Cô Dâu Bé Nhỏ

Chương 3


Thực khó hiểu được tại sao một chàng trai có văn hóa và học vấn cao như Apơcbô lại háo hức đến thế, muốn phô trương hết giá trị của mình với một cô bé nhà quê. Nếu như do sự dốt nát đáng thương hại, cô bé coi anh chàng Apơcbô thông thái chẳng đáng kể vào đâu mà đi chọn chú bé khốn khổ, ngu dại Rakan làm bạn thì phỏng có hại gì kia chứ? Tại sao anh lại muốn nói cho cô ta biết là anh vẫn thường viết bài điểm sách đăng trên tờ nguyệt san Visvađip và hiện đang có một tập bản thảo khá đồ sộ để dưới đáy hòm cùng với mấy lọ nước hoa, một tập giấy màu sang trọng để viết thư, mấy cuốn sách tự học đàn acmônium? Tập bản thảo ấy chỉ đợi có dịp là được xuất bản. Song tự an ủi đâu phải việc dễ dàng mà Apơcbô Kritxna thì đâu có sẵn sàng chịu nhận thất bại trước cô bé nhà quê tính khí thất thường ấy.

Đến tối, bà mẹ hỏi anh: “Thế nào, con có ưng cô dâu mẹ kén cho không?”.

Apơcbô hơi ngập ngừng đáp: “Vâng, con thích một cô trong đám thiếu nữ!”. “Một cô trong đám thiếu nữ”, bà mẹ ngạc nhiên kêu lên “Anh nói thế nghĩa là thế nào?”.

Bà cố gắng hỏi đi hỏi lại mãi mới phát hiện ra là con trai đã chọn Mrinmayi làm ý trung nhân. Một thanh niên có học vấn như anh lại chọn thế thì kỳ thật!

Lúc đầu, Apơcbô rất mắc cỡ, nhưng về sau, khi hiểu ra rằng mẹ anh chống lại dự định của anh đến cùng thì anh gạt đi hết nỗi xấu hổ và quả quyết nói: “Thưa mẹ, con sẽ không lấy ai ngoài Mrinmayi”. Càng nghĩ đến cái cô kia ngồi im sững sờ như tượng Apơcbô càng gớm cái ý đồ hôn nhân ấy.

Sau đó là một cuộc đấu tranh trường kỳ giữa bà mẹ và cậu con trai, rốt cuộc, Apơcbô đã thắng. Bà mẹ tự nhủ Mrinmayi cũng không đến nỗi hoàn toàn không thể tiến bộ được. Bà bắt đầu hiểu ra gương mặt cô gái có cái duyên thầm riêng biệt, nhưng chỉ một phút sau, bà lại hình dung thấy cái đầu cắt tóc ngắn của cô và lại thấy gớm ghét. Song, bà cũng thừa nhận là mái tóc còn biết điều hơn bản tính con người.

Lễ đính hôn được tiến hành.

Cha của Mrinmayi, bác Itxhan Mazunđa, nhận được tin có người dạm hỏi con gái. Bác là nhân viên của một công ty tàu thuỷ ở tỉnh xa trên sông. Bác bận rộn suốt ngày nào bán vé cho hành khách, nào xếp dỡ hàng. Bác Itxhan Mazunđa ở trong một túp lều mái lợp tôn uốn. Nhận được thư báo tin bác ứa nước mắt. Nỗi xúc động ấy gồm bao nhiêu phần vui, bao nhiêu phần buồn, thực khó mà nói được.

Bác Itxhan làm đơn gửi lên văn phòng chính ở Cancơta xin phép nghỉ. Dưới con mắt lão người Anh giám đốc công ty, lý do cưới con gái không đủ để được phép nghỉ, do đó đơn của bác không được chấp nhận. Bác liền viết thư về nhà yêu cầu lui ngày cưới lại đến kỳ nghỉ thu sắp tới. Nhưng bà mẹ chú rể trả lời năm nay ngày lành lại rơi đúng vào tuần cuối tháng này, nên không thể đợi được.

Thành thử Bác Itxhan đành cứ tiếp tục bán vé và coi xếp dỡ hàng cho các tàu buôn, lòng nặng trĩu vì yêu cầu của bác bị cả phía bác bỏ.

Sau đó mẹ của Mrinmayi và tất cả các bà mẹ trong làng bắt đầu giảng giải cho cô nghe về bổn phận sau này của một người phụ nữ tề gia nội trợ. Người ta răn bảo cô không được ham chơi, không được chạy nhảy ầm ầm, không được cười đùa ầm ĩ, không được đàn đúm với bọn con trai, không được vô tâm quên mọi phép tắc khi ăn, những thiếu sót này nhà chồng sẽ không tha thứ. Các bà đã hoàn toàn thành công việc làm cho cô gái thấy cuộc đời người phụ nữ có chồng là một sự trói buộc, chặt chẽ khủng khiếp và Mrinmayi nhận lời cầu hôn như người ta nhận một án tù chung thân với cuối cùng là xử giảo.

Như con ngựa non nhát sợ cô gái lồng lên nói: “Tôi không muốn lấy chồng!”.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận