Vào đầu đông năm ấy, từ nhà lao Đại Danh phủ truyền đến một tin tốt lành: Người nhà họ Chu cuối cùng cũng được thả ra.
Nghe được tin này, Cầm Nương vui mừng như thể vừa được ban sắc phong, lập tức thuê xe ngựa, mang theo ta lên đường đến Đại Danh phủ.
Nhưng sau khi phụ mẫu và huynh đệ ta được thả, họ lại không thể cùng chúng ta trở về huyện Nguyệt Lăng.
Bởi triều đình đã có chỉ, yêu cầu phụ thân ta cùng cả gia đình lập tức đến nhậm chức tại Diêm Châu.
Diêm Châu là nơi núi non hiểm trở, dịch bệnh hoành hành, từ lâu đã trở thành vùng đất lưu đày phạm nhân của triều đình, đây cũng là nơi mà các thương nhân thà đi đường vòng xa thêm trăm dặm cũng chẳng dám đặt chân tới.
Lúc chia tay, Cầm Nương quỳ xuống đất, lấy tay che mặt mà khóc nức nở: “Chủ quân, đại nương tử, xin hãy mang theo ta và Hà nhi đến Diêm Châu, đừng bỏ mặc hai chúng ta bơ vơ nữa!”
Mẫu thân ta với mái tóc điểm sương, nhẹ nhàng đỡ nàng dậy, siết chặt đôi tay nàng, rưng rưng nói: “Cầm Nương, chuyến đi Diêm Châu này sống c.h.ế.t khó lường. Nếu chúng ta gặp bất trắc, Hà nhi chính là huyết mạch duy nhất còn lại của Chu gia. Thật ra, nếu không phải thánh chỉ yêu cầu bốn người của Chu gia cùng đi, ngay cả Việt nhi và Huyền nhi, ta cũng muốn gửi gắm cho ngươi. Đại ân của ngươi, Chu gia khắc ghi trong lòng.”
“Đại nương tử—”
Những lời mẫu thân nói đã dập tắt hoàn toàn ý niệm của Cầm Nương.
Nàng níu c.h.ặ.t t.a.y áo mẫu thân, nước mắt như suối, ngửa mặt lên trời mà than khóc, lòng đau như cắt, giậm chân liên hồi.
Nhưng giậm chân cũng chẳng ích gì, bởi mẫu thân nói đúng.
Chuyến đi này, sống c.h.ế.t khó lường, chẳng lẽ biết rõ là tử lộ mà vẫn cứ liều lĩnh đi cả nhà sao?
Giữa những giọt lệ chia xa, gia đình họ Chu ngồi trên xe ngựa rời đi.
Ngoài thành Đại Danh, Cầm Nương chạy theo xe, tóc tai rối bù, váy áo rách nát, thậm chí giày cũng rơi mất.
Cuối cùng, xe ngựa càng chạy càng xa, càng lúc càng nhỏ, cho đến khi chỉ còn lại một chấm đen, biến mất trong đám mây vàng phủ kín phía trời đông.
Cầm Nương gục xuống nền đất lạnh giá, mặc cho nỗi đau lấp kín cả thanh âm.
“Ngàn dặm mây vàng, ánh mặt trời mờ ảo, gió bấc thổi đàn nhạn, tuyết trắng bay ngập trời.”
Nhớ lại ngày ấy bên sông Lăng Hoa, Thám hoa lang vì nghĩa mà cứu người, một nữ tử chốn lầu xanh thoát khỏi cõi chết.
Ai ngờ, sáu năm trôi qua, vòng luân hồi của số phận lại toàn là sinh ly tử biệt.
Sau khi trở về huyện Nguyệt Lăng, Cầm Nương và ta mở lại tiệm trà bánh, còn Phượng Nương cũng chuyển đến sống cùng.
Từ sau lần thoát c.h.ế.t ba năm trước, Phượng Nương dần trở nên lạnh nhạt với thế sự, chẳng còn lưu luyến cuộc đời này nữa.
Trong năm qua, Phượng Nương đã hoàn toàn rửa tay gác kiếm, khép cửa từ chối tiếp khách, mỗi ngày chỉ để mặt mộc đọc sách trong phòng.
Trần ma ma lo đến phát cuồng, không ngừng cúi mình nịnh nọt, nói đủ lời hay ý đẹp trước mặt nàng.
Nhưng Phượng Nương vẫn không động lòng, quyết tâm không tiếp khách nữa.
Sau bao năm lăn lộn chốn phong trần, nàng đã âm thầm tích lũy được nghìn lượng bạc.
Nhân lúc Trần ma ma bực bội, nàng đề nghị tự chuộc thân bằng số bạc ấy.
Trần ma ma thấy nàng đã quyết ý, cũng không muốn làm to chuyện. Cuối cùng, bà nhận lấy bạc, vừa miễn cưỡng vừa thuận theo mà gật đầu đồng ý.
Nghe tin Phượng Nương đã hoàn lương, Cầm Nương mừng rỡ đón nàng về tiệm trà bánh.
Cặp oan gia vui nhộn này cuối cùng cũng được tái hợp, lại bên nhau đấu khẩu như xưa.
Cầm Nương thích bắt chước Phượng Nương: “Sống thì có gì vui, c.h.ế.t cũng chẳng có gì là khổ.”
Phượng Nương lại thích nhại giọng Cầm Nương: “Lên rồi lại xuống, đã xuống thì xuống mãi không ngừng!”
Khi đã vạch trần hết điểm yếu của nhau, hai người lại ôm bụng cười lăn lộn trên giường, miệng không ngừng kêu đau bụng.
Những lúc ấy, ta thường cầm sách lên, thở dài mà bảo: “Haizz, cả hai người đều điên rồi.”
Mùa xuân năm Vạn Huy thứ hai, ta nhận được thư của phụ thân, ông nói rằng cả nhà đã ổn định ở Diêm Châu, may mắn vượt qua hành trình đầy hiểm nguy.
Ông còn kể, ở đó ông đã mở hai ngôi trường dạy học. Nhiều học sinh từ các châu huyện lân cận đều tìm đến, điều này khiến ông rất mãn nguyện.
Ta đọc thư cho Cầm Nương nghe, nàng vui đến mức ngân nga một khúc hát ngay tại chỗ.
Hát xong, nàng phấn khích nói: “Chủ quân quả nhiên là người có tài, không hổ danh Thám hoa lang năm ấy.”
Phượng Nương ngồi bên cạnh làm túi thơm, mỉm cười không nói gì.
Cầm Nương trừng mắt nhìn nàng: “Ngươi cười cái gì?”
Phượng Nương đáp: “Ta cười vì có người nào đó, chả biết làm sao mà ngày ngày sáng tối đều quỳ trước Phật Tổ mà khấn vái, giờ Phật Tổ đã linh ứng rồi.”
“Ha ha, ta khuyên ngươi cũng đừng thờ Tam Thanh nữa, sau này cùng ta quỳ trước Phật Tổ nhé.”