Ngay đêm đó, trong khi gia đình Arashino đã đi ngủ, tôi viết thư cho Mẹ dưới ánh lửa than “taidon” nấu thuốc nhuộm ở nhà phụ. Tôi không biết có phải do bức thư của tôi mà Mẹ chuẩn bị mở cửa nhà kỹ nữ lại hay không. Nhưng một tuần sau có một bà già đến gõ cửa nhà Arashino, và khi tôi ra mở cửa, tôi thấy bà Dì đang đứng bên ngoài. Hai má bà hóp vào, vì răng đã rụng hết, và da dẻ xám ngắt như người bị sốt rét. Nhưng tôi thấy bà vẫn mạnh khỏe. Bà xách theo một bao than trên một tay, còn tay kia xách một bao thực phẩm, bà mang đến biếu gia đình Arashino để cám ơn họ đã cho tôi tá túc bấy lâu nay.
Ngày hôm sau, tôi chảy nước mắt từ giã gia đình Arashino về lại Gion để cùng Mẹ và Dì bắt tay vào việc dọn dẹp nhà cửa. Khi nhìn cảnh nhà kỹ nữ tôi nghĩ ngôi nhà đã trừng phạt chúng tôi vì tội bỏ bê bao nhiêu năm qua. Chúng tôi phải bỏ ra bốn năm ngày liền để giải quyết các vấn đề khó khăn nhất: đó là lau chùi bụi bặm bám một lớp dầy trên các đồ gỗ, vớt chuột chết ở dưới giếng lên, lau chùi phòng của Mẹ ở trên lầu, ở đây chim đã phá rách chiếu rơm, lôi rơm để làm tổ ở hốc tường. Tôi ngạc nhiên thấy Mẹ làm việc rất cật lực, một phần vì chúng tôi chỉ còn giữ lại bà đầu bếp và một chị hầu lớn tuổi, nhưng chúng tôi có thêm một con bé tên là Etsuko. Cô bé là con gái ông chủ trại đã để bà Mẹ và Dì tá túc. Etsuko làm tôi nhớ lại những năm khi tôi mới đến Kyoto, vì cô bé cũng mới chín tuổi. Cô bé nhìn tôi cũng với ánh mắt sợ sệt như khi tôi nhìn Hatsumono, mặc dù tôi thường cười với cô ta. Cô bé cao, gầy như một cái chổi, khi đi trong nhà, mái tóc dài phất phơ phía sau. Khuôn mặt nhỏ xíu như hạt gạo, khiến tôi phải nghĩ rằng chắc đến một ngày nào đó cô ta cũng bị đem nấu như tôi để thành hạt cơm trắng toát ngon lành dọn giữa mâm cơm.
Khi nhà cửa đã yên ổn, tôi đi thăm viếng chào hỏi những nơi quen biết ở Gion. Tôi ghé thăm Mameha, bây giờ cô không có danna để có tiền thuê căn hộ rộng rãi được. Khi gặp tôi, cô ấy có vẻ kinh ngạc, vì cô nói mặt tôi trơ xương, nhưng phải nói là tôi kinh ngạc khi gặp cô ấy mới phải. Khuôn mặt trái xoan xinh đẹp của cô vẫn không thay đổi, nhưng cái cổ nổi gân và trông cô ấy quá già. Điều lạ nhất là thỉnh thoảng miệng cô ấy nhăn lại như bà già, vì răng của cô tuy không có gì thay đổi, nhưng đã bị long chân trong thời gian chiến tranh nên làm cho cô đau nhức.
Chúng tôi nói chuyện một hồi lâu, tôi quay qua hỏi cô không biết chúng tôi có tổ chức Vũ điệu Cố đô vào mùa xuân sắp đến không. Nhiều năm rồi không tổ chức trình diễn các vũ điệu này.
– Ỗ, sao lại không? – cô ấy đáp – Chủ đề của các màn trình diễn sẽ có tên “Vũ điệu trong suối”.
Nếu anh đã có lần đi thăm khu nghỉ mát có suối nước nóng hay chỗ nào đại loại như thế, anh sẽ thấy ở đấy có nhiều phụ nữ giả làm geisha để mua vui cho khách, họ đều là gái điếm cả, anh sẽ hiểu được lời nói có tính khôi hài này của Mameha. Người phụ nữ trình diễn màn Vũ điệu trong suối này có hành động như vũ thoát y. Chị ta giả vờ lội nước càng lúc càng lâu, nên chị vén vạt áo lên cho đến lúc khách thấy cái gì họ muốn thấy, rồi họ vui vẻ cụng ly với nhau.
– Với lượng lính Mỹ ở Gion như hiện nay – cô ấy nói tiếp – tiếng Anh của cô sẽ được việc cho cô nhiều hơn là múa. Tuy nhiên, nhà hát Kaburenjo đã biến thành một Kyabarei rồi đấy.
Tôi chưa bao giờ nghe nói đến từ này, nó do từ tiếng Anh Cabaret mà ra, tôi hỏi cô ấy mới biết nó có nghĩa là nơi múa hát vui chơi trong các hộp đêm. Trong thời gian còn ở với gia đình Arashino, tôi đã nghe nhiều chuyện về lính Mỹ với các buổi tiệc ồn ào của họ. Thế nhưng vào xế chiều hôm ấy, khi tôi đi vào một phòng trà, tôi quá đỗi ngạc nhiên thấy nhiều giày lính để lộn xộn trước cửa, chiếc nào chiếc nấy to như con chó Taku của Mẹ, chứ không phải một hàng giày đàn ông nằm ngay ngắn dưới tầng cấp như lúc trước nữa. Đi vào tiền sảnh, vật đầu tiên tôi thấy là một lính Mỹ mặc đồ lót đang co mình dưới kệ ở hốc tường, trong khi hai phụ nữ vừa cười vừa cố lôi anh ta ra. Khi tôi nhìn vào những đám lông đen trên tay, trên ngực, và ngay cả trên lưng anh ta, tôi cảm thấy chưa bao giờ tôi nhìn thấy một cảnh tượng không mấy đẹp như thế này. Rõ ràng anh ta đã mất cả áo quần trong trò thi uống rượu và cố đi trốn, nhưng sau đó anh ta để cho các cô nắm tay lôi ra khỏi hốc tường, dẫn ra hành lang và đẩy vào cửa. Tôi nghe tiếng reo hò, cười cợt khi anh ta vào phòng.
Khoảng một tuần sau ngày trở về, tôi chuẩn bị để xuất hiện lần đầu tiên làm geisha lại. Tôi bỏ trọn một ngày để đi từ tiệm làm tóc đến nhà người bói toán, ngâm tay để tẩy sạch vết dơ cuối cùng, và tìm khắp Gion để mua đồ hóa trang cần thiết. Khi ấy tôi đã gần ba mươi rồi, tôi không cần phải tô trắng mặt nữa, ngoại trừ vào những trường hợp đặc biệt. Nhưng ngày hôm ấy tôi cũng bỏ ra nửa giờ ngồi trước bàn trang điểm, dùng các thứ son phấn trang điểm theo kiểu Tây phương cho khuôn mặt của tôi bớt gầy ốm. Khi ông Bekku giúp tôi mặc áo, bé Etsuko đứng nhìn tôi như lúc trước tôi nhìn Hatsumono, và khi nhìn vào cặp mắt kinh ngạc của cô bé đang nhìn tôi trong gương, không nhìn gì khác nữa, tôi cũng biết tôi đã thực sự thành geisha trở lại.
Thế là tối đến tôi ra khỏi nhà, khắp Gion phủ một tấm màn tuyết thật đẹp, bụi tuyết phủ trắng các mái nhà. Tôi quàng khăn ra ngoài kimono, cầm dù sơn, tôi nghĩ người ta sẽ không nhận ra tôi như ngày tôi về Gion giống một cô gái quê. Tôi chỉ nhận ra khoảng một nửa các cô geisha tôi gặp ngòai đường. Rất dễ nhận ra cô nào sống ở Gion trước chiến tranh, và họ cúi chào tôi lịch sự khi gặp tôi, thậm chí có người có vẻ không nhận ra tôi. Còn những người khác chỉ gật đầu nhẹ thôi.
Thấy những lính ngoài đường, tôi sợ không biết khi đến phòng trà Ichiriki, tôi sẽ thấy cái gì. Nhưng khi đến nơi, cả một dãy giày sĩ quan đen bóng để ngoài cửa, và lạ thay, phòng trà im lặng hơn cả vào những ngày tôi còn làm tập sự. Nobu chưa đến – hay ít ra tôi chưa thấy dấu hiệu gì của ông ây – nhưng tôi được mời đến thẳng một căn phòng ở tầng dưới và được báo cho biết ông ta sắp đến. Thường khi tôi phải đợi ở khu gia nhân ở cuối hành lang, ở đây tôi được sưởi ấm tay và uống một tách trà nóng, không geisha nào muốn khách thấy mình ngồi nhàn rỗi. Nhưng tôi không nôn nóng vì phải đợi Nobu, mà tôi cảm thấy được ngồi đây vài phút quả là một đặc ân. Trong năm năm qua, tôi rất thèm được nhìn ngắm các đồ mỹ thuật, mà căn phòng này lại rất đẹp, khiến tôi say sưa chiêm ngưỡng. Tường phòng được phủ một lớp lụa màu vàng nhạt, cách sắp xếp rất mỹ thuật, tôi cảm thấy ấm cúng như được che chở an tòan, y như quả trứng được lớp vỏ bao bọc.
Tôi đợi Nobu đến, nhưng khi tôi nghe tiếng ông ta ngoài hành lang, tôi biết ông ta đã đưa ông Thứ trưởng Sato đến. Như tôi đã nói, tôi không quan tâm đến chuyện Nobu thấy tôi ngồi đợi, nhưng tôi nghĩ để cho ông Thứ trưởng thấy tôi ngồi đợi thì rất tai hại, vì có thể ông ta cho tôi là đồ tâm thường. Cho nên tôi vội lẻn nhanh qua phòng bên cạnh đấy. Phòng này không có ai hết. Nhờ thế mà tôi nghe được ông Nobu ba hoa chích chòe ở phòng bên kia.
– Phòng được không, thưa ông Thứ trưởng? – ông ta nói. Tôi nghe có tiếng trả lời nho nhỏ – tôi đã yêu cầu dành phòng này cho ông. Bức tranh vẽ theo kiểu trường phái Zen đẹp chứ, phải không thưa ông? – Rồi sau một hồi im lặng, Nobu nói thêm – phải đêm thật đẹp. Ồ, không biết ông đã nếm rượu sakê đặc biệt của phòng trà Ichiriki chưa nhỉ?
Chuyện tiếp diễn như thế đấy. Nobu có vẻ thoải mái khi giả vờ nhã nhặn hiền lành. Cuối cùng tôi đẩy cửa đi vào. Nobu mừng rỡ ra mặt khi trông thấy tôi.
Sau khi tự giới thiệu xong và quỳ xuống bên bàn, tôi mới ngước mắt nhìn ông Thứ trưởng. Mặc dù ông ta tuyên bố ông ta đã ngồi hàng giờ để nhìn tôi, nhưng tôi vẫn không nhận ra ông ta. Tôi không biết tại sao tôi lại có thể quên được ông ta, vì ông ta có một diện mạo rất dễ nhớ: tôi chưa bao giờ trông thấy có người nào quá lúng túng như thế, cứ cúi gầm mặt xuống mãi. Cằm của ông ta gần sát xương đòn gánh như là ông ta không thể ngẩng đầu lên được. còn hàm dưới thì bạnh ra trước, đến nỗi hơi thở có vẻ như bay ngược trở lại vào mũi. Sau khi gật nhẹ đầu chào tôi và xưng tên, tôi không nghe ông ta nói gì nữa ngòai những tiếng càu nhàu không ai hiểu ông ta muốn nói gì.
Tôi cố gợi chuyện một hồi lâu mới thấy cô hầu bưng khay sakê vào. Tôi rót rượu đầy tách cho ông ta, và tôi ngạc nhiên khi thấy ông ta trút tách rượu vào hàm dưới như trút vào ống cống. Ông ta ngậm miệng một lát rồi lại mở ra và trút rượu vào, rượu chảy xuống họng, không có dấu hiệu gì lộ ra như mọi người làm mỗi khi họ nuốt rượu xuống họng. Tôi chỉ biết ông ta đã nuốt rượu xong khi ông ta đưa cái tách không ra.
Ông ta uống rượu như thế mười lăm phút liền, hay nhiều hơn nữa trong khi tôi cố sức làm cho ông Thứ trưởng thoải mái bằng cách kể chuyện và nói đùa cho ta nghe, rồi hỏi ông ta đôi ba câu. Nhưng rồi tôi nhận thấy không có gì có thể làm “cho ông Thứ trưởng thoải mái” được. Ông ta không trả lời tôi một tiếng. Tôi đề nghị chúng tôi chơi trò chơi thi uống rượu, thậm chí tôi còn hỏi ông ta có thích hát hay không. Nửa giờ đầu trôi qua như thế, ông Thứ trưởng mới hỏi tôi có phải là vũ công hay không.
– Phải, em là vũ công. Ông Thứ trưởng có muốn em múa một điệu ngắn không?
– Không – ông ta đáp. Và thế là hết.
Ông Thứ trưởng có thể không nhìn thẳng vào mắt ai, nhưng ông thích nhìn kỹ thức ăn, vì tôi nhận ra điều này sau khi người hầu mang bữa cơm tôi đến cho hai người đàn ông. Trước khi bỏ thức ăn vào miệng, ông ta dùng đũa trở qua trở lại để xem xét thật kỹ. Nếu ông ta không biết đấy là thức ăn gì, ông ta hỏi tôi.
– Thưa đấy là khoai mỡ rán chấm với nước tương đậu nành – tôi nói cho ông ta biết khi ông ta đưa miếng thức ăn có màu vàng cam lên.
Thực ra tôi không biết chắc đấy có phải là miếng khoai mỡ, hay là lát gan cá voi, hay là cái gì, nhưng tôi nghĩ là ông Thứ trưởng không muốn nghe những thứ ấy. Sau đó, khi ông ta gắp lên một miếng thịt bò chấm nước sốt và hỏi tôi, tôi bèn định trêu ông ta chơi.
– Ỗ, đây là da chấm nước sốt – tôi nói – Đây là món đặc sản ở đây. Món ấy là da voi.
– Da voi à?
– Thưa Thứ trưởng, chắc ông biết em nói đùa chứ! Đây là thịt bò. Tại sao ông nhìn thức ăn kỹ thế? Bộ ông nghĩ là ở đây dọn thịt chó hay thịt gì ba láp cho ông ăn à?
– Tôi ăn được thịt chó mà. – ông ta đáp.
– Thế thì tuyệt quá. Nhưng đêm nay ở đây không có thịt chó. Ông đừng nhìn kỹ vào đũa như thế nữa.
Sau đó chúng tôi chơi trò thi uống rượu. Nobu rất ghét chơi trò này, nhưng ông ta giữ bình tĩnh sau khi tôi nhăn mặt với ông ta. Chắc chúng tôi đã để cho ông Thứ trưởng thua nhiều, vì sau đó, khi chúng tôi giải thích luật lệ chơi trò thi uống rượu mà chưa bao giờ ông ta chơi này, thì cặp mắt ông ta đã lờ đờ thất thần rồi. Ông ta đứng dậy đi đến phía góc phòng.
– Kìa ông Thứ trưởng – Nobu nói – ông đi đâu thế?
Câu trả lời của ông Thứ trưởng là một tiếng ợ, tôi nghĩ đây là câu trả lời quá rõ ràng rồi, nghĩa là ông ta sắp sửa mửa ra. Nobu và tôi chạy đến phía ông ta, nhưng ông ta đã lấy tay bịt lấy miệng. Nếu ông ta là ngọn núi lửa, thì bây giờ là lúc đang phun khói, cho nên chúng tôi phải mở nhanh cánh cửa thông ra vườn để cho ông ta mửa lên trên tuyết. Chắc anh kinh hòang khi nghĩ đến chuyện một người mửa trên một mảnh vườn trồng cây cảnh đẹp như thế, nhưng ông Thứ trưởng không phải là người đầu tiên. Giới geisha chúng tôi giúp ông ta đi đến nhà vệ sinh, nhưng thỉnh thỏang chúng tôi làm không được. Nếu chúng tôi nói cho cô hầu biết có một ông ra viếng vườn hoa, họ sẽ vội vàng mang dụng cụ làm vệ sinh chạy đến ngay.
Nobu và tôi cố giữ cho ông Thứ trưởng quì trên ngưỡng cửa để đầu chồm ra ngoài trên mặt tuyết. Nhưng mặc dù chúng tôi đã cố gắng hết sức, ông ta vẫn ngã nhào về phía trước. Tôi cố đẩy ông ta sang một bên để cho ông ta khỏi ngã lên chỗ mửa. Nhưng ông Thứ trưởng to như con bò mộng, cho nên tôi chỉ làm được công việc là đẩy ông ta nằm nghiêng một bên.
Nobu và tôi không làm gì được ngoài việc thất vọng nhìn cảnh ông Thứ trưởng nằm bất động trên tuyết, như một cành cây rơi xuống đất.
– Kìa ông Nobu – tôi nói – tôi không hiểu tại sao khách của ông lại tức cười như thế này.
– Theo tôi thì chúng ta đã giết ông ấy. Nếu cô hỏi tôi thì tôi xin đáp là ông ta đáng đời. Con người gì thật đáng giận!
– Ông cư xử với khách như thế này sao? Ông phải đưa ông ta ra ngoài đường, dẫn ông ta đi một vòng cho tỉnh táo. Hơi lạnh sẽ làm cho ông ta chóng tỉnh.
– Ông ta đang nằm trong tuyết không lạnh sao?
– Ông Nobu! – tôi nói.
Tôi nghĩ lời tôi nói ra có vẻ như lời khiển trách, vì Nobu thở dài, rồi ông ta bước ra ngoài vườn, chân chỉ mang vớ, cố làm cho ông Thứ trưởng tỉnh dậy. Trong lúc ông ta làm công việc này, tôi đi tìm một cô hầu đến giúp, vì tôi thấy ông Nbbu chỉ với một tay thật rất khó khăn đưa được ông Thứ trưởng vào lại trong nhà. Sau đó tôi đi tìm vớ khô cho hai người rồi báo cho cô hầu biết để cô ta ra dọn sạch sau vườn. Khi tôi trở vào phòng, ông Nobu và ông Thứ trưởng đã ngồi lại vào bàn. Chắc anh có thể tưởng tượng ra ông Thứ trưởng trông như thế nào, và có mùi như thế nào. Tôi phải đích thân cởi vớ của ông ta ra, nhưng tôi phải nhích người ra xa khi làm việc này. Khi tôi tháo vớ xong, ông ta gục xuống nằm dài trên chiếu một lát.
– Ông ấy có nghe chúng ta nói không? – tôi hỏi nhỏ Nobu.
– Ngay cả khi còn tỉnh, ông ấy cũng đã không nghe chúng ta nói. Có bao giờ cô gặp thằng cha nào điên hơn ông ta chưa?
– Ông Nobu, nói nhỏ nhỏ thôi chứ. Ông có tin ông ta vui thích đêm nay không? Có phải là ông có dự định làm như thế này không?
– Không phải tôi dự định, mà chính ông ta có dự định ấy.
– Em không tin chúng ta sẽ làm như thế này nữa vào tuần sau.
– Nếu ông Thứ trưởng đêm nay mà hài lòng, tôi cũng hài lòng.