Danh Môn

Chương 33: Từ Ân tự


Quyển 2: Kinh thành phong vân

Chương 32: Từ Ân tự

Dịch : Tử Lăng

Nguồn: Tàng Thư Viện

Một cơn phẫn nộ dâng lên trong lòng Trương Nhược Hạo, lẽ nào ông không hiểu hành động mượn đao giết người của Thôi Viên. Khi người Hồi Hột còn cách quận Khai Dương một trăm dặm, triều đình đã nhận được thư bồ câu đưa tới của Thứ sử Khai Dương – Vi Khoan. Đêm đó, nội các liền họp khẩn cấp quyết định phái thêm viện quân, nhưng Thôi Khánh Công lại mất ba ngày trời mới đến nơi. Lòng dạ hiểm ác của Thôi Viên đã quá rõ ràng.

Chỉ là, trước mặt Trương Hoán, ông không muốn để lộ ra. Ông chuyển đề tài cười nói:”Ta nói sao Thập bát lang hôm nay mới đến, hóa ra là đi Lũng Hữu. Ở Lũng Hữu đã gặp được chuyện thú vị gì? Không ngại thì hãy kể cho ta!”

“Cháu không gặp chuyện thú vị nào, mà lại có mấy lần nguy hiểm. Có điều, hiện giờ nghĩ lại cũng chỉ có thể gọi là có kinh hãi nhưng không nguy hiểm.” Nói đoạn, Trương Hoán bèn kể tỉ mỉ chuyện bọn họ cứu Vi phu nhân thế nào, sau đó cứu Vi Thanh ra sao.

Trương Nhược Hạo vỗ tay cười lớn nói:”Như vậy xem ra, Vi gia thực sự phải cảm kích rơi nước mắt đối với ngươi. Khá lắm! Khá lắm! Có dũng có mưu. Vậy về sau ra sao? Làm thế nào ngươi chạy thoát được truy đuổi của quân trinh sát Hồi Hột.”

Trương Hoán cười cười, tiếp tục kể:”Bọn cháu bố trí nghi trận, khiến quân trinh sát Hồi Hột đuổi về phía đông. Sự thực, bọn cháu chạy về phía tây. Lúc rạng đông, bọn cháu đã chạy đến một dãy núi, hiện giờ cháu mới biết nó được gọi là Mã An lĩnh.”

“Mã An lĩnh ư?” Trương Nhược Hạo dường như đã từng nghe cái tên này. Ông ngẩng đầu ngẫm nghĩ chốc lát, khuôn mặt dần trở nên nghiêm túc. Ông nhìn chăm chú Trương Hoán nói:”Hãy kể tiếp đi!”

“Để tránh né sự thăm dò tìm kiếm của quân trinh sát Hồi Hột, bọn cháu lên Mã An lĩnh. Khi xuống núi, bọn cháu tình cờ phát hiện doanh trại hậu cần cất trữ lương thảo của quân Hồi Hột ẩn giấu trong góc núi hẻo lánh. Sau đó, cháu lặn vào doanh trại, châm lửa đốt hết lương thảo.”

Nói tới đây, Trương Hoán lại nhớ đến lời đồn trong tửu điếm, ‘Thôi tiểu tướng quân đơn thương độc mã đánh vào trọng địa cất trữ lương thảo của người Hồi Hột, đốt cháy hai mươi vạn thạch quân lương’. Y cười nhạt kể tiếp:”Về sau, bọn cháu tới doanh trại quân Đường báo tin, là Thôi Khánh Công đã tiếp kiến bọn cháu!”

“Quả nhiên là như vậy!” Trương Nhược Hạo không kìm được cười lạnh một hồi, “tiểu tử của Thôi gia đó có tiếng làm việc ác, lại chưa hề nghe nói nó có thể làm được một việc chính đáng nào. Buổi sáng ta và Bùi tướng quốc còn nhắc đến chuyện này, chúng ta đều cho rằng bên trong nhất định sẽ không đơn giản như vậy. Thì ra nó đã đoạt công lao của Trương gia ta.”

Ông ngẩng đầu, ánh mắt sáng ngời nhìn đăm đăm Trương Hoán ,”bị kẻ khác mạo nhận công lao! Thập bát lang muốn để ta lấy lại công đạo cho ngươi không?”

“Không!” Trương Hoán nâng chén trà lên, nhấp một ngụm, đoạn điềm đạm cười nói:”Cháu lại nghĩ rằng đây chưa hẳn là một chuyện xấu. Gia chủ thấy sao?”

Trương Nhược Hạo sững sờ, rồi lập tức khôi phục vẻ bình thường, cười hiểu ý. Ông trầm tư giây lát, đoạn lại hỏi Trương Hoán:”Ngươi có nói cho Thôi Khánh Công biết ngươi là con cháu Trương gia không?”

Trương Hoán cười nhạt, “lão chẳng hề hỏi họ tên bọn cháu!”

Trương Hoán bỗng nhớ đến Lưu Nguyên Khánh. Y ngập ngừng thoáng chốc, đoạn nói:”Thôi Khánh Công phái Thiên tướng Lưu Nguyên Khánh hộ tống bọn cháu vào kinh. Cháu nhìn ra lão muốn giết người bịt miệng, nhưng sau khi Lưu Nguyên Khánh nghe được cháu là người dòng họ Trương, lại tha bọn cháu. Chỉ có chuyện này khiến cháu nghĩ mãi không hiểu.”

“Lưu Nguyên Khánh ư?” Trương Nhược Hạo có phần kinh ngạc. Ông biết Lưu Nguyên Khánh, một trong ba mãnh tướng dưới tay Thôi Khánh Công. Y chính là tâm phúc của Thôi Khánh Công, không ngờ chịu tha Trương Hoán. Điều này khiến ông cũng khó hiểu. Trương Nhược Hạo đi hai bước, bỗng nhớ ra một chuyện, “chẳng lẽ là vì y!”

Trương Nhược Hạo cười lạnh, xem ra còn khối người muốn đối phó Thôi Viên. Ông ngồi xuống vỗ nhẹ mu bàn tay của Trương Hoán, trong mắt lướt qua một tia giễu cợt xảo quyệt, “ngươi nói đúng lắm. Thôi Hùng đã muốn mạo nhận công lao, vậy cứ để nó mạo nhận, để nó trèo lên càng cao càng tốt. Ta sẽ không khoanh tay đứng nhìn chuyện này, ngươi cứ yên tâm chuẩn bị tốt việc thi cử.”

Khí hậu năm nay khác thường. Hạ tuần tháng mười hai là lúc rét đậm nhất của mùa đông, thành Trường An đáng nhẽ phải bị phủ đầy tuyết trắng ngần mỹ lệ, nhưng những ngày này, vầng thái dương rực rỡ chiếu trên cao, khiến toàn thân mọi người ấm áp dễ chịu, như thể đã tới giữa xuân. Mấy cây mai vàng trong sân cũng bị lừa dối, đua nhau nở ra những cánh hoa yếu ớt.

Bọn Trương Hoán bao một tòa độc viện, hết sức yên tĩnh. Mỗi người đều có phòng của mình, có thể tĩnh tâm đọc sách. Sáng sớm, tiếng đọc sách oang oang của Lâm Tri Ngu đã vang lên trong viện. Năm ngoái y đã thi rớt, áp lực năm nay cực kỳ nặng, nếu thê tử có thể sinh kỳ lân nhi (1), bản thân lại đỗ cao trên bảng vàng, vậy Lâm gia có song hỷ lâm môn rồi. Do đó, đến Trường An đã sáu, bảy ngày, mà y toàn đóng cửa đọc sách, không đi thăm cả đệ đệ Lâm Tri Binh đang tòng quân ở Trường An.

Hôm nay, thời tiết ấm áp, lại là ngày tốt lành để ra ngoài, Triệu Nghiêm bèn quyết định dắt Lâm Xảo Xảo tới Từ Ân tự làm lễ tạ ơn thay mẫu thân. Sớm tinh mơ, đôi vợ chồng son đã chuẩn bị xong đồ đạc, vừa ra khỏi cửa, thì gặp ngay Trương Hoán trở về từ bên ngoài. Triệu Nghiêm lập tức kéo Hoán sang một bên khẽ cười hỏi:”Nói thật đi, có phải huynh không về cả đêm qua không, đã tới đâu ăn chơi trác táng vậy?”

Trương Hoán thuận tay đấm Triệu Nghiêm, cười mắng:”Huynh coi ta là Trịnh Thanh Minh sao? Khi ta thức dậy, mọi người còn đang say giấc nồng đấy!”

“Đùa với huynh thôi!”

Triệu Nghiêm trỏ xe ngựa vừa thuê nói:”Ta và Xảo Xảo phải tới Từ Ân tự làm lễ tạ Phật, Khu Bệnh muốn đi cùng không?”

Trương Hoán nghĩ bản thân đang nhàn rỗi, y vui vẻ gật đầu, “cũng được. Từ Ân tự có di tích của pháp sư Huyền Trang (2), chúng ta cùng đi xem!”

Lúc này, Trịnh Thanh Minh đang lén lén lút lút men theo chân tường đi tới. Trịnh Thanh Minh ngẩng đầu thì thấy Trương Hoán và Triệu Nghiêm đang đứng ở cửa, y sợ hãi xoay người trốn đi, nhưng bị Trương Hoán liếc thấy, tiến lên giữ vai y cười nói:”Không phải huynh nói đã kiệt sức sau chuyến đi ư? Sao dậy sớm vậy?”

Trịnh Thanh Minh đỏ mặt, hồi lâu không nói ra lời. Trương Hoán cũng không hỏi gì thêm, cười nói:”Bọn ta đang muốn tới Từ Ân tự thắp hương, huynh đi cùng nhé!” Nói đoạn, cũng mặc kệ Trịnh Thanh Minh đồng ý hay không, Hoán kéo ép Thanh Minh cùng xuất phát tới Từ Ân tự.

Từ Ân tự nằm trong phường Chiêu Quốc thuộc huyện Vạn Niên, bắt đầu được xây dựng vào năm Khai Hoàng thứ chín nhà Tùy, tên sơ khai là Vô Lậu tự. Năm Trinh Quán (3) thứ hai mươi hai nhà Đường, vì làm lễ truy điệu cầu phúc ở cõi âm cho mẹ là hoàng hậu Văn Đức, hoàng thái tử Lý Trị đã mở rộng thành Đại Từ Ân tự. Về sau, Huyền Trang nhận sắc chỉ chuyển từ Hoằng Phúc tự tới ngôi chùa này làm thượng tọa và chủ trì của viện phiên dịch kinh Phật. Ngôi chùa này liền trở thành cội nguồn truyền bá Pháp Tướng tông trong Phật giáo.

Tuy hiện giờ còn sớm, nhưng phụ cận Từ Ân tự đã khá náo nhiệt, phần lớn là sỹ tử tới chiêm ngưỡng ‘Nhạn tháp đề danh’ (4) lừng lẫy. Đây chính là vinh dự đặc biệt dành riêng cho tân khoa tiến sỹ. Họ viết lên họ tên, quê quán, tộc phổ của mình trong tháp, lưu lại tiếng thơm muôn đời. Trịnh Thanh Minh ngơ ngẩn nhìn, y đã nghe nói từ lâu chuyện ‘Nhạn tháp đề danh’. Bất giác, y theo đám sỹ tử cùng ùa vào.

Trương Hoán không ngăn Trịnh Thanh Minh, dắt Thanh Minh tới đây chính là muốn khiến Thanh Minh kiềm chế tính phóng đãng, thử xem tháp Đại Nhạn có thể kích thích y tiến bộ hay không. Trương Hoán và Triệu Nghiêm nhìn nhau cười, tiếp tục đi về phía Từ Ân tự.

Trái với cảnh tượng nhộn nhịp của tháp Đại Nhạn, bên trong Từ Ân tự rất yên tĩnh, chỉ có một cỗ xe ngựa lộng lẫy đỗ ở cửa lớn, mười mấy gia nhân ủ rũ đợi ở cửa. Có lẽ hôm nay có gia đình quyền thế tới đây thắp hương.

Ba người đi vào trong sân. Tiếng tụng kinh chậm rãi êm tai vọng tới từ rất xa, khiến lòng người tĩnh lặng. Lúc này, một nhà sư tiếp khách vội vàng tiến lên chắp tay thi lễ hỏi:”Phải chăng ba vị thí chủ tới dâng hương kính Phật?”

Triệu Nghiêm chắp tay đáp:”Hai năm trước gia mẫu từng cầu nguyện trước đức Phật ở Từ Ân tự, hôm nay tôi cùng thê tử đặc biệt tới làm lễ tạ ơn cho gia mẫu. Sư phụ có thể dắt chúng tôi tới Đại Hùng Bảo Điện không?”

Nhà sư tiếp khách thoáng chần chừ, y ngoảnh đầu liếc nhìn đại điện, có phần lúng túng nói:”Hiện giờ trong đại điện đang có khách quý thắp hương, ba vị theo bần tăng tới phòng khách đợi chốc lát, trước hết chuẩn bị một số việc theo quy định. Các vị thấy sao?”

Lâm Xảo Xảo gật đầu đáp ứng. Trương Hoán bên cạnh lại cười nói:”Mọi người cứ đi! Ta tản bộ xung quanh.”

Từ Ân tự được xưng là ngôi chùa đệ nhất Trường An, nghe nói trong thời kỳ Vĩnh Huy (5) là có nhiều tăng nhân nhất, đạt đến ba nghìn người, có tới năm chiếc nồi sắt cực lớn nấu cơm. Nhưng từ cuối thời Khai Nguyên, Đường Minh Hoàng – Lý Long Cơ chấn hưng Đạo giáo nhằm làm suy yếu thế lực của Phật giáo, Từ Ân tự cũng dần dần xuống dốc. Cho dù như vậy, Từ Ân tự vẫn có quy mô to lớn với gần ngàn tăng lữ, trùng trùng điệp điệp chùa viện điện Phật. Đi vài vòng thôi, là tức thì khiến người ta không nhận ra nổi phương hướng.

Trương Hoán không phải ngoại lệ. Y chiêm ngưỡng xong tượng Vi Đà thì lạc đường, quay mấy vòng, không ngờ đã tới trong Quan Âm viện.

Trong viện rất yên ắng, chỉ có một tiểu sa di (6) đang quét lá rụng trên đất. Thấy Trương Hoán đi vào, y vội chắp tay trước ngực thi lễ. Trương Hoán gật đầu với tiểu sa di nọ, rồi sải bước vào cánh cửa cao.

Tượng Quan Âm Ngư Lam của Từ Ân tự hết sức nổi tiếng, được điêu khắc từ một khối bạch ngọc hoàn chỉnh. Đại sỹ một tay nâng tịnh bình, tay kia cầm giỏ cá, bảo tướng trang nghiêm, sống động như thật, khiến mọi người vừa thấy liền không kìm được xúc động muốn quỳ lạy.

Hai người phụ nữ nhà nông trung niên đang quỳ trước tượng Quan Âm cầu khấn thành kính. Trương Hoán lặng lẽ quỳ xuống, chắp tay thầm nguyện:”Quan Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi, xin phù hộ cho mẹ của đệ tử bình an vô sự ở Thái Nguyên, xin phù hộ cho đệ tử được đề tên trên bảng vàng khoa thi năm nay!”

Đang cầu nguyện, đột nhiên có tiếng quát hung dữ của một nam tử vang lên trong sân, “không được! Thôi tiểu thư muốn thắp hương, bảo người bên trong lập tức ra ngoài cho bản công tử!”

Một tiếng nói mềm mại tức thì vọng lại, “Sở công tử, người ta đến trước vào trước, chúng ta đợi một lát, có sao đâu?”

Chú thích:

(1): hay lân nhi, là lời nguyện cầu, khen ngợi của dân gian Trung Quốc dành cho trẻ con.

(2): pháp sư Tam Tạng nổi tiếng đời Đường (602-664), còn được gọi là Đường Tăng, Đường Cao Tăng…, là một trong những hòa thượng phiên dịch kinh Phật vĩ đại nhất lịch sử Phật giáo. Ông là người sáng lập ra Pháp Tướng tông, Duy Thức tông.

(3): niên hiệu của Đường Thái Tông – Lý Thế Dân (627-649).

(4): Nhạn tháp là tháp Đại Nhạn của Từ Ân tự. Trong thời kỳ Thần Long (705-707), niên hiệu của Đường Trung Tông – Lý Hiển và Võ Tắc Thiên, tiến sỹ Trương Cử dạo chơi Từ Ân tự, nhất thời nổi hứng ghi tên dưới tháp Đại Nhạn. Ai ngờ, hành động này đã khiến các văn nhân sôi nổi bắt chước, nhất là những tân khoa tiến sỹ càng coi việc đề tên dưới tháp Đại Nhạn này là vinh dự vô cùng to lớn. Nhà thơ nổi tiếng Bạch Cư Dị cũng từng đề tên ở đây.

(5): niên hiệu đầu tiên của Đường Cao Tông – Lý Trị (650-655).

(6): những nhà sư mới xuất gia được gọi là sa di.

Danh Môn

Tác giả: Cao Nguyệt


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận