Lại thêm một năm mới đến.
Ta càng thêm lười biếng, cuộn mình trong chăn, trời bên ngoài vẫn còn lạnh. Dù sao cũng là ngày nghỉ, cứ nằm thế này nghỉ ngơi thôi.
“Phu nhân,” Bùi Lệ đã dậy từ sớm, ngồi bên bàn đọc sách, thỉnh thoảng kéo ta dậy, “ngoài kia cảnh đẹp lắm, phu nhân không dậy ngắm một chút sao?”
“Chàng đừng quấy rầy ta.” Ta trở mình, kéo chăn trùm kín đầu, ra vẻ nhất quyết không động đậy.
Bùi Lệ nhìn ta một lúc, rồi im lặng để ta yên.
Khi ta dậy, hắn đã ngồi cạnh giường chẳng biết bao lâu rồi.
Ra khỏi cửa viện, hắn khoác cho ta một chiếc áo choàng, nói rằng bên ngoài còn lạnh.
Ta đá chân vào lớp tuyết mỏng dưới chân, để lại những dấu chân lộn xộn trên nền đất.
“Chỉ là những cảnh sắc thường ngày thôi,” đường đi phủ một lớp tuyết mỏng, tuyết chưa tan mà xuân đã về, “có gì hay mà ngắm chứ.”
“Phu nhân sai rồi, cảnh đông hôm qua thấy là cảnh hôm qua, cảnh xuân hôm nay thấy là cảnh hôm nay, sao giống nhau được?”
Ta ngẩng lên nhìn trời, nhìn đất, rồi nhìn hắn.
“Trước khi nghỉ Tết, ta giảng thơ cho lũ học trò, giảng đủ thứ, nào là ‘Nhà nhà đón nắng mai, thay đào thắm, đổi câu chúc mới’; rồi nào là ‘Quét sạch nhà tranh, gạt bụi trần, đốt nén hương thơm bái trời cao. Vạn vật chào xuân, tiễn năm cũ, đêm nay khép lại một năm dài.’ Rồi chúng hỏi ta, hồi bé ta đón năm mới như thế nào.”
Bùi Lệ nghiêng đầu: “Thế nàng trả lời ra sao?”
“Ta nói năm mới cũng chỉ có vậy thôi, mặc đồ mới, nhận quà, nghe không ít lời chúc mà cũng chẳng thấy có gì thú vị. Trải qua vài lần rồi cũng chán. Nhưng mà có một năm…”
Năm ấy, ta mười một tuổi, Cố Kinh Thước cũng mười một.
Tiểu nương cắt cho ta một chiếc áo mới, tay nghề thêu thùa của bà quả thực tinh xảo, những bông hoa đủ màu sắc nở rộ trên áo, khiến ta trông rực rỡ, dễ thương vô cùng.
Cố Kinh Thước cũng rất thích, nhờ ta xin tiểu nương may cho nàng một chiếc tương tự, nhưng tiểu nương lại đáp: “Ôi chao, tiểu thư nhà ta quý giá lắm, muốn gì thì đi tìm đại phu nhân, đại phu nhân nhiều tiền, muốn gì thì bảo bà ấy mua cho thôi.”
Ta không nhận ra giọng điệu tiểu nương đầy ẩn ý, chỉ thấy vẻ mặt thất vọng của Cố Kinh Thước.
Buổi tối hôm đó, tiệc tất niên của gia đình không có tiểu nương, bà không đủ tư cách ngồi chung bàn, nên chúng ta quây quần náo nhiệt, còn bà chỉ ở trong phòng riêng của mình.
Đêm ấy, ta nằm trằn trọc không ngủ được, liền ngồi dậy, khoác áo, mang theo chiếc áo mới.
Ta đi đến phòng của Cố Kinh Thước.
Thấy ta đứng ở cửa, nàng giật mình hỏi, giọng run run: “Là tỷ tỷ hay là…”
“Ta là Hoài Chi.”
Chốc lát sau, ta ngồi khoanh chân trên giường của nàng, đặt chiếc áo mới vào tay nàng: “Muội mau mặc đi, chỉ được mặc một đêm thôi, nếu không tiểu nương sẽ giận đấy.”
Cố Kinh Thước ngơ ngác nhận lấy: “Nhưng nào có ai mặc áo váy mới để ngủ đâu.”
“Nhưng ban ngày mặc mà bị tiểu nương biết thì bà sẽ giận đấy.”
“Nhưng mà…”
Hai đứa trẻ tóc còn để chỏm, trong đêm giao thừa, cứ thế tranh cãi mãi chỉ vì một bộ áo.
Cuối cùng, Cố Kinh Thước cũng nhường ta, mặc chiếc áo mới và chìm vào giấc ngủ.
Còn ta thì không ngủ được.
Người ngoài vẫn đồn rằng quan hệ giữa ta và Cố Kinh Thước xấu đến nhường nào, nhưng sự thật không phải vậy. Dù trong hậu viện có bao nhiêu mưu mô thủ đoạn, thì chỉ có ta nhìn thấy, còn Cố Kinh Thước thì không hề thấy.
Nàng hoặc là ở viện của mẫu thân nàng, hoặc là ở viện của tổ mẫu, những muội muội thứ xuất với nhiều toan tính đều không thể gặp mặt nàng, làm gì có cơ hội hãm hại nàng.
Hơn nữa, nếu có hại nàng thì cũng được gì đâu? Làm mất danh tiếng của nàng, thì các tiểu thư toàn tộc đều bị liên lụy; hại chec nàng, thì phải ngồi tù, mà nếu có may mắn thoát được thì con thứ cũng không thành được chính thất.
Ta thật không hiểu được lợi ích của việc đó là gì.
Tiểu nương không ưa nàng, chỉ vì nàng không phải là con ruột của bà, nhưng cũng không đến nỗi muốn hại nàng.
Theo ta, lấy lòng nàng mới là lựa chọn đúng đắn, vì chỉ cần vài lời của nàng trước mặt mẫu thân, hôn sự của ta có khi sẽ tốt đẹp hơn vài phần.
Khi trời tảng sáng, ta khẽ lay Cố Kinh Thước tỉnh dậy: “Muội mau trả lại áo cho ta, ta phải về ngay.”