Cuối cùng Mameha từ phòng sau bước ra, mặc chiếc áo kimono kem có hình vẽ ở lai áo rất đẹp. Trong khi cô ta đi đến bàn, tôi quay người, cúi chào thật thấp, rồi khi đến bàn, cô ta quỳ đối diện với tôi, uống một hớp trà do chị hầu mới bưng ra, rồi cô nói:
– Nào..Chiyo? Tại sao cô không nói cho tôi biết chiều nay làm sao cô rời được nhà kỹ nữ? Tôi chắc bà Nitta không thích gia nhân đi làm công việc riêng vào giữa ngày như thế này.
Thật tôi không ngờ cô ta hỏi như thế. Tôi không biết nói sao, mặc dù tôi biết không trả lời rất cù lần. Mameha nhấp trà, nhìn tôi với vẻ mặt nhân ái trên khuôn mặt trái xoan hòan hảo. Cuối cùng cô ta nói:
– Chắc cô nghĩ tôi sẽ mắng cô chứ gì. Nhưng tôi chỉ muốn biết việc cô đến đây có gặp phải chuyện gì rắc rối không.
Tôi nhẹ người khi nghe cô ta nói thế. Tôi đáp:
– Thưa cô không. Tôi được sai đi mua tạp chí Kabuki và dây đàn Shamisen.
– Ồ tốt, tôi có nhiều các thứ ấy – cô ta nói, rồi gọi chị hầu bảo đi lấy một ít các thứ ấy đem đến để trước mặt tôi trên bàn – Khi cô về nhà, cô cứ việc đem về và không ai biết cô đi đâu. Bây giờ cho tôi biết vài chuyện nhé. Khi tôi đến nhà kỹ nữ của cô để phúng điếu, tôi có thấy một cô gái bằng tuổi cô.
– Chắc là Bí Ngô đấy. Có phải cái cô mặt tròn không?
Mameha hỏi tôi tại sao gọi cô ta là Bí Ngô, tôi giải thích cho cô nghe. Nghe xong cô ta bật cười.
– Cô Bí Ngô này, cô ta và Hatsumono sống với nhau ra sao?
– Thưa cô, theo tôi thì Hatsumono xem Bí Ngô chẳng hơn gì cái lá phất phơ ngoài kia.
– Có phải Hatsumono cũng đối xử với cô như thế không?
Tôi mở miệng định nói, nhưng tôi không biết nói gì. Tôi biết về Mameha rất ít, bây giờ nói xấu Hatsumono cho người ngoài nghe thì quả không đúng đắn. Mameha hình như hiểu được tâm trạng của tôi, vì cô nói:
– Cô khỏi cần trả lời. Tôi biết Hatsumono đối xử với cô ra sao rồi, đối xử như con rắn trước miếng mồi, tôi nghĩ như thế đấy.
– Xin phép hỏi cô, ai nói với cô như thế ạ?
– Không ai nói với tôi hết – cô ta đáp – Hatsumono và tôi biết nhau từ khi tôi lên sáu và cô ta lên chín. Khi người ta nhìn một sinh vật có tính xấu trong một thời gian dài như thế, thì chuyện biết sinh vật ấy hành động như thế nào không còn là chuyện lạ lùng khó hiểu.
– Tôi không biết tôi đã làm gì khiến cho cô ta ghét tôi như thế.
– Dễ hiểu Hatsumono như dễ hiểu con mèo thôi. Con mèo thấy sung sướng nằm phơi nắng ngoài sân khi không có những con mèo khác bên cạnh. Nhưng nếu nó thấy có những con mèo khác chọc mũi vào đĩa thức ăn của nó…Đã có ai kể cho cô nghe chuyện Hatsumono xua đuổi cô Hatsuoki ra khỏi quận Gion chưa?
Tôi bảo chưa nghe ai nói hết.
– Hatsuoki là một cô gái rất xinh đẹp – Mameha kể – cô ta là bạn thân của tôi. Cô ta và Hatsumono là chị em. Nghĩa là hai người được cùng một geisha huấn luyện, người geisha nổi tiếng này là Tomihatsu, khi ấy bà đã già rồi. Hatsumono không ưa Hatsuoki, khi hai người tập sự làm geisha, cô ta không chịu được việc để cho Hatsuoki làm đối thủ của mình. Cho nên cô ta phao tin khắp Gion rằng có người đã thấy Hatsuoki làm chuyện đồi bại với một cảnh sát. Dĩ nhiên chuyện này không có thực. Nếu Hatsumono đi khắp Gion để kể chuyện này thì chẳng ai tin. Ai cũng biết Hatsumono ghen tị với Hatsuoki. Cho nên cô ta đã làm như thế này, bất cứ khi nào cô ta gặp một người quá say – một geisha hay là một người hầu, hay bất kỳ một người đàn ông nào đến thăm Gion, người nào cũng được – cô ta đều rỉ tai câu chuyện bịa về Hatsuoki cho họ nghe để ngày hôm sau người nghe không nhớ ra Hatsumono là người kể. Chẳng bao lâu sau, cô Hatsuoki tội nghiệp bị mang tiếng xấu, và Hatsumono chỉ cần sử dụng một vài mẹo vặt nữa thôi là loại được Hatsuoki.
Tôi cảm thấy nhẹ người khi nghe có người khác nữa ngoài tôi đã bị Hatsumono đối xử quá dã man như thế.
– Cô ta không chịu được cảnh có đối thủ – Mameha nói tiếp – đấy là lý do cô ta đối xử với cô như thế đấy.
– Thưa cô, chắc Hatsumono không xem tôi là một đối thủ. Tôi không phải là đối thủ của cô ấy như vũng nước không thể là đối thủ của đại dương.
– Trong các phòng trà ở Gion thì có lẽ không. Nhưng trong nhà dạy kỹ nữ của cô thì…cô không lấy làm lạ tại sao bà Nitta không nhận Hatsumono làm con sao? Nhà kỹ nữ Nitta hẳn là nhà giàu nhất ở Gion không có người thừa kế. Khi nhận Hatsumono làm con, không những bà Nitta giải quyết được vấn đề khó khăn này, mà bà ta còn giữ hết của cải của Hatsumono cho nhà dạy kỹ nữ, không cho Hatsumono một đồng ten nào, mà Hatsumono là một geisha rất thành công! Chắc cô nghĩ là bà Nitta, người ham tiền như những người khác, muốn nhận cô ta làm con từ lâu rồi. Hẳn phải có lý do gì đấy chính đáng bà ta mới không làm thế, cô không thấy thế hay sao?
Trước đây chưa bao giờ tôi nghĩ đến chuyện này, nhưng sau khi nghe Mameha nói, tôi cảm thấy tôi đã hiểu ra lý do. Tôi đáp:
– Nhận Hatsumono làm con chẳng khác nào thả con hổ ra khỏi chuồng.
– Chắc đúng thế. Tôi nghĩ bà Nitta biết rõ việc nhận Hatsumono làm con sẽ dẫn bà ta đến đâu, thế nào cô ta cũng tìm cách loại bà mẹ ra. Nhưng dù sao, Hatsumono cũng là kẻ thiếu kiên nhẫn. Tôi không tin cô ta có thể nuôi một con dế trong lồng mây. Sau một vài năm, có thể cô ta sẽ bán số kimono của nhà kỹ nữ rồi rút lui. Cô Chiyo, đấy là lý do Hatsumono ghét cay ghét đắng cô. Còn cô Bí Ngô, tôi không tin là Hatsumono sợ bà Nitta nhận cô ta làm con.
– Cô Mameha, chắc cô còn nhớ cái kimono của cô bị làm hỏng…
– Chắc cô sẽ nói cô là người làm vấy mực lên áo.
– Dạ phải, thưa cô. Mặc dù tôi biết cô thừa hiểu Hatsumono âm mưu việc này, nhưng tôi cứ hy vọng có ngày tôi sẽ xin lỗi cô vì việc ấy.
Mameha nhìn tôi một hồi lâu. Tôi không biết cô ta nghĩ gì, nhưng cuối cùng cô ta nói:
– Nếu cô muốn thì cứ xin lỗi đi.
Tôi xích lui khỏi cái bàn rồi cúi người xuống thật thấp tận chiếu, nhưng trước khi tôi nói lên lời xin lỗi, Mameha liền chặn tôi lại. Cô ta nói:
– Giá cô là một nông dân đến thăm Kyoto thì cúi người chào như thế là quá đẹp. Nhưng vì cô muốn trở thành người có giáo dục, cô phải làm như thế này này. Hãy nhìn tôi này, xích lui xa cái bàn thêm chút nữa. Được rồi, quỳ xuống đấy, bây giờ thẳng hai tay ra và để đầu ngón tay lên chiếu ở trước mặt cô. Chỉ đầu ngón tay thôi, không cả bàn tay. Cô đừng xòe ngón tay ra, tôi còn thấy khoảng hở giữa mấy ngón. Tốt, để lên chiếu…hai tay…đấy. Giờ thì đẹp rồi. Cúi người thật thấp, nhưng giữ cổ cho thật thẳng, đừng để đầu gục xuống như thế. Trời đất ơi, đừng đè lên hai tay, nếu không cô sẽ giống đàn ông! Thế là tốt. Bây giờ cô hãy làm lại xem.
Tôi cúi chào cô ta như thế một lần nữa, và nói là tôi rất ân hận vì đã góp phần làm hỏng chiếc áo kimono đẹp của cô.
– Áo kimono ấy đẹp phải không? Thôi, bây giờ ta quên chuyện ấy đi. Tôi muốn biết tại sao cô không tập luyện thành geisha nữa. các giáo viên đều nói cô học hành rất giỏi, rồi bỗng nhiên cô bỏ học. Đúng ra cô phải học tiếp để có sự nghiệp rạng rỡ ở Gion mới đúng. Tại sao bà Nitta không cho cô học tiếp?
Tôi kể cho cô nghe chuyện nợ nần của tôi, kể cả nợ cái áo kimono và chiếc ghim hoa mà Hatsumono vu cho tôi lấy. Sau khi nghe tôi kể xong, cô ta nhìn mãi tôi một lát mới nói:
– Cô chưa kể hết cho tôi nghe chuyện của cô. Căn cứ vào số nợ của cô, tôi nghĩ bà Nitta rất mong muốn cô trở thành geisha. Làm người hầu chắc không bao giờ cô trả hết nợ cho bà ấy.
Khi nghe thế, tự dưng tôi cụp mắt nhìn xuống vì cảm thấy xấu hổ, Mameha có vẻ như hiểu được ý nghĩ trong đầu óc tôi, cô hỏi:
– Có phải cô đã tìm cách chạy trốn không?
– Phải , thưa cô – tôi đáp – tôi có người chị, chúng tôi bị sống cách biệt nhau nhưng chúng tôi cố tìm cách gặp nhau. Chúng tôi hẹn nhau vào một đêm để cùng chạy trốn…nhưng tôi bị rớt từ trên mái nhà xuống gẫy tay.
– Từ mái nhà! Chắc cô nói đùa! Có phải cô leo lên mái nhà để nhìn Kyoto cho được bao quát không?
Tôi giải thích cho cô ta nghe tại sao tôi làm thế, rồi tôi nói tiếp:
– Tôi nghĩ tôi thật điên khùng, bây giờ Mẹ không đầu tư xu nào vào việc học tập của tôi vì bà sợ tôi lại bỏ trốn một lần nữa.
– Còn lắm chuyện đáng lo hơn thế nữa. Một cô gái chạy trốn làm bà chủ nhà mang tiếng xấu. Dân ở Gion sẽ nghĩ như thế này “Trời đất, mụ ấy làm gì mà để tôi tớ trong nhà bỏ trốn hết!” Thế đấy, đại loại là như vậy. Nhưng Chiyo này, bây giờ cô tính sao? Tôi thấy hình như cô không muốn làm cô hầu suốt đời.
– Ồ thưa cô, tôi muốn làm gì để chuộc lại lỗi lầm của mình. Đã hơn hai năm trôi qua rồi, tôi kiên nhẫn chờ đợi cơ hội mở ra cho tôi, và tôi hy vọng cơ hội sẽ đến.
– Kiên nhẫn đợi chờ không hợp với cô đâu. Tôi thấy cô là người có mạng thủy, mà nước không bao giờ chờ đợi. Nó biến dạng, chảy khắp nơi, tìm những xó xỉnh không ai ngờ để chảy tới. Nó tìm cái lỗ tí ti trên mái nhà hay dưới đáy thùng để chảy qua. Nước là yếu tố đa năng nhất trong ngũ hành, rõ ràng như vậy. Nó cuốn đất đi, dập tắt lửa, làm cho sắt rỉ và mục ra. Ngay cả gỗ, là yếu tố quan trọng trong ngũ hành, cũng không thể sống được nếu không có nước mang thức ăn đến cho nó. Thế mà cô không biết lợi dụng sức mạnh ấy trong cuộc đời ư?
– Thưa cô, có chứ. Chính hình ảnh nước chảy đã làm tôi nảy ra ý định trốn thoát qua mái nhà.
– Tôi biết cô thông minh lanh lợi, Chiyo à, nhưng tôi nghĩ hành động ấy không được thông minh lắm. Những người có mạng thủy không phải muốn chảy đi đâu thì chảy, mà chúng ta phải chảy theo dòng đời chúng ta đang sống.
– Tôi thấy tôi là con sông chảy vấp phải con đê, và con đê ấy chính là Hatsumono.
– Phải, đúng thế đấy – cô ta đáp, nhìn tôi một cách bình tĩnh – nhưng có lúc sông phải đẩy con đê văng đi.
Ngay từ khi tôi mới đến nhà cô ta, tôi tự hỏi không biết cô ta gọi tôi đến làm gì. Tôi cứ nghĩ bụng, chắc là chuyện chiếc áo kimono, nhưng bấy giờ tôi thấy không phải chuyện ấy mà là có chuyện gì khác. Chắc Mameha có ý định dùng tôi để trả thù Hatsumono. Tôi thấy rõ ràng hai người kình địch nhau, tại sao Hatsumono làm hỏng chiếc kimono của Mameha cách đây hai năm. Rõ ràng Mameha chờ đợi đến lúc thích hợp để trả thù, và bây giờ cô ta đã tìm ra đúng lúc. Cô ta sẽ dùng tôi đóng vai cây sậy lấn át những cây khác ra khỏi vườn. Cô ta không chỉ trả thù không thôi đâu, nếu tôi không lầm thì cô ta muốn loại hẳn Hatsumono.
– Nhưng dù sao – Mameha nói tiếp – nếu bà Nitta không để cho cô tiếp tục học tập thì chẳng có gì thay đổi.
– Tôi không mấy hy vọng thuyết phục được bà.
– Bây giờ cô đừng lo vấn đề thuyết phục, cô hãy lo tìm được đúng lúc thích hợp để làm việc ấy.
Tôi đã học được nhiều bài học ở trường đời, nhưng tôi không biết kiên nhẫn – thậm chí không đủ kiên nhẫn để tìm hiểu câu nói “tìm được đúng lúc thích hợp” của Mameha có ý nghĩa gì. Tôi nói với cô rằng nếu cô giúp tôi ý kiến để nói, thì ngày mai tôi sẽ nói với Mẹ.
– Chiyo này, ở đời mà làm việc tùy tiện sẽ không thành công. Làm việc gì cô cũng phải biết cách tìm cho đúng lúc thích hợp và nơi thích hợp. Con chuột muốn chọc tức con mèo không phải lúc nào muốn chạy ra khỏi hang thì chạy. Cô có biết cách tra cứu niên lịch không?
Tôi không biết anh đã thấy cuốn niên lịch bao giờ chưa. Mở cuốn lịch ra, lật từng trang người ta sẽ tìm thấy nhiều biểu đồ phức tạp và nhiều câu tối nghĩa. Giới geisha rất mê tín, như tôi đã nói với anh rồi. Bà Dì và bà Mẹ, ngay cả bà nấu bếp hay người giúp việc, hiếm khi làm việc gì mà không mở lịch ra xem ngày, cho dù chỉ để mua một đôi giày thôi. Nhưng tôi không bao giờ tra cứu lịch.
– Thảo nào mà cô gặp toàn chuyện không may – Mameha nói – Có phải cô chạy trốn mà không xem ngày tốt không?
Tôi nói cho cô biết chị tôi quyết định ngày ra đi khi nào chúng tôi đi được. Mameha muốn biết ngày tôi chạy trốn, tôi cho cô ta biết đó là thứ ba tuần cuối của tháng 10 năm 1929, chỉ có mấy tháng sau ngày Satsu và tôi bị lôi ra khỏi nhà.
Mameha sai chị hầu lấy cuốn niên lịch ra, sau khi hỏi tuổi tôi – tuổi thân – cô ta xem kỹ các biểu đồ rồi đọc cả một trang sách nói về công việc khái quát trong tháng. Cuối cùng cô ta đọc:
– Thời điểm thất lợi nhất. Phải tuyệt đối tránh kim, thức ăn lạ và đi xa. – đến đây cô ta dừng lại để nhìn tôi – Đi xa! Cô nghe không. Ngoài ra lịch còn cho biết cô phải tránh các thứ sau đây nữa; “tắm vào giờ Dậu”, “đổi áo mới ”, “thành lập cơ sở mới ”, và hãy nghe câu này này “đổi nơi cư trú” – đọc đến đây Mameha gấp sách lại nhìn tôi – cô có lưu tâm đến những chuyện như thế này không?
Nhiều người không tin chuyện bói toán như thế này, nhưng nếu khi ấy anh có mặt ở đấy để chứng kiến cảnh xảy ra tiếp theo, tôi chắc lòng nghi ngờ của anh sẽ tiêu tan ngay. Mameha hỏi tuổi của chị tôi và tra cứu lịch để xem vận mạng cho chị ấy. Xem một lát, cô ta nói:
– Đây nhé, sách có nói “ngày tốt, có thể chuyển dịch tí chút”, có lẽ không phải là một ngày tốt để làm việc động trời như là chạy trốn, nhưng cũng là ngày tốt hơn so với các ngày khác trong tuần hay là tuần tới. Và còn điều này nữa mới đáng ngạc nhiên, sách còn nói “ngày tốt để di chuyển theo hướng Hoàng đạo”. Mameha đọc xong, cô ta lấy bản đồ, tìm làng Yoroido, làng nằm ở phía Đông Bắc Kyoto, hướng này quả là hướng Hoàng đạo. Satsu có tra cứu niên lịch. Chị ấy có lẽ tra cứu niên lịch để xem ngày ra đi lúc để tôi ngồi một mình trong phòng dưới chân cầu thang ở nhà thổ Tatsuyo. Và có lẽ chị đã làm đúng: chị trốn được còn tôi thì không.
Chính lúc ấy tôi mới hiểu ra – tôi dốt nát làm sao! Không những trong kế họach chạy trốn mà còn trong tất cả mọi thứ khác nữa. Tôi không hiểu mọi vật trên đời này có liên quan mật thiết với nhau. Không phải chỉ theo đúng hướng Hoàng đạo như tôi vừa đề cập mà thôi. Con người chúng ta chỉ là một phần tử trong một thực thể to lơn hơn nhiều. Khi chúng ta đi, chúng ta có thể đạp nát một con bọ hay là gây xáo trộn không khí để ột con ruồi không thể bay đến chỗ nó mong muốn. Nếu chúng ta lấy cái ví dụ đó để áp dụng cho chúng ta là sâu bọ, còn thế giới to lớn hơn là chúng ta thì rõ ràng những thế lực to lớn hơn chúng ta đã gây ảnh hưởng lên đời sống chúng ta rất dễ, chẳng khác nào chúng ta gây ảnh hưởng lên sâu bọ. Vậy chúng ta phải làm gì? Chúng ta phải dùng bất cứ phương pháp nào để hiểu được sự vận hành của vũ trụ quanh ta, hiểu được thời gian ta hành động, để ta khỏi chiến đấu chống lại dòng vận hành ấy mà chỉ theo chúng thôi.
Mameha lại mở lịch ra xem, lần này cô ta chọn nhiều ngày trong số những ngày tiếp theo để chọn ngày tốt dùng trong công việc. Tôi hỏi tôi có nên nói với bà Mẹ vào một trong những ngày đó không, và tôi nên nói ra sao cho đúng.
– Tôi không có ý định khuyên cô đích thân đi nói với bà Nitta – cô ta đáp – bà ta sẽ bác bỏ yêu cầu của cô ngay. Nếu tôi là bà ta, tôi cũng sẽ làm thế. Vì bà ta biết không có ai ở Gion muốn làm chị cả của cô hết.
Nghe cô ta nói, tôi rất buồn. Tôi hỏi :
– Cô Mameha,vậy thì tôi nên làm gì?
– Chiyo, cô nên về nhà kỹ nữ của cô thôi. Và đừng có nói cho ai biết việc tôi đã nói chuyện với cô.
Nói xong, cô ta nhìn tôi với ánh mắt khuyên tôi nên cúi chào xin phép ra về ngay, và tôi đã làm thế. Tôi rất hoang mang bối rối , đến nỗi khi ra về tôi quên lấy các tờ tạp chí Kabuki và mấy sợi dây đàn mà Mameha cho tôi. Người hầu của cô phải mang tất cả chạy ra đường đưa cho tôi.