Chủ nhật, 3 tháng Tư
Miriam Wu ở lại một giờ nữa với Modig. Đến cuối buổi thẩm vấn. Bublanski bước vào phòng, ngồi nghe không nói một lời. Miriam Wu lễ độ nhận ra ông nhưng vẫn chỉ nói tiếp với Modig.
Cuối cùng Modig ngước nhìn Bublanski. Hỏi ông còn hỏi gì nửa không. Bublanski lắc đầu.
– Tôi tuyên bố buổi thẩm vấn Miriam Wu kết thúc. Lúc này là 1 giờ 09 phút chiều.
Modig tắt máy ghi âm.
– Tôi biết là có một chuyện nhỏ với thanh tra hình sự Faste. – Bublanski nói.
– Ông ấy khó tập trung suy nghĩ. – Modig nói.
– Ông ấy ngu. – Miriam Wu bồi thêm.
– Thanh tra hình sự Faste thật sự đã làm nhiều việc hay nhưng tốt nhất có lẽ không nên chọn ông ta thẩm vấn phụ nữ trẻ. – Bublanski nói, nhìn vào mắt Miriam Wu. – Tôi không nên giao cho ông ấy việc này. Tôi xin lỗi.
Miriam Wu nom ngạc nhiên.
– Xin lỗi thì tôi nhận. Thoạt tiên tôi cũng không thân thiện tí nào cả với ông nữa đấy.
Bublanski phẩy tay.
– Tôi có thể hỏi cô vài cái vặt nữa không? Không mở máy ghi âm.
– Cứ hỏi.
– Càng nghe nói về Lisbeth Salander tôi càng rối đầu. Hình ảnh tôi hình dung được từ những người biết cô ấy với hình ảnh tôi lấy ra từ tư liệu của Sở Phúc lợi xã hội và các cơ sở điều trị tâm thần không giống nhau.
– Thế ư?
– Xin trả lời cho tôi vài câu thẳng thắn.
– Được.
– Theo kết luận của bản đánh giá tâm thần thì khi mười tám tuổi Salander bị trì độn trí tuệ.
– Nói bậy nói bạ. Salander chắc chắn thông minh hơn bất cứ ai mà tôi biết.
– Cô ấy không tốt nghiệp trường phổ thông và chả có ngay cả giấy chứng nhận biết đọc biết viết nữa.
– Lisbeth đọc và viết cả một đống giỏi hơn tôi. Cô ấy đôi khi ngồi nghí ngoáy viết công thức số học. Số học thuần túy ấy cơ. Tôi chả hiểu đầu cua tai nheo gì về loại toán ấy.
– Toán?
– Trò tiêu khiển riêng cô ấy chơi.
– Trò tiêu khiển riêng?
– Một số những kiểu phương trình gì đó. Tôi chả hiểu các biểu tượng có nghĩa là gì nữa cơ.
Bublanski thở dài.
– Sau khi cô ấy mười bảy tuổi, bị đưa từ Tantolunden đến, các cơ quan xã hội viết báo cáo nói cô ấy kiếm sống bằng bán dâm một dạo.
– Lisbeth là gái điếm? Cứt! Tôi không biết cô ấy làm gì nhưng thấy cô ấy làm việc ở cái công ty an ninh kia. Tôi không ngạc nhiên chút nào.
– Cô ấy làm gì để sống?
– Tôi không biết.
– Cô ấy có đồng tính ái nữ không?
– Không. Lisbeth làm tình với tôi nhưng như thế không có nghĩa là một đứa ô môi. Tôi nghĩ cô ấy cũng không biết thực chất tính dục của mình là gì nữa. Tôi đoán cô ấy cả đồng tính lẫn dị tính.
– Hai cô dùng còng tay và cái trò kia là ra làm sao? Phải chăng Salander thiên về bạo dâm hoặc cô thử tả cô ấy xem sao?
– Ông hiểu lầm tất cả các đồ chơi tính dục kia mất rồi. Chúng tôi đôi lúc có thể dùng còng tay để chơi trò sắm vai nhân vật nhưng cái ấy không dính gì đến bạo dâm hay bạo hành gì hết. Đấy là trò chơi vui.
– Cô ấy có hung bạo với cô không?
– Không. Trong cuộc chơi tôi luôn là đứa áp đặt.
– OK. Thế đủ rồi. Nhân thể tôi cử một người đến làm khóa mới cho. Anh ta sẽ ở đấy cho tới khi cô có ổ khóa mới.
Miriam Wu cười ngọt ngào.
Bất đồng quan trọng đầu tiên về cuộc điều tra là kết quả của buổi họp chiều vào
– Từ hôm thứ nhất chúng ta đã tập trung tất cả năng lượng vào việc tìm Lisbeth Salander. Cô ta hẳn hoi là nghi phạm đầu bảng – cái này dựa trên chứng cứ – nhưng hình ảnh chúng ta có về cô ta đều bị những ai biết cô ta phủ nhận hết. Armansky, Blomkvist rồi Miriam Wu đều phản đối hình ảnh cô ta là một kẻ tâm thần giết người. Qua đó tôi muốn chúng ta mở rộng suy nghĩ ra một chút, tính đến kẻ giết người thứ hai và khả năng Salander có thể có một tòng phạm hay đơn giản cô ta chỉ là có mặt khi súng nổ mà thôi.
Lời bình của Bublanski đã làm nổ ra một cuộc tranh luận dữ dội, trong đó ông bị Faste cũng như Bohman ở An ninh Milton phản đối mạnh nhất. Bohman nhắc nhóm điều tra rằng lời giải thích đơn giản nhất thường lại là lời giải thích đúng nhất.
– Dĩ nhiên có thể là Salander đã không hành động một mình nhưng chúng ta lại thiếu chứng cứ pháp y về bất cứ một kẻ tòng phạm nào.
– Chúng ta có thể cứ luôn luôn theo các đầu mối của Bublanski ở trong nội bộ cảnh sát. – Faste nói chua.
Trong tranh luận Bublanski được mỗi Modig ủng hộ. Andersson và Holmberg chỉ làm người quan sát trung lập và riêng biệt. Hedstrom ở Milton thì im như hến trong suốt buổi tranh luận. Cuối cùng công tố viên Ekstrom giơ tay.
– Bublanski, như tôi hiểu, thì ông không muốn loại Salander ra khỏi cuộc điều tra.
– Không, dĩ nhiên là không. Chúng ta có dấu tay cô ấy mà. Nhưng cho đến nay chúng ta không thấy được động cơ. Tôi muốn chúng ta nghĩ theo nhiều tuyến khác nhau. Có thể có nhiều người dính líu vào không? Có thể là vẫn có liên quan đến quyển sách về buôn bán tính dục mà Svensson viết kia không? Blomkvist chắc chắn đúng khi nói mấy người bị nêu tên trong quyển sách đã có một động cơ để giết.
– Ông định tiến hành như thế nào? – Ekstrom hỏi.
– Tôi muốn hai người bắt đầu nhìn đến các kẻ giết người ngoài Salander ra. Sonja và Niklas có thể làm cùng với nhau.
– Tôi á? – Hedstrom ngạc nhiên nói.
Bublanski chọn Hedstrom vì gã là người trẻ nhất ở đây và có vẻ có khả năng suy nghĩ độc lập.
– Anh sẽ làm việc với Modig. Đi sâu kỹ vào các cái chúng ta đã biết cho đến nay và cố tìm ra những gì chúng ta đã để sót. Faste, ông, Andersson và Bohman tiếp tục săn lùng Salander. Đấy là ưu tiên số một của chúng ta.
– Còn tôi làm gì? – Holmberg nói.
– Tập trung vào luật sư Bjurman. Khám xét lại nhà ông ta. Xem lại để phòng xa có thứ gì ta để sót. Hỏi gì nữa không?
Chả ai hỏi gì.
– OK. Chúng ta giữ kín việc Miriam Wu đã khai. Có thể cô ấy còn nói nữa với chúng ta, tôi không muốn báo đài nhảy bổ vào cô ấy.
Ekstrom đồng ý nên làm theo kế hoạch của Bublanski.
– Tốt. – Hedstrom nói, nhìn Modig. – Bà là thám tử, bà bảo tôi chúng ta sẽ làm gì?
Họ đang ở hành lang bên ngoài phòng họp.
– Tôi nghĩ chúng ta nên nói chuyện lần nữa với Blomkvist. – Chị nói. – Nhưng trước hết tôi phải bàn với Bublanski một vài việc. Ngày mai và Chủ nhật tôi nghỉ. Nghĩa là đến sáng thứ Hai chúng ta mới bắt đầu. Bỏ hai ngày cuối tuần ra xem kỹ lại tài liệu về vụ án.
Họ chia tay nhau. Modig đi vào buồng giấy Bublanski.
– Ông có rảnh một chút không? – Chị nói.
– Ngồi đi.
– Cáu với Faste quá, tôi sợ đã không giữ được bình tĩnh.
– Ông ấy nói cô đã thực sự bạt tai ông ấy.
– Ông ấy nói tôi muốn ở với Wu một mình vì tôi lên cơn với cô ấy.
– Tôi mong cô không nói với tôi câu ấy. Nhưng chắc chắn nói thế là coi như quấy rối tính dục rồi. Cô có muốn nộp đơn khiếu nại không?
– Tôi đã tát ông ấy. Thế là đủ rồi.
– Cô bị khiêu khích vượt quá sức chịu đựng.
– Quả có thế.
– Faste có vấn đề với các phụ nữ mạnh mẽ.
– Tôi thấy điều ấy.
– Cô là phụ nữ mạnh mẽ và là sĩ quan tốt.
– Cảm ơn.
– Nhưng tôi thích là cô không đánh ai trong cơ quan nữa.
– Tôi không như thế nữa đâu. Tôi không có cơ hội xem kỹ lại bàn làm việc của Svensson ở Millennium hôm nay.
– Chúng ta sẵn sàng miễn cái việc ấy. Hãy về nhà và thoải mái nghỉ cuối tuần.
Hedstrom dừng lại ở Ga Trung tâm, uống cà phê ở quán Café George. Gã cảm thấy thực sự nản. Cả tuần gã chờ tin Salander bị bắt. Nếu cô ta chống lại, may ra một chút thì có thể có một sĩ quan nào đó sẽ bắn cô ta. Đó là một ý hoắng có sức hấp dẫn.
Nhưng Salander vẫn tự do. Không chỉ thế mà Bublanski vẫn chập chờn với cái ý có thể cô ta không giết người. Không phải là một phát triển tích cực.
Dưới quyền Bohman đã đủ tồi tệ rồi – tay này là một trong những người đáng ớn nhất và ít tưởng tượng nhất ở Milton – nhưng nay Hedstrom đang làm phó cho thanh tra Modig và chị ta là người nghi vấn nhất vào Salander. Chị ta chắc là người có thể gieo hồ nghi vào đầu của Bublanski. Gã nghĩ liệu Sĩ quan Bong bóng nổi tiếng này đã có diễn một cái gì đó với con đĩ ấy không. Cái đó chả làm gã ngạc nhiên. Ông ta có vẻ như bị ả này úm. Trong các sĩ quan ở nhóm điều tra, chỉ có Faste còn có đủ độ lạnh để nghĩ sao nói vậy.
Hedstrom suy nghĩ lung. Sáng ấy gã và Bohman đã có một hội ý nhanh ở Milton với Armansky và Fraklund. Một tuần điều tra quay ra thành số không và Armansky thất vọng rằng không ai tìm ra nổi một bối cảnh nào khả dĩ làm cho sáng tỏ được các vụ án mạng. Fraklund gợi ý Milton nên nghĩ lại chủ trương tham gia – có những nhiệm vụ khác cấp thiết cho Bohman và Hedstrom hơn là đi làm không công cho cảnh sát.
Armansky quyết định Bohman và Hedstrom ở lại thêm một tuần nữa. Hết hạn đó mà không có kết quả thì sẽ lui quân.
Nói cách khác, cho đến lúc cánh cửa cho Hedstrom tham gia cuộc điều tra đóng sầm lại thì gã chỉ còn có một tuần. Gã không chắc mình sẽ làm gì đây.
Một lúc sau Hedstrom lấy di động ra gọi Tony Scala, một nhà báo tự do chuyên viết các cái ba láp có thật cho các tạp chí đàn ông. Hedstrom gặp ông ta vài ba lần. Gã bảo ông ta gã có dăm cái tin về cuộc điều tra mấy vụ án mạng ở Enskede. Scala cắn câu luôn: đây có thể là tin giật gân cho một tạp chí lớn. Họ hẹn nhau một giờ nữa đến uống cà phê ở quán Café Avena trên đường Kungsgatan.
Scala béo. Béo ra béo.
– Nếu ông muốn thông tin của tôi thì có hai tiền đề. – Hedstrom nói
– Oẹ ra.
– Thứ nhất không nói đến An ninh Milton trong bài báo. Vai trò của chúng tôi chỉ là cố vấn thôi.
– Tuy biết rằng Salander đã làm việc ở Milton thì vẫn cứ đáng là tin.
– Dẹp cái ấy đi mà nhồi lấy cái này này. – Hedstrom xua xua tay. – Đấy không phải là tin.
– Nếu ông nói thế.
– Thứ hai, ông phải cho bài báo nói vẹo nói vọ thế nào đó để nghe như là một phụ nữ xì ra thông tin này.
– Sao thế hả?
– Để tránh nghi ngờ vào tôi.
– Được. Vậy ông có cái gì?
– Cô bạn đồng tính ái nữ của Salander đã lộ diện.
– OK, tuyệt. Con ranh mà nó ký chuyển nhà ở Lundagatan cho đấy phải không? Cái con biến đi mất ấy hả?
– Miriam Wu. Cái này với ông có đáng cái gì không?
– Ông tin cái ấy thì tốt hơn. Cô ta ở đâu?
– Ở nước ngoài. Cô ấy nói chưa nghe nói đến các vụ án mạng.
– Cô ấy có bị nghi chút nào không?
– Không. Muốn gì thì vẫn chưa. Thẩm vấn cô ấy hôm nay rồi và đã thả ba giờ trước đây.
– Tôi hiểu. Ông có tin chuyện cô ấy không?
– Tôi nghĩ cô ấy nói dối hơn Cuội. Cô ấy có biết cái gì đó.
– Món này tuyệt, Niklas.
– Ông kiểm tra lấy nha. Chúng ta đây là đang nói đến một cô gái cùng vào S&M 1 với Salander.
– Ông biết đúng cái ấy là thật chứ?
– Khi thẩm vấn cô ấy nhận mà. Khi khám nhà chúng tôi tìm thấy còng tay, roi da, quần áo da và tất cả bộ sậu. Roi da thì hơi ngoa. Đúng, đây là toàn nói dối cả nhưng con đĩ Trung Quốc này thì chắc chắn là có chơi roi da chứ còn gì nữa.
– Ông đùa đấy ư? – Scala nói.
Paolo Roberto là người cuối cùng rời đi. Ông ăn chiều trong thư viện, đọc từng dòng những cái viết về chuyện lùng bắt Salander.
Đi ra đường Sveavagen ông thấy nản và bối rối. Và đói. Ông vào nhà McDonald’s, gọi burger rồi ngồi xuống một góc bàn.
Lisbeth Salander giết những ba mạng. Ông khó có thể tin chuyện đó. Không phải là cô gái kỳ lạ này. Nhưng ông làm được gì cho chuyện đó? Và nếu làm được thì làm gì?
Miriam Wu về Lundagatan bằng taxi, cô thong thả ghi nhận sự tàn phá của căn nhà cô mới trang trí. Tủ li, tủ quần áo, các hộp đựng đồ và các ngăn kéo bàn làm việc đều trống toang hoác. Có những vệt bột lấy dấu tay ở mọi bề mặt. Các đồ chơi tính dục của riêng cô chất đống ở trên giường. Nhưng như mắt cô thấy thì họ không lấy đi cái gì.
Cô mở máy pha cà phê và lắc lắc đầu. Lisbeth, mày đã dính vào cái [bad word] gì đây thế hả Lisbeth?
Cô lấy di động ra gọi số Salander nhưng được tin nhắn không liên lạc được với chủ thuê bao. Cô ngồi một lúc lâu ở bàn bếp, cố tìm ra cái gì thật, cái gì không. Salander mà cô biết thì không là kẻ sát nhân mắc bệnh tâm thần nhưng mặt khác cô cũng không hiểu rõ Salander lắm. Salander hăng ở trên giường, đúng thế, nhưng hễ tính khí mà thay đổi là lại lạnh như tiền ngay.
Cô tự hứa chưa gặp chưa nghe Salander giải thích thì cô không quyết định gì cả. Cảm thấy muốn khóc, cô bỏ ra hai giờ dọn dẹp.
7 giờ chiều căn hộ nom ít nhiều đã lại ở được. Cô tắm gương sen rồi mặc một váy ngủ bằng lụa phương đông đen vàng vào bếp thì nghe thấy chuông cửa. Cô mở ra thấy một người đàn ông đặc biệt béo, râu ria không cạo.
– Chào Miriam, tôi là Tony Scala. Nhà báo. Tôi hỏi cô vài câu được không?
Một tay chụp ảnh đứng cạnh ông ta chụp lòe luôn một cái vào giữa mặt cô.
Miriam Wu tính cho một cú đá vô lê rồi một cùi chỏ vào mũi nhưng cô kịp tỉnh trí nhận ra như thế chỉ cho họ có thêm những ảnh thuộc loại ảnh họ đang kiếm mà thôi.
– Cô có ra nước ngoài với Lisbeth Salander không nhỉ? Cô biết cô ta ở đâu không?
Miriam Wu đóng cửa lại bằng cái khóa mới lắp. Scala đẩy mở hộp thư ra.
– Sớm muộn cô cũng sẽ phải nói chuyện với báo chí, Miriam. Tôi có thể giúp cô.
Cô nắm quả đấm lại, nện xuống các ngón tay của Scala. Cô nghe thấy tiếng rên rỉ đau đớn. Rồi cô khóa trái cửa, lên giường nằm, nhắm mắt lại. Lisbeth, tìm ra mày là tao vặn ngược cổ mày đi.
Sau khi đến Smadalaro, Blomkvist bỏ buổi chiều ra đi thăm một người nữa trong số các tên Svensson đã nêu ra. Cho tới tuần ấy, anh đã giập đi sáu trong số ba mươi bảy cái tên. Người cuối cùng là một thẩm phán về hưu sống ở Tumba; ông ta đã chủ tọa mấy vụ xử liên quan đến bán dâm.
Được gợi cho nhớ lại, con người đã tàn tạ này không hề tính chuyện phủ nhận, đe dọa hay xin khoan dung. Trái lại, hắn nồng nhiệt nhận đã chơi nhiều gái điếm từ Đông Âu đến. Không, hắn không thấy một tí teo ân hận nào sất. Bán dâm là một nghề đáng kính còn việc hắn làm khách của các cô gái thì hắn coi là làm ơn làm phúc cho các cô.
Vào khoảng 10 giờ tối, đang lái qua Liljeholmen thì Blomkvist được Eriksson gọi, cô nói:
– Chào, anh có đọc trang mạng của Morgon – Posten không?
– Không, họ có gì?
– Bạn gái của Salander đã về nhà hôm nay?
– Cái gì? Ai cơ?
– Cô ô môi Miriam Wu sống ở căn hộ đường Lundagatan ấy.
Wu, Blomkvist nghĩ. “Salander – Wu” ở cái biển đề tên.
– Cảm ơn. Tôi đang trên đường về đây.
Wu tháo dây điện thoại bàn ở căn hộ rồi tắt di động. 7 rưỡi tối hôm ấy, tin cô về nhà xuất hiện trên trang mạng của một tờ báo sáng. Ngay sau đó Aftonbladet gọi rồi ba phút sau là Expressen. Tờ Aktuellt đăng chuyện cô mà không nêu tên nhưng vào khoảng 9 giờ, mười sáu phóng viên không ít hơn đã cố moi lấy bình luận của cô.
Hai lần chuông cửa réo. Cô không mở và tắt hết đèn trong nhà. Cô muốn đập vỡ mũi tay phóng viên nào sắp đến quấy nhiễu. Cuối cùng cô gọi di động cho một bạn gái sống ở mạn dưới Hornstull, nơi có thể đi bộ tới được, hỏi muốn đến qua đêm với cô ấy được không.
Cô lẻn ra khỏi cửa chính trên đường Lundagatan chưa tới năm phút thì Blomkvist đỗ xe ở bên ngoài rồi bấm chuông cửa nhà cô.
Thứ Bảy, vừa 10 giờ sáng, Bublanski đã gọi Modig. Chị ngủ tới 9 giờ rồi chơi với các con cho đến khi chồng chị đưa chúng đi mua vé vui chơi thứ Bảy.
– Cô đọc báo hôm nay chưa?
– Không, chưa. Tôi mới dậy được một giờ và bận với lũ trẻ. Xảy ra chuyện gì?
– Ai đó trong nhóm điều tra xì tin ra cho báo chí.
– Chúng ta đã biết chuyện này cả rồi. Ai đó mấy hôm trước đã xì biên bản tâm thần ra đấy.
– Ekstrom xì.
– Thế ư?
– Dĩ nhiên. Tuy đời nào ông ta nhận. Ông ấy đang cố tạo chú ý đến mình vì như thế có lợi cho ông ấy. Nhưng lần này thì không phải. Một tay viết tự do tên là Tony Scala đã nói chuyện với ai đó, nguời này kể mọi thứ về Miriam Wu, trong đó có những chi tiết đã được nói đến trong cuộc thẩm vấn hôm qua. Đấy là những cái chúng ta muốn giữ kín nhưng Ekstrom lại xì ra.
– Chết tiệt.
– Tay phóng viên không nêu tên ai. Nói nguồn tin là một người có một “vị trí trung tâm trong điều tra”.
– Láo. – Modig nói.
– Bài báo gọi nguồn tin là “chị ta”.
Modig im lặng một lúc. Chị là người phụ nữ duy nhất trong nhóm điều tra.
– Bublanski, tôi không nói một câu nào với một nhà báo nào hết. Ra khỏi Sở, tôi không bàn với ai hết về cuộc điều tra. Ngay cả với chồng tôi.
– Tôi không nghi cô rỉ tin chút nào cả. Không may là công tố viên Ekstrom thì nghi. Và Faste, đang làm việc cuối tuần, đã lại xiên xẹo giấm ớt vào.
Modig cảm thấy mệt nhoài.
– Vậy bây giờ thì là chuyện gì?
– Ekstrom đòi cô thôi điều tra trong khi rà soát tội để lộ tin.
– Tội gì? Vớ vẩn. Làm sao mà bảo tôi chứng minh…
– Cô chả phải chứng minh gì cả. Ai kết tội thì hãy đem chứng cứ ra đi.
– Tôi biết nhưng… chết tiệt. Chuyện này phải mất bao lâu?
– Sắp xong rồi.
– Sao?
– Thì tôi vừa hỏi cô đó. Cô bảo cô không để rò rỉ tin. Vậy là điều tra xong và tôi làm báo cáo. 9 giờ sáng thứ Hai tôi gặp cô ở văn phòng Ekstrom và tôi sẽ trả lời các câu hỏi.
– Cảm ơn, Bublanski.
– Tôi thích làm thế.
– Có một vấn đề.
– Tôi biết.
– Tôi không rỉ tin thì phải có một ai đó trong nhóm rỉ ra.
– Có gợi ý gì không?
– Mới đầu tôi đoán là Faste nhưng thật tình lại không nghĩ là ông ấy.
– Tôi nghiêng về ý cô. Ông ta có thể hết sức ba láp nhưng cái chuyện rò rỉ tin thì ông ta thật tình cáu đấy.
Bublanski thích các buổi đi bộ, tùy theo thời tiết và thời gian ông có nhiều ít. Ông khoái môn rèn luyện này. Ông sống trên đường Katarina Bangata ở Sodermalm, không xa mấy tòa soạn Millennium hay An ninh Milton, nơi Salander đã làm việc, và Lundagatan, nơi cô ấy sống. Đó cũng là nằm trong khoảng cách đi bộ của nhà thờ Do Thái trên đường St Paulsgatan. Chiều thứ Bảy ông đi bộ đến tất cả các nơi này.
Ban đầu bà vợ Agnes đi với ông. Hai người lấy nhau đã hai mươi ba năm và ông không hề chệch bước bao giờ trong suốt thời gian ấy.
Hai người ở nhà thờ Do Thái một lúc nói chuyện với vị giáo sĩ. Bublanski là Do Thái Ba Lan còn gia đình Agnes – một ít người còn sống sót ở trại Auschwitz – thì gốc gác Hung.
Sau khi thăm nhà thờ Do Thái, họ chia tay nhau. Agnes đi mua sắm, Bublanski đi bộ tiếp.
Ông cần một mình, suy nghĩ về cuộc điều tra. Lần ngược lại những biện pháp ông đã dùng đến từ khi nhiệm vụ rơi xuống bàn làm việc của ông vào cái buổi sáng thứ Năm trước lễ Phục sinh ấy thì ông chỉ có thể nhận ra đôi ba lỗi.
Một là ông không cử ngay người đến khám xét bàn làm việc của Svensson ở Millennium. Cuối cùng khi ông nhớ ra làm việc ấy – và ông đã tự tay làm – thì Blomkvist đã dọn sạch hết những gì chỉ có Chúa mới biết.
Lỗi nữa là quên mất việc Salander đã mua xe. Nhưng Holmberg báo cáo cái xe không có gì đáng để ý.
Ngoài hai lỗi ấy, cuộc điều tra đã được làm chu đáo như mong đợi.
Ông dừng lại ở một kiốt gần Zinkensdamm, nhìn chăm chú vào bản tin. Bức ảnh hộ chiếu của Salander đã được thu lại thành một hình con con nhưng dễ nhận ra, tâm điểm chú ý chuyển sang một dòng tin hấp dẫn hơn:
CẢNH SÁT DÒ TÌM
KẺ ĐỒNG TÍNH ÁI NỮ
THỜ DÒNG QUỶ SATAN
Ông mua một tờ, tìm ra bài báo, nó lọt thỏm vào một bức ảnh năm cô gái cỡ mười tám mười chín mặc jacket da đen với những đinh tán, quần jean đen rách và áo phông bó sát người. Một trong các cô gái cầm lá cờ với ngôi sao năm cánh, tay kia thì ra một dấu hiệu bằng ngón trỏ và ngón út.
Lời chú viết: Lisbeth Salander tụ bạ với một ban nhạc rock chơi ở một câu lạc bộ nhỏ. Năm 1996, ban nhạc ca ngợi Nhà thờ của Satan và nổi tiếng với “Nhãn hiệu của xấu Xa”.
Cái tên Những ngón tay Xấu xa không được nhắc đến và tờ báo đã bôi đen mắt các cô gái đi, nhưng bạn bè của nhóm rock này chắc chắn vẫn nhận ra họ.
Bài báo chủ yếu nói về Miriam Wu, bức ảnh minh họa là lấy ra từ một tiết mục cô biểu diễn tại Bern. Cô để vú trần, đội mũ sĩ quan quân đội Nga. Mắt cô cũng bị bôi đen.
BẠN GÁI CỦA SALANDER VIẾT VỀ
LÀM TÌNH ĐỒNG TÍNH NỮ S&M
Người phụ nữ ba mươi mốt tuổi nổi tiếng ở các tụ điểm đêm rất thời thượng tại Stockholm. Cô không bí mật chuyện cô săn phụ nữ và thích thống trị đối tác.
Phóng viên cũng tìm được một cô gái ông ta gọi là Sara, mà theo lời thú nhận của chính cô ta, thì cô ta đã là đối tượng của các mưu toan tìm săn phụ nữ. Bạn trai của cô đã bị “quấy phiền” vì sự cố này. Viết tiếp, bài báo nói rằng ban nhạc này là một dị bản tăm tối, tu hành theo thuyết ủng hộ phụ nữ ở ngoài rìa của phong trào đồng tính ái, họ cũng giành được tiếng tăm nhất định vì đã chủ tọa “hội thảo về sự lệ thuộc” ở Liên hoan Tự hào Đồng tính ái. Chỗ còn lại là dựa trên một mẩu cố tình khiêu khích mà Wu đã viết cho một tờ báo cuồng nhiệt ủng hộ phụ nữ sáu năm trước. Bublanski đọc kỹ bài báo rồi ném tờ báo vào thùng rác.
Ông suy nghĩ về Faste và Modig, cả hai đều là thám tử có bản lĩnh. Nhưng Faste có một vấn đề; ông ta hay làm cho người khác cáu bực. Ông sẽ nói chuyện với ông ta nhưng ông không nghĩ ông ta là nguồn rỉ tin.
Khi định thần xem mình ở đâu thì Bublanski thấy ông đang đứng ở trên đường Lundagatan, nhìn chăm chú vào cửa chính tòa chung cư của Salander. Ông rõ ràng tình cờ mà đi đến đây.
Ông leo thang lên Lundagatan thượng, lên đó ông đứng nghĩ hồi lâu đến chuyện Blomkvist nói về Salander bị hành hung. Câu chuyện không dẫn đến đâu hết. Không có báo cáo của cảnh sát, không có tên những người dính líu và không đến cả hình ảnh được miêu tả thích đáng của kẻ tấn công. Blomkvist nói không đọc được biển số chiếc xe tải hạng nhẹ nhiều chỗ ngồi khi nó chạy đi khỏi hiện trường.
Cứ cho là đã có xảy ra chút nào như thế đi.
Lại một chỗ tắc tị.
Bublanski nhìn xuôi đường Lundagatan đến chiếc Honda màu mận chín vẫn đỗ ở đường thì vừa lúc Blomkvist đi bộ đến cửa chính tòa chung cư.
Miriam Wu hôm ấy dậy muộn, quấn tròn trong chăn. Cô ngồi lên nhìn quanh gian phòng lạ. Cô đã mượn việc báo chí dồn dập nói đến mình làm cớ để đề nghị cô bạn cho ở nhờ.
Nhưng cô nhận ra mình rời căn hộ đi cũng là do sợ Salander gõ cửa. Chất vấn của cảnh sát rồi báo chí đăng tin đã tác động sâu sắc đến cô và cho dù cô đã quyết định không nghĩ như thế nào vội cho đến khi có dịp Salander nói rõ chuyện gì đã xảy ra nhưng cô cũng đã bắt đầu sợ rằng bạn mình có thể là thủ phạm thật.
Cô liếc nhìn xuống Viktoria Viktorsson cũng còn có tên V – Đôi và là một ô môi đặc sệt. Cô ta nằm úp sấp ngủ, miệng lầm bầm. Miriam trườn ra khỏi giường đi tắm. Rồi cô ra ngoài mua bánh quế cuộn để ăn lót dạ.
Mãi đến khi đứng ở quầy cửa hàng cạnh Café Quế trên đường Verkstadsgatan cô mới nhìn thấy bảng tin. Cô nhào vội về nhà V – Đôi.
Blomkvist đấm vào mã số cửa rồi vào nhà. Được hai phút anh lại quay ra. Không có ai ở nhà. Blomkvist nhìn ngược xuôi con phố, phân vân ra mặt. Bublanski chăm chăm theo dõi anh.
Điều làm Bublanski băn khoăn là nếu Blomkvist bịa ra chuyện đánh đuổi ở Lundagatan thì trong trường hợp tồi tệ nhất, nó có nghĩa rằng anh ta có dính líu vào các vụ án mạng. Nhưng nếu anh nói sự thật thì phải có một nhân tố ẩn giấu trong bi kịch này; không phải chỉ có những người có thể nhìn thấy mà bối cảnh giết cũng sẽ phức tạp hơn chứ không chỉ là việc công kích do chứng tâm thần của một cô gái bị rối loạn bệnh lý.
Khi Blomkvist đi về phía Zinkensdamm, Bublanski gọi. Blomkvist dừng lại và nhìn thấy Bublanski. H 5fc0 gặp nhau ở dưới chân cầu thang.
– Chào, Blomkvist. Tìm Lisbeth Salander à?
– Thực sự là không. Tôi tìm Miriam Wu.
– Cô ấy không ở nhà. Ai đó xì ra cho báo chí cái tin rằng cô ấy đã ló mặt ra.
– Cô ấy thì có gì để nói?
Bublanski dò xét nhìn Blomkvist. Kalle Blomkvist.
– Đi với tôi đi. – Bublanski nói. – Tôi cần uống cà phê.
Họ lặng lẽ đi qua Nhà thờ Hogalid. Bublanski đưa anh đến Café Lillasyster, gần chỗ đường Liljeholmsbrom băng qua Norrstrom đến ngoại ô phía nam của Liljeholmen. Bublanski gọi một tách kép espresso với một thìa sữa lạnh còn Blomkvist thì uống cà phê latte. Họ ngồi ở khu vực hút thuốc lá.
– Đã lâu tôi mới bị một vụ nản đến thế này. – Bublanski nói. – Không đọc tờ Expressen sáng mai thì tôi bàn được với anh đến đâu đây?
– Tôi không làm cho Expressen.
– Anh biết tôi định nói gì đấy.
– Bublanski, tôi tin Salander không là thủ phạm.
– Và anh đang làm cuộc điều tra riêng cho bản thân anh? Có phải vì thế mà họ gọi anh là Kalle Blomkvist không?
Blomkvist mỉm cười.
– Họ bảo ông có tên là Sĩ quan Bong bóng.
Nụ cười đáp lại của Bublanski hơi hơi cứng.
– Tại sao anh nghĩ Salander vô tội?
– Về người giám hộ của cô ấy thì tôi không biết tí nào cả nhưng về Dag và Mia thì cô ấy không có một lý do nào hết để giết họ. Đặc biệt với Mia. Salander thù các đàn ông ghét phụ nữ và Mia thì đang làm cái việc siết ốc vào cho cả một đàn khách chơi gái điếm. Việc Mia đang tiến hành là trùng hoàn toàn với điều mà bản thân Lisbeth muốn làm. Cô ấy là một người rất có đạo đức.
– Hình như tôi không thể gắn các mảnh lại để có được một chân dung ăn khớp của cô ấy. Một trường hợp trì độn tâm thần hay một điều tra viên tài giỏi đây?
– Khác hẳn lại. Lisbeth không thích xã hội đến mức khác thường nhưng về trí tuệ thì ở cô ấy chả có gì rắc rối hết. Trái lại, chắc chắn là cô ấy thông minh hơn ông hay tôi.
Bublanski thở dài. Giống như Miriam Wu, Blomkvist đã cho ông một câu chuyện như của mẹ mìn.
– Muốn thế nào thì cũng cần phải bắt cô ấy. Tôi không đi vào chi tiết được nhưng cô ấy đã ở hiện trường gây án và cô ấy có liên quan đến vũ khí gây án.
Blomkvist gật.
– Tôi cho là ông muốn nói đến chuyện tìm thấy dấu tay của cô ấy ở trên khẩu súng. Nhưng cái đó không chứng minh được rằng cô ấy bắn.
Bublanski gật.
– Dragan Armansky cũng không tin như thế. Ông ta thận trọng không nói thẳng ra nhưng ông ấy cũng đang tìm chứng cớ rằng cô ấy vô tội.
– Còn ông? Ông nghĩ sao?
– Tôi là người tìm sự thật. Tôi bắt và thẩm vấn người; ngay lúc này tình hình xem vẻ lôi thôi cho cô Salander. Chúng tôi đã bỏ tù những tên giết người với chứng cứ có hoàn cảnh giảm khinh còn yếu hơn thế này rất nhiều.
– Ông không trả lời câu tôi hỏi.
– Tôi không biết. Nếu cô ấy không chứng minh được là vô tội… Anh nghĩ ai có động cơ giết cả người giám hộ lẫn hai người bạn của anh?
Blomkvist lấy bao thuốc lá ra mời Bublanski nhưng ông lắc. Anh không muốn nói dối cảnh sát. Anh cần nói một điều gì đó về cái người được biết là Zala. Anh cũng nên bảo Bublanski về chánh thanh tra Gunnar Bjorck ở Cảnh sát An ninh.
Nhưng Bublanski và các đồng nghiệp của ông đã nắm được tài liệu của Svensson trong đó có danh mục . Họ chỉ cần đọc nó thôi. Thay vì vậy họ lại như cỗ xe lăn đường xông lên miết, đồng thời mớm cho báo chí những chi tiết tục tĩu về Salander.
Anh có một ý nhưng không biết nó sẽ dẫn đến đâu. Chưa biết chắc, anh chưa muốn nêu tên Bjorck ra.Zalachenko. Đó là mối liên hệ giữa Bjurman với Svensson và Johansson. Vấn đề là cho đến nay Bjorck chưa nói với anh điều gì cả.
– Ông để cho tôi đào sâu hơn ít nữa, rồi tôi sẽ cho ông một lý lẽ thứ hai.
– Không mang dấu vết cảnh sát, tôi hy vọng.
– Không. Miriam Wu đã nói gì?
– Cũng đại khái như anh. Họ có quan hệ với nhau.
– Không phải là việc của tôi. – Blomkvist nói.
– Cô ấy và Salander biết nhau đã ba năm. Cô ấy nói không biết gì lai lịch của Salander, thậm chí không biết cả chỗ Salander làm việc. Khó tin nhưng tôi nghĩ cô ấy nói thật.
– Giữ kín chuyện riêng đã thành nỗi ám ảnh tâm thần của Salander. – Blomkvist nói. – Ông có số điện thoại Miriam Wu không?
– Có.
– Cho tôi được không?
– Không.
– Tại sao không?
– Mikael, đây là công việc của cảnh sát. Chúng tôi không cần các điều tra viên với các lý lẽ hoang dại.
– Tôi chưa có một lý lẽ nào. Mặt khác, tôi nghĩ câu trả lời nằm ở trong tài liệu của Svensson.
– Nếu anh cố gắng thì anh có thể tiếp xúc với Wu.
– Chắc thế. Nhưng cách đơn giản nhất là hỏi một ai đó đã có số điện thoại.
Bublanski thở dài. Blomkvist chợt thấy rất ngán ông này.
– Ý ông là cảnh sát thì tài giỏi hơn người dân thường chứ gì? Dân thường đều bị coi là điều tra viên tư nhân thôi nhỉ?
– Không, tôi không nghĩ thế. Nhưng cảnh sát được huấn luyện và việc của họ là giải quyết các vụ án.
– Người dân thường cũng được huấn luyện chứ. – Blomkvist thong thả nói. – Và đôi khi trong việc tìm ra vấn đề, điều tra viên tư nhân lại giỏi hơn một cảnh sát thực thụ.
– Thì anh cứ tin như vậy đi.
– Tôi biết thế. Lấy vụ Rahman ra mà xem. Một đống cảnh sát nhắm mắt lại ngồi ườn ra năm năm trong khi đem giam Rahman lại, kẻ không hề giết bà phu nhân già. Ông ta cứ còn ngồi tù cho đến nay nếu không có một cô giáo dành mấy năm ra điều tra nghiêm túc riêng một mình. Cô giáo ấy làm không hề với nguồn lực nào sẵn ở trong tay như các ông. Cô giáo ấy không chỉ chứng minh Rahman vô tội mà còn nhận diện ra được kẻ nhiều phần chắc chắn là tên sát nhân.
– Chúng tôi đã mất mặt trong vụ Rahman. Công tố viên không chịu nghe sự thật.
– Bublanski… Tôi sẽ nói với ông một điều. Vào đúng cái lúc “mặt” cũng đang bị mất đi ở trong vụ Salander này, tôi chắc như đinh đóng cột là cô ấy không giết Dag và Mia và tôi sẽ chứng minh điều đó. Tôi sẽ cung cấp cho các ông tên sát nhân thực thụ và lúc chuyện ấy xảy ra thì tôi sẽ viết một bài báo mà ông và các đồng nghiệp của ông đọc sẽ đau đấy.
Trên đường về nhà ở Katarina Bangata, Bublanski cảm thấy cần kíp thưa chuyện với Chúa ngay về vụ án nhưng thay vì đến nhà thờ Do Thái, ông lại đến Nhà thờ Thiên Chúa ở trên đường Folkgungatatan. Ông ngồi xuống một ghế dài ở hàng cuối, không động đậy hơn một giờ. Là người Do Thái ông chả có phận sự gì ở trong một nhà thờ Thiên Chúa nhưng ở đây yên bình và khi cần sắp xếp lại đầu óc ông thường hay đến đó. Ông thấy nhà thờ Thiên Chúa cũng là một nơi tốt để suy ngẫm và ông biết Chúa không so kè chuyện đó. Ngoài ra, có một khác biệt giữa đạo Do Thái và đạo Cơ đốc. Ông đến nhà thờ Do Thái khi ông cần có bằng hữu và sự quây quần với người khác. Người theo đạo Cơ đốc đến nhà thờ để tìm bình yên trước mặt Chúa. Nhà thờ với sự tĩnh lặng và khách đến đó luôn được để cho yên ắng một mình.
Ông loay hoay suy nghĩ về Salander và Wu. Rồi ông nghĩ Berger và Blomkvist có thể còn găm với ông một điều gì – chắc chắn họ biết điều gì đó về Salander mà họ không bảo ông. Việc mà Salander điều tra cho Blomkvist là thuộc kiểu gì đây? Có thể cô ấy đã làm cho Blomkvist trong việc chuẩn bị vạch trần vụ Wennerstrom ra nhưng ông gạt bỏ khả năng này. Salander không thể đóng góp điều gì có giá trị trong vụ này bất kể cô ấy giỏi điều tra cá nhân đến đâu.
Bublanski thấy bức bối: ông không thích lối đinh ninh ngạo mạn của Blomkvist về sự vô tội của Salander. Với ông thì làm thám tử là phải bị nghi ngờ bủa vây xung quanh – nghi vấn là nghề nghiệp của ông. Với một người điều tra riêng lẻ như Blomkvist thì đưa ra kết luận cuối cùng lại là một việc khác hoàn toàn.
Ông không bận tâm đến các điều tra riêng tư vì chúng rất thường hay dẫn tới các lý sự về thông đồng, những cái có thể cho ra những đầu đề trên báo nhưng cũng lại tạo ra cho cảnh sát rất nhiều công việc râu ria không cần thiết.
Điều tra riêng lẻ đã phát triển tới chỗ làm cho cuộc điều tra án mạng lần này trở nên việc khó chịu nhất mà ông từng dính vào. Không hiểu sao ông đã để lạc mất trọng tâm chú ý. Chắc là đã có cả một dây chuyền những hậu quả lôgic.
Nếu một người đàn ông trẻ tuổi bị đâm chết ở đường Mariatorget, thì sẽ là phải dò tìm ra băng đầu trọc hay nhóm côn đồ nào đã hoành hành khắp vùng ga Soder một giờ trước đó. Có bạn bè, chốn quen biết thì sẽ có nghi can rất nhanh thôi.
Nếu một người bị ba phát súng bắn chết trong một quán bar rồi quay ra hắn là một đại bàng trong băng mafia Nam Tư thì lúc đó sẽ phải tìm ra thằng ác ôn nào trong bọn đã toan nắm lấy quyền kiểm soát buôn lậu thuốc lá.
Nếu tìm thấy một phụ nữ trong tuổi hai mươi, lai lịch tử tế và sống bình thường mà bị bóp cổ chết trong nhà cô ta thì lúc đó sẽ phải tìm ra bạn trai của cô ta hay người cuối cùng cô ta nói chuyện với ở quán bar đêm hôm trước là ai.
Bublanski đã làm quá nhiều các cuộc điều tra như thế này đến nỗi ông có thể làm trong khi ngủ.
Cuộc điều tra hiện nay đã bắt đầu rất tốt. Chỉ vài giờ sau họ đã tìm ra nghi can số một. Về thực tế vai trò này là được dành cho Salander – một trường hợp tâm thần rõ rệt, được biết đã từng có những cơn bùng nổ hung bạo không kiểm soát nổi trong đời. Đây chỉ có việc đơn giản bắt cô ta, có bản thú tội hay tùy theo hoàn cảnh đưa cô ta vào nơi chăm sóc tâm thần. Nhưng sau bước bắt đầu khả quan, mọi việc đã hóa ra hỏng toét. Salander không sống ở địa chỉ của cô ta. Cô có những người bạn như Armansky và Blomkvist. Cô có quan hệ với một đồng tính ái nữ thích làm tình với còng số tám và điều đó đặt báo chí vào một cơn cuồng loạn mới toanh vốn dĩ đã ở trong tình hình tệ hại. Cô ấy có hai triệu rưởi curon ở ngân hàng và được biết không phải là chủ thuê mướn. Thế rồi nhân vật Blomkvist xuất hiện với những lý lẽ về buôn bán tính dục và âm mưu thông đồng – và là một nhà báo tên tuổi, anh ta có mục tiêu chính trị khi tạo nên rối ren hoàn toàn trong cuộc điều tra bằng một bài báo duy nhất.
Trên hết tất cả, nghi can thứ nhất đã tỏ cho thấy là không ai dò ra nổi cô ta ở đâu mặc dù thực tế cô ta không cao hơn cái đòn gánh và dễ nhận ra, với hình xăm đầy người. Các vụ án mạng xảy ra đã gần hai tuần mà không nghe thấy cả đến một tiếng thì thào nào về chỗ cô ta có thể ẩn náu.
Bjorck đã có một ngày khốn đốn từ khi Blomkvist bước qua ngưỡng cửa nhà hắn. Lưng hắn đau ê ẩm liên miên nhưng hắn cứ đi đi lại lại trong căn nhà hắn mượn, không thể thư thái cũng như chủ động nghĩ ra điều gì. Hắn không thể hiểu nổi câu chuyện. Các mảnh trong bài đố lắp ghép không rơi vào đúng chỗ của chúng.
Thoạt nghe thấy tin Bjurman bị giết, hắn kinh ngạc. Nhưng hắn không ngạc nhiên với việc Salander bị nhận diện gần như ngay lập tức là nghi can số một. Rồi những la lối ì xèo về cô ta bắt đầu. Hắn đã theo dõi từng bài tường thuật trên tivi và hắn mua các tờ báo mà hắn vớ được rồi đọc từng dòng về vụ này.
Hắn không bao giờ nghi ngờ việc Salander bị bệnh tâm thần và có thể giết người. Hắn chả có lý do thắc mắc về tội lỗi của cô hay những thừa nhận của cảnh sát – trái lại, mọi điều hắn biết về Salander đều bảo với hắn rằng cô bị rối loạn tâm thần nặng thật. Hắn đã có ý gọi cảnh sát góp lời khuyên cho cuộc điều tra nhưng rồi hắn nhận ra chuyện này thực sự chẳng còn liên quan gì đến hắn nữa, và đã có những người có năng lực nắm lấy nó. Ngoài ra gọi như thế có thể làm cho hắn bị chú ý đến, điều mà hắn muốn tránh. Hắn quả tình chỉ theo dõi lơ mơ tiếp các tin lớn về tiến trình vụ điều tra.
Blomkvist đến thăm đã làm cho sự yên bình và tĩnh lặng của hắn lộn tùng phèo. Hắn không hề ngờ qua rằng cơn cuồng hoan giết chóc của Salander lại có thể đi tới chỗ dính dáng đến cá nhân hắn – rằng một trong những nạn nhân của cô ta lại là một con heo bẩn thỉu của thông tin đại chúng và con heo ấy sắp đem hắn phô bày ra trước cả nước Thụy Điển.
Thậm chí chuyện tên của Zala rồi sẽ hiện lên trong một bài báo như một quả lựu đạn đã tháo chốt an toàn hắn cũng ít nghĩ đến. Và hơn hết hắn càng ít tưởng tượng ra rằng một nhà báo như Blomkvist lại biết đến cái tên Zala.
Chuyện này vượt khỏi mọi khả năng lường đến của con người ta.
Sau hôm Blomkvist đến gặp, hắn điện thoại cho sếp cũ, người hiện nay đã hoàn toàn cổ lỗ và sống ở Laholm. Hắn cố moi ra bối cảnh mà không để lộ cho thấy hắn gọi đây là vì những lý do khác chứ không phải vì các lý do thuần túy tò mò hay quan tâm nghiệp vụ. Câu chuyện tương đối ngắn ngủi.
– Bjorck đây. Tôi cho rằng ông đã đọc báo.
– Đã. Cô ta lại thình lình vọt ra.
– Xem vẻ cô ta không thay đổi mấy.
– Chả còn là chuyện để chúng ta bận tâm.
– Ông không nghĩ là…
– Không, tôi không nghĩ gì cả. Mọi cái đã chết và đã chôn vùi rồi. Hết liên quan.
– Nhưng lại là Bjurman chứ không phải ai. Tôi cho rằng không phải tình cờ mà ông ta thành ra người giám hộ con bé.
Vài giây im lặng trên máy.
– Không, không phải ngẫu nhiên. Xem ra là giống một cái ý ba năm trước. Ai có đoán trước chuyện này?
– Bjurman biết đến mức nào?
Sếp cũ của hắn cười lúc cúc:
– Cậu biết thừa Bjurman giống với cái gì rồi mà. Không phải là diễn viên có tài nhất.
– Ý tôi là… hắn có biết mối quan hệ không cơ? Liệu trong giấy tờ hay đồ dùng cá nhân của hắn có cái gì đó có thể dẫn đến một ai đó mà…
– Không, dĩ nhiên là không. Tôi hiểu anh định nói gì nhưng đừng lo. Salander luôn là một con tốt hỉn trong câu chuyện này mà. Chúng ta đã bố trí để cho Bjurman nhận việc ấy nhưng chỉ là khi chúng ta có được một người mà chúng ta kiểm soát được thì mới cho đứng ra giám hộ con bé. Thà thế còn tốt hơn là một số lượng không biết rõ. Nếu con bé bắt đầu bô lô ba la cái gì là ông ta sẽ báo với chúng ta. Bây giờ thì sẽ thực hiện tốt đẹp nhất mọi sự.
– Ý ông nói là sao?
– À, sau chuyện này Salander sẽ vào ngồi lâu trong một nhà tâm thần, ngồi dài ngồi lâu.
– Nghe có lý.
– Đừng lo. Đi mà hưởng yên vui kỳ nghỉ ốm này đi.
Nhưng đó chính là điều Bjorck không thể làm nổi. Blomkvist đã nhìn thấy chỗ này. Bjorck ngồi ở bàn bếp nhìn ra Jungfrufjarden bên ngoài kia trong khi cố tóm lại tình thế của hắn. Hắn bị uy hiếp ở hai bên.
Blomkvist sẽ lôi hắn ra trước pháp luật với tư cách một tên chăn dắt gái. Có một rủi ro nghiêm trọng là hắn sẽ phải chấm dứt sự nghiệp cảnh sát bằng việc bị kết tội đã vi phạm luật về buôn bán tính dục.
Nhưng nghiêm trọng hơn nữa là việc Blomkvist đang cố dò ra lõng Zalachenko. Chả hiểu sao hắn cũng lại dây cả vào chuyện này. Và Zala sẽ dẫn hắn đến thẳng ngay cổng nhà Bjorck.
Rõ ràng sếp cũ của hắn yên trí là ở văn phòng của Bjurman không có thứ gì có thể cho ra được một đầu mối xa hơn. Nhưng có đấy. Bản báo cáo năm 1991. Nhờ Bjorck mà Bjurman có bản này.
Hắn cố cho hiện lại trước mắt cuộc gặp với Bjurman hơn chín tháng trước. Hai người gặp nhau ở Gamla Stan. Một chiều đang làm việc thì Bjurman gọi hắn, gợi ý uống bia. Giữa thanh thiên bạch nhật hai người đã nói đến câu lạc bộ bắn súng và mọi sự nhưng Bjurman tìm hắn là vì một lý do đặc biệt. Hắn muốn được chiếu cố một điều. Hắn đã hỏi về Zalachenko…
Bjorck đứng dậy, đến bên cửa sổ bếp. Hắn có hơi chếnh choáng. Thật ra hắn không hoàn toàn say. Bjurman đã hỏi hắn gì nhỉ?
“Nói về… Tớ đang làm dở một việc cho một chỗ quen biết lâu ngày nay thình lình vọt ra…”
“Ờ thế à, ai vậy?”
“Alexander Zalachenko. Cậu nhớ hắn ta không?”
“Cậu đùa. Hắn đâu phải người dễ mà quên được.”
“Chuyện gì với hắn thế?”
Về danh nghĩa đây không hề là việc của Bjurman. Thật ra chỉ riêng việc Bjurman hỏi thế thôi cũng đã đủ để mà soi kính hiển vi vào đấy rồi… nhưng vì nỗi hắn là người giám hộ của Salander. Hắn nói hắn cần bản báo cáo.Và mình đã cho hắn.
Bjorck đã phạm một lỗi nghiêm trọng. Hắn cho rằng Bjurman đã được báo cho hay – không thể nghĩ khác như thế được. Còn Bjurman thì trình bày vấn đề như là hắn muốn nhảy bỏ qua các thủ tục quan liêu rắc rối trong đó mọi thứ đều được đóng cho con dấu “tối mật” rồi cà rịch cà tàng ngâm tôm cho đến hàng tháng. Đặc biệt lại là chuyện dính dáng đến Zalachenko.
Mình đã đưa cho hắn bản báo cáo. Nó vẫn còn đóng dấu “tối mật” nhưng đó là vì một lý do đúng và có thể hiểu được mà Bjurman thì không phải là người sẵn sàng nhè bí mật ra. Hắn không xuất sắc nhưng hắn không bao giờ là đứa buôn dưa lê. Chuyện này có thể gây tổn thất không? Nó là chuyện đã rất nhiều năm trước đây rồi.
Bjurman đã biến hắn thành thằng ngu. Thoạt nghe hắn lại tưởng chỉ là chuyện hợp thức và bàn giấy mà thôi. Càng nghĩ đến chỗ này hắn càng tin là Bjurman đã cố tình rất thận trọng chọn lựa lời lẽ.
Nhưng Bjurman theo đuổi cái chuyện quái gì đây thế chứ?
Thứ Bảy, Blomkvist đến căn hộ ở Lundagatan bốn lần nữa, hy vọng tìm thấy Miriam Wu nhưng cô không bao giờ ở đấy.
Phần lớn hôm ấy anh ở quán Kaffebar trên đường Hornsgatan với chiếc máy tính iBook, đọc lại các thư điện tử mà Svensson đã nhận được ở địa chỉ của anh ấy tại Millennium và nội dung của thư mục . Trước khi bị giết, trong mấy tuần liền Svensson ngày càng bỏ ra nhiều thì giờ hơn điều tra về Zala.
Blomkvist mong có thể gọi điện hỏi Svensson tại sao tài liệu về Irina P. lại nằm trong danh mục . Kết luận duy nhất hợp lý là Svensson nghi hắn đã giết cô gái.
5 giờ chiều, Bublanski gọi anh và cho số điện thoại của Miriam Wu. Anh không hiểu điều gì đã khiến ông ta thay đổi ý kiến nhưng bây giờ có số điện thoại rồi thì cứ nửa giờ anh lại gọi một lần. Mãi đến 11 giờ đêm cô mới mở di động. Câu chuyện ngắn ngủi.
– Chào Miriam. Tôi là Mikael Blomkvist.
– Thì anh là cái quỷ gì chứ?
– Tôi là nhà báo, làm ở tạp chí có tên là Millennium.
Miriam Wu biểu hiện cảm giác bằng một cách cô đúc:
– A, vâng. Nhà báo Blomkvist kia đấy. Cút, đồ báo chí bò sát.
Blomkvist chưa kịp giải thích anh muốn gì cô đã dập máy. Anh hướng vài ý nghĩ xấu xa đến Tony Scala rồi cố gọi lại. Cô không trả lời. Cuối cùng anh gửi tin nhắn đến di động của cô.
Xin gọi tôi. Quan trọng.
Cô không bao giờ gọi.
Khuya đêm ấy Blomkvist đóng máy tính, cởi quần áo và bò lên giường. Anh mong có Berger nằm bên.