Câu hỏi thứ hai về bông loa kèn thủy tinh là: Nó tượng trưng cho cái gì?
Tại sao, bạn hoàn toàn có thể hỏi tôi, tại sao tôi lại nghĩ nó mang một ý nghĩa nào đó? Một vài thứ, trong đó có những món được làm từ công nghệ thổi thủy tinh, đơn giản là nhìn rất hay. (Và tôi có cần phải nhắc bạn nhớ là khoa bỏng cấm mang hoa thật vào không nhỉ?) Tuy nhiên, tôi chắc chắn rằng nó thực sự mang một ý nghĩa nào đó; càng dành nhiều thời gian với Marianne Engel, tôi càng tin rằng mọi thứ đều liên quan đến nhau một cách không thể lý giải.
“Ồ,” bác sĩ Edwards nói, “một chút bí ẩn không phải lúc nào cũng xấu. Nó khiến người ta có lòng tin.”
“Đừng nói với tôi là chị theo đạo đấy, Nan. Tôi không nghĩ là tôi chịu nổi đâu.”
“Tín ngưỡng của tôi, có hay không có, cũng chẳng việc gì đến anh. Anh có cuộc sống riêng của mình, như bữa tiệc tối qua ấy, và tôi cũng có cuộc sống của tôi.” Có chút… ghen tị pha lẫn giận dữ và làm mình làm mẩy? gọi như thế nào được nhỉ?… trong giọng nói của bà.
Thật lạ khi Nan có vẻ khó chịu với bữa cơm do chính bà chỉ định. Là một kẻ cơ hội, tôi coi đây là bàn đạp cho tôi hỏi bà một câu khiến tôi bận lòng bấy lâu: vâng, tôi biết là tình trạng gia tăng chuyển hóa các chất trong cơ thể khiến tôi cần phải hấp thụ thêm nhiều calo, nhưng lý do thật sự bà cho phép Marianne Engel làm việc đó là gì.
“Mọi người đều phải ăn,” Nan thản nhiên nói.
Câu trả lời của bà, dĩ nhiên, không phải một câu trả lời đúng nghĩa. Thế là tôi hỏi lại. Nan, như thỉnh thoảng vẫn thế, dành vài giây cân nhắc lợi hại của việc nói thật. Tôi rất thích khi bà làm thế. Như tôi mong đợi, bà đã không nói dối. “Tôi cho phép những bữa ăn này vì rất nhiều lý do. Đầu tiên, sẽ rất tốt cho anh nếu anh hấp thụ được càng nhiều chất dinh dưỡng càng tốt. Tôi cũng làm việc này vì các y tá nữa vì có vẻ anh đã xử sự phải phép hơn từ khi Marianne Engel đến. Nhưng trên hết, tôi làm việc này vì tôi chưa bao giờ gặp một người nào cần bạn đến như anh.”
Nói ra điều đó đã làm Nan cảm thấy nhẹ nhõm. Tôi hỏi bà nghĩ gì về việc Marianne Engel giúp tôi tập vật lý trị liệu, và bà thừa nhận chính xác những gì tôi đang nghi ngờ, rằng bà không thích ý tưởng đó lắm.
“Chị lo lắng là tôi bắt đầu phải phụ thuộc vào cô ấy nhiều quá,” tôi nói, “và cô ấy sẽ làm tôi thất vọng.”
“Chẳng phải chuyện ấy cũng làm anh lo lắng sao?”
“Phải,” tôi trả lời.
Vì Nan đã quyết định nói cho tôi nghe sự thật, điều nhỏ nhặt nhất tôi có thể làm là trả lời thẳng thắn như vậy.
Mọi thứ dường như đang tiến triển gần giống như cái lẽ phải thế. Giờ đây khi tôi thực sự có khát vọng cải thiện bản thân và đang nỗ lực để thực hiện điều đó, tôi có thể cảm thấy mình ngày càng mạnh mẽ hơn. NGƯƠI CÓ CHẮC KHÔNG? Nhưng để sẵn sàng đối mặt với thế giới thực ngoài kia thì phải cần đến cả sức mạnh thể chất lẫn tinh thần.
Maddy đặt tôi ngồi vào xe lăn rồi đẩy tôi vào phòng chung nơi có bốn bệnh nhân bỏng khác. Một người đàn ông đang đứng trên bục trong lễ phục áo sơ mi và cà vạt: Lance Whitmore là một bệnh nhân đã xuất viện. Anh đã phải chịu những vết bỏng gần (nhưng không hoàn toàn) tệ bằng tôi. Vết thương của anh thì khó nhìn thấy hơn – chỉ có bên cằm phải và phần cổ mới cho thấy anh từng bị bỏng – nhưng anh nói trên người anh có chi chít sẹo lồi mà anh sẽ cho chúng tôi xem sau buổi thuyết trình, nếu chúng tôi có muốn xem liệu vài năm sau khi hồi phục thì chúng tôi sẽ được những gì. Tôi chẳng cần; phải đối mặt với những tháng ngày hiện tại đã đủ lắm rồi.
Sự hiện diện của Lance vừa có tác dụng củng cố tinh thần vừa là nguồn thông tin đáng tin cậy. Anh đã ở bên ngoài ba năm và rất sẵn lòng truyền thụ chút kinh nghiệm trong việc hòa nhập thành công, cứ như một nhà diễn thuyết của Hội Cai Rượu ấy.
“Hãy nhìn vào từ chấn thương trong từ điển,” Lance bắt đầu, “và các bạn sẽ thấy có rất nhiều định nghĩa. Về mặt y khoa, đây là một từ chỉ những tổn thương gây ra cho cơ thể do tác động bên ngoài, trong trường hợp của chúng ta là do lửa. Dĩ nhiên, cũng có các nghĩa tương tự, và các bạn cũng sẽ bị tổn thương – do người ta vô tình hay hữu ý – khi các bạn rời khỏi đây. Người khác không thực sự hiểu những gì đã xảy đến với chúng ta đâu.”
Bài diễn văn của Lance diễn ra như người ta đoán trước: anh lại nói về những “thách thức” và “cơ hội” mình gặp phải, và những gì anh đã làm để có lại cuộc sống của chính mình. Khi bài diễn văn kết thúc, anh để mọi người được tự do thảo luận.
Câu hỏi đầu tiên đến từ một nữ bệnh nhân cứ gãi suốt từ đầu đến cuối buổi nói chuyện. Cô muốn biết liệu “những vùng da bị lóc” của cô có luôn “ngứa đến phát điên” thế này không.
“Cảm giác ngứa cuối cùng cũng hết thôi. Tôi hứa đấy.” Một loạt tiếng xì xào nhẹ nhõm rộ lên giữa đám đông. Thậm chí cả tôi, người đã thề sẽ giữ im lặng, cũng phải thở phào biết ơn. “Các bạn không thể làm gì khác ngoài việc cố gắng chịu đựng cho qua thời kỳ khó khăn, quả là bất hạnh, nhưng tôi luôn luôn thấy dễ chịu hơn mỗi khi nhớ về điều mà Winston Churchill từng nói.”
“Chúng ta sẽ không bao giờ đầu hàng?” nữ bệnh nhân bị ngứa gợi ý.
“Ồ, vâng,” Lance cười, “Nhưng tôi đang nghĩ về câu “Nếu chúng ta phải đi qua Địa ngục… thì cứ đi thôi.””
Một bệnh nhân khác hỏi, “Khi ra ngoài xã hội anh cảm thấy thế nào?”
“Thực sự rất khó khăn, nhất là trong thời kỳ đầu. Hầu hết mọi người đều giả vờ không nhìn thấy bạn, nhưng họ vẫn thì thầm. Một vài người còn ngang nhiên nói kháy bạn nữa, thường là mấy cậu choai choai. Điều thú vị ở đây là rất nhiều người nghĩ nếu bạn bị bỏng thì hẳn là do bạn bị quả báo. Suốt bao thế hệ ông bà ta đã dạy như vậy, đúng không? Lửa là dấu hiệu trừng phạt của thánh thần. Thật khó cho mọi người phải đối mặt với một thứ phi logic như chúng ta – bị bỏng, nhưng vẫn sống – vì thế chúng ta hẳn đã làm việc gì đó rất sai trái, nếu không họ sẽ phải chấp nhận một sự thật rằng những điều như vậy cũng có thể xảy đến với họ.” Anh ngừng lại. “Có ai ở đây nghĩ những vết bỏng của mình là kết quả của một sự trừng phạt nào đó không?”
Chúng tôi nhìn nhau cho tới khi một bệnh nhân rụt rè giơ tay lên, một giây sau lại thêm một người nữa. Tôi sẽ không giơ tay đâu, dù Lance có đợi bao lâu đi nữa.
“Điều này cũng hoàn toàn bình thường thôi,” anh trấn an chúng tôi. “Sao lại là tôi? Ngày nào tôi cũng hỏi mình câu này nhưng chưa một lần nhận được câu trả lời. Tôi sống tốt. Tôi đi lễ nhà thờ, đóng thuế, tình nguyện tham gia câu lạc bộ nam sinh vào cuối tuần. Tôi đã, và đang, là một người tốt. Vậy-sao-lại-là-tôi?” Ngừng lại. “Chẳng có lý do nào cả. Một khoảnh khắc đen đủi, với hậu quả cả đời.”
Một bệnh nhân khác hỏi, “Mọi người có hỏi về những vết bỏng của anh không?”
“Có bọn trẻ con, vì chúng vẫn chưa biết cách cư xử phải phép. Một số người lớn nữa, và nói thật thì tôi rất cảm kích. Mỗi một người bạn gặp trong suốt quãng đời còn lại sẽ băn khoăn về chuyện đó, vì thế thỉnh thoảng dẹp thắc mắc ấy khỏi đường đi của mình để có thể đến với những điều khác cũng là một việc tốt.”
Một bàn tay dè dặt giơ lên, “Thế còn chuyện ấy thì sao?”
“Tôi rất thích chuyện ấy.” Câu nói của Lance khiến vài người cười khúc khích, và tôi đoán anh đã đọc bài phát biểu này đủ nhiều để hoàn thiện câu trả lời mà anh luôn luôn gặp phải. “Với mỗi người khác nhau thì việc chăn gối cũng khác. Da bạn là một phần khá tuyệt vời của chuyện ấy, phải không? Cơ quan lớn nhất trong cơ thể, với diện tích bề mặt lên đến ba mét vuông, và mang lại rất nhiều khoái cảm. Giờ đây chúng ta đã mất khá nhiều đầu dây thần kinh rồi, quả thật rất tệ nhỉ.”
Người bệnh vừa nêu câu hỏi liền thở dài nặng nề, nhưng Lance giơ cao tay lên để thể hiện rằng mình vẫn còn vài điều muốn nói. “Da là đường chia cắt giữa người với người, nơi bạn kết thúc và nơi người khác bắt đầu. Nhưng trong quan hệ tình dục, tất cả đều thay đổi. Nếu da là một hàng rào ngăn cách người với người thì tình dục là cánh cổng mở cơ thể của bạn ra cho đối phương.”
Chưa bao giờ trong đời tôi lại có ý nghĩ đấy, với bất cứ ai. Càng không phải với Marianne Engel.
Lance đằng hắng. “Tôi đã rất may mắn: vợ tôi đã ở lại bên tôi. Trên thực tế, những vết bỏng đã làm chúng tôi đồng cảm hơn, và điều đó cũng được vận vào đời sống tình dục nữa. Tôi buộc phải trở thành một người tình tuyệt vời hơn, vì tôi phải trở nên ngày một, ừm, sáng tạo hơn. Đó là tất cả những điều tôi muốn nói về chuyện đó.”
“Điều gì là khó khăn nhất đối với anh sau khi xuất viện?”
“Quả là một câu hỏi khó, nhưng tôi nghĩ đó là việc phải mặc trang phục tạo áp suất hai mươi ba tiếng mỗi ngày. Chúng thật tuyệt vời, các bạn biết đấy, trong việc hạn chế tạo sẹo nhưng – Chúa ơi! – cảm giác giống như bị chôn sống vậy. Bạn sẽ luôn mong đợi được tắm, dù rất đau đớn, để có thể thoát ra khỏi cái thứ kinh khủng ấy.” Lance nhìn vào mắt tôi một thoáng, rồi tôi có cảm giác anh đang đặc biệt nói đến tôi. “Tôi mặc bộ đồ của mình trong mười tháng đầu tiên từ khi ra viện nhưng với một số bạn ở đây thì có thể là một năm, hoặc lâu hơn.”
Anh tiếp tục, “Chỉ sau khi rời khỏi đây các bạn mới nhận ra rằng một vết bỏng sẽ tồn tại vĩnh viễn. Đó là một sự kiện dai dẳng, một sự việc liên tục tái diễn. Các bạn sẽ rơi thẳng từ cảm giác hạnh phúc lâng lâng vì biết mình còn sống xuống hố sâu tuyệt vọng khi bạn chỉ ước được chết. Và chính khi bạn bắt đầu nghĩ rằng sẽ chấp nhận con người mới của mình, điều đó cũng thay đổi luôn. Vì việc bạn là ai không phải điều bất di bất dịch đâu.”
Lance có vẻ hơi bối rối, như thể anh đã nhỡ đưa mình vào một chủ đề mà bản thân không muốn nói tới. Anh đưa mắt nhìn khắp phòng, đăm đăm nhìn xuống mọi ánh mắt trong vài giây, trước khi kết thúc buổi nói chuyện. “Những phương pháp điều trị bỏng hiện đại thật không thể tưởng tượng nổi, còn các bác sĩ thì thật tuyệt vời, và tôi rất biết ơn vì đã được sống. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Da bạn là dấu hiệu nhận biết nhân dạng bạn, hình ảnh mà bạn trưng ra với mọi người. Nhưng nó không bao giờ khẳng định bạn thực sự là ai. Vì bị bỏng chẳng hề làm bạn kém – hoặc nhiều – tính người hơn. Chỉ là bạn bị bỏng mà thôi. Vì thế trong hoàn cảnh kỳ dị này, bạn hiểu ra điều mà hầu hết mọi người sẽ không bao giờ hiểu được, rằng da chỉ là nước sơn chứ không phải nét tinh túy của một con người. Xã hội chỉ giỏi khua môi múa mép về chuyện tốt gỗ hơn tốt nước sơn, nhưng ai có thể hiểu được điều đó bằng chúng ta?”
“Một ngày nào đó, nhanh thôi,” Lance nói, “các bạn sẽ bước ra khỏi nơi đây và phải quyết định xem mình sẽ sống nốt quãng đời còn lại như thế nào. Bạn sẽ được đánh giá bởi cái mà người khác nhìn thấy, hay bởi cái tinh túy trong tâm hồn các bạn?”
HAI LỰA CHỌN THẬT NGHÈO NÀN.
Gregor mua một bịch kẹo đủ loại để chúc mừng tôi nhân lễ Halloween. Vì chúng tôi là đàn ông nên chúng tôi không đả động gì đến cuộc nói chuyện hôm trước giữa hai người, và mấy cái kẹo là cách ông ta ngỏ ý rằng chúng tôi nên dĩ hòa vi quý. Nếu địa điểm không phải là bệnh viện, tôi tin chắc ông ta đã mang đến cả bịch sáu lon bia rồi.
Buổi tối đó đã cho thấy một đột phá trong tình bạn của chúng tôi. Gregor kể cho tôi nghe một câu chuyện ngượng chín người về lễ Halloween tệ nhất của ông ta, khi ông ta hóa trang – trong một nỗ lực sai lầm để tạo ấn tượng với cô sinh viên y khoa mình đang mê mẩn – thành một bộ gan người. Ông ta đã mất nhiều công sức để chế bộ trang phục của mình trông càng thật càng tốt, gồm cả một ống cao su giả làm ống gan được gài vào một chiếc túi bí mật đựng rượu vodka trong thùy trái lá gan. Lý lẽ ông ta đưa ra là làm thế sẽ giúp ông ta có thể hút rượu cả tối, bất cứ khi nào người phụ nữ kia làm ông ta hồi hộp quá mức. (Có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử, một người đàn ông lọc rượu khỏi gan rồi hấp thụ nó vào cơ thể.) Không may là ông ta thẹn đến nỗi nhanh chóng say bí tỉ. Cuối buổi tối hôm đó, Gregor và người ấy thấy mình đang ở trên gác xép của một họa sĩ chép tranh của Jackson Pollock. Câu chuyện kết thúc với cảnh Gregor phải trả cho ông họa sĩ mấy trăm đô la sau khi nôn vào một trong những bức vẽ của ông ấy, dù tôi cũng chẳng hiểu việc đó có tạo được khác biệt gì cho bức tranh hay không.
Tôi cố vượt mặt Gregor bằng câu chuyện về Giáng sinh đáng xấu hổ nhất của mình, về một nỗ lực không thành trong việc quyến rũ một cô yêu tinh tại một cửa hàng tạp hóa, người đã kết hôn với một anh già Noel lạm dụng chất kích thích. Gregor đáp trả bằng câu chuyện lễ Noel của ông ta, khi ông ta đã nhỡ tay bắn mẹ mình bằng khẩu súng hơi mới được tặng sau hàng tháng trời thề thốt rằng an toàn là mối quan tâm hàng đầu của ông ta. Cuối cùng, không hiểu sao chúng tôi quyết định sẽ cùng chia sẻ một câu chuyện đáng xấu hổ nhất thời thơ ấu, vào các ngày lễ hoặc không. Tôi là người kể trước.
Là một cậu bé bình thường, tôi đã phát hiện ra nghịch cái ấy của mình thật thích thú biết bao, nhưng vì lúc ấy đang phải sống với bà mợ nghiện cùng ông cậu nghiện, nên tôi chẳng có ai để san sẻ những khám phá sinh học của mình cả.
Tôi cũng biết láng máng, từ việc nghe lỏm mấy người lớn hút đá, rằng có những bệnh hoa liễu. Bạn chắc chắn không muốn mắc phải một trong số đó đâu, vì những điều rất xấu sẽ xảy đến với súng của bạn. (Mợ Derbi, khi thấy bản thân không thể tránh nói đến cái ấy của tôi, đã luôn gọi nó là súng.) Tôi cũng biết các bệnh hoa liễu được truyền qua chất dịch tiết ra trong khi giao hợp. Mình lẽ ra cũng có thể làm vài nghiên cứu, tôi nghĩ, nhưng tôi biết rõ các cô thủ thư đến độ chẳng thể liều lĩnh bị bắt quả tang đang tìm mấy cuốn sách như thế. Hơn nữa, điều này cũng dễ hiểu: vì người ta có thể mắc bệnh hoa liễu khi xuất tinh và giờ đây khi tôi đã có khả năng xuất tinh, tôi sẽ phải cẩn thận để tránh bị lây nhiễm. Vì thế tôi bắt đầu xem xét các lựa chọn.
Tôi có thể dừng việc thủ dâm. Nhưng việc đó đã quá.
Tôi có thể phủ bụng bằng một chiếc khăn tắm để hứng dòng tinh dịch tội lỗi. Nhưng không thể giấu một chiếc khăn to như thế và lén lút giặt sạch nó cũng khó.
Tôi có thể thủ dâm vào một chiếc tất. Nhưng tất cả những đôi tất của tôi đều được dệt bằng vải bông thưa, và chất dịch có thể rỉ qua đó và thấm vào lỗ chân lông trên da tôi.
Tôi có thể thủ dâm vào những cái túi đựng sandwich có mép dán. Phải rồi, việc này không những nghe có vẻ y học mà còn hợp với tôi kinh khủng. Hiển nhiên, đây là cách tôi chọn.