Chắc chắn là Sharon có đến nhà anh, cô ấy không bao giờ đổi ý mà lại không báo cho anh hay.
Có thể đường dây điện thoại bị gián đoạn, nhưng nếu anh trễ tàu thì Chúa mới biết có chuyến sau nữa không. Người tài xế đã nói có khả năng xe lửa không chạy được vì đường sắt bị đóng băng.
Chắc có chuyện gì xảy ra rồi, linh tính báo cho anh biết như thế.
Có lẽ vì chuyện hành hình sắp xảy ra đã tác động đến anh, làm anh quá lo buồn, dao động. Lạy Chúa, báo buổi chiều đã in lại tất cả biến cố xảy ra. Hình của Nina được in lên trang đầu với nhan đề: “Chàng trai gϊếŧ chết thiếu phụ ở Connecticut một cách tàn bạo sẽ bị hành hình”.
Ảnh của Thompson in bên cạnh ảnh Nina, cậu bé dễ thương quá, khó mà tin cậu ta lại có thể gϊếŧ người một cách kinh khủng như thế.
Cứ mỗi lần nhìn vào hình Nina là anh lại cảm thấy kinh ngạc, các phóng viên lấy ảnh của chị trước khi xảy ra vụ án mà đăng, nhưng anh không muốn họ đăng như thế. Đây là bức ảnh mà anh thích nhất, bức ảnh chụp lấy liền anh đã chụp cho chị, trong ảnh gió thổi tóc chị lòa xòa quanh mặt, những búp tóc đen uốn cong, và chiếc mũi nhỏ hếch lên một tí khi chị cười. Chiếc khăn quàng mềm mại quấn quanh cổ, sau này anh mới nhận ra chính cái khăn này Thompson đã dùng để thắt cổ chị cho đến chết.
Ôi lạy Chúa!
Khi chuyến tàu dừng bánh ở ga Carley, chính Steve là người đầu tiên bước xuống ke tàu. Chạy nhanh xuống các tầng cấp trơn trợt ở ke tàu, anh vào bãi đổ xe, ra sức chùi lớp tuyết bám trên kính chắn gió. Lớp băng mỏng cứng ngắt, anh không lau đi được. Anh kiên nhẫn đến mở thùng xe lấy dụng cụ ra để nạy lớp băng đi.
Lần cuối cùng khi Nina còn sống, chị lái xe đưa anh đến ga xe lửa. Khi ấy anh thấy bánh xe xơ cua thay vào bánh xe trước bên phải. Anh hỏi, chị đành thú thực là tối hôm trước bánh xe bên phải phía trước bị vỡ, cho nên chị phải thay bánh xơ cua.
Nghe thế, anh nổi giận, cự nự chị:
– Đáng ra em không nên dùng cái bánh xe đã hỏng ấy làm gì, bất cẩn sẽ có ngày chết đấy em ạ!
Sẽ có ngày chết đấy!
Chị hứa sẽ đi lấy bánh xe khác thay vào ngay, đến trước ga, anh định bước ra xe mà không hôn chị, nhưng chị đã vội nghiêng người qua hôn lên má anh, rồi vừa nói vừa cười như thường lệ:
– Chúc anh một ngày may mắn, “Ông hay càu nhàu” của em! Em yêu anh.
Anh không trả lời, thậm chí không quay lại chào chị mà cứ cắm cổ chạy vào ga cho kịp tàu. Anh đã định điện thoại cho chị từ phòng làm việc, nhưng rồi anh tự nhủ nên để cho chị biết anh đang giận chị. Anh lo sợ chuyện này thật, chị là người quá vô tâm. Trước tối ấy hai hôm, khi đi làm về trễ, anh thấy chị và Neil đã ngủ mà cứ để cửa trước không đóng.
Vì thế mà anh không điện thoại về nhà, anh vẫn còn giận chị lắm. Và tối hôm ấy khi anh ra khỏi sân ga lúc 17 giờ 30, chính ông Roger Perry đã đến đón anh ở ga để chở anh về, ông ta báo cho biết Nina đã chết.
Ngày ấy đến nay đã gần hai năm, hai năm cô đơn buồn khổ, cho đến buổi sáng cách nay sáu tháng, anh được người ta giới thiệu một khách mời khác đến ra mắt với anh trên mục thời sự truyền hình, đó là Sharon Martin.
Tấm kính chắn gió đã được lau chùi sạch sẽ, Steve leo lên xe, bật khóa, đợi một lát xe mới nổ máy, anh nhấn ga cho xe chạy.
Bây giờ anh chỉ còn mong mỏi một điều là về nhà thấy Neil khỏe mạnh. Anh mong muốn Neil được hạnh phúc trở lại, anh muốn ôm Sharon hôn thật lâu và giữ chặt cô vào lòng. Đêm nay, anh muốn nghe bên phòng ngủ dành cho khách có tiếng động đậy để biết cô đang ở gần cạnh anh. Tất cả mọi việc rồi sẽ thu xếp yên ổn, không để một trở ngại nào xen giữa hai người.
Steve mất đến 15 phút để đi đoạn đường mà thường khi anh chỉ cần 5 phút, đường đi chỉ là một lớp băng trơn trợt. Tại một điểm dừng, anh đạp thắng, chiếc xe trượt trên băng chạy ra đến giữa ngã tư, may thay không có xe ở chiều kia chạy tới.
Cuối cùng anh rẽ vào khu Drifwood Lane, con đường tối tăm khác thường quá. Bóng tối đến từ phía sau nhà anh, đèn đuốc đều tắt ngúm! Anh cảm thấy lo sợ điếng cả người. Bất cần đường đóng váng băng, anh nhấn ga cho xe phóng tới, chiếc xe trượt quanh. Anh cố cho xe chạy vào đường và dừng ngay ở phía sau xe của Sharon. Nhảy vội lên tầng cấp, tra chìa khóa vào ổ, mở ra. Anh gọi:
– Sharon… Neil. Sharon… Neil.
Sự im lặng rợn người tương phản với cảnh ấm cúng trong phòng. Anh lại gọi:
– Sharon… Neil.
Anh nhìn quanh phòng khách, chồng báo nằm trên nền nhà, chắc Neil đã cắt hình. Trang báo còn mở, có cái kéo và tấm hình cắt lở dở. Một tách sô-cô-la và ly rượu ngọt còn đầy để trên cái bàn xa lông bên cạnh lò sưởi, Steve bước đến, sờ vào cái tách. Sô-cô-la đã nguội. Anh chạy xuống nhà bếp, thấy cái soong nằm trên bồn rửa, anh nhảy ra ngoài rồi vào phòng làm việc. Hoàn toàn trống vắng, chỉ còn chút lửa trong lò sưởi. Anh đã dặn Bill đốt lò sưởi trước khi đi.
Không thấy gì đáng chú ý, anh chạy ra khỏi phòng làm việc, đến tiền sảnh, anh thấy đồ đạc của Sharon và cái xách tay ở đấy. Anh mở cửa tủ âm tường, áo khoác của cô vẫn còn đó, tại sao cô đi mà không kịp mặc áo khoác? Có lẽ Neil lên cơn suyễn, những cơn suyễn thường làm cho cậu ngộp thở.
Steve chạy vào nhà bếp, đến máy điện thoại, những số máy khẩn cấp – Bệnh viện, cảnh sát, cứu hỏa, bác sĩ tư – đã được anh ghi rõ ràng. Trước hết anh gọi phòng bác sĩ, cô y tá vẫn còn đấy:
– Dạ không, thưa ông Peterson, chúng tôi không nghe ai gọi nói chuyện gì về Neil hết. Có gì không ạ?…
Anh gác máy, không nói gì nữa.
Anh gọi phòng cấp cứu ở bệnh viện, phòng này đáp:
– Chúng tôi không nghe ai gọi hết…
– Thế hai người đi đâu? Có chuyện gì xảy ra cho họ phải không? Anh thở hổn hển, anh nhìn đồng hồ trên tường: 21 giờ 20. Từ khi anh gọi về nhà đến nay đã gần hai giờ rồi. Ít ra họ đi từ khi ấy. Hỏi xem nhà Perry! Có thể họ ở bên nhà Perry. Nếu Neil không khỏe, chắc có lẽ Sharon sang trú bên nhà họ rồi.
Steve lại đưa tay về phía điện thoại, lạy Chúa, xin Chúa để cho họ sang bên nhà Perry, xin Chúa cho họ bình an vô sự.
Bỗng anh trông thấy – Anh thấy lời nhắn ghi trên tấm bảng đen dùng ghi hàng hóa cần mua. Lời nhắn viết bằng phấn, nét chữ to, không đều:
– Nếu anh muốn gặp lại con và người bạn gái còn sống, thì anh hãy theo lời dặn sau đây. – Những chữ viết tiếp theo được gạch dưới chân một đường thật đậm – “Đừng báo cảnh sát” chữ ký dưới lời nhắn: “CÁO”.