Phụ thân của mẫu phi vốn là con trai duy nhất của dòng chính họ Sầm, nhưng không may hy sinh trên chiến trường khi còn trẻ, để lại một người vợ và một cô con gái.
Gia tộc họ Sầm rơi vào tay đại bá phụ xuất thân thứ xuất.
Mẫu thân của mẫu phi tính cách nhu nhược, luôn xem phu quân là trời. Không những không bảo vệ được con gái, mà còn phải nhờ chính con gái tìm cách che chở mình.
Khi mẫu phi tròn mười ba, mười bốn tuổi, nhan sắc đã nghiêng nước nghiêng thành. Đại bá phụ vì lợi ích, dùng tính mạng của mẫu thân bà uy hiếp, ép bà tiến cung.
Lưu Dung Dự, để có thể bảo vệ mẫu phi, đã nhún nhường nhận tổ quy tông với người cha mà ông khinh miệt, nhờ sự nâng đỡ của gia tộc họ Lưu để bước vào chốn quan trường.
*
Ông tài trí xuất chúng, nhanh chóng được trọng dụng và bồi dưỡng.
Mẫu phi vừa vào cung đã được sủng ái, nhưng chẳng mấy chốc bị Lưu Thục phi ganh ghét, hãm hại, khiến phụ hoàng giáng bà xuống tu hành ở Ngọc Hoa Tự.
Số phận xoay vần, cặp uyên ương nhỏ đến từ Nam Cương bị chia cách, cuối cùng lại hội ngộ nơi vùng núi ngoại ô kinh thành.
Một người là quan viên trẻ tuổi đầy triển vọng, nhưng chưa nắm giữ quyền lực lớn. Một người là nữ nhân bị thất sủng, chán ghét bốn bức tường cung điện, nay đã xuống tóc tu hành.
*
Có lẽ vì không còn bị cung tường giam cầm, họ buông thả chính mình, đắm chìm vào đối phương đến quên cả trời đất.
Cho đến khi mẫu phi phát hiện, đã mấy tháng rồi, nguyệt sự vẫn chưa đến.
Bà trằn trọc suốt đêm, không sao ngủ được. Nhưng ngay vào ngày quyết định vờ c.h.ế.t để thoát thân, bà lại nhận được thư của đại bá phụ.
Đại bá phụ còn đưa tới hai nữ tỳ tài giỏi, Vọng Xuân giỏi bói toán, Vãn Thu tinh thông độc thuật.
Đại bá phụ nói, nếu đến vậy rồi mà còn không thể quay về cung được sủng ái, thì bà và mẫu thân bà cũng chẳng cần sống nữa.
*
Vậy là đế vương lại nhớ tới vị mỹ nhân tuyệt sắc nơi Ngọc Hoa Tự.
Thiếu nữ Mạn Châu, cuối cùng cũng hoàn toàn trở thành Ninh phi nương nương được sủng ái nhất hậu cung.
*
Khi Tịnh An sư thái chậm rãi kể ta nghe đoạn quá khứ này, ánh trăng sáng ngoài Ngọc Hoa Tự, cũng ôn nhu như đêm nay.
Nhẹ nhàng xoa dịu, suốt một đêm dài chốn nhân gian.
27
Lễ cập kê của ta kết thúc trong hỗn loạn và vội vã.
Khởi đầu là đại điện rực rỡ ánh đèn với màn chọn phò mã, kết thúc bằng một biến cố cung đình kỳ quặc, người ngã ngựa đổ.
Không ai hiểu vì sao Lưu Thái phó đã từ quan về quê lại đột nhiên xuất hiện trong hoàng cung, còn kịp thời cứu giá, ngăn Đại hoàng tử suýt nữa ám sát Hoàng đế.
Nhưng lịch sử luôn được viết nên bởi kẻ chiến thắng.
Đêm xảy ra biến cố, Hoàng đế vì phẫn nộ mà khí huyết nghịch loạn, bất ngờ hôn mê. Khi tỉnh lại, nửa mặt méo lệch, miệng không thể nói, thân mình cũng chẳng thể động.
Thái y kết luận, đây là “khí huyết nghịch hành phạm vào não,” dân gian gọi là trúng phong.
*
Lưu Quý phi ép Hoàng đế đặt ngự tỷ lên thánh chỉ, tội danh mưu nghịch của Đại hoàng tử chính thức được định đoạt, ban tử ngay lập tức.
Lưu Thái phó cũng được phục chức.
Cả triều đình bắt đầu lan truyền lời đồn:
“Quả thật Lưu Thái phó giả vờ lui về, đúng là một chiêu dẫn rắn ra khỏi hang đầy mưu lược.”
Còn Lữ Đạo Vi bị buộc tội yêu ngôn hoặc chúng, đẩy vào đại lao.
Đúng lúc Lưu Quý phi cho rằng mọi chuyện đã nắm chắc phần thắng, bà ta đột nhiên bị tiêu chảy không ngừng, phân ra toàn nước đen.
Lưu Thái phó vô cùng căng thẳng, lập tức triệu tập các thái y đến hội chẩn.
Mạch được bắt hết lần này đến lần khác, mồ hôi lạnh đầm đìa trên trán các thái y, nhưng không ai dám mở miệng.
Cuối cùng, vẫn là Vương Y chính cắn răng, dẫn đầu quỳ xuống thỉnh tội:
“Đại nhân, bệnh tình của nương nương kỳ quái vô cùng, vi thần thật sự bất lực.”
Lưu Thái phó lạnh lùng hỏi:
“Có thể bảo toàn long thai của nương nương hay không?”
Vương Y chính đập đầu ba cái thật mạnh:
“Thần thỉnh Thái phó hạ lệnh treo bảng triệu khắp thiên hạ những bậc thần y giỏi nữ khoa.”
*
Thần y dân gian lần lượt được mời vào cung, nhưng ai nấy đều lắc đầu chịu thua.
Mãi đến khi Tôn lão thần y, danh y vang danh khắp thiên hạ, được mời từ nơi du ngoạn ở núi Chung Nam trở về, bệnh tình quái dị của Lưu Quý phi mới sáng tỏ.
Thì ra, bụng của Quý phi không phải đang mang thai, mà chứa đầy một bầu nước đen đặc quánh.
Lưu Thái phó nhìn sổ chẩn bệnh ghi chép lại bắt mạch, lập tức chỉ đích danh những thái y từng chẩn ra mạch thai:
“Lũ lang băm dám khi quân, đáng chém!”