Ngày Mười Một thuyền đến Dương Châu, Tri Phủ dẫn dắt đinh tráng nha dịch chạy tới ngăn chặn, chợt có hơn vạn dân phu Tào Bang vì bị chủ thuê thiếu tiền lương mà làm loạn ngoài chợ, hơn hai mươi hội chủ diêm thương, tơ lụa, hải mậu… cùng tới nha môn Tri Phủ thỉnh mệnh vì dân, rốt cục đinh tráng nha dịch không ra được khỏi phủ nha nửa bước.
Ngày Mười Bốn Tần Lâm đến Hoài An, Tổng Đốc Tào Vận hiện nhiệm Tân Kiến Bá Vương Thừa Huân chính là cháu của Tâm Học đại nho Vương Dương Minh, nghe thấy Tần Lâm kháng chỉ Bắc thượng, đặc biệt dẫn dắt thuộc hạ chạy tới tập nã. Tần Lâm lấy ‘Tâm ngoại vô lý’ của Dương Minh Tâm Học biện giải, xưng Bắc thượng vào kinh là để chịu tang tiên đế, làm hết bổn phận trung thần, cho dù là chết trăm ngàn lần cũng không hối tiếc. Vương Thừa Huân không thể đối đáp bèn dẫn dắt thuộc hạ trở về thành, tự treo ấn đợi tội.
Không cần nói, bất kể Từ Bang Thụy, Thường Dận Tự hay là Vương Thừa Huân, thảy đều âm thầm cấu kết với Tần Lâm diễn trò.
Nhưng thuyền qua Hoài An phủ, tình hình lại đổi khác.
Tần Lâm rời đi Hoài An, từ Thanh Giang Phổ tiến vào dòng Hoàng, Hoài (trong lịch sử Hoàng Hà nhiều lần đổi dòng, sau khi Phan Quý Tuần trị thủy, Hoàng Hà đoạt Hoài vào biển), đoạn này là ngược dòng mà lên, cần phải có phu kéo thuyền trên bờ.
Vừa tới cửa Ô Đầu trấn Hồng Trạch hồ, Từ Tân Di dỗ Tần Chân ngủ thiếp đi, đang đùa vui với Tần Lâm, Vĩnh Ninh trong khoang thuyền, chợt nghe bên ngoài có tiếng người ồn ào huyên náo.
Đi lên mặt boong, Từ Tân Di cả kinh le lưỡi một cái, Vĩnh Ninh cũng mở to hai mắt, ngay cả Tần Lâm cũng không ngờ rằng tình cảnh đồ sộ như vậy.
Trên hai bờ sông lúc này người đông tấp nập, lão nhân râu tóc bạc trắng như tuyết, trẻ con để tóc trái đào ngả vàng, đại cô nương tiểu tức phụ… Không biết bao nhiêu dân chúng chen chúc lố nhố đầu người, nhìn thấy Tần Hầu gia thân mặc đồ tang đi lên trên boong, nhất thời tiếng hoan hô như sấm động, mấy vạn người đồng thời kêu gọi loạn cả lên, nên không nghe rõ được bọn họ nói gì.
Bên trái thuyền, một trung niên hương thân ăn mặc như Giám Sinh đặc biệt đứng trên chỗ cao, lớn tiếng kêu:
– Dân chúng Lưỡng Hoài chúng ta đặc biệt đến thăm ân công Tần Hầu gia!
Hương thân này mang theo rất nhiều tộc thân tùy tùng, trên trăm người cùng kêu lên hô to theo, dân chúng chung quanh bị kích động cũng gia nhập vào. Tới tiếng thứ năm, hàng ngàn hàng vạn thanh âm đã đều nhịp thành một câu duy nhất, giống như sấm động trên trời cao, sóng âm chấn động chẳng khác nào long trời lở đất.
Mọi người trên thuyền đều kinh hãi biến sắc, Từ Tân Di, Vĩnh Ninh nhìn Tần Lâm mắt sáng ngời. Tuy rằng bình thường trượng phu của họ hay đùa giỡn ít nghiêm túc, nhưng hắn đã thật sự làm rất nhiều chuyện tốt cho dân chúng.
Trên boong sau thuyền, Lục Viễn Chí, Ngưu Đại Lực vui vẻ ra mặt, hai Sư Gia Tôn Thừa Tông và Từ Quang Khải kinh nghi bất định: Hoài Tứ Phượng Dương phủ là đất Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương long hưng, Tần Hầu gia cũng được cả lòng phụ lão Lưỡng Hoài…
Sắc mặt Tần Lâm tỏ ra nghiêm nghị, đứng ở đầu thuyền hướng về bốn phương tám hướng chắp tay, sau đó vái chào tới đất.
Hai bờ sông càng nổi thanh âm như sét đánh, hương thân kia lại rống to:
– Nghe thấy Tần Hầu bị gian nịnh giả mạo chiếu vua hãm hại, cho nên không thể không kháng chỉ vào kinh chịu tang tiên đế. Năm đó nếu không nhờ Tần Hầu bảo vệ Phan Đại nhân trị thủy cho hai dòng Hoàng Hoài, dân chúng hai bên bờ sông hàng năm không biết có bao nhiêu táng thân trong bụng cá. Đại ân đại đức Tần Hầu không biết lấy gì đền đáp, học trò nguyện theo ngài vào kinh, chết thay cho ân công!
Vừa dứt lời, không biết bao nhiêu người động thân ra, có người mặc áo nghiêm túc, có người ở trần:
– Bọn ta cũng nguyện chết thay cho ân công!
– Ân công chịu đựng ba trăm đình trượng vô cùng khổ sở bên ngoài ngọ môn, máu đỏ tung bay đều là vì bảo vệ dân chúng Lưỡng Hoài ta! Hôm nay ân công bị oan, chẳng lẽ Lưỡng Hoài không có nam nhi sao?!
Tần Lâm đè hờ hai tay xuống, tiếng ồn dần dần trở lại bình tĩnh, hắn vận trung khí lên lớn tiếng nói:
– Hảo ý của chư vị, Tần mỗ xin tâm lãnh, nhưng trung thần không sợ chết, sợ chết chẳng phải trung thần, lần này Tần mỗ đi nếu có thể quét sạch gian nịnh, rửa sạch triều chính là may mắn vô cùng của vạn dân thiên hạ. Nếu rốt cục chuyện này thất bại triều đình giáng tội, vậy một thân Tần mỗ gánh vác hết, dù muôn thác cũng không hối hận.
Trung thần, trung thần!
Dân chúng đã sắp sửa rơi nước mắt, những trung thần liệt sĩ trên sân khấu cũng không bằng vị Tần Hầu gia này…
Có người vung cánh tay hô lên:
– Dân chúng Lưỡng Hoài ta nguyện kéo thuyền, đưa Hầu gia một đoạn đường!
Nam nam nữ nữ, già trẻ lớn bé, không biết bao nhiêu dân chúng đoạt lấy dây thừng kéo thuyền tiễn Tần Lâm từng đoạn. Không chỉ không có ai hiềm mệt mỏi, còn phải chen chúc tranh nhau tiến lên mới có phần. Chỉ cần có người buông dây thừng ra, lập tức có ba bốn cánh tay tranh nhau cướp lấy dây thừng.
Nhưng những hương thân kia đã từng đọc sách, âm thầm le lưỡi một cái, tám chữ ‘Quét sạch gian nịnh, rửa sạch triều chính’ mà Tần Hầu gia nói vô cùng lợi hại, suýt chút nữa đã nói ra ba chữ Thanh Quân Trắc… (người bên cạnh vua quét sạch gian thần).
———–
Tử Cấm thành, Hoàng Cực môn, triều hội diễn ra ở sảnh chính ngọ môn.
Chu Thường Tuân tám tuổi lộ vẻ không kiên nhẫn ngồi trên long ỷ cao hơn thân hình bé nhỏ của nó rất nhiều, Bỉnh Bút thái giám Ty Lễ Giám Mạc Thuận, Bàng Bảo theo hầu bên cạnh.
Văn thần Thân Thời Hành lĩnh ban văn, võ thần Từ Văn Bích đầu ban võ, hai bên xếp hàng ngay ngắn. Không khí khác xa với triều hội ngày trước, tất cả mọi người hoặc trao đổi ánh mắt với nhau, hoặc cười mập mờ không rõ, trong lòng ai nấy đều có tính toán của riêng mình.
Nhất là cựu đảng thanh lưu, khí thế vô cùng suy sụp, thậm chí có thể nói sợ hãi bất an.
Từ Nam phương truyền tới tin tức Tần Lâm Bắc thượng, dọc đường quan phủ ngăn trở rất nhiều, thế nhưng không ngăn được đoàn người Tần Lâm vốn chỉ đi xe nhẹ. Thậm chí dân chúng dọc đường còn nghênh đón hoan hô Tần Hầu gia, mắng gian thần vô sỉ trong triều.
Cựu đảng thanh lưu tự xưng là thanh lưu, kết quả trong miệng dân chúng lại là rác rưởi, đáng tiếc bọn họ vĩnh viễn không chịu thừa nhận điểm này. Giống như người Đông Lâm đảng năm cuối triều Minh cũng không hiểu vì sao nạn dân không chịu ngoan ngoãn nằm trên đất chờ chết, lại muốn đứng lên đi theo Lý Tự Thành Trương Hiến Trung tạo phản, làm loạn thần tặc tử bất trung bất hiếu.