Một ngày nọ, sau khi dùng bữa tối, cha mẹ nói chuyện với tôi rất lâu.
– Nhất Nhất, cha hỏi con, con bằng lòng lấy Thẩm Tề chứ? Nếu con không muốn thì chuyện kết hôn này coi như bỏ. Con biết đó, tuy cha mẹ là người thu xếp hôn sự cho con, nhưng con bằng lòng mới là điều quan trọng nhất.
– Cha ơi, nếu con thật sự không bằng lòng thì không để cha mẹ thu xếp đâu. Người luôn dạy con là phải làm theo lòng mình, và con vẫn luôn như thế. Tuy chẳng ham lấy chồng gì đâu, nhưng con biết trong thế đạo này, con gái ở vá cả đời khó sống lắm. Nếu đã vậy thì sao không để cha mẹ chọn giúp con một người làm bia chắn. Thứ nhất là có cái danh kết hôn cũng đỡ điều tiếng. Thứ hai là qua chuyến đò này rồi, sau này có ly hôn, ở vậy cũng chẳng bị ai nói gì.
Mẹ tôi cũng lo lắng nói:
– Nhưng Nhất Nhất à, dù sao thì đối với con gái chuyện lấy chồng rất quan trọng. Con có muốn suy nghĩ lại không? Cả đời không lấy chồng cũng được. Cha mẹ nuôi nổi con mà.
– Cha mẹ ơi, trước đây là ai tìm chồng cho con? Sao bây giờ hai người lại nói vậy? Thôi được rồi, để con quyết định, nếu không có bất ngờ gì, con bằng lòng kết mối hôn sự này mà!
Tôi lại nói tiếp:
– Hơn nữa cha mẹ ơi, con là kén rể chứ không phải gả chồng. Sau khi kết hôn con vẫn ở trong nhà, chẳng qua nhà ta nhiều thêm một người nữa mà thôi.
Cha mẹ tôi giật mình tựa như mới tỉnh ngủ, liếc mắt nhìn nhau. Cha tôi nói:
– Đúng thế, con là kén rể chứ không phải gả chồng. Đúng là bọn ta không nên đau buồn làm gì.
Dáng vẻ ngây ngốc lúc này của họ trông thật buồn cười.
Mẹ tôi hỏi tiếp:
– Vậy cậu Chu Nguyên Tư kia thì sao? Con còn tình cảm vương vấn gì với cậu ta không?
Tôi nghiêm túc suy nghĩ, nói:
– Mẹ à, giữa con với cậu ta thật sự không có gì cả. Mọi thứ đều đã qua rồi. Một vài hồi ức tốt đẹp giữ lại trong quá khứ thì tốt thật đấy. Nhưng vì vương vấn mấy thứ đó mà cố chấp níu kéo thì quá khứ tốt đẹp kia chẳng còn nữa rồi.
Mẹ tôi vẫn có điều chưa yên tâm, nói:
– Con nghĩ được như vậy mẹ cũng an lòng. Từ nhỏ con đã tự có chủ ý của mình. Đấy cũng là điều cha mẹ hi vọng con có được. Nhưng mẹ vẫn muốn nhắc nhở con một câu. Nếu đã quyết định thì chớ hối hận. Nếu đã quyết kết hôn với Thẩm Tề thì trước mặt Thẩm Tề chớ nhắc tới bất cứ chuyện gì liên quan tới Chu Nguyên Tư nữa. Thật lòng là thứ quan trọng nhất. Chúng ta không nên làm ba chuyện đuối lý kia.
– Dạ, mẹ của con ơi, con biết cả mà, mẹ cứ yên tâm nhé.
Thấy tôi như thế mẹ tôi mới xác định là tôi đã chuẩn bị xong xuôi cả rồi.
– Được, vậy thì mẹ yên tâm. Sắp tới phải xử lý nhiều việc lắm. Lần này nhà gái kén rể nên chuyện cưới xin đều do nhà gái làm hết, bận bịu ghê gớm.
– Dạ, vậy mẹ mau mau đi chuẩn bị đi, đừng lo gì cho con hết. Con tự giải quyết được. Nếu không được thì vẫn còn hai người mà. Con tin tưởng bản thân, cũng tin tưởng cha mẹ.
Nhát thấy cha tôi còn định dặn dò gì đó, tôi lập tức nháy mắt ra hiệu với mẹ tôi. Mẹ tôi nguýt tôi một cái, nói:
– Vạn Bách, ông mau xem thử ngày nào là ngày tốt, chúng ta đi cầu hôn…
Vừa nói vừa kéo tay áo cha tôi đi xa.
– Còn có lễ nạp thái, vấn danh, nạp cát,… thảy đều là nhà gái chúng ta lo đấy.
Chờ cha mẹ đi rồi, tôi gọi Tuyết Yên đến.
Đúng là tôi cần phải học một vài điều. Kén rể là nhà gái sẽ làm hết những chuyện vốn dĩ của nhà trai. Các lễ nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp trưng, thỉnh kỳ trong lục lễ* thì có cha mẹ lo giúp cho rồi, tôi xác nhận lại là xong. Còn lúc thân nghinh, tôi phải làm gì nhỉ?
Nghĩ vậy nên tôi bảo Tuyết Yên đi mời bà mối tốt nhất kinh thành tới.
Bà mối tới rất nhanh. Tôi giải thích nguyên do xong thì hỏi bà mình nên làm những gì.
Bà mối rất nhiệt tình, nói:
– Những gì cần chuẩn bị cho hôn lễ thì lão gia, phu nhân lo giúp cô nương cả rồi. Cô nương không cần lo lắng gì đâu. Nếu là ở rể thì cô dâu không cần lên kiệu hoa. Nhà gái chuẩn bị kiệu bốn người khiên và đội ngũ cầm nghi trượng để đi đón chú rể. Đây gọi là “Sĩ lang đầu”. Hôm ấy cô nương không cần cưỡi ngựa đi rước cậu rể mà đội khăn voan chờ trong khuê phòng. Lúc cậu rể vào nhà, cô nương ra sảnh trước bái đường thành thân, xong xuôi thì vào động phòng, kết thúc lễ.
Xem ra tôi chẳng cần làm gì hết. Tôi gọi Tuyết Yên cầm tiền đến rồi tiễn bà mối về.
…
Chẳng bao lâu sau, cha mẹ đã chuẩn bị xong hết cả.
Đầu tiên là lễ nạp thái, cũng chính là đi cầu hôn. Cha tôi sai người tới cửa chợ mua con chim nhạn, theo lời ông là tốn cả đống tiền mới mua được. Sau đó tôi theo cha đưa chim nhạn tới nhà họ Thẩm.
Đây là lần đầu tiên tôi đến nhà họ Thẩm, nói sao nhỉ, nhà cửa thật đơn sơ.
Vừa nhìn đã biết là nhà mua vội sau khi trúng Thám hoa, trong nhà cũng không có đồ gì quý giá, người làm cũng rất ít.
Thẩm Tề nói với cha tôi:
– Nơi đây nhà cửa đơn sơ, chỉ có cháu là tài đức nức tiếng thôi.
Lại nói với tôi:
– Về sau cũng không sống ở nơi này.
Người này hẳn là tham tiền của nhà tôi lắm. Vậy cũng tốt, tham tiền là tốt nhất. Vì nhà tôi đúng là không thiếu tiền. Nếu vì báo thù mà tơ tưởng tới ba cái mạng nhà tôi mới không ổn.
Đối với suy nghĩ này của tôi, Thẩm Tề đánh giá là “đọc tiểu thuyết quá nhiều”.
Chàng bảo tôi cứ việc điều tra xem tổ tiên chàng có kẻ thù nào không.
Còn chờ chàng nói chắc? Cha tôi đã tra xong từ lâu rồi.
Tóm lại nhà chàng không có người lớn nên nạp thái rất thuận lợi.
Đây là lần thứ hai tôi gặp mặt Thẩm Tề. Chàng tặng tôi một đôi bồ câu để đáp lễ chim nhạn.
Làm ơn đi, bồ câu với nhạn ăn khớp lắm hả?
Có điều chàng nói đôi bồ câu này là để chúng tôi thư từ qua lại. Đôi chim đều có màu trắng. Con gầy tên Gạo Nếp, con béo tên Bé Tròn. Chàng đã huấn luyện chúng cả rồi, nếu có chuyện gì cứ việc gửi bồ câu cho chàng. Chỉ là gần đây chàng khá bận. Vì mới nhận chức Biên tu trong Hàn lâm viện nên chàng không chắc sẽ hồi âm ngay được.
Xem ra chàng tặng đôi bồ câu này rất đúng lúc. Quả là tôi có mấy chuyện quan trọng muốn bàn bạc với chàng, nhưng gặp mặt hoài thì mang tiếng lắm.
Bé Tròn hơi mập mạp, có vẻ sờ thích hơn nên tôi chọn nó.
Sau đó là lễ vấn danh. Cha mẹ mời bà mối đến xin bát tự của Thẩm Tề, đưa kèm nó với bát tự của tôi lên chùa Pháp Hoa nhờ cao tăng xem tuổi đặng làm lễ nạp cát.
Kết quả tính tuổi đương nhiên là ông trời tác hợp, nhân duyên tuyệt hảo gì đó. Thật ra tôi nghi ngờ phải chăng hết thảy kết quả tính tuổi cho lễ nạp thái đều là lời hay ý đẹp cả, bằng không làm sao chùa Pháp Hoa kiếm tiền hương hỏa? Giả sử người ta tâm đầu ý hợp mà cao tăng phán là “đại hung” rồi “nghiệt duyên” thì hai nhà hẳn sẽ tìm cao tăng tính sổ.
Thôi được rồi, quay lại việc chính. Tiếp theo là lễ nạp trưng – đưa sính lễ.
Nếu là ở rể thì đương nhiên sính lễ là nhà tôi đưa.
Sính lễ nhà tôi như vầy:
Bốn vò rượu.
Bốn con cá lớn.
Trong hộp là: hạt sen, bách hợp, thanh lũ, trắc bách diệp, cau dừa một cặp, còn có loại hạt khô như hạt: mè, đậu đỏ, đậu xanh, táo đỏ, óc chó, long nhãn. Ngoài ra còn có dây kết bằng hạt đậu đỏ, trang sức vàng, nến long phượng và một cặp câu đối.
Mười hai cân gạo nếp.
Ba cân hai lượng đường cát.
Một bộ lễ dầu vừng và trà.
Một gánh bánh sính.
Bốn loại hải sản là: rong biển, bào như, hàu, sò.
Hương là loại vô cốt thấu cước; Pháo là loại nổ to cháy lớn; Vòng là loại vòng cặp long phượng.
Trái cây tươi.
Ba loại vật sống là hai đôi chim, hai con trống hai con mái, ba trăm cân thịt lợn.
Bốn loại đồ ngọt: đường phèn, mứt quýt, mứt bí đao, kim sách.
Một buồng cau.
Bốn loại quả khô: long nhãn, vải, đào, đậu phộng.
Tôi xem xong thấy sính lễ không nhiều lắm, chẳng khác của mấy thế gia trong kinh là bao. Xem ra dân chúng nói nhà tôi giàu nứt vách đổ đố chỉ là phỏng đoán thôi.
Theo lý thì đàn ông ở rể không cần đưa quà cưới gì. Nếu có cũng chỉ đưa lấy lệ. Nhưng ngạc nhiên là Thẩm Tề lại đưa quà cưới tương đương với sính lễ của nhà tôi. Rồi chàng lấy tiền ở đâu ra? Chẳng lẽ là tiền bẩn?
Vì thế tôi lén dùng Bé Tròn đưa tin hỏi chàng thử xem. Hoá ra trước đây chàng vừa đi học vừa làm kinh doanh nên gom góp được ít tiền. Không ngờ chàng cũng có bản lĩnh đấy chứ, không phải kiểu trai mặt trắng chờ bám váy vợ.
Bỗng dưng tôi hiểu ra vì sao cha tôi không đưa quá nhiều sính lễ rồi. Hẳn là vì ông muốn giữ thể diện cho Thẩm Tề nhỉ? Hình như cha tôi thích Thẩm Tề này ghê lắm.
Vì thế tôi lại đi hỏi cha tôi. Ông khịt mũi bảo tôi suy nghĩ nhiều, còn nói ông đơn giản là không muốn đưa nhiều sính lễ cho Thẩm Tề thôi. Sau khi thành hôn, chàng ăn ở gì cũng ở nhà tôi cả, vội vàng cho nhiều tiền của thế thì chả có lời.
Quả nhiên là gian thần, tính toán tỉ mỉ lắm. Ngôi nhà này của nhà tôi chắc cũng nhờ tiết kiệm như thế mà mua được nhỉ?
Tóm lại mọi việc đã chuẩn bị xong rồi, chỉ chờ chọn ngày thành thân.
Cha mẹ tôi xem được ba ngày tốt là mồng chín tháng Ba, mười bảy tháng Tư và mồng ba tháng Năm. Tôi lo lắng chọn ngày cuối thì mặc đồ cưới nóng, chọn ngày đầu thì thời gian cập rập, cuối cùng chọn ngày giữa, mười bảy tháng Tư. Tôi lại hỏi thử Thẩm Tề, chàng bảo sao cũng được nên quyết định ngày mười bảy tháng Tư thành hôn.
Sau đó là đặt mua đồ trong phòng tân hôn, chọn thức ăn và nhạc cụ xong thì chờ tới ngày thân nghinh là được.
Tôi hỏi mẹ tôi rằng mình có cần may áo cưới không. Mẹ tôi nói:
– May cũng được nhưng không cần thiết.
– Mẹ không tin với tay nghề thêu thùa của con mà may được một bộ hoàn chỉnh…
– Mẹ kìa!!!
Khinh thường tôi quá mà.
Mẹ tôi cũng chẳng an ủi, vỗ vỗ tay tôi rồi nói:
– Mẹ đã đặt thợ may giỏi nhất trong thành may áo cưới cho con rồi. May xong con thêu mấy mũi tượng trưng, lấy may mắn thôi. Có điều con muốn tự mình may đồ cưới thì cũng được.
Làm gì có ai muốn kiếm thêm việc để làm đâu.
– Thôi ạ, con tin tưởng thợ may ạ.
…
Thời gian chờ tới ngày thành hôn trôi qua quá chậm. Tôi chẳng có gì khác với lúc chưa đính hôn.
Chu Nguyên Tư tới tìm tôi, nói rằng có một thầy kể chuyện mới tới lầu Quảng Thái, rủ tôi cùng đi nghe thử. Nghĩ tới lời mẹ tôi dặn của mẹ tôi, lại cảm thấy mình nên giữ khoảng cách với Chu Nguyên Tư nên tôi từ chối.
Thế nhưng thời gian chờ tới ngày kết hôn quá nhàm chán. Lúc cậu ta tới rủ tôi lần thứ ba, lại còn bảo thầy kể chuyện mới này kể hay như lời nhà trời, tôi đồng ý đi nghe thử để coi cậu ta có nói phét không.
Trang điểm thật xinh đẹp xong, tôi dẫn Tuyết Yên đi ra ngoài.
Thầy kể chuyện mới tới kể chuyện Tam Quốc. Ông khá có tài, cả sảnh đều yên lặng để nghe chuyện ông kể.
Nghe được một lúc, tôi bắt gặp Thẩm Tề. Chàng đi với một người đàn ông khác.
Chàng mà cũng đến mấy nơi này ư? Trong lúc tôi nghĩ ngợi thì chàng trông thấy tôi.
Vì thế tôi giới thiệu để mọi người làm quen.
Tôi nói với Thẩm Tề:
– Đây là Chu Nguyên Tư, bạn tốt của ta. Hôm nay cùng đi nghe kể chuyện.
Tôi nói với Chu Nguyên Tư:
– Đây là Thẩm Tề, vị hôn phu của tôi.
Thẩm Tể cũng giới thiệu bạn của mình.
– Đây là Vương Dương Châu, là kim khoa Trạng nguyên. Tôi có chút việc trong triều nên gặp anh ấy hỏi chuyện.
– Đây là Vạn Y, vị hôn thê của Thẫm mỗ.
Vị Vương Dương Châu này thoạt nhìn thanh cao hơn Thẩm Tề nhiều, sao lại bằng lòng kết bạn với chàng nhỉ?
Sau khi chào hỏi xong, hai người kia rời đi, tôi với Chu Nguyên Tư tiếp tục nghe kể chuyện.
…
Lúc Gạo Nếp bay tới trước cửa sổ thì tôi đang đọc truyện. Thầy kể chuyện chỉ kể có một nửa, tôi không nhịn được bèn tới tiệm sách Trường An mua sách gốc đọc cho đã.
Trên giấy viết: “Tôi có cả bộ truyện Tam Quốc, cô nương có cần chăng?”
Bổn cô nương còn cần chàng cho mượn chắc. “Tôi có rồi, cám ơn”.
Thả Gạo Nếp bay về xong, tôi vừa đọc truyện vừa đợi tin trả lời. Thấy mãi chẳng có hồi âm, tôi tắt đèn đi ngủ.
…
Hôm sau, Thẩm Tề ghé nhà tôi.
Tuyết Yên ngăn không cho tôi đọc truyện nữa, vội vàng trang điểm cho tôi.
Sau đó tôi bảo Tuyết Yên lấy ít trà bánh rồi đến vườn hoa gặp Thẩm Tề.
Vừa thấy tôi đi tới, chàng đứng dậy, khách khí chào:
– Vạn cô nương.
– Sao tự dưng ghé chơi vậy, có việc gì hả?
Chàng đáp:
– Cũng không có việc gì. Tôi sợ cô nương chán nên tới trò chuyện với cô nương.
Khó hiểu thật.
– Cám ơn, không cần đâu, tôi không thấy chán.
Thấy tôi chẳng nói thêm gì, chàng đưa một quyển sách nhỏ ra, nói:
– Đây là danh sách mà thầy kể chuyện kia sẽ kể. Cô nương có thể chọn để đi nghe thử.
Cũng tâm lý đấy.
– Vâng, cám ơn.
– Thẩm mỗ cũng thích nghe kể chuyện lắm. Lần sau cô nương có đi thì rủ tôi đi cùng nhé.
– Anh không bận hả?
– Dạo này không bận lắm.
– Được, vậy nếu anh rảnh rỗi tôi sẽ rủ anh. Thôi anh về đi, muộn rồi, có việc gì cứ gửi bồ câu cho tôi.
Vừa nói tôi vừa đứng lên, tôi còn đang hóng phần tiếp của câu chuyện đang đọc dở đây.
Thấy tôi không có ý nói chuyện nữa, chàng đứng lên chắp tay chào:
– Vậy Thẩm mỗ không làm phiền nữa.
Tôi vẫy tay tạm biệt với chàng.
– ——————————
* Lục lễ/sáu lễ trong việc cưới gả:
– Nạp thái/thể (nhà trai sai mối đem con nhạn đến nhà gái tỏ ý nhận làm sui, sau khi hai nhà đã có nghị hôn);
– Vấn danh (nhà trai sai mối đến hỏi tên tuổi, ngày sanh tháng đẻ cô gái);
– Nạp kiết/cát (cáo cho nhà gái biết là hai tuổi được hạp, thế là việc gả cưới đã nhứt định);
– Nạp tệ/trưng (nạp đồ sính lễ cho nhà gái, tức đám hỏi);
– Thỉnh kỳ (xin định ngày giờ rước dâu);
– Thân nghinh (rước dâu).