Cẩm Khê Di Hận

Chương 12: Hồng quần nhẹ bước chinh yên Đuổi ngay Tô


Sau khi tế mộ, phong thần Nguyễn Trát cùng đệ tử Long-biên tuẫn quốc. Trưng vương truyền lệnh:

– Các sư đệ Trần Quốc-Dũng, Quốc-Lực, Quốc-Uy gấp trở về Thiên-trường, tổ chức nền hành chính, an ninh. Củng cố lại các trang ấp. Về luật pháp, hãy chờ hoàng đế Lĩnh Nam ban xuống. Tạm thời lấy võ đạo làm căn bản. Vùng Lục-hải, Hùng Bảo đã tổ chức có qui củ, nề nếp từ lâu, vẫn giữ nguyên như cũ. Bây giờ chúng ta về đánh Luy-lâu.

Phương-Dung thăng trướng truyền lệnh:

– Sư đệ Đào Quí-Minh, sư muội Đào Phương-Dung, sư điệt Hùng Bảo, cùng với Sún Lé, Sún Lùn, Sún Đen, Sún Rỗ đặt dưới quyền điều khiển của Trần Năng đi đội tiên phong. Còn lại sư thúc Đào Thế-Hùng, sư tỷ Hoàng Thiều-Hoa, Đào tam ca với tôi theo Trưng-vương đi đội thứ nhì. Nội ngày nay phải tới Luy-lâu. Tới nơi ta đánh Luy-lâu ngay. Vì trong khi bọn Đức-Hiệp rút lui, tôi đã cho hơn trăm đệ tử Mai-động trà trộn vào thành, làm nội ứng. Vì vậy để lâu, họ sẽ bị lộ.

Mọi người định khởi hành. Có Thần-ưng từ Luy-lâu đem tin đến. Phương-Dung mở ống tre, lấy thư ra đọc, rồi trình Trưng vương:

– Thư của sư tỷ Trưng Nhị.

Trưng vương cầm lấy đọc:

Vũ Nhật-Thăng thống lĩnh hơn vạn quân, đánh Ký-hợp. Nam-thành vương Trần Công-Minh tử thương. Sư bá Tiên-yên bị trúng tên. Đàm Ngọc-Nga bị vây khẩn. Xin cho Đào Kỳ định liệu.

Trưng vương hỏi Đào Kỳ:

– Hiền đệ là Đại tư mã. Hiền đệ tính thế nào?

Đào Kỳ đáp:

– Quân Vũ Nhật-Thăng là quân Hán, chứ không phải tráng đinh. Vậy cần có quân tinh nhuệ đối phó. Em đề nghị để sư thúc Đào Thế-Hùng đem đạo quân Đăng-châu đi tiếp viện cho Đàm Ngọc-Nga.

Trưng vương hỏi Đào Thế-Hùng:

– Xin sư thúc đừng quản ngại lên đường ngay. Không biết sư thúc cần ai theo giúp?

Đào Thế-Hùng là đại anh hùng thời Lĩnh Nam. Suốt cuộc đời ông, chỉ mơ tưởng có ngày hôm nay. Khi nghe Trưng vương truyền lệnh. Ông sướng quá. Mặt mày hớn hở, ông nói:

– Tôi xin lên đường ngay. Tôi mang theo Đào Phương-Dung, Đào Quí-Minh cũng đủ.

Đào-Kỳ ghé tai Đào Thế-Hùng dặn dò:

– Trưng vương với thầy trò Lê Đạo-Sinh là những ngưới cùng môn hộ. Phái Tản-viên có qui luật tuyệt đối cấm giết người đồng phái, không được để cho người ngoài giết người đồng môn trước mặt mình. Vì vậy cháu mới cử chú tiếp viện cho Đàm Ngọc-Nga.

Đào Thế-Hùng hiểu cháu hơn ai hết ông cười:

– Ý cháu muốn ta giết tên hại nước Vũ Nhật-Thăng phải không. Được, ta sẽ làm truyện đó.

Đào Thế-Hùng dẫn đạo quân Đăng-châu rẽ sang hướng nam đi Ký-hợp.

Trưng vương truyền lệnh tiếp tục lên đường.

Đang đi thì quân báo:

Đức-Hiệp, Hoàng Đức dừng quân lại đang giao chiến với Hoàng Thiều-Hoa.

Phương-Dung nói lớn:

– Nguy thay! Chúng ta phải lên mau, vì một mình sư tỷ Thiều-Hoa không địch lại Đức-Hiệp với Hoàng Đức.

Phương-Dung thúc quân lên đường khẩn cấp. Tới khu đồng lúa phía trước, đạo quân của Hoàng Thiều-Hoa đã dàn ra đánh nhau với đạo quân Hoàng Đức, Đức-Hiệp. Đức-Hiệp đấu với Hoàng Thiều-Hoa. Sa-Giang, Sún Lé, Sún Rỗ đấu với Hoàng Đức. Trên trời, Thần-ưng đâm bổ xuống yểm trợ.

Phương-Dung ra lệnh:

– Đoàn Thần-tượng chia làm hai. Một đánh bọc phía trái, một đánh bọc phía phải. Sún Lùn chỉ huy Thần-ưng của đánh vào trung ương.

Đoàn voi rầm rập xông vào trận. Trưng vương chỉ mang theo đạo Đăng-châu. Đạo này Đào Thế-Hùng đã mang đi. Còn lại, không đầy hai ngàn tráng đinh, trong khi phía Hoàng Đức, Đức-Hiệp quân số vừa Kị, vừa Bộ lên tới hơn vạn người. Bên Lĩnh Nam nhờ có Thần-tượng, Thần-ưng, chúa tướng võ công cao mà thôi. Cuộc chiến bất phân thắng bại. Giữa lúc đó, quân báo:

– Có một đạo quân rất hùng tráng khoảng năm vạn người đang từ phía Nam tiến tới. Không rõ quân ta hay quân giặc.

Đào Kỳ hỏi Hùng Bảo:

– Lúc cháu cùng phái Hoa-lư đem quân từ Lục-hải về, ở các vùng xung quanh còn giặc không?

Hùng-bảo đáp:

– Lúc cháu cùng phái Hoa-lư đem quân về đây, khắp vùng đều thuộc Lĩnh Nam, không nơi nào còn bóng quân thù.

Trưng vương rút kiếm ra hô lớn:

– Ta cần giải quyết bọn Hoàng Đức, Đức-Hiệp đã. Sau đó quay đánh đạo kia thì vừa. Nào ta tiến lên đi.

Trần Năng quát lớn:

– Hoàng Đức! Sư đệ đầu hàng đi thôi.

Nàng vung chưởng phóng tới. Muốn giải quyết trận chiến mau chóng, nàng vận Thiền-công. Hoàng Đức vung chưởng đỡ. Bịch một tiếng. Người y bay vọt lên cao. Đào Kỳ nhảy tới hứng lấy, quăng xuống đất cho quân sĩ trói lại.

Đức-Hiệp thấy võ công Trần Năng tiến đến trình độ kinh người thì chửi thầm trong lòng:

– Con lỏi này, mới được sư bá thu làm đệ tử, sao bản lĩnh đã đến dường này. Dù sư phụ muốn đánh sư đệ, cũng phải trên hai mươi hiệp. Chứ đâu có một chiêu, đã hạ được ?

Y vung chưởng đánh lui Sa-Giang, Sún Rỗ rồi nhảy lùi lại sau. Hô lớn:

– Tất cả ngừng tay!

Đào Kỳ hô quân ngưng chiến lui lại. Đức-Hiệp sai mở một cái xe, dẫn ra hai người: đó là Quách A với Sún Hô.

Đức-Hiệp nói với Trưng vương:

– Trưng-Trắc! Ngươi bắt sư đệ Hoàng Đức, Ngô Tiến-Hy, Hàn Thái-Tuế. Ta cũng bắt được của ngươi hai tên này. Vậy chúng ta trao đổi tù binh, không biết có nên chăng?

Trưng vương chưa kịp trả lời thì Quách A đã nói lớn :

– Sư tỷ! Đừng đổi! Cứ đem mấy tên chó săn đó ra chém đi, thả chúng ra, chúng phá hại trăm họ không cùng. Chúng em cam tâm chịu chết.

Giữa lúc đó, đạo quân phía Nam đã tới. Khí thế hùng tráng chưa từng thấy. Trưng vương lo lắng nói với Trần Năng:

– Ta đã được thấy quân của Trần Tự-Sơn, của Công-tôn Thiệu, của Quang-Vũ. Mà chưa từng thấy đạo quân nào hùng tráng thế kia. Không biết của ai?

Mọi người cùng nhìn. Đi đầu hai tướng một nam một nữ. Phía sau một đội kị mã, một đội voi. Trống thúc nhịp nhàng. Gươm đao sáng loáng.

Trưng vương định truyền lệnh dàn quân đối phó, thì Sún Lé la lớn lên:

– Sư tỷ! Đạo quân kia của Cửu-chân. Người đi đầu là sư phụ.

Phương-Dung hỏi:

– Sao sư đệ biết là bố?

Sún Lé méo miệng trêu Phương-Dung:

– Sư tỷ không thấy đàn Thần-ưng tuần phòng của chúng ta đang lượn trên đạo quân mới tới sao ? Chúng hót líu lo, nhu hòa chào mừng đấy.

Phương-Dung, Đào Kỳ nhìn lên trời, thì quả đàn Thần-ưng đang lượn thành vòng tròn rất đẹp mắt, chúng nghiêng cánh, đồng kêu lên tiếng êm dịu chào mừng.

Đoàn quân tới gần. Lá cờ soái thêu chữ Cửu-chân vương Đào bay phất phới. Đào Kỳ, Phương-Dung, Thiều-Hoa, các Sún xuống ngựa đứng đón bên đường. Một lát Đào-Thế-Kiệt, Đinh Xuân-Hoa tới. Y phục hai người đầy cát bụi. Hoàng Thiều-Hoa hô các đệ tử Cửu-chân quì mọp xuống hành lễ. Đào Thế-Kiệt vẫy tay:

– Miễn lễ! Miễn lễ! Đứng dậy đi thôi.

Đào Kỳ tuy làm đại nguyên soái, từng thống lĩnh nửa triệu quân, tuổi đã hai mươi mấy. Nhưng chàng là con út, xa mẹ lâu ngày. Bây giờ gặp lại mẹ, mừng quá, chàng vọt mình lên đáp phía sau bà. Hai tay ôm lấy lưng mẹ, áp mặt vào mà hít lấy hơi:

– Con nhớ mẹ quá! Mấy năm xa cách, nay mới gặp.

Chàng ôm mẹ nhảy xuống ngựa. Trưng vương tiến đến thi lễ. Đào Thế-Kiệt rơm rớm nước mắt:

– Tôi được tin Đặng vương-gia tuẫn quốc. Trưng vương lên thay. Sợ có gì sơ xảy, vội điểm năm vạn quân, ngày đêm ra tiếp viện. Không ngờ gặp nhau giữa đường. Đây là đạo tiền quân, còn đạo hậu quân do sư đệ Đinh Đại, cùng đệ tử Quách Lãng, hai cháu gái Đinh Bạch-Nương, Đinh Tĩnh-Nương sẽ tới sau.

Thái độ của ông hùng tráng, uy nghi, hào sảng.

Trong khi ông nói truyện với Trưng vương, Đào Nghi-Sơn, Đào Biện-Sơn dàn quân phía sau. Lê Thị-Hoa, và bốn con Mai Đạt, Mai Thỏa, Mai An, Mai Tứ dàn quân phía trái. Bao vây đạo quân Đức-Hiệp vào giữa.

Ông nhìn thấy Quách A, Sún Hô bị trói, đã hiểu được chín phần mười truyện xảy ra. Ông ôn tồn nói:

– Đức-Hiệp! Kể về võ công, ngươi với ta ngang nhau. Kể về văn học, ngươi giỏi hơn ta. Ngươi là đệ tử của Thái-sơn Bắc-đẩu Lĩnh Nam. Nếu ngươi đi đường chính đạo, giờ này ngươi cũng như ta, như Trưng vương, cóù đâu thân tàn ma dại như thế? Ngươi hãy trả đệ tử của ta với Quách A ra ngay, rồi theo chúng ta đánh Luy-lâu, người sẽ trở thành anh hùng.

Phương-Dung đến bên Đào Thế-Kiệt nói nhỏ với ông:

– Thưa bố! Xin bố cứ dùng dằng nói truyện với chúng. Trong khi đó con có cách cứu sư đệ.

Đào Thế-Kiệt mỉm cười, nói tiếp :

– Người còn dùng dằng gì nữa ?

Đức-Hiệp cười khảy:

– Ta không tin ngươi.

Đào Thế-Kiệt phất tay:

– Thôi được, mi thả đệ tử ta với Quách A ra. Ta sẽ tha cho tất cả bọn ngươi về Luy-lâu. Ta, Đào Thế-Kiệt, xưa nay không sai lời.

Đức-Hiệp còn đang suy nghĩ thì Đào Kỳ, Phương-Dung rút kiếm, nhấp nhô mấy cái. Hai người đã nhảy đến cạnh Sún Rỗ, Quách A. Phương-Dung rút kiếm, ánh kiếm lóe lên. Đức-Hiệp kinh hoàng nhảy lui lại hơn hai trượng. Đào Kỳ đã cướp được Quách A, Sún Hô về trận mình.

Đào Thế-Kiệt nói:

– Đức-Hiệp! Ngươi dẫn đồ đảng về Luy-lâu đi thôi. Ta hứa tha các sư đệ ngươi. Hy vọng ngươi hối cải, trở về với Lĩnh Nam.

Anh em Mai Đạt đến trước Phương-Dung thi lễ, chào sư tỷ. Hỏi thăm tình hình Cối-giang. Lê Thị-Hoa nói:

– Lão tiên sinh và bốn vị tuẫn quốc như vậy, là sống với ngàn năm sau của Lĩnh Nam. Chúng ta không nên buồn. Chết như thế chẳng sướng hơn chết bệnh, chết già ư?

Một lát đạo quân thứ nhì đi nhanh như gió, phía trước lá cờ bay phất phới, trên có chữ Cửu-chân, Đinh. Phía sau ba đoàn quân, đoàn thứ nhất do một thiếu nữ xinh đẹp, ẻo lả dẫn đầu. Trưng vương nhận ra là Đinh Bạch-Nương.

Đinh-Đại, xuống ngựa hành lễ với Trưng vương. Ông vỗ hai tay vào nhau:

– Tôi đi hậu đội, để sư huynh, sư tỷ đi tiền đội. Còn Quách Lãng, Đinh Tĩnh-Nương sẽ đến thẳng Luy-lâu. Có lẽ giờ này tới nơi rồi.

Đào Kỳ, Phương-Dung, Thiều-Hoa, Ngũ Sún đến trước mặt Đinh Đại làm lễ. Đinh Đại cười ha hả, tiếng cười trong, vang xa như thác suối đổ:

– Các cháu có thấy sung sướng không? Đến nằm mơ ta cũng không ngờ có ngày nay. Từ nay, Lĩnh Nam lại thuộc về ta.

Trưng vương truyền hai đoàn nhập một, lên đường đi Luy-lâu.

Bà Đào Thế-Kiệt nói với Phương-Dung:

– Tháng trước bố đã làm lễ thành hôn cho đại sư ca Trần Dương-Đức với sư tỷ Nguyễn Tường-Loan. Đại sư ca với sư tỷ phải giữ nhà, trong khi ta bắc viện cho Trưng vương.

Bà nghe nói tháng sau Phương-Dung hoa khai nở nhụy, thì mừng lắm. bà nói:

– Đứa cháu nội của mẹ ra đời giữa lúc Lĩnh Nam phục hồi. Nó thực may mắn. Không phải sống kiếp nô lệ như chúng ta.

Dọc đường, Thiều-Hoa, Đào Kỳ cỡi ngựa đi cạnh Đào vương phi. Bà kể truyện Cửu-chân khởi binh cho hai người nghe:

– Được thư của Đô Dương báo, bố với cậu đem đạo Cửu-chân về bằng đường thủy. Mẹ triệu tập buổi họp liền. Trong nhà chỉ còn đại sư ca Trần Dương-Đức, hai anh Nghi-Sơn, Biện-Sơn, chị Tường-Loan. Phía Đinh trang còn Đinh Tĩnh-Nương. Phía trang Cư-phong bà Lê Thị-Hoa, bốn anh em Mai Đạt. Mẹ ra lệnh cho các trang động theo dõi, tuần phòng ngày đêm. Một mặt sai Mai Đạt đem thuyền ra khơi đón bố với cậu. Mẹ đề nghị đổ quân làm ba nơi.

Đào-Kỳ cười:

– Như thế mẹ hạ lệnh cho bố với cậu chứ đâu phải đề nghị.

Đào vương-phi tát yêu Đào Kỳ;

– Ừ! Thì mẹ hạ lệnh. Con biết đó. Khi bố mẹ sắp kết hôn. Người ta nói: bố mạng kim, mẹ mạng mộc. Kim, Mộc khắc nhau không tốt. Ông nội con nói: Khắc gì thì khắc, miễn hai người đồng một chí hướng phục hồi Lĩnh-Nam, thì lo gì? Từ ngày đó đến giờ, chúng ta chưa hề cãi nhau. Vì chỉ lo phục quốc, thì giờ đâu mà gây với nhau? Mỗi lời mẹ nói, bố đều nghe theo.

Bà nhìn Sún Đen, Quách A mỉm cười:

– Sư phụ, sư mẫu quen biết nhau hồi ngang tuổi với các con… À trở lại truyện đổ bộ. Bố cho đổ bộ đúng như mẹ định liệu. Chư quân chiếm chín huyện trong một buổi sáng. Không tốn một mũi tên, một giọt máu. Hai hôm sau, cho cử Lạc công, Lạc vương.

Thiều-Hoa hỏi:

– Những ai được cử làm lạc công?

– Bố được cử làm Lạc-vương. Cậu làm Đại tư mã. Chín lạc công là Lê Thị-Hoa, đại sư huynh Trần Dương-Đức, các anh Nghi-Sơn, Biện-Sơn, bốn anh em họ Mai, và Chu Thổ-Quan.

Tây-vu Thiên-ưng ngũ tướng, thêm Quách A đi cạnh Đào vương phi. Chúng tìm thấy ở bà một bà mẹ ôn nhu, thuần hậu, tình cảm chứa chan như biển đông hơn là một sư mẫu. Truyện trò như pháo rang.

Đến chiều thì tới Luy-lâu. Anh hùng các nơi đều đến làn lễ mừng Cửu-chân vương với Trưng vương.

Trưng vương mời anh hùng họp, bàn đánh Luy-lâu.

Trưng Nhị hiến kế:

– Chúng ta cứ vây thành Luy-lâu trong vòng nửa tháng, rồi hãy đánh. Trong thành có nhiều dân chúng người Việt. Đánh gấp e hao quân, hại dân.

Từ lúc gặp Đinh Đại, Đinh Tĩnh-Nương, Tây-vu lục hầu tướng cứ luẩn quẩn bên hai người. Đinh Đại đã nghe thuật truyện Lục-hầu tướng vượt đỉnh Kim-sơn, đánh vào Ích-châu, tiếp đến trận Trường-an, sáu người cùng đoàn Thần-hầu đột nhập thành, đốt phá khắp nơi, làm Quang-Vũ phải bỏ thành mà chạy. Ông thấy sáu thiếu niên không cha, không mẹ, thì đem lòng thương. Tối đến ông dẫn họ ra bãi vắng dạy võ. Lục-hầu tướng tập rất mau. Truyện này đến tai Trưng vương ngài nói với Đinh Đại:

– Đinh sư thúc, tôi có một lời khẩn cầu.

Trọn đời Đinh Đại chỉ nể có ba người: Sư huynh với chị gái, sau này thêm Trưng vương. Nghe Trưng vương nói. Ông đứng dậy kính cẩn hỏi:

– Không biết Trưng vương dạy bảo điều chi. Tôi nguyện tuân hành mệnh lệnh.

Trưng vương chỉ Tây-vu lục-hầu tướng:

– Mấy thiếu niên này, trí dũng song toàn, lòng dạ ngay thẳng, tôi kính xin tiên sinh nhận mấy em làm đệ tử. Hầu sau này Lĩnh Nam thêm được sáu đại tướng.

Đinh hầu vui vẻ nói với Lục-hầu tướng:

– Trưng vương đã dạy, ta đâu dám không tuân. Kể từ hôm nay, sáu người là đệ tử phái Cửu-chân.

Lục-hầu tướng quì xuống làm lễ với Đinh Đại. Sau đó hành lễ với chưởng môn Đào Thế-Kiệt. Quần hùng đều mừng cho Đinh-hầu có thêm sáu đệ tử. Tây-vu Thiên-ưng ngũ tướng, được làm sư huynh Lục-hầu tướng. Năm người ưỡn ngực ra, vỗ bôm bốp, rồi nhún vai. Ý nói: Bọn ta là anh đấy nhé. Liệu hồn.

Trưng vương truyền làm tiệc khao quân. Quần hùng đã từng nghe tiếng Đào Thế-Kiệt có tài dạy đệ tử, có tài dùng binh. Bây giờ thấy đạo quân của ông hùng tráng, kỷ luật, thì kính phục vô cùng.

Lần đầu tiên Đào vương phi gặp bọn Ngũ Sún. Bà mừng lắm. Liếc nhìn thấy Sa-Giang lúc nào cũng bên cạnh Sún Rỗ. Bà gọi Sa-Giang lại gần ôn tồn nói:

– Con từ đất Thục, xa xôi vạn dặm sang trợ chiến Lĩnh Nam. Ta cảm ơn con lắm. Hán cũng thế, Việt cũng vậy. Phái Sài-sơn đã có sư tỷ Trần Quốc thành hôn với đại huynh Vương Phúc của con. Ta muốn gửi người về Thục, xin Vương sư huynh cho cháu về làm dâu họ Đào.

Quần hùng vỗ tay vang dội. Khất đại phu nói:

– Ta với Thiên-sơn lão tiên đã có ước hẹn. Gặp dịp con cháu của người với ta ưa nhau, thì người thay ta, ta thay người hợp hôn cho chúng. Hôm nay, nhân Cửu-chân vương giá lâm Giao-chỉ, lão phu xin thay mặt Thiên-sơn lão tiên gả Vương Sa-Giang cho Đào Nhị-Gia.

Đào Thế-Kiệt cười ha hả:

– Vui thực là vui. Ta lại được thêm một nàng dâu đẹp, văn hay chữ tốt, có bàn tay tiên về âm nhạc. Thực là giai ngẫu.

Hồ Đề bước ra nói:

– Đào lão bá. Cháu có lời muốn thưa với lão bá.

Đào Thế-Kiệt biết Hồ Đề trực tính như nam tử. Ông hỏi:

– Hồ thống lĩnh có điều chi dạy bảo?

Hồ Đề đáp:

– Lão bá dạy quá lời! Còn một truyện nữa: Lão bá sắp làm thông gia với Tây-vu. Không biết lão bá hay chưa?

Đào Thế-Kiệt ngơ ngác chưa hiểu. Thì Trưng vương vẫy tay gọi Quách A với Sún Hô lại gần nói:

– Trận đánh Long-biên thắng mau, nhờ cặp thiếu niên này đây. Một là bên Đào Ngũ-Gia đệ tử Cửu-chân vương. Một bên sư muội của Hồ thống lĩnh. Đẹp đôi quá.

Ngài thuật lại việc làm của hai người. Ngài hỏi:

– Ta đứng làm mai, để cho hai em thành vợ chồng. Các em nghĩ sao?

Sún Hô, Quách A im lặng, cúi đầu xuống. Trưng vương cười:

– Im lặng coi như thuận. Nào chúng ta cử hành đám cưới cho hai cặp thiếu niên ngày hôm nay.

Suốt mấy ngày, tiệc vui mừng. Đến ngày thứ ba có tin báo:

– Đạo quân của Đặng Đường-Hoàn đã bình định xong mười lăm trang, ấp thuộc Lê Đạo-Sinh, bắt sống tên khùng Lê Hinh. Hiện đang chờ lệnh.

Trưng vương truyền đón ông vào.

Đặng Đường-Hoàn dẫn ba đệ tử là Đào Đô-Thống, Đào Chiêu-Hiển, Đào Tam-Lang vào yết kiến Trưng vương. Đào vương đứng dậy rót rượu trao cho Đặng Đường-Hoàn, chúc mừng chiến thắng. Quần hùng thấy anh em họ Đào cứ tủm tỉm cười, không hiểu sao. Hồ Đề hỏi:

– Ba vị hiền đệ, có gì vui lắm sao?

Đào Tam-Lang cười khúc khích:

– Tý nữa chị sẽ thấy một truyện cười.

Đào Đô-Thống dẫn tù nhân tới. Quần hùng cười lăn ra. Trước mắt họ, quái nhân, đầu bù tóc rối, quần ống cao, ống thấp, áo miếng rách miếng lành, trên đầu đội cái mũ đen. Người y bốc mùi hôi thối chịu không được. Cạnh y, hai con chó cái, lông lá dơ bẩn.

Hồ Đề tính ngỗ nghịch hỏi:

– Lê giáo chủ! Hân hạnh được giáo chủ giá lâm. Kìa Đào Đô-Thống sư huynh, sao lại trói giáo chủ Ngũ-không thế kia. Hãy mở trói cho người.

Lê Hinh cười hô hố, y nhe hàm răng không còn một chiếc. Y đứng giữa hội trường cất tiếng hát. Y hát khá hay. Hiện diện, rất đông đệ tử phái Sài-sơn vốn giỏi ca hát, mà họ đều gật đầu tỏ ý khen ngợi. Giọng Lê rất tốt.

Quách A gốc người Mường như Hồ-Đề, bản tính chân thực, nàng hỏi Lê Hinh:

– Này giáo chủ, tại sao giáo chủ không tắm?

Lê Hinh cười:

– Tắm làm gì? Bổn giáo lấy thiên nhiên làm căn bản. Không làm vẫn có ăn, không cần cha mẹ, chẳng nên tắm rửa.

Trưng vương vẫy tay:

– Với một tên khùng, dơ dáy như thế này, giết đi cũng chẳng ích gì. Thả y ra.

Đào Đô-Thống cởi trói, Lê Hinh lạy tạ, dắt hai con chó cái rời khỏi hội trường. Quần hùng đều cười ồ lên.

Trưng Nhị đứng lên nói:

– Chúng ta án binh bất động trong mười lăm ngày qua. Ngày nào Thiên-ưng Tây-vu Ngũ tướng cũng cho Thần-ưng bay vào đốt dinh thự, kho tàng trong thành Luy-lâu. Thần nỏ Âu-Lạc bắn tỉa quân trên mặt thành. Quân thủ thành đã mệt mỏi lắm rồi. Hôm nay trải mười lăm ngày. Chúng ta đánh thành thôi !

Đào Thế-Kiệt biết Trưng vương thay Đặng Thi-Sách làm chưởng môn phái Tản-viên. Môn qui phái này cấm đệ tử tàn sát nhau, dù họ tội nặng đến đâu chăng nữa. Trong thành có Lê Đạo-Sinh, Đức-Hiệp. Ông muốn giết chúng đi, trừ cho Lĩnh Nam mối lo ngại sau này. Ông nói:

– Trưng vương đã chiếm lại được đất Giao-chỉ. Duy còn Luy-lâu. Chúng ta hòa hoãn với Quang-Vũ, cũng nên tha bọn quan lại dân chúng người Hán. Hơn nữa người Hán ở Lĩnh-Nam cũng nhiều, phải khoan dung cho họ sống hòa hợp với người Việt. Muốn thế, đạo quân công thành phải cần có kỷ luật, thống nhất. Ở đây, ba đạo Đăng-châu, Văn-lạc, Lục-hải với Cửu-chân có khả năng đó. Đạo Đăng-châu của Thế-Hùng, đạo Lục-hải của Hùng-Bảo, đạo Văn-Lạc của Đào-Kỳ, đạo Cửu-Chân của Nghi-Sơn, Biện-Sơn. Vậy lão phu xin Trưng vương với các vị để cho lão phu được cái danh dự đánh Luy-Lâu.

Trưng vương vui vẻ:

– Đào vương dạy chí phải. Xin Đào vương ra quân cho.

Trưng vương cầm cây búa lệnh trao cho Đào Thế-Kiệt. Đào Thế-Kiệt lĩnh búa lên trướng nói:

– Chúng ta phải lấy Luy-lâu trong mười ngày. Phương-Dung giải Hoàng Đức, Ngô Tiến-Hy, Hàn Thái-Tuế, Hoàng Minh-Châu, và đồ tôn của Lê Đạo-Sinh ra đây, ta có việc dùng.

Đám Hoàng Đức được đưa vào trướng. Đào Thế-Kiệt nói:

– Các vị là tinh hoa của Lĩnh Nam. Nhất thời lầm đường. Sao không tỉnh ngộ như Chu Bá, Lê Thị-Hảo. Hai người phục thiện, cải tà qui chính, bây giờ sư huynh Chu Bá đi đâu, trăm họ cung tay kính trọng. Lê sư tỷ tuẫn quốc, khắp Lĩnh Nam quỳ gối tế lễ. Vậy các vị vào thành, thuyết phục Lục trúc tiên sinh hãy về với chúng tôi. Địa vị của tiên sinh không mất, danh thơm muôn thủa với non sông.

Ông thân cởi trói cho họ, rót rượu mời uống, truyền cho mỗi người một con ngựa vào thành Luy-lâu.

Quần hùng thấy ông xử sự quang minh, rỏ ra bậc anh hùng. Họ kính phục vô cùng. Duy có Trưng Nhị nghĩ khác:

– Đào vương gia cho họ một cơ hội trở về với Lĩnh Nam. Nếu họ trở về thì hay. Còn không trong trận đánh này, ông thẳng tay giết hết, còn hơn để Trưng vương giam chúng, như nuôi hổ trong nhà.

Nàng đưa mắt nhìn Đào Kỳ, Phương-Dung, hai người mỉm cười, nháy Trưng Nhị như ngụ ý Cha con với nhau, gì mà không hiểu.

Có tin quân báo: Đào Thế-Hùng đã bình xong vùng Ký-hợp, đem đầu Vũ Nhật-Thăng và đồng đảng về nộp.

Trưng vương nói với Đào vương:

– Đào vương gia! Tôi dám lớn mật xin vương gia ban ân, miễn bêu đầu sư thúc Vũ Nhật-Thăng. Tôi xin được lĩnh thây về tống táng.

Đào Thế-Kiệt thở dài:

– Xin Trưng vương cứ tự tiện. Tiếc thay, các đệ tử của Lê Đạo-Sinh không có tư chất giống nhau. Giá người nào cũng như ông bà Chu Bá, có phải đại phúc cho Lĩnh Nam không?

Đào Thế-Hùng cùng các con vào trướng thấy anh chị, cùng đám đệ tử đông đủ thì mừng lắm. Ông nói lớn:

– Anh em, chú cháu, bố con xa cách hai chục năm vì mưu đại sự. Hôm nay tụ họp nơi đây. Chỉ vắng có Hiển-Hiệu đang trọng nhậm nơi xa. Ngày xưa chúng mình mơ ngày hôm nay, thì giấc mơ đã thành sự thực rồi đây.

Ông trình với Trưng vương:

– Nam-thành vương Trần Công-Minh dẫn Tiên-yên nữ hiệp, Đàm Ngọc-Nga về đánh Ký-hợp. Chỉ ba ngày, chiếm được hầu hết trang ấp của đám Lê Đạo-Sinh, thế như trẻ tre. Khi đánh đến trang Nam-thủy thì trúng phục binh Hán. Nam-thành vương trúng tên tuẫn quốc. Tiên-yên nữ hiệp bị thương. Đàm Ngọc-Nga đi hậu đội, đem quân đánh lui Vũ Nhật-Thăng, cứu Tiên-yên nữ hiệp, cướp xác Nam-thành vương về an táng.

Ông ngừng lại một lát, tiếp:

– Chúng tôi tới nơi, chia quân làm ba cánh đánh ép. Chỉ hơn giờ, tiêu diệt trọn vẹn bọn quân Hán. Vũ Nhật-Thăng đấu chưởng với tôi đến chiêu thứ mười bảy y mất mạng.

Trưng vương nói với Trưng Nhị:

– Em soạn cho ta bài văn tế Nam-thành vương, sắc phong người làm:

Lĩnh-Nam trung liệt, Nam-thành vương.

Ngay chiều nay ta đi Ký-hợp tế người và các dũng sĩ vì quốc vong thân.

Ngài nói với Đàm Ngọc-Nga:

– Sư muội! Tôn sư tuẫn quốc, khí phách anh linh còn muôn thủa. Ta sẽ truyền xây đền thờ người ngay ngày mai. Sư muội đi với ta.

Ngài nói với Đặng Thi-Bằng:

– Em với Xuân-Nương đem đầu Vũ Nhật-Thăng, ráp vào thân bằng gỗ chôn cất tử tế. Dù sao Nhật-Thăng cũng xuất thân từ phái Tản-viên. Người chết rồi là hết. Tội trạng cũng đi theo. Không nên trả thù xác chết, vợ con người ta.

Đào Thế-Kiệt thăng trướng truyền lệnh:

– Ta đã được Trưng vương và các vị anh hùng ủy nhiệm đánh Luy-lâu. Sở dĩ chúng ta được trao phó nhiệm vụ vinh dự này, vì chúng ta có tới năm đạo quân từ tổ chức, đến huấn luyện thống nhất. Chứ không phải chúng ta tài hơn các lộ anh hùng khác.

Quần hùng thấy khí thế của đám đệ tử Cửu-chân, quân khí hùng tráng ngất trời, người người cảm phục trong lòng:

– Phái Cửu-chân được chúng nhân kính phục nhờ cách dậy người của Đào Thế-Kiệt khác thường. Ta bì thế nào được.

Cửu-chân vương Đào Thế-Kiệt truyền lệnh:

– Đồ nhi Trần Năng, Hùng Bảo, dẫn đạo quân Lục-hải đánh cửa tây Luy-lâu.

– Sư đệ Đinh Đại dẫn Đinh Bạch-Nương, Đinh Tĩnh-Nương, Quách Lãng, Đinh Hồng-Thanh, thống lĩnh đạo binh Đăng-châu đánh cửa bắc.

– Vương phi Đinh Xuân-Hoa dẫn Đào Nghi-Sơn, Đào Biện-Sơn thống lĩnh đạo binh Văn-Lạc đánh cửa nam.

– Cửa Đông giáp với sông, đã có thủy quân của Tử-Vân trấn đóng, không cần đánh.

– Hoàng Thiều-Hoa tổng chỉ huy công thành. Đạo binh Cửu-chân đặt làm trừ bị. Trường hợp giặc xuất thành, bằng mọi giá, không cho một tên chạy thoát. Mọi sơ xuất các chúa tướng chịu trách nhiệm. Có ai thắc mắc gì không?

Sún Lé hỏi:

– Sư phụ! Bọn Tây-vu Thiên-ưng chúng con làm gì?

Đào Thế-Kiệt vỗ vai nó:

– Ta dẫn Tam ca Đào Kỳ, sư tỷ Phương-Dung, Tây-vu Thiên-ưng ngũ tướng, thêm hai nàng dâu mới Quách A, Sa-Giang đột nhập Luy-lâu đánh từ trong đánh ra. Đào Tứ-Gia tuẫn quốc. Vậy ai có thể thay thế?

Sún Lé đáp:

– Trình sư phụ! Sún Rỗ dạy Sa-Giang chỉ huy Thần-ưng, thành thuộc lắm rồi. Sa-Giang thông minh quá, chế ra nhiều phương pháp huấn luyện Thần-ưng tuyệt hảo. Còn Quách A giỏi lắm, chỉ thua có Hồ sư tỷ thôi. Nó chỉ huy được Thần-ưng, Thần-Hổ, Thần-báo, Thần-tượng, Thần-long, Thần-ngao, Thần-phong, Thần-hầu. Chẳng loại nào nó không giỏi.

Sún Rỗ tiếp:

– Con đề nghị sư phụ cho Quách A chỉ huy một đội Thần-phong nhập thành, đánh vào dinh Tô Định. Ong đánh vào đám quan lại người Hán chỉ làm họ đau nhức, rối loạn trong thành, mà không làm bị thương, chết như Thần-ưng.

Đào Thế-Kiệt gật đầu:

– Nào chúng ta lên đường.

Trưng Nhị truyền các đạo quân Tản-viên, Tây-vu tạm lui lại nghỉ ngơi. Vì họ bao vây Luy-lâu hơn tháng, bắt đầu mệt mỏi.

Đào vương dặn riêng Phương-Dung, Đào Kỳ:

– Trong thành có hai cao thủ, là Lê Đạo-Sinh với Tô Định. Hai con gặp Lê thì giết liền. Còn Tô cần bắt sống. Ngoài ra bọn Đức-Hiệp, Hoàng Đức, Ngô-Tến-Hy, Hàn Thái-Tuế, Vủ Hỷ, Vũ Phương-Anh, gặp thì giết không tha.

Đào Thế-Kiệt sai mở một tờ giấy, đưa cho Phương-Dung. Ông nói:

– Ta liên lạc được với Trần Khổng-Chúng.

Phương-Dung giật mình:

– Sư thúc Trần Khổng-Chúng đổi tên là La Quốc, hiện làm Đô-úy, Đô-sát Giao-chỉ. Không hiểu sao, từ hôm về đây đến giờ. Con không được tin tức của sư thúc.

Đào Thế-Kiệt cười sung sướng:

– Ta với Trần Khổng-Chúng vốn chơi với nhau từ nhỏ. Trước khi sang Trung-nguyên, ta gặp y. Y tiết lộ rằng dường như Tô Định nghi ngờ y. Vì vậy y làm như người đần độn, để Tô không chú ý. Y mời Tô Phương làm đô sát. Còn y trở lại làm Đốc-bưu. Từ đó Tô không nghi ngờ nữa. Y bí mật đào một đường hầm từ nhà ra ngoài thành. Đêm nay chúng ta theo đường đó vào trong, đại náo thành Luy-lâu giết Lê Đạo-Sinh.

Ông dẫn Đào Kỳ, Phương-Dung, Ngũ Sún đi vòng quanh thành, quan sát cuộc chiến. Hoàng Thiều-Hoa chỉ lên cửa Nam:

– Kia! Lê Đạo-Sinh đang đứng dốc chiến kia.

Đào vương phi nhìn lên, trong óc bà, truyện cũ hiện ra: Lê Đạo-Sinh sai đệ tử làm tế tác, xui Nhâm Diên đánh Đào, Đinh trang. Đến khi đệ tử Đào, Đinh ẩn thân trên hoang đảo, Lê vẫn không để yên, y đem tráng đinh tiêu diệt. Mắt phượng quắc lên. Bà hỏi Thiều-Hoa:

– Con có cách nào làm cho nó nhục nhã không?

Hoàng Thiều-Hoa vẫy Sún Lé:

– Đào Nhất-Gia! Sư đệ cho Lê Đạo-Sinh ăn phân đi. Xưa nay Thiều-Hoa là người ôn nhu văn nhã, không bao giờ đùa cợt. Nay nàng ra lệnh cho Lê Đạo-Sinh ăn phân làm Sún Lé thích quá. Chàng cầm tù và thổi ba hồi. Hết hồi thứ ba, Thần-ưng từ xa bay lại, trước sau sáu đàn. Mỗi đàn hai mươi toán, mỗi toán năm con.

Sún Lé cầm tù và thổi nữa. Đàn Thần-ưng từ trên cao lao xuống đồng loạt. Lê Đạo-Sinh tưởng Thần-ưng tấn công vội rút kiếm đề phòng. Song Thần-ưng bay cách đầu y mười trượng, cùng ị, rồi bay trở lên. Chỉ phút chốc, sáu đoàn Thần-ưng đã ị xong. Người Lê Đạo-Sinh thực thê thảm: Đầu tóc, quần áo, bê bết đầy phân, dơ bẩn hôi thối không chịu được.

Lần đầu tiên Đào vương phi được coi Thần-ưng xuất trận. Bà thích quá bật cười, nói với Thiều-Hoa:

– Đoàn Thần-ưng lợi hại thực.

Quách A hỏi:

– Sư mẫu! Con sai ong đốt Lê Đạo-Sinh cho sư mẫu coi.

Đào vương phi cực kỳ cao hứng:

– Con làm cho sư mẫu xem nào.

Quách A cầm ống tiêu thổi lên vu vi. Từ chiếc xe đậu phía sau nàng, hàng triệu con ong bầu đen bay lên. Nàng cầm cờ phất phất liên tiếp. Đàn ong bay tới thành thì nhào xuống tấn công. Lê Đạo-Sinh đã nếm mùi lợi hại của đoàn Thần-phong hôm đại hội hồ Tây. Y vung chưởng đánh dạt bầy ong ra xa.

Quách A cười:

– Vô ích! Để con chia ong làm năm đội tấn công. Tục ngữ có câu:

Muốn béo thì ghẹo ong bầu,

Muốn to đầu thì ghẹo ông muỗi.

Con cho tên Lê Đạo-Sinh béo một lần.

Nàng cầm ống tiêu thổi vi vu. Đàn ong chia làm năm. Tấn công vào bốn phía trước, sau, phải, trái, và ở trên xuống. Lê Đạo-Sinh bị tấn công năm phía bất ngờ, chưởng lực hơi chậm một chút. Đàn ong lọt vào, bu khắp người đốt y. Y đau đớn, nhảy nhót, lăn lộn, trông cực kỳ thảm khốc.

Đám đệ tử đã kịp thời hun khói lên.

Quách A thổi còi thu ong về, thì trên trời Thần-ưng lại lao xuống tấn công. Đám đệ tử Lê Đạo-Sinh dẫn đội tiễn thủ bắn lên.

Đào vương đi khắp cửa thành. Đến canh hai ông dặn Thiều-Hoa:

– Nếu thấy trong thành khói bốc lên, con cho phá cổng. Mục đích cầm chân quân sĩ, để chúng ta bắt Tô Định.

Ông dẫn Đào Kỳ, Phương-Dung, Ngũ Sún, Sa-Giang, Quách A chiếu bản đồ Trần Khổng-Chúng tìm cửa đường hầm vào trong. Đào Kỳ cầm kiếm, dẫn đầu.

Quách A kéo chàng lùi lại:

– Tam ca võ công cao thực. Song lòng người khó dò. Em đề nghị để một đội Thần-ngao đi trước thăm đường. Chúng mình theo sau thì hơn.

Đào Kỳ nhận thấy lời Quách A nói đúng. Chàng bảo:

– Em cho Thần-ngao đi trước đi.

Quách A cho đội Thần-ngao xuống hầm. Chỉ lát sau một con trở ra vẫy đuôi mừng, gật đầu. Quách A nói:

– Không có gì nguy hiểm. Một Thần-ngao canh cửa hầm bên kia. Một Thần-ngao báo cho chúng mình biết đấy. Vào được rồi.

Nàng hỏi Ngũ Sún:

– Các sư huynh, sư đệ có mang túi đựng trăn, rắn theo không?

Ngũ Sún gật đầu:

– Có! Đầy đủ rồi.

Đào Kỳ cầm kiếm đi đầu, tiếp theo Quách A, Ngũ Sún, Đào Thế-Kiệt. Đi một lúc, đường hầm chạy trở lên. Đào Kỳ cầm đuốc soi: Phía trên có cái cửa gỗ. Theo lời Khổng-Chúng dặn, chàng khẽ gõ bốn tiếng lớn, ba tiếng nhỏ. Cánh cửa gỗ mở ra: Phía trên ánh sáng chói lòa. Trần Khổng-Chúng cầm đuốc đứng chờ.

Đợi cho đoàn người lên hết. Trần Khổng-Chúng nói với Phương-Dung:

– Sư thúc được tin cha, mẹ, các anh cháu tuẫn quốc, lòng đau như dao cắt. Hôm nay chúng ta phải trả thù cho người chết.

Đào Thế-Kiệt hỏi:

– Trần huynh! Bọn Lê Đạo-Sinh hiện ở đâu?

Khổng-Chúng đáp:

– Y bị ong đốt đã dùng vôi chữa khỏi. Y được phong làm Thứ sử Giao-châu vì vậy y ở phủ Lĩnh-nam vương cũ. Tô Định ở dinh Thái thú.

Đào Thế-Kiệt trình bày kế hoạch đánh thành cho Trần Khổng-Chúng. Trần Khổng-Chúng nói:

– Bây giờ Đào sư huynh, cháu Kỳ, Dung với tôi thám thính phủ Lĩnh-nam vương. Còn Sún Lé tổng chỉ huy bọn Sún ẩn trên cây gần các cổng thành. Đợi khi chúng ta đại chiến với bọn Tô Định, các cháu sẽ hành sự.

Ông trao cho mỗi người một bộ quần áo quân Hán. Dặn mật khẩu trong đêm.

Sún Lé hỏi:

– Con cho đoàn Thần-ưng mười con bay theo tuần tiễu trên không. Dưới đất, Quách A dẫn đội Thần-ngao phòng phục binh.

Trần Khổng-Chúng nghe nói nhiều về Tây-vu Thiên ưng lục tướng. Bây giờ ông mới phục:

– Vì đất nước ly loạn, nhân tài mới có dịp nảy nở. Ta già đầu mà không nghĩ đến biện pháp đề phòng an ninh chu đáo bằng đứa trẻ mười tám tuổi. Khá lắm, tre già măng mọc.

Ông cầm kiếm đi trước. Thành Luy-lâu rất rộng. Phải mất hơn nửa giờ mới tới phủ Thứ-sử. Trước dinh, giáp sĩ đi lại, canh phòng nghiêm mật. Trần Khổng-Chúng đi trước. Giáp sĩ kính cẩn chào ông. Hỏi:

– Trần đại nhân đến có việc gì, để tiểu nhân vào trình thứ sử.

Đào Kỳ vung tay, véo một tiếng, Lĩnh-nam chỉ đâm suốt qua đầu hai tên giáp sĩ. Quách A, Phương-Dung đỡ xác chúng bỏ vào bụi rậm.

Trần-khổng-Chúng vẫy mọi người vọt mình lên cao đáp trên mái nhà. Đào Kỳ vận âm kình đục năm lỗ trên mái ngói. Mọi người ghé mắt nhìn xuống.

Dưới nhà, Lê Đạo-Sinh ngồi đối diện với các đệ tử: Đức-Hiệp, Ngô Tiến-Hy, Hàn Thái-Tuế, Vũ Hỷ, Vũ Phương-Anh im lặng. Phía trước Hoàng Đức, Hoàng Minh-Châu, Chu Quang bị trói để dưới đất.

Lê Đạo-Sinh thở dài, hỏi:

-Hoàng Đức, ta thu nhận mi làm đệ tử từ ba chục năm nay. Tạo cho mi bản lĩnh vô địch. Không ngờ bây giờ, mi mưu phản ta. Tại sao vậy?

Hoàng Đức thở dài:

– Đệ tử không bao giờ quên công ơn sư phụ dạy dỗ.

Có điều sư phụ dạy đệ tử võ đạo Lĩnh-nam. Yêu thương đồng loại. Thế mà nay, anh hùng bốn phương phục hồi Lĩnh nam. Tại sao sư phụ còn chống lại, nhận chức tước của Mã thái-hậu chứ không phải của triều đình nhà Hán? Sư phụ là Thái-sơn Bắc-đẩu Lĩnh Nam, đức độ, võ công bỏ xa Đặng Thi-Sách, Nhị-Trưng, Đào Thế-Kiệt. Thế mà nay họ lập lên sự nghiệp kinh thiên động địa. Sư đệ Chu Bá, sư muội Hảo trở lại với Lĩnh Nam, người người đều kính trọng. Tại sao sư phụ không làm vậy, địa vị không mất, danh thơm lưu muôn thủa.

Lê Đạo-Sinh cười nhạt:

– Bây giờ ngươi dạy khôn ta đấy phải không? Ta đã nói rõ chủ ý của ta, là : Làm sao mở cửa Lĩnh Nam cho người Hán vào, giết hết bọn hào kiệt. Khi hào kiệt bị giết rồi, đất nước chỉ còn chúng ta. Ta mới cho nhân dân chúng thù hận người Hán, phất cờ đuổi giặc. Đại sự khắc thành.

Hoàng Đức lắc đầu:

– Không thể làm như thế được. Lĩnh-Nam đất rộng người thưa. Sư phụ muợn tay người Hán đánh nhau với hào kiệt. Bấy giờ dân chúng mười phần chết hết sáu, đâu còn tài nguyên để đuổi giặc?

Vũ Hỷ quát:

– Sư phụ đã nói. Khi người lên ngôi, làm hoàng đế Lĩnh-Nam, sẽ phong cho sư huynh làm Quế-lâm vương. Không ngờ nay sư huynh đổi lòng.

Hoàng Đức cười nhạt:

–Tại sao trước kia sư phụ không suất lĩnh hào kiệt làm như Đặng Thi-Sách, Đào Thế-Kiệt? Võ công, uy tín của chúng so với sư phụ cách nhau khá xa. Sư phụ phất cờ lên, chúng nhân đều qui phục. Việc gì sư phụ phải bắt giam Nguyễn Phan, Đặng Thi-Kế, Nguyễn Thành-Công, rồi khích Nhâm Diên đánh Đinh, Đào trang? Như vậy cũng chưa đủ, sư phụ tổ chức đại hội hồ Tây định tiêu diệt anh hùng thiên hạ? Con nghĩ bây giờ, sư phụ bắt giết Tô Định, mở cửa cho Trưng Trắc, Đào Thế-Kiệt vào. Chúng anh hùng kính phục sư phụ. Biết đâu họ chẳng tôn sư phụ làm hoàng đế?

Chu Quang cũng nói:

– Ông ngoại ơi! Mẹ cháu bị bọn Liêu-đông tứ ma giết chết. Bố cháu theo Trưng sư tỷ. Cháu không dám chống ông ngoại… Ngặt vì… ông ngoại bảo cháu với Minh-Châu trá hàng, bỏ thuốc độc giết hết anh hùng Lĩnh-Nam, cháu không thể làm được.

Đào Thế-Kiệt biết nếu không can thiệp ngay thì Hoàng Đức, Minh-Châu, Chu Quang sẽ bị giết. Ông là đại anh hùng, không muốn ẩn ẩn, hiện hiện. Ông muốn đường đường chính chính đối thoại với Lê Đạo-Sinh. Ông vẫy bọn Đào Kỳ nhảy xuống đất, gõ cửa nói lớn:

– Cửu-chân Đào Thế-Kiệt muốn được yết kiến Lục trúc tiên sinh.

Lê Đạo-Sinh nghe tiếng ông nói, kinh hoảng, mở tung cửa cùng đệ tử rút kiếm khỏi vỏ bước ra. Đào Thế-Kiệt chắp tay nói:

– Đêm khuya, chúng tôi tới yết kiến Lục trúc tiên sinh thế này thực là không phải lẽ. Mong tiên sinh đại xá cho.

Lê Đạo-Sinh bình tĩnh trở lại. Y mở cửa nói:

– Cửu-chân vương giá lâm. Lão phu không biết trước tiếp rước, thực có tội.

Đào Thế-Kiệt vào phòng, ngồi xuống. Phía sau ông Phương-Dung, Đào Kỳ, Quách A khoanh tay đứng hầu.

Lê Đạo-Sinh đưa mắt cho Đức-Hiệp. Đức-Hiệp hiểu ý ra ngoài xem còn ai không. Phương-Dung cười:

– Sư bá Đức-Hiệp! Không còn ai đâu. Sư bá khỏi sợ hãi. Đào gia xưa nay không nói dối bao giờ.

Đào Thế-Kiệt khoan thai nói:

– Lục trúc tiên sinh. Hậu học dám xin tiên sinh vung tay bắt trói Tô Định, Tô Phương. Mở cửa thành cho quân Lĩnh Nam vào. Tiên sinh với các cao đồ, sẽ trở thành anh hùng đối với dân Lĩnh Nam. Còn như tiên sinh không thuận, thì muôn ngàn năm sau ô danh để hậu thế nguyền rủa.

Mười năm trước, địa vị Đào Thế-Kiệt thua xa cả Đức-Hiệp, Hoàng Đức. Ông muốn nói truyện ngang hàng với chúng e còn khó hơn cả bắc thang lên trời. Bây giờ, sau bao năm nằm gai nếm mật. Ông trở thành anh hùng, nhân danh đại nghĩa dạy dỗ Lê Đạo-Sinh.

Vũ Hỷ cười nhạt:

– Tên nhà quê vùng Cửu-chân kia. Mi nhân danh cái gì mà dám lên tiếng dạy khôn sư phụ ta?

Từ lúc thấy Vũ Hỷ, lòng Phương-Dung sôi sục. Nghĩ đến thù cha, mẹ, bốn anh. Nàng tiến ra trước mặt y nói:

– Nhân danh cái gì à? Mi có còn là con người không mà dám lên tiếng?

Xoẹt, xoẹt, Vũ Hỷ nhảy lui lại, hai tai máu chảy ròng ròng. Phương-Dung rút kiếm, cắt hai tai y, rồi tra kiếm vào vỏ thần tốc quá. Chỉ có Đào Kỳ mới trông rõ nàng xuất chiêu mà thôi.

Vũ Hỷ kinh hoảng, mặt tái mét, run run, định mở miệng chửi, nhưng nói không ra lời.

Lê Đạo-Sinh cười nhạt:

–Đào vương phi! Dù kiếm pháp ngươi cao minh đến đâu mặc lòng. Song đây là thành Luy-lâu. Chúng ta có hơn vạn binh. Liệu ta hô lên một tiếng. Vương phi có chống lại được không?

Quách A rút trong bọc ra một cây pháo thăng thiên, nàng châm lửa rồi tung qua cửa sổ. Đùng. Đó là lệnh tấn công. Nàng cười nhạt :

– Lục trúc tiên sinh đã trên bảy chục tuổi, mà sao không tự biết mình nhỉ? Tiên sinh ơi! Ngoài thành quân Lĩnh Nam vây đến mấy vòng. Trong thành, chúng ta làm chủ. Sư phụ tôi là đại anh hùng. Người tiếc tài tiên sinh, mà tới đây thuyết phục tiên sinh. Chứ còn đánh nhau, thì chúng tôi lấy tính mệnh tiên sinh như trở bàn tay.

Đến đó, bên ngoài trống thúc liên hồi, quân reo dậy đất. Trong thành lửa bốc cháy khắp nơi. Đức-Hiệp vội chạy ra quan sát, rồi trở vào nói:

– Quân Lĩnh Nam đánh thành. Trong thành lửa cháy khắp nơi.

Lê Đạo-Sinh đứng dậy nói:

– Đa tạ Đào vương gia đã dạy dỗ. Tôi cùng đệ tử đi bắt Tô Định.

Y tiến lên đi trước. Đào Kỳ, Phương-Dung theo bén gót. Mọi người ra khỏi dinh. Đào Kỳ đã quen địa thế Luy-lâu. Chàng chỉ:

– Kia dinh Thái thú đang cháy! Thần-ưng lao xuống đánh quân canh.

Quách A thấy có ngựa gần đó, nàng nhảy lên, hướng cửa Nam phi tới. Gặp Sún Đen đang chỉ huy Thần-ưng tấn công quân giữ cổng. Nàng cầm còi thổi lên toe toe. Một lúc sau, đàn ong bầu nhào xuống tấn công. Đám quân bỏ chạy tán loạn. Vừa lúc đó Tô Phương, Trần Khổng-Chúng phi ngựa tới.

Tô Phương leo lên mặt thành hô lớn:

– Đốt lửa lên mau.

Trần Khổng-Chúng nói:

– Đây lửa đây!

Ông đưa lưỡi gươm. Đầu Tô Phương rơi xuống dưới đất. Đám vệ sĩ theo ông mở tung cổng thành. Đào vương phi, vọt ngựa vào đầu tiên. Thấy Trần Khổng-Chúng, bà reo lên:

– Trần sư huynh!

Bà ra lệnh:

– Nghi-Sơn đánh sang Đông mở cửa cho cậu vào. Biện-Sơn đánh sang tây mở cửa cho Trần Năng, Hùng Bảo vào. Ta với Trần sư bá, Quách A, Sún Đen đánh vào Trung ương.

Bà phi ngựa dẫn đầu đoàn quân, tiếp theo là Trần Khổng-Chúng, Quách A, Sún Đen lao vào vòng chiến. Chỉ chớp nhoáng, đã tiến đến dinh Thái-thú, gặp đạo quân cửa bắc của Đào Thế-Hùng vừa tới. Tất cả bao vây dinh Thái thú như thành đồng vách sắt.

Vương phi hỏi Quách A:

– Sư phụ đâu?

Quách A tường thuật mọi truyện, rồi kết luận:

– Có lẽ sư phụ cùng Lê Đạo-Sinh đang ở trong dinh Thái-thú.

Hoàng Thiều-Hoa ra lệnh:

– Hùng Bảo đem đạo Lục-hải trấn cửa Tây, Bắc. Nghi-Sơn, đem đạo Cửu-chân trấn ở cửa Đông, Nam. Sư thúc Đinh Đại dồn đám tù binh, hàng binh vào giữa thành.

Trong thành, lửa đã dập tắt. Có tiếng quân reo hò vang dội, tiếng cọp rống, beo gầm, tiếng voi kêu, tiếng Thần-ưng ré, thì ra Trưng vương cỡi trên bành voi trắng, cạnh ngài là Trưng Nhị đã vào thành. Lớp thứ nhất vào rồi, tiếp theo anh hùng các lộ. Lớp thứ nhì hơn năm trăm thớt voi. Lớp thứ ba đàn Thần-hổ, Thần-báo. Mỗi Thần-hổ, Thần-báo đều có dây cột cổ, do một Thần-hầu dẫn. Khí thế hùng tráng không thể tưởng tượng được.

Trưng Nhị nói với Thiều-Hoa:

– Sư tỷ dốc chiến giỏi quá. Hơn bọn Đặng Vũ, Mã Viện nhiều. Chỉ khoảnh khắc tiếp thu doanh trại, dồn tù binh về một chỗ mau thực.

Hoàng Thiều-Hoa cười:

– Không phải ta tài. Mà vì quân của Đặng, Mã là bọn ngu dốt, còn quân của ta toàn đệ tử, võ công, kiến thức cao. Ta chưa ra lệnh, họ đã biết rồi.

Thiều-Hoa đốc quân vây chặt dinh thái thú. Anh hùng Lĩnh Nam đều đã vào thành. Chỉ những người có nhiệm vụ chỉ huy quân, mới ở ngoài phòng bắt tù binh chạy ra mà thôi.

Sau cuộc chiến, người ngựa Đào vương phi, Thiều-Hoa nhuộm máu đỏ tươi.

Trưng vương chỉ Hoàng Thiều-Hoa than:

– Ta e vạn đại sau, khắp các nước, cũng không ai tin được rằng thời này, đất Lĩnh Nam có người con gái đẹp đến như thế kia, ngồi trên voi chỉ huy hơn mười vạn anh hùng, chiến tướng, đánh thành. Võ đạo Thiều-Hoa cao hơn ta. Người tuy làm hoàng hậu Lĩnh-Nam, mà vẫn xông pha trận mạc.

Hoàng Thiều-Hoa nói với Đào Thế-Hùng, Đinh Xuân-Hoa:

– Sư thúc, sư mẫu, xin cho quân lui ra. Không cần bao vây nữa. Bằng này anh hùng có mặt ở đây, thêm đội Tây-vu, dù Tô Định có cánh cũng không chạy khỏi.

Các đạo quân Đăng-châu, Văn-lạc, Lục-hải, Lôi-sơn, Cửu-chân tập họp làm năm khu. Tổng số trên vạn người, mà không một tiếng động. Các tướng đứng đầu như Hùng Bảo, Nghi-Sơn, Biện-Sơn, Đinh Bạch-Nương v.v. đều còn trẻ. Uy nghiêm, tư thái nhàn tản, giáp trụ, người ngựa đẫm máu.

Hoàng Thiều-Hoa ra lệnh:

–Quách A, Sa-Giang, Quí-Minh. Ba em dẫn Thần-ngao vào dinh Thái-thú lùa hết mọi người ra đây. Không nên làm chúng sợ hãi.

Ba người vâng lệnh tiến vào. Một lúc Sa-Giang lùa các quan lại phủ Thái-thú, cùng vợ con ra ngoài. Tiếp theo Đào Thế-Kiệt, Đào Kỳ, Phương-Dung, thầy trò Lê Đạo-Sinh. Tô Định bị trói tay. Mặt y cúi gầm xuống. Y trông thấy đầu con trai bị bêu trên cây gậy, buông tiếng khóc thảm thiết.

Quần hùng, quân sĩ, tráng đinh reo hò vang dội.

Giữa lúc đó thám mã báo:

– Có một đạo thiết kị vượt biên giới Giao-chỉ, Tượng-quận, phi như bay đang tiến về đây. Xin Trưng vương định liệu.

Các anh hùng ngơ ngác tự hỏi:

– Quân nào nữa? Không lẽ quân Hán?

Đào Kỳ lắc đầu:

– Quân Hán dù có cánh cũng không lọt qua đất Quế-lâm, Tượng-quận, Nam-hải dễ dàng như vậy. Chắc đạo quân của các vị vương vùng Bắc Lĩnh Nam đến tiếp viện Giao-chỉ mà thôi.

Chàng gọi Sún Lé:

– Sư đệ đem đội Thần-tượng, Thần-hổ đón đầu đạo quân ấy xem sao.

Vừa lúc đó thám mã báo:

– Đạo thiết kị đó kéo cờ Tượng-quận.

Sún Lé vọt lên ngựa đi liền. Lát sau cháng trở lại trình với quần hùng:

– Tượng-quận vương Hàn Bạch, được tin Đặng vương gia tuẫn quốc, vội sai Hổ-nha đại tướng quân Đào Hiển-Hiệu, quân sư Phùng Vĩnh-Hoa, và Trấn-Bắc đại tướng quân Chu-Bá đem một vạn kị binh tiếp ứng. Các tướng đang ở ngoài chờ lệnh.

Trưng vương hài lòng. Truyền mời ba người vào. Ba người kính cẩn hành lễ trước Trưng vương, Đào vương, ra mắt với các anh hùng. Phùng Vĩnh-Hoa trình với Trưng vương:

– Tượng-quận vương Hàn sư bá tiếp được thư nói Giao-chỉ vương Đặng sư huynh tuẫn quốc. Người bưng mặt khóc thảm thiết. Truyền quân, dân Tượng-quận để tang ba ngày. Người lập dàn tế vọng về phương Nam. Thục đế Công-tôn Thuật sư bá được tin cũng lập dàn tế vọng. Công-tôn sư bá gửi thư nói với Tượng-quận vương rằng quân Thục Nam Ích-châu sẵn sàng tiếp cứu Tượng-quận. Vậy Tượng-quận vương nên gửi đội thiết kị tăng viện cho Giao-chỉ. Sư bá Hàn Bạch cử Chu sư bá, Đào sư huynh với em lên đường ngay.

Trưng vương mỉm cười:

– Đặng đại ca tuẫn quốc, ai cũng buồn. Song tuẫn quốc, để sống muôn đời. Đa tạ các anh hùng Thiên-sơn, Tượng-quận.

Phùng Vĩnh-Hoa gặp lại cha là Phùng Đại-Tín, sư phụ là Tiên-yên nữ hiệp mừng chi siết kể.

Đào-hiển-Hiệu gặp lại cha, sư thúc, các sư huynh, sư đệ đồng môn, cười nói vui vẻ. Duy có Chu Bá thì đau xót trong lòng: Vợ tuẫn quốc. Con gái đang làm Quí-phi cho Quang-Vũ. Chu Quang, Hoàng Minh-Châu với nhạc phụ Lê Đạo-Sinh, trở thành tội nhân của đất nước.

Ông đến trước mặt Khất đại phu, quì gối hô lớn:

– Đệ tử xin ra mắt sư phụ. Kính chúc sư phụ sống lâu trăm tuổi.

Khất đại phu đỡ Chu Bá dậy:

– Ta làm sao mà sống đến trăm tuổi được? Muốn sống muôn thủa phải theo gương vợ của con, theo gương Thi-Sách, theo gương Cối-giang hầu Nguyễn Trát. Hà! Sư đệ ta… Ta biết làm sao đây?

Đào Hiển-Hiệu gặp lại Đinh Hồng-Thanh. Chàng quên mất rằng mình đang làm Đại tướng-quân, thống lĩnh binh mã cả một vùng rộng lớn. Chàng tiến lại nắm tay Hồng-Thanh.

Đinh Hồng-Thanh, Đào Hiển-Hiệu là sư huynh, sư muội. Khi chưa thành vợ chồng, họ đã kết thành đôi bạn “Thanh mai trúc nhã”. Đào Thế-Kiệt cho họ làm lễ cưới được ít tháng, thì Hiển-Hiệu phải lên đường tòng chinh Trung-nguyên. Suốt thời gian chinh chiến, sau những lúc xông pha trận mạc, chàng lại ngồi mơ màng đến bóng dáng người vợ xinh đẹp.

Trưng vương phán:

– Trưng Nhị, em viết thư sai Thần-ưng đi các nơi, báo cho mọi người biết, đã hạ xong Luy-lâu. Mời Đô Dương cùng các vị vương về họp, hầu đề cử hoàng đế Lĩnh-Nam.

Trời dần dần bình minh. Mặt trời tháng năm chiếu ánh sáng chói chang. Trưng vương truyền làm tiệc khao quân. Dân chúng các nơi nghe nói, dắt trâu, khiêng lợn, chở gà, hoa quả đến mừng. Suốt mấy ngày, quần hùng, tráng đinh, uống rượu, đánh trống, ca hát.

Trong bữa tiệc, Đào Thế-Hùng trịnh trọng nói:

– Tô-Định là tên tham quan. Y được phong chức Thái thú Giao-chỉ do áp lực của Mã thái-hậu với triều đình nhà Hán. Từ khi đến Giao-chỉ, y gây không biết bao nhiêu tội ác. Dù Hán, dù Việt đều hận y tới xương. Giết y đi cho trăm họ hả lòng.

Trưng vương đứng lên đài cao. Bà hướng vào đám tù người Hán, người Việt dõng dạc tuyên cáo:

– Chúng ta vốn người hiệp nghĩa, khởi binh, cứu trăm họ khỏi ách khắc nghiệt của bọn tham quan. Chỉ bọn tham quan, bọn thương gia ác độc, bọn phú gia dựa thế quan lại mới bị tội. Còn nhất thiết được trở về làm ăn. Người Hán, người Việt đều như nhau. Ai phân biệt Hán, Việt sẽ bị xử tội. Tài sản người Hán được bảo trọng. Phàm các quan người Hán vô tội, muốn ở lại Lĩnh-Nam vẫn được trọng dụng. Ai muốn về Trung-nguyên, sẽ cho về với của cải, vợ con.

Ngừng lại một lát Trưng vương tiếp:

– Ta cử ra ba người, xét từng trường hợp một của tội nhân. Người thứ nhất là tiên sinh Đào Thế-Hùng. Người thứ nhì là tiên sinh Phùng Đại-Tín, người thứ ba là thống lĩnh bảy mươi hai động Tây-vu Hồ Đề. Ai muốn tố giác tội ác, hoặc làm chứng điều thiện của tội nhân, đều được đến trước ba vị khai. Ai khai gian, vu vạ cho người, bị bắt làm tội.

Ba hôm sau Đào Thế-Hùng trình bản luận tội các quan lại người Hán, người Việt lên Trưng vương và các anh hùng.

Trưng vương phán:

– Cứ như luận tội này: Lê thái sư thúc, cùng các đệ tử của người, đáng được ân xá. Chỉ có hai chục tên vừa quan, vừa thương gia ác độc, cần xử trảm để nêu rõ đại nghĩa thiên hạ. Phiền tiên sinh Đào Thế-Hùng và Đinh Hồng-Thanh làm giám trảm. Ngày mai giờ ngọ hành hình. Mời anh hùng, dân chúng cùng ra coi. Xin Đào vương gia đề cử đao phủ.

Đào vương đáp:

– Từ trước đến nay Lục trúc tiên sinh và các đệ tử của người theo Hán chống lại Lĩnh-Nam. Khi người bị trúng Huyền-âm độc chưởng, Đào gia chúng tôi nguyện hy sinh tính mạng cứu người. Thế nhưng sau đó người lại nhận chức tước của Mã thái hậu, trở về Lĩnh-Nam gây sóng gió: Cối-giang hầu Nguyễn Trát cùng bốn con, và hàng nghìn tráng đinh tuẫn quốc. Nam-thành vương Trần tiên sinh, Giao-chỉ vương Đặng tiên sinh đều vì người mà chết. Nay người đầu hàng, được tha tội chết. Song chúng ta yêu cầu người làm một việc, chứng tỏ dứt khoát trở về: Phiền người với các vị hiền đồ đứng ra xử tử Tô Định và bọn tham quan.

Trưng vương nói với Lê Đạo-Sinh:

– Kính xin Thái sư thúc và các sư thúc ra tay để tỏ lòng trung với Lĩnh-Nam.

Sáng hôm sau… dân chúng các nơi lũ lượt kéo nhau về xem bọn tham quan bị chặt đầu. Số người tới dự lên đến mấy vạn. Giữa bãi đất rộng, một khán đài lớn được dựng lên. Anh hùng các đạo tề tựu đông đủ trên khán đài. Ngoài sân hai mươi mốt cái cọc, dùng để trói tội nhân. Đúng giờ Ngọ, tiếng loa xướng:

– Giải tội nhân ra pháp trường.

Dân chúng im phăng phắc.

Quách A, đại diện Hồ Đề, tức là một thứ Quan tòa ngày nay. Nàng đi trước, phía sau hai mươi mốt tội nhân bị trói tay, cổ cột bằng sợi dây thừng, do đười ươi áp tải. Dân chúng vỗ tay reo hò. Quách A hướng vào Đinh Hồng-Thanh hô lớn:

– Xin trao tội nhân cho giám trảm.

Đào Thế-Hùng truyền:

– Yêu cầu đao phủ trói tội nhân vào cọc thụ hình.

Thầy trò Lê Đạo-Sinh, Chu Quang, Hoàng Minh-Châu gồm tám người, lĩnh tội nhân, cột vào cọc. Dân chúng la hét:

– Chém nó đi! Giết nó đi!

Đinh Hồng-Thanh đáp:

– Chưa được đâu! Phải đợi Trưng vương, Đào vương đến đã.

Bỗng tiếng loa xướng:

– Đào vương, Trưng vương, giá lâm.

Dân chúng, anh hùng reo hò rung động trời đất.

Tiếng loa xướng:

– Giám trảm đọc bản cáo trạng.

Đào Thế-Hùng lên đài, lĩnh bản cáo trạng từ tay Trưng vương, đến trước cọc trói Tô Định. Ông với Đinh Hồng-Thanh quay mặt vào tội nhân.

Đào Thế-Hùng nói:

– Xin Lục trúc tiên sinh và các cao đồ đến vị trí hành quyết.

Lê Đạo-Sinh mặt tím, không nói một câu nào. Y chia các đệ tử, mỗi người đứng trước ba tội nhân. Còn y thì đứng trước Tô Định. Đối diện với Đào Thế-Hùng, mắt gườm gườm nhìn ông. Trong lòng y nổi lên biết bao nhiêu chua chát, phẫn hận:

– Bình thường thì thằng Đặng Thi-Sách, con Trưng Trắc, thằng Đào Thế-Hùng này chỉ là một con tép, con tôm. Ta muốn dí chết dưới chân lúc nào chẳng được. Giờ đây ta thất thế. Chúng làm nhục, bắt ta làm đao phủ xử tội nhân.

Đinh Hồng-Thanh tiếp án lệnh đọc lên. Đọc xong nàng vẫy tay. Binh sĩ đánh chiêng, trống. Cứ một tiếng chiêng, tiếp theo một tiếng trống:

– Tung, beng, tung, beng.

Hết ba hồi. Kiếm vung lên, bọn Lê Đạo-Sinh tám người đồng ra tay. Tám cái đầu rơi xuống. Dân chúng hoan hô vang dậy.

– Tung, beng, tung, beng.

Hết ba hồi thứ nhì, tám cái đầu nữa rơi xuống.

– Tung, beng, tung, beng.

Hết ba hồi nữa, bốn tội nhân còn lại, đầu rơi xuống.

Bây giờ tới Tô Định.

Ba hồi trống, chiêng dứt. Lê Đạo-Sinh vung kiếm lên, lưỡi kiếm hướng cổ Tô Định. Thình lình lưỡi kiếm đổi chiêu, lia ngang một cái, đứt hết dây trói. Tô Định tung người dậy chạy. Đinh Hồng-Thanh phóng chưởng ngăn y lại. Tô Định phất tay một cái, đẩy chưởng của Đinh Hồng-Thanh sang một bên. Đào Thế-Hùng nhảy vèo đến, phóng chưởng đánh Tô, thì Lê Đạo-Sinh, Phong-châu song quái, Đức-Hiệp cùng hướng kiếm tấn công hai người.

Một mình Đào Thế-Hùng, cũng không thể đấu ngang tay với Lê Đạo-Sinh. Huống hồ nay ông với Hồng-Thanh phải đỡ kiếm của Lê với Song quái, Đức-Hiệp, làm sao chịu nổi ? Phụp, phụp, hai thầy trò đồng bị trúng một lúc bốn mũi kiếm ngã xuống đất.

Diễn biến xảy ra đột ngột. Từ khán đài đến pháp trường quá xa. Anh hùng hiện diện đều la hoảng, rời khán đài đuổi bắt. Bọn Lê Đạo-Sinh chạy về phía có dân chúng.

Thình lình năm mũi kiếm từ đám dân chúng lóe lên. Đám thầy trò Lê Đạo-Sinh thấy kiếm phong rít lên vo vo, chiêu số hiểm độc, chúng cùng bật người trở lại. Nhưng năm mũi kiếm theo sát bọn Lê như bóng với hình. Phút chốc dồn sáu thầy trò Lê Đạo-Sinh với Tô Định vào giữa pháp trường.

Bấy giờ mọi người mới nhìn ra: Hoàng Đức, Hoàng Minh-Châu, Chu Quang chống kiếm đứng tần ngần giữa pháp trường, không chạy theo.

Trần Năng chận Tô Định lại. Hai người thi diễn cuộc đấu. Hoàng Minh-Châu ôm Đinh Hồng-Thanh, Hoàng Đức ôm Đào Thế-Hùng dậy.

Còn năm người vung kiếm đẩy lui thầy trò Lê Đạo-Sinh từng bước, từng bước vào pháp trường chính thị Ngũ-phương thần kiếm.

Khất đại-phu, Trần Năng lo cứu chữa Đào Thế-Hùng với Đinh Hồng-Thanh. Quần hùng bao vây bọn Lê Đạo-Sinh như thành đồng vách sắt. Bàn chung, công lực Ngũ-phương thần kiếm với đám Hoàng Đức ngang nhau. Nếu đấu chưởng, muôn ngàn lần Ngũ-phương thần kiếm không phải là đối thủ của chúng. Song đấu kiếm thì Ngũ-phương nỗi tiếng thần. Nên họ làm chủ ngay từ lúc nhập cuộc. Đấu được trên trăm hiệp, các đệ tử Lê Đạo-Sinh bị bắt hết. Còn mình Lê đấu với Hoàng Kiếm ngang tay nhau.

Phương-Dung nghĩ đến thù cha nàng nói lớn:

– Đại ca Hoàng Kiếm. Đại ca nhường tên Lê Đạo-Sinh cho tiểu muội trả cái thù y cắt chân sư tổ, và giết bố của tiểu muội được không?

Hoàng Kiếm nhảy lui lại nói:

– Đào vương phi! Xin nhường vương phi.

Bỗng có tiếng quát:

– Con bé Phương-Dung. Để tên Lê Đạo-Sinh đó cho ta.

Một người chống nạng, từ đám dân chúng, nhấp nhô mấy cái đã đến trước mặt Lê Đạo-Sinh. Quần hùng kêu lên:

– Nguyễn Phan tiên sinh!

Nguyễn Phan tay trái chống nạng. Tay phải rút kiếm. Ánh kiếm lóe lên. Lê Đạo-Sinh bị cắt mất râu.

Lê kinh hoảng vung kiếm đâm Nguyễn Phan, y định để cả hai cùng chết. Song Nguyễn Phan hất tay một cái, người ông nhảy lên cao. Lê Đạo-Sinh vọt lên chém vào chân ông. Ông dùng nạng gạt. Từ trên cao xuống đất, hai người đấu với nhau hơn chục chiêu. Nguyễn Phan thì như có như không, còn Lê Đạo-Sinh kiếm chiêu hùng hậu rít lên vo vo.

Bàn chung, nếu Nguyễn Phan đấu chưởng với Lê Đạo-Sinh, giỏi lắm ông chịu được trăm chiêu là cùng. Còn nếu Nguyễn Phan không bị tàn tật, trong khoảng trăm chiêu, ông đã kết thúc tính mệnh Lê.

Hai người đấu với nhau trên hai trăm chiêu, Nguyễn Phan bắt đầu cảm thấy mệt nhọc. Ông lui dần.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận