Thứ Bảy, 19 tháng Hai
Nghe tiếng gõ nhè nhẹ vào thành cửa, Armansky ngước trông lên và thấy Salander ở trước cửa. Cô đang giữ cho khỏi đổ hai tách cà phê lấy ở máy pha espresso. Ông đặt bút xuống, đẩy bản báo cáo ra.
– Chào. – Cô nói.
– Chào.
– Đây là một thăm viếng xã hội. – Cô nói. – Tôi vào được không?
Một thoáng nhanh Armansky nhắm mắt lại. Rồi ông chỉ vào chiếc ghế dành cho khách.
Ông liếc đồng hồ. 6 rưỡi tối. Salander đưa ông một tách cà phê rồi ngồi xuống. Hai người thăm dò nhau một lúc.
– Hơn một năm rồi. – Armansky nói.
Salander gật.
– Ông có cáu không?
– Tôi nên cáu ư?
– Tôi đã không chào từ biệt.
Armansky dẩu môi ra. Ông bị sốc nhưng đồng thời cũng lại nhẹ người thấy ít ra Salander đã không chết. Ông thình lình cảm thấy rất giận và mệt.
– Tôi không biết nói thế nào. – Ông nói. – Cô không có phận sự phải bảo tôi là cô đang làm gì đâu. Cô muốn gì đây?
Giọng ông lạnh hơn là ý định của ông.
– Tôi không rõ. Tôi đến chính là để chào.
– Cô có cần công việc không? Tôi sẽ không mướn cô nữa.
Cô lắc đầu.
– Cô có đang làm ở đâu khác không?
Cô lại lắc. Có vẻ cô đang cố diễn ra thành lời. Armansky chờ.
– Tôi đi du lịch. – Cuối cùng cô nói. – Tôi mới trở về thôi.
Armansky xem xét cô. Cô đã thay đổi. Có một kiểu mới mới về… trưởng thành trong cách chọn quần áo và phong thái. Và cô độn ngực bằng cái gì đó.
– Cô đã thay đổi. Cô đã ở đâu?
– Đây đó… – Cô nói nhưng thấy ông chán nản thì cô nói thêm. – Tôi đi Ý rồi đi tiếp đến Trung Đông, Hồng Kông, qua Bangkok. Tôi đã ở Úc một dạo và New Zealand, và tôi nhảy cóc giữa các hòn đảo để qua Thái Bình Dương. Tôi ở Tahiti một tháng. Rồi đi xuyên nước Mỹ rồi qua mấy tháng sau cùng ở Caribbean. Tôi không biết tại sao tôi lại không chào từ biệt.
– Tôi bảo cô tại sao nhé: vì cô không có coi ai ra cái cóc khô gì cả. – Armansky nói, thản nhiên như không.
Salander cắn môi dưới.
– Thường thì là người khác không coi tôi ra cái cứt gì.
– Nhảm. – Armansky nói. – Cô có vấn đề về thái độ, cô đối xử với người như cứt khi họ cố làm bạn với cô. Đơn giản thế thôi.
Im lặng.
– Ông có muốn tôi đi không?
– Thích sao cô cứ việc làm thế. Cô vẫn thế mà. Nhưng nếu cô đi thì tôi sẽ không bao giờ muốn gặp cô nữa đâu.
Salander thình lình sợ. Người mà cô kính trọng đang quẳng cô đi. Cô không biết nói sao.
– Holger Palmgren bị đột quỵ đến nay là hai năm rồi. Cô đã thăm ông ấy lần nào chưa? – Armansky nói gay gắt.
Salander choáng nhìn Armansky.
– Ông ấy còn sống?
– Ông ấy sống hay chết cô cũng chả biết.
– Các bác sĩ nói ông ấy…
– Các bác sĩ nói về ông ấy nhiều. – Armansky cắt lời cô. – Tình trạng ông ấy rất xấu, không giao lưu tiếp xúc được với ai. Nhưng từ năm ngoái ông ấy đã phục hồi được chút ít. Nói vẫn không rõ, phải chú ý nghe cô mới hiểu là nói gì. Ông ấy cần giúp đỡ nhiều thứ nhưng đã có thể vào buồng tắm một mình. Những người quan tâm đến Palmgren vẫn đến ngồi chơi với ông ấy.
Salander ngồi chết điếng đi ở đó.
Hai năm trước, cô là người đầu tiên tìm thấy Holger sau khi ông bị đột quỵ. Cô đã gọi xe cứu thương, các bác sĩ đã lắc đầu nói kết quả hội chẩn không mấy khả quan. Tuần đầu tiên cô đã ở bệnh viện cho tới khi một bác sĩ nói Palmgren đang bị hôn mê và có vẻ như cầm chắc không qua khỏi. Cô đứng lên đi khỏi bệnh viện, không ngoái lại. Và đúng là không kiểm tra xem rồi đã xảy ra chuyện gì.
Cô cau mày. Cùng thời gian ấy hồ sơ giấy tờ của cô bị Nils Bjurman gian lận, hắn đã làm cô phải chú ý nhiều đến việc đó. Nhưng không ai, ngay cả Armansky, bảo cô Palmgren còn sống hay ông đang khá dần lên. Cô không nghĩ đến khả năng ấy bao giờ.
Mắt cô đầy nước mắt. Trong đời cô chưa bao giờ cảm thấy mình xấu xa ích kỷ như thế. Cũng chưa bao giờ bị chỉ trích dữ dội như thế. Cô gục đầu xuống.
Họ im lặng rồi Armansky nói:
– Cô đang làm gì?
Salander nhún vai.
– Cô sinh sống thế nào? Cô có việc làm không?
– Không, tôi không có. Mà tôi cũng không biết mình muốn việc gì. Nhưng tôi đã có một khoản tiền do đó hiện đang sống được.
Armansky nhìn cô soi xét.
– Tôi chỉ xẹt qua chào… Tôi không đi tìm việc… có thể tôi sẽ làm cho ông nếu ông cần đến nhưng phải là việc tôi thích.
– Tôi không cho là cô muốn nói với tôi những chuyện xảy ra ở Hedestad năm ngoái.
Salander không đáp.
– Được, đã xảy ra một chuyện. Sau khi cô quay về đây mượn bộ thiết bị kiểm soát và ai đó đe doạ cô thì Martin Vanger lái xe đâm vào xe tải. Rồi do người anh chết mà em gái người chết trở về. Giật gân đấy chứ, đấy là nói sơ sơ thôi.
– Tôi đã hứa là không nói đến chuyện đó.
– Và cô cũng không muốn nói với tôi cô đã đóng vai trò gì cả ở trong vụ Wennerstrom.
– Tôi giúp Blomkvist điều tra. – Giọng cô thình lình lạnh ra. – Tất cả có như thế. Tôi đã không muốn liên quan đến.
– Blomkvist sằng sặc lên tìm cô. Mỗi tháng một lần lại gọi tôi hỏi có biết tin gì của cô không.
Salander vẫn im lặng, nhưng Armansky nhìn thấy hai môi cô mím chặt lại.
– Tôi không thể nói là tôi mến anh ta. – Armansky nói. – Nhưng anh ta cũng quan tâm đến cô. Tôi gặp anh ta một lần mùa thu năm ngoái. Anh ta cũng không muốn nói đến Hedestad.
Salander không muốn bàn đến Blomkvist.
– Tôi chỉ là đến chào và bảo ông là tôi đã trở về. Tôi không biết liệu tôi rồi sẽ có ở lại không. Đây là số di động và địa chỉ email mới của tôi phòng khi ông cần tìm.
Cô đưa cho Armansky một tờ giấy và đứng lên. Cô đã ra đến cửa thì ông gọi giật:
– Chờ chút. Cô sẽ làm gì bây giờ?
– Tôi đi chào Holger Palmgren.
– OK. Nhưng ý tôi là cô sẽ làm việc gì?
– Tôi không biết.
– Nhưng cô phải có sinh kế.
– Tôi đã nói là tôi có đủ để sống.
Armansky ngả vào lưng ghế. Ông không dám chắc là đã hiểu ý cô.
– Tôi đã giận điên lên vì cô biến đi không một lời, giận đến nỗi gần như quyết định là không bao giờ tin cô nữa. – Ông làm bộ khó chịu. Rất không thể dựa được vào cô. Nhưng cô là một điều tra viên giỏi, chết thế. Sắp tới tôi có một việc có thể là thích hợp với cô.
Cô lắc đầu nhưng trở lại bàn ông.
– Tôi không muốn việc của ông. Ý là tôi không cần việc làm. Tôi nói nghiêm chỉnh, tôi đã độc lập về tài chính.
Armansky cau mày.
– OK, cô độc lập về tài chính, thì hiểu như thế nào cũng được. Tôi tin cô ở chuyện này. Nhưng khi nào cô cần việc…
– Dragan, từ khi tôi trở về, ông là người thứ hai tôi đến thăm. Tôi không cần việc của ông. Nhưng mấy năm qua cho đến nay, ông là một trong số ít người tôi kính trọng.
– Ai cũng phải làm một cái gì để sống.
– Xin lỗi nhưng tôi không còn thích làm những việc điều tra đời tư nữa. Xin cho biết có phải ông đã nhào vô một vấn đề thật sự thú vị rồi đấy chứ.
– Vấn đề kiểu gì?
– Kiểu mà ông không phân biệt được là đầu hay là đuôi. Tuy ông đã bị kẹt và không biết làm thế nào. Tới đây nếu tôi có việc của tôi cho ông, ông sẽ phải đảm đương một món đặc biệt. Có thể ở phương diện tác chiến.
– Phương diện tác chiến? Cô? Nhưng cô thích biến lúc nào là cô biến mất tăm cơ mà.
– Việc nào tôi bằng lòng làm là tôi không có bỏ.
Armansky bất lực nhìn cô. Chữ “phương diện tác chiến” là tiếng lóng, có nghĩa là công việc dã ngoại. Nó có thể là bất cứ thứ gì, từ vệ sĩ đến bảo vệ cho các triển lãm nghệ thuật. Nhân viên tác chiến là dân thâm niên, tin cậy, vững vàng, nhiều người trong họ từng làm cảnh sát và 90 phần trăm họ là đàn ông. Salander là đối cực với tiêu chuẩn mà ông đặt ra cho nhân sự thuộc các đơn vị tác chiến của An ninh Milton.
– Được… – Ông nghi ngờ nói. – Nhưng cô đã biến mất tăm đi ở đâu ấy. – Armansky lắc đầu. Cô bé này kỳ dị. Kỳ dị mà nghiêm túc.
Nhưng nhoáng một cái Salander đã trở lại ở ngoài cửa.
– À, nhân dịp… Ông cho hai người bỏ cả tháng ra bảo vệ diễn viên Christine Rutherford khỏi bị cái tên óc bã đậu viết thư đe doạ. Ông nghĩ đây là một vụ nội bộ vì kẻ viết thư biết rất nhiều chi tiết về chị ấy.
Armansky nhìn trừng trừng Salander. Ông như bị điện giật. Con bé lại làm chuyện này rồi. Một vụ cô tuyệt đối không thể biết một tí gì thế mà cô vừa lia ra một khía cạnh của nó.
– Vậy…?
– Giả mạo. Nữ nghệ sĩ và bạn trai viết các thư này để chơi trò giật gân quảng cáo cho mình. Vài ngày nữa, chị ấy lại sẽ nhận được một thư khác rồi tuần sau hai người sẽ xì nó ra cho giới thông tin đại chúng. Họ chắc sẽ lên án An ninh Milton để lộ chuyện. Xoá ngay bây giờ tên chị ấy ở danh sách khách hàng của ông đi.
Armansky chưa kịp nói gì cô đã đi. Ông nhìn trừng trừng khung cửa trống. Cô không có cách nào biết được bất cứ chi tiết nào của vụ này mà. Chắc phải có tay trong ở An ninh Milton giúp cô cập nhật. Nhưng ngoài ông ra, chỉ có bốn năm người biết chuyện – nhóm trưởng nhóm tác chiến và một ít người tố cáo các đe doạ… họ đều là dân chuyên môn vững vàng hết cả. Armansky cọ cọ cằm.
Ông nhìn xuống bàn làm việc. Hồ sơ Rutherford khoá ở trong này. Văn phòng có bọ báo động đột nhập. Ông lại liếc đồng hồ và biết Harry Fransson, trưởng phòng kỹ thuật chắc đã xong công việc. Ông viết email rồi gửi đi yêu cầu Fransson sáng mai đến văn phòng ông đặt một camera theo dõi.
Salander đi bộ về thẳng nhà ở Mosebacke. Cô bước gấp vì cảm thấy cấp bách.
Cô gọi bệnh viện ở Soder rồi sau vài chặng nối tiếp của tổng đài thì đã lần tìm ra được tình hình đầu đuôi về Holger. Trong mười bốn tháng qua, ông sống ở một nhà phục hồi chức năng tại Ersta. Thình lình cô thấy lại hết khung cảnh Appelviken. Khi cô gọi, người ta bảo ông đang ngủ nhưng ngày mai cô có thể thoải mái đến thăm.
Cả tối ấy Salander cứ đi đi lại lại trong nhà. Cô đang trong tâm trạng bần thần lơ ma lơ mơ. Cô đi ngủ sớm và ngủ ngay. Dậy lúc 7 giờ, tắm, ăn điểm tâm ở cửa hàng 7-Eleven. Tám giờ, cô đi bộ đến hãng cho thuê xe hơi Ringvagen. Mình phải có một chiếc xe. Cô lại thuê chiếc Nissan Micra mà cô đã lái đến Appelviken vài tuần trước.
Cô bồn chồn không thể giải thích được khi đỗ xe gần nhà phục hồi chức năng, nhưng lấy hết can đảm cô đi vào bàn tiếp khách.
Người phụ nữ ở đây xem giấy tờ của cô, nói hiện nay Holger Palmgren đang trị liệu ở phòng thể dục, phải sau 11 giờ mới gặp được. Cô ra xe ngồi, hút ba điếu thuốc chờ. 11 giờ, cô lại vào bàn giấy đón tiếp khách. Người ta bảo cô vào phòng ăn, xuôi đến cuối hành lang, ở bên phải rồi sang trái.
Cô dừng lại ở cửa vào nhà ăn, nhận ra Palmgren trong nhà ăn trống vắng. Ông ngồi quay mặt vào Salander nhưng tập trung hết chú ý vào đĩa của mình. Ông lóng ngóng nắm dĩa, rất chăm chú lái đưa thức ăn vào miệng. Ông bị lỡ trớn và thức ăn rớt khỏi dĩa, phải đến ba bốn lần mới ăn được.
Ông nom xọp đi, có thể như đã già trăm tuổi. Mặt ông hình như bất động lạ lùng. Ông ngồi trong xe lăn. Chỉ lúc ấy Salander mới nhận rằng ông còn sống, rằng Armansky không trừng phạt cô.
Palmgren thầm chửi thề khi ông cố xiên dĩa vào miếng pho mát trộn mì macaroni lần thứ ba. Ông nhẫn chịu việc không thể đi lại bình thường, chấp nhận rằng có nhiều thứ ông không thể làm được. Nhưng ông ghét việc không thể ăn bình thường, ghét cái việc nhiều khi ông cứ rỏ dớt rỏ dãi ra như một đứa bé.
Ông biết rõ ông nên làm như thế nào: hạ thấp dĩa xuống đúng góc độ, đẩy nó về trước, nhấc nó lên và hướng vào miệng, vấn đề là ở chỗ phối hợp. Bàn tay ông có sự sống riêng của nó. Khi ông chỉ thị nhấc lên, nó lại từ từ trượt sang rìa đĩa. Nếu ông cố lái nó vào miệng thì vào lúc cuối cùng nó lại thay đổi hướng mà hạ cánh xuống má hay cằm ông. Nhưng phục hồi đang đem lại kết quả. Sáu tháng trước, tay ông run đến mức ông không thể cho nổi chỉ một thìa thức ăn vào miệng. Các bữa ăn của ông vẫn mất nhiều thời gian nhưng ít nhất ông cũng đã tự ăn lấy và ông đang tiếp tục như vậy cho tới khi một lần nữa ông lại kiểm soát được đầy đủ tứ chi.
Trong khi ông hạ dĩa xuống để vun một miếng mì nữa thì ở sau lưng ông, một bàn tay nhẹ nhàng cầm lấy nó. Ông nhìn chiếc dĩa xúc một ít macaroni pho mát rồi nâng lên. Nghĩ mình đã biết cái bàn tay mảnh mai như của búp bê này, ông quay lại và gặp mắt Salander. Con mắt trông chờ của cô nhìn ông. Cô có vẻ lo lắng.
Palmgren nhìn chằm chằm mặt Salander hồi lâu. Thình lình không sao hiểu nổi tim ông đập mạnh lên. Rồi ông há miệng nhận thức ăn.
Cô cho ông ăn từng dĩa mỗi lần. Thông thường Palmgren ghét bị xúc cho ăn nhưng ông hiểu Salander cần làm thế. Đây không phải vì ông là một món hành trang bất lực. Cô đang cho ông ăn với cử chỉ của kẻ dưới kém mọn – điều cực kỳ hiếm khi xảy ra ở cô. Cô để miếng ăn vừa phải lên dĩa, chờ ông nhai xong. Khi ông chỉ vào cốc sữa có ống hút, cô cầm lên để ông uống.
Khi ông nuốt xong miếng cuối cùng, cô đặt dĩa xuống, nhìn ông có ý hỏi. Ông lắc đầu. Trong cả bữa ăn, hai người không nói với nhau lời nào.
Palmgren ngả người vào xe lăn, thở một hơi dài. Salander nhặt khăn ăn lên lau miệng ông. Ông cảm thấy mình giống ông trùm mafia trong một bộ phim xưa của Mỹ, trong đó một capo di tutti capi, một thuộc hạ đang tỏ lòng cung kính bề trên. Ông tưởng tượng cô sẽ hôn tay ông như thế nào rồi mỉm cười với cái điều huyễn hoặc dớ dẩn ấy.
– Theo ông, có thể uống cà phê ở đây được không? – Cô nói.
Ông nói líu ríu. Môi và lưỡi ông không tạo nên được hình thù cho âm thanh.
– Ba phụ u ơ gót.
Bàn phục vụ ở góc kia, cô đoán được ra.
– Ông uống không? Sữa, không đường, như thường lệ chứ?
Ông ra hiệu tay rằng có. Cô đem khay của ông đi rồi một phút sau quay lại với hai tách cà phê. Ông để ý thấy cô uống đen, khác trước. Ông cười khi thấy cô dành lại cái ống hút sữa để ông dùng uống cà phê. Palmgren có cả hàng nghìn điều muốn nói nhưng ông không phát ra được một âm tiết đơn giản nào. Nhưng mắt hai người chốc chốc lại gặp nhau. Salander nom vẻ đã phạm lỗi ghê gớm. Cuối cùng cô bật ra.
– Tôi nghĩ ông chết rồi. Nếu biết ông còn sống tôi sẽ không bao giờ… tôi đã đến thăm từ lâu rồi. Ông tha lỗi cho.
Ông cúi đầu xuống. Mỉm cười, chỉ là môi lượn một nét.
– Tôi đi lúc ông đang hôn mê và các bác sĩ bảo tôi ông sắp chết. Họ nói ông sẽ chết trong vài ba ngày và thế là tôi đi. Tôi rất ân hận.
Ông nhấc tay đặt lên bàn tay nhỏ nhắn đang nắm lại của cô. Cô bóp mạnh tay ông.
– Cu biết.
Cô biến mất.
– Dragan Armansky bảo ông ư?
Ông gật.
– Tôi du lịch xa. Tôi cần ra đi. Tôi không chào từ biệt ai, cứ là bỏ đi thôi. Ông có lo phiền không?
Ông lắc đầu từ trái sang phải, thong thả mấy cái.
– Ông không bao giờ phải lo phiền về tôi.
– Tu khôn su vi cu. Cu ba giơ cung qua. Nhun Armshi lu.
Tôi không bao giờ lo về cô. Cô bao giờ cũng qua được. Nhưng Armansky lo.
Cô lại mỉm cười, nụ cười khó hiểu quen thuộc mà cô vẫn cười với ông, và Palmgren nhẹ người. Ông xem xét cô, so sánh trí nhớ của ông về cô với người phụ nữ đang ở trước mặt ông đây. Cô đã thay đổi. Cô đầy đặn, sạch gọn và ăn mặc khá đẹp. Cô đã bỏ chiếc khoen ở môi đi… hừm… con vò vẽ xăm trên cổ cũng không còn. Cô nom lớn khôn hơn. Ông cười thành tiếng lần đầu tiên trong nhiều tuần qua. Tiếng cười nghe như một cơn ho.
Nụ cười của Salander nở rộng hơn và cô thình lình thấy một luồng nóng ấm tràn dâng lên trong tim mình, điều lâu lắm cô mới lại thấy.
– Cu su đư la tút.
Cô đã sống được tốt. Ông chỉ tay vào quần áo cô. Cô gật.
– Tôi đang sống tốt.
– Ngư giá hu mưi nao…
Người giám hộ mới thế nào?
Palmgren để ý thấy mặt Salander sầm tối. Môi mím lại. Cô ngay thẳng nhìn ông.
– Ông ấy OK… Tôi có thể nắm được ông ấy.
Palmgren nhếch lông mày hỏi. Salander nhìn quanh phòng ăn rồi đổi hướng câu chuyện.
– Ông ở đây đã bao lâu rồi?
Palmgren tuy đã bị đột quỵ, ăn nói cũng như vận động còn khó khăn nhưng đầu óc ông vẫn nguyên vẹn, rađa của ông lập tức nhặt ra được một âm sắc giả tạo trong tiếng nói của Salander. Trong từng ấy năm biết cô, ông đã đi tới chỗ nhận ra là cô không bao giờ nói dối thẳng thừng với ông nhưng cô cũng không phải là hoàn toàn hồn nhiên. Cô không nói với ông sự thật, cái kiểu cốt để cho ông sao lãng chú ý đi. Rõ ràng là đã có vài ba vấn đề nào đó với người giám hộ mới của cô. Palmgren chả ngạc nhiên vì chuyện này.
Ông cảm thấy hối hận sâu sắc. Đã bao nhiêu lần ông toan gọi người đồng nghiệp Nils Bjurman – dẫu sao cũng là luật sư nếu như không phải là bạn – để hỏi Salander sống ra sao nhưng lại lơ là mất? Và tại sao ông không phản đối việc tuyên bố cô bất lực, không tự cai quản được mình trong khi ông vẫn còn quyền ở trong tay? Ông biết tại sao – do ích kỷ ông đã muốn giữ liên hệ với cô lúc còn sống. Ông yêu đứa con gái khó tính khó nết đến phát ghét lên này như đứa con mà ông chưa bao giờ có và ông muốn có một lý do để duy trì quan hệ. Ngoài ra, về mặt sinh thể cũng quá khó khăn. Khi ông chập chững vào phòng tắm, chỉ việc mở khoá quần ra thôi ông cũng đã đủ thấy rầy rà. Ông cảm thấy tựa như mình đã bỏ rơi Salander. Nhưng cô ấy vẫn sẽ luôn luôn sống sót… Cô ấy là người có bản lĩnh nhất mà tôi đã gặp.
– Tá án quê.
– Tôi không hiểu.
– Tò á qu…ân.
– Toà án quận? Ông muốn nói sao?
– Đá bó tuy bố cu khu trớ thà…
Mặt Palmgren đỏ gay lên, ông nhăn mặt lại khi không nói được ra lời. Salander để tay lên cánh tay ông khẽ bóp.
– Holger … đừng lo cho tôi. Tôi sẽ có kế hoạch sớm lấy được bản tuyên bố không tự cai quản được bản thân. Ông không phải lo chuyện ấy nữa, nhưng cuối cùng tôi cũng cần ông giúp đỡ đấy. OK chứ? Nếu tôi cần thì ông có làm luật sư cho tôi không?
Ông lắc đầu.
– Gia qua. – Ông gõ khuỷu ngón tay vào tay xe lăn. – Ông gia khôn nàn.
– Đúng, cứ như thế này thì ông đúng là một ông già cù lần. Tôi cần một cố vấn pháp lý và tôi muốn ông. Ông có thể không nói được ở toà nhưng ông có thể cho tôi lời khuyên lúc cần. Ông làm chứ?
Ông lại lắc đầu nhưng rồi gật.
– La gờ?
– Tôi không hiểu.
– Cu đan lam gi? Không Armshy.
Cô đang làm việc gì? Không phải Armansky.
Salander ngập ngừng trong khi nghĩ cách giải thích thế nào về tình hình của cô. Nó phức tạp.
– Tôi không làm việc với Armansky nữa. Tôi không cần làm việc với ông ấy để kiếm sống. Tôi có tiền của tôi và tôi sống ổn.
Lông mày Palmgren lại nhíu sát như đan vào nhau.
– Tôi sẽ đến thăm ông nhiều, bắt đầu từ hôm nay. Tôi sẽ nói với ông hết về… nhưng chúng ta đừng nên căng thẳng vì các thứ. Ngay bây giờ tôi có một việc khác muốn làm.
Cô cúi xuống nhắc một cái túi lên bàn, lấy ra một bàn cờ.
– Suốt hai năm vừa rồi tôi không có cơ hội chiếu bí ông.
Ông chịu. Cô đã phạm phải vài lỗi lầm nào đó mà cô không muốn nói đến. Ông khá chắc chắn rằng ông đã có những bảo lưu nghiêm khắc với cô nhưng ông vẫn đủ tin cô để biết là cô có gan làm bất cứ điều gì khả nghi trong con mắt pháp luật nhưng làm một tội ác chống lại pháp luật của Chúa thì không. Không giống như phần đông người khác biết cô, Palmgren tin rằng Salander là một người có luân lý đạo đức. Vấn đề là quan niệm đạo đức của cô không luôn luôn khớp với quan niệm đạo đức của hệ thống pháp lý.
Cô bày các quân cờ và ông giật mình nhận ra bàn cờ của mình. Cô bé chắc đã nẫng nó đi sau khi ông bị bệnh. Như một vật lưu niệm. Cô cho ông quân trắng. Bất ngờ ông vui như một đứa trẻ.
Salander ở lại với Palmgren hai giờ đồng hồ. Cô đánh với ông ba ván siêu liêu, cho tới khi một nữ y tá đến cắt đứt cuộc giành giật hơn thua của họ trên bàn cờ, báo rằng đã đến giờ ông đi điều trị vật lý buổi chiều. Salander thu dọn quân cờ và gấp bàn cờ lại.
– Chị có thể cho biết ông ấy đang điều trị vật lý kiểu gì được không ạ?
– Đây là tập luyện về sức lực và phối hợp. Chúng tôi đang tiến bộ đấy, có tiến bộ chứ, đúng không?
Palmgren gật đầu dứt khoát.
– Ông đã đi được vài bước. Hè này ông sẽ đi được một mình ở trong vườn hoa. Đây là con gái ông à?
Palmgren và Salander nhìn nhau.
– Co đớ đâu.
Con đỡ đầu.
– Chị đến thăm hay quá!
Cả thời gian qua cái đồ quỷ nhà chị ở đâu vậy chứ?
Salander lờ đi cái ngụ ý không thể hiểu lầm này. Cô cúi xuống hôn lên má Palmgren.
– Thứ Sáu này tôi lại đến.
Palmgren kỳ khu cố đứng lên khỏi xe lăn. Cô đi với ông ra thang máy. Cửa thang máy vừa đóng, cô đi xuống bàn tiếp tân đề nghị được nói chuyện với bất cứ ai chịu trách nhiệm về người bệnh. Cô được chuyển tới bác sĩ A. Sivarmandan, cô tìm thấy ông ở một văn phòng gần cuối hành lang. Cô tự giới thiệu, nói mình là con gái đỡ đầu của Palmgren.
– Tôi muốn biết ông ấy nay thế nào và điều gì sẽ đến với ông ấy.
Bác sĩ Sivarnandan xem hồ sơ y bạ của Palmgren, đọc những trang giới thiệu. Mặt ông bị rỗ hoa vì đậu mùa và ông có một bộ ria mà Salander nom thấy dớ dẩn. Cuối cùng ông ngước lên. Cô ngạc nhiên thấy ông nói giọng Phần Lan.
– Tôi không thấy giấy tờ nói ông Palmgren có con gái hay con gái đỡ đầu. Thực tế thì thân nhân gần nhất của ông ấy hình như là một anh em họ 86 tuổi sống ở Jamtland.
– Ông ấy chăm sóc tôi từ khi tôi mười ba, cho tới khi ông ấy bị đột quỵ. Lúc ấy tôi hai mươi tư tuổi.
Cô thục tay vào túi trong jacket, vứt một cây bút lên trên bàn làm việc trước mặt bác sĩ.
– Tôi tên là Lisbeth Salander. Ông viết tên tôi vào hồ sơ y bạ này. Trên thế giới, quan hệ gần gũi nhất mà ông ấy có là tôi.
– Cái ấy có thể. – Bác sĩ Sivarnandan đáp lại dứt khoát. – Nhưng nếu cô là quan hệ gần gũi nhất thì rõ là cô đã để cho chúng tôi biết quá muộn. Như tôi biết, ông ấy chỉ có một người đến thăm vài lần, người này tuy không dính dáng đến ông ấy nhưng đã được ghi tên để phòng lúc tình trạng sức khoẻ của ông ấy xấu đi hay nếu ông ấy lìa trần.
– Chắc là Dragan Annansky.
Bác sĩ nhếch lông mày.
– Đúng đấy. Cô biết ông ấy?
– Ông có thể gọi ông ấy kiểm tra xem tôi là ai.
– Không cần thiết. Tôi tin cô. Tôi nghe nói cô ngồi đánh cờ với ông Palmgren suốt trong hai giờ. Nhưng không có phép của ông ấy, tôi không được nói tình trạng sức khoẻ của ông ấy với cô.
– Và ông sẽ không bao giờ có được cái phép ấy của lão quỷ ngang bướng này đâu. Ông xem, ông ấy đau khổ vì nghĩ nhắng rằng ông ấy không nên để cho tôi bị nặng gánh vì các khó khăn của ông ấy, rằng ông ấy vẫn chịu trách nhiệm cho tôi. Chuyện là thế này: hai năm qua tôi nghĩ ông ấy đã chết. Hôm qua tôi phát hiện ông ấy còn sống. Nếu tôi biết ông ấy… cái này giải thích lòng thòng đây, nhưng tôi muốn biết ông ấy được chẩn đoán ra sao và liệu ông ấy có phục hồi được không.
Bác sĩ Sivarnandan cầm bút lên viết rõ ràng tên Salander vào hồ sơ y bạ Palmgren. Ông hỏi cô số bảo hiểm xã hội và số điện thoại.
– OK, nay đã chính thức đăng ký cô là con gái ông ấy đỡ đầu. Điều này có thể không đúng hẳn như sổ sách nhưng xét đến việc cô là người đầu tiên thăm ông ấy từ lễ Giáng sinh, lúc ấy ông Armansky có tạt qua… Hôm nay cô đã gặp ông ấy, cô tự thấy được là ông ấy có vấn đề về phối hợp động tác và nói. Ông ấy đã bị một trận đột quỵ mà.
– Tôi biết. Tôi là người đã tìm thấy ông ấy và gọi cấp cứu.
– A ha, thế thì chắc cô biết ông ấy đã phải nằm ba tháng ở chỗ cấp cứu khẩn cấp. Ông ấy hôn mê lâu. Nhiều bệnh nhân bị hôn mê như thế không thể tỉnh lại nhưng ông ấy thì không thế. Rõ ràng là ông ấy chưa chuẩn bị chết. Đầu tiên ông ấy được đưa đến phòng bệnh nhân mất trí, những người không hoàn toàn không có khả năng tự trông nom mình. Hết sức lạ lùng là ông ấy cho thấy các dấu hiệu tiến bộ rồi thì được chuyển về đây để phục hồi từ chín tháng nay.
– Ông làm ơn cho cho biết khả năng lấy lại vận động và ngôn ngữ của ông ấy.
Bác sĩ Sivarnandan xoè hai bàn tay ra:
– Cô có quả cầu pha lê nào tốt hơn của tôi không? Câu trả lời đúng là tôi không biết. Ông ấy có thể chết vì xuất huyết não tối nay. Hay ông ấy có thể sống một cuộc đời tương đối bình thường hai mươi năm nữa. Tôi không tài nào biết được. Cô có thể nói đó là Chúa quyết định.
– Và nếu ông ấy sống hai mươi năm nữa?
– Với ông ấy, đây là một cuộc phục hồi bền bỉ, chúng tôi chỉ mới thấy có tiến triển trong mấy tháng vừa qua. Sáu tháng trước ông ấy ăn phải có người giúp. Một tháng trước ông ấy đi ra khỏi xe lăn chật vật, một phần vì teo cơ do nằm quá lâu. Bây giờ ít ra ông ấy cũng đi một mình được một quãng ngắn.
– Ông ấy có thể khá hơn nữa không?
– Có. Thậm chí khá hơn nhiều nữa. Gay go là bước cất chân đầu tiên nhưng nay chúng tôi trông thấy tiến bộ hàng ngày. Ông ấy gần như đã mất hai năm trong đời. Vài tháng nữa, vào mùa hè, tôi hy vọng ông ấy có thể đi trong vườn hoa.
– Còn nói?
– Vấn đề của ông ấy là trung tâm ngôn ngữ và khả năng di chuyển đều bị tổn thương nặng. Một thời gian dài ông ấy bất lực. Từ lúc ấy, ông ấy đã bị buộc phải học cách kiểm soát thân thể và nói lại. Ông ấy luôn không nhớ dùng chữ nào chữ nào nên ông ấy phải học lại một số từ. Nhưng việc đó không giống như ta dạy đứa bé nói – ông ấy biết nghĩa của từ, ông ấy chỉ là không phát được âm của nó ra thôi. Cho ông ấy hai ba tháng cô sẽ thấy ông ấy nói tiến bộ lên như thế nào so với hôm nay. Về khả năng di chuyển đây đó của ông ấy thì cũng tương tự thế. Chín tháng trước ông ấy không phân biệt được trái với phải hay lên xuống trong thang máy.
Salander nghĩ về chỗ này một lúc. Cô phát hiện thấy mình thích tay bác sĩ có vẻ người Ấn Độ và giọng nói Phần Lan này.
– A là viết tắt cho chữ gì? – Cô hỏi.
Ông nhìn cô, con mắt thú vị.
– Anders.
– Anders ư?
– Tôi sinh ra ở Sri Lanka nhưng khi tôi ba tháng tuổi thì được một cặp vợ chồng ở Abo nhận làm con nuôi.
– OK, Anders, tôi có thể giúp được như thế nào nhỉ? Thăm ông ấy. Cho ông ấy được kích thích trí tuệ. Tôi có thể đến hàng ngày.
– Tôi không muốn cô ở đây ngày ngày. Nếu ông ấy yêu cô, tôi muốn ông ấy phải ngóng trông cô đến chứ không là thấy phiền toái.
– Có cách chăm sóc đặc biệt nào có thể nâng cao được các tiến bộ của ông ấy lên không?
Ông mỉm cười với Salander:
– Tôi sợ rằng mọi cách chăm sóc đặc biệt chúng tôi đã có đầy đủ ở đây cả rồi. Tất nhiên chúng tôi cần có thêm nhân lực và các sự cắt giảm không ảnh hưởng đến chúng tôi, nhưng tôi bảo đảm với cô là chúng tôi đã cho ông một sự chăm sóc sát sao.
– Nếu không phải lo về những cắt giảm nhân sự thì ông còn có thể cho ông ấy thêm gì khác nữa?
– Với các bệnh nhân như Holger Palmgren thì nếu tôi có thể cho ông ấy một huấn luyện viên làm đủ giờ hành chính là lý tưởng. Nhưng chỉ gần đây ở Thụy Điển chúng ta mới có những nhân lực kiểu như thế.
– Thuê…
– Xin lỗi?
– Thuê cho ông ấy một huấn luyện viên riêng. Ông cố tìm ra một người tốt nhất cho. Xin làm việc này ngay ngày mai. Cũng bảo đảm cho ông ấy các thứ thiết bị kỹ thuật mà ông ấy cần. Tôi sẽ có đủ tiền để cuối tuần này chi trả cho việc thuê ấy.
– Cô định chọc tôi đấy ư, cô gái trẻ?
Salander cứng cỏi, điềm đạm nhìn ông.
Johansson phanh rồi đưa chiếc Fiat của cô tới chỗ chắn ở bên ngoài ga xe điện ngầm Gamla Stan. Svensson mở cửa, lỏn vào ghế khách. Anh nhoài sang hôn má cô trong khi cô cho xe chạy vào sau một chiếc xe bus.
– Chào anh. – Cô nói, mắt vẫn nhìn đường. – Nom quan trọng thế, xảy ra chuyện gì vậy?
Svensson thở dài, cài chặt thắt lưng an toàn.
– Không có gì quan trọng. Chỉ là một chuyện nhỏ về bản thảo.
– Vấn đề gì?
– Một tháng nữa là hết hạn. Chúng ta dự định hai mươi hai cuộc gặp thì anh đã làm được chín. Anh bị rắc rối về Bjorck ở Cảnh sát An ninh. Cha này đang nghỉ ốm dài hạn và không trả lời điện thoại ở nhà hắn.
– Nằm bệnh viện ư?
– Không biết. Em đã thử lấy thông tin của Sapo chưa? Họ thậm chí bảo là hắn không làm việc ở đấy.
– Anh có thử với bố mẹ hắn không?
– Chết cả hai rồi. Hắn không lấy vợ. Hắn có một người anh sống ở Tây Ban Nha. Cái chính là anh không biết làm sao nắm được hắn đây.
Johansson liếc đối tác của mình trong khi lái xe qua Slussen đến đường hầm dẫn tới Nynasvagen.
– Kịch bản trong trường hợp xấu nhất, chúng ta vứt bỏ phần về Bjorck. Blomkvist nhấn mạnh rằng tất cả những ai chúng ta định vạch mặt đều có cơ hội bình luận trước khi chúng ta đưa họ vào tù.
– Nhưng bỏ lọt mất một đại diện của Cảnh sát An ninh tụ bạ với gái điếm thì đáng tiếc lắm đấy. Anh định làm gì bây giờ?
– Tìm hắn, dĩ nhiên. Em sao thế? Căng thẳng à?
Anh dui dúi thụi vào sườn cô.
– Không, thật sự. Tháng sau em bảo vệ luận án, chính thức thành tiến sĩ và em thấy mình bình thản.
– Em biết tỏng hết cả rồi. Căng thẳng vào đâu được!
– Nhìn đằng sau anh xem.
Svensson quay lại, thấy một cái hộp để mở ở trên ghế sau.
– Mia, in rồi kìa. – Anh khoái chí nói. Anh cầm lên một bản luận án vừa được nói đến.
Yêu thương từ nước Nga:
Buôn lậu, tội ác có tổ chức, và phản ứng của xã hội của tác giả Mia Johansson
– Cứ tưởng là đến cuối tuần mới xong cơ. Khiếp… sẽ phải nổ một chai khi về tới nhà. Chúc mừng, Tiến sĩ!
Anh lại nhoài sang hôn cô.
– Bình tĩnh lại. Ba tuần nữa mới là tiến sĩ cơ. Và kiểm soát cái tay anh khi em đang lái.
Svensson cười to. Rồi quay sang nghiêm túc.
– Nhân thể, tội phạm đã chuồn và tất cả các thứ kia… khoảng năm ngoái em đã phỏng vấn một cô gái tên là Irina P.
– Irina P, hai mươi hai, người St Petersburg. Lần đầu tiên đến đây năm 1999 rồi có vài ba chuyến đi đi về về. Có gì về cô ấy?
– Anh tình cờ gặp Gulbrandsen hôm nay. Tay cảnh sát dính vào vụ điều tra nhà thổ ở Sodertalje ấy. Em có đọc tin tuần trước họ tìm thấy một cô gái trôi trên sông đào không? Báo chiều có đưa lên tít mà. Đó là Irina P.
– Ôi không, kinh khủng…
Họ im lặng lái xe qua Skanstull.
– Cô ấy ở trong luận án của em. – Cuối cùng Johansson nói. – Em cho cô ấy tên giả là Tamara.
Svensson giở đến phần phỏng vấn ở Yêu thương từ nước Nga, lật các trang tìm “Tamara”. Anh chăm chú đọc trong khi Mia đi qua Gullmarsplan và sân vận động Hoàn cầu.
– Cô ta bị một người em gọi là Anton đưa đến đây.
– Em không thể dùng tên thật. Tại buổi bảo vệ em có thể bị chê chỗ này nhưng em không thể nêu tên các cô gái ra. Sẽ làm cho các cô ấy gặp nguy hiểm thật sự, chết người. Và đúng là em cũng không thể nêu tên bọn chăn dắt các cô vì chúng có thể lần ra cô gái nào đã nói chuyện với em. Cho nên trong các vụ em nghiên cứu, em chỉ lấy tên giả.
– Anton là ai?
– Tên hắn chắc là Zala. Em chưa thể chẹt được hắn là ai nhưng em nghĩ hắn là một gã Ba Lan hay Nam Tư, và Zala cũng đều không phải là tên thật. Em nói chuyện với Irina bốn năm lần, mãi đến lần cuối cùng gặp em cô ấy mới bảo tên hắn. Cô ấy đang định sống tử tế ra khỏi việc làm ăn này nhưng chắc là cô ấy thật sự sợ hắn.
– Anh đang nghĩ… Tuần trước hay hơn thế, anh tình cờ thấy cái tên Zala.
– Ở đâu thế?
– Anh đối chất Sandstrom, tên dắt gái vốn là một nhà báo. Một thằng bậy bạ hoàn toàn.
– Theo kiểu nào?
– Hắn không là nhà báo thật. Hắn làm việc quảng cáo cho nhiều công ty. Hắn có những ý nghĩ bậy bạ về hãm hiếp mà cô gái ấy là đối tượng…
– Em biết. Em đã phỏng vấn cô ấy mà.
– Nhưng em có biết hắn đã viết một bài trong quyển sách về các bệnh lây truyền bằng tính dục cho Viện Sức khoẻ Cộng đồng không?
– Cái ấy em không biết.
– Tuần trước anh đối chất hắn. Anh bày ra mọi bằng chứng,và hỏi hắn tại sao hắn lại dùng các cô gái ở Đông Âu đến để thoả mãn những ý nghĩ bậy bạ của hắn về hãm hiếp thì hắn quên hết. Dần dần anh moi ra được vài biện minh của hắn.
– Như thế nào?
– Từ chỗ không chỉ là một khách hàng, Sandstrom đã kiếm được một công việc. Hắn cũng làm tạp vụ cho mafia tính dục. Hắn cho anh những cái tên hắn biết, trong đó có tay Zala này. Hắn không nói được điều gì đặc biệt về Zala nhưng đây không phải là một cái tên chung chung.
Johansson liếc anh.
– Em có biết hắn là ai không? – Svensson nói.
– Em không nhận diện được hắn. Hắn chỉ là một cái tên thỉnh thoảng ló ra. Các cô gái xem vẻ đều khiếp hắn, chả cô nào muốn nói với em thêm gì khác nữa cả.