mặt trời lên cao đến mấy, chúng vẫn bướng bỉnh không chịu biến mất. Điều này khiến tôi thật hoan hỉ: trừ vài đám mây thỉnh thoảng bay qua, các vì sao kia là những gì duy nhất tôi thấy được từ dưới đó. 
Tôi đã đổ mồ hôi trong khi ngủ, lúc này mồ hôi đâm ra lạnh dần, làm tôi ớn lạnh. Tôi rùng mình mấy lần. Mồ hôi khiến tôi nghĩ tới căn buồng khách sạn tối om và người đàn bà trên điện thoại ở đó. Vẫn còn vang trong tai tôi những lời cô ta nói – từng lời một – và tiếng gõ cửa. Lỗ mũi tôi vẫn giữ nguyên mùi nước hoa nặng trĩu. Và Wataya Noboru vẫn đang phát biểu từ phần bên kia màn hình ti vi. Ký ức về những cảm nhận đó vẫn còn lại, không hề phai nhạt dù thời gian đã qua. Và sở dĩ như vậy là do đó không phải giấc mơ, ký ức tôi bảo thế. 
Thậm chí cả khi đã tỉnh hẳn, tôi vẫn tiếp tục thấy nong nóng nơi má phải. Quyện với cái nong nóng đó là một chút đau, như thể da vừa bị xát giấy nhám. Tôi ấn lòng bàn tay lên chỗ đó qua lớp râu một ngày không cạo, nhưng làm thế cũng chẳng bớt nóng hay dịu đau. Dưới đáy giếng tối như mực này, không có kính, tôi thật không thể kiểm tra xem má mình đã bị cái gì. 
Tôi giơ tay chạm vào cái vách giếng, dùng đầu ngón tay miết trên bề mặt rồi ấn lòng bàn tay lên một lát, nhưng không thấy có gì bất thường: vẫn là vách bê tông bình thường. Tôi nắm tay lại gõ gõ vài cái. Tường cứng, vô cảm, hơi nhớp nháp. Tôi vẫn còn ấn tượng rõ ràng về cái cảm giác kỳ lạ, dinh dính của bức tường lúc tôi đi xuyên qua nó – như đi qua một khối thạch vậy. 
Tôi mò mẫm tìm cái ba lô, lấy bi đông ra uống một ngụm nước. Tôi đã đi suốt một ngày mà chẳng ăn gì. Nghĩ đến chuyện đó là tôi đã thấy đói cồn cào, nhưng cơn đói chẳng mấy chốc đã biến mất, bị thẩm thấu vào một trạng thái vô cảm như là lơ lửng. Tôi lại đưa tay sờ mặt, thử đo xem râu mình mọc đến đâu. Hàm tôi đã mọc râu lún phún một ngày không cạo. Đúng một ngày đã trôi qua. Nhưng sự vắng mặt của tôi suốt một ngày hẳn không ảnh hưởng đến ai. Biết đâu chẳng có lấy một ai nhận thấy rằng tôi đã đi đâu đó. Tôi có thể biến mất khỏi trái đất này mà thế giới vẫn xoay vần chẳng hỏng hóc mảy may. Mọi sự vô cùng phức tạp, cái đó thì chắc chắn, nhưng có một điều duy nhất rõ ràng: chẳng ai cần đến tôi cả. 
Tôi lại ngước lên những vì sao. Nhìn thấy những vì sao, nhịp tim tôi dần dần dịu lại. Rồi bỗng sực nhớ ra, tôi mò mẫm dọc theo vách giếng tìm chiếc thang. Ở nơi lẽ ra phải có chiếc thang, tay tôi chẳng gặp gì hết. Tôi sờ soạng cả một vùng rộng, kiểm tra thật kỹ, nhưng không thấy thang đâu. Không có cái thang ở chỗ lẽ ra phải có. Tôi hít một hơi dài, lấy đèn pin ra khỏi ba lô, bật lên. Nhưng chẳng thấy tăm hơi cái thang. Tôi rọi đèn pin xuống mặt đất, rồi rọi lên vách giếng trên đầu tôi, xa hết sức đèn. Không thấy thang đâu hết. Mồ hôi lạnh vã ra hai bên sườn tôi như một thứ sinh vật sống. Đèn pin tuột khỏi tay tôi, rơi xuống đất, tắt ngầm. Đó là dấu hiệu của cái gì đó. Trong khoảnh khắc đó tâm trí tôi đổ sụp: nó là một hạt cát, bị đồng hoá vào thế giới xung quanh. Cơ thể tôi ngưng vận hành, như thể nguồn điện cho nó đã bị ngắt. Hư không trọn vẹn trùm lên tôi. 
Điều đó kéo dài có lẽ vài giây, chơ tới khi tôi hồi tỉnh. Các chức năng vật lý của tôi dần dần trở lại. Tôi cúi xuống nhặt chiếc đèn pin nằm dưới chân, gõ gõ mấy cái rồi bật lên. Đèn lại sáng. Tôi cần phải trấn tĩnh, phải sắp xếp ý nghĩ cho thứ tự lớp lang. Sợ hãi, hoảng loạn chẳng giải quyết được gì. Lần cuối tôi kiểm tra cái thang là khi nào? Hôm qua, hồi đêm, ngay trước khi tôi thiếp đi. Tôi đã kiểm tra xem nó vẫn ở đó hay không, sau đó mới cho phép mình ngủ. Không thể nhầm được. Cái thang đã biến mất trong khi tôi ngủ. Nó bị ai đó rút lên. Lấy mất. 
Tôi tắt đèn pin, tựa lưng vào vách giếng. Rồi tôi nhắm mắt lại. Điều đầu tiên tôi cảm thấy là cái đói. Nó quét qua tôi từ xa, như con sóng, dập lên tôi rồi rút đi. Khi nó đã đi qua, tôi đứng đó, rỗng không, như con vật bị moi hết lòng ruột. Sau khi cơn hoảng loạn ban đầu đã qua, tôi không còn thấy khiếp sợ hay tuyệt vọng nữa. Lạ thay, trong khoảnh khắc đó điều tôi duy nhất cảm thấy là cái gì đó gần như cam chịu.
° ° °
Từ Sapporo về tôi ôm Kumiko trong vòng tay mà an ủi nàng. Nàng đang lúng túng và rối trí. Hôm ấy nàng đã xin nghỉ làm một ngày. “Suốt đêm qua em không chợp mắt được tí nào,” nàng nói. “Bệnh viện họ xếp lịch cho em đúng vào lúc đó, thế là em quyết định luôn”, kể vậy xong nàng khóc thút thít. 
– Giờ thì chuyện ấy qua rồi, – tôi nói. – Chẳng cần nghĩ tới làm gì nữa. Chúng mình cứ nói về chuyện đó mãi, giờ thì kết cục là vậy. Nếu em còn muốn nói gì thêm thì tốt nhất hãy nói ngay bây bây giờ. Sau đó ta hãy gạt chuyện đó ra khỏi đầu đi. Quên đi. Em đã nói trên điện thoại là có chuyện muốn nói với anh. 

Kumiko lắc đầu. 
– Không, không có gì đâu, – nàng nói. – Anh nói đúng. Mình hãy quên chuyện này đi. 
Chúng tôi tiếp tục sống mà cố tránh nhắc đến chuyện phá thai của Kumiko. Nhưng làm vậy không dễ. Nhiều khi chúng tôi đang nói về một chuyện hoàn toàn khác thì tự dưng cả hai đều im lặng. Cuối tuần chúng tôi hay đi xem phim. Trong bóng tối, chúng tôi có thể tập trung vào bộ phim, nhưng cũng rất có thể chúng tôi lại nghĩ về một cái gì đó hoàn toàn chẳng liên quan gì đến bộ phim, hoặc cho đầu óc nghỉ ngơi bằng cách không nghĩ gì hết. Thường thì tôi biết, khi ngồi cạnh tôi, Kumiko đang nghĩ tới điều gì đó hoàn toàn khác điều tôi đang nghĩ. Tôi cảm nhận được điều đó. 
Xem phim xong chúng tôi thường đi ăn uống ở đâu đó. Đôi lúc chúng tôi không biết nói chuyện gì. Cứ thế trong khoảng sáu tuần – sáu tuần dài đằng đẵng cuối cùng Kumiko bảo tôi: 
– Hay mai mình đi chơi đi, đi nghỉ đâu đó thật xa, chỉ có anh với em thôi? Mai là thứ Sáu, mình có thể nghỉ đến Chủ nhật. Thỉnh thoảng người ta cũng cần phải nghỉ như vậy chứ. 
– Anh hiểu ý em rồi, – tôi mỉm cười đáp. – Nhưng anh không chắc ở cơ quan anh người ta liệu có biết nghỉ phép có nghĩa là gì không. 
– Thì anh gọi điện bảo ốm. Cứ nói là bị cúm hay gì đó. Em cũng sẽ làm vậy. 
Chúng tôi đáp xe lửa đến Karuizawa. Tôi chọn chỗ ấy vì Kumiko nói nàng muốn đến một nơi yên tĩnh ở trên núi, sao cho chúng tôi muốn đi dạo bao nhiêu tuỳ thích. Đang tháng Tư nên không phải mùa cao điểm du lịch; khách sạn thưa khách, hầu hết quán xá đóng cửa, nhưng đó chính là điều chúng tôi cần. Chúng tôi chẳng làm gì, chỉ đi dạo suốt ngày, từ sáng đến tối. Phải mất một ngày rưỡi Kumiko mới xả được hết cảm xúc. Và khi xả được rồi, nàng ngồi trong buồng khách sạn khóc gần hai tiếng đồng hồ. Suốt thời gian đó tôi chẳng làm gì, chỉ ngồi ôm nàng, để nàng khóc. 
Thế rồi, từng chút một, đứt đoạn, nàng bắt đầu kể mọi chuyện cho tôi nghe. Về vụ phá thai. Về cảm xúc của nàng khi đó. Về cảm giác mất mát tột cùng của nàng. Về việc nàng đã thấy cô đơn đến nhường nào khi tôi đang ở Hokkaido, và về chuyện chính vì thấy cô đơn đến vậy nàng mới có thể làm những gì như nàng đã làm. 
– Anh đừng hiểu lầm em, – nàng nói. – Em không hối tiếc việc mình đã làm. Đó là cách duy nhất. Điều đó thì em biết rõ. Tuy nhiên, điều làm em đau lòng là em muốn kể với anh tất cả, kể tất, không thiếu một cái gì, nhưng em không thể. Em không thể kể chính xác với anh về cảm xúc của em. 
Kumiko đánh bồng tóc lên, để lộ một chiếc tai nhỏ nhắn xinh xẻo, rồi lắc đầu. 
– Em không giấu giếm anh đâu. Em định lúc nào đó sẽ kể với anh. Anh là người duy nhất em có thể kể. Nhưng bây giờ thì em không kể được. Em không nói thành lời được. 
– Một chuyện gì trong quá khứ sao? 
– Không, không phải. 
– Bao lâu nữa cũng được, tuỳ em, – tôi nói. – Khi nào em kể được thì hẵng kể. Thời gian là thứ duy nhất mình có thừa. Anh sẽ ở bên em. Đừng lo gì cả. Anh chỉ muốn em ghi nhớ điều này: bất cứ chuyện gì của em, bất cứ chuyện gì, miễn là thuộc về em, anh sẽ coi như là của chính mình vậy. Chuyện ấy thì em không bao giờ phải lo. 
– Cám ơn anh. – nàng nói. – Em rất vui vì đã lấy anh. 
Nhưng chúng tôi đã không có nhiều thời gian như tôi tưởng. Điều gì mà Kumiko đã không thể nói thành lời? Liệu nó có liên quan đến việc nàng biến mất không? Giá như tôi cố gặng hỏi nàng lúc đó thì có lẽ đã không phải mất nàng như bây giờ. Nhưng không, tôi kết luận sau một hồi suy nghĩ: tôi không bao giờ dồn ép nàng. Nàng đã bảo nàng không nói thành lời được. Dẫu là gì đi nữa, nó vẫn vượt quá sức nàng.
° ° °

– Này Chim vặn dây cót! – Kasahara May hét gọi tôi. Đang lơ mơ ngủ, tôi cứ tưởng giọng cô bé là ở trong mơ. Nhưng đấy không phải giấc mơ. Nhìn lên, tôi thấy khuôn mặt Kasahara May, nhỏ xíu xa tít. – Em biết anh đang ở dưới đó. Nào Chim vặn dây cót! Trả lời em đi! 
– Anh đây, – tôi đáp. 
– Trời ạ, anh làm cái gì dưới đó thế? 
– Suy nghĩ, – tôi đáp. 
– Em không hiểu. Sao lại phải chui xuống tận đáy giếng mới suy nghĩ được? Không có cách nào đỡ nhiêu khê hơn à? 
– Làm cách này thì mới thật sự tập trung được. Dưới này tối, mát, lại yên tĩnh. 
– Anh hay làm thế này sao? 
– Không, không hay làm đâu. Cả đời anh chưa làm thế này bao giờ hết. 
– Thấy có hiệu nghiệm không? Có dễ suy nghĩ hơn không? 
– Anh chưa biết. Anh vẫn đang thử nghiệm mà. 
Cô hắng giọng. Âm thanh đó vang to xuống dưới đáy giếng. 
– Thôi được rồi, Chim vặn dây cót, anh có nhận ra là cái thang biến đâu mất rồi không? 
– Có chứ, – tôi đáp. – Mới đây thôi. 
– Anh có biết chính em đã rút thang lên không? 
– Không, cái đó thì anh không biết. 
– Thế thì anh nghĩ ai rút? 
– Anh không biết. – tôi đáp. – Anh không biết nói thế nào, nhưng anh chưa bao giờ nảy ra ý nghĩ rằng ai đó đã lấy thang đi cả. Anh chỉ nghĩ nó cứ thế mà biến mất thôi, nói thật đấy. 

Kasahara May im lặng. Rồi, với vẻ thận trọng trong giọng nói, như thể cô ngờ rằng lời của tôi có chứa bẫy, cô nói: 
– Cứ thế mà biến mất à. Hừm. Ý anh là sao, “cứ thế mà biến mất”? Rằng… tự nhiên mà nó… biến đi hay sao? 
– Có thể. 
– Này Chim vặn dây cót, nói ra chuyện này bây giờ thì nghe buồn cười, nhưng anh là tay kì quặc lắm cơ. Trên đời này chẳng có mấy ai kỳ quặc như anh đâu. Anh có biết không? 
– Với anh thì anh không kỳ quặc đến thế, – tôi đáp. 
– Thế thì cớ sao anh nghĩ cái thang tự nó biến đi được? 
Tôi lấy cả hai tay xoa mặt, cố tập trung chú ý vào cuộc đối thoại này với Kasahara May. 
– Chính em rút thang lên à? 
– Dĩ nhiên là em rút. Đâu cần phải động não đến cỡ đó mới nghĩ ra được. Em rút đấy. Đêm em lẻn ra khỏi nhà, kéo thang lên. 
– Nhưng tại sao? 
– Sao lại không? Anh có biết đêm qua em sang nhà anh tới mấy lần không? Em muốn gọi anh đi làm với em như lần trước ấy. Dĩ nhiên là anh không có nhà. Rồi em thấy mẩu giấy anh để trên bàn bếp. Thế là em đợi, đợi mãi, không thấy anh về. Thế rồi em nghĩ chắc anh lại đến chỗ căn nhà bỏ hoang đây. Em thấy nửa cái nắp giếng bị giở ra, có thang dây thòng xuống. Thế nhưng em không nghĩ ra rằng anh lại đang ở dưới đó đâu. Em chỉ nghĩ chắc có một người thợ hay ai đó chui xuống giếng rồi để thang lại. Trên đời này có mấy ai khi muốn suy nghĩ thì chui xuống đáy giếng ngồi cơ chứ? 
– Cái đó thì em nói đúng, – tôi nói. 
– Đến đêm em lại chuồn ra khỏi nhà, qua nhà anh, nhưng anh vẫn chưa về. Khi đó em mới chợt nghĩ ra: có khi anh đang ngồi dưới đáy giếng ấy chứ. Anh ngồi dưới đó làm gì thì làm sao em biết được, nhưng anh vốn là một tay kỳ khôi lắm, em đã nói mà… Em liền tới chỗ cái giếng kéo thang lên. Em cuộc là làm anh hết hồn. 
– Ừ, có. 
– Dưới đó anh có gì ăn uống không? 
– Có chút nước. Đồ ăn thì anh không mang theo. À, anh có ba viên kẹo chanh. 
– Anh ở dưới đó bao lâu rồi? 
– Từ gần trưa hôm qua. 
– Chắc anh đói lắm. 
– Ừ, cũng đói. 

– Anh có muốn đái hay gì không? 
Nghe Kasahara May nhắc, tôi mới nhớ ra rằng từ khi xuống đây tôi chưa đái lần nào. 
– Không, – tôi nói. – Anh có ăn uống gì nhiều đâu. 
– Này Chim vặn dây cót, anh có biết gì không? Anh có thể chết ở dưới đó nếu em muốn. Em là người duy nhất biết anh đang ở dưới đó, em cũng là người duy nhất giấu thang dây đi. Anh có hiểu không? Em chỉ cần đi khỏi đây thôi là anh rồi đời. Anh có thể la hét, nhưng không ai nghe thấy anh đâu. Không ai nghĩ là anh đang ở dưới giếng. Em dám cuộc là thậm chí không ai biết anh đi khỏi nhà nữa kia. Anh không làm cho công ty nào, vợ anh thì bỏ nhà đi rồi. Có thể rốt cuộc ai đó cũng sẽ nhận thấy anh mất tích và báo cho cảnh sát, nhưng tới khi đó thì anh ngỏm rồi, mà người ta cũng chẳng bao giờ tìm được xác anh. 
– Em nói đúng lắm. Anh có thể chết dưới này tuỳ ý em. 
– Đã biết vậy thì anh thấy thế nào? 
– Sợ, – tôi đáp. 
– Nghe giọng anh có sợ đâu. 
Tôi vẫn đang xoa má. Đó là tay của tôi, má của tôi. Tôi không thấy được chúng trong bóng tối, nhưng chúng vẫn đang ở đây: thể xác tôi vẫn đang hiện hữu. 
– Ấy là vì vẫn chưa thật sự ngấm được, – tôi nói. 
– Với em thì có, – Kasahara May nói. – Em thấy hoá ra giết một ai đó lại dễ hơn người ta tưởng nhiều. 
– Có lẽ còn tuỳ ở phương pháp. 
– Dễ lắm mà! Em chỉ cần bỏ anh lại đây thôi. Em chả phải làm gì hết. Anh thử nghĩ đi, Chim vặn dây cót. Cứ thử hình dung anh sẽ khổ sở đến nhường nào ở dưới đó, chết dần chết mòn vì đói khát, trong bóng tối. Chết thế kinh lắm đấy. 
– Em nói đúng lắm. – tôi bảo. 
– Anh không thực sự tin em phải không hở Chim vặn dây cót? Anh vẫn nghĩ em không thể làm điều gì tàn ác đến thế. 
– Anh không biết nữa, – tôi nói. – Không phải anh tin em làm được, cũng chẳng phải tin em không làm được. Chuyện gì cũng có thể xảy ra. Điều gì cũng có thể. Anh nghĩ là nghĩ vậy. 
– Em không nói về chuyện có thể hay không thể, – cô nói bằng giọng lạnh như đá. – Này, em có ý này. Em mới nảy ra thôi. Anh đã cất công leo xuống dưới kia để có thể suy nghĩ. Sao giờ em không giúp thêm một tí để anh có thể tập trung suy nghĩ còn tốt hơn nữa? 
– Em định làm cách nào? – tôi hỏi. 
– Cách này này, – cô vừa nói vừa đậy nửa nắp giếng đang mở lại. Giờ thì bóng tối là toàn bích.
 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận