Tôi gọi cô hầu bàn tính tiền. Lúc đứng dậy tôi thấy anh chàng theo tôi cũng trả tiền xong. Phải rồi, chỉ có một cách là nói với anh chủ quán Dominique.
Tôi thấy lão trong văn phòng nhỏ nằm gần nhà bếp. Lão ta giật mình khi nghe tôi thì thầm nhờ cậy.
– Ông Bowman ơi, không được đâu. Lâu nay bọn lính nó không rầy rà gì tui cả. Tui không làm được đâu. Bể nồi gạo tui hết.
– Ông bạn Dominique ơi, bạn không tử tế chút nào. Bạn không gặp rắc rối gì với cảnh sát cả. Ông cứ giả như không biết là xong. Nếu họ có hỏi, ông cứ làm bộ ngơ ngác: “Tui có biết gì đâu” vậy là xong. Hè, Dominique, chắc ông không từ chối giúp một chút xíu cho kẻ thân thiết lâu đời là tui chớ?
Đôi mắt đen, nhỏ của lão ta sáng lên, hai bàn tay mụ mẫm chập vào nhau.
– Ông Bowman ơi, không phải là chuyện chút xíu đâu. Nếu nghe lời ông thì Dominique này gặp rắc rối lớn đó. Ông có yêu cầu gì khác không? ăn uống ghi sổ chẳng hạn? Ông muốn tui cho mượn tiền không? Nói đi, nói đi… tui sẵn sàng lấy cho ông. Còn chuyện đó thì…
Tôi không có thì giờ làm chuyện biện bác nữa. Người mặc đồ xám hẳn đã biết là không có lối ra nào khác còn các cửa sổ thì đầy chấn song sắt.
Không, đành phải dùng biện pháp mạnh vậy. Tôi giở giọng hờn giận:
– Ôkê, Dominique, ông không muốn thì thôi vậy. Nhưng rồi ông sẽ bị lương tâm cắn rứt vì không muốn cứu một mạng người.
Lão Dominique mở to mắt.
– Cái gì? Còn cảnh sát làm chi?
– Cảnh sát không làm gì được hết. Tôi đã nói rồi, thôi ta đừng bàn tới nữa. Tôi cứ tưởng có thể nhờ cậy được ông, không dè. Thôi kệ.
Tôi nhún vai một cái rất diệu đến thê thảm và từ từ bước ra cửa. Lão chộp cánh tay tôi giật lại, kêu lên:
– Ê, khoan đã. Vậy mà ông không nói sớm. Tui không ngờ sự thể khẩn trương, nghiêm túc, à, … nghiêm trọng đến như vậy. Ông biết là lúc nào cũng có thể trông cậy vào Dominique này. Sao, cần gì?
Tôi lặp lại yêu cầu và lão chạy biến vào phòng người làm rồi ra ngay. Lúc lão hé mở cửa để vào, tôi thấy cái “bóng” của tôi ló đầu qua các tấm màn nhìn vào hành lang dẫn đến văn phòng Dominique.
Tôi vội vã xó cái quần trắng, quấn tấm tạp dề rồi chộp lấy cái khay trên đó Dominique chất cả một núi khăn lau tay. Sau đó lão đội cho tôi cái mũ đầu bếp rồi lùi lại ngắm nghía.
– Tuyệt! Không ai nhận ra ông đâu. Chính tui cũng tưởng là đầu bếp của tui. À, ông Bowman, nếu ông biết nấu nướng thì tui mướn ông ngay.
Lão buông mình trên ghế cười ngất ngưởng. Lão vẫn còn cười chảy nước mắt khi tôi mở cửa phòng bước ra.
Người mặc đồ xám đang đứng trước phòng vệ sinh, dáng ngập ngừng. Hắn ngoái đầu lại nhìn tôi nhưng ánh mắt chỉ lướt qua không hơn một phần mười giây. Mặt tôi giấu sau đống khăn ăn bởi vì tôi nâng cái khay ngang vai, tuy nhiên khi bước qua hắn tim tôi cũng đập như trống làng. Tôi bước đến chỗ các tấm màn ngăn mà không bị hắn chặn lại hỏi han.
Khi vào phòng ăn, tôi đặt cái mâm xuống bàn rồi bước qua dãy thực khách không để họ phải ngạc nhiên. Đến chỗ cánh cửa xoay tôi lột cái mũ và tấm tạp dề giấu sau một bồn hoa. Rồi tôi bước ra đường.
Tôi không kịp cởi chiếc quần trắng nhưng không sao, khách qua đường chẳng ai mất thì giờ quay lại nhìn người khác trong lúc đi giữa nắng gắt. Tất nhiên là tôi không thể diện mãi nó được. Cho nên đi vài chục mét nữa, tôi bước vào một cửa tiệm lớn và đi thẳng vào phòng vệ sinh. Ở đây tôi lột cái trang phục cuối cùng mà tôi đã mượn ra.
Tôi rời nơi này không vội vã, không cần nhìn ngang nhìn ngửa chung quanh. Người mặc đồ xám chắc đang tìm tôi trong các hành lang ngang dọc của Snack bar. Rất bằng lòng là đã cho rơi được hắn vì tôi không muốn dẫn hắn theo đến chỗ tôi định tới thăm. Đúng vậy, tôi có ý đến viếng một nhân vật mà ông bạn Eric Webster của tôi rất chú ý. Đó là gã thám tử tư Joe chắc là biết hơi nhiều về chuyện này, cho nên nói chuyện với hắn một chút cũng ích lợi cho tôi lắm.
Chiếc taxi thả tôi xuống cách đại bản doanh của Joe Wanaker bốn khóm nhà và tôi chịu khó lết bộ trên quãng đường còn lại. Joe mướn một căn hộ hai phòng dùng luôn làm nơi hành nghề, trên tận cùng của một ngôi nhà dơ dáy, tàn tạ, mà ngày xưa có thể cũng thuộc loại khá nhưng sự phát triển của thành phố đã khiến nó rớt hạng. Hiện nay đây là nơi buôn bán không mấy phát triển, có những người thợ giặt ủi Tàu và vài quán rượu đón khách cạn tiến. Có nhiều nhà bỏ hoang hẳn và nhà của Joe nằm giữa hai ngôi nhà khác trơ sườn với các cửa sổ mở toang hoác. Cửa vào khai mùi nước đái mèo, mùi dẫu mỡ và có những dấu chân còn lại trên thảm trải mòn trơ cả dãy sườn bên trong. Tôi thong thả bước lên lầu.
Joe có hai cửa vào căn hộ. Trên một cánh cửa có tên hắn và hàng chữ: “Cơ sở điều tra”. Cửa kia có một tấm bảng mang giản dị hàng chữ: Thám tử tư”. Tôi đấy cánh cửa này để đi vào. Trong phòng có một cái bàn làm việc, một máy điện thoại, một đi văng, hai cái ghế và một tủ sắt nhỏ. Căn phòng có mùi ẩm mốc vì bị đóng kín lâu ngày. Tôi liếc nhìn qua cánh cửa ngăn để ngó sang bên kia. Trống trơn.
Tủ sắt khoá kín và giấy tờ bừa bãi trên bàn chỉ là những tập quảng cáo và hoá đơn. Tôi đang kéo một ngăn tủ ra thì nghe có tiếng giận dữ nổi lên:
– Ai cho phép anh lục lọi đồ đạc của tôi?
Joe Wanaker đang đứng nơi bậc cửa, hình như là từ phòng vệ sinh đi ra vì có tiếng nước chảy xối cầu.
Hắn tiến tới vài bước.
– Sao?
Tôi ngồi gác trên một cạnh bàn và châm điếu thuốc.
– Khép cửa lại, Joe. Chắc anh không muốn cho hàng xóm láng giềng nghe chuyện của chúng ta phải không? Có thể họ sẽ nghĩ xấu về những hành động của anh đấy.
Mặt hắn tái đi vì tức giận.
– Hành động của tôi không liên can gì tới anh, đồ rình mò mách lẻo dơ dáy kia! Xéo ra khỏi đây ngay nếu không tôi gọi cảnh sát bây giờ! Có bước đi không?
Tôi bước ra khép cửa lại, rồi quay vào ngồi trên góc bàn.
– Anh có nhận ra tôi không, Joe?
Hắn cười nhạo.
– Không đâu, Bowman! Thật rủi ro nếu tôi không nhận ra tay đàn em của ông biện lý và cục cưng của các bà! Nhưng mà, tôi cóc cần. Đối với tôi anh chỉ là một thằng khốn…
Hắn gọi tôi bằng một cái tên đủ làm đỏ mặt cả lũ du đãng và hắn lại còn khạc nhố xuống đất. Chỉ một giây sau là hắn đã tung người vào bức tường đối diện với tôi khiến nó rung lên. Hắn lắc lắc thân mình xông tới định đánh vào chỗ có thể làm đau người nhất. Tôi cho hắn một cú móc thấm thía vào cằm khiến hắn nằm dài trên sàn. Hắn điếng người trên đó, thở hồng hộc như bò, mắt trợn ngược lên.
Tôi nắm cái cà vạt giở hắn lên, đẩy hắn xuống đi văng. Tôi đốt điếu thuốc rít, chờ cho hắn tỉnh hồn.
Chúng tôi ở trong tư thế đó khoảng năm phút, hắn thì thở hổn hển nhẹ dần, còn tôi thả từng vòng khói lên trần. Cuối cùng hắn nặng nề đứng lên và hỏi với vẻ lo lắng:
– Anh muốn gì ở tôi?
– Chỉ nói chuyện chơi mà thôi, Joe. Cũng có thể tìm hiểu một vài điều. Và nếu anh từ chối thì anh đến nói chuyện tiếp tục với ông biện lý đàn anh của tôi. Cảnh sát không thích những chuyện tống tiền tí nào. Anh liệu hồn.
Hắn đăm đăm nhìn tôi ra dáng ngạc nhiên.
– Tôi không hiểu anh muốn nói gì dấy, Bowman. Chắc là anh dò lầm địa chỉ rồi. Công việc cửa tôi là phần hành ly dị, không phải tống tiền. Tôi là thám tử tử, như anh, và tôi không làm việc gì đáng trách cả.
– Như tôi à? Tôi cười đến chết dược! Này Joe, cũng thật xấu hổ cho chúng tôi là anh cũng hành nghề thám tử tư. Nhưng thêm vào đó anh là một thằng dối trá kinh khủng. Chớ chặn lời tôi! Anh biết gì vế gia đình nhà Cole?
– Cole à? Chưa bao giờ nghe đến tên ấy cả!
Lời cải chính nghe như đồng bạc giả vang trên nền gạch.
– Ôkê, Joe, tùy ý anh muốn làm gì thì làm. Nhưng mà sau này nhớ đừng có tới khóc lóc năn nỉ tôi, trách tôi sao không báo trước. – Tôi đứng dậy, đi ra phía cửa. – Và sau khi tôi đi nhớ đừng khóa cửa. Cảnh sát có thể đạp cửa xông vào thì anh lại tốn thêm tiền sửa chữa đền cho chủ nhà. Cảnh sát tới thăm anh sẽ không lâu đâu. Tôi đã nói rồi, họ rất ghét chuyện đe dọa tống tiền.
Hắn hoảng hốt chạy theo tôi.
– Kìa Bowman, khoan đã, trời ơi! Anh nỡ lòng nào chỉ điểm cho cảnh sát bắt một đồng nghiệp bao giờ! Cả hai chúng ta là người đồng hội đồng thuyền mà.
Tôi gạt đi.
– Không phải, tôi không phải cùng bè với anh. Tôi luôn luôn hành động trong vòng pháp luật. Trong khi đó thì anh… Này Joe, anh khiến tôi nổi lòng thương hại đấy. Tôi đã thấy trước đầu anh bị cạo trọc lóc, có chụp cái mũ rằng rịt dây điện ba ngàn volt. Nào vĩnh biệt Joe… Cái đó là tại anh.
Tôi đặt tay trên nắm cửa.
Mặt hắn trắng bệch như phấn và con mắt như muốn lồi ra. Tay hắn bấu lấy cánh tay tôi, miệng lắp bắp:
– Tôi… tôi…
Hắn chỉ nói được chừng ấy. Tôi tìm cách gỡ những ngón tay của hắn ra nhưng không được.
– Cứu cứu tôi!
Hắn có dáng như bị ngợp. Tôi chụp lấy trong lúc hắn sắp ngã ra và kéo hắn đến chỗ cái ghế. Da mũi của hắn và chung quanh môi trở thành tím ngắt. Tôi không biết rằng hắn đang lên cơn đau tim.
Hắn thở một cách khó nhọc. Tôi tháo lỏng cà vạt mở nút áo và chà xát tim hắn cho tới khi hắn đẩy tay tôi ra.
– Chắc anh không còn chịu đựng nổi bao lâu nữa đâu, Joe ạ.
Hắn liếm môi, giọng hắn thong thả nhưng đã có dáng bình thường:
– Bác sĩ đã bảo tôi phải coi chừng quả tim rồi. Tôi là người chết còn đi đứng được. Vừa rồi tôi cứ tưởng là sắp đến giờ cuối cùng rồi. Thầy lang dặn tôi nên tránh những chuyện gây xúc động.
– Tôi đã làm cho anh hoảng kinh phải không Joe?
– Tôi biết anh bịp, Bowman ạ. Tuy nhiên… Có đúng vậy không? Anh định đưa tôi vào tròng phải không?
Tôi lắc đầu.
– Không, Joe. Cho dù ngại rằng có thể là anh chết đi tôi vẫn giữ toàn thể những điều tôi nói lúc nãy. Khi cảnh sát biết anh quan tâm tới gia đình nhà Cole thì họ sẽ chụp lên đầu anh tội giết người nhanh đến mức anh không kịp thú nhận cái căn cước thứ hai của anh là… Gerald Horn.
Joe bật ngửa ra sau như bị ai tống một cú đấm.
– Tôi… tôi không làm điều gì hại cho nhà Cole cả. Tôi đang có một vụ làm ăn, chỉ thế thôi. Tôi không lấy tiền của Helen Cole!
Đã rõ rồi và tôi chỉ cần biết thế thôi. Tôi liền nói:
– Tất nhiên rồi. Anh không dám tiếp cận với Helen Cole bởi vì anh đã thấy tôi ngồi chờ trong xe. Nhưng mà điều không tránh khỏi là anh đã viết cho Helen một lá thư tôi đang giữ đây. Vậy là, trừ phi anh nói với tôi tất cả, bày tỏ hết những gì anh biết về nhà Cole, không thì tôi sẽ đưa thư ấy cho cảnh sát và người ta đem anh nướng thịt về tội giết Connolly.
Đúng là trời sụp đối với hắn. Hắn vặn vẹo tay chân, mắt nhắm lại.
Hắn run run nói:
– Đó là tại bà Cole mướn tôi theo dõi chồng bà. Bà ta chán ông chồng nên muốn ly dị. Theo bà. thì bác sĩ Cole nuôi mèo và tôi phải lo thu thập bằng cớ. Tôi chỉ làm công việc nghề nghiệp thôi… Bowman.
– Đúng rồi, anh đã làm việc điều tra bình thường cho đến một ngày anh thấy ra chuyện gì đó mà theo anh có thể kiếm được bộn tiền.
– Tôi xin thề, tôi không làm gì sai trái cả! Chỉ là sau khi biết rõ bộ mặt thật của con người ấy tôi mới bắt hắn phải trả tiền cho tôi. Đó là một thằng khốn nạn, thật đấy Bowman! Một thằng khốn nạn đích thực. Với dáng vẻ nghiêm nghị đĩnh đạc, người ta cứ tưởng hắn là ông thiện ban phước cho mọi người nhưng thật ra hắn còn tệ hơn một tên cướp nữa. Nếu có kẻ nào đáng lên ghế điện thì là hắn chứ không phải tôi đâu!
– Này Joe, anh nói cũng có lý. Nhưng anh lại tống tiền con gái hắn chứ không phải là hắn. Tại sao? Anh sợ hắn phải không, Joe?
– Không đời nào! – Joe la lên. – Nhưng mà hắn có thể sai kẻ khác can thiệp vào. Và kẻ đó thì… tôi còn sợ hơn ghế điện nữa.
– Anh nói ai vậy Joe?
– Tôi không lộ cho anh biết đâu! Anh cứ làm gì cũng được, đi báo cảnh sát, ông biện lý, lên cả ông Bộ trưởng tư pháp cũng được. Tôi vẫn không nói cho anh biết đâu. Bắt tôi về tội giết Connolly, nếu anh muốn, tôi không khai ra ai hết… – Mặt hắn lại tái xanh và hơi thở lại bắt đầu ngắt quãng. – Trời ơi, anh không để tôi yên thân một chút sao? Anh không thấy tôi bệnh hoạn, tôi sắp chết đến nơi đây sao? Tôi không biết gì nữa hết! Tôi không thể nói gì thêm! Ối trời ơi, nóng ngợp quá… lấy cho chén nước, Bowman. Cứu tôi… ôi tôi chết… trong túi áo… thuốc… nước…
Hắn ngã người ra sau, một tay đè lên cổ, tay kia cuống cuồng lục lọi trong túi áo. Tôi thọc tay vào lấy ra một chai nhựa đựng nhiều viên thuốc màu hồng. Tôi cố nhét vào miệng hắn nhưng hắn không làm sao nuốt trôi thuốc được. Phải có nước mới xong.
Tôi chạy ra hành lang tìm phòng rửa mặt. Chúng ở tận đầu cầu thang. Tôi tìm được một ly giấy, lấy đầy nước rồi quay thật nhanh về phòng Joe.
Đến ngang bậc cửa tôi giật mình đứng phắt lại.
Joe đã trượt mình khỏi chỗ ngồi và bây giờ đang nằm dài trên sàn, đầu gối vào cạnh bàn. Mắt hắn mở to, đứng tròng. Hắn không nhúc nhích gì cả.
Tôi khép cửa lại và đến gần Joe. Tôi đặt ly nước lên bàn và cúi xuống để nhìn kỹ mặt người chết – và quả thật hắn chết không sai chạy vào đâu được. Cùng lúc, bụng tôi như thót lại. Joe không chết vì đứng tim. Có ai đó đã giúp hắn về chầu tiên tổ. Có ai đó đã nện một cú vào màng tang hắn. Vừa đủ mạnh để chảy máu làm cho tóc hắn bết nhầy nhụa.
Tôi chạy vụt qua phòng bên nhưng không thấy ai. Tuy nhiên không tránh khỏi có kẻ nào đó đã nghe hết hay một phần câu chuyện giữa tôi với Joe và muốn buộc hắn im tiếng mãi mãi.
Tôi trở lại phía xác chết, lục túi và lấy ra chìa khoá tủ sắt. Tủ này chứa những tài liệu và hình ảnh có thể làm tan nát không biết bao nhiêu gia đình.
Tôi chất lên một chồng rồi đem vào lò sưởi. Tôi lôi các ngăn kéo ra nhưng không thấy gì quan trọng.
Thế là tôi bật que diêm đốt tất cả các bằng cớ, giấy tờ gom lại đó. Xong xuôi, tôi chùi xoá tất cả những nơi mình có thể để lại dấu tay rồi mở cửa liếc nhìn ra ngoài. Biết đâu “người ta” lại không đón sẵn đâu đây. May mắn thay hành lang trống trơn.
James Hadley Chase
Buổi hẹn cuối cùng
Dịch giả: Quang Huy