“Muội, muội…”
Khuôn mặt của cô gái nhỏ lập tức đỏ lên, thấy cả nhà chú ý nhìn qua, thì càng thêm ngượng ngùng. Đôi mắt to của nàng rơm rớm nước mắt, lấp lánh lung linh trong ánh nến.
Tuy là mình thích có chị gái hơn, nhưng có một đứa em gái thuộc kiểu, đấm một cái là có thể khóc suốt này như vầy, thỉnh thoảng chọc ghẹo cũng rất thú vị nha… Hứa Thất An nghĩ thầm.
Hứa Linh Nguyệt phụng phịu hai má, mang tâm trạng giống như “cùi không sợ lở” mà ngẩng đầu lên, đối mặt với Hứa Thất An: “Muội muốn biết, đại ca khám phá ra vụ án từ trong hồ sơ như thế nào.”
Hứa Tân Niên đang ra vẻ mình không tồn tại, cũng không thể nào tiếp tục giả bộ được nữa, lẳng lặng ngước đầu lên.
Y tự xưng là thông minh, cũng từng xem hồ sơ, từng nghiên cứu qua nhiều lần, nhưng chẳng có manh mối gì cả. Mà hôm đó, sau khi Hứa Thất An có được hồ sơ từ y thì lập tức phá được án.
Thẩm thẩm không tỏ thái độ, nhưng đôi đũa đang đưa thức ăn vào miệng đã ngừng lại, không thấy nhai nữa.
“Trên đời này không có phạm tội hoàn mỹ, ngoại trừ trùng hợp. Bất kể vụ án gì do con người gây ra, cũng có thể tìm thấy dấu vết.” Hứa Thất An nói.
Hứa Tân Niên chợt thẳng lưng lên, chăm chú lắng nghe.
“Đầu tiên, huynh thông qua lộ trình vận chuyển thuế ngân và khối lượng của bạc mà phát hiện ra vấn đề của thuế ngân…”
Hứa Thất An kể lại toàn bộ quá trình suy luận của mình.
Hứa Tân Niên càng nghe, mắt càng sáng lên, giống như là đang được nghe thầy giáo trong trường giải thích nghi vấn vậy.
Bàn tay ở dưới bàn của y nắm lại thật chặt.
Đợi Hứa Thất An kể xong, Hứa Tân Niên ra vẻ “cũng chỉ đến thế là cùng”, nói: “Cũng không tệ lắm.”
Từ trước tới nay, lời nói của Hứa nhị lang vẫn luôn dối lòng, cả nhà sớm đã quen rồi.
Cô muội muội xinh xắn 16 tuổi cúi thấp đầu xuống, giấu đi ánh mắt đầy sùng bái của mình.
Hứa Bình Chí đập bàn một cái đầy hưng phấn, mắng một câu thô tục bằng tiếng địa phương: “Thì ra là như thế, vậy mà mình không phát hiện ra.”
Hứa Tân Niên liếc nhìn cha của y, nói thầm trong lòng, ngài mà phát hiện ra được, mới là chuyện lạ đó.
Hứa Thất An cũng liếc qua Nhị thúc, nhớ tới một câu: Ông đây không có văn hoá thì làm sao, một từ mẹ kiếp đi khắp thế gian.
Nhị thúc là một người luyện võ, trình độ văn hoá chỉ dừng lại ở việc viết tên của mình, mà còn viết xiêu xiêu vẹo vẹo nữa chứ, chẳng khác gì gà bới.(1)
“Với cái đầu mít đặc như ông, cũng không biết tự lượng sức mình à?” Thẩm thẩm tạt cho chồng mình gáo nước.
Hứa Thất An hỏi: “Lúc bọn chúng kiểm kê bạc, có đeo găng tay bảo hộ hay không?”
Nhị thúc ngồi nhớ lại một lúc, kinh ngạc nói: “Hình như có, sao con biết?”
Thật sự là Natri? Hứa Thất An nhìn ông ta một cách chán nản: “Sao trong lời khai, không thấy nói gì hết?”
“Mấy cái việc cỏn con, râu ria đó thì có gì mà phải nói.” Nói đến đây, Hứa nhị thúc hùng hổ nói tiếp: “Cũng tại lúc đó tên họ Lục đưa cho thúc một bình rượu quế hoa. Con cũng biết tửu lượng của thúc rồi đấy, nhiêu đó nhằm nhò gì. Cho nên, thúc ngồi nhâm nhi, cũng chẳng để ý nhiều đến mấy chuyện khác nữa. Con không nhắc, chắc thúc cũng quên.”
Sợ nhất là kiểu đồng đội như heo giống ngài đây… Nếu như trong hồ sơ có ghi lại điều này, thì mình có thể tìm ra chân tướng vụ án nhanh hơn nhiều, tội gì phải tốn một đống tế bào não như vậy chứ… Hứa Thất An thở dài.
Xem ra trong suy nghĩ của Nhị thúc, điều này cũng bình thường giống như việc người ta mặc quần áo gì, để kiểu tóc gì vậy.
Ông ấy hoàn toàn không ý thức được đây là điểm đáng ngờ cần phải chú ý.
“Như vậy, tên họ Lục mà cha nhắc đến, tám chín phần mười là kẻ đã hãm hại cha.” Hứa Tân Niên đưa ra nhận định.
“Đều do cha hồ đồ, thiếu chút nữa là hại cả nhà.” Hứa Bình Chí bỗng nhiên hơi thương cảm: “Ninh Yến này… Năm đó, thúc và cha của con cùng dựa lưng nhau mà chiến đấu trong “Chiến dịch Sơn Hải”, đã từng nói cùng nhau sống sót, cùng nhau thăng quan tiến chức.”
“Thúc sống sót rồi, nhưng cha con lại hy sinh. Lúc đó thúc đã nghĩ rằng, nếu muốn sống tốt hơn, phải thay đổi cách sống.”
Không thể tiếp tục làm vật hy sinh.
“Đó là lý do mà thúc để Niên nhi đọc sách, còn con thì luyện võ. Thật ra, trong đó đã có chút lòng riêng.”
Thẩm thẩm khinh khỉnh nói: “Đúng vậy đó, có gì cũng nghĩ đến cháu ruột hết mà.”
Mỗi năm hơn 100 lượng bạc lận đấy…
“Nghe thẩm thẩm nói, cứ như Nhị lang không phải là con ruột vậy.” Hứa Thất An thề, đây không phải là hắn chủ động nói. Mà lời này cứ phọt ra từ miệng hắn một cách hết sức tự nhiên, không thể kiềm lại.
Chủ cũ hận thẩm thẩm ghê gớm thật…
“Cái thằng tiểu tử thối, mày nói thế là có ý gì vậy hả.” Thẩm thẩm nổi giận đập bàn.
Hứa nhị lang và Hứa Linh Nguyệt cúi đầu ăn cơm, dường như quá quen với cảnh này rồi.
Hứa nhị thúc lạnh sống lưng: “Đủ chưa! Ông đây vất vả lắm mới nhặt về được cái mạng, giờ phải nghe mấy người cãi nhau nữa, chẳng thà chết quách đi cho xong.”
Mọi người cúi đầu ăn cơm.
Nhắc đến “Chiến dịch Sơn Hải” đó, Hứa Thất An có chút ấn tượng.
Thế giới rộng lớn vô biên, vương triều Đại Phụng chiếm cứ vùng trung tâm, dẫn đầu thiên hạ.
Đại Phụng dùng võ lập quốc, dùng Nho trị quốc, thời điểm cực thịnh được vạn quốc theo hầu, vận nước kéo dài 600 năm.
Hai mươi năm trước, Đại Phụng liên minh với các quốc gia phương Tây quyết chiến với bọn man rợ phương Bắc và Tây Nam tại Sơn Hải Quan.(2)
Số binh sĩ tham gia cuộc chiến từ các bên, lên tới trăm vạn người.
Chỉ sau nửa năm, kể từ khi cuộc chiến nổ ra đến khi kết thúc, trăm vạn sinh mạng đã mãi mãi nằm lại nơi đây.
Đây là một trong những cuộc chiến tranh thảm khốc nhất từ trước tới nay, lịch sử xưng là: Chiến dịch Sơn Hải.
Cha của Hứa Thất An đã hy sinh trong trận chiến này.
“… Dựa vào kiến thức anh hùng bàn phím và những gì gom góp được từ văn học vỉa hè, mình đã tổng kết ra được một quy luật: Bất kỳ triều đại nào cũng không thoát khỏi định luật 300 năm.”
Cái tên định luật 300 năm là do Hứa Thất An tự đặt.
Là một kẻ yêu thích lịch sử nửa vời, hắn đã tổng kết ra một bộ quy luật từ trong lịch sử 5000 năm của kiếp trước. Không đề cập tới triều Minh u mê lạc hậu, các phiên vương làm theo ý mình. Không có một cái triều đại nào có vận nước kéo dài quá 300 năm.
Nhà Tống và nhà Hán đều phải trải qua quá trình xây dựng lại triều đại.(3)
Nghĩ tới nghĩ lui, vương triều Đại Phụng có thể kéo dài 600 năm, hẳn là có quan hệ đến hệ thống năng lực của thế giới này.
Tiểu nha đầu được Lục Nga dắt về, chắc đói bụng rồi, nên không khóc nữa. Nó quá nhỏ, ngồi không đến bàn ăn nên phải ngồi trong lòng Lục Nga, để cô ta đút cho ăn.
“Mẹ ơi, tại sao chúng ta phải ở trong căn phòng đen vậy ạ, ngày nào cũng ăn không được no.” Tiểu nha đầu nhớ tới cảnh ngộ của mình mấy ngày trước.
Nó gọi nhà lao là căn phòng đen.
Trên bàn ăn, không có ai lên tiếng. Khuôn mặt thẩm thẩm đầy vẻ thương xót.
Hứa nhị thúc thở dài: “Là do cha đã làm sai chuyện.”
Tiểu nha đầu “Oh” một tiếng, nói tiếp: “Hôm qua con đói quá nên thức dậy, bắt được con gì mà có hai cái này trên đầu á.” Nó để ngón tay nhỏ nhắn lên hai bên cái đầu bé xinh để minh họa.
Đó là con gián, nó và chuột là hai tay anh chị khét tiếng trong nhà lao.
Vẻ mặt của mọi người trên bàn đều thay đổi, vừa hổ thẹn lại vừa thương xót. Để cho một đứa nhỏ phải chịu khổ như thế, là thất bại của bọn họ.
“Con, ăn đi con…” Đôi môi Lý Như run run, khóe mắt ửng đỏ. Bà ta ngoài ba mươi mới sinh ra đứa bé này, tuy là có hơi ngốc nghếch, nhưng lại khiến nó trông càng đáng yêu hơn.
Tiểu nha đầu Hứa Linh Âm tiếp tục rôm rả nói: “Sau đó con nghe thấy bụng mẹ kêu “ọc ọc”.”
Bầu không khí trở nên yên tĩnh, mọi người đều nín thở.
Khuôn mặt thẩm thẩm trắng bệch, giọng run rẩy: “Rồi sao nữa?”
“Sau đó con nhét vào miệng mẹ luôn… Mẹ nuốt lẹ lắm.” Vẻ mặt tiểu nha đầu như đang đợi được khen.
Cả người thẩm thẩm đơ ra.
Hứa Tân Niên từ từ đặt chén đũa xuống: “Con ăn no rồi.”
Hứa Linh Nguyệt: “Con cũng vậy.”
Hứa Thất An: “No rồi no rồi, khụ khụ khụ…”
Hứa nhị thúc: “…”
Sau vài giây ngẩn người, thẩm thẩm lao đầu xuống đáy bàn: “Ọe… Hờ… Ọe…”
“Oa oa oa…” Không lâu sau, tiếng khóc trẻ con như tiếng giết heo quanh quẩn trong bầu trời đêm.
… …
( 1) Chữ như gà bới: Thành ngữ này ý chê người viết chữ xấu, nguệch ngoạc, thiếu nét, chẳng có hàng lối.
Chuyện kể:
Một đêm cậu ấm học bài rả rích. Con bò nghe tiếng bảo con gà:
– Thằng này nó đi thì thì mày chết trước. Nó thi đỗ thì tao chết sau. Mầy biết sao không?
Gà ra chừng không hiểu, bò liền giải thích:
– Khi nó đi thi thì chắc ông chủ sẽ giết mày làm lễ cáo tổ. Còn như nó thi đỗ thì chắc tao sống sao được, nó khao cả làng.
Con gà bèn nói:
– Mày ngủ mày biết đâu đấy. Chớ tao thức, tao biết cả. Này nhé. Nó học cũng chỉ như mày, mà nó viết cũng chỉ như tao, chắc nó không dám vác lều chõng đi thi đâu mà sợ.
Bò hỏi:
– Học như tao, viết như mày là thế nào?
Gà đáp:
– Học dốt như mày thì ai chả biết. Còn viết như tao, thì mày cứ xem tao bới như thế nào thì nó viết như thế!
Mình biết thành ngữ này đó giờ, nhưng không biết nguồn gốc. Tìm được thấy rất hay nên muốn chia sẻ.
( 2) Quan: cửa biên giới, cửa ải.
( 3) Nhà Tống và nhà Hán có: Bắc Tống, Nam Tống; Tây Hán, Đông Hán. Mình chỉ biết sơ, ai muốn tìm hiểu sâu hơn thì có thể tra.