Nghe thế tôi cảm thấy rất buồn, tôi im lặng một hồi lâu mới nói được.
– Sống trong nhà kỹ nữ với Hatsumono giống như con heo sống trong lò mổ.
Khi nói thế là tôi nghĩ đến Bí Ngô, nhưng chắc Mameha cho rằng tôi muốn nói về tôi, nên cô ấy đáp:
– Cô nói đúng. Cách đề phòng duy nhất của cô là phải làm sao để thành công hơn Hatsumono và loại cô ta ra.
– Nhưng ai cũng nói cô ta là geisha nổi tiếng nhất, em không tin em sẽ nổi tiếng hơn cô ấy.
– Tôi không nói nổi tiếng – Mameha đáp – Tôi nói thành công. Đi đến dự nhiều buổi tiệc không phải là vấn đề. Tôi sống trong căn hộ rộng rãi với hai người hầu, trong khi Hatsumono – có lẽ cô ta đi dự tiệc nhiều như tôi – cứ phải sống trong nhà kỹ nữ Nitta. Khi tôi nói thành công, tôi muốn nói geisha nào không sắm được toàn bộ áo kimono ình – hay cô nào không được nhà dạy kỹ nữ nhận làm con, điều này giống như điều trên – thì cô ta sẽ bị người khác điều khiển cả đời. Chắc cô đã thấy số áo kimono của tôi rồi? Cô có biết làm sao tôi có được số áo này không?
– Em nghĩ có lẽ cô đã được nhà kỹ nữ nào đấy nhận làm con trước khi cô chuyển đến nhà này.
– Tôi ở trong một nhà kỹ nữ cho đến một ngày cách đây năm năm. Nhưng bà chủ ở đấy có cô con gái bà sinh ra, nên bà ta không nhận người khác làm con.
– Vậy em xin phép hỏi, có phải cô đã mua toàn bộ áo kimono của cô không?
– Chiyo, làm sao cô nghĩ một geisha có thể mua nổi? Toàn bộ kimono không phải chỉ hai hay ba cái áo mặc trong mỗi mùa, đàn ông họ đi chơi khắp Gion, nếu họ thấy đêm nào mình cũng mặc áo giống nhau, họ sẽ đâm chán.
Chắc khi ấy tôi tỏ ra có vẻ hốt hoảng lắm, vì Mameha cười to khi nhìn thấy nét mặt của tôi
– Vui lên Chiyo, để tôi trả lời rõ làm cho cô hết thắc mắc. Ông “danna” của tôi rất rộng rãi, ông ta đã mua cho tôi tất cả số áo ấy. Vì thế mà tôi thành công hơn Hatsumono. Nhiều năm rồi mà cô ta không có ông “danna” nào cả.
Tôi đã ở Gion khá lâu nên tôi hiểu rõ từ danna mà Mameha nói đến. Đây là từ một người vợ dùng để gọi chồng mình – hay đúng hơn là vào thời của tôi. Nhưng geisha nói đến danna của mình không phải nói đến chồng, geisha không lấy chồng, nếu không, họ không còn là geisha nữa.
Thỉnh thoảng sau khi dự tiệc có geisha, một số đàn ông cảm thấy chưa thỏa mãn cuộc vui, họ muốn đi xa hơn nữa. Có người muốn cùng nàng geisha đi đến những nơi như quận Myagawa-cho, đến đấy để họ đóng góp thêm mùi mồ hôi hôi hám vào những ngôi nhà dơ bẩn mà tôi đã thấy vào đêm tôi đến tìm chị tôi. Có ông bạo dạn trơ tráo hỏi nhỏ cô geisha ngồi bên cạnh về “giá cả” cô ta đòi hỏi. Những geisha hạ cấp có thể bằng lòng cách thu xếp như thế này, có lẽ họ sung sướng khi nhận thêm lợi tức của người đàn ông đề nghị. Người phụ nữ như thế nầy có thể tự ình là geisha và được ghi vào danh sách ở phòng đăng ký hộ tịch, nhưng tôi nghĩ anh nên nhìn vào cách cô ta múa, cách cô ta đàn, và khả năng hiểu biết của cô ta về nghi thức hầu trà trước khi anh quả quyết cô ta là geisha hay không. Một geisha thực thụ không bao giờ làm ô danh của mình bằng những cuộc hẹn hò với đàn ông đến những nơi không đứng đắn.
Tôi không quả quyết người geisha nào cũng đi theo đàn ông khi họ thấy ông ta hấp dẫn. Nhưng đi theo hay không là chuyện riêng của họ. Geisha cũng có những đam mê như mọi người, và họ cũng hành động sai lầm như mọi người. Người nào phạm phải sai lầm, họ chỉ còn cách hy vọng dấu giếm sao để người ta khỏi biết. Tiếng tăm của họ rất dễ bị ô uế, nhưng điều quan trọng hơn hết là nếu họ có một danna, họ lại càng phải cẩn thận hơn nữa. Điều đáng lo hơn hết là cô ta sẽ làm cho bà chủ nhà dạy kỹ nữ tức giận. Người geisha nào quyết tâm theo đuổi đam mê này đều có thể gặp nguy hiểm, nhưng có lẽ họ không làm thế để tiêu xài tiền bạc phung phí như tiền họ kiếm ra bằng con đường hợp pháp.
Cho nên anh biết không, người geisha bậc một hay bậc hai ở Gion đều không thể để cho bất kỳ ai mua một đêm. Nhưng nếu có một ông đứng đắn muốn được yêu đương tình tứ – không phải qua một đêm với nhau, mà gặp nhau trong một thời gian dài – và nếu ông ta bằng lòng với điều kiện thỏa đáng, thì geisha sẽ sung sướng chấp nhận đề nghị này. Họ vẫn tiếp tục đi dự tiệc hay dự cái gì thoảii mái, tự nhiên, nhưng thực sự tiền bạc ở Gion đều đến từ tay ông danna, và nàng geisha nào không có ông danna như Hatsumono – sẽ giống như con mèo hoang ngoài đường không có chủ nuôi ăn vậy.
Chắc anh nghĩ rằng một người đẹp như Hatsumono thế nào cũng có nhiều đàn ông đưa ra đề nghị làm danna cho cô ta, mà tôi biết đã có nhiều người muốn thế. Thực vậy, cô ta đã có danna một thời gan. Nhưng vì lý do gì đấy mà cô ta đã làm cho bà chủ phòng trà Mizuki quá tức giận – phòng trà này là nơi họat động chính của cô ta – đến nỗi có ông nào nhờ bà ta giới thiệu đều được bà ta trả lời là cô ta không xứng – có lẽ họ nghĩ cô ta đã có danna, mặc dù cô ta không có. Bất hòa với bà chủ, Hatsumono chỉ làm hại ình thôi chứ không làm ai thiệt hại hết. Là một geisha rất có tiếng, cô ta làm ra nhiều tiền khiến cho Mẹ sung sướng, nhưng geisha mà không có danna, cô ta không đủ sức để dành ình quyền độc lập và không dọn ra ở chỗ khác được. Cô ta cũng không thể đăng ký làm cho phòng trà khác để bà chủ ở các phòng trà này có cơ hội giúp cô ta tìm danna, không một bà chủ phòng trà nào muốn làm hỏng mối giao hảo với phòng trà Mizuki.
Dĩ nhiên lớp geisha hạng trung không bị kẹt vào thế khó xử như thế này. Nhưng họ có thể dùng thì giờ để ve vãn các ông, với hy vọng có người sẽ đưa ra lời yêu cầu bà chủ phòng trà giới thiệu các cô. Có nhiều người yêu cầu nhưng chẳng đến đâu, người này thì có tiền đầu tư quá ít, người khác lại ngần ngừ lẩn tránh khi các cô yêu cầu ông ta tặng cho cô chiếc kimono đắt giá để tỏ ra mình có thiện chí. Nhưng nếu sau vài tuần thương lượng mà được cả hai bên bằng lòng, cô geisha và người danna mới tổ chức một nghi lễ như nghi lễ hai geisha tổ chức làm chị em. Thông thường, mối ràng buộc này kéo dài sáu tháng hay lâu dài hơn, vì dĩ nhiên đàn ông thường mau chán. Các điều khoản trong cuộc ràng buộc này thường buộc anh chàng danna trả một phần nợ nần của nàng geisha và bao nhiêu thứ chi phí để mua đồ hóa trang, trả tiền học phí, và có thể cả tiền thuốc men khi bệnh hoạn nữa. Đại lọai là các thứ như thế, mặc dù đã tốn kém quá nhiều như thế rồi, nhưng ông ta vẫn tiếp tục trả tiền công phục vụ của cô ta tính theo giờ, bất cứ khi nào ông ta giải trí với cô, y như những khách hàng khác vậy. Nhưng ông ta sẽ được hưởng một vài “đặc quyền”.
Đây là những thỏa thuận đôi với giới geisha trung bình. Còn đôi với geisha siêu đẳng, loại này ở Gion có chừng 30 hay 40 cô, thì nguyên tắc thỏa thuận còn nhiều hơn nữa. Trước hết là nàng geisha không muốn làm lu mờ danh tiếng vì có nhiều danna, nhưng có thể có một hay hai trong suốt cả đời. Người danna không những chỉ bao hết những chi phí của cô ta, như là phí đăng ký, phí học tập và ăn uống hàng ngày, mà còn bao nhiêu thứ khác nữa. Ông ta phải cung cấp tiền cho cô ta, bảo trợ những buổi múa trình diễn có cô ta tham gia, mua kimono và nữ trang làm quà tặng cho cô ta. Và khi ông ta giải trí với cô ta, ông ta không phải trả phí tổn tính hàng giờ như thường lệ, có lẽ ông ta còn trả nhiều hơn thế, như là một cử chỉ khích lệ.
Mameha có lẽ là một trong những geisha siêu đẳng này. Quả vậy, theo chỗ tôi biết, cô ta là một trong số hai ba geisha nổi tiếng nhất của Nhật. Chắc anh đã nghe danh tiếng của nàng geisha Mametsuki rồi. Nàng là người đã dan díu với thủ tướng Nhật một thời gian ngắn trước Đệ nhất thế chiến và đã gây ra nhiều tai tiếng. Bà ta là chị cả của Mameha – vì thế mà cả hai đều có từ “Mame” trước tên của họ. Thông thường thì người geisha em có tên xuất phát từ tên của người chị cả.
Có người chị cả như Mametsuki đủ để cho Mameha thành công trong nghề. Vào đầu những năm 1920, phòng du lịch Nhật bản bắt đầu chiến dịch quảng cáo khắp thế giới. Những tấm bích chương in hình ngôi chùa ở đên Joji nằm ở phía đông nam Kyoto, một bên chùa là cây anh đào, và phía bên kia là hình cô geisha tập sự xinh đẹp, trông cô ta rất e lệ, duyên dáng và thanh lịch. Cô geisha tập sự ấy là Mameha.
Chỉ nói Mameha nổi tiếng là chưa nói hết về cô ta. Những tấm bích chương trưng bày ở các thành phố khắp thế giới với hàng chữ “Mời đến thăm xứ mặt trờii mọc” được in bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài – không những chỉ tiếng Anh mà còn Đức, Pháp, Nga. Lúc ấy Mameha chỉ mới 16 tuổi, nhưng bỗng nhiên cô được mời đến để gặp các nguyên thủ quốc gia đến thăm Nhật, và các nhà quý tộc ở Anh hay Đức, và các nhà triệu phú từ Hoa kỳ đến. Cô ấy đã chuốc rượu sake cho đại văn hào Đức Thomas Mann, ông này sau đó đã kể cho cô nghe một câu chuyện dài, buồn, thông qua người phiên dịch gần suốt một giờ, cũng như rót rượu cho Charlie Chaplin và Tôn Dật Tiên, và sau này cho Ernest Hemingway, nhà văn này đã say và nói rằng đôi môi đỏ đẹp đẽ trên khuôn mặt trắng của cô làm cho ông ta nghĩ đến máu trên tuyết. Từ đó về sau, Mameha nổi tiếng thêm như diễn một số vở mu’a được đại đa số quần chúng ưa thích trên sân khấu nhà hát Kabukiza ở Tokyo, nơi thường được thủ tướng và nhiều nhân vật danh tiếng đến xem.
Khi Mameha tuyên bố cô có ý nhân tôi làm em út, tôi chưa biết những chuyện này về cô. Nếu biết, chắc thế nào tôi cũng quá lo sợ, không làm gì được ngoài việc run lên khi đứng trước mặt cô.
Mameha đã rất tế nhị với tôi, cô bảo tôi ngồi xuống và giảng giải cho tôi nghe chuyện này vào hôm tôi đến nhà cô. Khi thấy tôi hiểu, cô hài lòng nói:
– Theo ngày bắt đầu nhập môn của cô, cô sẽ thành geisha tập sự cho đến năm 18 tuổi. Sau đó cô cần phải có danna nếu cô muốn trả nợ. Một danna rất giàu. Công việc của tôi là làm sao cho cô nổi tiếng ở Gion, nhưng cô phải nỗ lực học tập sao cho thành vũ công thành thạo. Nếu cô không đạt được xếp hạng tối thiểu là thứ năm vào năm 16 tuổi, thì tôi không thể làm gì giúp cô được và bà Nitta sẽ rằng vui sướng khi thắng cuộc với tôi.
– Nhưng thưa cô Mameha, em không hiểu múa để làm gì.
– Múa là thứ cần thiết vô cùng, nếu cô nhìn vào những geisha thành công nhất ở Gion, họ đều là những vũ công hết.
Múa là môn nghệ thuật được trọng vọng nhất trong các môn nghệ thuật của giới geisha. Chỉ có những geisha xinh đẹp và nhiều hứa hẹn nhất mới được khích lệ để học chuyên sâu vào bộ môn này, và không có bộ môn nào ngoài nghệ thuật pha trà có thể so sánh được với tính phong phú của môn cổ truyền này. Trường múa Inoue, nơi giới geisha ở Gion thực tập, bắt nguồn từ nhà hát Noh. Vì Noh là nơi nghệ thuật rất xưa luôn luôn được hòang gia bảo trợ, vũ công ở Gion xem nghệ thuật của họ hơn trường múa ở quận Ponto-cho nằm bên kia sông. Nghệ thuật của trường này bắt nguồn từ nhà hát Kabuki. Bấy giờ tôi rất hâm mộ nghệ thuật Kabuki, và thực tế tôi may mắn có một số bạn bè là nghệ sĩ Kabuki danh tiếng của thế kỷ này. Nhưng Kabuki là một thể nghệ thuật còn tương đối mới mẻ, trước những năm 1970, bộ môn này chưa có, và Kabuki được giới bình dân ưa chuộng chứ không được hòang gia bảo trợ, không đơn giản so sánh vũ ở Ponto-cho với trường Inoue ở Giion được.
Tất cả các geisha tập sự phải học múa, nhưng như tôi đã nói, chỉ có những geisha xinh đẹp và đầy hứa hẹn mới được khích lệ để học chuyên sâu và tiếp tục để trở thành vũ công thật sự, chứ không phải như người học đàn Shamisen hay là ca sĩ. Rủi thay cho Bí Ngô, vì lý do có khuôn mặt tròn, bẹt nên phải chú tâm vào đàn Shamisen, vì cô không được chọn làm vũ công. Còn tôi, tôi không phải quá đẹp đến nỗi đương nhiên được học múa, như Hatsumono. Tôi nghĩ rằng tôi được trở thành vũ công chỉ là nhờ tôi đã tỏ cho các giáo viên thấy rằng tôi sẵn lòng làm việc cật lực khi cần.
Tuy nhiên chính nhờ Hatsumono mà bước đầu tiên học múa của tôi tránh được những điều tệ hại. Cô giáo dạy múa khoảng 50 tuổi, chúng tôi thường gọi là cô giáo Bướu vì cô có một cái bướu nhỏ dưới cằm. Cô giáo Bướu rất ghét Hatsumono, Hatsumono biết rõ điều này, và anh có biết cô ta làm gì không? Cô ta đến gặp cô giáo – tôi biết điều này vì mấy năm sau cô Bướu nói cho tôi nghe – và nói:
– Thưa cô giáo, cô làm ơn giúp tôi một việc được không? Tôi có để ý đến một học viên trong lớp cô. Tôi thấy học viên này có vẻ có tài năng. Nếu cô giáo cho tôi biết cô nghĩ sao về cô ta, tôi sẽ hết sức biết ơn cô. Tên cô ta là Chiyo, và tôi rất rất thích cô ta. Tôi sẽ mang ơn cô nhiều nếu cô tận tình giúp ỡ cô ấy.
Hatsumono không cần nói thêm một lần nào nữa, vì cô giáo Bướu đã “tận tình giúp đỡ” như lời Hatsumono yêu cầu. Thật tình tôi múa không tệ, nhưng cô Bướu lập tức đem tôi ra làm ví dụ điển hình về những việc “không” được làm. Tôi nhớ một buổi sáng khi cô giáo biểu diễn một điệu múa bằng cách kéo cánh tay quanh thân hình như thế này, rồi dậm một chân lên chiếu. Tất cả chúng tôi đều bắt chước làm theo, nhưng vì chúng tôi mới bắt đầu học, nên khi chúng tôi dậm chân, tiếng dậm vang lên như một đĩa đầy đậu văng tung tóe lên nền nhà, vì các học viên dậm chân không cùng một lượt. Tôi cam đoan với anh tôi dậm không tệ hơn các cô khác, nhưng cô Bướu đến đứng ngay trước mặt tôi, cục bướu dưới cằm cô rung rung, cô nhịp cái quạt xếp lên đùi mấy lần rồi vung tay đánh cái quạt lên một bên đầu tôi.
– Chúng ta không dậm chân như thế – cô nói – và chúng ta không nhăn cằm.
Trong các điệu vũ của trường Inoue, mặt của vũ công phải giữ cho thật hoàn hảo, vô cảm như đeo mặt nạ trong kịch Noh. Nhưng cô giáo mắng tôi vì tội nhăn cằm trong khi cằm của tôi run lên vì tức giận, tôi như sắp khóc vì bị cô đánh thì bỗng các học viên khác phá ra cười. Cô giáo Bướu khiển trách tôi vì tội làm cho học trò cười, cô phạt đuổi tôi ra khỏi lớp.
Tôi không thể nói thân phận tôi sẽ ra sao dưới sự chăm sóc cẩn thận của cô giáo, nếu sau đó Mameha không đến nói chuyện với cô và giúp cô khám phá sự thật đã xảy ra. Tuy nhiên, tôi nghĩ cô Bướu trước đó đã ghét Hatsumono rồi, bây giờ sau khi biết cô ta đã lừa phỉnh mình, chắc cô còn ghét nhiều hơn nữa. Tôi sung sướng nói rằng cô giáo ân hận kinh khủng về cách cô đã đối xử với tôi, đến nỗi sau đó tôi đã trở thành cô học trò cô thích nhất.
Tôi xin nói là tôi không có thiên tài về bất kỳ môn gì hết, nhưng tôi có quyết tâm cao, làm việc với mục đích rõ ràng, cho đến khi tôi đạt được mục đích mới thôi. Từ ngày tôi gặp ông Chủ tịch vào mùa xuân, tôi chỉ ước mong sao tôi có được cơ may để trở thành geisha, tìm được chỗ đứng trong cuộc đời. Nay Mameha cho tôi cơ may này, tôi phải quyết tâm làm việc cho thật tốt. Nhưng vì học hành nhiều mà lại còn làm việc nhà với yêu cầu cao, cho nên tôi cảm thấy quá mệt trong sáu tháng luyện tập đầu tiên. Rồi sau đó tôi nghĩ ra cách để cho công việc dễ dàng hơn. Ví dụ tôi tìm các luyện tập đàn Shamisen trong khi đi làm các việc lặt vặt. Tôi vừa hát trong óc vừa làm những động tác đàn, tôi hình dung ra bàn tay trái di chuyển trên cổ đàn ra sao, và gảy cái gảy đàn vào dây như thế nào. Nhờ thế mà khi tôi ôm đàn vào lòng, là tôi đàn được một ca khúc trơn tru mặc dù trước đó tôi mới tập được một lần mà thôi. Có người tưởng tôi học mà không thực tập, thực ra tôi đã thực tập khi đi trên các nẻo đường ở Gion.
Tôi đã dùng một trò mánh lới khác để học các dân ca và các ca khúc khác mà chúng tôi đã học ở trường. Lúc còn thơ ấu, tôi thường chỉ cần nghe hát một lần là hôm sau tôi nhớ ngay. Tôi không biết tại sao, tôi đóan chắc trí óc tôi minh mẫn. Cho nên tôi viết lời ca lên một tờ giấy trước khi đi ngủ, rồi mỗi khi thức giấc, trong khi trí óc tôi còn sáng suốt, tôi đọc tờ giấy trước khi trở mình trên nệm. Thường như thế là đủ cho tôi nhớ, nhưng với âm nhạc thì khó khăn hơn, tôi bèn dùng mánh là nghĩ ra hình ảnh nào nhắc tôi nhớ đến âm thanh ấy. Ví dụ cành cây rơi từ trên cao xuống làm cho tôi nghĩ đến tiếng trống, hay là dòng suối chảy trên đá nhắc tôi nhớ đến động tác căng sợi dây đàn để nốt nhạc cao lên, và tôi hình dung ra bài ca như là một cuộc dạo chơi ngắm cảnh.
Nhưng dĩ nhiên bộ môn thách thức nhất, và quan trọng nhất đôi với tôi là múa. Nhiều tháng trời, tôi đã thử áp dụng các mánh lới tôi đã tìm ra, nhưng các phương pháp này không giúp gì được. Rồi một hôm bà Dì nổi giận khi tôi làm bắn nước trà lên tờ tạp chí bà đang đọc. Điều kỳ lạ là tôi nghĩ tốt về bà trong khi bà quắc mắt nhìn tôi. Sau đó tôi cảm thấy buồn da diết và tôi nghĩ đến chị tôi, hiện đang ở đâu đó trên nước Nhật mà không có tôi, và tôi nghĩ đến mẹ tôi, tôi hy vọng là bà được bình an ở trên thiên giới, và tôi nghĩ đến bố tôi, người sẵn lòng bán chúng tôi để sống cô độc cho đến hết đời. Khi những ý nghĩ này hiện ra trong óc tôi, cơ thể tôi trở nên nặng nề. Cho nên tôi leo lên lầu, về phòng Bí Ngô và nằm ngủ – vì Mẹ đã chuyển tôi lên đấy sau khi Mameha đến thăm nhà kỹ nữ của chúng tôi. Thay vì nằm xuống nệm rơm và khóc, tôi di chuyển cánh tay theo cách biểu lộ trạng thái khóc qua ngực. Tôi không biết tại sao tôi làm thế, đấy là một động tác trong bài học múa sáng nay, một động tác tôi thấy rất buồn. Lúc ấy tôi liền nghĩ đến ông Chủ tịch và tôi nghĩ đời tôi sẽ vô cùng hạnh phúc nếu tôi được sửa túi nâng khăn ột người như thế. Khi tôi nhìn cánh tay tôi quét qua không khí, chuyển động dịu dàng của cánh tay như muốn biểu lộ cảm giác buồn bã và ham muốn. Cánh tay tôi lướt qua không khí với sự chuyển động rất đường hoàng – không phải như chiếc lá rung rinh trên cành cây, mà như chiếc tàu thủy lướt trên mặt biển. Tôi nghĩ sự chuyển động “đường hoàng” là vì tôi muốn nói đến lòng tự tin, hay là tin tưởng, tôi tin rằng gió táp mưa sa gì cũng không làm thay đổi được hòan cảnh của tôi.
Điều mà tôi đã khám phá ra chiều hôm đó, là khi cơ thể tôi cảm thấy nặng nề, tôi di chuyển với thái độ rất đường hoàng. Và nếu tôi tưởng tượng ra ông Chủ tịch đang nhìn tôi, các cử động của tôi đã để lộ ra một ý nghĩ sâu xa, cho thấy rằng thỉnh thoảng mỗi chuyển động trong khi múa là một thứ ngôn ngữ giao tiếp với ông. Khi quay người đầu nghiêng về một bên là ý muốn hỏi “Ông Chủ tịch ơi, chúng ta sẽ ở bên nhau cả ngày ở đâu?” Duỗi cánh tay ra và quạt, là nói lên lòng biết ơn bao la của tôi khi ông ban cho tôi cái vinh dự được đến thăm công ti của ông. Rồi sau đó khi tôi khép quạt lại trong vở múa, đấy là lúc tôi nói với ông rằng trên đời này đôi với tôi không có gì quan trọng bằng việc làm cho ông hài lòng.