Đó là ngày thứ Sáu Tuần Thánh(1), và các ngôi sao vừa bắt đầu tan vào ánh bình minh. Theo thói quen, vừa lái xe tôi vừa chà vào vết sẹo trên ngực. Mí mắt nặng trĩu và tôi không tài nào tập trung nổi, cũng chẳng có gì ngạc nhiên vì tôi đã dành cả đêm cúi gập người trước gương hít hàng thanh bột trắng vốn khiến khuôn mặt tôi như bị mắc kẹt trong gương. Tôi cứ đinh ninh như thế sẽ làm tăng phản xạ của mình. Tôi đã lầm.
Phía bên kia con đường uốn lượn ngoằn ngoèo là bờ vách dốc đứng chạy xuống sườn núi, phía bên này là cánh rừng âm u. Tôi cố tập trung nhìn về phía trước nhưng lại có cảm giác mãnh liệt rằng có thứ gì đó, có lẽ là một nhóm lính đánh thuê, đang đợi để đánh úp mình từ sau hàng cây. Dĩ nhiên đấy chỉ là ảo giác do ma túy gây ra. Tim đập thình thịch, tôi nắm thật chặt tay lái, mồ hôi cổ đổ ra như tắm.
Tôi đã kẹp sẵn một chai whiskey ngô giữa hai đùi và định lôi ra để làm thêm hớp nữa. Cái chai tuột khỏi tay, rơi vào lòng tôi, đổ rượu tung tóe khắp nơi rồi lăn xuống sàn xe. Tôi kịp cúi xuống nhặt trước khi rượu tràn ra hết, và khi ngước mắt lên, một ảo giác chào đón tôi, một ảo giác kỳ dị làm tất cả mọi thứ như đang chuyển động. Tôi nhìn thấy hằng hà sa số mũi tên lửa từ rừng rậm bắn thẳng vào xe. Theo bản năng, tôi bẻ tay lái, rời khỏi khu rừng có những kẻ thù vô hình. Rõ chẳng phải ý hay vì hành động đó khiến xe tôi văng lại phía cột rào dây thép gai ngăn cách tôi với bờ dốc. Tiếng rít của kim loại va chạm nhau, tiếng cửa xe phía ghế phụ qua hàng dây cáp căng và hàng tá tiếng huỵch khi xe tôi đập vào cột gỗ, mỗi cú đập đều giống như dòng điện xẹt qua máy khử rung tim.
Tôi cố lấy lại thăng bằng và đảo bánh lái quay trở lại với dòng xe cộ đang lao đến, suýt va vào một chiếc xe chở hàng. Xoay ngược bánh lái lại quá mạnh, tôi một lần nữa đập vào rào chắn. Dây cáp đứt phựt và ngay lập tức bay tứ tung như những cái vòi vùng vẫy của con bạch tuộc mắc lao. Một sợi cáp đập vào kính chắn gió và tôi nhớ mình đang nhẹ nhõm đến thế nào vì không bị đập vào thì chiếc xe tuột khỏi vòng tay của con quái thú đang lồng lộn.
Trong một thoáng, tôi cảm nhận được tình trạng phi trọng lượng: một điểm cân bằng giữa không trung và mặt đất, giữa nhân gian và thiên đường. Thật kỳ lạ, tôi nghĩ, vì nó giống biết bao giây phút thiêm thiếp chìm vào giấc ngủ khi tất cả đều đẹp một cách phi thực, không chút trần thế. Giống biết bao cảm giác trôi về với sự hoàn thiện. Nhưng như vẫn thường xảy ra tại thời điểm vừa tồn tại trong thế giới thực vừa dần chìm vào giấc mơ, cái thời khắc vượt sang phía bên kia hàng rào này kết thúc bằng một cú giật phũ phàng kéo tôi trở về thực tại.
Một vụ tai nạn xe hơi dường như kéo dài vô tận và luôn có một thời khắc bạn nghĩ mình có thể sửa chữa sai lầm. Phải, bạn nghĩ. Đúng là mình đang rơi xuống vách núi trong chiếc xe nặng hơn một tấn. Đúng là đáy vực sâu tới hơn ba mươi mét. Nhưng mình dám chắc chỉ cần bẻ mạnh tay lái sang bên là sẽ không có vấn đề gì hết.
Khi đã bẻ tay lái đủ kiểu mà vẫn chẳng thay đổi được tình thế, bạn sẽ có một suy nghĩ rõ ràng, rành rọt thế này: Ôi, mẹ kiếp. Trong một khoảnh khắc huy hoàng, bạn đạt đến trạng thái khổ hạnh mà các nhà triết học Đông phương đã dành cả đời theo đuổi. Nhưng theo sau khoảnh khắc siêu nghiệm ấy, trí óc bạn trở thành siêu máy tính có khả năng tính toán chuyển động quay của chiếc xe, nhân với vận tốc rơi tính trên góc rơi, vận dụng định luật chuyển động của Newton và ngay tức thì, bạn rút ra được một kết luận hãi hùng rằng đây sẽ là một tai nạn thảm khốc.
Xe của bạn lao xuống bờ dốc, nẩy bật lên. Giả thiết của bạn nhanh chóng được chứng minh là chính xác: quả thật đau khủng khiếp. Não bạn phân loại các cảm giác khác nhau. Nào là lật hết bên này sang bên kia, xoay vòng vô định và tiếng xe rít lên khi nó thực hành bài tập yoga kinh hồn của mình. Nào là kim loại vỡ, nghiến vào xương sườn bạn. Còn có cả mùi vị trò chơi khăm của quỷ, cây đinh ba đâm vào mông và mùi lưu huỳnh ngập trong miệng bạn. Không nghi ngờ gì nữa, đúng là bạn đang ở trong tình trạng nguy kịch thật rồi.
Tôi nhớ ánh bạc nóng bỏng lóe lên khi cả năm ngón chân trái bị sàn xe cứa đứt. Tôi nhớ cái trục dẫn động sượt qua vai. Tôi nhớ hình như xung quanh mình kính vỡ tung tóe. Khi cái xe rốt cuộc cũng chịu dừng lại, tôi bị treo lộn ngược, vẫn đang thắt dây an toàn. Tôi có thể nghe tiếng xì xì của đủ loại hơi ga thoát ra từ động cơ, tiếng bánh xe quay tít bên ngoài ngay phía trên mình, và tiếng cạch khô khốc của kim loại khi cái xe ngừng rung chuyển, một con rùa đáng thương bị lật ngửa.
Ngay khi tôi bắt đầu trôi vào trạng thái hôn mê thì vụ nổ xảy ra. Không phải vụ nổ trong phim ảnh mà là vụ nổ ngoài đời thật, giống như sự bùng cháy của một cái lò bất mãn chạy bằng hơi đốt vốn chất chứa nỗi hằn học với chủ nhân mình. Một ngọn lửa xanh liếm qua nóc xe đang nằm nghiêng dưới thân thể treo lủng lẳng của tôi. Một giọt máu rỉ ra từ mũi tôi, rơi thẳng vào ngọn lửa hừng hực đang nhảy múa cuồng dại phía dưới. Tôi có thể cảm thấy tóc mình đã bén lửa, rồi tôi ngửi thấy mùi khét. Thịt da tôi bắt đầu cháy sém như thể tôi chỉ là một mẩu thịt vừa bị ném vào lò nướng ngoài trời, rồi tôi nghe tiếng thịt cháy xèo xèo khi lửa liếm vào da. Tôi không thể với tay lên đầu để dập lửa trên mái tóc đang cháy rừng rực. Tay tôi không chịu nghe lệnh tôi.
Độc giả thân mến, tôi nghĩ các bạn hẳn đã có vài trải nghiệm với sức nóng. Có lẽ các bạn đã có lần rót ấm nước sôi không đúng cách làm hơi nóng bốc lên tay áo; hoặc, với sự liều lĩnh của tuổi trẻ, bạn cố giữ que diêm càng lâu càng tốt. Chẳng phải tất cả mọi người đều ít nhất một lần trong đời đổ đầy nước nóng vào bồn tắm rồi quên nhúng một ngón chân vào thử trước khi đặt cả bàn chân vào hay sao? Nếu bạn mới chỉ bị những tai nạn lặt vặt này, tôi muốn các bạn thử tưởng tượng cái gì đó mới mẻ hơn. Tưởng tượng rằng bạn bật bếp lên – ví dụ loại bếp điện có búi dây màu đen ở phía trên chẳng hạn. Đừng đặt bình nước lên trên bếp vì nước hấp thụ hơi nóng để sôi. Có lẽ vài làn khói xoắn mỏng manh sẽ cuộn lên từ giọt nước tràn ra trước đó trên dây may so. Một tia màu tím sẽ lóe lên, náu trong những cái vòng đen, và rồi trên dây may so bắt đầu xuất hiện những ánh đỏ tía như quả mâm xôi còn xanh. Nó chuyển dần sang màu cam và cuối cùng – cuối cùng! – là một màu đỏ rực cháy. Đẹp thật, phải không? Nào giờ hãy hạ thấp đầu sao cho mắt bạn ngang với mặt bếp và bạn có thể liếc qua những làn khói lung linh cứ cuộn dần lên. Nghĩ về những bộ phim cũ có cảnh nhân vật chính nhìn khắp sa mạc và bất ngờ thấy một ốc đảo xanh tươi. Hãy thử lướt những ngón tay trái trên lòng bàn tay phải, cảm nhận cách da bạn phản ứng với những va chạm dù là nhỏ nhất. Nếu người khác làm thế với bạn, hẳn bạn sẽ cảm thấy rạo rực. Nào, giờ hãy đập thẳng bàn tay tinh tế và nhạy cảm ấy lên cái bếp đang nóng hừng hực kia xem.
Và giữ nó ở đấy. Giữ nó ở đấy khi cái bếp in dấu chín vòng tròn địa ngục của Dante lên lòng bàn tay bạn, cho bạn cơ hội mãi mãi nắm chặt Địa ngục trong tay. Hãy để sức nóng khắc sâu vào da, vào cơ, gân và âm ỉ cháy tới tận xương tủy bạn. Hãy để cho sức nóng ngấm sâu vào bạn đến mức bạn không biết liệu mình có thể buông cuộn dây đó ra được không. Chẳng mấy chốc, mùi da thịt khét lẹt của chính bạn sẽ bốc lên, xoắn chặt lấy lông mũi bạn không chịu rời và bạn ngửi thấy mùi cơ thể mình đang bốc cháy.
Cứ giữ chặt tay bạn ở đó, đếm thật chậm đến sáu mươi. Không được chơi ăn gian đâu đấy. Một Mis-sis-sip-pi, hai Mis-sis-sip-pi, ba Mis-sis-sip-pi… Đến sáu mươi Mis-sis-sip-pi, tay bạn sẽ tan chảy, bao quanh dây may so và hợp thành một phần của nó. Giờ bạn cứ việc thoải mái róc thịt mình ra!!!
Tôi có nhiệm vụ khác cho các bạn đây: cúi xuống, nghiêng đầu sang một bên và đập má vào đúng cái bếp ấy. Bạn thích chọn bên má nào cũng được. Lại đếm sáu mươi lần Mississippi nữa nhé; không được ăn gian đâu đấy. Điều thuận tiện ở đây là tai bạn có thể thoải mái cảm nhận tiếng lép bép, lắc rắc, lốp bốp của thịt da mình.
Giờ bạn hẳn tưởng tượng được những gì tôi đã phải chịu đựng khi bị mắc kẹt trong cái xe đó, không thể thoát khỏi lưỡi lửa, đủ tỉnh táo để phân loại từng trải nghiệm cho tới khi rơi vào trạng thái sốc. Có những giây phút hạnh phúc ngắn ngủi tôi có thể nghe, ngửi và suy nghĩ, đưa ra được dẫn chứng cho tất cả mọi thứ nhưng chẳng cảm thấy gì cả. Sao lại không đau nữa? Tôi nhớ mình đã nhắm mắt lại, cầu mong bóng tối hoàn toàn, bóng tối đẹp đẽ. Tôi nhớ đã ước gì mình là người ăn chay.
Và rồi chiếc xe chuyển động thêm lần nữa, chới với lật nghiêng xuống suối. Như một con rùa đã lật được mai lại và hớt ha hớt hải tìm đến nguồn nước gần nhất.
Sự kiện này – việc chiếc xe rơi xuống suối – đã cứu mạng tôi, nó đã dập tắt lửa và làm nguội thân thể vừa bị nướng cháy của tôi.
Tai nạn, hệt như tình yêu, luôn đánh úp những kẻ không mảy may nghi ngờ, thường là theo một cách rất dữ dội.
Tôi cũng chẳng biết liệu bắt đầu câu chuyện bằng vụ tai nạn của mình có phải là một quyết định đúng đắn hay không vì tôi đã viết sách bao giờ đâu. Nói thật nhé, tôi bắt đầu bằng vụ đâm xe chỉ vì muốn thu hút sự chú ý của các bạn và kéo các bạn vào câu chuyện của tôi thôi. Các bạn vẫn đang theo dõi, nó có vẻ có tác dụng thật.
Trong chuyện viết lách, tôi phát hiện ra, điều khó khăn nhất không phải là việc đặt câu. Mà là cho cái gì vào, cho vào đâu, và bỏ cái gì đi. Tôi vẫn luôn tự hỏi mình. Tôi đã chọn vụ tai nạn, nhưng tôi có thể dễ dàng bắt đầu bằng bất cứ thời điểm nào trong ba lăm năm cuộc đời tôi trước đó. Sao lại không bắt đầu bằng: “Tôi sinh năm 19…, ở thành phố…”?
Còn nữa, sao tôi lại hạn chế phần mở đầu trong khung thời gian của đời tôi? Có lẽ tôi nên bắt đầu ở Nürnberg, đầu thế kỷ mười ba, nơi một phụ nữ có cái tên bất hạnh nhất trần đời Adelheit Rotter đã xa lánh cuộc sống mà cô cho là đầy tội lỗi để trở thành một Beguine – những người phụ nữ dù không có liên hệ chính thức với nhà thờ nhưng được cảm hóa noi gương Chúa Jesus sống đời khổ hạnh. Qua năm tháng, Rotter kêu gọi được rất nhiều môn đồ và, vào năm 1240, họ rời tới một trại sản xuất bơ sữa tại Engelschalksdolf gần Swinach, nơi một nhà hảo tâm có tên là Ulrich II Vol Konigstein đã cho phép họ tá túc với điều kiện họ giúp ông việc nhà. Họ dựng một khu nhà vào năm 1243, năm tiếp theo lập một tu viện và bầu nữ tu viện trưởng đầu tiên.
Do không có con trai nối dõi nên khi chết, Ulrich đã để lại toàn bộ gia sản cho các Beguine. Đổi lại, ông yêu cầu tu viện cung cấp chỗ mai táng cho họ hàng ông và vĩnh viễn cầu nguyện cho gia tộc Konigstein. Và để thể hiện sự khôn ngoan của mình, ông đổi tên gia trang thành Engelthal, hay “Thung lũng thiên thần” thay vì Swinach – “Chuồng lợn”. Nhưng điều khoản cuối cùng của Ulrich là điều tác động lớn nhất đến cuộc đời tôi: ông đã ra lệnh xây một phòng viết trong tu viện.
Tôi mở mắt trong luồng ánh sáng xanh đỏ quay cuồng. Một cuộc tấn công chớp nhoáng của giọng nói xen lẫn tiếng ồn. Một thanh kim loại đâm xuyên qua sườn xe, xẻ nó làm đôi. Những bộ đồng phục. Chúa ơi. Con đang ở dưới Địa ngục và người ở đó mặc đồng phục. Tiếng một người đàn ông quát lên. Một người khác cất giọng dịu dàng: “Chúng tôi sẽ kéo anh ra. Đừng lo.” Người này đeo quân hàm. “Anh sẽ sớm ổn thôi,” anh ta hứa qua bộ ria mép. “Tên anh là gì?” Không thể nhớ nổi. Một nhân viên cấp cứu khác thét gọi một người tôi không thấy mặt. Anh ta giật lùi lại khi trông thấy tôi. Họ có phải làm thế không? Bóng tối.
Mở mắt. Tôi được nẹp vào một cái cáng dành cho người bị tổn thương xương sống. Một giọng nói cất lên: “Một, hai, ba, nâng!” Cả bầu trời phóng vụt về phía tôi rồi lại trôi đi mất hút. “Vào,” giọng nói đó lại cất lên. Tiếng kim loại lách cách khi cái cáng ổn định vị trí. Quan tài à, sao lại không có nắp? Quá nhiều chất khử trùng đối với Địa ngục, và liệu vòm trời có thể nào thực sự được tạo nên bằng kim loại xám không? Bóng tối.
Mở mắt. Lại không trọng lượng. Người lái đò bến Mê(2) mặc áo sợi tổng hợp pha cotton màu xanh dương. Tiếng còi cấp cứu dội trên bến phà Acheron bê tông cốt thép. Một chiếc chăn chống cháy đắp lên người tôi. Một mũi kim truyền dịch chọc vào cơ thể tôi – khắp mọi chỗ? Ướt, ướt. Bóng tối.
Mở mắt. Tiếng bánh xe nện thình thịch như tiếng xe đẩy trong cửa hàng gõ trên nền bê tông. Tiếng nói chết tiệt lại cất lên: “Đi nào!” Bầu trời chế nhạo tôi, lướt qua tôi, rồi một trần nhà trát vữa trắng hiện ra. Những cánh cửa đôi trượt mở. “Phòng phẫu thuật số bốn!” Bóng tối.
Mở mắt. Cái miệng há ngoác của một con rắn bổ về phía tôi, cười nói: TA ĐANG TỚI ĐÂY… Con mãng xà cố nuốt lấy đầu tôi… Không, không phải con mãng xà mà là mặt nạ ôxy. VÀ NGƯƠI CHẲNG THỂ CẢN ĐƯỢC ĐÂU… Tôi ngã ra sau, chìm vào bóng tối của tấm mặt nạ.
Hé mắt. Tay bốc cháy, chân bốc cháy, lửa ở khắp mọi nơi, nhưng tôi lại đang mắc kẹt giữa một cơn bão tuyết khủng khiếp. Một cánh rừng ở nước Đức, một dòng sông gần kề. Một người phụ nữ cầm nỏ đứng trên đỉnh núi. Ngực tôi có cảm giác như bị đấm. Tôi nghe thấy tiếng rít khi trái tim mình dần kiệt lực. Tôi cố kêu lên nhưng chỉ thốt ra được những tiếng rên rỉ, một nữ y tá khuyên tôi nên nghỉ ngơi, rằng mọi chuyện sẽ ổn thôi, mọi chuyện sẽ ổn thôi. Bóng tối.
Một giọng nói lơ lửng phía trên đầu tôi: “Ngủ đi, cứ ngủ đi!”
Sau vụ tai nạn, người tôi phồng lên như một cái xúc xích Đức mới nướng, da rạn nứt, nhường chỗ cho phần thịt đang trồi lên. Các bác sĩ, với con dao mổ đầy thèm khát, đẩy nhanh tiến trình bằng vài nhát cắt nhanh gọn. Quá trình này được gọi là lột da, giúp những mô tế bào phồng rộp được tự do giãn nở. Nó phần nào giống như sự nổi dậy của cái tôi thầm kín của bạn, cuối cùng đã được phép cào xuyên qua bề mặt. Các bác sĩ nghĩ rằng họ mổ phanh tôi ra để khởi động quy trình hồi phục nhưng thực ra họ chỉ đang cố giải phóng một con quái vật – một sinh vật với thịt da ứ máu và ngập tràn dịch.
Trong khi một vết bỏng nhỏ sinh ra một vết phồng rộp chứa đầy huyết tương thì những vết bỏng như của tôi gây nên sự thiếu nước trầm trọng. Trong hai mươi tư tiếng đồng hồ đầu tiên ở bệnh viện, tôi được các bác sĩ truyền hơn hai mươi lít nước vào người để bù nước cho cơ thể. Tôi tắm trong dòng chất lỏng khi nó chảy ra khỏi cơ thể cháy sém của tôi nhanh không kém gì lúc được bơm vào, và tôi thấy mình như sa mạc khô hạn trong cơn lũ chớp nhoáng.
Sự trao đổi nước quá nhanh này làm mất cân bằng các thành phần hóa học trong máu, hệ miễn dịch yếu đi do làm việc quá sức, một vấn đề sẽ còn trầm trọng hơn trong những tuần sắp tới khi hiểm họa chết chóc chính đến từ sự nhiễm trùng máu. Ngay cả với một bệnh nhân bỏng có vẻ đã phục hồi được một thời gian dài sau tai nạn, nhiễm trùng vẫn có thể ném anh ta ra khỏi cuộc chơi chỉ trong tích tắc. Hệ thống phòng thủ của cơ thể chỉ hoạt động cầm chừng đúng lúc người ta cần nó nhất.
Lớp da bên ngoài bị cắt rạch của tôi giờ phủ đầy những tàn tích đẫm máu của mô tế bào cháy đen mà người ta thường gọi là lớp vảy sừng, thành phố Hiroshima trên cơ thể người. Cũng giống như không thể gọi một đống bê tông đổ nát là “tòa nhà” sau trận bom phá hủy, bạn không thể gọi cái lớp bên ngoài của tôi là “da” sau vụ tai nạn được. Bản thân tôi đang ở trong tình trạng nguy kịch, ion bạc và kem sulfadiazine phủ khắp phần cơ thể còn lại. Trên đó, những miếng gạc được đặt lên đống hoang tàn.
Tôi không có chút ý thức nào về điều này, đây đều do bác sĩ nói lại với tôi sau đó. Tại thời điểm ấy, tôi nằm bất tỉnh với cái máy điểm từng nhịp tim chậm chạp của tôi. Chất dịch, chất điện phân, chất kháng khuẩn và morphine được truyền qua một loạt ống dẫn (ống truyền dung dịch, ống thông hỗng tràng, ống đặt trong khí quản, ống thông từ mũi vào dạ dày, ống tiết niệu, đúng là trường hợp nào cũng đều có một cái ống!) Một tấm chắn nhiệt giữ cho cơ thể tôi đủ ấm để duy trì sự sống, một cái quạt thông gió giúp tôi dễ thở, và lượng máu tôi được truyền đủ để làm hổ thẹn cả Keith Richards(3).
Các bác sĩ loại bỏ lớp thượng bì cằn cỗi của tôi bằng cách cắt bỏ mô hoại tử, cạo đi phần thịt bị cháy. Họ mang vào hàng thùng nitơ lỏng ngâm những tấm da vừa được lột khỏi tử thi. Da được rã đông trong các khay nước, rồi được đặt cẩn thận lên lưng tôi, ghép vào đúng vị trí. Cứ thế, như thể đang đắp từng dải cỏ lên khoảnh đất phía sau căn nhà gỗ mùa hè, họ phủ lên mình tôi tấm da người chết. Tôi được vệ sinh thường xuyên nhưng cơ thể tôi lại thải loại những tấm da tử thi này, tôi không tài nào thích ứng được với da của người khác. Thế là tôi cứ phải ghép da người chết hết lần này đến lần khác.
Tôi nằm đó, khoác tấm da của người quá cố như chiếc áo giáp chống lại tử thần.
Sáu năm đầu đời của tôi.
Cha tôi mất trước khi tôi chào đời. Ông là một tay chơi đích thực, đến cũng nhanh mà ra đi cũng chóng. Bị gã Sở Khanh vô danh này bỏ rơi, mẹ tôi mất trong lúc sinh nở khi tôi trôi giữa dòng máu của mẹ để vào với thế giới này. Cô y tá nhận nhiệm vụ ôm chặt cơ thể mới sinh nhớp nhúa của tôi đã trượt ngã vào vũng máu khi cố rời phòng hộ sinh, hay theo tôi nghe kể là vậy. Bà tôi thấy tôi lần đầu khi tôi được bế lướt qua bà trong vòng tay một y tá phụ trách bài trắc nghiệm nhân cách Rorschach(4).
Sự chào đời của tôi cũng chẳng suôn sẻ gì. Tôi chẳng bao giờ được nghe kể chính xác chuyện gì đã xảy ra nhưng vì lý do nào đó cơ thể tôi bị mổ từ bụng lên tới ngực, để lại một cái sẹo dài – có lẽ đó là dấu ấn của một vết mổ không chuẩn khi người ta cố cứu sống mẹ tôi. Tôi hoàn toàn không biết gì. Lớn lên, vết sẹo vẫn giữ nguyên kích cỡ cho tới khi cuối cùng nó chỉ còn là một vết tích dài độ vài phân, tụ trên ngực trái nơi một kẻ lãng mạn có lẽ sẽ vẽ nên một trái tim.
Tôi sống với bà ngoại đến khi lên sáu. Sự cay nghiệt của bà dành cho tôi, kẻ gây nên cái chết của con gái bà, là quá hiển nhiên. Theo tôi bà không phải người xấu mà đúng hơn là người không bao giờ có thể nghĩ rằng cô con gái lại là kẻ ra đi trước, cũng như không bao giờ tính đến chuyện giờ đây, ở tuổi xế bóng, bà lại phải gánh trách nhiệm chăm sóc thêm một đứa trẻ khác.
Bà không đánh mắng tôi; bà nuôi dưỡng tôi tử tế; thu xếp đầy đủ các buổi tiêm vắc xin cần thiết cho tôi. Bà chỉ không yêu quý tôi thôi. Bà mất vào một trong những ngày hiếm hoi hai bà cháu thực sự vui đùa với nhau, trong khi đang đẩy xích đu cho tôi trên sân chơi. Tôi bay cao vào không trung, duỗi dài đôi chân về phía mặt trời. Tôi quay trở lại mặt đất, trông chờ bà sẽ giơ tay ra đón. Thay vào đó, tôi lướt qua thân thể cúi gập của bà. Khi tôi đu lướt qua bà lần nữa theo quán tính, bà đã khuỵu khuỷu tay xuống. Rồi bà ngã sấp xuống nền đất của sân chơi. Tôi chạy tới một căn nhà gần đó gọi người lớn, rồi ngồi trên xà ngang chờ chiếc xe cấp cứu muộn màng. Khi các nhân viên y tế nâng bà lên, hai cánh tay mập mạp của bà vung qua lại như những cánh dơi bị vắt kiệt sức sống.
Từ giây phút nhập viện, tôi đã không còn là con người nữa mà một đồ thị tính toán bảo hiểm. Sau khi cân tôi, các bác sĩ lôi máy tính ra xét độ bỏng và tính toán khả năng sống sót. Không nhiều.
Họ làm tất cả những điều này bằng cách nào? Như trong bất kỳ câu chuyện thần tiên điển hình nào, sẽ luôn luôn có một công thức diệu kỳ, và trong trường hợp này là Quy tắc Số Chín. Tỷ lệ bỏng được xác định và đánh dấu trên một đồ thị không khác gì một bản đồ tà thuật trên cơ thể người, được chia thành từng phần theo bội số của chín. Hai cánh tay “đáng giá” chín phần trăm diện tích bề mặt của toàn bộ cơ thể; đầu đáng giá chín phần trăm; mỗi chân đáng mười tám phần trăm; và phần ngực, trước và sau, đáng giá ba sáu phần trăm. Thế nên mới gọi là Quy tắc Số Chín.
Dĩ nhiên có những yếu tố xem xét khác khi đánh giá một vết bỏng. Tuổi tác, ví dụ thế. Người già và trẻ nhỏ có rất ít cơ hội sống sót, nhưng nếu thanh niên sống sót được, họ sẽ có khả năng hồi phục mạnh hơn rất nhiều. Thế đấy, họ có những lợi thế của mình. Thật tốt. Ta cũng phải xét đến dạng bỏng: những vết bỏng do chất lỏng sôi; bỏng điện do dây điện hở, hoặc là bỏng do hóa chất, có thể là acid hay kiềm. Tôi thì chỉ bị dính mỗi món bỏng nhiệt trên thực đơn thôi, cái món trăm phần trăm được chế biến qua lửa ấy.
Bạn có thể băn khoăn, trên thực tế, chuyện gì sẽ xảy đến với cơ thể sống của chúng ta trong đám cháy? Tế bào chứa phần lớn là nước, nước sẽ sôi lên và làm màng tế bào nổ tung. Chẳng hay chút nào. Ở viễn cảnh thứ hai, protein trong tế bào được rán lên như một quả trứng trong chảo, chuyển từ trạng thái chất lỏng mỏng manh sang một thứ gì đó trắng và nhớt. Nếu điều này xảy ra, toàn bộ quá trình trao đổi chất của tế bào sẽ ngừng lại. Vì thế dù cho sức nóng không đủ để giết chết tế bào một cách triệt để thì sự mất khả năng lưu chuyển ôxy cũng đảm bảo các mô tế bào sẽ chết nhanh chóng. Điểm khác biệt ở đây là sự suy kiệt dần dần thay vì chết ngay lập tức.
Sau khi bà mất, tôi tới sống cùng Debi và Dwayne Michael Grace – dì chú, hai kẻ rác rưởi khó chịu với tôi ngay từ giây phút tôi xuất hiện. Tuy nhiên, họ lại rất cảm kích khoản tiền chính phủ trợ cấp để nuôi dưỡng tôi. Nó giúp cho việc mua ma túy dễ dàng hơn hẳn.
Hồi ở với gia đình Grace trơ tráo, tôi phải chuyển hết từ khu nhà lưu động này sang khu nhà lưu động khác cho tới khi những người giám hộ của tôi tìm đến một bữa tiệc thâu đêm mà sau đó phát triển lên thành lễ hội đá(5) kéo dài ba năm. Họ rõ là đi trước thời đại: thời đó loại ma túy tổng hợp này không phổ biến như bây giờ. Nếu không có sẵn ống điếu để hút thì họ sẽ sử dụng bóng đèn bị rút ruột, và có những lúc chẳng còn lại cái bóng đèn nào đến nỗi chúng tôi hoàn toàn sống trong bóng tối. Dù vậy, ma túy dường như chẳng bao giờ cạn. Nhà Grace, với nụ cười lấp lóa như những bàn phím bị đập nát, sẽ cung phụng từng xu một cho bọn cò thuốc.
Một hàng xóm của tôi đã bán đứa con gái nhỏ hơn tôi vài tuổi để đổi lấy lượng thuốc tương ứng. Nếu bạn muốn biết thì giá ngoài chợ của một đứa bé tám tuổi là 35 đô, hay ít nhất lúc tôi còn bé là thế. Khi bà mẹ trở nên hung dữ và bỏ bê nó, con bé thường chạy tới khóc lóc sợ hãi trong căn phòng nhỏ tí của tôi, lường trước được cuộc mua bán đang treo lơ lửng trên đầu. Theo tin tức mới nhất tôi nhận được, bà mẹ đã tỉnh ngộ, cai nghiện và tìm đến với Chúa. Theo tin tức mới nhất tôi nhận được, con bé (giờ đã lớn) là một bà bầu nghiện heroin.