Ngày hôm sau, tôi phải cùng Thẩm Tề đến dâng trà cho cha mẹ.
Vì tối qua ngủ khá ngon giấc nên sáng nay tôi thức dậy rất sớm. Vừa tỉnh tôi đã nghe tiếng bước chân đi qua đi lại ngoài cửa. Đấy hẳn là Tuyết Yên.
Thấy Thẩm Tề vẫn còn ngủ, tôi xuống giường ra mở cửa.
Đúng thật là Tuyết Yên.
– Làm gì đấy? Sao không vào?
Thấy tôi đột nhiên mở cửa ra, Tuyết Yên hoảng hốt nói:
– Cô… cô nương, em sợ quấy rầy cô với cậu rể…
Tôi hiểu rồi. Lúc ấy tôi với Tuyết Yên cùng nhau xem quyển sách nhỏ kia.
– Nghĩ gì đâu không. Hôm qua chưa làm gì hết!
– Dạ?
Tuyết Yên khiếp sợ kêu lên, dáng vẻ không thể tin được.
Lúc chúng tôi bên này nói chuyện, Thẩm Tề bên kia cũng vừa thức giấc.
Thấy chàng dậy rồi, tôi nói với Tuyết Yên:
– Em vào dọn dẹp đi, lại múc hai chậu nước tới đây nữa.
Lúc này Tuyết Yên mới cúi đầu vào phòng, không dám ngó lung tung.
Một lát sau, Tuyết Yên đã dọn dẹp xong, cũng đưa nước đến rồi.
Bây giờ trông em ấy thoải mái hơn nhiều, hẳn là vì nhìn thấy tình hình trong phòng đúng thật như lời tôi nói.
Tuyết Yên hầu hạ tôi rửa mặt, chải tóc, thay áo quần như mọi ngày.
Hôm nay tôi mặc cung trang và vân khiên màu lục đậm. Thẩm Tề mặc trường bào màu lục nhạt, hẳn là đồ may sẵn đại trà.
Thế mà lúc tôi cùng Thẩm Tê đứng soi vào gương đồng lại thấy rất xứng đôi.
2.
Lúc chúng tôi ra sảnh trước, cha mẹ đã chờ ở đấy rồi.
Hầu gái bưng trà tới, tôi với Thẩm Tề quỳ gối trên đệm hương bồ, dâng trà cho cha mẹ.
– Con mời cha uống trà. Con mời mẹ uống trà.
– Con mời cha uống trà. Con mời mẹ uống trà.
Mẹ tôi có vẻ mừng lắm, nói:
– Nhất Nhất, Thẩm Tề, mau đứng lên đi. Hi vọng hai con sau này chung sống hoà thuận, làm một đôi phu thê ân ái!
Đoạn, mẹ tôi cho mỗi người chúng tôi một cái hộp. Cái hộp của tôi lớn hơn của Thẩm Tề. To nhưng không quá nặng.
Cha tôi thì ngược lại, phồng má trợn mắt. Mẹ tôi huých nhẹ một cái ông mới chịu nói “vui vẻ tốt đẹp” rồi đưa hai cái tráp vừa nhỏ vừa nặng ra.
Đến đây lễ dâng trà coi như kết thúc.
Thấy hai chúng tôi đứng lên, mẹ tôi nói:
– Nhất Nhất, hôm nay cha con được nghỉ tắm gội, vừa hay Thẩm Tề cũng đang trong kỳ nghỉ kết hôn. Chúng ta vừa vặn gom đủ một bàn. Các con ăn sáng xong thì ra vườn đánh bài lá* nhé?
– Dạ, được ạ.
Đánh bài lá chính là thú tiêu khiển truyền thống của nhà tôi. Ngày trước là kéo Tuyết Yên vào chơi chung cho đủ chân.
Thẩm Tề không có dị nghị gì.
3.
Trên đường đi tới chái nhà cạnh sảnh trước để dùng bữa sáng, tôi hỏi Thẩm Tề:
– Chàng biết đánh bài lá không?
– Đã đọc trong sách rồi nhưng chưa từng chơi thử với người khác bao giờ.
– Ta nói trước với chàng nhé, trên chiếu bạc là không có anh em chú bác gì hết đâu. Nhà ta cũng không có chuyện nể nang nhau. Tới lúc ấy đừng bảo nhà ta hùa nhau bắt nạt chàng đấy.
Vì ngóng đánh bài lá nên tôi ăn sáng rất nhanh. Thẩm Tề cũng buông đũa ngay sau khi tôi ăn xong.
4.
Lúc chúng tôi vào vườn hoa thì bài lá đã được chuẩn bị xong cả rồi.
Tôi và Thẩm Tề lần lượt ngồi xuống.
Bài lá này có tổng cộng 3 loại hoa văn, lần lượt là Đồng, Vạn và Sách. Chúng được đánh số từ 1 đến 9, mỗi chữ số có 4 lá, tổng cộng là một 108 lá.
Mỗi người cầm 9 lá bài, theo thứ tự mà lần lượt bốc 1 lá, đánh 1 lá. Bốc đến hết thì mở bài còn dư lại trên tay ra xem bài ai ù thì người đó thắng.
Ù này cũng chia thành hai loại là thuận và binh.
Thuận là tổ hợp gồm 1 lá bài Tác với 3 lá bài cùng hoa văn và có số liên tiếp nhau.
Binh là tổ hợp gồm 1 lá bài Tác với 3 lá bài cùng hoa văn và cùng số.
Nếu trên tay thiếu lá bài nào đó để xếp thành Thuận thì có thể ăn bài, nhưng chỉ có thể ăn bài của nhà trước mình.
Binh thì cũng vậy nhưng có thể ăn bài của mọi nhà.
Nếu trước khi mở bài mà ù thì gọi là Ù thiên.
Nếu không ăn bài hoặc không có Binh mà ù thì gọi là Tự bốc.
Nếu ù vì binh thì gọi là Ù ngọc.
Cuối cùng cũng bắt đầu đánh bài rồi. Chúng tôi cứ “ăn, binh, ù” từ buổi trưa cho đến sẩm tối.
Không có gì bất ngờ, Thẩm Tể thua sạch sành sanh, mới lấy hai trăm lượng ra cũng chẳng còn xu nào. Người mới chơi là tay mơ, quả nhiên không địch lại tay chơi lão luyện như nhà tôi.
Thắng nhiều nhất là mẹ tôi, ăn tận 163 lượng. Bà lại có thêm mấy cây trâm mới rồi! Cha tôi cũng thắng gần 90 lượng. Tôi thì bị mua 50 lượng.
Cha mẹ tôi vui vẻ hớn hở đi về, chỉ còn hai con dê béo là tôi với Thẩm Tề ngồi trong vườn.
Chẳng lẽ cha mẹ tôi rủ đánh bài lá để vớt vát lại hai món đồ cho hồi sáng hả? Tính toán ghê thiệt chứ!
Kể ra không biết hai món đồ ấy là gì nhỉ?
Nghĩ vậy tôi vội kéo Thẩm Tề về phòng.
Mở hộp ra thấy mẹ tôi tặng quà thật văn nhã. Tôi được tặng một bộ trâm cài 12 tháng của các nàng tiên hoa. Mỗi cây trâm được chạm khắc dựa vào các loài hoa đại diện cho 12 tháng, lần lượt là mai, hạnh, đào, mẫu đơn, thạch lựu, sen, thục quỳ, quế, cúc, phù dung, sơn trà và thuỷ tiên. Nhuỵ hoa được đính đá quý tinh xảo, màu sắc khác nhau.
Mẹ tôi quá hiểu ý tôi. Ở kinh thành, bộ trâm cài theo mùa này có giá tận 2000 lượng, mua một cây trâm đã khó huống hồ gom đủ cả bộ. E là chỉ có mình tôi có nguyên bộ thôi.
Đồ mẹ tôi tặng cho Thẩm Tề đơn giản hơn nhiều. Đó là ngọc bội khắc hình song ngư, xem độ lớn thì giá trị chừng 1000 lượng.
Mở tráp của cha tôi cho ra thì thấy đồ bên trong thực tế hơn nhiều.
Là vàng ròng, không có bất cứ hình trang trí nào luôn.
…
Trong chớp mắt, cả tôi và Thẩm Tề đều sững cả người.
Mãi một hồi lâu sau Thẩm Tề mới lên tiếng:
– Cha… thật sự rất có cá tính…
Thôi được rồi, đúng thật là phong cách của cha tôi. Số lượng khá nhiều, quả là món quà thực dụng.
5.
Ở trong phòng đợt một lúc là đến giờ ăn tối.
Chúng tôi đến chái nhà. Cha mẹ bảo chúng tôi ngồi xuống rồi cùng nhau dùng cơm canh nóng hôi hổi.
Thẩm Tề hơi luống cuống, thoạt trông khá tội nghiệp, có lẽ đã lâu không được dùng bữa với nhiều người như thế.
Vì vậy tôi gắp cho chàng một ít thức ăn. Chàng nhìn tôi rồi nhoẻn miệng cười.
Cha mẹ tôi đang nói chuyện hôm nay trong lúc đánh bài lá, bọn họ sáng suốt hùng dũng thế nào.
Mẹ tôi đắc ý nói:
– Vòng thứ hai tôi đã ù thiên rồi. Hên ghê luôn ấy!
Cha tôi không chịu thua, cãi lại:
– Vòng thứ năm tôi thắng cả ba nhà mới gọi là ghê gớm! Bà là hên thôi, sao mà hay bằng tôi được!
– Xí!!! Mấy ván sau tôi ù liên tục, ván nào là nhờ hên hả? Đầu tiên cầm 9 lá đều không thành bộ, tôi tự bốc ra được mà ù đấy! Tôi còn đánh bài tránh cho ba người ù nữa cơ. Lại nói, nếu tôi chỉ có hên thôi thì sao mà thắng được ông cả đời chắc? Từ hồi lấy nhau tới giờ, ông có thắng tôi được lần nào chưa?
– Tôi nói không lại bà!
Cha tôi hết cãi được bèn chuyển sang chế nhạo tôi:
– Cơ mà tôi đánh hay hơn Nhất Nhất. Con bé đánh thua hoài luôn.
Có liên quan gì tới con đâu ạ???
– Kìa cha, người cãi không lại mẹ, chỉ biết nói con thôi, con cũng thắng mấy lần chứ bộ!
– Ồ? Lần nào, nói cha nghe thử.
Tôi nghẹn họng.
– Con nhất thời… nhất thời không nhớ ra! Mà đằng sau còn có Thẩm Tề mà! Chàng còn đánh dở hơn cả con!
Đột nhiên bị điểm danh, Thẩm Tề kinh ngạc, há miệng chưa kịp nói đã nghe cha mẹ tôi nói:
– Phải, phải, phải. Thẩm Tề đánh bài lá dở quá trời dở! Đánh một hồi xong mẹ với cha con ù luôn, mẹ vừa thấy bài đã biết nó thiếu chữ gì luôn rồi…
Mẹ tôi nói xong thì cười rộ lên.
Dường như cũng thấy đúng là mình hơi ngốc thật, Thẩm Tề bật cười khe khẽ.
Cười với ăn, vậy là xong một bữa cơm. Cái lệ lúc ăn với ngủ thì không được nói chuyện chả là gì trong nhà tôi hết.
6.
Tới buổi tối, lúc đi ngủ, Thẩm Tề rất đàng hoàng, chẳng làm gì cả.
Chúng tôi nằm trên giường, đang chuẩn bị ngủ thì chàng nói:
– Phu nhân, cha mẹ đều gọi nàng là Y Y** hả?
– Vâng, nhưng không phải “Vạn Y Y” mà là “Nhất Nhất”, nghĩa là “ngàn dặm mới chọn được một” ấy. Lúc đầu cha định đặt tên ta là “Vạn Nhất” trong câu “ngàn dặm mới chọn được một trong một vạn” luôn ấy. Nhưng mẹ nói vậy thì tuỳ tiện quá, chỉ xét nghĩa “vạn nhất” thôi đã có ý không tốt rồi. Vì thế mới đổi thành chữ “Y” như hiện tại. Có điều tên thân mật thì vẫn gọi là “Nhất Nhất”.
Thẩm Tề hỏi tiếp:
– Tôi có thể gọi nàng là “Nhất Nhất” không?
Tôi ngẫm nghĩ, đáp:
– Được, nếu không có gì bất ngờ, chúng ta mãi là người một nhà. Chàng kêu ta là “Nhất Nhất” đi, kêu “phu nhân” hoài thấy buồn nôn quá.
Thật lâu sau Thẩm Tề mới khe khẽ đáp “được” một tiếng.
Trong lúc không nói chuyện, tôi đã ngủ thiếp đi.
7.
Vạn Y ngủ rồi nhưng Thẩm Tề vẫn chưa ngủ.
Đối với chàng, mấy chuyện hôm nay thật mới lạ.
Đầu tiên là lễ dâng trà hồi sáng. Vạn Bách và Vạn phu nhân, bây giờ chàng nên gọi là cha và mẹ, chẳng hề ra oai phủ đầu gì cả.
Sau đó đánh bài lá cũng vượt xa dự kiến của chàng. Rốt cuộc nói gian thần ở nhà đánh bài lá thì cũng chẳng ai tin.
Hơn nữa tình cảm của Vạn Bách và phu nhân cực kỳ tốt. Hiếm khi thấy đôi vợ chồng nhà quan nào ở kinh thành chung sống như vậy. Không có vợ bé nàng hầu cũng thôi, nhưng đàn ông lúc ở nhà mà bỏ được cái giá của kẻ làm quan như thế thì chẳng được mấy người, huống hồ lại là người làm tới chức quan lớn như Vạn Bách. Ngay cả cha chàng là nông dân mà ở nhà cũng không bỏ cái giá lão gia, để cho mẹ chàng phải hầu hạ ông đấy thôi.
Người nhà họ Vạn làm chàng thấy thật khác biệt. Bọn họ không hề có những quy củ nghiêm khắc, thậm chí quy củ ăn và ngủ không nói chuyện mà nhà nhà đều theo kia cũng không có. Nhưng bọn họ thật sự rất giống người một nhà, quan tâm yêu quý lẫn nhau. Ánh mắt nhìn nhau vô cùng ấm áp.
Hôm nay chàng đã quan sát kỹ ánh mắt của mỗi người. Ai nấy đều rất chân thành, dường như họ thật sự coi chàng là người một nhà vậy.
Chàng chưa từng trải nghiệm không khí như thế. Lúc trước, cha mẹ chàng làm nông vất vả, chàng vừa đi học vừa giúp đỡ cắt cỏ, làm việc vặt. Nhưng vợ chồng nghèo sầu trăm nẻo, cha mẹ chàng cũng chẳng có tình cảm mặn nồng gì. Mẹ chàng vừa làm ruộng vừa quán xuyến hết việc nhà, lo lắng chăm sóc cho chàng. Cha chàng rất ít khi để tâm đ ến hai mẹ con. Lúc chàng lớn hơn một chút, mẹ chàng lâm bệnh rồi qua đời. Không lâu sau đó, cha chàng cũng nhắm mắt xuôi tay. Vì thế chàng phải tự chăm sóc bản thân, coi như vậy mà trưởng thành.
Cùng người nhà quây quần dùng cơm đã là chuyện hồi nhỏ xíu xiu, chàng chẳng nhớ rõ nữa. Hôm nay lúc dùng bữa với mọi người, chàng thật sự hơi luống cuống. Không biết ăn cơm cùng người lớn có quy củ gì không, con cháu thì phải làm gì. Chàng thật sự không biết mấy cái đó, cũng từng trộm nghĩ là sẽ học thêm mấy thứ quy củ kia. Nhưng ở nhà họ Vạn chẳng có quy củ gì hết, chẳng hề có gì luôn.
Lúc dùng cơm, họ nói chuyện phiếm rồi trêu ghẹo nhau. Chàng cảm thấy khó có gia đình nào được như vậy, cũng chưa từng gặp được nhà nào như thế.
Vậy nên lúc nghe Vạn Y nói sau này bọn họ mãi là người một nhà, chàng mới ngẩn người ra.
Người một nhà.
Là người một nhà giống như hôm nay, cùng bọn họ chơi đùa vui vẻ, lại yêu thương lẫn nhau sao?
Sau này vẫn mãi như thế sao?
Chàng đột nhiên cảm thấy lúc trước mình đã đưa ra một lựa chọn vô cùng chính xác.
– —————————————-
*Nguyên văn: “叶子戏”(diệp tử hí) trò chơi đánh bài của người TQ xưa.
**Trong tiếng Trung, từ “漪 /y” trong tên nữ chính đọc là yī, đồng âm với từ “一 /nhất” cũng đọc là yī. Vì thế nam chính nghe cha mẹ nữ chính kêu nàng là “Nhất Nhất” lại tưởng là “Y Y”.