Thế là chị Satsu đã trốn được. Cả ngày tôi cứ phân vân thắc mắc, và bây giờ tôi đã có câu trả lời. Tôi muốn mừng cho chị ấy, nhưng không thể được.
– Tao cứ nghĩ mày sẽ trả lại cho tao sau mười lăm năm làm geisha – bà ta nói tiếp – nếu mày thành công được trong nghề này. Nhưng ai dám đầu tư đồng nào nữa vào một đứa chạy trốn?
Tôi không biết trả lời ra sao, cho nên tôi nói với Mẹ là tôi rất ân hận. Nãy giờ bà nói với tôi rất tử tế, nhưng khi nghe tôi xin lỗi, bà ta liền để ống vố lên bàn, bạnh hàm xai ra – tôi nghĩ vì tức giận – khiến cho tôi có cảm giác bà giống con thú sắp vồ mồi.
– Mày mà ân hận à? Tao là đồ điên mới đầu tư quá nhiều vào mày ngay từ ngày đầu như thế. Có lẽ mày là con giúp việc đắt giá nhất ở Gion! Nếu tao bán xương mày được để lấy lại vốn thì tao róc xương mày ra ngay bây giờ!
Nói xong bà bảo tôi ra khỏi phòng rồi bỏ ống vố vào miệng lại.
Khi ra khỏi phòng bà ta, môi tôi run lên, nhưng tôi cố giữ bình tĩnh, vì Hatsumono đang đứng trên chỗ đầu cầu thang. Ông Bekku đang đợi để buộc giải thắt lưng cho cô ta tôi khi bà Dì đang đứng trước mặt Hatsumono, cầm cái khăn nhỏ trong tay, nhìn vào mặt cô ta.
– Rồi, bị vấy dơ hết rồi – bà Dì nói – Tôi không làm thêm được nữa. Cô cứ khóc cho đủ rồi trang điểm lại từ đầu.
Tôi hiểu ngay lý do tại sao Hatsumono khóc. Anh bồ của cô ta không gặp cô ta, bây giờ cô bị cấm không được đem ông ta đến đây. Tôi biết chuyện này từ sáng hôm kia và tôi biết chắc Hatsumono sẽ đổ lỗi hết chuyện này lên đầu tôi. Tôi cố đi nhanh xuống thang lầu trước khi cô ta kịp thấy tôi, nhưng quá trễ rồi. Cô ta giật cái khăn trên tay bà Dì, ra dấu gọi tôi đến. Tôi không muốn đến, nhưng làm sao không nghe lời cô ta cho được!
– Cô không có việc gì với Chiyo hết – bà Dì nói với cô ta – Vào phòng mà trang điểm đi.
Hatsumono không đáp, mà kéo tôi vào phòng cô ta rồi đóng cửa lại. Cô ta nói với tôi:
– Tao đã bỏ công nhiều ngày để tìm cách làm hại đời mày, nhưng bây giờ mày chạy trốn, thế là mày đã làm việc ấy thay tao! Tao vui mừng khôn xiết! Tao cứ đợi đến lúc tao làm cho được việc ấy.
Thật là quá thô bạo đối với tôi, nhưng tôi vẫn cúi chào Hatsumono rồi đẩy cửa đi ra mà không đáp lại. Cô ta có thể đánh tôi vì hành động này, nhưng cô ta chỉ đi theo tôi ra ngoài và nói tiếp:
– Nếu mày thắc mắc không biết số phận con ở suốt đời sẽ ra sao, thì mày nên hỏi bà Dì cho biết! Mày và bà ấy bây giờ giống như hai đầu mút của một sợi dây. Bà ấy bị gãy xương hông, còn mày gãy xương tay. Có lẽ có ngày trông mày như một người đàn ông, y như bà Dì vậy!
– Thôi, thôi Hatsumono – Bà Dì nói – Hãy tỏ ra có lòng thương xót chúng tôi một chút chứ.
Nhớ lại thời tôi chừng năm sáu tuổi, thời không bao giờ tôi dám nghĩ đến Kyoto, tôi có quen một đứa con trai trong làng tên Noboru. Tôi thấy cậu ấy dễ thương, nhưng cậu ta mở miệng nói cái gì, tất cả bọn trẻ đều không thèm chú ý. Cho nên Noboru thường ngồi bệt xuống đất mà khóc. Những tháng tiếp sau ngày trốn thoát thất bại của tôi, tôi thấy cuộc sống của tôi cũng giống như Noboru vậy, vì chẳng ai trong nhà thèm nói gì với tôi hết ngòai việc ra lệnh cho tôi làm việc. Bà Mẹ thường xem tôi như khói thuốc của bà, vì bà có nhiều việc quan trọng để lo nghĩ. Nhưng bây giờ tất cả gia nhân trong nhà, cả bà đầu bếp và Bà Ngọai, đều làm như thế.
Suốt cả mùa đông lạnh như cắt năm ấy tôi cứ phân vân không biết Satsu ra sao, mẹ và bố tôi ra sao. Đêm nào khi nằm ngủ tôi cũng đau đớn lo âu, tôi cảm thấy lòng trống vắng như thể thế giới này chỉ là một gian phòng khổng lồ vắng bóng người. Để an ủi mình, tôi nhắm mắt tưởng tượng tôi đang đi trên con đường bên chân núi đá ven biển ở Yoroido. Tôi nhớ con đường này rất rõ và tôi hình dung ra trước mắt cảnh tôi đang thong dong về nhà trên con đường ấy như thể tôi và Satsu đã trốn thóat được. Tôi tưởng tượng ra cảnh tôi nắm tay chị Satsu đi về phía ngôi nhà ngà say – nhưng sự thật trước đây chưa bao giờ tôi muốn nắm tay Satsu lần nào- lòng nghĩ đến chuyện chúng tôi sẽ được sống sum họp với bố mẹ thêm một thời gian nữa. Tôi chưa bao giờ dám tưởng tượng ra việc về lại nhà tôi, có lẽ vì tôi sợ sẽ chứng kiến cảnh thực tế xảy ra tại đấy, nhưng dù sao thì việc tưởng tượng đi trên con đường về nhà cũng làm cho tôi an ủi được phần nào. Rồi thỉnh thỏang tôi nghe tiếng ho của một gia nhân nằm gần bên tôi, hay tiếng càu nhàu của Bà Ngọai theo gió thỏang tới, và chính lúc ấy, mùi nước biển ở quê nhà tan biến đi mất, đất lổm chổm trên đường dưới chân tôi hóa thành vải trải nệm, và tôi thấy mình trơ trọi một mình nơi đất khách quê người.
Khi mùa xuân đến, hoa anh đào nở rộ khắp công viên Maruyama, và không ai ở Kyoto muốn nói đến chuyện gì khác hết. Hatsumono bận rộn hơn thường khi lúc ban ngày, vì cô ta đi tham dự các buổi tiệc thưởng hoa. Cứ mỗi buổi chiều thấy cô ta chuẩn bị đi dự tiệc là tôi ghen tị. Tôi đã bắt đầu hết hy vọng về chuyện một đêm thức dậy thì thấy Satsu lẻn vào nhà kỹ nữ của tôi để cứu tôi, hay là hết hy vọng có ngày tôi sẽ được tin tức của gia đình tôi ở Yoroido. Rồi một buổi sáng khi Mẹ và Dì sửa sọan cho Bà Ngọai đi du xuân, tôi xuống thang lầu bỗng một gói hàng để trên nền nhà ở hàng lang phía trước nhà. Đấy là cái hộp dài bằng cánh tay tôi, gói trong giấy dày và buộc bằng gai bện. Tôi nghĩ đây không phải là công việc của tôi, nhưng vì quanh đấy không có ai, nên tôi đến đọc tên và địa chỉ viết thật lớn trên mặt gói hàng. Tên và địa chỉ như thế này:
Sakamoto Chiyo
Tại Nita kayodo
Gion Tominaga-cho
Thành phố Kyoto, quận Kyoto
Tôi qúa kinh ngạc đến nỗi tôi đứng sững một hồi lâu, tay bịt miệng và tôi nghĩ mắt tôi khi ấy chắc trợn tròn như hai cái tách trà. Dưới mấy con tem là địa chỉ của người gởi, người gởi là ông Tanaka. Tôi không biết trong gói có cái gì, nhưng nhìn tên ông Tanaka trên bao, chắc anh cho là quá vô lý, nhưng thật tình khi ấy tôi hy vọng rằng có lẽ ông ta nhận ra việc gởi tôi đến đây là một lỗi lậm và bây giờ ông gởi đến cho tôi cái gì đấy để tôi dùng nó mà mua lại tự do ra khỏi nhà kỹ nữ. Tôi không tưởng tượng được cái gói như thế này lại có thể giúp một cô gái thoát khỏi cảnh nô lệ, tôi gặp cảnh đau buồn nên cứ tưởng tượng ra thế thôi. Nhưng thật tình tôi tin rằng khi cái gói này được mở ra, cuộc đời tôi cũng được đổi thay.
Tôi đang tính xem phải làm gì thì bà Dì trên lầu đi xuống, bà đẩy tôi ra xa cái gói hàng, mặc dù tên tôi ghi trên đó. Tôi muốn mở cái gói ra ngay, nhưng bà sai tôi đi lấy dao để cắt dây thừng và thủng thỉnh tháo dây buộc cái gói ra. Dưới giấy gói là một lớp vải bao quanh được khâu lại bằng chỉ khâu lưới đánh cá. Một chiếc phong bì ghi tên tôi được khâu vào một góc bao. Bà Dì cắt chiếc phong bì ra rồi xé lớp vải bọc để lộ ra một cái hộp gỗ sơn đen. Tôi rất nôn nóng muốn biết có gì trong cái hộp nhưng khi bà Dì và tôi mở nắp hộp ra, tôi bỗng cảm thấy nặng nề khó chịu. Vì trong hộp, nằm giữa lớp vải trắng xếp nếp là những chiếc thẻ bài vị tên người chết mà tôi đã thấy để trên bàn thờ ở ngôi nhà ngà say của chúng tôi. Có hai thẻ, mà trước đây tôi chưa thấy, trông mới hơn những thẻ khác và có pháp danh mới lạ viết trên đó mà tôi không hiểu nghĩa. Tôi lo sợ không biết tại sao ông Tanaka gởi cái thư này đến cho tôi.
Bỗng bà Dì để cái hộp có những chiếc bài vị xếp ngay ngắn trong đó lên nền nhà. Bà lấy bức thư trong phong bì ra đọc. Tôi đứng yên chờ đọi, lòng lo sợ không dám nghĩ đến cái gì hết. Cuối cùng bà Dì thở dài, nắm tay tôi dẫn vào phòng khách. Khi tôi quỳ xuống nơi bàn, hai tay tôi run lên trên hai đùi chân, có lẽ vì tôi cố gắng để giữ trí óc khỏi nghĩ đến những điều khủng khiếp. Có lẽ đây là dấu hiệu hy vọng khi thấy ông Tanaka gởi những tấm bài vị đến cho tôi. Phải chăng gia đình tôi sẽ chuyển đến ở tại Kyoto, và chúng tôi sẽ mua cái bàn thờ mới để sắp các bài vị lên mà thờ? Hay có lẽ Sasu yêu cầu người ta gởi các bài vị này đến cho tôi vì chị ấy sắp trở về? Và rồi tiếng bà Dì cắt đứt dòng suy tưởng của tôi:
– Chiyo, ta đọc cho cháu nghe bức thư do một người đàn ông tên là Tanaka viết – bà nói bằng giọng trầm trầm, chậm rãi. Tôi như muốn hụt hơi khi thấy bà trải tờ giấy trên mặt bàn.
Chiyo thân mến,
Hai mùa đã trôi qua kể từ ngày cô rời khỏi Yoroido và chẳng bao lâu nữa cây cối sẽ đâm chồi nảy lộc, đâm hoa kết trái. Cảnh hoa nở hoa tàn nhắc cho chúng ta biết rồi ra ai trong chúng ta cũng phải chết.
Là người xuất thân trong cảnh mồ côi, kẻ hèn này rất đau xót khi báo cho cô biết một tin rất buồn. Sau tuần sau ngày cô ra đi để sống cuộc đời mới ở Kyoto, nỗi đau đớn của người mẹ đáng kính của cô đã đến chỗ chấm dứt, và chỉ vài tuần sau, người cha đáng kính của cô cũng từ giã cõi đời này. Kẻ hèn này hết sức đau xót trước sự mất mát này của cô và hy vọng cô an tâm vững tin rằng thi hài của song thân cô đều được an táng hẳn hoi tại nghĩa trang làng. Lễ cầu siêu cho hai người đã được tổ chức tại đền Hoko-ji ở Senzuru, thêm vào đó các bà ở Yoroido đã tụng kinh cầu nguyện cho họ. Kẻ hèn này tin chắc cả hai bố mẹ cô được lên cõi cực lạc.
Việc học tập của người geisha mới vào nghề rất gian khổ. Tuy nhiên, kẻ hèn này rất mến mộ những ai chịu đựng gian khổ để trở thành những nhà nghệ sĩ vĩ đại. Cách đây mấy năm tôi có đến thăm Gion, tôi được hân hạnh xem những màn múa xuân và sau đó đi dự tiệc ở phòng trà, cảnh diễn ra còn để trong lòng tôi ấn tượng sâu sắc. Cô Chiyo, tôi cảm thấy rất sung sướng khi thấy cô có được chỗ đứng bình an trong cuộc đời này, và mong sao cô thoát khỏi cảnh khổ đau trong những năm bấp bênh bất định. Kẻ hèn này đã sống khá lâu để chứng kiến được hai thế hệ trẻ con trưởng thành, kinh nghiệm cho thấy rằng hiếm khi loại chim bình thường mà sinh ra được giống thiên nga. Con thiên nga nào ỷ lại sống trong tổ của cha mẹ đều sẽ bị tiêu vong, cho nên kẻ nào có sắc có tài đểu phải khổ công luyện tập mới tìm được con đường vinh quang trên cõi đời này.
Chị cô, Satsu, đã về Yoroido vào cuối mùa thu vừa qua, nhưng cô ấy đã bỏ đi biệt tích với con trai ông Sugi. Ông Sugi rất mong mỏi thấy lại đứa con thân yêu trong lúc ông còn sống, cho nên ông ta yêu cầu cô vui lòng báo cho ông ta biết ngay, nếu cô có tin tức gì về chị cô.
Thân ái chào cô,
Tanaka Ichiro.
Trước khi bà Dì đọc xong bức thư nước mắt đã chảy ra trên mặt tôi đầm đìa như nước phụt ra trên ấm nước sôi. Dĩ nhiên khi nghe tin bố mẹ mất ai mà không đau đớn. Nhưng khi nghĩ đến chuyện cả bố lẫn mẹ đều qua đời để lại tôi một mình, vì khi biết chị tôi cũng đã biến mất…tôi liền cảm thấy mình như chiếc bình vỡ không đứng vững được. Tôi lại còn như bị lạc lõng trong căn phòng này nữa.
Chắc anh cho tôi quá thơ ngây vì tôi cứ mãi hy vọng mẹ tôi vẫn còn sống suốt nhiều tháng trời. Nhưng thực ra tôi không mấy hy vọng. Tôi hy vọng là vì tôi muốn có cái gì đấy để bám vào mà sống. Bà Dì rất tốt với tôi trong khi tôi cố chịu đựng nhiều đau khổ. Bà ta cứ nói mãi với tôi:
– Ráng lên, Chiyo, ráng lên. Sống trong cuộc đời này, chúng ta ai cũng phải cố ráng hết.
Khi tôi đã bình tĩnh có thể nói lại được, tôi yêu cầu bà ta hãy để các bài vị ấy nơi nào tôi không thấy, và nhờ bà cúng bái giúp – vì công việc này sẽ làm cho tôi đau khổ thêm. Nhưng bà từ chối, bà nói rằng quay lưng lại với tổ tiên như thế thật đáng xấu hổ. Bà giúp tôi để các bài vị trên cái kệ gần chân cầu thang lầu, ở đấy tôi có thể cầu nguyện vào mỗi sáng. Bà nói:
– Cháu Chiyo, cháu đừng quên tổ tiên. Họ là những gì còn lại thuộc thời thơ ấu của cháu.