Cô Gái Mang Trái Tim Đá

Chương 31


Bấy giờ khi anh đã qua khỏi tình trạng nguy kịch, sức khỏe của anh tiến triển từng ngày. Vẫn còn nhiều thương tổn cần chữa trị, nhưng tôi không còn lo anh sẽ đột ngột ra đi mỗi khi tôi rời căn phòng đó nữa.

Lúc đầu, anh không muốn nói chuyện về cuộc đời mình. Tôi không chắc đó là bởi anh cảm thấy xấu hổ vì cuộc đời làm lính đánh thuê của mình hay vì trận đánh đó đau đớn đến nỗi khó có thể nhớ lại. Nhưng vì không được bàn tán gì cuộc đời anh, tôi bèn lôi cuộc đời tôi ra làm chủ đề trò chuyện. Anh dường như bị cuốn hút vì nó, vì tôi, một điều tôi không tài nào lý giải nổi. Cuộc đời trong tu viện thì có thể có gì hay ho chứ? Nhưng mắt anh sáng lên khi tôi kể cho anh nghe về công việc của tôi trong phòng viết, và anh đã hào hứng hỏi về quần áo của mình. Tôi lấy chúng ra khỏi tủ. Dù chúng hầu như chỉ còn là những mảnh rách rưới, các xơ không thể vất đi những thứ không thuộc về họ.

Mũi tên đã đâm xuyên qua ngực chiếc áo giáp không tay của anh và vùng xung quanh gần như đã bị cháy sém hết, nhưng tôi vẫn có thể cảm thấy một vật khá nặng hình chữ nhật nằm trong túi áo khâu ngược vào trong. Anh rút vật này ra, nó được gói trong những lần vải. Mũi tên gãy vẫn kẹt ở phần trước của vật này, đầu mũi tên hầu như không xuyên qua phía sau. Anh lật vật ấy trên tay vài lần, ngạc nhiên vì tấm khiên bất ngờ này đã ngăn không cho mũi tên đâm sâu hơn vào ngực mình. Sau khi rút đầu mũi tên ra, anh ấn nó vào tay tôi và bảo tôi làm gì với nó cũng được.

Tôi chẳng cần phải suy nghĩ gì; tôi nói ngay lập tức là mình đã biết phải làm gì với nó rồi.

“Thế đó là gì vậy?”

“Tôi sẽ đưa nó lại cho anh,” tôi trả lời, “sau khi tôi nhờ cha Sunder ban phước lành cho nó. Rồi ngực anh sẽ chấp nhận nó như một lá bùa bảo vệ chứ không phải một thứ làm hại mình.”

“Tôi rất trông chờ đến ngày đó,” anh nói khi đưa cái gói cho tôi. “Tôi có thứ này từ một người bạn đã qua đời.”

Tôi mở cái gói ra, bên trong là một cuốn sách viết tay với những vệt cháy sém ở phần rìa dây cả bụi than ra tay tôi. Tôi tự hỏi làm sao cuốn sách có thể nguyên vẹn không bị ngọn lửa nuốt chửng chứ?

Tôi đặt nó lại vào ngực anh, và nó vừa khít với những vết bỏng. Phần da không bị cháy chính là nơi cuốn sách đã bị mũi tên găm vào, và nó cũng giải thích cho vết cắt nhỏ ở chính giữa cái hình chữ nhật không bị lửa viếng thăm đó.

Tôi lật qua cuốn sách, nhận thấy càng về cuối vết rạch trên những trang giấy càng nhỏ dần, và tôi hỏi anh về người đã mất. Anh trả lời, “Có hai người Ý trong đội của chúng tôi. Một bị giết trên chiến trường, một người rất tốt tên Niccolò. Cuốn này là của anh ấy.”

Việc các đội quân condotta thuê người ngoại quốc cũng là bình thường, miễn là họ có năng lực đặc biệt. Đội lính đánh thuê của anh đã tuyển các cung thủ người Ý và đó thực ra là lý do ngay từ đầu đội quân các anh lại gọi là condotta; đó là thuật ngữ Ý chỉ các đội lính đánh thuê, và các binh lính rất thích cách phát âm đó.

Người Ý là một trong những cung thủ giỏi nhất anh từng thấy, và họ rất thân thiện với anh và Brandeis. Anh không thông thạo tiếng của họ lắm nhưng cả Benedetto – anh người Ý còn lại – và Niccolò đều có khả năng xoay xở với tiếng Đức, và trong suốt những năm tháng sống cùng nhau, anh dần cảm phục họ với tư cách là cung thủ cũng như những người đàn ông chân chính. Các anh tin tưởng lẫn nhau tới mức tâm sự với nhau rằng mình đều dần trở nên quá chán ghét chiến tranh.

Khi Niccolò chết, Benedetto nhận thấy mình chịu đựng thế là quá đủ. Vì anh ấy đã suốt ngày phải liều mạng trên chiến trường rồi, có liều mình đào ngũ thì cũng đâu là gì. Nỗi sợ hãi bị truy đuổi cuối cùng đã bị lấn át bởi nỗi sợ phải tiếp tục ở lại. Thay vì cứ thế bỏ đi không lời từ biệt, Benedetto cho Brandeis và anh cơ hội nhập bọn.

Anh đã cân nhắc ý tưởng đó, nhưng cuối cùng quyết định không. Herwald có thể cho qua chuyện một người nước ngoài tự dưng biến mất, nhưng nếu cả ba cung thủ cùng biến mất một lúc thì không thể tránh khỏi hậu quả cực kỳ khủng khiếp. Nhưng, quan trọng hơn hết thảy, cả anh lẫn Brandeis đều không dám làm như Benedetto. Thật ra các anh sợ đội quân của chính mình còn hơn sợ kẻ thù. Tuy thế, hai người vẫn rất ngưỡng mộ Benedetto và thấy cần phải giúp anh ấy, phần vì tình bạn, phần vì cảm giác hồi hộp khi làm việc đó.

Benedetto thấy cũng là chuyện đúng đắn nếu cố mang tất cả những gì có thể đến cho vợ và hai con trai của Niccolò ở Firenze. “Bọn cần phải giữ thứ gì đó thuộc về cha chúng khi chúng lớn lên.” Thế là, trong bóng đêm, ba người các anh đã xếp hết di vật của người chết ra xem xét cẩn thận. Có một túi tiền, quần áo, một đôi ủng, một cuốn sách và một cây cung. Benedetto giữ túi tiền, một món đồ giá trị để trao cho người vợ, và cây cung, anh ấy nghĩ đây là món quà xứng đáng cho những người con của một chiến binh.

Mặc dù thực sự không cần cuốn sách, anh cũng ấn vào tay Benedetto một chút tiền để mua nó. “Người cha không còn nữa, họ sẽ cần cái này hơn vài lời nói suông.”

Benedetto gật đầu, nói rằng không hiểu tại sao bạn mình lại có một cuốn sách. “Có vẻ như nó được viết bởi một nhà thơ nổi tiếng xứ Firenze, nhưng tôi đã luôn trêu Niccolò về chuyện đó. Đàn ông như chúng ta cần thơ ca làm gì chứ?”

Buổi sáng hôm sau, anh và Brandeis phải giả vờ bất ngờ như tất cả những người khác trước chuyện Benedetto biến mất. Kuonrat Háo Danh sốt sắng đòi tiến hành cuộc truy lùng quy mô lớn để “tìm giết kẻ phản bội!” Herwald thì suy nghĩ chín chắn hơn. Ông ấy đã quyết chỉ để cho một nhóm nhỏ đuổi theo Benedetto, và chỉ trong một thời gian ngắn thôi.

Herwald lý luận, “Anh người Ý đó sẽ trở về quê thôi. Cứ để anh ấy đi. Anh ấy không phải người Đức; anh ấy không phải một trong số chúng ta. Nhưng đừng có nghĩ việc này sẽ gợi ý một sự thay đổi trong đường lối hoạt động của đội. Nếu một binh lính Đức trốn chạy, chúng ta sẽ không ngừng truy đuổi cho tới khi tìm giết được kẻ đó. Dù có mất bao nhiêu năm đi nữa.”

Bài phát biểu này xoa dịu cả đoàn quân, hầu hết đều chẳng ưa gì việc mấy tay nước ngoài cứ lố nhố giữa bọn họ. Đối với họ, sự ra đi của cả hai tay người Ý, cách này hay cách khác, là quá đủ rồi. Kuonrat Háo Danh vẫn còn tức giận trước sự biến mất của Benedetto, nhưng lời đe dọa nóng hổi về cái chết dành cho những kẻ đào ngũ người Đức đã mang lại một nụ cười đểu cáng trên khuôn mặt hắn. Tuy thế, hắn vẫn kịp nhận ra đây là một cơ hội hoàn hảo để thì thầm những lời vu khống. “Ông già Herwald đã dần trở nên mềm yếu rồi.”

Đúng lúc này thì anh đột ngột dừng câu chuyện, rồi nhìn xuống sàn bệnh xá Engelthal với vẻ bối rối đến nỗi tôi phải hỏi ngay là có chuyện gì không.

“Cuốn sách này,” anh nói, “có gì đó rất lạ lùng. Khi tôi nhìn thấy nó lần đầu tiên, nó dường như đang gọi tôi. Như thể nó muốn tôi nhận lấy nó vậy.”

“Cũng chẳng có gì quá kỳ lạ đâu. Những cuốn sách lúc nào chẳng làm tôi có cảm giác đó.”

“Nhưng xơ Marianne,” anh thú nhận, “tôi không biết đọc.”

Tôi không hiểu vì sao anh nghĩ tôi trông chờ anh biết đọc. Tôi ý thức rõ khả năng đọc của mình rất khác thường, không phải ai cũng làm được. Nếu như anh không lấy quyển sách, tôi chỉ ra, mũi tên đã có thể đâm xuyên tim và giết chết anh rồi. “Chắc chắn anh nhận ra nhiều giá trị của cuốn sách này,” tôi nói, “hơn bất cứ thứ gì tôi từng đọc.”

Anh đã biết, hoặc ít nhất anh cũng đoán ra được, cuốn sách đó được viết bằng tiếng Ý chứ không phải tiếng Đức. Tôi xác nhận lại điều đó, nhưng cũng nói thêm là tôi có thể dịch được. Anh khá ấn tượng, vì anh không nghĩ là ai đó có thể đọc được một ngôn ngữ, nói gì đến hai. Tôi hứa sẽ nghiên cứu kỹ khi quay trở về phòng, và sẽ cho anh biết nó viết về cái gì. Điều này làm anh hài lòng, nhưng anh vẫn muốn xin tôi một ân huệ nữa.

“Hãy cầu nguyện cho linh hồn người bạn đã chết Niccolò của tôi và vợ con anh ấy. Và cho cả Brandeis nữa. Tôi có thể tự làm việc đó, nhưng tôi sợ những lời cầu nguyện của tôi không có giá trị như của xơ.”

Tôi đảm bảo với anh rằng lời cầu nguyện của tất cả mọi người đều có giá trị như nhau, nếu được nói ra với một trái tim chân thành, nhưng chắc chắn tôi sẽ làm theo yêu cầu của anh.

Buổi tối hôm đó, tôi bắt tay vào dịch sách. Cuốn sách có rất nhiều hình ảnh tôn giáo, vì thế cuốn kinh cầu nguyện của Paolo thực sự rất hữu ích, nhưng nó dường như được viết bởi một giọng văn đặc địa phương, một thách thức đối với tôi. Ngay từ đầu nó rõ ràng không giống với bất cứ cuốn sách nào tôi từng đọc. Đây cũng sẽ là một cuốn sách cần được giữ kín khỏi mọi tai mắt của các nữ tu khác. Địa ngục, bìa sách viết, của Dante Alighieri.

Dù Dante rõ ràng là một người rất sùng đạo, nhưng ông cũng chẳng mấy coi trọng các hoạt động thường nhật của Giáo hội. Tôi há hốc mồm khi đọc đến đoạn miêu tả khu giam giữ những Giáo hoàng dị giáo dưới Địa ngục. Một trong những Giáo chủ đó là Đức ngài Boniface, Giáo hoàng đương nhiệm. Gertrud và thậm chí cả mẹ Christina đều rất coi trọng ông.

Đêm tôi dịch khẩn trương, và ngày tôi lại chăm sóc anh. Khi các xơ y tá đi ra ngoài cầu kinh theo lịch, tôi đọc cho anh nghe những gì tôi vừa dịch đêm hôm trước. Tôi cảm thấy chúng ta đang chia sẻ với nhau một cái gì đó rất xấu xa, nhưng xấu xa một cách tuyệt vời. Câu chuyện đã đưa chúng ta tới những nơi khác nhau. Thứ ngôn ngữ bình dân không trau chuốt và những hình ảnh thô cứng đã mang tôi đến với thế giới của anh, nhưng những ý tưởng về tôn giáo lại mang anh đến cuộc sống tâm linh của tôi. Bằng cách nào đó chúng ta đã gặp nhau trong cuốn sách.

Tôi luôn được dạy rằng mình có thể tìm thấy Chúa ở khắp mọi nơi, trong tất cả tạo vật, nhưng chẳng bao giờ tôi thực sự làm được. Tôi được dạy rằng nếu tôi không tìm thấy Chúa, tôi sẽ phải cầu nguyện để nhận được thêm nhiều chỉ dẫn, hoặc để làm bản thân thanh khiết hơn sao cho Người có thể đến với tôi. Vì thế hãy tưởng tượng tôi đã bất ngờ thế nào khi tôi bắt đầu hiểu rõ hơn về Chúa Thánh Thần thông qua giọng nói của Dante, và sau cả cuộc đời chìm đắm trong những lời chỉ dạy của Thiên đường, cuối cùng tôi đã có thể tìm được Chúa sau khi nhìn thấy thế nào là Địa ngục.

Những giây phút riêng tư giữa hai chúng ta không bao giờ là đủ. Các nữ tu rồi cũng quay trở lại và chúng ta sẽ phải chuyển chủ đề sang những thứ không liên quan đến cuốn sách đó. Thời gian trôi qua và anh dần hé lộ về cuộc đời làm lính đánh thuê của mình. Tôi bị mê hoặc bởi tất cả những gì anh kể, kể cả lý do anh trở thành lính đánh thuê.

Khi còn nhỏ, anh luôn nghĩ mình sẽ theo bước cha trở thành thợ nề. Anh được cha chỉ dạy và cuộc đời anh dường như đã được định đoạt cho tới những năm đầu niên thiếu, khi cha anh bị đá đè khi chuyển đá xây dựng, và mẹ anh cũng mất không lâu sau đó, vì một căn bệnh không ai biết nổi tên, nói gì đến chữa trị.

Thế là từ con trai của một gia đình tử tế, anh trở thành một đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Thành phố tịch thu nhà của anh, và vì chẳng có người thân thích nào khác, anh đã tự dạy mình cách sinh tồn trên đường phố. Trộm cắp vặt dường như không phải tội lỗi gì ghê gớm lắm khi nó là cách kiếm cơm duy nhất của anh.

Một ngày nọ anh đã cố trộm một chút tiền từ ví của Herwald, lúc đó ông đang vào thị trấn để kiếm đồ tiếp tế. Khi bắt quả tang anh, ông đã bị ấn tượng bởi nghị lực hơn là khó chịu vì hành động sai trái của anh. Ông đã đề nghị anh gia nhập đội quân của mình, và anh cũng thấy chẳng việc gì phải từ chối cả. Anh rất hào hứng trước lời đề nghị, và cứ xét một cách đơn giản thôi, anh lúc đó cũng không thể tưởng tượng nổi còn có giải pháp nào tốt hơn nữa.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận