Bức Họa Mona Lisa Ngàn Mắt

Chương 4: Án gian


Chị Huyền làm kế toán cho một công ty nhà nước nho nhỏ, lương không cao như mọi người vẫn nghĩ nhưng đủ cho hai mẹ con sống ở mức cơ bản. Hai vợ chồng chị ly hôn từ lâu, chồng chị đã có gia đình mới, hầu như không còn quan tâm tới vợ cũ nữa. Toàn bộ lẽ sống của chị Huyền đặt lên đứa con gái.

May mắn cho chị, cô con gái Huyền Linh xinh đẹp, ngoan ngoãn lại học giỏi, thông minh. Cô bé có năng khiếu hội họa thiên bẩm, dự định sẽ thi vào trường Kiến trúc. Trong căn nhà đơn sơ của hai mẹ con treo một bức tranh chị Huyền do chính tay con gái vẽ.

Lần đầu tiên trong đời làm mẫu, chị Huyền bối rối không biết để tay ở đâu. Cuối cùng, Huyền Linh bảo mẹ cứ ngồi như Mona Lisa ấy. Thế là bức chân dung “Mona Lisa phiên bản người mẹ” ra đời. Để mẹ trông xinh đẹp hơn, Huyền Linh còn vẽ lên tóc mẹ một tấm voan trắng như của cô dâu trong ngày cưới. Chị Huyền tự hào post bức họa lên trang cá nhân và nhận được vô số lời khen tặng. Thậm chí còn có một vài chủ phòng tranh liên hệ với chị, ngỏ ý muốn mua nhưng chị đều nhã nhặn từ chối.

Cuộc sống của hai mẹ con có lẽ cứ bình an trôi đi như vậy nếu không có vụ tai nạn thảm khốc kia. Huyền Linh bị đâm chết khi đang đạp xe từ quê lên. Cái ô tô đua xe trái phép phóng như điên trên đường Láng Hòa Lạc với tốc độ hơn 100km/h đã hất văng Linh xuống ruộng. Cô bé chết ngay tại chỗ do vết thương quá nặng, thủ phạm đã bỏ chạy khỏi hiện trường, không mảy may đoái hoài đến nạn nhân.

Người mẹ mất con quá đau khổ, cầm đơn đi kiện khắp nơi, muốn đòi lại công bằng cho con mình. Vụ án bị khởi tố nhưng hồ sơ hiện trường bị làm sai chệch ngay từ ban đầu. Nghe cư dân mạng đồn thổi nguyên nhân là do kẻ cầm lái là con trai một lãnh đạo trong ngành. Ông bố đã phái người tới “giúp đỡ” thằng con ngay sau khi biết tin.

Tính chất vụ án bị lèo lái sang hướng khác. Rất tiếc là tại thời điểm đó, Internet còn chưa phát triển mạnh ở Việt Nam nên dư luận chưa gây được sức ép như hiện nay.

Trải qua nhiều phiên tòa, ngày Phạm Hồ Quang nhận án tù thì cũng là ngày hắn được thả tự do vì thời gian tạm giam đã vượt quá thời hạn tù. Bước ra khỏi tòa, hắn cười đắc thắng, chỉ tay lên trời như muốn nói ông trời cũng bảo vệ hắn.

Người mẹ khổ sở như chết đi một lần nữa. Lần đầu chị chết là thời khắc nhận được tin con gái qua đời. Nó là ánh sáng duy nhất trong cuộc đời tối tăm của chị. Giờ đây, ánh sáng ấy cũng mất rồi. Điều duy nhất giữ chị lại trần gian này là hành trình đi tìm công lý cho con gái. Nhưng hết tất cả rồi, chị không còn thiết sống thêm một giây nào nữa.

Từ đó, chị Huyền không bước chân ra khỏi cửa. Người ta không biết chị làm gì trong nhà suốt ngần đó thời gian, chỉ biết rằng phát hiện ra chị thì chị đã là cái xác khô quắt, toàn bộ máu trong người chị đã bị rút cạn, chỉ có lại khung xương bọc trong tấm da. Hai tay chị ôm chặt bức chân dung do con gái vẽ trước khi chết.

Điều kỳ lạ là bức chân dung không còn là chị Huyền với ánh mắt rạng ngời, âu yếm nhìn họa sĩ nữa mà là một phụ nữ khắc khổ, xơ xác; đôi bàn tay gầy guộc, trơ xương. Tấm voan trắng tinh khôi đã biến thành một màu tang tóc. Chiếc khăn đen choàng lên người bà phủ không khí u uất lên bức tranh. Trên trán bà mọc lên ba con mắt như thế muốn nhìn nhân quả khi nào tới.

Sau đó, bức tranh biến mất. Mấy năm sau, nó đột ngột xuất hiện trên hiện trường một vụ án mạng. Trùng hợp thay, nạn nhân lại chính là cán bộ đã ký biên bản điều tra hiện trường vụ án tông chết Huyền Linh năm nào. Tình trạng tử vong của ông ta rất kỳ quái: tự móc mắt mình và để chảy máu đến chết. Tay ông ta cầm chặt nhãn cầu, vươn về phía bức tranh như thể muốn lắp mắt vào cho “Mona Lisa” vậy.

Và nếu ai để ý thì sẽ nhận ra trên tấm khăn choàng của người phụ nữ đã có thêm mấy đôi mắt.

“Nghe như bức tranh trả thù ấy nhỉ?” – Tôi cảm thán.

Lê Hòa hấp háy mắt: “Còn chưa hết đâu. Đây mới chỉ là kẻ đầu tiên liên quan đến vụ án Huyền Linh phải trả giá thôi.”

Tôi bừng tỉnh ngộ: “Đúng rồi. Còn những kẻ chủ mưu và hưởng lợi nữa. Sau này chúng có phải ăn trái đắng không?”

Lê Hòa ngắm nhìn “Mona Lisa ngàn mắt”, kể tiếp.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận