Cô Gái Đùa Với Lửa

Chương 30


Thứ Năm, 7 tháng Tư

Blomkvist nhìn cửa ra vào của Fiskargatan 9. Đó là một trong những địa chỉ đặc biệt nhất ở Stockholm. Anh tra chìa vào ổ và nó quay êm như ru. Xem danh sách người sống ở đây không giúp được gì. Blomkvist nghĩ chắc phần lớn chúng là các căn hộ của một đoàn thể nhưng trong đó hình như cũng có một vài căn thuộc về riêng cá nhân. Không thấy tên Salander trong danh sách, anh không ngạc nhiên, nhưng vẫn cứ thấy chỗ này không có vẻ lại là nơi trú náu của cô.

Anh leo bộ từng tầng, đọc các biển tên ở cửa. Chả đâu chuông reo. Rồi anh lên tầng thượng, đọc thấy V.Kulla.

Blomkvist vỗ vỗ trán. Anh phải tủm tỉm cười. Chọn cái tên này có lẽ Salander không nhằm chọc vui cá nhân anh mà có vẻ là một ý nghĩ đùa cợt riêng tư nào đó của cô – nhưng ngoài Biệt thự Bát nháo VilleKulla của Pippi Tất dài ra thì Kalle Blomkvist, biệt hiệu đặt theo nhân vật của Astrid Lindgren, còn nên đi tìm cô ở đâu nữa đây?

Anh bấm chuông cửa và chờ hai phút. Rồi anh lấy chùm chìa khóa mở cái khóa vòng cùng cái khóa dưới cùng.

Anh vừa mở cửa là thiết bị báo động kẻ gian đột nhập hoạt động.

Di động của Salander bắt đầu bíp báo. Cô đang ở gần Glanshammar, ngay bên ngoài Orebro. Cô phanh và tạt xe vào vai đường dành cho xe đỗ. Cô lấy chiếc Palm ở túi jacket ra cắm vào điện thoại.

Mười lăm giây trước đó có người đã mở cửa căn hộ của cô. Báo động này không nối với bất cứ công ti an ninh nào. Mục đích của nó chỉ là báo cô rằng ai đó đã bằng cách nào đó đột nhập và mở cửa. Sau ba mươi giây, chuông báo động sẽ ngừng và vị khách không mời sẽ nhận được một cú sững sờ không thú vị hiện ra ở dạng một quả bom đầy sơn giấu trong một hộp cầu chì giả mạo ở gần cửa. Mỉm cười chờ kết cục, cô đếm ngược số giây còn lại.

Blomkvist chán ngán nhìn trừng trừng vào màn hình báo động ở bên cửa. Vì một lý do nào đó anh chả hề nghĩ căn hộ lại có thiết bị báo động. Anh nhìn đồng hồ số đang đếm ngược lại. Báo động của Millennium sẽ được kích hoạt và nếu trong vòng ba chục giây người nào đó không lắp chìa đúng vào mã số gồm bốn con số thì ngay sau đó hai gã đầy cơ bắp của một công ty an ninh sẽ xô cửa ra.

Phản ứng đầu tiên của anh là đóng cửa lại rồi ra nhanh khỏi chung cư. Nhưng anh cứ đứng đực ra ở đó.

Bốn con số. Không thể đoán mò ra mã số được.

25 – 24 – 23 – 22…

Con bé Pippi Tất dài của nợ này.

19 – 18…

Cô dùng mã số gì đây?

15 – 14 – 13…

Anh càng ngày càng cuống.

10 – 9- 8…

Rồi anh giơ tay tuyệt vọng bấm vào con số anh có thể nghĩ đến lúc đó. 8683. Bốn con số tương ứng với các chữ V-Ò-V-Ẽ ở trên bàn phím nhỏ.

Anh ngạc nhiên thấy màn hình ngừng đếm ngược nốt sáu con số còn lại. Rồi báo động bíp một tiếng cuối cùng và màn hình lại về số 0 cùng với ánh sáng xanh trở lại.

Mắt Salander mở thô lố. Khi đang xem cảnh diễn ra kia, cô nghĩ cô đã làm cho chiếc PDA bị rung nhưng cô nhận ra nghĩ thế là vô lý. Theo dự định còn sáu giây nữa quả bom sơn sẽ nổ thì báo động ngừng đếm ngược. Và sau đó một giây, thiết bị báo động trở về số không.

Không thể thế được.

Trên thế giới này không ai biết được mã số của cô.

Sao lại có thể như thế này được? Cảnh sát? Không. Zala? Càng không.

Cô bấm một số vào di động, chờ camera theo dõi kết nối với di động rồi gửi đến những hình ảnh có độ phân giải thấp. Camera này giấu trong một thứ nom như thiết bị phát hiện khói ở trên trần gian sảnh, mỗi giây nó lại chụp một bức ảnh độ nét thấp. Cô cho trường đoạn tua trở lại từ số 0, lúc cửa căn hộ mở ra và thiết bị báo động bị kích hoạt. Rồi cô nhếch mép cười khi cô nhìn xuống Blomkvist như một con rối giật cục, đứng ngẩn tò te một lúc rồi mới bấm vào mã số và tựa vội vào thành cửa, ngỡ đâu sắp bị một cơn đột quỵ.

Kalle Nhắng Blomkvist đã dò được ra lõng của cô. Anh có chùm chìa khóa cô đánh rơi ở đường Lundagatan. Anh khá thông minh để nhớ ra Vò vẽ là tên cô khi vào mạng. Nếu tìm được căn hộ, anh chắc đã mò ra được rằng Công ty Vò vẽ sở hữu nó. Trong khi cô nhìn xem thì anh giật cục đi xuôi hành lang và biến mất khỏi ống kính camera.

Chó chết. Sao mình lại mất cảnh giác thế cơ chứ? Mà tại sao mình lại ném chùm chìa khóa đi?… Bây giờ mọi bí mật của Salander nằm tênh hênh ra ở trước con mắt dò mồi của Blomkvist.

Suy nghĩ về điểm này một lúc, cô quyết định như thế cũng chả làm nên chuyện gì sất. Cô đã xóa ổ cứng. Đó là điều quan trọng nhất. Mà anh là người tìm ra chỗ ẩn náu của cô thì có khi lại lợi cho cô. Anh đã biết các bí mật của cô hơn tất cả mọi người. Con lợn tháo vát sẽ làm điều phải. Anh sẽ không bán cô. Cô hy vọng. Cô cho xe chạy gấp đến Goteborg, đắm trong suy nghĩ.

Eriksson vồ phải Paolo Roberto ở cầu thang lên tòa soạn Millennium khi cô đến đó

– Chào Erika. Cảm ơn đã bằng lòng gặp tôi nhanh như thế. – Võ sĩ nói.

Berger xem kỹ mớ thâm tím và sưng vù đáng sợ ở trên mặt ông rồi chị ngả về đằng trước hôn một cái lên má ông.

– Ông nom chả giống một thứ gì trên quả đất này. – Chị nói.

– Trước tôi cũng đã từng bị vỡ mũi rồi. Chị cất Blomkvist ở đâu?

– Anh ấy đang chơi trò thám tử kẻ gian, tìm đầu mối ở đâu đó. Như thường tình thì không thể túm được lấy anh ấy đâu. Từ sáng hôm qua, tôi không nhận được tin gì từ anh ấy ngoài một bức thư điện tử lạ lùng. Cảm ơn đã… vâng, cảm ơn.

Chị chỉ tay vào mặt ông. Paolo Roberto cười vang lên.

– Ông muốn cà phê không? Ông bảo ông có gì muốn nói với tôi. Malin, đến đây với bọn tôi nào.

Họ ngồi trên những chiếc ghế thoải mái trong buồng giấy của Berger.

– Là nói về cái tên láo lếu tóc vàng bự con đánh nhau với tôi. Tôi bảo Blomkvist là tay bốc của nó không đáng một quả cà ủng. Cái ngộ là hắn cứ giữ thế thủ bằng hai quả đấm rồi xoay vòng quanh làm như hắn đã từng là võ sĩ quyền Anh vậy. Có vẻ như cũng đã có qua một kiểu tập tành nào chút ít.

– Hôm qua Blomkvist có nói như thế ở trong điện thoại. – Eriksson nói.

– Tôi không thể nào mà không nghĩ đến chuyện đó cho nên hôm qua về nhà tôi ngồi xuống gửi email đến các câu lạc bộ quyền Anh ở khắp châu Âu. Tôi tả câu chuyện đã xảy ra, tôi cố hết sức tả tỉ mỉ cho họ về cha này.

– Ông đã gặp may chứ?

– Tôi nghĩ là có được một mẩu.

Ông để lên bàn trước mặt Berger và Eriksson một bức ảnh gửi bằng fax. Nom vẻ nó được chụp trong một buổi tập ở một câu lạc bộ quyền Anh. Hai võ sĩ đang đứng nghe chỉ dẫn của một người già hơn, chắc nịch, đội mũ da vành hẹp và mặc quần áo tập. Non chục người bám quanh vũ đài nghe. Một người to lớn nom như một tên trong băng nhóm trọc đầu đứng ở đằng sau cùng. Xung quanh hắn là một vòng tròn vẽ bằng bút dạ.

– Bức ảnh chụp đã mười bảy năm. Người đứng ở sau cùng là Ronald Niedermann. Bức ảnh này chụp lúc hắn mười tám tuổi, vậy nay hắn cỡ khoảng ba mươi lăm. Nom hắn khớp với tên khổng lồ bắt cóc Miriam Wu. Tôi không thể nói chắc trăm phần trăm là hắn. Bức ảnh hơi bị cũ và chất lượng tồi. Nhưng tôi có thể nói nom hoàn toàn giống hắn đấy.

– Ông lấy ở đâu ra bức ảnh này?

– Tôi được Hans Munster, một huấn luyện viên lão thành của câu lạc bộ Dynamic ở Hamburg đáp lời. Cuối những năm 80, Ronald Niedermann đấm cho họ trong một năm. Hay đúng hơn hắn cố đấm cho họ. Sáng nay nhận được email trước rồi gọi cho Munster xong là tôi đến đây. Munster nói tóm lại như thế này: Niedermann là người Hamburg, hồi những năm 80 tu bạ với một băng nhóm trọc đầu. Hắn có một đứa anh nhiều tuổi hơn, một võ sĩ quyền Anh rất có tài và hắn vào được câu lạc bộ là nhờ người anh. Niedermann có sức khỏe đáng sợ và một cơ thể không ai bì được. Munster nói ông chưa từng thấy ai, kể ngay cả trong đám ưu tú, đấm mạnh bằng hắn. Họ đo sức nặng quả đấm của hắn thì nó vọt ra ngoài đồng hồ bàn cân.

– Nghe như hắn có thể nổi cơ đồ nhờ vũ đài được đấy. – Berger nói.

Paolo Roberto lắc đầu.

– Theo Munster thì hắn không thể, vì mấy lý do. Thứ nhất, hắn không thể học được đấu bốc. Hắn chỉ cứ đứng ì một chỗ mà tung đi các cú đánh. Hắn vụng đến mức tai họa, chỗ này thì khớp với cái tên tôi đã đánh ở Nykvarn vừa rồi. Nhưng tệ hơn là hắn không biết sức mạnh của hắn. Thỉnh thoảng trong các trận đấu tập hắn có thể choang cho một cú gây nên thương tích ghê gớm. Đã có những mũi giập, quai hàm long – một lô các chấn thương không cần thiết. Họ không thể giữ hắn ta ở câu lạc bộ nữa.

– Vậy là hắn có thể bốc nhưng không thực sự là bốc. – Eriksson nói.

– Chính xác. Nhưng lý do hắn thôi bốc là về y học.

– Ông nói sao?

– Hắn có vẻ bất khả bại. Bất kể bị bao nhiêu đòn hắn vẫn cứ lĩnh như không mà đánh tiếp. Té ra hắn bị một thứ bệnh rất hiếm gọi là chứng mất cảm giác đau có tính di truyền. Tôi đã tìm hiểu. Đây là một khuyết tật gien di truyền, nó làm cho đường truyền chất ở các đầu nút thần kinh của hắn không hoạt động. Hay nói nôm na thì là hắn không có cảm giác đau đớn.

– Thế thì là mỏ vàng cho võ sĩ quyền Anh rồi còn gì.

Roberto lại lắc.

– Trái lại. Đây có thể là một rối loạn đe dọa mạng sống. Phần lớn những ai mắc bệnh di truyền này đều chết khá trẻ, chừng giữa hai mươi và hai mươi lăm tuổi. Đau chính là hệ cảnh báo của cơ thể nó cho hay đang có gì đó lôi thôi. Nếu ta để tay vào một cái lò nóng rực là ta thấy đau và rụt ngay tay về. Nhưng nếu ta mắc bệnh này thì ta sẽ chẳng làm gì mà cứ để cho thịt cháy khét lên.

Eriksson và Berger nhìn nhau.

– Nghiêm túc đấy chứ? – Berger nói.

– Tuyệt đối. Niedermann không cảm thấy gì cả, hắn sống như thế tựa hồ có một liều thuốc tê nội tại suốt trong hai mươi tư giờ mỗi ngày. Hắn đã tìm ra cách giải quyết được chuyện này vì hắn lại có một đặc điểm di truyền khác bù vào đấy. Hắn có một hình thể dị thường và một bộ xương cực kỳ khỏe, nên hắn gần như thành ra kẻ bất bại. Sức khỏe của hắn mẹ kiếp nguyên thô và gần như là độc nhất. Trên hết, hắn dễ lành lặn trở lại.

– Tôi bắt đầu hiểu một trận đấu bốc lý thú là phải như thế nào rồi đấy.

– Chắc chắn thế rồi. Tôi không muốn chơi lại nữa đâu. Hắn chỉ duy nhất một lần tỏ thái độ khi bị Miriam Wu đá vào bìu. Hắn thực sự khuỵu gối xuống mất một tích tắc… chắc phải bằng ấy vì cú đá như thế là phải gây ra một phản ứng sinh lý nào đó rồi, do chỗ hắn không cảm thấy đau. Và tin tôi đi – nếu cô ấy đá tôi như thế thì ngay đến tôi đây cũng là xin đổ sập thôi à.

– Vậy ông ngừng đánh nhau với hắn như thế nào?

– Thật ra những người mắc bệnh này cũng bị thương như bất cứ ai cả thôi. Xương cốt của Niedermann có vẻ là bằng xi măng, hãy quên chuyện ấy đi. Khi tôi quạng tấm ván vào sau ót hắn, hắn ngã lăn đùng như một hòn núi vậy. Chấn thương là cái chắc.

Berger nhìn Eriksson.

– Tôi gọi Mikael đây.

Blomkvist nghe di động báo nhưng anh ngạc nhiên quá đến nỗi mãi đến hồi chuông báo thứ năm mới trả lời.

– Chào, Malin đây. Paolo Roberto nghĩ là ông ấy đã nhận diện được ra cha khổng lồ.

– Tốt. – Blomkvist lơ mơ đáp.

– Anh ở đâu?

– Khó nói đấy.

– Nghe anh nói ngộ nghĩnh đấy.

– Xin lỗi. Cô bảo gì cơ?

Eriksson tóm lại câu chuyện Paolo Roberto kể.

– Lần theo hướng đó đi. – Blomkvist nói. – Cô xem có thể tìm ra hắn ở một cơ sở dữ liệu nào đó không nha. Tôi nghĩ cái này quan trọng đấy. Có gì gọi vào di động của tôi.

Eriksson ngạc nhiên, anh cắt máy không cả một tiếng tạm biệt.

Lúc ấy Blomkvist đang đứng bên cửa sổ nhìn ra cảnh quan huy hoàng trải dài từ Gamla Stan xa tít ngoài kia đến Saltsjon.

Anh thấy mụ mị. Có một gian bếp ở ngoài sảnh, bên phải cửa ra vào. Rồi một phòng khách, một buồng giấy, một phòng ngủ và cả một phòng ngủ nho nhỏ cho khách xem vẻ chưa hề đụng đến. Đệm giường vẫn còn trong lớp vỏ bọc ni lông và không có chăn gối. Tất cả đồ nội thất đều mới toanh, của hãng Ikea.

Blomkvist sửng sốt là Salander đã mua chỗ tạm trú này, nó vốn thuộc về Percy Barnevik, một ông trùm công nghiệp. Căn hộ rộng chừng 350 mét vuông và đáng giá hai mươi lăm triệu curon.

Blomkvist lang thang qua các hành lang và buồng gần như trống không, vắng lặng đến mức kỳ lạ, với sàn bằng các kiểu gỗ khác nhau mang hoa văn cùng giấy dán tường nhãn Tricia Guild thuộc loại Berger đã có thời thèm muốn. Ở trung tâm căn hộ là một phòng khách sáng sủa tuyệt vời với những lò sưởi mở nhưng hình như Salander chưa hề nhóm lửa bao giờ. Ban công đồ sộ nhìn ra một quang cảnh kỳ diệu. Có một phòng giặt, buồng tắm hơi, phòng thể dục, các buồng cất chứa đồ và một buồng tắm với chiếc bồn cỡ đại. Có cả một hầm rượu, trống không trừ một chai pont Quinta do Noval từ 1976 – chưa mở. Blomkvist cố sức tưởng tượng ra Salander cầm li rượu pont ở trong tay. Một tấm thẻ sang trọng cho hay chai rượu là quà biếu của nhân viên bất động sản tặng mừng dịp tân gia.

Gian bếp gồm mọi kiểu trang bị với một bếp lò Pháp sáng bóng, sạch sẽ của dân sành ăn, tâm điểm của nó là một bếp ga. Trước đây Blomkvist chưa bao giờ để mắt đến loại bếp Corradi Chateau 120. Chắc Salander dùng nó để đun nước pha trà.

Đồng thời anh sợ sệt ngắm nghía chiếc máy pha cà phê espresso ở trên hẳn một cái bàn của riêng nó. Cô có một Jura Impressa X7 với một máy làm lạnh sữa gắn bên. Chiếc máy nom ít dùng và chắc đã ở trong bếp này từ ngày cô mua căn hộ. Blomkvist biết một máy Jura là tương đương với chiếc xe Rolls Royce – một máy chuyên môn dành cho gia dụng mà giá tiền thì nằm trong quãng 30.000 curon. Anh có một máy pha espresso mua ở John Wall giá chừng 3.500 curon – một trong mấy món ngông cuồng ít ỏi mà anh tự cho phép lọt vào nhà anh và nó chỉ là một mẩu nho nhỏ so với sự hoành tráng của chiếc máy của Salander.

Tủ lạnh có một hộp sữa đã mở, ít pho mát, bơ, trứng cá và nửa hũ dưa chuột muối. Tủ bếp có bốn nửa hũ vitamin, túi trà, cà phê cho loại máy pha cà phê thông thường, hai gói bánh mì và một bịch bít cốt ròn. Trên bàn là một bát táo. Có bốn bánh kẹp giăm bông và một chảo cá ở trong tủ để đông. Tất cả thức ăn anh tìm thấy ở trong nhà chỉ có thế. Trong thùng rác bên dưới quầy gần bếp lò anh thấy vài vỏ hộp bánh pan pizza Billy.

Sự sắp đặt hoàn toàn không cân đối. Salander nẫng vài tỉ curon và mua một căn hộ với không gian đủ chứa quần thần của triều đình cô. Nhưng cô chỉ cần ba phòng cô đã bày đồ đạc. Mười tám phòng khác vẫn còn trống nguyên.

Blomkvist kết thúc tua đi thăm nhà ở trong buồng giấy cô. Không hoa lá, không có tranh hội họa hay thậm chí cả tranh quảng cáo trên tường. Không có thảm thường lẫn thảm đắt tiền. Anh không thấy qua một cái bát trang trí, cây nến hay thậm chí cả một vật trang trí lặt vặt được giữ lại vì vài lý do tình cảm nào đó.

Blomkvist cảm thấy như có ai đang bóp lấy tim anh. Anh cảm thấy anh phải tìm ra Salander và ôm chặt lấy cô.

Anh mà thử làm thế chắc cô sẽ cắn anh ngay.

Tay Zalachenko trời đánh không tha kia.

Rồi anh ngồi xuống bàn làm việc của cô, mở tập tài liệu có bản báo cáo của Bjorck viết từ 1991. Anh không đọc hết mà đọc nhảy, cố nhập lấy cái cốt yếu.

Anh bật máy tính xách tay PowerBook với màn hình 43 phân tây, ổ cứng 200GB, và RAM 1.000 MB của cô.

Trống không. Cô đã lau xóa sạch sẽ. Đây là chuyện đáng ngại.

Anh mở ngăn kéo bàn làm việc thấy một khẩu Colt Government 1911 bắn phát một với kẹp đạn còn đầy, bảy viên. Khẩu súng này Salander lấy của tay nhà báo Sandstrom tuy Blomkvist không hay biết tí nào hết. Anh chưa đi đến chữ S trong danh sách các tay chăn dắt gái.

Rồi anh tìm thấy đĩa DVD đề Bjurman.

Anh cho đĩa vào máy tính của anh rồi kinh hoàng xem nội dung của nó. Anh ngồi đờ đẫn trong khi xem cảnh Salander bị đánh, bị hiếp và suýt nữa thì bị giết. Hình như đã có một camera giấu kín quay cuốn phim này. Anh không xem đủ hết mà nhảy qua từng đoạn, càng về sau càng tồi tệ.

Thằng Bjurman khốn nạn.

Người giám hộ Salander đã hiếp cô. Và cô đã lên tư liệu đến tận chi tiết cuối cùng cho vụ việc này. Ngày giờ trên đĩa cho hay hình ảnh đã được ghi từ hai năm trước. Khi anh chưa gặp cô. Các mảnh ghép hình đang rơi vào vị trí.

Bjorck, Bjurman cùng với Zalachenko trong những năm 70.

Zalachenko và Salander cùng với quả bom xăng làm bằng một hộp giấy đựng sữa đầu những năm 90.

Rồi lại Bjurman, lúc đó giám hộ cô, thay cho Palmgren. Cái vòng tròn đã khép lại. Bjurman đã tấn công người được hắn giám hộ. Với cô, một cô gái không tự vệ, Salander có mọi cái trừ không có tự vệ, hắn đã đối xử như với một con bệnh tâm thần. Cô là cô gái mới mười hai tuổi đã lên đường chinh chiến chống lại một tên đao búa trốn khỏi tình báo quân đội Liên Xô GRU và rồi cô đã làm cho hắn bị tàn tật hết đời.

Salander là người phụ nữ căm ghét các đàn ông căm ghét phụ nữ.

Anh nghĩ lại lúc anh đi đến bước quen biết cô ở Hedestad. Phải là sau vụ cưỡng hiếp vài tháng. Anh nhớ lại là cô không hề bóng gió qua một lời nào đến cái việc đã xảy ra với cô. Cô không để lộ chút nào bản thân cô ra. Blomkvist không thể đoán nổi cô đã làm gì cho Bjurman – nhưng cô đã không giết hắn. Khá là kỳ dị. Nếu không Bjurman đã chết trước đây hai năm. Cô chắc đã khống chế hắn bằng cách nào đó và với chủ đích nào đó rằng hắn có thể không bắt đầu hiểu ra được. Rồi anh nhận thấy anh đã có phương tiện khống chế của cô ở ngay trên cái bàn làm việc này. Đĩa DVD. Chừng nào cô có nó thì chừng ấy Bjurman còn là tên nô lệ kém mọn của cô. Và Bjurman đã quay sang cái người mà hắn cho là đồng minh. Zalachenko. Bố cô. Kẻ thù tồi tệ nhất của cô.

Rồi một chuỗi vụ việc. Bjurman bị bắn đầu tiên rồi Svensson và Johansson.

Nhưng sao lại ra thế?

Cái gì làm cho Svensson và Johansson thành ra một mối de dọa như vậy?

Và thình lình anh biết cái điều chắc đã xảy ra ở Enskede.

Blomkvist tìm thấy một tờ giấy ở trên sàn dưới cửa sổ. Salander đã in ra một trang giấy, vo tròn nó lại rồi vứt đi. Anh vuốt thẳng nó ra. Nó là ấn bản trên mạng của báo Aftohbladet nói về việc bắt cóc Miriam Wu.

Anh không biết Miriam Wu đóng vai trò gì trong vở bi kịch – nếu như có – nhưng cô là một trong số bạn bè rất ít ỏi của Salander. Có thể là bạn duy nhất cũng nên. Salander đã cho cô căn hộ cũ của mình. Nay cô nằm bệnh viện, bị đánh tồi tệ.

Niedermann và Zalachenko.

Mẹ cô trước. Rồi nay Miriam Wu. Salander căm thù đến phát điên lên mất.

Khiêu khích đến thế này là quá nhiều.

Nay cô đang săn lùng.

Vào giờ ăn trưa, Armansky được nhà phục hồi chức năng ở Ersta gọi. Sẵn chờ Palmgren nói cho nghe nhiều, ông đã không đến gặp ông ta. Ông sợ ông sẽ phải báo cáo rằng tội của Salander đã rõ rành rành. Nay ít nhất ông có thể bảo ông ta rằng trong thực tế có sự nghi ngờ có căn cứ về tội của cô.

– Ông làm đến đâu rồi? – Palmgren hỏi độp, không vòng vo.

– Về chuyện gì?

– Việc ông điều tra về Salander ấy.

– Thế sao ông lại đâm ra nghĩ là tôi điều tra nhỉ?

– Đừng có phí thì giờ của tôi đi mà, Dragan.

Armansky thở dài.

– Ông nói đúng.

– Tôi muốn ông đến gặp tôi. – Palmgren nói.

– Tôi có thể đến cuối tuần này.

– Tốt như thế chưa đủ đâu. Tôi muốn ông đến tối nay. Chúng ta có nhiều việc cần bàn đấy.

Blomkvist tự pha cà phê và làm sandwich ở trong bếp của Salander. Anh thấp thoáng mong nghe thấy tiếng chìa của cô ở cửa. Nhưng anh không lạc quan. Ổ cứng trống không trong PowerBook của cô bảo anh rằng cô đã rời bỏ nơi trú náu này mãi mãi. Anh tìm thấy căn hộ của cô quá muộn.

2 rưỡi, anh vẫn ngồi ở bàn làm việc của Salander. Anh đã đọc bản “không báo cáo” của Bjorck ba lần. Nó đã được thảo ra làm một bản lưu ý cho một cấp trên không nêu tên họ. Lời yêu cầu đơn giản: Kiếm một bác sĩ tâm thần dễ bảo để ông ta nhận Salander vào bệnh viện tâm thần của thiếu niên. Cô gái dứt khoát là bị rối loạn, như cách ứng xử của cô ta đã chứng minh rõ ràng.

Blomkvist sẽ dành sự chú ý rất đặc biệt đến Bjorck và Teleborian trong những ngày sắp tới. Anh đang nhìn trước tới việc đó. Di động réo, cắt đứt luồng suy nghĩ của anh.

– Lại chào nữa. Malin đây.

– Gì thế?

– Không có Ronald Niedermann trong các biên bản bảo hiểm xã hội ở Thụy Điển. Hắn không có ở trong bất cứ danh bạ điện thoại, biên bản thuế khóa hay cơ sở dữ liệu về bằng lái xe hoặc bất cứ chỗ nào khác. Nhưng nghe cái này này. Năm 1998, một công ty đã được đăng ký ở Sở Môn bài. Tên nó là KAB, Nhập khẩu AB, và có địa chỉ một hộp thư bưu điện ở Goteborg. Công ty nhập hàng điện tử. Chủ tịch ban giám đốc là Karl Axel Bodin, do đó có tên công ty KAB, sinh năm 1941.

– Nghe không thấy có gì hay cả.

– Tôi cũng thế. Cũng có một kế toán viên ở ban giám đốc đăng ký ở hai chục công ty khác nữa. Ông ta có vẻ là một trong các giám đốc tài chính danh nghĩa mà các công ty nhỏ cần đến. Từ khi lập ra, công ty này ít nhiều nằm yên. Nhưng rồi thành viên thứ ba của ban giám đốc là một R. Niedermann. Tay này không có một con số bảo hiểm xã hội nào ở Thụy Điển. Tay ấy sinh ngày 18 tháng Một năm 1970 và được nêu trong danh sách là đại diện của công ty ở thị trường Đức.

– Làm tốt đấy, Malin. Rất tốt ấy. Ngoài địa chỉ hòm thư bưu điện chúng ta còn có địa chỉ nào nữa không?

– Không, nhưng tôi đã dò ra Karl Axel Bodin. Hắn đăng ký ở Tây Thụy Điển và sống tại địa chỉ cho hòm thư bưu điện 612 ở Gosseberga. Tôi đã dò tiếp; hình như là một bất động sản ở vùng quê không xa Nossebro, phía đông bắc Goteborg.

– Chúng ta biết gì về hắn?

– Hắn khai thu nhập hai năm trước là 260.000 curon. Theo bạn bè chúng ta ở trong lực lượng cảnh sát thì hắn không có tiền án tiền sự. Hắn có giấy phép của một khẩu súng trường bắn hươu sừng tấm và một súng săn. Hắn có hai xe, một Ford và một Saab, đều là kiểu cũ. Bằng lái không có tì vết gì. Hắn không có vợ và tự nhận là chủ trại.

– Một người mà chúng ta không biết gì cả, mà không có tiền án tiền sự. – Blomkvist nghĩ qua một lúc. Anh phải có quyết định.

– Một việc nữa. Armansky gọi tìm anh mấy lần.

– Cảm ơn, Malin. Tôi sẽ gọi cô sau.

– Mikael… mọi cái đều OK với anh đấy chứ?

– Không, mọi cái đều không OK, nhưng sẽ liên hệ được với tôi.

Như một công dân tốt, anh cần báo Bublanski. Nhưng báo thì anh phải nói hết với ông sự thật về Salander hay đi đến một tình trạng sa lầy nửa chân lý nửa giấu diếm. Nhưng vấn đề thực sự không phải là ở đó.

Salander đang ra ngoài tìm Niedermann và Zalachenko. Anh không biết cô đã đi xa đến đâu nhưng nếu anh và Eriksson tìm ra được địa chỉ cho hòm thư 612 ở Gosseberga thì chắc chắn Salander cũng tìm thấy nó. Rất có khả năng cô đang đến Gosseberga. Cái bước đi này là tự nhiên thôi.

Nếu anh gọi cảnh sát báo họ chỗ Niedermann đang ẩn núp thì anh sẽ phải bảo cả họ rằng Salander chắc cũng đang trên đường tới đó. Cô đang bị lùng vì ba vụ án mạng và vụ bắn người ở Stallarholmen, như thế có nghĩa là đội phản ứng vũ trang quốc gia hay cái gì đó tương đương sẽ nhận nhiệm vụ bắt cô. Và không nghi ngờ gì là Salander sẽ chống cự dữ dội.

Blomkvist lấy giấy bút kê một danh sách các việc anh không được hay không muốn báo với cảnh sát.

Trước hết, địa chỉ ở Mosebacke. Salander đã gặp phải nhiều rắc rối để giữ gìn cho căn hộ cô được kín đáo riêng tư. Đây là nơi cô có cuộc đời và các bí mật của cô. Anh sẽ không để cho cô mất nó.

Rồi anh viết Bjurman cộng một dấu hỏi ở sau cái tên.

Anh liếc vào cái đĩa DVD trên bàn làm việc. Bjurman đã hiếp Salander. Hắn gần như suýt nữa thì đã dã man giết cô. Hắn ngạo ngược lợi dụng vị trí là người giám hộ cô gái. Vốn là lợn, hắn phải được phơi bày ra là lợn. Nhưng có một tình thế khó xử về đạo đức. Salander chưa từng báo cảnh sát. Cô sẽ không bao giờ tha thứ cho hắn nhưng bản thân bị phơi mặt trên báo chí bởi một nhóm điều tra của c 5776 nh sát và chỉ trong vài giờ là các chi tiết đau lòng nhất đã xì ra rồi thì sao? Đĩa DVD là chứng cứ và chắc các hình ảnh của nó cuối cùng sẽ lên các tờ báo chiều mất thôi.

Muốn làm thế nào là do Salander quyết định. Nhưng nếu anh đã dò ra được căn hộ của cô thì sớm muộn cảnh sát cũng dò ra. Anh để đĩa DVD vào túi xách.

Rồi anh viết Báo cáo của Bjorck. Năm 1991, nó đã được đóng dấu TỐI MẬT. Nó rọi ánh sáng vào tất cả các chuyện từng xảy ra. Nó lôi tên Zalachenko ra và làm rõ vai trò của Bjorck, nó có thể cùng với danh sách các tên chăn dắt gái trong máy tính của Svensson đem đến cho Bjorck vài giờ hoảng sợ chống đỡ lại với Bublanski. Và với ánh sáng từ các thư từ, Teleborian cũng thấy bản thân hắn gặp rắc rối to nốt.

Các tư liệu sẽ dẫn cảnh sát đến Gosseberga nhưng ít ra anh cũng đã đi trước cảnh sát một bước.

Anh mở Word viết lên mạng những sự việc quan trọng anh phát hiện ra ở các câu chuyện với Bjorck và Palmgren cũng như các tư liệu anh tìm thấy ở chỗ Salander trong hai mươi tư giờ qua. Anh viết những cái này mất một giờ, rồi sao tư liệu vào một đĩa CD cùng với điều tra của anh.

Blomkvist cân nhắc có nên báo cho Armansky không nhưng nghĩ nên cho nghỉ. Ông ta đã có đủ hột dái để mà tung hứng rồi.

Blomkvist đi vào Millennium và đến thẳng buồng giấy Berger. Anh nói ngay, chả chào hỏi:

– Tên hắn là Zalachenko. Hắn trước kia là một tay đao búa của một trong mấy cơ quan tình báo Liên Xô. Năm 1976, hắn đào ngũ và được cho tị nạn ở Thụy Điển, được Cảnh sát An ninh Sapo cấp lương. Sau khi Liên Xô sụp đổ, hắn trở thành một tên cướp băng nhóm chuyên nghiệp, giống như những đứa khác. Nay hắn dính vào buôn bán tình dục và buôn lậu vũ khí, ma túy.

Berger đặt bút xuống.

– Sao mật vụ KGB nhảy vào hoạt động mà em lại không thấy ngạc nhiên chứ nhỉ?

– Không phải KGB. Đây là GRU. Tình báo quân đội.

– Thế thì nghiêm trọng.

Blomkvist gật.

– Ý anh là hắn đã giết Dag và Mia?

– Không phải hắn, không. Hắn cử đứa nào đó làm. Ronald Niedermann, tên quái vật mà Malin đã tìm được ra.

– Anh có chứng minh được chuyện đó không?

– Ít nhiều có. Một số là phỏng đoán. Nhưng Bjurman bị giết là vì hắn nhờ Zalachenko giúp xử lý Salander.

Blomkvist nói với chị về cái đĩa DVD Salander bỏ lại ở trên bàn làm việc.

– Zalachenko là bố của cô ấy…

– Trời đất.

– Bjurman chính thức làm cho Sapo vào giữa những năm 70 và là một trong những người làm cho Zalachenko được chính thức hoan nghênh khi hắn ta đào ngũ bỏ trốn. Sau đó Bjurman thành luật sư tự do và là một tên lừa đảo chuyên nghiệp, làm việc cho một nhóm “đinh” trong Cảnh sát An ninh. Tôi nghĩ có một nhóm bên trong nữa thỉnh thoảng vẫn gặp nhau ở nhà tắm sauna của đàn ông để kiểm soát thế giới và giữ bí mật về Zalachenko. Tôi đoán ngoài bọn này, phần còn lại của Sapo không hề nghe thấy tên chó đẻ này bao giờ. Lisbeth đe dọa làm vỡ tóe loe bí mật này ra. Cho nên chúng nhốt cô ấy ở trong một bệnh viện tâm thần của thiếu niên.

– Không thể là chuyện có thật được.

– Ô, thế mà là chuyện có thật đấy. – Blomkvist nói. Nhiều chuyện khác nhau đã xảy ra và lúc ấy cũng như bây giờ Lisbeth không dễ để cho nắm lấy cô ấy… nhưng từ khi mười hai tuổi cô ấy đã thành mối đe dọa cho an ninh quốc gia.

Anh kể vắn tắt câu chuyện cho chị nghe.

– Cả một món để phải tiêu hóa đấy. – Berger nói. – Còn Dag và Mia.

– Bị giết vì Dag đã phát hiện ra mối liên hệ giữa Bjurman và Zalachenko.

– Vậy bây giờ xảy ra chuyện gì đây? Chúng ta phải báo cảnh sát, báo không?

– Phần nào thôi, không báo hết. Anh đã sao thông tin quan trọng vào cái đĩa này, làm bản lưu lúc cần đến. Lisbeth đang đi tìm Zalachenko. Anh đang cố đi tìm cô ta. Không được nói với bất cứ ai chuyện này.

– Mikael… Em không thích làm thế. Chúng ta không thể găm thông tin trong khi đang có điều tra án mạng.

– Chúng ta sẽ không găm. Anh có ý gọi Bublanski. Nhưng anh đoán Salander đang trên đường đến Gosserberga. Cô ấy vẫn bị truy lùng vì ba vụ án mạng, nếu chúng ta gọi cảnh sát thì đội phản ứng vũ trang sẽ được tung ra truy lùng cùng với vũ khí và có nguy cơ thực sự là cô ấy sẽ chống lại không cho bắt. Lúc ấy thì chuyện gì cũng có thể xảy ra.

Anh ngừng lại và mỉm cười dứt khoát.

– Nếu không muốn như thế thì chúng ta cần giữ cho cảnh sát ở ngoài cuộc để cho đội phản ứng vũ trang không đi đến một kết cục đau lòng.

Berger nom nghi ngờ.

– Anh không muốn để lộ bí mật của Salander ra. Bublanski sẽ phải tìm lấy những cái đó cho ông ấy. Anh muốn em làm ơn giúp anh một việc. Hồ sơ này có bản báo cáo 1991 của Bjorck và một số thư từ giữa Bjorck với Teleborian. Anh muốn em sao một bản rồi gửi nó cho Bublanski hay Modig. Hai mươi phút nữa anh sẽ đi Goteborg.

– Mikael…

– Anh biết. Nhưng trong suốt câu chuyện này anh ở bên Lisbeth.

Berger mím môi lại nhưng không nói gì. Rồi chị gật.

– Cẩn thận. – Chị nói nhưng anh đã đi.

Mình nên đi với anh ấy, chị nghĩ. Đó là điều thuận đạo lý duy nhất mà chị có thể làm được. Nhưng chị vẫn chưa bảo anh rằng chị sắp rời Millennium và mọi sự như thế là hết, bất kể chuyện gì xảy ra. Chị cầm hồ sơ đi đến máy sao chụp.

Hòm thư ở một trạm bưu điện trong một trung tâm mua bán. Salander không biết Goteborg và cả những dọc ngang xuôi ngược của cái thành phố mà cô đang ở đó nhưng cô đã tìm được trạm bưu điện và vào chốt ở trong một quán cà phê để có thể theo dõi cái hòm thư qua một khe cửa sổ, nơi có một tranh quảng cáo cho Svensk Kassajanst, hệ thống bưu điện đã được cải tiến của Thụy Điển.

Irene Nesser trang điểm nền nã hơn Lisbeth Salander. Cô vắt ở cổ mấy chiếc khăn quàng xấu xí và đang đọcTội ác và Trừng phạt cô tìm thấy ở một hiệu sách cách đó một phố. Cô kéo dài thời gian, thỉnh thoảng lật một trang. Cô bắt đầu theo dõi vào lúc ăn trưa, không biết thư từ có được lấy đều đặn, lấy thường ngày hay lấy cách tuần, từ hồi sớm được lấy đi chưa hay liệu sẽ có ai đến không. Nhưng đây là đầu mối duy nhất của cô, và cô nhâm nhi cà phê latte trong khi chờ.

Cô đã sắp lơ mơ ngủ thì thình lình thấy cửa hòm thư mở. Cô liếc vội đồng hồ. Hai giờ kém mười lăm. Số đỏ quá chừng là đỏ.

Cô nhanh nhẹn đứng lên và đi đến cửa sổ, ở đấy cô thấy một người mặc jacket da đen rời khu vực đặt các hòm thư. Cô bắt kịp người này ở ngoài phố. Đó là một thanh niên quãng hai chục tuổi, thanh mảnh. Anh ta rẽ ở đầu phố đến một chiếc Renault đỗ và mở khóa cửa xe. Salander nhập vào bộ nhớ biển số xe này rồi chạy về chiếc Corolla của mình, nó cũng đỗ ở cùng phố, cách đây một trăm mét. Cô bắt kịp chiếc Renault lúc nó rẽ đến Linnegatan. Cô theo nó xuống Avenyn và ngược lên phía Nordstan.

Blomkvist đến Ga Trung tâm vừa kịp bắt chuyến tàu X2000 vào lúc 5 giờ 10 chiều. Anh mua một vé ở quầy bằng thẻ tín dụng, ngồi vào trong toa nhà ăn rồi gọi bữa trưa muộn.

Cảm thấy trong lòng bứt rứt không yên, anh sợ mình đã lên đường muộn. Anh cầu xin Salander sẽ gọi anh nhưng trong tận đáy thâm tâm anh biết cô không gọi.

Năm 1991, cô đã cố hết sức để giết Zalachenko, bây giờ, sau ngần ấy năm, hắn đánh trả.

Palmgren đã đưa ra một phân tích có tính tiên tri. Salander tự thân đã nghiệm thấy nói chuyện với nhà chức trách là chả được cái tích sự gì.

Blomkvist liếc về chiếc túi máy tính xách tay của mình. Anh đã mang theo khẩu Colt anh tìm thấy trên bàn làm việc của cô. Anh không rõ tại sao anh mang nó đi nhưng linh tính mách bảo anh không được để nó ở lại căn nhà của cô. Anh biết ý nghĩ này không phải là một luận cứ lôgic lắm.

Khi tàu qua Arstabron, anh bấm di động gọi Bublanski.

– Ông muốn gì? – Bublanski hỏi, ngán ra mặt.

– Muốn làm cho hết các món dây dưa chưa giải quyết. – Blomkvist nói.

– Các món chưa giải quyết gì?

– Của tất cả mớ bòng bong này. Ông có muốn biết ai giết Svensson, Johansson và Bjurman không?

– Tôi muốn nghe nếu ông có thông tin.

– Tên kẻ giết người là Ronald Niedermann. Đó là tên khổng lồ đã đấu bốc với Paolo Roberto. Hắn là công dân Đức, ba mươi nhăm tuổi, làm việc cho một thằng cặn bã mạt hạng có tên là Alexander Zalachenko, cũng còn gọi là Zala.

Bublanski im một lúc lâu rồi Blomkvist nghe thấy ông thở dài, lật một tờ giấy và bấm bút bi.

– Đây là sự thật, không phải là nhà báo thả diều chơi đấy chứ?

– Đây là sự thật.

– OK. Vậy Niedermann và tay Zalachenko kia đang ở đâu?

– Tôi chưa biết nhưng tìm được ra là tôi báo ông ngay. Lát nữa, Erika Berger sẽ trao cho ông một bản báo cáo của cảnh sát từ năm 1991. Cô ấy sao xong là trao ngay, thật mà. Ông sẽ thấy mọi thông tin về Zalachenko và Salander ở trong đó.

– Như thế nào?

– Như Zalachenko là bố của Lisbeth, thí dụ vậy. Như hắn là một nhân viên đao búa của Liên Xô trong thời Chiến tranh lạnh.

– Một tay đao búa Nga à? – Bublanski họa theo.

– Một bộ phận trong Sapo đã ủng hộ hắn và giấu đi tất cả chuỗi hành vi tội phạm của hắn.

Blomkvist nghe thấy Bublanski kéo ghế ngồi ngay ngắn lại.

– Tôi nghĩ tốt nhất là ông đến làm một tờ khai chính thức.

– Tôi xin lỗi, tôi không có thì giờ làm việc đó.

– Ông nói sao?

– Hiện nay tôi không ở Stockholm. Nhưng tìm thấy Zalachenko là tôi báo tin ngay cho ông mà.

– Blomkvist… Ông không phải chứng minh gì cả. Tôi cũng ngờ về tội của Salander.

– Nhưng tôi chỉ là một người điều tra riêng tư không biết chút nào hết về công việc cảnh sát.

Thật trẻ con, anh nghĩ nhưng anh tắt máy không đợi Bublanski trả lời. Thay vì vậy, anh gọi Annika Giannini.

– Chào em.

– Chào. Có gì mới không?

– Mai có lẽ anh cần một luật sư giỏi.

– Anh đã vướng phải chuyện gì?

– Chưa có gì nghiêm trọng lắm, nhưng anh có thể bị bắt vì ngăn cản cảnh sát điều tra. Nhưng anh gọi vì chuyện khác. Đằng nào thì em cũng không đại diện được cho anh.

– Tại sao không?

– Vì anh muốn em bảo vệ cho Lisbeth Salander và em không thể trông nom cho cả hai bọn anh.

Blomkvist kể nhanh lại câu chuyện. Giannini im lặng, vẻ ái ngại. Cuối cùng cô nói:

– Thế ông anh có tài liệu về tất cả chuyện đó không?

– Có.

– Em đã nghĩ qua cả rồi. Lisbeth cần thực sự một luật sư.

– Em thì tốt nhất.

– Mikael.

– Nghe đây, em là người đã cáu với anh vì lúc cần đến giúp đỡ thì anh lại không nhờ.

Hai người chuyện xong, Blomkvist ngồi suy nghĩ. Rồi anh nhặt di động gọi Holger Palmgren. Anh không có lý do gì đặc biệt để gọi nhưng ông già đáng được biết là anh đang lần theo một hay hai đầu mối và anh hy vọng trong vài giờ tới sẽ giải quyết xong tất cả câu chuyện.

Vấn đề là Salander cũng có các đầu mối.

Salander móc một quả táo trong ba lô ra, mắt vẫn không rời khu nông trại. Cô nằm dài ở rìa một cánh rừng trên tấm thảm sàn xe Corolla cô lấy ra và trải lên mặt đất. Cô đã cởi bộ tóc giả, mặc vào một bộ quần áo thể thao màu xanh nhiều túi hông, một áo thun dầy và một áo chắn gió dài ngang thân có lớp lót giữ nhiệt.

Nông trại Gosseberga nằm cách đường cái bốn trăm mét. Có hai nhà. Nhà chính ở cách cô khoảng một trăm hai chục mét, một ngôi nhà khung trắng hai tầng bình thường với một cái lán và một nhà kho ở bên ngoài chừng bảy chục mét. Qua cửa nhà kho cô có thể thấy capô một chiếc xe trắng. Cô nghĩ đó là chiếc Volvo nhưng nó ở quá xa nên không chắc chắn lắm.

Giữa cô và ngôi nhà là một tràn ruộng bùn chạy dài về bên phải chừng hai trăm mét xuống một cái đầm. Đường xe vào nhà cắt ngang qua thửa ruộng rồi mất vào sau một hàng cây nho nhỏ đi ra phía đường cái. Cạnh đường cái có một nông trại khác nom như bỏ hoang; những miếng ni lông phủ lên cửa sổ. Bên kia ngôi nhà chính là một lùm cây dùng để chắn con mắt hàng xóm gần nhất, một vạt nhà cách đó gần đến sáu trăm mét. Vậy là khu trại trước mặt cô tương đối biệt lập.

Cô ở gần hồ Anten trong một khu vực băng tích đã được mài tròn, ở đó cánh đồng xen lẫn với những thôn xóm be bé và đất rừng rậm rạp. Bản đồ đường xá không cho chi tiết về khu vực nhưng cô đã bám chiếc Renault đen từ Goteborg chạy theo đường E20 rẽ sang phía tây đến Solebrunn ở quận Alingsas. Sau chừng bốn chục phút, chiếc xe quặt gấp vào con đường rừng ở chỗ biển báo đây là Gosseberga. Cô lái tiếp rồi đỗ ở sau một nhà kho trong một vạt cây cách phía bắc xa lộ độ chừng một trăm mét.

Cô chưa nghe nói đến Gosseberga bao giờ nhưng cô có thể nói nó liên quan tới ngôi nhà và nhà kho ở trước mặt cô. Cô đã đi qua một thùng thư bên đường. Chữ sơn ở trên đó là “BĐ Hòm thư 192 – K.A.Bodin”. Cái tên chả nói lên điều gì với cô. Cô đã lượn một vòng rộng quanh các ngôi nhà và cuối cùng chọn lấy điểm nấp dò xét. Mặt trời chiều chiếu vào lưng cô. Do 3 giờ rưỡi đã vào vị trí, cô biết chỉ xảy ra có một việc.

Blomkvist chán ngán gõ ngón tay lên mặt bàn ở toa ăn. Đoàn tàu X2000 đỗ ở Katrineholm rồi ở lại đó gần một giờ. Một trong các toa xe bị trục trặc gì đó cần phải sửa. Người ta thông báo xin lỗi đã để hành khách phải chờ.

Anh nản chí thở dài rồi lại gọi cà phê.

Mười lăm phút sau, cuối cùng giật chúi một cái, đoàn tàu lại chạy. Anh nhìn đồng hồ, 8 giờ tối.

Lẽ ra anh nên đi máy bay hay thuê xe hơi. Bây giờ cái cảm giác lên đường quá muộn lại càng làm cho anh bồn chồn hơn.

Quanh quẩn lúc 6 giờ, ai đó bật đèn ở một gian phòng dưới tầng trệt rồi ngay sau đó một ngọn đèn dầu được thắp lên. Salander thấp thoáng thấy những cái bóng ở trong cái cô đồ chừng là gian bếp ở bên phải cửa ra vào nhưng cô không nhận ra được mặt mũi.

Rồi cửa ra vào mở, thằng khổng lồ có tên Ronald Niedermann đi ra. Hắn mặc quần sẫm màu và một áo phông chật làm cho bắp thịt hắn càng hằn rõ lên. Cô đã đúng. Một lần nữa cô thấy đúng thật là Niedermann đồ sộ. Nhưng hắn cũng chỉ là da thịt như mọi người bất chấp những cái mà Paolo Roberto và Miriam Wu đã nếm qua. Niedermann đi quanh ngôi nhà rồi vào nhà kho, nơi đỗ xe. Hắn đi ra với một cái túi nhỏ và trở lại vào trong ngôi nhà.

Sau chỉ ít phút hắn lại hiện ra. Đi kèm bên hắn là một người già hơn, thấp, gầy, chống một cái nạng. Trời quá tối Salander không nhận rõ được nét mặt người này, nhưng cô thấy một luồng lạnh buốt bò lan dọc sống lưng.

Bố ô ô ô, con ở đây…

Cô nhìn kỹ Zalachenko và Niedermann trong khi họ đi bộ lên đường cái. Họ dừng lại ở cái lán, Niederman lấy một ít củi ở đây. Rồi họ quay về nhà, đóng cửa lại.

Salander nằm im mấy phút. Rồi cô hạ ống nhòm xuống, lùi lại cho đến khi ẩn kín hoàn toàn vào giữa hàng cây. Cô mở ba lô lấy ra một bình giữ nhiệt, cô rót một ít cà phê. Cô cho một viên đường vào miệng mút. Cô ăn một sandwich pho mát mua hồi sớm trên đường đi đến Goteborg. Vừa ăn cô vừa tính xem tình thế.

Ăn xong cô lấy khẩu P – 38 Wanad Ba Lan của Nieminen ra. Cô bật kẹp đạn kiểm tra thấy không có gì làm cho chốt an toàn và nòng súng bị kẹt. Cô ngắm bóp cò thử không đạn. Cô có sáu viên đạn Makarov 9 li. Thế chắc là đủ. Cô cho kẹp đạn về chỗ, lên nòng một viên. Cô đẩy chốt an toàn rồi luồn súng vào trong túi phải của áo jacket.

Salander bắt đầu đi đến ngôi nhà, vòng qua khu rừng. Đi được chừng năm chục mét cô thình lình đứng lại.

Ở lề của bản Toán học, Pierre de Fermat ghi: Tôi đã có một chứng minh thực sự tuyệt vời cho mệnh đề này nhưng lề giấy đây quá hẹp không chứa đủ nó.

Bình phương đã được chuyển sang thành lập phương (x3 + y3 = z3) và các nhà toán học đã bỏ hàng thế kỷ ra để tìm lời giải cho câu đố của Fermat. Vào những năm 1990, lúc Andrew Wiles giải bài toán hóc búa này, ông đã vùi đầu vào nó trong mười năm, dùng đến chương trình máy tính tiên tiến nhất thế giới.

Rồi thình lình cô hiểu ra. Lời giải vô cùng đơn giản. Một trò chơi với các con số xếp lần lượt theo thứ tự rồi rơi vào vị trí nhờ một công thức đơn giản, giống với một câu đố bằng hình vẽ hơn cả.

Dĩ nhiên Fermat không có máy tính và đáp án của Wiles là dựa trên các toán học vẫn chưa được phát minh vào lúc Fermat đưa công thức của ông ra. Fermat có lẽ sẽ không bao giờ có được sự chứng minh mà Wiles đã trình làng. Đáp án của Fermat hoàn toàn khác.

Cô ngạc nhiên quá đến nỗi phải ngồi xuống một gốc cây. Cô nhìn đăm đăm về đằng trước trong khi kiểm tra phương trình.

Vậy thì điều ông muốn nói là cái ấy. Thảo nào các nhà toán học phải vò đầu bứt tai.

Rồi cô cười khúc khích.

Có lẽ một triết gia cũng có cơ may giải được câu đố này.

Cô mong cô đã được quen biết Fermat.

Ông là một đồ quỷ ngạo mạn.

Lúc sau cô đứng lên đi tiếp ở giữa lùm cây. Cô giữ cho gian nhà kho ở giữa cô và ngôi nhà chính.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận