Chuyến Tàu Đêm Mộng Hà

Chương 24: First Love


Ống kính đã quay toàn bộ quá trình từ khi Lâu Ngữ xuống thuyền tới lúc lên bờ, phần bình luận như sắp nổ tung, có lẽ đây là cảnh hot nhất của livestream Chuyến tàu đêm.

“Mẹ kiếp, mặc dù chị đã về đích, nhưng sao xem tới cảnh cuối tôi lại khóc thế này.”

“Tôi cũng vậy, lúc chị Lâu khuỵu xuống, được Văn Tuyết Thời đỡ lấy, nước mắt tôi đột nhiên tuôn ra, lạ ghê.”

“Vừa nãy tôi còn thắc mắc tại sao anh ấy không ngồi mà lại đi xuống đứng gần biển, tới nỗi giày ướt sũng… Lẽ nào là vì có thể đỡ chị Lâu đầu tiên sao?”

“Thì nãy tôi mới bảo Sir Văn không phải người nhỏ mọn, anh ấy rất ga lăng.”

“Điều này nằm ngoài phạm vi của ga lăng rồi…”

“Tranh cãi mấy cái này làm quái gì, chi bằng cho chị của chúng ta một tràng pháo tay đi, giỏi quá đi mất!!”

“Giỏi thật, tôi tưởng chắc chắn cô ấy không kiên trì được tới cuối cơ.”

“Tung hoa, chị tôi là giỏi nhất, cho dù có thua cũng thua trong vinh quang.”

Chuyến tàu đêm đã kết thúc với nhiệm vụ tưởng như không hoàn thành nổi của Lâu Ngữ, toàn bộ top tìm kiếm đều liên quan tới cô, đè bẹp Hoàng Nhân Hoa xinh đẹp rạng ngời bước xuống du thuyền, bốn người còn lại càng không có gì để nói.

Nhân lúc đang hot, chương trình phát video chuẩn bị trước đó của Lâu Ngữ. Lúc này mọi người mới biết, thì ra trước khi livestream lên sóng, Lâu Ngữ đã lặng lẽ chèo thuyền một tiếng.

Nghe thì thấy 10km đường biển chỉ là một con số rất nhỏ, nhưng sau khi quy đổi thời gian, từ lúc rạng sáng tới khi tối om, mọi người mới biết chèo thuyền 10km khó tới mức nào.

Lúc này Lâu Ngữ đã gần như sống dở chết dở, nằm ngủ li bì trong khách sạn chương trình thuê. Lật Tử sợ hôm nay cô kiệt sức quá sẽ ốm, do vậy cô ấy đã ở trong phòng canh chừng cô luôn.

Lâu Ngữ ngủ rất say, không nằm mơ, không quay người, tay vẫn duy trì tư thế như được ai nắm lấy, lặng lẽ nắm chặt chăn lại.

Lật Tử ngồi một bên lướt điện thoại, lúc lúc sẽ ngẩng đầu lên xem cô, nhưng đều thấy gương mặt nhẹ nhõm, tươi cười của Lâu Ngữ.

Đó là nụ cười rất bình thường, nhưng lại khiến Lật Tử cảm thấy xa lạ.

Trong hai năm cô ấy đi theo Lâu Ngữ, cô ấy cho rằng mình đã chứng kiến mọi cảm xúc của Lâu Ngữ, chủ yếu là trạng thái khi làm việc và trong cuộc sống hàng ngày. Bình thường cô sẽ luôn yên tĩnh, mặt vô cảm, ban đầu Lật Tử còn tưởng là thói quen lạnh lùng của ngôi sao lớn, nhưng không phải như vậy.

Khi cô ấy vừa mới nhận công việc này, chẳng bao lâu sau Lâu Ngữ đã lấy được giải Nữ diễn viên truyền hình xuất sắc nhất. Đồng nghiệp nói cô ấy may mắn, gặp cấp trên giỏi như vậy, nếu muộn thêm chút nữa, công việc này sẽ không tới lượt cô ấy làm. Dù sao trước đó những nghệ sĩ cô ấy làm cùng đều chỉ là người kém tiếng, nào được phục vụ qua nghệ sĩ lớn như vậy.

Cô ấy luôn thấp thỏm không yên, sợ Lâu Ngữ chê bai mình làm không tốt, sau đó sẽ đuổi việc mình.

Phải biết rằng mấy ngôi sao kém tiếng trước đó đều coi cô ấy như người hầu để sai khiến, nhất là khi tâm trạng không tốt, họ sẽ chửi bới cô liên tục.

Vì vậy mà có một khoảng thời gian cô ấy vô cùng ức chế, cảm thấy cuộc đời không có gì ý nghĩa, lẽ nào mình thật sự kém cỏi như vậy sao? Ngay cả việc làm thùng rác, bảo mẫu cho người khác cũng không được.

Để bản thân thoải mái hơn, cô ấy tự nhủ, những mảnh đời lấp lánh kia chỉ cao hơn mình một bậc thôi, không sao cả.

Mãi cho tới khi làm việc cho Lâu Ngữ, cô ấy mới biết suy nghĩ của mình sai hoàn toàn.

“Tôi từng diễn rất nhiều vai diễn, những vai đó đều rất xuất sắc, nhưng tôi trong cuộc sống không giống như họ. Tôi chỉ là một người có rất nhiều tật xấu, mong cô bao dung và bỏ qua cho tôi.”

Đây là câu nói Lâu Ngữ nói với cô ấy vào ngày đầu tiên đi làm.

Người có thể nhận ra bản thân có tật xấu sao có thể có tật xấu gì được. Ít nhất cô chưa bao giờ sai khiến cô ấy như người hầu, có lúc Lật Tử còn cảm thấy mình và cô là bạn bè.

Lâu Ngữ là một người không để lộ ra sơ hở nào.

Cô kiểm soát cảm xúc của mình tốt tới đáng sợ. Chỉ có một lần duy nhất, đó là lúc Lật Tử vừa đi làm, cô ấy đã vô tình bắt gặp Lâu Ngữ bất thường trong phòng trang điểm ở cánh gà lễ trao giải.

Cô ấy đẩy cửa đi vào, Lâu Ngữ đang cúi đầu xem điện thoại, khi cô ngẩng mặt lên, đôi mắt đã đỏ hoe.

Rõ ràng người này vừa lấy được giải Nữ diễn viên truyền hình xuất sắc nhất, hào quang bao quanh người, nhưng gương mặt lại vô cùng cô đơn.

Lâu Ngữ thấy cô ấy đi vào thì lập tức lấy bông tẩy trang lau khóe mắt, lẩm bẩm như ngày thường: “Dầu tẩy trang này cay quá.”

Cô ấy không hiểu tạo sao cô lại phải kiềm chế cảm xúc của mình như vậy. Nhưng về sau theo Lâu Ngữ tới phim trường, cô ấy đã hiểu ra. Lâu Ngữ không cố tình làm vậy, bởi lẽ khi quay phim cô đã tiêu hao quá nhiều cảm xúc.

Cảnh quay một đoạn cảm xúc suy sụp lặp đi lặp lại bao nhiêu lần, cứ mỗi lúc tiếng “action” vang lên là phải rơi nước mắt, gào thét đau cả cổ họng. Sau khi dặm lại lớp trang điểm xong lại bắt đầu cảnh thứ hai, mắt mũi trên mặt như muốn bay đi hết.

Lật Tử từng nghĩ nếu bản thân phải làm như vậy, có lẽ tâm thần cô sẽ phân liệt mất.

Vì vậy trong cuộc sống hàng ngày, Lâu Ngữ luôn bật chế độ tiết kiệm điện, dồn mọi cảm xúc vào phim trường.

Cuối cùng Lật Tử đã hiểu ra, mặc dù mình từng thấy cô vui vẻ, nhưng đó chỉ là cảm xúc thuộc về vai diễn. Còn nụ cười của Lâu Ngữ thì sao? Cô ấy chưa từng nhìn thấy, do vậy giờ mới thấy xa lạ.

Thì ra khi cô thật sự cười lên trông sẽ như vậy, bình tĩnh tới mức khiến người ta gợn buồn. Có lẽ vì đã quen với việc kìm nén quá nhiều, cho nên khi vui cũng chỉ lặng lẽ tới vậy.

Cô nằm mơ thấy chuyện vui sao?

Lật Tử không khỏi tò mò, Lâu Ngữ là ngôi sao lớn thành công như vậy, cô sẽ vui như thế vì chuyện gì?

***

Lâu Ngữ trong cơn mơ vui như vậy là vì cô đã mơ thấy chuyện 10 năm trước.

Khi đó còn cách ngày làm ngôi sao lớn rất xa, cô vẫn còn làm thế thân trong đoàn phim Câu thơ ngày hôm qua, tới quay phim ở thị trấn Avignon xa xôi. Lần đầu tiên trong đời cô được ra nước ngoài, trong lúc mọi người đang quay, cô lén chuồn đi mua kem ăn. Chỉ một que kem bình thường nhưng đã có thể khiến cô vui không ngớt.

Ngưỡng cửa của hạnh phúc hạ xuống rất thấp vì sự mới mẻ, với cô, mỗi ngày sống ở Avignon đều là ngày vui, ngoại trừ ngày cuối cùng.

Cảnh quay ở đây là cảnh cuối cùng của đoàn làm phim, quãng thời gian nghe có vẻ dài đằng đẵng đã sắp kết thúc. Nhìn bốn chữ Đóng may may mắn viết trên bảng thông báo, Lâu Ngữ chợt có cảm giác phức tạp, vừa thấy như được giải thoát, lại không nỡ kết thúc mọi chuyện.

Tựa như lễ tốt nghiệp trong thời học sinh khô khan, trong lễ tốt nghiệp đó, có người mà cô không nỡ rời xa, đó chính là “bạn cùng bàn” ngồi đối diện cô.

Lần có cảm giác không nỡ như vậy trước đó là vào lễ tốt nghiệp cấp hai. Cô thầm yêu cậu bạn ngồi chếch phía trước, nhưng có lẽ đối phương không nhớ cô là ai.

Không thể trách cậu ấy được. Ngoại trừ việc phải mặc đồng phục tới trường trong lễ thượng cờ vào thứ hai đầu tuần, những ngày khác học sinh của trường cô có thể mặc quần áo mình thích. Thế là rất nhiều bạn nữ ăn mặc thời thượng, phô ra vẻ ngoài xinh đẹp của mình, chỉ có cô là một tuần năm ngày đi học luôn mặc đồng phục.

Cô cũng muốn ăn mặc xinh đẹp, nhưng lúc đó bố mẹ đã ly hôn, cô chuyển tới sống với ông bà ngoại. Ông ngoại là nông dân, vì vậy cô không có nhiều tiền tiêu vặt, càng không nói tới việc có tiền mua quần áo mới.

Tới lúc bắt buộc phải giặt đồng phục, cô đã mặc áo len bà ngoại đan cho mình. Các mũi đan đều rất tỉ mỉ, nhưng áo lại có màu rượu đỏ sẫm quê mùa. Sau khi cô mặc nó đến trường thì bị mọi người trêu đùa là bà cụ non nhà quê.

Khi đó, người giải vây cho cô là cậu bạn đó.

Tới giờ cô đã quên dáng vẻ cậu ấy, nhưng vẫn nhớ rõ cậu ấy ném bóng rổ qua, đập vào đám người đang cười đùa, hét, các cậu mới quê mùa ấy, đây gọi là đồ cổ trang.

Khoảnh khắc cô thầm thích ai đó luôn là như vậy.

Cho dù đối phương chỉ tiện tay giải vây cho, nhưng cô sẽ càng bị cuốn hút bởi sự tự nhiên ấy.

Về sau, cô bắt gặp cậu ấy và cô gái mình thích đang ở trong tiệm tạp hóa. Cậu ấy căng thẳng mời cô gái ăn kẹo, không còn dáng vẻ thoải mái như lúc giải vây cho cô. Cô gái cậu ấy thích mặc váy xòe, áo len sợi màu vàng nhạt, trông vô cùng xinh đẹp.

Từ đó về sau, cô không còn mặc chiếc áo len có màu đỏ rượu đó nữa, cất gọn nó vào chỗ sâu nhất trong tủ.

Có lẽ bà ngoại nhìn ra sự ghét bỏ của cô nên cũng không kiên quyết đan áo cho cô nữa. Nhưng vào một sáng sớm đi học nào đó, bà ngoại đã gọi cô ra, sau đó nhét một xấp tiền dày vào túi áo cô.

Bà xoa đầu cô, run rẩy nói: “Tiểu Lâu, đi mua quần áo mình thích đi.”

Về sau cô mới biết, mặc dù số tiền đó không nhiều, nhưng nó là số tiền mà bà ngoại phải đan rất nhiều khăn len, mang ra ngoài đường bán vào lúc cô đi học.

Trước đây làm gì có mã QR, phải liên tục tìm tiền lẻ trả lại cho khách. Để tiện hơn, bà ngoại đã đeo găng tay hở đầu ngón tay, vào mùa đông đó, đầu ngón tay bà đã bị lạnh cóng.

Lâu Ngữ vô tình phát hiện mọi chuyện nhờ những vết chai vì lạnh ấy.

Cũng may cô không nỡ tiêu số tiền đó, do vậy cô đã cầm nó đi mua một đôi găng tay giữ ấm cho bà ngoại. Bà ngoại nhận lấy món quà, ngoài miệng nói cô phí tiền, sao phải mua cho bà làm gì, bà có thể tự đan cho mình, nhưng cứ tới ngày đông giá rét là bà sẽ cẩn thận đeo nó lên tay. Còn cô cũng lấy chiếc áo len màu đỏ rượu trong tủ ra, mặc nó tới trường thay đồng phục.

Đó là toàn bộ thanh xuân ảm đạm của cô.

Không có mối tình đầu ngọt ngào, tất cả chỉ giống như nhật ký đẫm nước mắt. Ở những trang cuối cùng, cô cố gắng tạo ra chút điểm nhấn cho thanh xuân của bản thân. Vào ngày chụp ảnh tốt nghiệp, cô đã lén đứng gần cậu bạn đó nhất.

Vì vậy khi chụp ảnh tập thể vào ngày đóng máy bộ phim Câu thơ ngày hôm qua, cô cũng dùng cách tương tự như thế, lén đổi chỗ tới cạnh Văn Tuyết Thời.

Văn Tuyết Thời rất cao nên bị xếp xuống cuối cùng, mà với chiều cao của cô, muốn đứng cạnh anh thì chắc chắn sẽ bị người phía trước che mất.

Cô không quan tâm tới điều đó, chỉ muốn đứng cạnh anh.

Kết quả khi có ảnh, Văn Tuyết Thời cười cô nắc nẻ: “Cô đứng ở đâu thế? Đầu cũng không thấy đâu luôn.”

Cô thỏa mãn cười trộm: “Chẳng sao cả.”

Cô vụng về khi ấy còn chưa nhận ra, tại sao anh lại phát hiện ra chuyện cô bị che mất ngay đầu tiên.

Đoàn làm phim không có bữa tiệc ăn mừng đóng máy. Một là vì ngân sách cạn kiệt, hai là bao nhà hàng ở nước ngoài quá đắt. Nhà sản xuất đã tặng mỗi người một bao lì xì cho xong chuyện.

Văn Tuyết Thời cầm lì xì nhìn cô, hỏi, có muốn ra ngoài ăn bữa cơm đóng máy của riêng chúng ta không? Cô cầu còn chẳng được, nhưng ngoài mặt vẫn bình tĩnh gật đầu nói được.

Văn Tuyết Thời nhìn cô, ánh mắt nhuốm ý cười.

Lần này thời gian còn rất nhiều, họ không rơi vào bước đường phải ăn Mcdonald nữa. Sau khi lựa chọn kỹ càng, họ đã tìm một nhà hàng đầu phố, đối diện với một nhà thờ nhỏ, bên cạnh còn có vòng quay ngựa gỗ.

Họ lấy lì xì nhà sản xuất tặng ra, cùng nhau gọi một phần bít tết, một cái bánh chuối, sau đó cùng nhau thưởng thức. Ngoài ra họ còn gọi hai ly rượu, cô không hiểu tên rượu viết trên menu, nên chỉ gọi bừa. Sau khi nhân viên mang rượu lên, cô giả vờ nhấp một ngụm nhỏ, mặt lập tức nhăn lại.

Anh nhìn vẻ mặt của cô thì vui thích thú.

“Cô gọi rượu gì thế?”

Cô lắp bắp: “Tôi cũng không biết.”

Anh bâng quơ hỏi: “Cô có để ý không?”

Cô đáp không, anh bèn đưa tay cầm lấy ly rượu cô cô, uống một ngụm.

Vị trí anh uống cạnh chỗ cô vừa nhấp môi, hai đôi môi khẽ chạm vào nhau.

“Là rượu làm từ quả bách xù, có vị cay.” Anh đẩy ly rượu của mình tới trước mặt cô: “Cô nhớ sau này đừng gọi loại này, nó mạnh lắm đấy, uống của tôi đi.”

Cô gật đầu: “Anh hiểu về rượu thế nhỉ.”

Nhưng nhìn anh lại không giống người hay uống rượu, vào ngày sinh nhật phó đạo diễn, anh cũng không uống nhiều.

Văn Tuyết Thời thoải mái đáp: “Tôi còn biết pha chế rượu nữa.” Anh bày ra tư thế như một bartender thực thụ: “Khi còn học đại học tôi có làm thêm ở quán bar để kiếm chút tiền sinh hoạt.”

“Lương cao không? Tôi cũng từng đi làm thêm, nhưng là chụp ảnh cho người ta, lương không ổn định lắm.”

Từ đây họ bắt đầu nói tới thời đại học của mình. Văn Tuyết Thời tốt nghiệp một trường nghệ thuật có tiếng, từng có tranh chấp khó giải quyết với học viện của cô. Nhưng ai quan tâm chứ, ít nhất lúc này sinh viên tốt nghiệp từ hai trường đối đầu đang ngồi cạnh nhau, cùng nhau nói về giáo viên môn Diễn xuất khi đó của họ.

Lâu Ngữ chống cằm: “Nói ra khi đó anh cũng thi vào trường bằng chính sức mình nhỉ?”

“Đúng vậy, nhưng chủ nhiệm từng khuyên tôi, nói khả năng đỗ rất thấp.”

“Giáo viên của tôi cũng như vậy…”

“Cô cũng gặp phải chuyện đó hả?”

“Ừ, bởi vì khi đó tôi có thể thi vào trường đại học ổn, nhưng tôi đã chuyển sang thi nghệ thuật. Nhưng giáo viên không muốn mất đi một suất vào đại học tốt, điều đó có nghĩa là tiền thưởng và tỉ lệ đỗ trường tốt của bà ấy sẽ thấp đi. Một hôm nọ, bà ấy gọi tôi tới văn phòng, tôi tới đó xem, ngoại trừ bà ấy ra, còn có giáo viên những bộ môn khác, họ vây quanh tôi, làm công tác tư tưởng cho tôi.” Lâu Ngữ nhớ lại chuyện xưa cũ mà không khỏi bật cười: “Cảnh tượng đấy rất giống một nhóm huấn luyện viên phòng gym đi phát tờ rơi.”

Văn Tuyết Thời cũng cười theo.

“Bà ấy thấy không nói được tôi nên đã gọi thẳng cho mẹ tôi.” Lâu Ngữ vẫn mỉm cười, nhưng khóe miệng lại bất giác trùng xuống: “Lâu lắm rồi tôi với mẹ mới ăn với nhau một bữa, hiển nhiên bà ấy cũng phản đối tôi thi nghệ thuật.”

“Lâu lắm?”

Lâu Ngữ bình tĩnh đáp: “Bà ấy và bố tôi đã ly hôn, hai người đều có gia đình của riêng mình. Tôi sống với ông bà ngoại.”

Văn Tuyết Thời mím môi, dường như thấy áy náy khi động tới vết thương của người khác.

Lâu Ngữ không cần lời an ủi nào từ anh, bởi lẽ đối với cô, vết thương này đã kết vảy từ lâu, cô chỉ xua tay, nói về chủ đề chính.

“Ăn xong bữa cơm đó, tôi đã hoài nghi có phải mình sai thật rồi không. Bởi vì mọi người đều phản đối tôi, thế là năm đó tôi không đi thi nghệ thuật nữa.”

Văn Tuyết Thời nhíu mày: “Đáng tiếc quá.”

Lâu Ngữ xoa đầu: “Khi đó mẹ tôi có nói một câu trúng tim đen của tôi. Bà nói tôi nên suy nghĩ cho ông bà ngoại, có công việc ổn định thì có thể giúp ông bà dưỡng già. Cuối cùng khi điền nguyện vọng, tôi đã điền vào trường sư phạm mà họ muốn, nhưng tôi không cam tâm.”

“Như này khó chọn thật.”

Văn Tuyết Thời là người lắng nghe giỏi, anh không xen vào, cũng không chỉ ngồi im nghe, anh sẽ đưa ra sự đồng cảm và phản hồi trước cảm xúc của người nói. Điều này khiến cô vốn dĩ chỉ muốn nói đôi chút biến thành kể ra rất nhiều chuyện.

“Đúng vậy. Về sau ông bà ngoại cũng biết chuyện này. Bà ngoại gọi tôi qua một chỗ, bà không được học nhiều, không nói được mấy đạo lí đao to búa lớn, chỉ lắp bắp nói với tôi, Tiểu Lâu à, con cứ tới nơi con muốn tới, nếu không bà ngoại sao nhắm mắt được.”

Cô bắt chước lại giọng điệu của bà, dường như người ngồi phía trước Văn Tuyết Thời là một bà lão thật. Một bà lão không biết chữ, mang theo niềm tin mù quáng, ủng hộ giấc mộng hoang đường của cô cháu gái nhỏ.

“Vậy nên năm đó tôi đã thi lại vào trường nghệ thuật, điền nguyện vọng mình muốn nhất, đi trên con đường hiện tại. Mặc dù bây giờ… Nhưng ngày thi năm đó thật sự là ngày vui nhất trong đời tôi, không chỉ vì tôi cảm thấy mình đã tới gần giấc mơ hơn, mà còn vì tôi không để hai người duy nhất ủng hộ tôi thất vọng.”

Văn Tuyết Thời giơ ly rượu về phía cô, khẽ chạm nhẹ vào ly của cô.

“Lần trước cô gọi điện cho họ đúng không? Họ biết cô đã được đóng phim chắc sẽ càng vui hơn.”

Lâu Ngữ cúi đầu, khẽ “ừm” một tiếng.

Bữa cơm này diễn ra rất chậm, họ tiếp tục nói về quá khứ, về đồ ăn, về Avignon, nhưng không hề nhắc tới ngày tháng sau lễ đóng máy. Dường như đây là một ngày quay phim rất đỗi bình thường, hôm sau họ vẫn sẽ gặp nhau.

Lâu Ngữ nhìn đồng hồ, thầm nghĩ mấy tiếng nữa họ còn có thể cùng nhau ăn cơm, nói chuyện như này không?

Chắc là không.

Ăn được một nửa bít tết thì nó đã chẳng còn thơm ngon gì nữa, Văn Tuyết Thời thấy cô trầm ngâm hồi lâu bèn hỏi: “Không ngon sao?”

Cô che giấu vẻ mặt thất vọng: “Hơi chín thì phải, chắc chín 5 phần sẽ ngon hơn…”

Xin lỗi đầu bếp vì đã lấy anh ra làm bia đỡ đạn.

Lâu Ngữ thầm xin lỗi.

Cứ như vậy, họ đã nói tới tận khi nhà hàng đóng cửa.

Hai người đi ra ngoài, vốn dĩ nên đi theo con đường đá cũ để quay về, nhưng Văn Tuyết Thời lại đi nhầm hướng. Lâu Ngữ nhận ra điều này, cô nhìn sang chỗ khác, không nhắc anh.

Anh dẫn cô đi được một đoạn dài thì thấy xung quanh đột nhiên có vòi phun nước và nhà thờ cổ kính, tới giờ anh mới biết mình đi sai đường: “Toi rồi, chúng ta đi nhầm đường rồi sao?”

Cô chột dạ cúi đầu, xoa cổ: “Ừm, hình như là vậy.”

Nói dối cũng rõ rệt như vậy.

Văn Tuyết Thời nhìn cô, không nói gì, chỉ khẽ cười.

Họ muốn tìm đường quay về cũ, nhưng lại lạc trong con ngõ ngoằn ngoèo, rẽ vào một ngõ tối, rồi lại đi qua ngõ, quanh đi quẩn lại, cuối cùng họ đã nhìn thấy quảng trường rộng lớn. Chính giữa quảng trường vang lên tiếng piano, khi họ tới gần, nghệ sĩ đường phố đó đã bắt đầu dọn hàng.

Lâu Ngữ liếc nhìn, dùng tiếng Pháp bập bẹ nói với đối phương mấy câu, đối phương lập tức cười vẫy tay với cô.

Văn Tuyết Thời ngây ngốc: “Cô còn biết tiếng Pháp ư?”

“Đâu có, câu nói vừa nãy là câu hai hôm trước tôi dùng Google dịch dịch đấy.” Lâu Ngữ ngượng ngùng: “Không phải hôm nọ quay phim cả ngày trên đường sao, tôi cũng chẳng có gì làm nên đã đi ra ngoài một lúc, phát hiện ở ngoài đường có rất nhiều ca sĩ như vậy. Tôi liền nghĩ nếu có cơ hội có thể động viên họ một chút thì tốt, vậy nên đã học cụm từ này, nó có nghĩa là hay lắm.”

Anh sững sờ, sau đó cười quay đầu lại.

Cô nghe thấy anh loáng thoáng nói, ừm, có thể biểu đạt rất tốt rồi.

Cái gì? Anh đang châm biếm cô trước đây nói năng lộn xộn sao?

Hai người đi dạo xung quanh một vòng, cuối cùng đã quay về bến xe cũ ở Avignon.

Sắp tới nửa đêm, tàu hỏa đã ngừng chạy, trong nhà ga không một bóng người.

Văn Tuyết Thời thò đầu nhìn vào bên trong, đề nghị: “Chúng ta vào trong xem nhé?”

Nhà ga của thị trấn tại châu Âu vô cùng nhỏ, bên ngoài lối vào còn có một cây đàn piano đen trắng.

Văn Tuyết Thời kéo ghế ra, khi cô ngó nhìn xung quanh, chợt nghe thấy tiếng đàn du dương. Anh đàn lại những giai điệu người nghệ sĩ ban nãy chơi.

Lâu Ngữ trợn tròn mắt: “Anh còn biết chơi đàn sao?”

“Ừm, cũng vừa mới học thôi.”

Anh cố tình bắt chước giọng điệu vừa rồi của cô, Lâu Ngữ lườm anh một cái.

Anh cười nói: “Không đùa nữa, tôi học từ nhỏ rồi.”

Thảo nào, thảo nào tay anh có vết chai. Lâu Ngữ lập tức nhớ tới lúc anh nắm lấy tay cô khi chụp poster, rồi lại nhớ tới sự tiếp xúc ấy.

Cô ngượng ngùng xoa ngón tay, cố tỏ ra điềm tĩnh khen ngợi: “Từ nhỏ đã học thì chắc anh giỏi lắm.”

“Bình thường, lâu lắm tôi không đàn rồi. Trước đây bài tôi đàn nhiều nhất là một bài trong album.” Nói xong anh chợt im lặng hồi lâu, rồi đột nhiên hỏi cô: “Cô muốn nghe không?”

Cô vội gật đầu, lập tức bày ra tư thế rửa tai lắng nghe.

Anh đặt ngón tay lên phím đàn: “Vậy cô nghe kỹ nhé, tôi đàn cho cô đấy.”

Phím đầu tiên được ấn xuống, âm nhạc du dương như nước chảy lan ra khắp nhà ga tối tăm, cũng lấp kín hơi thở của cô.

Thứ ngón tay anh ấn nào phải phím đàn, rõ ràng anh đã ấn vỡ từng khớp xương trên người cô. Lộp bộp lộp bộp, cô sắp không đứng thẳng được nữa rồi.

Bản nhạc kết thúc, anh đứng dậy, dựa vào đàn, hỏi cô: “Hay không?”

Lâu Ngữ rất muốn khen anh thật nhiều, nhưng cuối cùng chỉ giơ ngón cái với anh. Trước âm nhạc làm xao xuyến lòng người, ngôn từ đã mất đi âm sắc. Cô nghĩ, với trình độ này của anh, cho dù không làm diễn viên cũng có thể làm nghệ sĩ dương cầm.

“Thật ra…” Anh kéo dài giọng: “Bài tôi vừa đàn không phải bài trong album, mà là bài tôi ngẫu hứng sáng tác.”

Cô nuốt nước bọt, vị cay của rượu quả bách xù lại xộc lên.

“Anh giỏi quá đi mất, tôi nói thật đấy.”

“Vậy sao, coi như không uổng công tôi đàn cho cô nghe rồi.” Nghe thấy lời khen, anh cười tít mắt lại: “Khi đàn tôi còn chưa nghĩ ra tên cho nó, nhưng bây giờ tôi nghĩ ra rồi.”

“Tên là gì?”

Ánh trăng mon men len qua cửa kính, chiếu rọi gò má anh.

Anh nhìn cô, khẽ nói: “First love, tình đầu.”


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận