Cô Gái Mang Trái Tim Đá

Chương 3


Chương 2

Ánh sáng tràn qua bên trong mí mắt và tôi nhận thấy một con rắn đang chầm chậm trườn lên tủy sống của mình, nuốt chửng tủy sống bằng cặp hàm có thể tháo rời. Lưỡi nó kêu tanh tách khi nó cất tiếng rít, TA ĐANG TỚI ĐÂY VÀ NGƯƠI CHẲNG THỂ CẢN ĐƯỢC ĐÂU. Giọng phụ nữ – đây là điều giúp tôi biết nó thuộc giống cái – và lưỡi mụ mơn trớn từng đốt sống của tôi trong khi tìm đường lên đỉnh cột sống. Lên đến nơi, mụ liếm vùng hốc sọ, rồi vặn xoắn vài lần như để thông báo với tôi rằng mụ đã yên vị trong ấy rồi. Vảy mụ ta cọ vào các cơ quan nội tạng của tôi còn gan tôi tím bầm vì cái đuôi cứ ngoe nguẩy thất thường của mụ.

Tôi đang nằm trên chiếc giường hơi giúp giảm ma sát và hỗ trợ việc hồi phục; những miếng băng của tôi nhẹ nhàng phất phơ trong làn gió lùa phía trên. Ở mỗi mép giường là một thanh chắn, sơn trắng như những khúc xương bị tẩy trắng hếu, giữ tôi khỏi rơi, hoặc không cho phép tôi thoát ra. Tôi nhanh chóng gọi chiếc giường này là bụng bộ xương và tôi nằm trong luồng gió thổi dào dạt qua lồng ngực nó, trong khi chính những cái xương đó ngăn không cho tôi lang thang đi tìm nghĩa trang mới cho mình.

Tôi không cần dùng đến máy hô hấp nhân tạo nữa nhưng trên người vẫn còn đủ loại ống dẫn khiến tôi trông không khác gì con búp bê dùng để giắt ghim. Những ống dẫn cuộn lại thành vòng tròn, tròn, tròn và tôi tưởng tượng ra quái vật đầu bò Minos đứng trấn giữ cổng Địa ngục, dẫn những kẻ tội đồ tới điểm cuối bằng cách cuộn đuôi lại quanh người họ. Cứ mỗi vòng cuộn của cái đuôi là một tầng sâu của Địa ngục. Thế là tôi đếm những cái ống đáng yêu của mình với sự tò mò đơn thuần: rằng người phân loại tàn nhẫn từ nơi tối tăm kinh khủng ấy sẽ ném tôi sâu đến mức nào.

Cô y tá có vẻ vui khi thấy tôi tỉnh lại. “Bác sĩ Edwards đã điều chỉnh lượng thuốc để giúp anh hồi tỉnh. Tôi sẽ gọi bà ấy ngay.”

Tôi cố cất tiếng, nhưng như thể ai đó đã chẹn một chai Coke vào cổ họng tôi mà giã mạnh vậy; những mảnh kính vỡ ghim đầy nơi từng là dây thanh âm của tôi. Cô y tá đề nghị tôi im lặng và trả lời câu hỏi cô biết tôi sẽ hỏi nếu tôi có thể. Tôi đang ở trong bệnh viện, khoa bỏng, cô ấy nói. Có một vụ tai nạn. Tôi đã rất may mắn. Các bác sĩ đã cố hết sức. Vân vân, vân vân, vân vân. Cuối cùng tôi cũng cất được tiếng khò khè, “Bao… lâu?”

“Gần hai tháng.” Cô ban cho tôi nụ cười thương hại rồi quay gót đi gọi bác sĩ.

Tôi kiểm tra mấy chiếc xương sườn của bộ xương. Lớp sơn trắng bóng ở vài chỗ đã bong ra do những ngón tay không ngừng cử động. Những chỗ này đã được sơn lại, dĩ nhiên, nhưng vài vết xước nhỏ thì vẫn còn lộ rõ. Dòng suy nghĩ của tôi chìm dưới những lớp sơn, lang thang vô định. Bao lâu thì họ sơn những chiếc giường này một lần? Mỗi bệnh nhân mới là một lần sơn lại? Hay là sáu bệnh nhân, hay một tá? Bao nhiêu người đã nằm đây trước tôi?

Tôi muốn òa khóc nhưng ống lệ đã bị cháy đến tắc nghẽn cả rồi.

Chẳng có mấy việc để làm ngoại trừ trượt ra trượt vào trạng thái hôn mê bất tỉnh. Thuốc giảm đau được truyền từng giọt một trong khi con rắn dần chiếm cứ từng phân xương sống của tôi, tiếp tục lấy cái lưỡi uốn éo đánh tanh tách vào hốc xương sọ tôi. Liếm và hôn, tách tách tách tiếng thuốc nhỏ giọt, xì xì xì tiếng con rắn nói. Bài thuyết giáo đầy âm xuýt của con rắn khi đàm luận về khuynh hướng tâm hồn đầy tội lỗi của tôi dường như kéo dài vô tận. Tiếng bước chân lóc ca lóc cóc trong sảnh, ngàn người đã đến kính viếng hương hồn người chết. Những căn phòng vang dội cái giọng đều đều của mấy bộ phim truyền hình ủy mị sướt mướt. Các gia đình mang bộ mặt lo lắng, thì thầm về tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Tôi không thể hiểu rõ tình trạng nguy kịch của mình và băn khoăn không biết mọi thứ sẽ thế nào khi tôi quay trở lại với sự nghiệp phim ảnh, hay chuyến du lịch nho nhỏ đến bệnh viện này sẽ tốn bao nhiêu. Tôi vẫn chưa nhận ra rằng mình có thể sẽ không bao giờ tiếp tục công việc được và chuyến đi này đã lấy của tôi tất cả. Phải tới vài tuần sau đó, khi các bác sĩ giải thích tường tận đến khủng khiếp về chuyện xảy ra với cơ thể tôi và những gì sẽ tiếp diễn, thì tôi mới bắt đầu hiểu ra vấn đề.

Cơ thể tôi đã giảm sưng tấy và đầu đã co lại gần bằng kích cỡ bình thường. Mặt tôi khó chịu cực độ mỗi khi đầu ngón tay còn lành lặn của tôi chạm vào. Chân tôi được nâng lên và buộc vào thanh đỡ, tôi bị bó vào các mảnh vải dày hạn chế cử động để tránh làm rách mô cấy ghép. Nhìn cái chân phải tàn phế của mình, tôi thấy một bộ kim lạ mắt châm vào da thịt. Bệnh nhân bỏng không được bó bột bằng khuôn sợi thủy tinh – tấy rát vô cùng – vì thế lũ nhện máy cứ việc mọc ra khắp người tôi.

Có ba y tá chính ở khoa bỏng: Connie, Maddy và Beth. Họ không chỉ chăm sóc thể chất mà còn lãnh nhiệm vụ lên-tinh-thần cho bệnh nhân nữa, không ngừng nói với tôi rằng họ tin tưởng tôi, vì thế tôi cũng phải tin vào chính mình. Tôi chắc chắn Connie thực sự tin vào những thứ vớ vẩn tuôn ra từ miệng cô ấy nhưng tôi cảm thấy Maddy và Beth chỉ như những bà bán tạp phẩm cứ nhại đi nhại lại một câu “Chúc quý khách một ngày tốt lành.” Mỗi người làm ca tám tiếng; kết hợp lại họ làm trọn vẹn một ngày.

Beth làm việc buổi chiều và chịu trách nhiệm nắn bóp cho tôi hằng ngày, nhẹ nhàng kéo các khớp nối và xoa bóp cơ bắp của tôi. Thậm chí những thao tác rất đỗi dịu dàng này cũng làm tôi đau đớn khôn cùng, dù có sự hỗ trợ của morphine chăng nữa. “Nếu chúng tôi không làm thế này, da anh sẽ cứng lại và anh sẽ không thể cử động các khớp xương được. Chúng tôi luôn làm thế này trong suốt thời gian anh hôn mê đấy.” Lời giải thích của cô chẳng làm cơn đau đỡ hơn chút nào. “Chứng co cứng cơ là cả một vấn đề đấy. Nếu nhìn những ngón chân còn lại của mình, anh sẽ thấy chúng có vài thanh nẹp. Giờ anh có thể đẩy tay tôi không?”

Tôi cố đẩy nhưng không thể biết có thành công hay không, cảm giác – thực ra là, sự mất cảm giác – làm tôi quá lúng túng. Tôi không còn xác định được cơ thể mình đang căng ra đến đâu nữa.

Bác sĩ Nan Edwards, bác sĩ điều trị chính của tôi đồng thời là trưởng khoa bỏng, giải thích rằng bà thường xuyên tiến hành phẫu thuật cho tôi trong suốt thời gian tôi hôn mê, loại bỏ phần da bị tổn thương và bó tôi vào đủ loại vật liệu thay thế. Cùng với việc ghép da người khác (da của người chết) tôi cũng được ghép da của chính mình, da từ những phần cơ thể còn lành lặn của tôi, và cả da động vật nữa, da lợn. Ta không thể không băn khoăn liệu mấy ông theo đạo Do Thái hoặc đạo Hồi có chịu để người ta làm thế với mình không.

“Tình thế thật sự không thể đoán định được vì phổi anh bị hư hại nặng. Chúng tôi luôn phải nâng mức ôxy bơm vào cơ quan hô hấp của anh, một dấu hiệu không tốt lành gì,” bác sĩ Edwards nói. “Nhưng anh đã vượt qua được. Chắc hẳn anh có điều gì đó rất tốt đẹp đang trông đợi phía trước.”

Rõ ngu ngốc. Tôi có đấu tranh để được sống đâu cơ chứ, tôi nào có nhận ra mình hôn mê bất tỉnh đâu, và tôi chắc chắn đã không vật lộn để thoát khỏi tình trạng đó. Chưa một lần nào trong suốt quá trình hôn mê tôi thấy cần quay lại thế giới này cả.

Bác sĩ Edwards nói, “Nếu không nhờ những tiến bộ trong điều trị bỏng từ thời chiến tranh Việt Nam…” Giọng bà trượt đi, như thể tốt hơn tôi nên tự điền vào chỗ trống và nhận ra mình đang ở trong một thời đại may mắn đến thế nào.

Tôi ước gì mình có thể nói nên lời. Tôi sẽ nói với bà ấy rằng tôi mong sao chuyện này xảy đến với tôi vào thế kỷ mười bốn, trong thời buổi chẳng có bất cứ hy vọng nào cho tôi hết.

Tôi bắt đầu sự nghiệp diễn viên phim khiêu dâm ngắn ngủi chuyên về thể loại tình dục khác giới đóng với nhiều bạn diễn nữ, chưa lần nào mất khả năng cương cứng. Nhưng xin đừng cho rằng tôi là kẻ đơn điệu; là nghệ sĩ, tôi luôn tìm kiếm những thử thách mới. Bằng cách luyện tập tới bến, tôi làm phong phú thêm lý lịch bản thân với khẩu dâm, quan hệ qua đường hậu môn, kể cả chơi một lúc ít nhất hai, ba đối tác. Tôi không hứng thú với tình dục đồng giới, dù luôn cảm thấy ngưỡng mộ những tay có thể thực hành với cả hai giới. Tôi cũng không khoái trò khổ dâm, dù có tham gia đóng vài bộ phim với mô típ dùng dây trói đối phương. Tôi từ chối những bộ phim kích thích giao cấu với trẻ em. Rặt những thứ ghê sợ, dù tôi phải thừa nhận Humbert Humbert(9) làm tôi cười khúc khích. Kiểu quan hệ dính dáng đến chất thải con người hiển nhiên là không, chẳng có góc lý trí nào cho phép tôi đi vệ sinh lên ai đấy và tôi càng không thích ai làm thế với mình. Và nếu vì không chịu đóng phim có cảnh quan hệ với động vật mà tôi bị coi là thằng hợm hĩnh thì cứ cho là thế đi: tôi là một đứa hợm hĩnh.

Tôi nằm trên giường bệnh, cảm nhận rõ hơi thở của mình. So với trước vụ tai nạn, nó thật… Từ nào mới miêu tả chính xác nhất đây? “Nặng nhọc” không đúng lắm nhỉ. “Bị đè nén” có vẻ hợp hơn và sát nhất với tình trạng hiện tại của tôi. Hơi thở bị đè nén của tôi một phần là do khuôn mặt bị biến dạng, một phần do những cái ống dẫn xoắn xuýt chạy xuống cổ họng, và một phần do cái mặt nạ vải gạc của tôi. Thỉnh thoảng, tôi tưởng tượng rằng ngay cả không khí cũng sợ thâm nhập vào cơ thể tôi.

Tôi hé nhìn qua những dải băng quấn quanh người, tò mò xem mình còn lại những gì. Vết sẹo bẩm sinh đã nằm cả đời phía trên tim tôi giờ không còn cô đơn nữa. Thực tế là tôi hầu như không thể tìm ra nó nữa, nó đã có một vị trí ấm cúng giữa đống hoang tàn thô ráp trên ngực tôi rồi. Ngày qua ngày, một đoàn bác sĩ, y tá, chuyên gia vật lý trị liệu lướt vào phòng dồn dập tấn công tôi với hết thuốc mỡ lại đến kem bôi da, xoa bóp vùng đất lở Pompei(10) đỏ rực là làn da tôi. “Giãn cơ thụ động,” họ nói với tôi, “rất quan trọng.” Giãn cơ thụ động, tôi nghĩ, có mà đau thấu trời thấu đất ấy.

Tôi không ngừng lèo nhèo xin mấy cô y tá cho thêm morphine để thỏa mãn con rắn, chỉ để nhận được câu trả lời rằng vẫn chưa tới lúc. Tôi đề nghị, khẩn nài, kỳ kèo, cả khóc lóc nữa; họ thì cứ khăng khăng rằng họ – đồ khốn – luôn tận tâm làm những điều tốt nhất cho tôi. Quá nhiều thuốc men sẽ làm các cơ quan nội tạng của tôi hoạt động bất thường. Quá nhiều thuốc sẽ làm tôi phụ thuộc vào nó. Quá nhiều thuốc thang, bằng cách nào đó, sẽ làm tình hình xấu thêm.

Có một con rắn ký sinh trong tôi. Tôi bị cầm tù trong lồng ngực của một bộ xương. Chiến tranh Việt Nam, có vẻ như thế, tồn tại vì lợi ích của tôi. Các ngón chân ngón tay đều đã bị cắt cụt, và gần đây tôi được biết dù các bác sĩ có thể phẫu thuật tái tạo cơ quan sinh dục cho tôi, tạo dương v*t mới từ các mô lấy từ tay hoặc chân tôi, thì tôi cũng sẽ không bao giờ có thể cương cứng được nữa.

Thêm chút thuốc giảm đau có thể làm tình hình tệ hơn đến mức nào đây? tôi băn khoăn.

Khi các cô y tá đã phát ngấy những lời khẩn nài tăng liều thuốc giảm đau của tôi, họ bảo với tôi họ sẽ mời một bác sĩ tâm lý. Cái áo choàng xanh ông ta trùm ngoài trang phục của mình, để bảo vệ các bệnh nhân bỏng, không mấy hợp với ông ta và tôi có thể nghe thấy tiếng vải nhung tăm cọ xát nơi đùi mỗi khi ông ta bước đi. Ngoài cái đầu hói, ông ta nuôi thêm bộ râu dê lờm xờm trong một nỗ lực bất thành để người ta không chú ý đến cái cằm chẻ, và còn chưng ra đôi má béo núc của một người đàn ông với toàn bộ khẩu phần ăn nằm ở máy bán hàng tự động. Con vật giống ông ta nhất hẳn phải là con sóc chuột có vấn đề về tuyến, và ông ta chìa tay ra như thể là người bạn thân mới quen của tôi vậy. “Tôi là Gregor Hnatiuk.”

“Không, xin cám ơn.”

Gregor cười ngoác miệng. “Không định cho tôi dù chỉ một cơ hội sao?”

Tôi bảo ông ta thích viết gì lên bản đánh giá thì viết và chúng tôi có thể cùng giả vờ rằng đã rất nỗ lực hợp tác. Bình thường, tôi hẳn cũng có nhiều trò với ông ta lắm – nói với ông ta rằng tôi đã bú sữa mẹ trong thời gian quá dài và hiện đang rất nhớ mẹ, hoặc tôi đã bị người ngoài hành tinh bắt cóc – nhưng cổ họng tôi không thể chịu được sức ép nếu nói quá nhiều từ cùng lúc. Tuy thế, tôi vẫn khiến ông ta hiểu được rằng tôi chẳng mấy hứng thú với bất kỳ phương pháp trị liệu nào ông ta đưa ra.

Gregor ngồi xuống và cầm cái kẹp hồ sơ trong tư thế không khác gì cậu học sinh đang cố che giấu sự cương cứng của mình. Ông ta bảo đảm chỉ muốn giúp tôi thôi, rồi huơ tay loạn xạ ra dấu ông ta không có ý định đến đây để “thâm nhập” vào đầu tôi. Khi còn bé, bọn du côn hàng xóm hẳn đã đánh ông ta như cơm bữa.

Tôi cố bật ra được vài từ: “Thêm thuốc giảm đau đi.” Ông ta nói không được, và thế là tôi đuổi ông ta đi. Ông ta bảo tôi không cần phải miễn cưỡng nói chuyện, nhưng ông ta muốn chia sẻ vài phương thức tưởng tượng sáng tạo để chống lại cơn đau. Tôi thấm nhuần lời khuyên của ông ta và tưởng tượng sáng tạo rằng ông ta đã rời khỏi phòng.

“Hãy nhắm mắt lại và nghĩ đến nơi anh muốn tới,” ông ta nói. “Nơi đó có thể là một kỷ niệm, hay một địa điểm anh muốn đến thăm trong tương lai. Bất cứ nơi nào làm anh cảm thấy hạnh phúc.”

Lạy Chúa lòng lành.

Bác sĩ Edwards đã cảnh báo tôi là lần đầu tỉnh táo trải qua ca mổ cắt bỏ mô hoại tử sẽ rất đau đớn, thuốc giảm đau cũng không ích gì, cho dù có tăng liều. Nhưng tất cả những gì tôi nghe được là “tăng liều”, và nó làm tôi mỉm cười hạnh phúc, dẫu không ai có thể thấy được nụ cười đó dưới lớp băng gạc của tôi.

Việc tăng liều thuốc nhanh chóng phát huy tác dụng trước khi tôi được đưa đi phẫu thuật, và khi trí óc còn đang mải bay lượn nơi Thiên đường tươi đẹp thì tôi nghe thấy tiếng bước chân hối hả của bác sĩ Edwards, phát ra từ đôi giày tinh tế của bà, vọng đến phòng tôi từ tiền sảnh trước cả khi bà đến nơi.

Bác sĩ Edwards, dù bạn có nhìn từ góc độ nào đi chăng nữa, trông cũng chỉ tạm được. Không xinh cũng chẳng xấu, nếu trau chuốt một chút thì cũng khá dễ coi nhưng bà chẳng mấy khi đếm xỉa đến việc đó. Mái tóc hẳn sẽ gợi cảm hơn nếu bà chịu chải chuốt mỗi sáng, nhưng thường thì bà chỉ buộc túm ra sau, có lẽ là do những lo ngại mang tính thực tế, vì y bác sĩ được khuyến cáo không nên để những lọn tóc xõa quệt vào vết bỏng. Bà hơi mập mạp và đối với những người thích đoán già đoán non thì cũng không phải một ý tồi nếu cược rằng rồi sẽ có lúc bà ngán ngẩm cảnh phải tính toán lượng calo hấp thụ trong mỗi bữa ăn. Bà trông như thể đã bước sang giai đoạn tàn tạ và mặc nhiên chấp nhận thực tế ấy, hoặc có lẽ bà đã đi đến kết luận rằng, vì mình đang làm việc giữa những người sống sót sau tai nạn bỏng nên quá chú ý đến bề ngoài có khi còn là sự xúc phạm.

Bác sĩ Edwards ra hiệu với tay hộ lý cùng đi, một người đàn ông hồng hào béo tốt mà cơ bắp cứ cuồn cuộn khi anh ta vươn tay về phía tôi. Họ cùng nhau khiêng tôi từ giường sang cáng. Tôi kêu the thé như con lợn bị mắc kẹt, trong một thoáng chợt nhận ra cơ thể mình đã quen với trạng thái bất động đến thế nào.

Khoa bỏng thường nằm ở cánh xa nhất của bệnh viện, vì bệnh nhân bỏng rất dễ bị nhiễm trùng nên họ phải bị cách ly với các bệnh nhân khác. Quan trọng hơn, có lẽ thế, là sự sắp đặt ấy sẽ giảm thiểu khả năng những người đến bệnh viện vô tình gặp phải một Người Nướng Kentucky. Phòng phẫu thuật cắt bỏ mô hoại tử, tôi không thể không để ý, là phòng xa nhất ở cái cánh xa nhất này. Đến khi ca phẫu thuật kết thúc, tôi nhận ra rằng nó còn giúp các bệnh nhân bỏng khác không nghe thấy tiếng la thét.

Tay hộ lý đặt tôi nằm trên một chiếc bàn dốc bằng thép nơi nước ấm, được hòa chung với thuốc để cân bằng các phản ứng hóa học trong cơ thể tôi, chảy ngang qua mặt bàn trơn bóng. Bác sĩ Edwards tháo băng gạc để lộ ra phần thịt đẫm máu trên người tôi. Cứ mỗi lần bà thả gạc vào chiếc xô kim loại là tiếng rơi đánh bẹt lại vang lên. Khi bà rửa vết thương cho tôi, sự ghê tởm hiện lên trên khóe môi trễ xuống, vẻ không vui thể hiện trên những đầu ngón tay bà. Dòng nước chảy qua người tôi cuộn xoáy một màu hồng. Rồi hồng đậm, đỏ nhạt, đỏ đậm. Dòng nước tối thẫm ấy cuộn quanh những mảng thịt trông chẳng khác gì đống ruột cá trên thớt.

Tất cả những điều này chỉ là khúc dạo đầu cho sự kiện chính sắp xảy ra.

Cắt bỏ mô hoại tử là phương pháp cắt xẻ con người, cắt đến khi không chịu được thì thôi. Về mặt kỹ thuật, đó là cách loại bỏ các mô chết hoặc bị nhiễm trùng khỏi vết thương nhằm giúp tế bào da khỏe mạnh phát triển thay thế. Bản thân thuật ngữ này bắt nguồn từ danh từ tiếng Pháp débridement, nghĩa đen là “sự thả lỏng cương”. Cấu tạo từ nguyên khá đơn giản: sự cắt bỏ tế bào nhiễm trùng khỏi cơ thể – việc loại trừ những thứ gây nên sự kiềm tỏa – làm người ta liên tưởng đến hình ảnh tháo yên cương khỏi con ngựa, vì bản thân cái yên chính là sự kìm hãm. Người bị hoại tử mô nên được giải phóng khỏi chất gây ô nhiễm, có thể cho là vậy.

Da tôi bị tổn thương nhiều đến nỗi cắt lọc các mô chết đồng nghĩa với việc loại bỏ gần như tất cả mọi thứ. Máu tôi bắn lên người bác sĩ Edwards, để lại những vệt đỏ dài trên ngực áo bà, khi bà dùng một dụng cụ trông giống dao cạo râu để cạo những phần thịt nát rữa của tôi, chẳng khác gì cách chiếc máy gọt vỏ rau quả.

Cách gọi Bác sĩ Edwards có vẻ dài quá – Không, nó quá trang trọng. Tình thế làm chúng tôi còn gần gũi hơn cả những cặp tình nhân bi thảm nhất, thế nên sao lại không dùng tên của bà nhỉ? Nan lướt những vệt dài lên lưng tôi. Tôi có thể nghe thấy tiếng lưỡi dao xoẹt qua xoẹt lại dọc thân thể mình, tách các phần da khỏi nhau. Cách duy nhất để bà biết đâu là phần mô lành là cứ lướt dao vào đó. Nếu tôi rú lên đau đớn có nghĩa là bà đã cày đủ sâu để chạm tới đầu dây thần kinh của tôi. Như William Blake đã viết trong tác phẩm The Marriage of Heaven and Hell (Hôn lễ của Thiên đường và Địa ngục): “Bạn sẽ không bao giờ biết được thế nào là đủ trừ phi bạn biết thế nào là hơn cả đủ.”

Nan đặt những lát thịt mỏng của tôi vào cùng cái xô kim loại chứa băng gạc bẩn. Cảm giác không khác gì đang nhìn thấy chính bản thân mình biến mất, lá cờ biểu tượng cho sự tồn tại của tôi mỗi lần lại bị thổi bay đi một milimet. Cảm giác đau đớn, hòa lẫn với morphine, tạo ra những hình ảnh thú vị nhất xẹt qua đầu tôi: thượng nghị sĩ Joe McCarthy gào lên “Thà chết còn hơn theo Cộng sản”; một người thợ mộc làm thập tự giá cho những kẻ sắp bị đóng đinh; tiết giải phẫu trong lớp sinh học, với các em học sinh lớp tám cầm dao rạch bụng mấy con ếch.

Ngay sau khi tôi cắt bỏ xong mô hoại tử, vùng thịt trơ trọi sẽ cần được cấy ghép da, da người chết hoặc da lợn. Chẳng ảnh hưởng gì lắm, vì cơ thể tôi thải loại hết. Điều này cũng đã được các bác sĩ dự đoán trước; vì sự ghép mô không mang tính bền vững, chúng chủ yếu chỉ có tác dụng tránh nhiễm trùng.

Trong suốt thời gian ở bệnh viện, tôi bị lột sống hết lần này đến lần khác. Xét trên nhiều khía cạnh thì bị lột da còn kinh khủng hơn việc bị bỏng ban đầu nhiều vì trong khi tai nạn đến một cách bất ngờ thì lịch lột da lại luôn là điều được biết trước, và tôi cứ việc nằm trong cái bụng của bộ xương, kinh sợ cảnh con dao mổ sắp lướt từng nhát lên người, tưởng tượng ra hàng trăm lần trước khi chuyện đó xảy ra thật.

Việc dùng morphine do tôi tự điều chỉnh – để tôi “có quyền tự quyết”, họ nói thế – và tôi nhấn nút như điên. Nhưng có một giới hạn chết tiệt về tổng liều lượng khiến tôi không thể tự dùng quá liều được: quá nhiều so với quyền tự quyết.

Cho tới năm hai mươi ba tuổi, tôi đã đóng hơn một trăm bộ phim khiêu dâm, chất lượng đủ loại. Hầu hết những bộ phim hồi đầu đều khá đơn giản nhưng cũng có một số phim, thời kỳ sau này, được tôi đánh giá là có tính nghệ thuật thực sự.

Đóng phim khiêu dâm cũng giống như bất cứ công việc nào khác: bạn khởi nghiệp với những công ty hạng ba rồi khi hồ sơ đã dày lên, bạn cứ thế mà tiến thôi. Hồi đầu tôi làm việc với những đạo diễn chỉ nhỉnh hơn bọn không chuyên chút xíu – nhưng, mặt khác, tôi cũng vậy, khi đó vẫn chưa ý thức được rằng tình dục, hay nói cách khác là phim khiêu dâm, không phải là cứ hùng hục như chày giã cối cho đến lúc đạt cực khoái.

Tôi học sex theo cái cách mà tất cả mọi người đều học, bằng thực hành; duy có chuyện này thì thư viện tỏ ra hoàn toàn vô dụng. Thực hành, chứ không phải lý thuyết, dạy tôi rằng diễn viên không thể lên đỉnh mà không làm người xem thất vọng – nhưng anh ta cũng không thể cứ làm chuyện ấy suốt mà không cảm thấy nhàm chán, và đây là thế cân bằng cần phải đạt được. Tương tự, tôi học được rằng chẳng có tư thế chuẩn nào cả, và việc thay đổi tư thế chỉ thực sự có hiệu quả nếu hòa nhịp được với cơ thể đối phương.

Tôi không muốn khoe khoang, nhưng quả thực sự tiến bộ của tôi thật đáng ngưỡng mộ. Mọi người đều thấy thế: lời mời tôi đóng phim ngày càng tăng, đạo diễn của tôi trở nên nổi tiếng, bạn diễn nữ của tôi thành thục hơn, và thu nhập của tôi tăng. Tiếng tăm của tôi, về trình độ diễn xuất và sự nỗ lực, được cả khách hàng lẫn những người trong ngành biết tới.

Cuối cùng, tôi không còn cảm thấy thỏa mãn khi chỉ làm việc ở một phía của máy quay nên bèn đề nghị được làm ở các bộ phận khác nữa. Đội ngũ nhân viên luôn trong tình trạng quá tải rất hạnh phúc khi được đỡ một tay; vậy là tôi giúp họ điều chỉnh thiết bị chiếu sáng, tiện thể hỏi luôn cánh quay phim làm thế nào để biết bóng sẽ đổ vào đâu. Tôi cũng thường quan sát cách đạo diễn dựng cảnh, và cho tới lúc này, tôi đã có đủ kinh nghiệm diễn xuất để thỉnh thoảng có thể đưa ra vài gợi ý hay ho cho đạo diễn. Nếu nhà sản xuất gặp vấn đề – một cô diễn viên đột ngột bỏ vai vào phút cuối hay một cái camera bị hỏng – tôi có đủ bạn bè trong ngành để chỉ sau vài cuộc gọi ngắn đã giải quyết xong xuôi vấn đề.

Chẳng mấy chốc, tôi trở thành nhà văn, ít nhất thì cũng là người viết được kịch bản cho phim khiêu dâm. Nhà văn có thể đặt ra tình huống, nhưng khi đến mục hành động thì anh ta chỉ có thể viết ĐÂY LÀ CẢNH NÓNG. Mỗi diễn viên một diễn xuất: người từ chối đóng cảnh quan hệ tình dục qua đường hậu môn, người không chịu đóng cảnh quan hệ đồng giới, vân vân và vân vân, và vì không bao giờ biết trước được diễn viên sẽ đóng cảnh đó như thế nào nên bạn không thể viết quá chi tiết được. Quyết định cuối cùng luôn luôn được đưa ra tại trường quay.

Dù cơn nghiện cứ như những con muỗi trắng khổng lồ thiêu đốt tôi mỗi sớm, tôi cũng không phải gã trai trẻ thiếu khôn ngoan. Tôi nhận thức rõ lợi thế tài chính mà ngành công nghiệp phim đen mang lại – dù nền kinh tế có trở nên thế nào thì thị trường này vẫn luôn có chỗ đứng – nhưng không chỉ có thế. Tôi thích viết kịch bản và diễn xuất, tôi nghĩ chúng ít nhất cũng thỏa nguyện được khát khao nghệ sĩ trong tôi và đó cũng là một ngành thương mại. Sau khi làm đạo diễn cho vài bộ phim, tôi nhận ra rằng cách kiếm tiền thực thụ không phải là diễn trong bộ phim của ai mà là mời được ai diễn xuất trong bộ phim của mình. Thế là tôi lập công ty sản xuất phim riêng khi tuổi đời còn khá trẻ và trở thành một “nhà sản xuất phim thành công với thu nhập khổng lồ”.

Thỉnh thoảng, tôi thấy giới thiệu mình theo cách này có vẻ hay hơn là kẻ viết dâm thư.

Đương nhiên tôi không phải bệnh nhân duy nhất trong khoa bỏng. Người bệnh đến rồi đi. Có người kết thúc đợt điều trị và tiếp tục sống, cũng có người chết đi. Ví dụ nhé: một bệnh nhân tên Thérèse, một cô bé vô cùng tuyệt vời với mái tóc vàng óng và đôi mắt xanh như ngọc sapphire.

Nhìn Thérèse, bạn không thể ngờ rằng em bị bỏng, vì em phải chịu đựng sự phá hủy từ bên trong. Thérèse bị phản ứng dị ứng – không khác gì một lò hóa chất cháy trong phổi vậy – trước chất kháng sinh tiêm vào cơ thể để giảm các cơn hen suyễn. Tôi tình cờ nghe thấy một bác sĩ giải thích cho một thực tập sinh: “Đối với cô bé, chuyện đó giống như nốc cả một ngụm to chất độc da cam ấy.”

Mẹ của Thérèse, trong bộ đồ màu xanh đậm dành cho người nhà bệnh nhân, làm cả căn phòng ngập ngụa trong biển hoa nhựa. (Hoa thật, mang hàng triệu con vi khuẩn, có thể là tác nhân gây tử vong với chúng tôi.) Mẹ em rất sùng đạo và luôn nói với cô con gái bé nhỏ của mình rằng mỗi sự kiện xảy ra trên cõi đời này đều là một phần trong Kế hoạch Vĩ đại của Chúa. “Chúng ta không thể hiểu tại sao mọi chuyện lại xảy ra như thế, chỉ biết được rằng Chúa luôn chuẩn bị sẵn những phương án lớn lao cho mỗi chúng ta. Lý do của Người rất chính đáng, chỉ có điều có lẽ chúng ta chưa hiểu được thôi.” Riêng tôi thì cho rằng chẳng hay ho gì khi nói với một cô bé mới bảy tuổi đầu rằng Kế hoạch Vĩ đại của Chúa là đốt cháy phổi của em ấy.

Howard cũng là một bệnh nhân trong khoa bỏng. Anh bị bỏng từ trước khi tôi đến rất lâu, trong một vụ cháy nhà do người bà bị bệnh Alzheimer của anh ngủ quên với điếu thuốc lá cháy dở kẹp giữa hai ngón tay. Người bà không qua khỏi nhưng anh thì có, và bây giờ anh đang rất chăm chỉ thực hành các bài tập hồi phục chức năng. Anh tập đi bằng nạng, tập tay với những quả tạ nhỏ bằng bạc, anh đi mười bước một ngày rồi mười hai bước ngày tiếp theo. Mắt anh sáng bừng với mỗi thành tựu đạt được, anh không ngớt nói với tôi rằng mình sẽ “vượt qua thử thách này” và sẽ “sống lại cuộc đời mình.” Những tuyên bố hùng hồn này chỉ càng mãnh liệt hơn sau khi cô vợ chưa cưới tuyên bố với anh rằng sẽ không có cưới xin gì nữa hết.

Khi Howard ra viện, cả gia đình anh cùng một tá bạn bè (gồm cả cô nàng từng-là-vợ-chưa-cưới) đã tới khoa bỏng chúc mừng. Họ mang một chiếc bánh ga tô đến và nói trông anh tuyệt đến thế nào và họ tự hào về anh ra sao. Howard đã nói rằng “đây là ngày đầu tiên trong cuộc đời còn lại của tôi.” Đó đúng là một bữa tiệc khoa trương khủng khiếp, thậm chí cả cái cách họ đột ngột thu dọn đồ đạc cho anh cũng vậy. Howard lê bước về phía giường tôi, nắm lấy bàn tay còn lành lặn của tôi. “Tôi đã nói với cậu là tôi có thể đánh bại được nó. Tôi đã nói với cậu vậy mà. Cậu cũng có thể làm được như thế!” Anh nháy mắt trong nỗ lực truyền động lực cho tôi nhưng, do sự co cơ quanh vùng mắt, cái nháy mắt ấy chỉ làm tôi nghĩ đến hình ảnh một con ruồi đang cố gắng thoát ra khỏi miệng bồn cầu.

Khi ra khỏi phòng, với cha mẹ tháp tùng hai bên, anh không ngoái nhìn lần cuối phòng điều trị bỏng, căn phòng đã gắn bó với anh suốt nhiều tháng qua; tôi có thể thấy rõ anh không hề muốn nhìn lại.

Theo tôi, quả thật là một câu chuyện cảm động về chiến thắng vẻ vang của con người: sự quyết tâm, tình yêu của gia đình và bạn bè, cả suy nghĩ tích cực nữa! Nhưng, thật ra, anh lừa được ai kia chứ? Vợ chưa cưới bỏ anh một cách rất hợp tình hợp lý – người nào sẽ (có thể) yêu nổi một con quỷ chứ? Liệu anh có thể làm tình được nữa không? Liệu anh có thể đi suốt cuộc đời với cha mẹ kè kè bên cạnh giúp anh giữ thăng bằng như thể anh mãi mãi là một đứa trẻ hai tuổi? Trong cái tình cảnh ấy, tôi tự hỏi, chiến thắng ở đâu ra kia chứ?

Howard đã nỗ lực hơn tôi nhiều. Tôi đã nghe anh kể về nỗ lực cải thiện sức khỏe của anh. Tôi đã nghe tất cả mọi người nói anh trông dễ thương ra sao trong khi thực tế, anh chẳng khác gì một con quái vật mà bất cứ người bình thường nào gặp trên đường cũng phải tránh xa. Tôi muốn thét lên khi anh nắm tay mình, vì thậm chí cả tôi cũng không muốn bị anh chạm vào. Tôi ghê tởm anh, ghê tởm cái thứ này, người anh em của tôi.

Phản ứng của tôi chẳng mấy liên quan đến anh ấy, thật đấy; nó đơn thuần xuất phát từ nhận thức rằng dù có làm gì đi nữa, tôi cũng sẽ không bao giờ có thể trở lại như cũ. Tôi có thể luyện tập hằng ngày, tôi có thể chịu đựng hàng ngàn cuộc phẫu thuật, nhưng rốt cuộc vẫn chỉ là cái mụn rộp xấu xí mang hình dạng con người. Chẳng có phương thuốc nào có thể chữa trị cho tôi cả. Đó là điều tôi học được sau những thành tựu của Howard. Đó là thứ tôi hiểu được khi nằm trong bụng một bộ xương và xương sống của mình thì bị con rắn kia nuốt chửng. ANH TA CŨNG CHỈ NHƯ NGƯƠI MÀ THÔI, mụ ta rít lên, NHƯNG VỚI MỘT TÂM HỒN TỐT ĐẸP HƠN.

Nhận thức khủng khiếp nhất: cho dù tôi có thể trở lại là tôi trước tai nạn thì chuyện đó cũng tốt đẹp đến thế nào được chứ? Phải, tôi đã rất đẹp trai. Phải, tôi đã có tiền bạc, sự nghiệp nhưng (cứ nói thẳng toẹt ra nhé) tôi từng là một thằng nghiện thối nát chuyên đóng phim đen. Nghe nói bạn bè tôi, những kẻ đã cùng cười phá lên trước những câu chuyện hài của tôi khi cả bọn ngồi hút hít trên thành bể bơi nhà tôi, đã đến thăm lúc tôi còn hôn mê – nhưng đứa nào cũng chỉ nhìn tôi không đến một phút rồi quay ngoắt bỏ đi, không hẹn ngày gặp lại. Chỉ cần liếc nhìn họ cũng thấy rằng những ngày hút hít của chúng tôi đã mãi mãi là dĩ vãng rồi.

Sau khi tôi tỉnh lại, người duy nhất có thiện chí thật sự là Candee Kisses, một cô gái đáng yêu đóng phim hạng ba chỉ vì cả thế giới đều bất công với cô ấy. Mười bảy tuổi, quá mệt mỏi với việc bị cha dượng hãm hiếp, cô rất sẵn lòng làm bất cứ điều gì để thoát khỏi vòng cương tỏa của lão ta. Và cô đã làm được. Có lẽ giờ cô đang sống ở một trang trại đâu đó, cưới một chàng trai cần cù chăm chỉ tên là Jack, Paul hay Bill, thay vì kiếm sống bằng việc thổi kèn trước máy quay.

Candee đến được vài lần, mang những món quà nhỏ và cố gắng động viên tôi với những câu nói đại loại như tôi đã may mắn thế nào khi còn sống nhưng chủ yếu cô chỉ khóc. Có lẽ cô khóc vì bề ngoài của tôi; hay chính xác hơn, cô khóc cho chính bản thân mình. Sau ba chuyến viếng thăm, tôi bắt cô hứa không quay lại nữa. Cô đã giữ lời. Và giờ mới là chuyện nực cười. Tôi biết cô được hơn năm năm rồi, đã làm chuyện ấy với cô, đã nghe những chuyện cô kể về lão cha dượng, nhưng tôi không hề biết tên thật của cô. Có lẽ đấy là một trong những thứ bạn phải bỏ lại đằng sau khi lựa chọn một cuộc sống mới.

Sau khi Howard cùng bố mẹ anh biến mất sau cánh cửa phòng điều trị bỏng, tôi trở nên mất tự chủ. Ngực tôi thắt lại khi cả sự tức giận lẫn tự thương cảm bản thân bùng lên khiến tôi như muốn nôn, rồi cái cổ họng thảm hại của tôi chỉ cho phép những hơi thở dài hổn hển, rin rít thoát ra mà thôi.

Rồi cô bé tên Thérèse đi đến chỗ tôi. Đó thật là một nỗ lực đáng kinh ngạc, đầy đau đớn đối với em, và với mỗi ngụm không khí em hít vào, tôi có thể nghe được cả tiếng phổi em kêu lạo xạo. Em dường như không còn chút sức lực nào khi đến được bên giường tôi. Em bò lên giường và nắm tay tôi. Không phải bàn tay phải còn lành lặn mà là bàn tay trái đã bị lửa hủy hoại với một ngón tay rưỡi bị mất, em cầm lấy như thể nó là một bàn tay bình thường. Tôi cảm thấy cực kỳ đau đớn khi bị chạm vào chỗ đó và, tuy rất cảm kích sự gần gũi dù làm tôi nhức nhối, tôi khẩn khoản bảo em đi ra.

“Không,” cô bé đáp lại.

Tim tôi vô tình loạn nhịp. “Cháu không thấy chú trông như thế nào sao?”

“Có,” cô bé nói. “Chú trông y như cháu thôi.”

Đôi mắt xanh to, vẫn lấp lánh bất chấp nỗi đau, không rời khuôn mặt biến dạng của tôi.

“Đi đi,” tôi ra lệnh.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận