Cầm Nương - Đồng An An

Chương 11


Bánh ngọt do Cầm Nương làm, hương vị đương nhiên không cần bàn, nhưng điểm hấp dẫn nằm ở cách trình bày cầu kỳ.

Chẳng hạn, một đĩa bánh hạt dẻ thông thường, nếu dùng khuôn hoa sen để tạo hình, sẽ trở thành bánh sen hạt dẻ.

Hay như một ấm trà xanh, chỉ cần thả vào vài cánh hoa thơm ngát, giá cả liền từ mười lăm văn tăng lên hai mươi lăm văn.

Bờ sông Lăng Hoa cảnh sắc nên thơ, là nơi mà các văn nhân, thi sĩ, công tử, tiểu thư thường xuyên lui tới.

Phượng Nương từng nói: “Những kẻ này luôn tự xưng là thanh cao, lúc nào cũng tỏ vẻ kiểu cách. Nhưng đã quen giả bộ rồi thì khó mà giữ được thể diện để rút lui. Chỉ cần ngươi làm tốt vẻ bề ngoài, tiệm này chắc chắn sẽ kiếm được lời.”

Cầm Nương nghe lời Phượng Nương, bày trí cửa tiệm đơn giản mà thanh nhã.

Bản thân nàng mỗi ngày đều để mặt mộc, không son phấn, chỉ mặc chiếc áo trắng lụa, váy lụa xanh, thắt thêm dải lụa vàng ở eo.

Từ xa nhìn lại, trông nàng như một nhành hoa lê ngày xuân, thanh thoát mà tinh tế, kiều diễm nhưng không tầm thường.

Quả nhiên, đến cuối tháng Chín, khi tính toán sổ sách, cửa tiệm đã kiếm được hơn ba mươi lượng bạc.

Cầm Nương mừng đến mức chân mềm nhũn, nhưng tay lại không hề lơ là.

Sáng hôm sau, nàng vẫn làm điểm tâm cầu kỳ như trước, giá cả đề cao chót vót, cao đến mức khiến người ta phải trố mắt.

Ấy vậy mà lạ thay, giá cao đến đâu cũng vẫn có khách quý đến mua.

Quả nhiên Phượng Nương đã nói không sai.

Phượng Nương lấy cớ quen ăn bánh do Cầm Nương làm, mỗi ngày đều sai tỳ nữ đến mua. Có khi tiếp khách tại viện, nàng lại vô tình tán thưởng tiệm trà bánh bên bờ sông Lăng Hoa trước mặt họ.

Lâu dần, cửa tiệm bắt đầu có chút danh tiếng.

Cầm Nương thuê thêm một tiểu nhị lanh lợi, mỗi ngày phụ trách giao bánh mới ra lò đến các gia đình giàu có.

Tuy nhiên, kinh doanh vốn không thể mãi thuận buồm xuôi gió.

Cầm Nương từng nói, số mệnh của nàng là “Lên rồi lại xuống, đã xuống thì xuống mãi không thôi.”

Sang năm thứ hai kể từ khi mở tiệm, lão Hoàng đế ở kinh thành – già nua, bệnh hoạn, hồ đồ, cuối cùng ông đã băng hà.

Triều đình ban lệnh cấm dân gian tổ chức nhạc hội trong vòng trăm ngày để tỏ lòng thương tiếc.

Bờ sông Lăng Hoa, nơi vốn nổi tiếng với thuyền hoa và hí viện, nay vì lệnh cấm mà trở nên im ắng như tờ, số người qua lại giảm đi hơn phân nửa.

Bất đắc dĩ, Cầm Nương đành tạm đóng cửa tiệm.

“Một lão già chỉ biết ăn chơi sa đọa, sống thì chẳng làm được việc gì tốt, c.h.ế.t rồi cũng không buông tha dân lành. Đúng là tai họa tận kiếp!”

Đêm dài vô tận, nàng xót số bạc trắng phau, miệng không ngừng lẩm bẩm chửi rủa.

Ta dịu giọng an ủi nàng: “Cầm di, cứ xem như người nghỉ ngơi ba tháng đi.”

“Ta không mệt! Ta không muốn nghỉ! Ta chỉ muốn kiếm bạc thôi!”

“Chẳng phải đã trả hết nợ cho Phượng di rồi sao?”

Cầm Nương khẽ thở dài: “Đã hơn hai tháng rồi ta chưa gửi bạc qua Đại Danh phủ.”

Từ khi mở tiệm trà bánh, Cầm Nương ít đến Đại Danh phủ hơn.

Nhưng cứ hai tháng một lần, nàng đều nhờ người mang bạc gửi cho Trương ngục tốt, nhờ ông mua đồ ăn, vật dụng hằng ngày và sách vở cho phụ thân, mẫu thân và hai huynh đệ của ta.

Thật ra, việc một mình nàng chống đỡ cả cửa tiệm đã rất vất vả, nhưng nàng lại nhất quyết không cho ta giúp đỡ.

“Con phải nhớ, con là thiên kim tiểu thư nhà họ Chu, đôi tay của con là để lật sách, viết chữ, không phải làm việc nặng.”

Ta không chịu, thường lén giúp nàng, còn cãi lại: “Thiên kim tiểu thư gì chứ? Chu gia đâu còn nữa?”

Phủ đệ nhà họ Chu ở huyện Lăng Thủy đã sớm bị tịch biên, còn đâu Chu gia?

Không ngờ câu nói này như đ.â.m trúng tim Cầm Nương, nàng đột nhiên nổi giận.

Đôi mắt đỏ ngầu, nàng gằn giọng quát lớn: “Người của Chu gia vẫn còn sống thì Chu gia vẫn còn đó! Chu gia còn đó, thì ta, Lý Cầm Nương, vẫn có nơi quay về!”

Cầm Nương vốn dĩ luôn vui vẻ cười đùa, chưa từng nổi giận với ta.

Đây là lần đầu tiên, cũng là duy nhất.

Nhưng vừa quát ta xong, nàng lập tức ôm lấy ta bật khóc: “Khi nào phụ mẫu con mới được thả ra đây? Ta sắp không gắng nổi nữa rồi…”

Đến khi bờ sông Lăng Hoa nhộn nhịp trở lại, đã là tháng Ba năm Hiển Xuân thứ hai.

Mùa đông dài, dân chúng ai cũng ngột ngạt, nên khi xuân vừa đến, mọi người liền kéo nhau ra sông dạo xuân.

Một ngày đầu xuân, nóng nảy bức bối, có vị quan lớn nào đó không biết vì cớ gì lại gây sự với Cầm Nương.

Ông ta nhất mực bảo bánh sữa hạt sen của tiệm có vị đắng nồng.

Cầm Nương giải thích đủ điều, còn hứa sẽ làm một đĩa mới mà không lấy tiền.

Thế nhưng, ông ta kiên quyết không chịu, một mực đòi phải “có lời giải thích.”

Thấy Cầm Nương sắp bối rối đến mức không biết phải làm gì, ta liền đội mũ che mặt, chậm rãi bước từ hậu viện ra trước tiệm.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận