Dương Tử Mi nhìn chăm chú vào huyệt vị mà Hoa Thiều Quang tìm được, cô phát hiện trên huyệt vị có một luồng khí màu xám bay lờn vờn xung quanh chứ không phải là luồng khí trắng tượng trưng cho sự may mắn. Có lẽ đó là luồng khí thái cực hòa trộn giữa khí âm và khí dương nên mới có màu xám như thế.
Dương Tử Mi tiến lại gần hơn một chút, cô cảm thấy có âm sát khí tỏa ra liền vội vàng lùi lại.
Nơi này nếu chỉ nhìn địa hình bên ngoài thì quả đúng là một huyệt vị tốt nhưng tại sao lại có âm sát khí lởn vởn như vậy được?
Cô nhìn xung quanh và phát hiện ngọn núi đối diện có một chóp núi nhỏ nhô lên, tạo thành hình cung tên đâm thẳng vào huyệt vị.
Sa có nghĩa là núi xung quanh huyệt vị.
Quan niệm phong thủy cho rằng: sơn hậu nhân phì, sơn sấu nhân cơ, sơn thanh nhân quý, sơn phá nhân bi, sơn quy nhân tụ, sơn tẩu nhân ly, sơn trường nhân dũng, sơn thúc nhân đê, sơn minh nhân đạt, sơn ám nhân mê, sơn thuận nhân hiếu, sơn nghịch nhân tư. Dáng núi thay đổi khôn lường, nhìn từ các góc độ khác nhau sẽ có những hình dáng khác nhau. Dáng núi thế nào, đẹp hay xấu, sáng hay tối đều tùy thuộc vào huyệt điểm. Huyệt điểm chọn tốt sẽ khiến núi xa thành gần, núi cao thành thấp, núi xấu thành núi đẹp, núi dữ hóa núi lành… Dáng núi muôn hình vạn trạng, chỉ cần đứng ở những vị trí khác nhau một chút thôi sẽ thấy núi khác ngay. Núi và nước tương liên với nhau, hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Bao huyệt sơn có liên quan đến nguyên thìn thủy, long hổ sơn có liên quan đến hoài trung thủy, cận án sơn liên quan đến trung đường thủy, ngoại triều sơn liên quan đến ngoại long thủy. Hai bên huyệt là thị sơn, có tác dụng chắn những luồng gió xấu. Còn các núi bao quanh phía sau là vệ sơn, bên ngoài chắn gió, bên trong tụ khí. Núi bao quanh trước huyệt vị là nghênh sơn, còn núi ngay đối diện huyệt vị gọi là triều sơn. Nước đến từ bên trái thì núi phải bên phải và ngược lại.
Chóp núi nhỏ như vậy quả nhiên không dễ dàng phát hiện. Nếu như Dương Tử Mi không có mắt phong thủy mà chỉ dựa vào những kiến thức phong thủy thông thường kia thì chắc chắn cô cũng sẽ cho đây là một huyệt vị tốt.
– Cô bé, thấy nơi này thế nào?
Hoa Thiều Quang đắc ý hỏi.
Hoa Thiều Quang cảm thấy mình rất may mắn vì không cần tốn nhiều công sức là đã có thể tìm ra được một huyệt vị tốt như thế này. Cho dù là từ góc độ nào đi nữa cũng có thể nói là hoàn mỹ.
– Hoa đại sư, không biết ông có để ý đến chóp núi nhỏ kia không?
Dương Tử Mi cười cười và giơ tay chỉ vào chóp núi đối diện.
Hoa Thiều Quang nhìn theo hướng tay cô chỉ và phát hiện một chóp núi hơi nghiêng ở phía xa, mặt ông biến sắc, sau đó vội vã dùng la bàn đi quanh huyệt vị rất lâu, cuối cùng ông xụ mặt xuống, ngại ngùng nói với Hoắc Văn Hoa:
– Ông Hoắc, suýt nữa là tôi sai rồi!
Hoắc Văn Hoa vẫn không hiểu chuyện gì, nhưng sau khi hỏi lại thì mặt ông cũng biến sắc.
– Cô bé, ông… phục rồi!
Hoa Thiều Quang khó khăn lắm mới nói với Dương Tử Mi:
– Ông đường đường là một đại sư Dịch Học và tự hào là đã sống nhờ vào Dịch Học mấy chục năm nay, nhưng cuối cùng lại không tỉ mỉ, kỹ càng, cẩn thận như một cô bé như con. Sau này, ông sẽ không xem phong thủy dùm ai nữa cả, để tránh làm hại người ta.
Là một vị đại sư danh tiếng, biết sai nhận sai, quả là rất hiếm thấy.
Dương Tử Mi thấy vậy, cũng không tỏ vẻ đắc ý gì, cô chỉ nhẹ nhàng nói:
– Ai cũng có lúc sai sót mà, Hoa đại sư không cần phải tự trách mình như vậy. Nhưng mà, sau này mong ông đừng tùy tiện nói người khác là thầy bói gian dối nữa.
Hoa Thiều Quang nghe xong vô cùng bối rối và ngượng ngùng, chỉ biết gật đầu đồng ý.
Dương Tử Mi có thể nhìn thấy được nhược điểm của huyệt vị mà Hoa Thiều Quang tìm được khiến Hoắc Văn Hoa hoàn toàn tin là cô có mắt phong thủy bẩm sinh. Thế nên, Hoắc Văn Hoa nhìn Dương Tử Mi, kỳ vọng hỏi:
– Đại sư nhỏ, không biết đại sư có giúp ta tìm được huyệt vị tốt chưa?
Hoắc Văn Hoa đột nhiên chuyển sang gọi Dương Tử Mi là đại sư nhỏ, khiến cô cảm thấy rất buồn cười, nhưng cô cũng thấy vui vì mình đã có chút thành tựu.
Ha ha, thật không ngờ cũng có ngày cô được gọi là đại sư chứ không phải là thầy bói gian dối!