Một ngón tay… À, đó là hướng dẫn tới pháp trường
Một đứa bé nuôi hai con dế mèn, một đực một cái.
Một lần nọ, nó đi cùng bố mẹ ra ngoài, ba ngày sau mới trở về nhà. Vừa trông thấy cái hộp đựng dế mèn nó sực nhớ ra lúc đi quên không để thức ăn vào, chắc lũ dế chết đói hết cả rồi…
Nó mở hộp ra, cảnh tượng trước mặt khiến nó dựng tóc gáy và thở hổn hển: con dế đực chỉ còn lại một nửa thân mình nhưng vẫn bò loanh quanh trong hộp. Còn cô bạn gái của nó vẫn bò bên cạnh với cái bụng căng tròn.
Con dế đực vốn rất thiện chiến, dế cái làm sao đánh lại nó được. Rõ ràng trong cái hộp tối om om ấy, nó đã nguyện để dế cái gặm từng miếng trên người mình để sống tiếp…
Trong giây phút tình yêu vượt lên sinh mạng ấy, không gian xung quanh chợt như long lở, lửa và tro mịt mù tứ phía.
Trước đây, Tát Nhĩ Hạnh không định rắp tâm giết chết Cố Phán Phán. Trong suy nghĩ của anh, có tất cả ba người cùng can dự vào vụ án mạng, người thứ nhất là gã nhà văn, người thứ hai là Cố Phán Phán, người thứ ba là Du Huy. Nhà đầu tư của gã nhà văn chỉ tiếp tay cho hung thủ chứ không có oán thù trực tiếp.
Anh chỉ muốn lấy mạng Du Huy vì chính tay cậu ta đã giết chết người anh yêu. Hai người còn lại, anh chỉ định giả ma dọa họ một mẻ cho hả dạ mà thôi. Sau lần giết hụt Du Huy trên chiếc xe buýt số 44 ấy, anh không biết làm thế nào để tiếp tục thực hiện ý định nữa.
Cố Phán Phán một mực khuyên em trai rời khỏi Tây Kinh vì một lý do quan trọng, cô cảm thấy cảnh sát đang để mắt tới mình. Thật ra, sự xuất hiện của hai người mặc thường phục đi đi lại lại dưới lầu hoàn toàn không phải vì vụ án Tiểu Nhụy. Chẳng qua mấy người hàng xóm trong khu thấy nơi ở của cô hay có đàn ông lạ mặt ra vào, họ nghi cô bán dâm nên bắt tay với nhau đi báo chính quyền.
Sau khi Du Huy biến mất, Tát Nhĩ Hạnh vô cùng uất ức. Anh quyết định quay sang Cố Phán Phán.
Tối hôm đó, trong hành lang tòa nhà ký túc xá, Tát Nhĩ Hạnh bắt gặp chị cả dẫn theo mấy bạn cùng phòng sắp sửa đi ra ngoài.
– Mấy bạn đi đâu thế?
– Bọn tôi đi uống rượu.
– Vụ gì thế?
– Chúng tôi tiễn Cố Phán Phán lên đường ấy mà.
– Cố Phán Phán? Cô ấy định đi đâu?
– Cô ấy bỏ học rồi, ngày mai sẽ về quê.
– Tại sao?
– Không biết nữa! Chúng tôi ít khi nói chuyện với nhau lắm.
Khi hai người nói chuyện, mấy nữ sinh còn lại cùng không góp chuyện, họ đi tiếp và lúc ấy đã bước xuống cầu thang. Ngày mai Cố Phán Phán sẽ rời khỏi Tây Kinh! Cái tin ấy khiến Tát Nhĩ Hạnh sững sờ.
– Cậu sao thế?
– Có sao đâu chị!
– Chẳng phải cậu thích cô ấy sao?
– Nhưng cô ấy không thèm để ý gì đến em, em bỏ cuộc và tìm người khác rồi.
– Cô nào thế?
– Sinh viên Học viện Điện ảnh.
– Thế thì chắc là xinh đẹp lắm!
– Không bằng Cố Phán Phán đâu.
– Mỹ nhân say đắm anh hùng mà.
– Hôm nay cô ấy sang trường mình thăm em, bọn em đang không có chỗ nào để đi đây! Các chị đi uống rượu, ký túc xá bỏ trống, cho em mượn tạm một chút nhé!
– Không vấn đề gì!
Nói rồi chị ta lấy chìa khóa đưa cho Tát Nhĩ Hạnh. Anh nói với giọng đầy cảm kích:
– Cảm ơn chị, hôm nào em mời chị đi ăn nhé!
Chị cả nháy mắt ra vẻ tinh quái:
– Làm gì thì làm đừng có ồn ào quá đấy nhé!
– Không ồn ào không được, vì em không đồng ý. – Tát Nhĩ Hạnh cười xòa.
– Bốc phét! – Chị cả bĩu môi.
Tát Nhĩ Hạnh chợt nảy ra suy nghĩ gì đó liền hỏi:
– Hôm nay chị có thể đưa Cố Phán Phán về ký túc xá không?
– Cậu muốn cho nó trông thấy bạn gái mới của mình để ghen lên chứ gì? – Chị cả tỏ vẻ ranh mãnh.
– Đúng là sức quyến rũ của chị nằm ở sự thông minh! – Tát Nhĩ Hạnh đáp.
– Cứ để đấy cho chị! – Chị cả tự tin trả lời.
– Đa tạ, đa tạ! – Tát Nhĩ Hạnh nói.
Chị cả đi tiếp, được dăm bước thì dừng lại, ngoảnh đầu nhìn Tát Nhĩ Hạnh. Anh cũng đang ngẩn người nhìn theo chị. Chị nói:
– Có một chuyện này chị mãi mà không hiểu…
– Chuyện gì thế? – Tát Nhĩ Hạnh hỏi.
– Cậu vừa đẹp trai, gia cảnh đàng hoàng, tại sao lại phải dành nhiều tâm tư cho Cố Phán Phán? Cô ấy… có sánh được với Tiểu Nhụy không? – Chị cả hỏi.
– Trong mắt mọi người cô ấy có như thế nào thì đối với em vẫn là người quan trọng nhất. – Tát Nhĩ Hạnh cười xòa.
Chị cả lắc đầu rồi bước xuống cầu thang.
Sau đó, Tát Nhĩ Hạnh đi xuống tòa nhà. Anh ra khỏi trường bằng một cánh cổng khác. Trong vòng một tiếng đồng hồ, anh đã hoàn thành hai việc: đánh thêm chìa khóa và sai T mang thuốc mê tới. Anh không nói cho T biết mình cần thuốc mê làm gì, vốn đã lão luyện nên T cũng không hỏi.
Khi Cố Phán Phán và mấy cô bạn quay về ký túc xá, Tát Nhĩ Hạnh trả chìa khóa cho chị cả. Qua lời kể của chị, anh biết chắc chắn Cố Phán Phán đã về đây. Lồng ngực anh bắt đầu reo lên những tiếng thình thịch, như thể đang được chứng kiến con chim non sa vào lưới.
Sinh viên nam nữ trong ký túc xá ở lẫn lộn với nhau, tầng một cho nữ, tầng hai trở lên dành cho nam. Vào lúc nửa đêm, Tát Nhĩ Hạnh đeo khẩu trang, mò xuống tầng một và nấp sẵn trong hành lang tối om để chờ đợi thời cơ. Anh đã quá quen thuộc khu nhà này. Một lúc sau, có ai đó đi ra từ phòng của Cố Phán Phán. Nhờ tia sáng hắt ra từ nhà vệ sinh, anh chắc chắn đây là Cố Phán Phán.
Thời cơ đã tới.
Tát Nhĩ Hạnh còn chưa cần dùng tới bộ chìa khóa kia!
Anh nhón chân bám theo và lẩn vào nhà vệ sinh nữ.
Màn đêm yên ắng quá đỗi, cho dù Tát Nhĩ Hạnh đi có khẽ đến thế nào thì Cố Phán Phán vẫn nhận ra dường như có ai đó đang bám theo sau lưng. Nhưng cô chưa kịp quay đầu lại thì đã bị Tát Nhĩ Hạnh úp chiếc khăn tẩm thuốc mê vào miệng.
Cố Phán Phán giãy dụa một hồi rồi toàn cơ thể mềm nhũn ra.
Tát Nhĩ Hạnh khiêng cô vào một gian buồng rồi chạy ra ngoài hành lang quan sát, không ai đi tới, anh lại quay về bên cạnh Cố Phán Phán, khuỵu gối xuống nhìn cô lặng lẽ. Lúc ấy ánh mắt anh trông mới đáng sợ làm sao. Đàn muỗi cứ vo ve luẩn quẩn, chốc chốc lại bám lên da thịt nhưng anh vẫn mặc kệ, chẳng thèm xua đi.
Thế rồi anh chầm chậm rút ra một sợi dây thừng, vòng lên cổ cô rồi dùng toàn bộ sức lực trong cơ thể để siết… siết… siết thật chặt…
Anh cố kìm nén hơi thở, đôi tay gồng sức siết mạnh liền mười mấy phút cho đến khi mỏi nhừ mới từ từ nới lỏng. Nghỉ một chút, anh lấy ra một con dao nhọn và bắt đầu rạch từng đường trên mặt cô. Tay anh đưa chầm chậm hệt như đang họa một tác phẩm trường phái hậu hiện đại trên một tấm vải đặc biệt.
Xong xuôi, anh chốt chặt cửa, trèo ra ngoài rồi trở về ký túc xá nam ngay tức thì. Khi bàn chân đặt tới cửa cầu thang tối om, không rõ do linh cảm gì thôi thúc, anh chợt liếc mắt về chỗ mình vừa nấp ban nãy và như thể trông thấy mình vẫn còn đứng đó, đầu óc chợt trống rỗng trong vài tích tắc.
Sau khi Cố Phán Phán bị giết hại, một chiếc xe cảnh sát lập tức có mặt trong trường để tiến hành điều tra. Đó là chiếc xe cũ kỹ, trên tấm kính chắn gió có một vết xước hình chữ “y”, dán miếng băng dính trắng.
Chị cả ký túc xá cũng bị cảnh sát triệu tập. Lúc đó, Tát Nhĩ Hạnh mới nhận ra rằng mình đã để lại quá nhiều sơ hở:
Thứ nhất, anh từng hỏi riêng chị về Cố Phán Phán mấy lần.
Thứ hai, đêm xảy ra chuyện, anh không những mượn chìa khóa của chị cả, mà còn thúc giục chị đưa Cố Phán Phán về ký túc xá.
Thứ ba, ngày thường anh không ở trong ký túc xá, hôm nay lại đột ngột quay về đúng vào cái đêm Cố Phán Phán bị giết hại.
Anh trở thành một con chim hoang mang trước cây cùng đang dần chĩa tới, lúc nào cũng thấp thỏm sợ bị cảnh sát sờ gáy. Nhưng lạ thay, cảnh sát đã điều tra rất nhiều sinh viên và giáo viên mà vẫn không hề động tới anh ta.
Càng như thế, anh lại càng hoang mang hơn.
Để an toàn, anh không đến trường nữa mà gọi T tới, cho hắm một khoản tiền để hắn đi du lịch. Sau đó anh dọn vào nhà T ở, ngôi nhà ấy nằm ở phía đông ngoại ô. Mối quan hệ giữa anh và T có thể nói là khá bí ẩn, rất ít người hay biết.
Tát Nhĩ Hạnh chợt có một linh cảm: Việc anh đào tẩu có lẽ sẽ chẳng kéo dài được lâu. Nếu không may bị đẩy vào nước cuối cùng, anh chỉ còn lại một tia hy vọng duy nhất, đó là sự cứu giúp của bố mẹ. Tiền bạc gia đình anh không thiếu, điều ấy anh biết rõ. Nhưng số tiền ấy liệu có mua lại được mạng sống cho mình hay không, anh cũng không dám chắc chắn. Vừa hoảng sợ vừa đớn đau, lòng anh nóng rẫy như thiêu như đốt. Anh muốn trước khi bị bắt, phải trừ khử được Du Huy.
Nhưng kẻ mép dính rong biển hay vụn thịt gì đó kia biết giờ này đang ở phương trời nào? Sau khi Cố Phán Phán chết, bố mẹ cô đã gấp gáp lên Tây Kinh nhưng không thấy Du Huy đâu. Tát Nhĩ Hạnh đồ rằng vì đang mang tội sát nhân, hắn đã đào tẩu tới một nơi rất xa xôi, đoạn tuyệt mọi liên lạc với gia đình và hoàn toàn không hay biết rằng chị gái mình vừa qua đời. Lúc này, muốn bắt liên lạc với Du Huy thì chỉ còn một con đường duy nhất: QQ. Thế là ngày nào anh cũng quẩn quanh trên mạng với hy vọng sẽ gặp được Du Huy.
Ngày hôm ấy, Tát Nhĩ Hạnh ngồi trong nhà T lên mạng, sau khi đi xả được một bụng nước tiểu, anh chợt thấy Du Huy online. Anh vội vội vàng vàng ngồi vào ghế, đến khóa quần còn chưa kịp kéo, anh chuyển sang tài khoản của Cố Phán Phán và gửi lời mời kết bạn.
Du Huy nhận lời mời của tử thần.
Và cứ thế, Du Huy lặn lội từ Thạch Hà Từ về Tây Kinh. Tát Nhĩ Hạnh lại thuê chiếc xe buýt số 44 kia, túc trực sẵn ở gần Đại học Tây Kinh. Anh biết chắc, Du Huy nhất định sẽ đến.
Tối hôm đó, anh che kín biển số xe rồi ngồi sẵn trong buồng lái. Anh hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác, chờ đợi sự xuất hiện của Du Huy.
Con đường đã hoàn toàn vắng bóng người lai vãng, giờ này chỉ còn Tiểu Nhụy bầu bạn cùng anh.
Tiểu Nhụy tựa đầu vào vai anh và háo hức nói: “Nguyên một chiếc xe to thế này mà chở mỗi mình em, trên đời này còn ai hạnh phúc hơn em nữa?”
Đột nhiên, anh mở bừng mắt, một chiếc xe taxi mới toanh đang đỗ trước cổng trường. Lát sau, Du Huy bước ra.
Chính kẻ đó!
Kẻ cao chưa đầy mét bảy đó.
Kẻ vô văn hóa mắt ti hí, bọng mắt sưng, mũi củ hành, môi dày bịch đó… Tát Nhĩ Hạnh đã đợi hắn từ lâu lắm rồi, tay chân anh như đang tê dại tưởng chừng không nhúc nhích được nữa. Anh ngẩn người vài giây rồi định thần lại. Tát Nhĩ Hạnh lập tức nổ máy, nhấn ga lao thẳng về phía Du Huy. Du Huy cảm thấy có gì đó bất thường bèn quay phắt lại. Đã quá muộn, chiếc xe đồ sộ đã giúp cậu có được lần thứ hai trong đời được tung bay.
Trong giấy phút hất tung Du Huy lên không trung, chiếc xe rùng mình, Tát Nhĩ Hạnh cũng rùng mình theo.
Anh đạp vội vào chân phanh, nhảy xuống, chạy tới bên xác Du Huy xem thế nào. Du Huy sấp mặt im lìm trên mặt đất, vết thương trên đầu tựa như miệng suối, từ đó ồ ồ xối ra bao nhiêu là máu, thấm ướt cả một khoảnh đất xung quanh.
Anh quan sát bốn bề, hình như không ai trông thấy bèn vội vàng nhấc Du Huy lên, loạng choạng ném cậu lên xe. Anh leo vào buồng lái và đi thẳng về hướng Tây.
Giữa đêm tối mịt mùng tuyệt không một bóng người, chỉ có chiếc xe buýt cô độc này lăn bánh. Tát Nhĩ Hạnh lái quá nhanh đến nỗi chiếc xe cứ rung lên bần bật.
Hệt như lần Phục Thực tới tôn Huyền Quái trên chiếc xe màu đen, vầng trăng khuyết đỏ au giữa trời tựa như một con mắt độc nhãn, cõi nhân gian mênh mông là thế nhưng nó chẳng nhìn ai, chỉ dõi theo mỗi chiếc xe buýt đang lao đi vun vút.
Trên xe có hai người. Một người còn sống, đang lái xe. Một người đã chết, nằm sấp mặt. Lần trước, người nằm sấp mặt trong khoang xe ấy từng đạp vỡ cửa kính nhảy ra ngoài. Nhưng lần này, hắn không thể bỏ chạy được nữa…
Nghĩ đến đây, Tát Nhĩ Hạnh ngoái đầu lại nhìn và chợt rùng mình… Ban nãy, anh đặt Du Huy ở cửa sau, nhưng bây giờ tử thi đã trượt ra tận giữa xe, khuôn mặt vẫn sấp xuống, đằng sau người hãy còn lê dài một vệt máu.
Có lẽ vì xe đi xóc quá nên hắn bị trượt ra giữa chăng?
Tát Nhĩ Hạnh cảm thấy kinh hoàng cực độ, càng cho xe lao đi như xé gió.
Đi được một lúc, Tát Nhĩ Hạnh lại quay đầu nhìn lần nữa. Cái xác đang nằm ở cửa trước, cách anh đúng hai bước! Khuôn mặt vẫn sấp xuống sàn xe, vệt máu đằng sau đã không còn rõ nữa.
Tát Nhĩ Hạnh nghiến răng, vừa tiếp tục lái xe vừa ngoảnh đầu theo dõi cái xác.
Cho dù có đúng cái xác này biết cử động hay không anh vẫn phải đưa nó tới thôn Huyền Quái, tới nơi Tiểu Nhụy bị hại bằng được. Anh phải treo Du Huy lên cái cây kia để tế vong hồn Tiểu Nhụy.
Đột nhiên, sau lưng Tát Nhĩ Hạnh vẳng lên một giọng nam khàn khàn: “Nguyên một chiếc xe to thế này mà chở mỗi mình ta, trên đời này còn ai hạnh phúc hơn ta nữa?”
Tát Nhĩ Hạnh kinh hãi đến mức toàn thân đều run lên lật bật. Anh quay lại lần nữa, tử thi đã ngẩng mặt dậy từ lúc nào, cằm chống xuống sàn, đôi mắt đỏ máu mở trừng trừng xoáy thẳng vào anh…
Tát Nhĩ Hạnh nhấn phanh thật mạnh, chiếc xe buýt như rú lên một tiếng rồi dừng khựng lại tức thì. Anh nắm lấy thanh cán sắt, đứng phắt dậy, vừa giáng liên hồi vào cái đầu đang trân trân nhìn anh vừa gào thét điên cuồng. “Coong! Coong! Coong!”
Khuôn mặt tử thi lại sấp xuống. Thanh sát giáng xuống như thể đang đập vào đá, chẳng còn máu để chảy ra nữa rồi.
Tát Nhĩ Hạnh quẳng thanh sắt sang một bên, ngồi thụp lên ghế, vừa nhìn cái xác chết, vừa thở hồng hộc, vừa chửi đổng:
– Tiên sư tổ tông tám đời nhà mày! Tao đã dám giết mày thì cũng chẳng sợ mày hóa thành ma đâu! Nghe rõ chưa?
Tử thi bất động.
Tát Nhĩ Hạnh tiếp tục lái xe… Ánh đèn thôn Huyền Quái đã lờ mờ phía trước. Chợt có ai gọi tới, Tát Nhĩ Hạnh lấy điện thoại ra nhìn, thì ra là số máy nhà. Anh lấy lại bình tĩnh và nhấc máy. Hóa ra là mẹ:
– Hạnh ơi, tối nay con về nhà đi, mẹ nhớ con quá…
Mẹ anh vẫn thường hay nói vậy nhưng không hiểu sao hôm nay Tát Nhĩ Hạnh lại cảm thấy dường như còn có một ý tứ nào khác.
– Mấy hôm nay con bận chút việc, giải quyết xong hết con sẽ về, được không mẹ?
– Có việc gì mà quan trọng thế?
– Khi nào về con sẽ kể cho mẹ.
– Con đang lái xe đấy à?
– Vâng!
– Lái xe thì phải cẩn thận đấy, nhỡ làm sao thì chết! Thôi, mẹ không nói nữa, nhớ về nhà đấy!
– Vâng, thưa mẹ…
Tát Nhĩ Hạnh cúp máy, hai hàng lệ trào ra từ khóe mắt.
Trước kia, khi Du Huy thắt cổ Tiểu Nhụy đến chết rồi treo cô lên cây, cậu từng gọi Cố Phán Phán: “Chị, qua đây giúp em một tay…”
Giờ đây, cậu ta đã chết, Tát Nhĩ Hạnh phải treo xác cậu ta lên cái cây ấy. Không ai giúp anh một tay cả.
Du Huy trông có vẻ gầy gò nhưng không ngờ sau khi chết lại nặng đến vậy. Tát Nhĩ Hạnh gồng hết sức lực toàn thân mới treo được xác cậu lên cao. Vừa nhấc lên được khỏi mặt đất, anh trượt tay, cái xác lại rơi xuống đánh “bịch” một cái.
Tát Nhĩ Hạnh đã kiệt sức, anh ngồi sụp xuống đất.
Du Huy vẫn nằm đó cứng đơ đơ, khuôn mặt bị vùi lấp giữa đất đát. Trên cây du già có treo một tấm biển, hễ gió thổi qua, tấm biển lại đập vào thân cây những tiếng “lạch cạch, lạch cạch”.
Tát Nhĩ Hạnh đứng dậy, bật lửa lên và ghé nhìn tấm biển, trên đó có ghi dòng chữ: “Che chở cây cối là trách nhiệm của con người”. Nhưng không hiểu kẻ nào nghịch ngợm đã cạo nát những chữ ấy và nguệch ngoạc viết một câu khác bằng phấn trắng: “Che chở con người là trách nhiệm của cây cối”.
Đương lúc ấy, có hai người đi tới từ phía thôn Huyền Quái men theo con đường đất. Tát Nhĩ Hạnh không thể ngờ rằng ở Đại học Tây Kinh không bắt gặp một ai nhưng đến nơi ngoại ô hoang vu này lại có người.
Anh vội vàng tắt bật lửa, nằm úp xuống và thận trọng quan sát hai người này. Không ngờ, họ đã trông thấy bóng anh dưới gốc cây. Một trong hai người quát, giọng ồm ồm:
– Ai đấy? – Giọng nói như của một dân quan đang đi tuần tra.
Tát Nhĩ Hạnh đành bỏ cuộc giữa chừng, anh nhỏm dậy và chạy về phía đường cái.
Trèo lên được xe, anh vừa bật lửa vừa ngoái đầu nhìn, hai người kia đã đi tới gần cây du già và nhìn thấy Du Huy đang nằm sấp dưới đất từ phía xa…
Ngay lúc đó, một cánh tay lại vươn xuống từ đâu đó, đập thình thình vào tấm kính chắn gió trước mặt, vang lên những tiếng: “Thùng! Thùng! Thùng!”
Giờ đây, Tát Nhĩ Hạnh đã trải qua quá nhiều những chuyện khiếp đảm, tim anh đã không còn nhảy dồn lên, cơ thịt anh cũng chẳng còn run rẩy. Anh nhìn chằm chằm vào cánh tay, không biết mình nên làm gì nữa.
Bàn tay ấy chợt co lại và chỉ thằng về một hướng nào đó, như thể đang muốn dẫn đường anh đi đâu.
Anh nổ máy chiếc xe cồng kềnh rồi chầm chậm lái đi. Anh không nhìn đường, cứ chăm chăm nhìn vào cánh tay ấy.
Nếu đây là cánh tay người, thì lần trước khi giết người hụt, kẻ đó đã làm người chứng kiến, lần này giết người thành công, nó lại trở thành người chứng kiến thêm một lần nữa.
Nhưng một con người sao có thể cứ bám chặt trên nóc xe mãi như thế?
Phía trước xuất hiện một ngã rẽ, ngón tay ấy chỉ thẳng vào một ngã… Lối đi ấy tối mờ tối mịt…
Tát Nhĩ Hạnh không hiểu tại sao cánh tay ấy lại chỉ đường cho anh đi? Anh không nghe theo nữa mà tiếp tục cho xe đi về phía trước. Cánh tay cảm thấy anh không muốn chuyển hướng bèn đập thật mạnh vào cửa sổ, ngón tay vẫn chỉ về ngã rẽ kia.
Tát Nhĩ Hạnh càng lái nhanh hơn, anh cho xe lao vun vút về phía trước.
Cánh tay đã biến đi đâu mất. Tát Nhĩ Hạnh quay phắt đầu lại, nhìn vào toàn bộ ba mặt cửa sổ, nhưng không thấy nó xuất hiện. Đúng lúc ấy, phía xa xa xuất hiện một chiếc xe đi từ hướng đối diện, ánh đèn xe chiếu sáng mờ mờ. Nhân cơ hội này, Tát Nhĩ Hạnh đạp phanh, dừng lại, ra khỏi buồng lái và nhìn lên nóc xe, vẫn chẳng thấy bất cứ thứ gì nằm trên đó…
Khi về tới nhà, anh cứ nghĩ đi nghĩ lại về cánh tay, về ngã rẽ để rồi rùng mình khi nhớ ra rằng, ngã rẽ đó hình như dẫn tới một pháp trường.
Sau khi Tát Nhĩ Hạnh hạ sát Du Huy và trở về từ thôn Huyền Quái, bấy giờ đã là nửa đêm. Trở về nhà của T, vừa bước vào tiền sảnh anh đã nhìn vào gương soi. Tát Nhĩ Hạnh trong gương hiện ra với khuôn mặt trắng nhợt, hai mắt đỏ gay, toàn thân nhuốm ướt máu. Anh cởi bỏ hết quần áo và ném tất cả vào trong thùng rác.
Tắm gội xong, anh trần truồng bước khỏi nhà tắm, lấy trong tủ lạnh một chai Coca 2,5 lít, ừng ực tu một hơi hết sạch. Xong, anh thả mình lên ghế sô pha.
Chiếc ti vi trên tủ đã cũ kỹ lắm rồi, T phát minh cho riêng nó cái điều khiển từ xa, đó là một cái cánh tre dài ngoằng. Tát Nhĩ Hạnh cầm cán tre, vươn tới ấn nút, ti vi liền bật.
Anh muốn xem thử sắc mặt của gã nhà văn.
Không ngờ chương trình nửa đêm kinh dị kia không phát nữa, thay vào đó là một bộ phim thần tượng Hàn Quốc dành cho giới trẻ.
Anh không rõ việc chương trình bị ngừng có liên quan gì đến mẩu tin nhắn của anh không.
Tát Nhĩ Hạnh chính là “Mục Phân Mục Phân”.
Người hâm mộ đứng dưới công ty điện ảnh Kim Tượng chờ đợi suốt cả buổi chiều cốt chỉ để xin gã nhà văn ký cho một chữ, chàng sinh viên đón tiếp gã nhà văn từ ngoài cổng trong buổi gặp mặt lần thứ hai… cũng đều là Tát Nhĩ Hạnh.
Trong buổi gặp mặt lần thứ nhất, gã nhà văn thấy Tát Nhĩ Hạnh trông quen quen có lẽ vì từng thấy ảnh cưới của anh trên mặt báo, chỉ có điều gã không tài nào nhớ ra.
Tát Nhĩ Hạnh tiếp cận gã nhà văn cốt để tìm cơ hội dọa nạt gã.
Ban đầu, khi xâm nhập vào máy tính của Cố Phán Phán, Tát Nhĩ Hạnh nhận thấy cô đã dùng cái tên “Mục Phân Mục Phân”, xin vào nhóm QQ của gã nhà văn những mấy lần mà thành viên quản lý không thông qua. Anh cảm thấy cái tên này khá hay liền dùng vào việc nhắn tin cho gã nhà văn.
Bí mật về câu chuyện tiểu nhân và quý nhân cũng rất đơn giản: Một lần nọ, khi anh đang cố tình đi loanh quanh công ty điện ảnh Kim Tượng, chợt bắt gặp một đứa trẻ con, anh đếm số bước đi dẫn tới công ty, chờ sau khi gã nhà văn xuống dưới liền gửi ngay tin nhắn ấy đi. Một tháng sau, khi đi ngang qua bệnh viện cách ly, anh trông thấy bệnh nhân dại nọ, cũng lại đếm số bước chân dẫn đến công ty điện ảnh Kim Tượng…
Còn con số 199989 bước chân chẳng qua là anh nghĩ bừa ra. Việc tin nhắn gửi đi mà không hiện số, đó chỉ là vấn đề của việc cài đặt phần mềm trong điện thoại.
Nếu Tát Nhĩ Hạnh biết khi gã nhà văn bước tới bước thứ 199989 ấy, đúng là có một cảnh tượng kinh hoàng đập vào mặt, đúng là có một câu chuyện đáng sợ diễn ra, thì chính bản thân anh cũng sẽ khiếp đảm mà phát điên mất…
Chẳng rõ chính tin nhắn của Tát Nhĩ Hạnh đã tạo ra số mệnh, hay có một thế lực huyền bí nào đó đã âm thầm mượn tin nhắn của anh để tiết lộ thiên cơ.
Trên đời này có quá nhiều thứ chúng ta không thể nào giải thích rõ ràng được.
Là tác giả cuốn sách, điều duy nhất tôi có thể làm có chăng chỉ là đặt ra nghi vấn rồi cùng bạn đọc suy ngẫm. Bất cứ nhà văn nào cũng không phải là chúa trời.
Tát Nhĩ Hạnh không thích xem phim, không thấy gã nhà văn, anh liền lấy “điều khiển từ xa” tắt ti vi rồi lên giường đi ngủ.
Anh đã hoàn toàn kiệt sức.
Trong đêm ấy, Tát Nhĩ Hạnh nằm mơ thấy một giấc chiêm bao.
Anh mơ thấy mình tỉnh dậy lúc nửa đêm, mò mẫm mặc quần áo trong bóng tối. Chiếc cúc thứ hai có vấn đề gì đó, anh phải cài mãi mới được. Sau đó, anh ra tiền sảnh soi gương, chải đầu tỉ mẩn rồi bước ra khỏi nhà.
Chiếc xe buýt số 44 nằm im lìm đợi anh trong bãi đỗ tựa một hung thần khổng lồ. Anh mở cửa xe, bước lên, thấy Tiểu Nhụy đã ngồi sẵn trong ấy. Cô ăn mặc chỉnh tề, mìm cười với anh thật dịu dàng. Anh ngây người, chẳng rõ là vì xúc động, hay đau đớn, hay kinh hoàng.
– Nhìn cái gì hả đồ ngốc? Đi thôi nào!
– Được! – Tát Nhĩ Hạnh vừa nói vừa nổ máy – Chúng ta đi đâu đây?
– Hay là ra chỗ câu cá lần trước nhé!
– Phải rồi, đi câu cá!
Khi chiếc xe lăn bánh trên đường cái, Tiểu Nhụy hào hứng chạy khắp quanh xe và nói:
– Nguyên một chiếc xe to thế này mà chỉ chở mỗi mình em, trên đời này còn ai hạnh phúc hơn em nữa?
Tát Nhĩ Hạnh đáp:
– Em muốn thành xe số nào thì nó sẽ thành xe số đấy, em muốn nó đi tới đâu thì nó sẽ đi tới đó!
Tiểu Nhụy chợt hỏi:
– Thật không?
– Thật chứ sao không! Chiếc xe buýt này là của em, chàng tài xế đẹp trai cũng là của em, tất cả đều của em hết đó! – Tát Nhĩ Hạnh đáp.
Tiểu Nhụy tươi cười, khẽ vòng tay ôm lấy cổ anh và chỉ tay về một hướng, nũng nịu:
– Vậy thì được, chúng mình tới chỗ kia đi…
Tát Nhĩ Hạnh đi theo hướng tay Tiểu Nhụy chỉ, anh rùng mình, đó chính là ngã rẽ tối mờ tối mịt đó! Anh hỏi với vẻ cẩn trọng:
– Đi… tới chỗ đó để làm gì?
Tiểu Nhụy có vẻ không bằng lòng liền buông tay ra và nói:
– Ban nãy anh bảo em muốn đi đâu thì xe sẽ chở em đi tới đó mà.
– Thôi được rồi, được rồi, anh nghe theo em. – Tát Nhĩ Hạnh đáp.
Thế rồi anh bẻ lái, đi về hướng ngã rẽ đó.
Con đường đã bị xuống cấp, ổ gà rải rác khắp nơi. Không một chiếc xe, không một bóng người, chiếc xe buýt càng đi lại càng thấy hoang lạnh. Cuối cùng, Tiểu Nhụy nói:
– Được rồi, dừng xe ở đây đi!
Tát Nhĩ Hạnh dừng xe và nhìn quanh, đây đúng là một khu pháp trường!
Xa xa có một con đập lớn bỏ hoang, cái bóng đen hùng vĩ của nó hiện lên giữa khung trời tăm tối. Dưới chân đập, cỏ xanh đã lan khắp. Bình thường rất ít người đặt chăn đến nơi đây, lại thêm hơi ẩm của máu tươi tử tù, nên càng không một ai dám bước lên đám cỏ này.
Lúc ấy Tiểu Nhụy đã xuống xe và một mình bước vào giữa đám cỏ.
Tát Nhĩ Hạnh cũng xuống xe và bước theo. Tiểu Nhụy ngồi xuống và bắt đầu nhổ cỏ. Cô nhổ được một lúc rồi lại đứng dậy, ngoảnh lại nhìn anh, nhoẻn cười rồi ngồi xuống tiếp tục nhỏ…
Tát Nhĩ Hạnh cũng ngồi xuống nhổ cỏ cùng cô…
Đôi bàn tay Tát Nhĩ Hạnh bắt đầu cảm thấy đau nhưng không biết hai người làm thế này vì mục đích gì. Anh muốn tới gần Tiểu Nhụy nhưng anh vừa tiến tới một bước, Tiểu Nhụy cũng lùi đi một bước tựa hồ một chiếc bóng mờ ảo.
Tát Nhĩ Hạnh gọi:
– Tiểu Nhụy, chúng ta đừng làm nữa, đi về thôi!
Tiểu Nhụy quay đầu lại, giọng nói cô phảng phất ủ dột:
– Chúng ta còn quay về được nữa sao?
– Sao lại không về được? – Tát Nhĩ Hạnh thắc mắc.
Cô chỉ về phía đường cái và nói:
– Anh xem kìa…
Tát Nhĩ Hạnh ngoảnh lại và sững sờ khi thấy chiếc xe buýt không còn ở đó nữa.
Cánh cửa dẫn về thành phố đã đóng lại.
Lối đi dẫn về nhân gian đã đóng lại.