Khi trong phòng chỉ còn lại tôi và Nan, tôi hỏi – vì tôi vẫn còn vài giờ trước khi cuộc phẫu thuật bắt đầu – liệu bà có muốn cùng tôi đi dạo quanh sân bệnh viện một lúc không. Bà nhìn vào lịch làm việc của mình, kiểm tra giấy tờ và tin nhắn điện thoại, quay số gọi cho phòng y tá trực rồi cuối cùng cũng đồng ý. Trong nửa chặng đường tản bộ của chúng tôi, bà thậm chí còn khoác tay tôi và chỉ vào vài đám mây trên trời làm bà liên tưởng tới một bầy hải mã. Tôi mời bà ăn một cái bánh xúc xích ở một gian hàng gần đấy và chúng tôi cùng ngồi trên ghế băng nhìn dòng người qua lại. Nan bị dính một ít mù tạt lên áo và tôi nghĩ rằng nó làm bà trông rất dễ thương.
Tôi đếm ngược khi mặt nạ hô hấp được áp lên miệng mình. Cho đến lúc này, tôi đã trở thành một chuyên gia thuốc gây mê và biết rằng mình sẽ tỉnh lại trong vài giờ tới. Chắc chắn sẽ vương lại cảm giác nhoi nhói nhưng tôi đã quen với đau đớn và cũng trải qua nhiều cuộc phẫu thuật để biết rằng mình sẽ ổn thôi. Ít nhất là ổn như hiện tại.
Trừ việc nó không diễn ra đúng như thế. Cuộc phẫu thuật định kỳ của tôi đã gặp phải một biến chứng: nhiễm trùng máu. Kiểu nhiễm trùng loại này chẳng lạ gì với những bệnh nhân bỏng, thậm chí với cả những người đã hồi phục được nhiều như tôi đây, nhưng may mắn là nhiễm trùng không quá nặng và cơ thể của tôi – đã trở nên mạnh mẽ nhờ những bài tập vất vả – có thể chống chọi được. Tuy nhiên, tôi vẫn phải nằm lại viện cho tới khi khỏi hẳn.
Sayuri gọi Cheryl để xin gia hạn thời gian cư trú ở đó của Bougatsa, trong khi Gregor tình nguyện đi thông báo cho Marianne Engel biết tình trạng của tôi. Ông ta quyết định lái xe tới pháo đài để trực tiếp nói cho cô biết, vì cô không trả lời điện thoại. Tôi cảnh báo ông rằng nhiều khả năng cô sẽ không ra mở cửa đâu, và hóa ra là tôi đã đúng. Sau mười phút gõ cửa, Gregor đành bỏ cuộc dù ông ta vẫn nghe thấy tiếng Bessie Smith kêu gào với âm lượng cực đại ở dưới tầng hầm.
Jack có một bộ chìa khóa riêng vì thế tôi gọi cho bà để nhờ bà kiểm tra hộ và nấu ăn cho Marianne Engel. Jack hứa với tôi là bà sẽ làm thế, thậm chí còn hỏi xem tôi có cần mang gì đến bệnh viện không. Chẳng có gì cả, vì tôi đã vào viện nhiều lần đến nỗi quá quen với việc chất đầy một túi xách (quần áo ngủ, giấy vệ sinh, sách, vân vân) để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật dù là nhỏ nhất.
Khi những việc nhỏ nhặt này được xếp đặt đâu vào đấy, tôi chẳng còn việc gì khác ngoài nằm yên trên giường (mà, tiện đây nói luôn, không còn tạo cho tôi cảm giác là lồng ngực của bộ xương nữa) và chờ cho lành hẳn. Mỗi buổi tối, Gregor lại mang cho tôi những cuốn sách mới, và có một lần ông ta thậm chí còn lén mang một ít bia vào. Bởi vì, như ông ta giải thích với một cái nháy mắt tinh nghịch, ông ta có hơi hướng nổi loạn một chút. Tôi bảo đảm với ông ta là ông ta rất nổi loạn ấy chứ.
Sau một tuần thì tôi cũng được ra viện, và Gregor xin nghỉ một giờ để chở tôi về nhà. Khi chúng tôi về đến pháo đài, tất cả đều chìm trong yên lặng. Bình thường việc này chẳng có vấn đề gì, có thể Marianne Engel đã đi dạo, hoặc chuẩn bị mua thêm một ít đá mới – nhưng tôi có cảm giác chẳng lành. Tôi không thèm kiểm tra phòng ngủ của cô nữa; tôi chạy thẳng xuống tầng hầm, với Gregor theo sau.
Dù đã ở với cô hơn một năm, tôi vẫn chưa chuẩn bị tinh thần để nhìn thấy cảnh tượng trước mắt. Đầu tiên, có ba bức tượng mới hoàn thành: số 8, 7 và 6. Cứ xét đến việc tôi mới chỉ đi có một tuần mà bình thường phải mất hơn bảy mươi hai tiếng đồng hồ cô mới tạc hoàn chỉnh một bức tượng, bài toán số học đã cho ra kết quả là cô có lẽ không chỉ đã làm việc không ngừng nghỉ mà còn làm việc cuồng nhiệt hơn bình thường rất nhiều. Đây là điều tôi gần như không thể tin được.
Marianne Engel không làm việc cũng chẳng đang ngủ trên một phiến đá mới. Cô đang ngồi giữa ba bức tượng quái vật mới của mình, bụi đá phủ hoàn toàn lấy người cô, khắc họa đậm nét từng chiếc xương khẳng khiu trên cơ thể. Cô đã gầy trơ xương khi tôi rời nhà đến bệnh viện nhưng giờ đây cô còn gầy hơn. Cô chắc chắn đã không ăn uống gì từ khi tôi để cô lại một mình. Ngực cô phập phồng yếu ớt theo mỗi nhịp thở, và làn da của cô, thật rực rỡ khi cô còn khỏe mạnh, giờ trông như bị trát hàng lượt sáp pafaffin hết hạn lên vậy. Khuôn mặt cô chỉ là bản sao xương xẩu so với trước đây, với những quầng thâm đen dưới mắt dễ gây cho người khác ấn tượng về hai hốc mắt mở trừng trừng.
Máu đỏ tươi thấm đẫm lên hình thập giá Trung cổ xăm trên bụng cô, trào ra từ hàng loạt vết cứa sâu trên ngực. Tay phải cô nằm thõng thượt trên sàn nhà, âu yếm một cái đục đẫm máu với những ngón tay trông như của một bà già, sẵn sàng gãy vụn chỉ dưới một áp lực nhỏ nhất.
Hình xăm trái tim rực lửa trên ngực trái của cô, Marianne Engel đã khắc tên tôi sâu vào trong da thịt cô.
Tôi không nghi ngờ gì việc Gregor Hnatiuk là một bác sĩ giỏi nhưng ngành của ông ta chủ yếu liên quan đến nói chuyện với mọi người, cố gắng tìm hiểu xem vấn đề của họ là gì, có lẽ cả kê vài loại thuốc nữa. Ông ta không được chuẩn bị để nhìn những gì Marianne Engel đã làm. Ông ta dường như không thể chấp nhận quang cảnh ấy là sự thật, có lẽ một phần là vì cô từ lâu không còn là bệnh nhân và đã trở thành một người quen thân thiết. Ông ta không thể cử động để tránh khỏi chỗ ấy và cứ đứng chớp mắt như để tĩnh tâm suy nghĩ, mỗi lần mở mắt là một lần ngạc nhiên khi thấy chẳng có gì thay đổi cả.
Marianne Engel xoay khuôn mặt đầy phấn khích của cô về phía tôi, mắt cô tràn đầy những giọt nước mắt hạnh phúc chứ không phải đau đớn. Khuôn mặt cô ngạc nhiên tột độ như thể vừa nhìn thấy một thứ gì đó quá tuyệt vời đến nỗi không thể diễn tả bằng lời lẽ đơn thuần.
“Chúa đã gửi một ngọn lửa khổng lồ vào tâm hồn tôi.” Giọng cô run lên vì sung sướng, trong khi máu vẫn cứ tiếp tục chảy từ dòng chữ tên tôi khắc trên ngực cô. “Trái tim của tôi đã hoàn toàn chìm trong lửa tình yêu, và tôi hầu như không cảm thấy đau đớn chút nào.”
Dù mới đầu bị sốc, Gregor vẫn là người tĩnh trí lại đầu tiên và chạy thẳng lên cầu thang để gọi điện cấp cứu. Trong khi đó, tôi cố gắng thuyết phục Marianne Engel bình tĩnh lại, nhưng cô cứ tiếp tục nói. “Thứ sống cùng lửa sẽ trở nên trong sạch.” Cô chằm chằm nhìn tôi với ánh mắt điên dại, như thể đang mong nhận được sự đồng tình. “Dòng nước chia cách sẽ thanh tẩy.”
Gregor đã quay trở lại, mang theo một cái chăn phủ lên thân thể đang run lẩy bẩy của cô. Khi chúng tôi quấn chăn lên người cô, tôi cố hết sức để làm cô trấn tĩnh lại. “Đội cấp cứu đang tới rồi, và mọi chuyện sẽ ổn thôi. Cô chỉ cần nghỉ ngơi.”
Marianne Engel chẳng quan tâm gì đến lời tôi nói. “Chúa là một ngọn lửa nuốt chửng mọi thứ.” Mười phút sau, khi đội cấp cứu tới và Gregor dẫn họ xuống tầng hầm, cô vẫn tiếp tục nói. “Thứ không thể chịu được lửa sẽ phải chịu nước.”
Nữ y tá phụ trách cấp cứu đã hỏi cô có tiền sử lạm dụng chất kích thích không và tôi đã đảm bảo rằng không hề có chuyện ấy; cô ta gật đầu, nhưng tôi không chắc cô ta có tin tôi hay không.
“Những bầu trời đã cất tiếng kêu,” Marianne Engel nói, trong khi họ quỳ xuống bên cạnh cô và kiểm tra các cơ quan nội tạng quan trọng, như thể cô đang cố thuyết phục họ vậy. “Những mũi tên đã được giải thoát.”
Các nhân viên y tế đặt Marianne Engel lên một cái cáng rồi khiêng cô ra. Tôi được cho phép ngồi cùng xe cấp cứu với cô, trong khi Gregor lái xe theo sau. Tôi nắm lấy tay cô khi họ luồn một ống truyền dịch vào cánh tay cô. “Khi tảng đá được mở ra,” cô líu nhíu nói, “những dòng nước sẽ phun trào.”
Chỉ vài giây sau, thuốc đã khiến cô chìm vào giấc ngủ. Ngay sau khi cô hôn mê, tôi liền cung cấp thêm tiền sử bệnh án chi tiết hơn – với những gì tôi biết, trong mọi trường hợp – để các nhân viên y tế có thể liên lạc trước với bệnh viện. Khi chúng tôi tới cửa phòng cấp cứu, hai bác sĩ và một chuyên viên tâm thần học tiếp chúng tôi và Gregor đã đảm nhận nhiệm vụ ký giấy nhập viện cho cô. Tôi tiếp tục nắm lấy bàn tay vô thức của cô và nhẹ nhàng nói, nói tất cả những điều tôi muốn nói với cô nhưng vẫn chưa thể khi cô còn tỉnh táo.
Khi cuối cùng tôi cũng quay lại phòng khám thú y, Cheryl mời tôi ngồi xuống và nói, “Anh có biết chứng thiếu dịch tụy là gì không?”
Tôi nói là tôi có biết, nếu nó giống như dịch tụy người.
“Chó cũng có thể bị thiếu dịch tụy nữa, nhưng nó cũng không hẳn là bệnh Bougatsa mắc phải. Chứng thiếu dịch tụy là một bệnh hay gặp ở những giống chó lớn như là chó chăn cừu Đức, và những triệu chứng thường xuất hiện rất nhanh chóng, có vẻ giống với trường hợp này. Nói đơn giản, nó không thể phân hủy thức ăn của mình thành những phân tử nhỏ hơn bởi vì nó thiếu enzyme cần thiết. Kết quả là, nó không hấp thụ được chút dinh dưỡng nào, và đó là lý do lúc nào nó cũng đói. Nó ăn tất cả những gì mình có thể ăn được, thậm chí cả lá, để bù đắp cho sự thiếu hụt, nhưng dù có ăn nhiều đến thế nào đi nữa, nó cũng không hấp thu được chất dinh dưỡng. Cứ thế này mãi đã dẫn đến tình trạng nó gần như chết đói.”
“Nhưng đó mới là tin xấu thôi,” bà nói. “Tin tốt là anh đã phát hiện sớm và bệnh này hoàn toàn có thể chữa được, hoàn toàn có thể kiểm soát được với chế độ ăn hợp lý. Nó sẽ lại khỏe mạnh như cũ sớm thôi.”
Bà đưa tôi đến chỗ cái cũi và tôi gần như có thể thề là mình đã trông thấy một tia sáng lấp lánh trong mắt Bougatsa khi nó nhìn thấy tôi đến. Nhưng có lẽ đó chỉ bởi Cheryl đã cho nó ăn thức ăn mà cuối cùng nó cũng có thể tiêu hóa được.
Các bác sĩ nói với Marianne Engel rằng họ chỉ chữa chứng suy nhược cơ thể của cô thôi, nhưng sự thật là họ cũng đang sát sao theo dõi tình trạng thần kinh của cô nữa. Gregor thường xuyên đến bệnh viện thăm cô, nhưng những chuyến thăm của ông ta là do tình bạn nhiều hơn là mối quan tâm bác sĩ bệnh nhân. Nhờ sự can thiệp của ông, một chuyên gia tâm thần học khác đã được chỉ định theo ca này.
Ngày nào tôi cũng đến và có một lần các bác sĩ thậm chí còn cho phép tôi mang Bougatsa vào. Biện pháp trị liệu với sự giúp đỡ của động vật, họ gọi thế. Marianne Engel được ra ngoài ngồi trên ghế băng tắm mình trong ánh mặt trời và cho con chó ăn một chút. Cô dường như rất sốc trước sự gầy gò của nó, như thể cô không hề nhớ rằng tình trạng sức khỏe của nó đã yếu đi trông thấy ngay trước mắt cô. Con chó, về phần mình, đã tha thứ hoàn toàn việc bị cô chủ bỏ rơi khi nó cần cô nhất. Bọn chó lúc nào cũng ngu thế đấy.
Việc cô ra viện vào cuối tuần đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía bác sĩ chỉ định. Tôi cũng khá do dự: tất cả những tổn thương cô tự gây ra cho bản thân, hầu hết đều do việc không quan tâm gì đến cơ thể của chính mình. Khắc tên tôi vào ngực mình là một hành động điên rồ và cực kỳ đáng sợ, điều này làm tôi cảm thấy mình không chỉ bỏ bê cô mà còn là nguyên nhân gây đau khổ cho cô nữa. Vì tình trạng sức khỏe của cô đã hồi phục, bệnh viện cũng không thể giữ cô lại mà không có trát của tòa, và dù tôi có nói thế nào đi nữa thì cũng không thể bắt cô ở lại thêm vài ngày. Khi chúng tôi về đến nhà, Bougatsa chạy nhắng lên khắp chỗ, húc cả vào cái cây mà vài tuần trước đã là thức ăn của nó.
Marianne Engel mới về nhà được hai ngày đã lại bắt đầu cởi quần áo chuẩn bị cho tảng đá tiếp theo. Đến dải băng quấn quanh ngực, cô cũng tháo luôn. “Tôi không thể giao tiếp mà vẫn băng thứ này trên người được.”
Tôi sẽ không để cô làm thế nữa đâu. Tôi đã phải nhìn cô đổ gục hai lần rồi. Tôi sẽ không để mặc cô lần thứ ba đâu; tôi sẽ không để tên tôi làm ô nhiễm da thịt cô.
Chuyện xảy ra tiếp theo không thể gọi chính xác là một cuộc tranh luận, bởi vì một cuộc tranh luận cần có sự trao đổi những ý kiến trái ngược nhau. Đây thì toàn tôi nói thôi. Tôi nói nhẹ nhàng; tôi quát tháo; tôi dụ dỗ; tôi đe dọa; tôi nài nỉ; tôi đòi hỏi; tôi nói năng logic; tôi nói chuyện tình cảm; tôi nói đi nói lại mà cô vẫn hoàn toàn lờ tịt. Cô cứ lặp đi lặp lại chỉ một câu trả lời: “Chỉ còn năm bức tượng nữa thôi. Tôi sẽ nghỉ khi tất cả đã hoàn thành.”
Khi tôi không thể dùng lời lẽ bắt cô dừng làm việc – logic thật vô dụng khi phải đối mặt với đam mê ám ảnh – tôi sẽ phải tìm cách khác để bảo vệ cô. Tôi quyết định đến thăm Jack, dù bà đã thất hứa trong việc chăm sóc cho Marianne Engel khi tôi đang nằm viện.
Khi bước vào triển lãm, tôi đã thấy một bộ ba bức tượng quái vật quen thuộc, và trên bức tường phía sau chúng là bức ảnh của một Marianne Engel khỏe mạnh. Đục trong tay, mái tóc kỳ dị rối bù đầy nghệ sĩ, cô đang đứng tựa vào một trong những sáng tạo nghệ thuật đầu tay của mình. Chú thích ngắn ngủi phía dưới bức ảnh chẳng đả động gì đến vấn đề thần kinh của cô cả. “Không giống với hầu hết các nghệ nhân tạc tượng hiện đại khác, người nghệ sĩ tỉnh lẻ nổi tiếng khắp thế giới này từ chối sử dụng các dụng cụ bằng hơi, luôn ưa dùng những dụng cụ truyền thống từ thời Trung cổ…”
Một cặp vợ chồng trẻ đi quanh một trong những tác phẩm cỡ lớn, lướt ngón tay lên những đường nét của bức tượng. Họ đang bình phẩm “cảm giác tuyệt vời khi được chạm vào nó” – nhưng rồi họ có thể đặt nó ở đâu? Chẳng có gì làm người ta buồn nôn hơn là việc bọn rửng mỡ chê tiền ngồi bàn luận nghệ thuật. Jack, ngắm thấy một mối lợi tiềm tàng, đã cố đi thẳng qua tôi với chỉ một cái vẫy tay hờ hững và nói, “Tôi sẽ quay lại với anh trong phút nữa.”
“Sao bà lại bỏ rơi cô ấy?” tôi hỏi. Lần đầu tiên, tôi cảm thấy hài lòng với cái chất giọng chuông vỡ đùng đục của mình – nó làm lời buộc tội của tôi dành cho bà càng thêm kịch tích hơn.
Jack ngay lập tức bỏ ý định tiến lại chỗ khách hàng và kéo tôi vào một góc phòng để dựng lên một hàng rào phòng ngự chắc chắn trước sự cáo buộc của tôi. Cách bà nói làm tôi nghĩ đến một đoàn tàu trật bánh: tất cả những lời bà nói đều là những toa chở hàng hóa đóng kín, đổ ầm ầm về phía trước, đe dọa sẽ bay khỏi đường ray và nổ tung vào cuối mỗi câu như một đống hoang tàn hỗn độn. Bà bảo rằng mình đã đến pháo đài của cô hàng đêm khi tôi đang nằm viện, cố lách mình qua đống đồ đạc chặn trước cửa chính. Khi đã vào được bên trong rồi, bà đứng giữa Marianne Engel và những bức tượng của cô, không chịu rời đi cho tới khi cô ít nhất cũng ăn được một chút hoa quả.
“Anh thấy cô ấy vào giữa buổi chiều đúng không?” Jack đang nói tới thời điểm tôi và Gregor đến pháo đài. “Tôi phải làm việc, anh biết đấy. Tôi không giống anh – tôi phải tự trả hóa đơn của mình. Tôi không thể cứ thế mà đóng cửa phòng triển lãm để ở bên cô ấy cả ngày. Và nếu anh chịu gọi điện, tôi đã đi thẳng tới bệnh viện rồi. Nhưng không.”
Chúng tôi cứ tranh cãi xem ai phải có trách nhiệm về cái gì, cho tới khi cặp vợ chồng trẻ không thể không nhìn trân trối về phía chúng tôi. Tôi ném cái nhìn quái vật nhất của mình về phía họ, cái nhìn sẽ giúp họ biết rằng họ nên quan tâm đến công chuyện chết tiệt của họ thì hơn.
Jack coi đây là một cơ hội tuyệt diệu để chỉ ra rằng khách hàng của bà đã trả tiền cho việc nuôi sống tôi. Tôi phản pháo lại là họ cũng trả cho việc nuôi sống bà nữa đấy, trong khi bà đè đầu cưỡi cổ Marianne Engel. “Bà chắc phải vui lắm khi biết rằng cô ấy lại tiếp tục tạc nữa đấy.”
Ngay giây phút ấy, tất cả những giận dữ trên gương mặt Jack đã được thay thế bởi vẻ ngạc nhiên rất thật. “Cô ấy lại cái gì cơ?”
Tôi không thể tiếp tục tấn công bà được nữa: không có cách nào phủ nhận sự quan tâm của Jack cả. “Cô ấy chưa bao giờ lên cơn cùng một lúc thế này trước đây cả. Một lần một năm, có lẽ thế. Hai lần, nếu năm nào không được suôn sẻ cho lắm.”