Đời Nhẹ Khôn Kham

Chương 5: Nặng và nhẹ 2


1

Như tôi thuật ở phần một, ngay hôm Tereza đột ngột đến thăm Tomas ở Praha, hay đúng hơn ngay giây phút đầu tiên gặp gỡ, anh đã làm tình với cô. Nhưng sau đó cô lên cơn sốt nặng. Lúc cô nằm trên giường anh đứng bên cạnh nhìn cô, anh không sao gạt bỏ được ý nghĩ cô là đứa trẻ ai đó đặt trong chiếc thúng cói rồi đẩy xuống dòng nước trôi giạt đến chân anh.

Từ lúc đó anh thấy lòng mình yêu mến lạ lùng hình ảnh đứa bé sơ sinh bị bỏ rơi, và anh thường liên tưởng tới những huyền thoại cổ. Hiển nhiên, với ý tưởng đó trong đầu anh đi mua bản dịch quyển Oedipus của Sophocles.

Không ai không biết truyện Oedipus: bị bỏ rơi khi mới lọt lòng, chàng được vua Polybus đem về nuôi nấng. Một hôm, khi đã lớn khôn, chàng chạm trán một nhân vật quí phái cưỡi ngựa trên núi. Đôi bên đi đến chỗ gây gổ và Oedipus giết chết nhân vật nọ. Về sau chàng lấy hoàng hậu Jocasta làm vợ và trở thành chúa tể Thebes. Chàng không biết người chàng giết chết trên núi chính là cha chàng và người đàn bà chàng ngủ chung hằng đêm là mẹ chàng. Trong lúc đó, định mệnh giáng xuống thần dân chàng trận dịch tai ương khủng khiếp. Khi Oedipus biết ra chính mình là nguyên nhân nỗi thống khổ của thần dân, chàng tự chọc mù hai mắt rồi bỏ thành Thebes ra đi.

2

Người nhận định các chế độ Cộng sản ở Trung Âu đơn thuần chỉ là những tổ chức ăn cướp, người đó không nhìn ra sự thật hết sức cơ bản: bọn cầm đầu các chế độ ăn cướp đó không phải là bọn cướp. Chúng là những kẻ tin tưởng nhiệt thành vào niềm tin chúng tìm ra con đường duy nhất đưa con người đến Thiên đàng. Chúng kiên quyết bênh vực con đường đó, kiên quyết đến nỗi không ngần ngại giết hại không biết bao nhiêu mạng người. Dần dà về sau, khi Thiên đàng chỉ là ảo vọng, bọn người nhiệt tâm kia biến thành lũ sát nhân.

Đến lúc đó, mọi người đồng loạt lên án Cộng sản: Chính các ông đã đưa đất nước đến chỗ khốn cùng (càng ngày càng nghèo đói và lạc hậu); chính các ông đã làm mất nước (quốc gia rơi vào tay người Nga); chính các ông đã dung túng lũ sát nhân hợp pháp kia!

Những kẻ bị kết tội chống cự lại: Nào chúng tôi có hay biết gì đâu! Chúng tôi bị lừa gạt! Chúng tôi đầy lòng tin chân thành! Tận sâu trong tâm khảm chúng tôi là những người vô tội!

Cuối cùng, cuộc cãi vã thu hẹp lại còn câu hỏi duy nhất: Có thật họ không hề hay biết hay chỉ cố tình lấp liếm che đậy tội lỗi?

Tomas (cũng như mười triệu người dân Tiệp khác) theo dõi thật sát cuộc tranh luận, và anh có ý kiến riêng. Anh nghĩ chắc chắn phải có những người Cộng sản biết rất rõ về những tội ác xảy ra (làm sao họ không biết những tội ác kinh khủng xảy ra và vẫn đang tiếp diễn trong thời hậu cách mạng ở Nga), nhưng có lẽ phần lớn những người Cộng sản khác không hay biết gì.

Nhưng, anh nói với chính mình, dù họ biết hay không, vấn đề chính đặt ra ở đây là người không biết có tội hay vô tội? Thằng khùng ngồi trên ngai vàng được tha thứ chỉ vì hắn là thằng khùng?

Chúng ta thử nêu trường hợp như sau: Thời gian đầu thập niên kỉ 50, công tố viện Tiệp khắc đòi lên án tử hình một người dân vô tội chỉ vì ông biện lí bị mật thám Nga và chính nhà nước Tiệp lừa gạt. Nhưng giờ đây tất cả chúng ta đều biết rõ lời cáo buộc đó thật ra phi lí và người dân vô tội kia chết oan, nhưng thử hỏi ông biện lí đó làm sao có thể tự biện minh cho lòng thanh khiết của mình bằng cách đấm tay lên ngực và cất tiếng than van, “Lương tâm tôi trong sạch! Tôi không biết! Tôi chỉ là người có lòng tin!” Phải chăng chính cái “Tôi không biết! Tôi chỉ là người có lòng tin!” của ông ta là căn nguyên tội lỗi không sao cứu vãn.

Tomas liên tưởng điều này đến huyền thoại Oedipus: Oedipus không biết chàng ngủ với chính mẹ chàng, tuy vậy khi biết ra sự thật, chàng không thấy mình vô tội. Không ngăn được nỗi cắn rứt khi nhìn cảnh tượng tang thương do cái “không biết” của mình đem lại, chàng tự chọc mù hai mắt rồi bỏ thành Thebes ra đi.

Khi Tomas nghe người Cộng sản lớn tiếng biện minh cho lòng thanh khiết của họ, anh nhủ thầm, Chỉ vì cái “không biết” của bọn các ông, đất nước này mất tự do, có lẽ cả thế kỉ, vậy mà các ông bảo các ông vô tội được ư? Lương tâm các ông không bị cắn rứt khi nhìn cảnh đất nước tang thương hôm nay do chính tay các ông gây nên sao? Các ông không thấy kinh hoàng à? Các ông mù mắt cả rồi ư? Nếu chưa mù, các ông nên tự móc mắt mình rồi bỏ Thebes mà đi cho khuất!

Anh đắc ý với sự so sánh đó lắm và anh thường đem ra chia sẻ với bằng hữu chung quanh. Càng ngày ý tưởng anh trình bày càng chuẩn xác và chuốt lọc.

Cũng như tất cả các thành phần trí thức khác lúc đó, anh thường xuyên theo dõi tờ báo tuần do hội Nhà văn Tiệp ấn hành mỗi kì ba trăm ngàn số. Tờ báo khá độc lập và thường nêu những vấn đề bị xem là cấm kị. Chính tờ báo đã đưa ra câu hỏi ai là người gánh chịu mọi tội lỗi của những kẻ sát nhân hợp pháp do hậu quả những phiên toà chính trị trong thời kì đảng Cộng sản mới nắm chính quyền.

Tờ báo chỉ lập lại câu hỏi: Những người Cộng sản biết hay không biết? Tomas thấy câu hỏi này không đáng bàn tới, vì thế một hôm anh bỏ ra cả ngày trời cặm cụi viết xuống những ý tưởng anh ấp ủ bấy lâu và gửi bài viết đến tờ báo. Một tháng sau anh nhận được thư phúc đáp: họ mời anh đến toà soạn. Tổng biên tập tờ báo người thấp bé nhưng thẳng băng như cây thước kẻ. Ông đề nghị Tomas thay đổi vị trí đôi ba từ ngữ trong một câu văn. Sau đó ít hôm, bài báo xuất hiện – trên trang áp chót, trong mục Thư Bạn Đọc.

Tomas chẳng thấy vui lòng chút nào. Họ bỏ thì giờ mời anh đến toà soạn xin anh ưng thuận thay đổi vị trí đôi ba từ ngữ trong một câu văn, nhưng rồi không cần biết anh ưng chịu hay không, họ tự tiện cắt bỏ bài viết đến nỗi nội dung giảm xuống chỉ còn cái sườn căn bản (khiến bài viết trở nên giản lược và mang giọng điệu gây hấn.) Anh chán nản, không thèm để tâm đến nữa.

Chuyện đó xảy ra vào mùa Xuân 1968. Alexander Dubcek còn tại chức cùng những người Cộng sản thấy mình có tội và sẵn sàng làm điều gì đó để chuộc lại mọi lỗi lầm quá khứ. Nhưng những người Cộng sản khác, những người vẫn gào thét tự xưng là vô tội, sợ bị đem ra trừng trị trước pháp luật nếu toàn dân có ngày nổi cơn phẫn uất, hằng ngày họ đến cầu khẩn toà đại sứ Nga mong người Nga can thiệp. Khi lá thư Tomas xuất hiện trên mặt báo, họ hô hoán: Đó, thấy chưa! Bây giờ họ còn đòi chúng tôi phải tự móc mắt ra!

Hai ba tháng sau, người Nga quyết định phải chấm dứt trò tự do ngôn luận này trong hệ thống cai trị của họ, và một đêm họ xua quân sang đánh chiếm quê hương Tomas.

3

Khi Tomas từ Zurich về Praha, anh vẫn làm việc như cũ trong bệnh viện. Một hôm ông bác sĩ trưởng khoa phẫu thuật gọi anh vào phòng nói chuyện.

Ông bảo anh, “Cả anh lẫn tôi đều biết rõ anh không phải là nhà văn, cũng chẳng phải nhà báo hay người đứng lên cứu nguy đất nước. Anh là một y sĩ, một nhà khoa học. Tôi buồn lắm nếu mất anh và tôi sẽ làm bất cứ điều gì trong phạm vi khả năng của tôi để giữ anh lại đây. Nhưng anh phải lên tiếng phủ nhận bài báo anh viết về Oedipus. Với anh điều đó có ý nghĩa trọng đại lắm không?”

“Nói thật với ông, tôi thấy nó hết sức trọng đại.” Tomas vừa trả lời vừa nhớ lại bài viết của mình bị cắt bỏ cả một phần ba như thế nào.

“Anh biết chuyện bất tường sẽ xảy đến cho anh nếu anh không khứng chịu?”

Anh biết chứ. Đem hai sự việc đặt lên cán cân: một bên là danh dự (anh từ chối không chịu rút lại lời nói) và một bên là ý nghĩa đời sống (công việc anh đang làm trong ngành y tế.)

Ông y sĩ trưởng nói tiếp: “Áp lực bắt người ta phải phủ nhận câu nói tuyên bố trong quá khứ – nghe như đang ở thời Trung cổ. Nhưng ‘phủ nhận’ điều mình nói nghĩa là gì? Làm sao người ta có thể biện minh một cách rạch ròi điều mình nói lúc trước bây giờ lại không còn giá trị gì nữa? Thời nay, ý tưởng chỉ có thể bị bác bỏ chứ không thể phủ nhận. Và bởi lẽ chúng ta không thể phủ nhận một ý tưởng, tôi thiết tưởng anh nên làm vừa lòng họ. Trong một xã hội cai trị bằng bạo lực, không ai thèm quan tâm đến một câu nói. Toàn những lời tuyên bố bị ép buộc, và mỗi người dân lương thiện đều phải có bổn phận gác bỏ ngoài tai những lời nói đó. Để kết luận, tôi mong anh nghĩ đến tôi, đến những bệnh nhân mà ở lại với chúng tôi.”

“Ông nói rất đúng, tôi biết chắc như vậy.” Mặt Tomas bỗng buồn rười rượi.

“Nhưng?” Ông y sĩ trưởng cố dò xét ý nghĩ của anh.

“Tôi sợ không nhìn được mặt ai.”

“Không nhìn được mặt ai? Anh coi trọng đồng nghiệp anh đến nỗi anh sợ họ nghĩ gì về anh à?”

“Không, tôi chẳng coi trọng họ đến mức đó đâu.” Tomas trả lời.

“À, nhân tiện nói anh rõ, anh không phải công khai lên tiếng. Họ bảo đảm với tôi như thế. Họ quan liêu lắm. Họ chỉ cần nắm tờ giấy trong hồ sơ chứng nhận anh không chống chế độ để phòng ngừa trường hợp có kẻ báng bổ chỉ trích họ cho phép anh làm việc trong bệnh viện. Họ hứa không để lọt ra ngoài. Họ không có ý đồ phổ biến một chữ một lời nào.”

“Ông cho tôi một tuần lễ để suy nghĩ.” Tomas trả lời và câu chuyện tạm yên.

4

Trong bệnh viện, Tomas được xem là bác sĩ giỏi nhất khoa phẫu thuật. Có lời đồn đại ông y sĩ trưởng sắp đến tuổi về hưu và anh sẽ được cất nhắc lên thế chỗ. Khi lời đồn đó cộng hưởng với lời đồn anh bị nhà nước yêu cầu tự kiểm thảo, mọi người chắc mẩm anh sẽ ngoan ngoãn vâng lời thôi.

Đó là điều thứ nhất đập vào anh: mặc dù anh chưa bao giờ phạm điều gì khiến người khác phải nghi ngờ lòng liêm khiết của anh, nhưng anh thấy người ta sẵn sàng nghĩ xấu về anh thay vì bênh vực.

Điều thứ hai là phản ứng của họ về vị thế họ đang gán cho anh. Tôi có thể chia thành hai loại phản ứng cơ bản:

Phản ứng thứ nhất đến từ những người mà chính họ (hoặc những người thân quen) từng có hành động phủ nhận như vậy. Họ là người bị ép buộc phải công khai sống chung hoà bình với chế độ hay đang chuẩn bị sống như thế (bị ép buộc, dĩ nhiên – có ai tự ý đâu.)

Những người này bắt đầu nhìn anh với nụ cười khó hiểu trên môi, nụ cười trước đây anh chưa từng trông thấy bao giờ: nụ cười ngượng ngùng như thể trong bụng họ đang toan tính chuyện đồng loã bí mật nào đó. Nụ cười của hai người đàn ông tình cờ gặp nhau trong nhà thổ: cả hai ngượng ngùng trơ trẽn như nhau, nhưng cùng lúc lại thấy đỡ khổ vì dù sao đó là tội lỗi chung, người kia như mình thôi chứ có khá hơn chút nào đâu, và mối dây thân mật tình huynh đệ bỗng dưng nẩy nở giữa hai người.

Nụ cười còn hàm chứa niềm tự mãn vì Tomas xưa nay nổi tiếng là người cứng cỏi, ít chịu giam mình vào khuôn phép. Họ xem sự việc anh chấp thuận lời đề nghị của ông y sĩ trưởng là bằng chứng xác thực cho lòng hèn hạ đang dần dà nhưng vô cùng chắc chắn trở thành cái gì bình thường trong tư cách con người Tomas và chẳng bao lâu nó sẽ thay thế những điều cao đẹp họ vẫn nghĩ về anh. Anh không bao giờ xem bọn này là bạn hữu, và anh thấy thất đảm khi nghĩ giả như anh khứng chịu lời yêu cầu của ông y sĩ trưởng, họ sẽ bắt đầu mời mọc anh đến nhà ăn uống và nghiễm nhiên anh trở thành bạn bè thân quen trong đám họ.

Phản ứng thứ hai đến từ những người mà chính họ (hoặc những người thân quen) từng bị kết án. Có người không chịu cộng tác với nhà nước, có người tự tin họ sẽ không bao giờ thoả hiệp (như kí tên vào bản văn kiện đầu hàng) mặc dù không ai yêu cầu họ phải thi hành điều đó (thí dụ, họ còn quá trẻ để bị dính líu nhiều.)

Một hôm, bác sĩ S., một bác sĩ trẻ tuổi nhưng có tài, chận hỏi Tomas, “Thế nào? Anh viết thư cho họ chưa?”

“Cậu đang nói trăng nói cuội gì đấy?” Tomas hỏi lại.

“Việc gì anh phải trả lời tôi như vậy, chuyện anh định rút lại lời tuyên bố trước đây…” Giọng anh ta không chút ác ý. Trên miệng còn điểm nụ cười. Lại thêm một nụ cười hợm mình đắc chí.

“Cậu biết gì về lời tuyên bố của tôi?” Tomas hỏi lại. “Cậu đọc nó chưa?”

“Chưa.” S. trả lời.

“Vậy thì cậu đang bép xép chuyện gì đây?”

Vẫn hiu hiu đắc chí, vẫn nụ cười nửa miệng trên môi, S. trả lời, “Này, chúng tôi biết cả đấy. Anh kèm nó trong lá thư gửi lên ông y sĩ trưởng hay ông bộ trưởng nào đó. Rồi họ hứa với anh họ không tiết lộ ra ngoài để anh khỏi mất mặt. Có đúng như thế không?”

Tomas nhún vai để S. nói tiếp.

“Nhưng mặc dù bản văn có chữ kí đó được cất giữ thật kĩ lưỡng, người kí tên thừa biết bất cứ lúc nào nó cũng có thể bị công khai hoá. Vì thế từ giờ phút đó trở đi, anh ta sẽ không bao giờ dám hở miệng chỉ trích ai, không bao giờ dám có thái độ chống đối dù chỉ là chống đối lấy lệ. Hở ra một chút bản văn lập tức xuất hiện trên mặt báo, tên tuổi người kí tên sẽ bị bôi nhọ và rao truyền khắp nơi. Nhưng nhìn chung, cách đó có lẽ lại hay. Người ta còn tưởng tượng ra những điều độc hại hơn thế nhiều.”

“Vâng, cách đó hay lắm,” Tomas trả lời, “Nhưng xin cậu cho tôi biết ai là người gieo vào đầu óc cậu tư tưởng tôi sẽ khứng chịu trong chuyện này?”

S. nhún vai, nhưng nụ cười vẫn không tắt.

Đột nhiên Tomas nhận ra hiện tượng vô cùng lạ lùng: những người chung quanh ai nấy nhìn anh mỉm cười, mọi người đồng loạt muốn anh kí tên; điều đó làm họ vui sướng hả hê vô cùng! Hạng người với phản ứng thứ nhất vui sướng vì lòng hèn nhát được thổi phồng, và nhờ đó họ thấy tác phong họ lúc trước rất thông thường, chẳng có chi đáng trách và danh dự họ sẽ được phục hồi. Hạng người với phản ứng thứ hai mặc dù tự xem danh dự mỗi cá nhân là đặc quyền bất khả quy thuận, nhưng họ bí mật cưu mang tình thương cho những ai hèn nhát, bởi cõi đời này nếu không còn kẻ hèn nhát nữa thì lòng can đảm của họ chẳng bao lâu sẽ bị bào mòn thành cái gì tầm thường buồn tẻ, hết được ngưỡng mộ, tôn sùng.

Tomas chịu đựng hết nổi những nụ cười. Anh có cảm tưởng đâu đâu anh cũng thấy người ta cười vào mặt anh, ngay cả những người lạ mặt gặp trên hè phố. Anh bắt đầu mất ngủ. Lẽ nào? Có thật anh xem trọng những người này đến vậy sao? Không. Anh thấy họ chẳng có gì tốt lành đáng nói và anh giận dữ với chính anh đã để những cái liếc xéo kia làm anh điên đảo. Thật phi lí. Một mặt anh xem thường họ nhưng mặt khác anh lại bị ảnh hưởng quá nhiều từ những gì họ nghĩ về anh.

Có lẽ mối nghi hoặc vốn ăn sâu trong lòng anh về con người (không cho phép ai có quyền áp đặt lên định mệnh hay thẩm định con người anh) đã góp phần trong việc anh chọn lựa nghề nghiệp, làm nghề gì không phải ra đứng trước đám đông. Người chọn nghề chính trị là người tự nguyện dùng công chúng làm thẩm phán đánh giá con người mình với niềm tin ngây ngô mình sẽ được đám đông yêu chuộng. Nếu đám đông quần chúng kia biểu lộ lòng bất mãn, ông ta như bị khích động phải thực hiện những điều to tát tốt đẹp hơn, giống như Tomas hăm hở khi gặp ca bệnh khó khăn hiểm nghèo.

Y sĩ (khác với nhà chính trị hay người diễn viên) chỉ phải đối diện với bệnh nhân và những đồng nghiệp ngay bên cạnh mình, điều đó có nghĩa là, đằng sau cánh cửa khép kín, chỉ có quan hệ giữa người và người. Giờ đây phải đối diện với những cái nhìn phê phán, Tomas lập tức phản ứng với ánh mắt mình, để giải thích hay biện minh. (Lần đầu tiên trong đời) Tomas rơi vào cảnh huống mà những cái nhìn ập vào anh nhiều đến nỗi anh không sao ghi nhớ hết. Dù bằng ánh mắt nhìn ngược lại hay bằng ngôn từ, anh hoàn toàn bất lực. Vận mệnh anh nằm trong tay mọi người. Người ta xì xào cả trong lẫn ngoài bệnh viện (đó là thời điểm tin tức về những ai phải bội, ai rút lui, ai ra cộng tác, tràn ngập kinh thành Praha nơm nớp âu lo với tốc độ chớp nhoáng đến kì quặc của bức điện tín khẩn); và mặc dù biết vậy anh bó tay, không làm được điều gì. Anh ngạc nhiên khi thấy mình phải chịu đựng nhiều đến vậy. Anh không hiểu cái gì khiến anh hoảng sợ đến mức đó. Người đời chú ý đến anh lẽ ra chỉ gây khó chịu chút đỉnh như lúc bị kẹt giữa đám đông chen lấn hay như có đêm bị ác mộng vật vã xé áo xé quần.

Anh đến nói với ông y sĩ trưởng anh sẽ không viết một chữ nào.

Ông bắt tay anh chặt hơn bình thường, ông bảo ông đoán trước quyết định của anh.

“Có cách nào tôi vẫn ở lại bệnh viện mà không cần phải kí tên vào bản văn?” Tomas gợi ý ông y sĩ trưởng thử đưa ra biện pháp như toàn thể bác sĩ đồng nghiệp anh đe doạ từ chức nếu anh bị cách chức.

Nhưng các bác sĩ đồng nghiệp anh chẳng bao giờ mơ chuyện họ đồng loạt đe doạ từ chức và chỉ trong thời gian ngắn (ông y sĩ trưởng bắt tay anh chặt hơn cả lần trước – không khí nặng nề u ám suốt mấy ngày trời), anh bị đuổi khỏi bệnh viện.

5

Thoạt tiên anh về làm việc tại một bệnh xá cách Praha chừng năm chục dặm. Anh đáp xe lửa đi làm mỗi ngày và tối nào về nhà anh cũng mệt nhoài. Một năm sau, anh xoay xở tìm được chỗ gần nhà hơn, ngay ngoại thành Praha nhưng anh phải chấp nhận công việc thấp kém hơn nhiều. Anh chỉ khám bệnh cho toa chứ không được phép hành nghề bác sĩ giải phẫu. Phòng đợi bệnh xá lúc nào cũng chật cứng, anh có vừa vặn năm phút đồng hồ cho mỗi bệnh nhân; anh bảo họ uống bao nhiêu viên át-pi-rin, kí giấy xin nghỉ việc cho họ, xong giới thiệu họ đến bác sĩ chuyên khoa. Anh tự xem mình là công nhân viên nhiều hơn là bác sĩ.

Một hôm, lúc giờ tan việc, một gã đàn ông trạc năm mươi tuổi, nhân dáng bệ vệ ghé vào tìm anh. Gã tự giới thiệu là người đại diện cho bộ Nội vụ rồi mời Tomas sang quán bên kia đường uống rượu.

Gã đàn ông gọi một chai rượu. “Tôi phải lái xe về nhà,” Tomas từ chối khéo. “Tôi sẽ bị tịch thu bằng lái nếu bị bắt.” Gã mỉm cười. “Bất kì chuyện gì xảy ra, anh chỉ việc đưa họ xem cái này.” Đoạn gã chìa ra tấm danh thiếp in tên họ (dĩ nhiên là bí danh của gã) và số điện thoại trên bộ.

Sau đó gã lên giọng thuyết giảng tràng giang đại hải nào là gã vô cùng thán phục tài năng Tomas, nào là trên bộ hết sức khổ tâm về chuyện một bác sĩ khoa phẫu thuật có tài như Tomas mà phải ra ngồi phát át-pi-rin tại một chẩn y viện xa xôi. Gã cố tình cho Tomas thấy mặc dù gã không thể đứng ra tuyên bố công khai, nhưng ngành công an không đồng ý với những biện pháp gắt gao như bứng các chuyên gia ra khỏi công việc của họ.

Đã lâu Tomas không nghe ai tâng bốc mình, anh lắng nghe gã đàn ông mập mạp nói chuyện, và anh ngạc nhiên vì những gì gã biết về nghề nghiệp anh đều chính xác và chi tiết. Thế mới biết khi được thổi phồng nịnh bợ chúng ta trở nên yếu đuối xiết bao! Tomas không sao phân biệt được đâu là chân và đâu là giả từ gã đàn ông.

Nhưng không phải chỉ có sự nịnh nọt giả dối. Quan trọng hơn, Tomas là người thiếu kinh nghiệm. Khi bạn ngồi mặt đối mặt với một nhân vật khả kính, vui vẻ, và lịch sự, bạn sẽ thấy rất khó khăn nếu phải tự nhắc nhở tất cả những gì ông ta nói đều sai sự thật, tất cả đều không chân thành. Để duy trì lòng trá ngụy (liền lạc, có hệ thống, không chút chao động) đòi hòi người ta phải có nỗ lực phi thường và được huấn luyện kĩ lưỡng – nói cách khác, phải quen thẩm vấn kiểu công an. Tomas không có chút kinh nghiệm nào.

Gã đàn ông nói tiếp: “Chúng tôi biết anh có việc làm vị trí rất cao bên Zurich, và chúng tôi biết ơn anh đã quay về quê hương. Đó là hành vi cao cả. Anh ý thức được vị trí của anh ở đây.” Rồi gã nói thêm, như thể đang mắng nhiếc Tomas chuyện gì, “Nhưng vị trí của anh là nơi bàn mổ!”

“Tôi không chối cãi chuyện đó.” Tomas trả lời.

Sau một giây im lặng, gã đàn ông nói tiếp, giọng trầm xuống: “Vậy thì, hỡi ngài bác sĩ, có thật anh nghĩ những người Cộng sản nên tự móc mắt họ ra không? Anh, người đem sức khỏe đến cho không biết bao nhiêu con người?”

“Nhưng chuyện đó phi lí hết sức!” Tomas kêu lên bào chữa. “Tại sao ông không tìm đọc xem tôi viết cái gì?”

“Tôi đọc rồi.” Giọng gã bỗng trở nên cực kì bi thiết.

“Vậy, trong đó ông có thấy tôi viết người Cộng sản hãy tự móc mắt ra không?”

“Nhưng ai cũng hiểu như vậy.” Giọng gã càng lúc càng buồn bã.

“Nếu ông đọc từ đầu đến cuối bài viết khi chưa bị cắt xén, ông sẽ không nghĩ như vậy đâu. Bản in trên báo bị cắt bỏ đôi chút.”

“Cái gì?” Gã đàn ông ngồi bật dậy, tai vểnh lên. “Anh nói họ không đăng nguyên văn những gì anh viết à?”

“Họ cắt xén tùm lum.”

“Nhiều không?”

“Chừng một phần ba.”

Thái độ gã đàn ông xem chừng bất nhẫn thật. “Họ làm vậy không đúng đắn chút nào.”

Tomas nhún vai không nói gì.

“Lẽ ra anh phải phản đối, yêu cầu họ đính chính ngay!”

“Trước khi tôi kịp có thì giờ suy nghĩ về chuyện đó thì người Nga đã tràn sang. Lúc đó có ai rảnh rang đâu.”

“Nhưng anh đâu muốn thiên hạ nghĩ rằng anh, đường đường một bác sĩ, lại đòi tước đoạt quyền nhìn thấy ánh sáng của người khác.”

“Xin ông nghĩ kĩ giùm. Đó chỉ là lá thư độc giả, bị nhét vào tận trang cuối. Chẳng ai rỗi công đâu để ý đến nó ngoại trừ ban tham mưu toà đại sứ Nga, vì đó là cái gì họ tìm kiếm.”

“Anh chớ nên nói vậy! Chớ bao giờ nghĩ vậy! Chính tôi từng nói chuyện với nhiều người đọc bài viết của anh và ai cũng tỏ ý ngạc nhiên khi biết anh là tác giả. Nhưng bây giờ anh nói tôi mới biết bài viết của anh bị sửa đổi, và tôi thấy có nhiều chuyện ăn khớp vào nhau. Họ có thuyết phục anh làm chuyện đó không?”

“Thuyết phục tôi viết bài báo? Không. Tôi tự ý viết và gửi đến họ.”

“Anh biết rõ những người ở đó không?”

“Người nào?”

“Người đã cho đăng bài viết của anh.”

“Không.”

“Có nghĩa là anh không bao giờ nói chuyện với họ?”

“Họ có yêu cầu tôi đích thân đến toà soạn một lần duy nhất.”

“Tại sao?”

“Về bài viết.”

“Anh nói chuyện với những ai?”

“Một trong những biên tập viên.”

“Tên ông ta là gì?”

Mãi đến lúc đó Tomas mới chợt nhận ra anh đang bị thẩm vấn. Ngay lập tức anh biết mỗi lời anh nói ra đều có thể gây rắc rối nguy hiểm đến người nào đó. Anh nhớ tên người biên tập viên tờ báo nhưng chối phăng: “Tôi không nhớ tên ông ta là gì.”

“Này, này.” Giọng gã đàn ông bỗng nhiên đầy bực tức, “Anh đừng bảo tôi ông ta không tự giới thiệu!”

Thật là bi hài, sự việc chúng ta được nuôi nấng dậy dỗ tử tế lại là đồng minh đắc lực của công an. Chúng ta không biết nói dối. Mệnh lệnh từ các bậc cha mẹ bề trên “Hãy nói thật!” như tiếng trống đập vào tai thành thói quen tự động đến nỗi ngay cả không thành thật với gã công an chìm đang thẩm vấn cũng khiến chúng ta thấy xấu hổ ngượng ngùng. Thà lớn tiếng cãi cọ hay mắng chửi sỉ nhục (không hợp lí chút nào) còn dễ dàng hơn phải nói lời dối trá vào mặt hắn (điều duy nhất làm được.)

Khi gã đàn ông buộc lỗi Tomas thiếu thành thật, anh suýt chút nữa thấy mình có lỗi; phải khó khăn lắm anh mới vượt qua bức tường đạo đức để câu nói dối gọn gàng trôi chảy: “Tôi chắc ông ta có tự giới thiệu, nhưng vì không có chi đáng để ý nên tôi quên béng.”

“Tướng mạo ông ta ra sao?”

Người tiếp chuyện Tomas ở toà báo dáng người thấp lùn, mái tóc màu nâu nhạt cắt ngắn. Dựa vào đó Tomas cố tình bịa ra hình ảnh hoàn toàn trái ngược: “Ông ta cao ráo, tóc đen, dài.”

“A, và cằm thì lớn.”

“Đúng đấy.”

“Lưng hơi gù.”

“Đúng.” Đến đây Tomas biết gã đàn ông đối diện anh đã phăng ra được một nhân vật nào đó. Tomas đang làm công tác điềm chỉ một người làm báo đáng thương, nhưng quan trọng hơn, dữ kiện anh đưa ra hoàn toàn sai lạc.

“Ông ta cần gặp anh để nói chuyện gì?”

“Chỉ để thay đổi vị trí một từ ngữ.”

Nghe như một cố gắng né tránh lố bịch tức cười. Một lần nữa, gã đàn ông như không dằn được bực tức vì Tomas không chịu nói sự thật: “Thoạt đầu anh bảo tôi họ cắt xén cả một phần ba bài viết của anh, bây giờ anh bảo họ nói chuyện với anh chỉ để thay đổi vị trí một từ ngữ. Nghe có hợp lí không?”

Lần này Tomas trả lời không ngượng ngập, bởi điều anh nói hoàn toàn có thật. “Nghe không hợp lí chút nào, nhưng đó là sự thật.” Anh cười. “Họ xin phép tôi cho họ thay đổi vị trí từ ngữ trong một câu văn và rồi họ cắt xén một phần ba những gì tôi viết.”

Gã đàn ông lắc đầu như thể không hiểu nổi việc làm tắc trách như vậy. “Việc họ làm không đúng chút nào.”

Gã uống cạn li rượu rồi kết luận: “Bác sĩ, anh bị họ cho vào tròng, anh bị lợi dụng. Thật bất hạnh cho anh và cho các bệnh nhân của anh đã phải gánh chịu thiệt hại do việc họ gây ra. Chúng tôi hiểu rất rõ khả năng của anh. Để xem chúng tôi làm được những gì.”

Gã thân thiện bắt tay Tomas đoạn hai người từ giã.

6

Sau buổi nói chuyện với gã đàn ông trên bộ, Tomas thấy lòng mình chìm đắm trong nỗi buồn vô hạn. Càng nghĩ anh càng không hiểu tại sao anh có thể kéo dài câu chuyện với gã trong bầu không khí vui vẻ như vậy. Đồng ý đi theo gã (chuyện xảy đến bất ngờ quá và anh không nắm rõ luật pháp cái gì được phép và cái gì trái phép), nhưng ít nhất anh vẫn có thể khước từ lời mời uống rượu với gã như hai người bạn thân thiết chứ! Giả sử có người trông thấy anh vào quán với gã và biết gã là công an chìm, người đó đương nhiên sẽ suy luận Tomas đang cộng tác với công an nhà nước! Và việc gì anh phải cho gã biết bài viết anh bị cắt xén? Tại sao anh phải ném ra sự kiện đó? Anh tự bất mãn với chính anh không để đâu cho hết.

Hai tuần lễ sau, gã đàn ông trên bộ lại đến tìm anh. Gã lại mời anh đi uống rượu nhưng lần này Tomas yêu cầu nói chuyện ngay tại văn phòng anh.

“Vâng, bác sĩ, tôi hiểu rõ lắm.” Gã đàn ông vừa trả lời vừa nhếch mép cười.

Tomas hơi thắc mắc về thái độ gã đàn ông. Gã nói năng như tay đấu cờ đang cho đối thủ biết nước cờ trước chú mày đi hỏng rồi.

Hai người ngồi đối diện nhau, Tomas sau bàn giấy. Sau chừng mười phút nói chuyện lan man về trận dịch cúm đang hoành hành, gã đi vào vấn đề chính, “Chúng tôi suy nghĩ rất nhiều về trường hợp của anh. Giữa chúng ta chuyện đó thật ra chẳng có chi trọng đại. Nhưng ở đây chúng ta có quần chúng để quan tâm. Chính vì thế dù có chủ ý hay không bài viết của anh cũng đã thổi phồng ngọn lửa chống Cộng điên cuồng vào quần chúng. Tôi phải cho anh hay sự việc nghiêm trọng đến nỗi có người đòi đưa anh ra toà xét xử. Xúi giục dân chúng bạo động là có tội.”

Gã ngưng nói trong chốc lát để nhìn vào mắt Tomas. Anh nhún vai không nói gì. Gã đàn ông đổi lại giọng hoà nhã. “Nhưng chúng tôi biểu quyết chống đề nghị đó. Không cần biết trách nhiệm anh ra sao trong việc đó, xã hội phải biết tận dụng những người có khả năng như anh. Ông bác sĩ trưởng nơi bệnh viện anh làm việc lúc trước đề cao anh hết lời. Chúng tôi còn nhận được báo cáo từ bệnh nhân của anh nữa. Anh là một chuyên gia giỏi. Bác sĩ không cần phải hiểu biết chính trị. Anh đã để mình bị lôi cuốn. Đã đến lúc chúng ta giải quyết chuyện này, một lần cho xong, rồi thôi. Vì lẽ đó, chúng tôi dự thảo lá thư này để anh kí tên vào. Anh chỉ cần gửi lá thư cho báo chí, chúng tôi sẽ thu xếp mọi chuyện làm sao cho lá thư xuất hiện đúng lúc trên mặt báo.” Gã trao vào tay Tomas mảnh giấy.

Tomas đưa mắt đọc sơ và anh toát mồ hôi hoảng sợ. So với lá thư ông y sĩ trưởng yêu cầu anh kí cách đây hai năm trước tờ giấy này mang lời lẽ nặng nề độc hại hơn nhiều. Ngoài chuyện rút lại bài viết về Oedipus, lá thư còn chứa đựng những câu như tỏ ý mến yêu Liên bang Sô viết, tuyên thệ trung thành với đảng Cộng sản, lên án thành phần trí thức, đổ lỗi thành phần này muốn đẩy đất nước vào cảnh nội chiến; và, trên hết, nó miệt thị ban biên tập tờ báo tuần (đặc biệt nhấn mạnh đến người biên tập cao cao lưng gù; Tomas chưa bao giờ gặp mặt, nhưng anh biết tên tuổi ông và thấy hình ảnh ông xuất hiện trên mặt báo), tố giác những người đó đã bóp méo bài viết của anh, dùng bài viết như công cụ, biến nó thành lời kêu gọi dân chúng phản cách mạng. Thật hèn nhát! Không dám tự phát biểu những điều đó, họ phải núp sau lưng người y sĩ thật thà ngây thơ.

Gã đàn ông nhận ra nét hoảng sợ trong ánh mắt Tomas. Gã chồm người tới thò tay dưới gầm bàn thân thiện vỗ lên đùi anh. “Bác sĩ nên nhớ đây chỉ là bản dự thảo thôi! Bác sĩ suy nghĩ thật kĩ và nếu có gì trong đó anh muốn thay đổi tôi chắc không đến nỗi khó khăn lắm đâu. Nói cho cùng, chính anh là người kí tên mà!”

Tomas trả lại gã công an chìm tờ giấy như thể anh không muốn giữ nó trong tay mình thêm phút giây nào nữa, như thể anh lo sợ rủi có người tìm ra dấu tay anh trên đó. Nhưng thay vì cầm lại tờ giấy, gã công an chìm giang hai cánh tay ra với thái độ sững sờ đầy giả dối (tư thế gã rất giống lúc Đức Giáo hoàng giang tay ban phép lành cho tín đồ dưới bao lơn). “Ô hay, tại sao bác sĩ lại làm thế? Cứ giữ nó đi. Về nhà rồi bình tĩnh suy nghĩ lại.”

Tomas lắc đầu, cánh tay anh vẫn nhẫn nại đưa thẳng về phía trước. Cuối cùng, gã đàn ông phải thu lại tư thế giang tay như Đức Giáo hoàng để cầm tờ giấy.

Tomas định nói thẳng vào mặt gã cách rạch ròi là anh sẽ không đời nào viết hay kí tên vào bất cứ bản văn nào, nhưng chưa kịp nói anh vụt đổi ý, và bằng giọng nói từ tốn anh bảo gã, “Tôi đâu có mù chữ, phải không? Tại sao tôi phải kí tên vào mảnh giấy không do chính tôi đặt bút viết?”

“Tốt lắm, bác sĩ. Làm theo cách của anh cũng tốt thôi. Anh cứ tùy tiện viết xuống rồi chúng ta cùng duyệt lại sau. Anh có thể dựa vào những gì anh vừa đọc làm bản mẫu.”

Tại sao Tomas không từ chối phứt cho xong?

Có lẽ đây là điều đang vụt qua trí óc anh: Ngoài việc dùng những lá thư tương tự để áp đảo dân trong nước (hiển nhiên đây là chiến lược của người Nga), riêng trường hợp Tomas nha công an có thể đang nhắm vào mục đích cụ thể: rất có thể họ đang đi thu lượm tang chứng để truy tố ra toà những biên tập viên tờ báo đăng bài viết của anh. Nếu quả thật như vậy, họ cần văn kiện để trưng ra trong phiên xử và dùng nó cho chiến dịch bôi nhọ trên báo chí. Trường hợp anh từ chối thẳng, trên nguyên tắc, nha công an vẫn có thể ngang nhiên ngụy tạo chữ kí anh rồi đăng tải lá thư không cần biết anh có cho phép hay không. Sẽ chẳng tờ báo nào dám đăng lời thanh minh của anh. Không người nào trên cõi đời này không tin anh viết hay kí tên vào lá thư. Trông thấy người khác khổ sở nhục nhã người ta thống khoái đến độ chẳng ai buồn quan tâm đến một lời giải thích biện minh.

Cho bọn công an hi vọng anh tự tay viết lá thư, anh kéo dài được ít thì giờ. Ngay ngày hôm sau anh xin nghỉ việc. Anh suy nghĩ (đúng) sau khi anh tự nguyện bước xuống nấc thang thấp nhất của xã hội (cùng với cả ngàn trí thức ở các lãnh vực khác), bọn công an sẽ để anh yên. Lí do giản dị bởi khi anh ở nấc thang thấp nhất, lá thư dù tung ra sẽ chẳng ai tin là thật. Xưa nay sự bôi nhọ thường đi đôi với sự đi lên của người kí tên chứ chẳng bao giờ dính líu đến người đi xuống.

Nhưng quốc gia nơi Tomas sinh trưởng, bác sĩ là nhân viên nhà nước và nhà nước có toàn quyền quyết định cho đi hay giữ lại người làm. Nhân vật Tomas thương lượng xin thôi việc biết rõ tên tuổi và chức phận anh, ông cố nài nỉ anh ở lại. Đột nhiên Tomas thấy hoang mang về quyết định của mình, nhưng cùng lúc anh thấy như bị trói buộc vào quyết định đó bằng lời thề bất thành văn, vì vậy anh đứng bật dậy. Và đó là câu chuyện đưa đẩy Tomas trở thành người lau chùi cửa sổ.

7

Ít năm trước đó, trong lúc trên đường từ Zurich quay về Praha, Tomas lẩm nhẩm trong đầu câu, “Es muss sein!” Anh đang nghĩ đến tình yêu anh dành cho Tereza. Tuy vậy, lúc vừa băng qua biên giới, anh bỗng thấy hoang mang trong lòng và anh không rõ có thật không còn con đường nào khác và anh phải trở về. Sau đó, lúc nằm yên bên cạnh Tereza, anh hồi tưởng duyên cớ anh và Tereza gặp nhau do một chuỗi những biến cố tình cờ đến tức cười xảy ra bảy năm trước đó (khi ông y sĩ trưởng bị đau dây thần kinh háng) và những biến cố dun rủi đẩy anh vào cái cũi anh không cách nào thoát ra.

Phải chăng điều đó có nghĩa đời sống anh thiếu “Es muss sein!” anh không có động lực cần thiết tự làm chủ đời mình ư? Có chứ, theo tôi nghĩ. Nhưng nó ở bên lãnh vực nghề nghiệp của anh chứ không phải trong tình yêu. Anh làm nghề thuốc không phải do tình cờ hay chủ ý lựa chọn mà do lòng khao khát sâu đậm trong anh.

Nếu phải phân loại con người ra nhiều thành phần khác nhau, tiêu chuẩn phân định bảo đảm chính xác nhất là nỗi khao khát ăn sâu trong lòng mỗi người muốn làm công việc gì suốt cuộc đời mình. Mỗi người Pháp là một con người cá biệt. Nhưng tất cả diễn viên trên cõi đời này tương tự như nhau – dù ở Paris, Praha hay bất cứ chân trời nào khác. Diễn viên là người ngay từ tuổi ấu thơ đã tự nguyện suốt cuộc đời đem chính bản thân ra phô diễn cho công chúng xem. Nếu không có lòng tự nguyện cơ bản đó, không ai có thể trở thành diễn viên. Lòng tự nguyện không dính dáng gì đến bẩm chất thiên tư, trong con người nó nằm ở tầng sâu hơn tầng bẩm chất. Tương tự như vậy, y sĩ là người tự nguyện dùng trọn đời mình làm công việc liên quan đến thể xác con người và tất cả những gì dính líu đến nó. Chính lòng tự nguyện cơ bản đó (không phải tài năng thiên phú) là động cơ thúc đẩy hắn bước chân vào phòng mổ năm đầu trường thuốc và bền tâm vững chí suốt những năm trời học hỏi.

Ngành phẫu thuật đẩy chức năng cơ bản của nghề thuốc đến bến bờ tận cùng nhất, nơi con người tiếp cận với thiêng liêng. Khi có người bị đánh thật mạnh vào đầu, hắn ngã vật xuống và tắt thở. Mặt khác, không chuyện gì xảy ra, ngày nào đó hắn cũng sẽ ngừng hơi thở. Cách giản dị, sát nhân chỉ là hành động thúc đẩy cho mau chóng cái gì Thượng đế đã an bài. Có thể giả thiết Thượng đế nghĩ đến trường hợp sát nhân chứ Ngài không nghĩ đến ngành phẫu thuật. Ngài không bao giờ tưởng tượng nổi có kẻ dám cả gan thò tay vào bộ máy Ngài tạo dựng, bộ máy có lớp da bao bọc cẩn thận bên ngoài che kín không cho con mắt phàm tục nào trông thấy. Khi Tomas cầm con dao mổ chạm vào da thịt người bệnh đang bị gây mê và rạch thủng làn da với nhát dao thật chuẩn xác đều đặn (như thể đó là miếng vải – áo khoác ngoài, váy đàn bà hay bức màn che), trong thoáng chốc nhưng vô cùng mãnh liệt anh có cảm giác dường như Thượng đế đang bị anh thách thức. Chính đây mới là cái gì cuốn hút anh! Đây mới đích thực là cái “Es muss sein!” bám rễ sâu chặt trong anh, và nó được cấy vào không phải do những sự kiện tình cờ may rủi, không phải vì chứng bệnh đau dây thần kinh háng của ông y sĩ trưởng hay bất cứ duyên do ngoại tại nào khác.

Nhưng, phần đời trọng đại như thế làm sao anh có thể vất bỏ cách mau chóng, quả quyết và dễ dàng như vậy?

Có lẽ anh sẽ giải thích anh làm vậy chẳng qua chỉ vì anh không muốn bọn công an lợi dụng mình. Nhưng thành thật mà nói, trên lí thuyết điều đó rất có thể xảy ra (một số trường hợp thật sự xảy ra như vậy), nhưng không có gì làm chắc công an sẽ dùng chữ kí anh cho một bài báo ngụy tạo.

Đồng ý, người ta có quyền hãi sợ những điều hung hiểm vẩn vơ. Đồng ý, anh rầu rĩ với chính anh, vì anh quá vụng về, và anh muốn tránh né mọi tiếp xúc với công an để khỏi phải chịu đựng cảm giác bất lực mỗi lần bị tra vấn. Và đồng ý, dù sao anh cũng mất việc rồi, bởi công việc phát thuốc anh làm nơi chẩn y viện nọ không chút liên quan đến quan niệm của anh về ngành thuốc. Ngay cả như vậy, tôi vẫn thấy có điều gì bất thường kì quặc trong cách thế anh quyết định vội vã bỏ đi. Phải chăng còn có cái gì khác lạ sâu bên dưới tiềm ẩn trong anh và nằm ngoài mọi lí lẽ suy nghĩ thông thường?

8

Mặc dù qua Tereza anh biết thưởng thức và yêu nhạc Beethoven, Tomas thật ra không có căn bản nhiều lắm về âm nhạc, và tôi chắc anh không biết rõ câu chuyện thật xảy ra đằng sau mô-típ “Muss es sein? Es muss sein!” nổi tiếng của Beethoven.

Chuyện đó xảy ra như sau: Có người tên Dembscher thiếu nợ Beethoven năm chục quan tiền, và khi nhà soạn nhạc, vốn lúc nào cũng rỗng túi, nhắc nhở Dembscher về món nợ, ông ta thở hắt ra áo não và trả lời, “Muss es sein?” Beethoven cười lớn đáp, “Es muss sein!” và lập tức ông ghi xuống sổ tay hai câu nói đó cùng với giai điệu kèm theo. Dựa trên mô-típ rất thật này Beethoven soạn khúc luân xướng cho bốn giọng: ba giọng hát câu “Es muss sein, es muss sein, ja, ja, ja, ja!” (Phải vậy thôi, phải vậy thôi, vâng, vâng, vâng, vâng!), và giọng thứ tư lượn hoà theo “Heraus mit dem Beutel!” (Hãy chìa ví tiền ra!).

Một năm sau, cũng mô-típ đó xuất hiện làm căn bản cho hành âm thứ tư trong tứ cầm khúc cuối cùng, Opus 135. Ở thời điểm này, Beethoven quên bẵng ví tiền của Dembscher. Nhóm chữ “Es muss sein!” bỗng nhiên thụ đắc tiếng chuông trang trọng hơn nhiều; như thể nó trực tiếp xuất phát từ đôi môi của Định mệnh. Trong ngôn ngữ của Kant, ngay cả câu nói “Chào ông” nếu phát âm đúng lúc cũng có thể mang hình thức một công án siêu hình. Tiếng Đức là ngôn ngữ với những từ nặng kí. “Es muss sein!” không còn là câu chuyện đùa giỡn khôi hài nữa; nó biến thành “der schwer gefasste Entschluss” (nỗi khó khăn hay quyết định trọng đại).

Vì lẽ đó, Beethoven biến nguồn cảm hứng tầm phào lăng nhăng thành khúc nhạc nghiêm trang, từ câu chuyện bông phèng thành chân lí siêu hình. Một mẩu chuyện lí thú từ nhẹ biến thành nặng hay, như Parmenides nói, từ dương tính sang âm tính. Tuy vậy, điều đó chẳng làm chúng ta ngạc nhiên. Mặt khác, chúng ta sẽ bị sốc nặng giả như Beethoven cải biên nhạc bản tứ cầm khúc trang trọng thành khúc luân xướng bốn giọng bông phèng lăng nhăng về cái ví tiền của Dembscher. Nếu làm vậy, Beethoven sẽ mang tinh thần Parmenides biến nặng thành nhẹ, nghĩa là từ âm tính sang dương tính! Thoạt tiên (dưới dạng bản phác thảo chưa hoàn chỉnh) là chân lí siêu hình, và chung cuộc (một tuyệt tác) – là câu chuyện nhăng nhít tào lao chưa từng thấy! Nhưng chúng ta không biết tư duy như Parmenides nữa.

Tôi có cảm tưởng Tomas từ lâu bị cái “Es muss sein!” trang trọng, khắc nghiệt, hung hãn kia âm ỉ dày vò và anh âm thầm ôm ấp hoài vọng theo đuổi tinh thần Parmenides biến nặng thành nhẹ. Nên nhớ có thời điểm trong cuộc đời, anh hoàn toàn dứt bỏ mọi liên hệ với người vợ trước và đứa con trai, anh còn thấy nhẹ nhõm khi chính cha mẹ ruột anh không thèm nhìn mặt anh. Phải chăng bên dưới mọi thứ đó hiện hữu duy nhất một hành động bừa bãi và hoàn toàn phi lí để phủ nhận cái gì vẫn lên tiếng tự nhận là trọng trách, là “Es muss sein!” của anh?

Dĩ nhiên, đó là cái “Es muss sein!” ngoại tại do xã hội gán lên anh, trong khi cái “Es muss sein!” nội tại là lòng đam mê anh dành cho nghề thuốc. Thật là thiệt thòi cho anh biết bao. Chức năng nội tại bao giờ cũng mãnh liệt hơn và vì thế lúc nào cũng là động cơ xúi giục nổi loạn mạnh mẽ hơn các yếu tố khác.

Làm bác sĩ giải phẫu là cắt xẻ bề ngoài sự vật và nhìn thấu suốt bên trong. Có lẽ Tomas chọn nghề giải phẫu vì lòng khao khát muốn nhìn thấy tận mắt bề bên kia cái “Es muss sein!”; nói cách khác, anh muốn biết đời sống anh còn lại gì sau khi anh phủ nhận những điều trước đó được xem là sứ mệnh.

Hôm đi nhận việc mới từ người đàn bà tốt bụng bao thầu mọi công việc lau chùi cửa tiệm, phòng trưng bày ở Praha, và đối đầu với thực tế cụ thể kẹt cứng do chính tay mình gây ra, anh bị sốc nặng. Anh tê cứng trong cơn sốc đó liên tiếp mấy ngày đầu. Nhưng sau khi cảm giác lạ lùng đến rụng rời đó trôi qua (mất một tuần), anh đột nhiên thấy mình như đang hưởng những ngày nghỉ hè dài hạn.

Giờ đây, anh thấy vô cùng thú vị làm công việc trước đây anh chẳng bao giờ thèm đếm xỉa. Anh chợt hiểu lí do tại sao những người (có lúc anh nhìn họ với con mắt tội nghiệp xót thương) thơ thới trong lòng khi họ làm công việc không bị cưỡng ép phải mang trên vai trọng trách “Es muss sein!”. Họ quên ngay công việc giây phút từ sở làm về nhà mỗi tối. Đây là lần đầu tiên anh có cảm giác vui sướng khác lạ này. Trước đây, mỗi khi có chuyện khó khăn trắc trở trên bàn mổ, anh buồn rầu chán nản đến mất ngủ. Ngay cả đàn bà anh cũng chẳng thiết ngó ngàng. Cái “Es muss sein!” của nghề nghiệp như con ma cà rồng hút hết máu mủ anh.

Giờ đây, lang thang trên đường phố Praha, gậy gộc, bàn chải vác trên vai, anh thấy mình như trẻ lại đến mười tuổi. Các cô bán hàng gọi anh là “bác sĩ” (hệ thống truyền tin rỉ tai ở Praha làm việc hữu hiệu hơn bao giờ) và nhờ vả anh cố vấn những chứng bệnh thông thường như cảm cúm, nhức lưng hay kinh nguyệt không đều. Các cô ngượng ngùng nhìn anh tưới nước lên mặt kính, gắn bàn chải vào đầu gậy và chăm chỉ lau chùi. Nếu bỏ mặc khách hàng trong tiệm được chắc các cô đã chạy ra giành lấy bàn chải trên tay anh.

Tomas làm việc hầu hết tại những cửa tiệm lớn, nhưng đôi khi bà chủ anh cũng sai anh đến làm tại tư gia. Dân chúng vẫn đứng sau giới trí thức bị nhà nước đàn áp ngược đãi, và khi hay tin Tomas phải đi lau chùi cửa kính kiếm kế sinh nhai, bệnh nhân cũ của anh gọi điện thoại tới tấp đòi chính anh đến nhà họ. Họ mời anh vào nhà uống sâm banh hay rượu mận. Họ kí tên vào tờ biên nhận lau chùi mười ba ô cửa sổ rồi ngồi đối ẩm nói chuyện vãn với anh cả hai tiếng đồng hồ. Sau đó Tomas lòng thơ thới hân hoan xách đồ nghề tiếp tục đến điểm hẹn tới. Trong lúc gia đình các sĩ quan Nga lục tục tìm nhà định cư và đài phát thanh ra rả đọc thông cáo loan tin viên chức ngành công an thay thế xướng ngôn viên bị bãi chức, Tomas hớn hở vui chân trên đường phố Praha, từ li rượu này sang li rượu khác như người lao đầu vào những bữa tiệc vui chơi bất tận. Quả anh đang tận hưởng những ngày nghỉ hè tuyệt diệu.

Anh trở về thời kì độc thân. Đột nhiên Tereza bước ra khỏi đời anh. Hai người chỉ thấy mặt nhau lúc khuya khi Tereza từ quán rượu về và anh đã mơ màng thiếp vào giấc ngủ. Lúc khác là buổi sáng khi Tereza còn ngái ngủ và anh vội vã thức dậy đi làm. Mỗi ngày làm việc, anh có mười sáu tiếng đồng hồ cho riêng anh, một khoảng thời gian tự do bất ngờ. Và từ thời thanh xuân của Tomas điều đó có nghĩa là đàn bà.

9

Khi bị bạn bè cật vấn bắt phải khai ra có bao nhiêu đàn bà qua tay trong đời, Tomas thường tránh né câu hỏi. Nếu bị dồn quá anh chỉ nói úp mở, “À, khoảng trên dưới hai trăm.” Kẻ ganh tị bảo anh nói quá. “Vậy mà anh bảo là nhiều?” Anh trả lời nhân thể tự bào chữa. “Tôi dính líu với đàn bà tính đến nay là hai mươi lăm năm. Lấy hai trăm chia hai mươi lăm, tính ra trung bình khoảng tám người đàn bà một năm chứ nhiều nhõi gì. Có phải vậy không?”

Nhưng lối sống đó của anh bị vướng víu khá nhiều từ khi Tereza về chung sống dưới cùng mái nhà. Anh phải rút ngắn những cuộc truy hoan lại trong khoảng thời gian thật eo hẹp (từ phòng mổ về nha.) Anh tận dụng khoảng thời gian đó như người cày ruộng miền núi tận dụng dải đất nhỏ bé của mình. Bởi thế không thể so sánh với bây giờ khi anh đột nhiên có đến mười sáu tiếng đồng hồ mỗi ngày. (Tôi nói mười sáu tiếng bởi suốt tám tiếng lau chùi cửa sổ lúc nào bên cạnh anh cũng xôn xao những cô gái bán hàng, những bà nội trợ, những nữ nhân viên làm việc văn phòng mà mỗi người là một đối tượng cho những cuộc mây mưa.)

Anh tìm kiếm gì ở đàn bà? Cái gì cuốn hút anh? Phải chăng làm tình chẳng qua chỉ là hành động lặp đi lặp lại đến vô tận duy nhất một động tác?

Hoàn toàn không. Khi nhìn đàn bà, anh tự nhiên cho trí óc tưởng tượng lôi kéo vẽ vời trong đầu hình ảnh người đàn bà đó nếu khoả thân sẽ ra sao (kinh nghiệm bác sĩ bổ sung kinh nghiệm người tình.) Nhưng mấp mé giữa sự phỏng đoán của ý tưởng và thực tế chính xác, hiện hữu kẽ hở nhỏ không cho phép óc tưởng tượng len lỏi chui vào, và chính kẽ hở đứt đoạn này khiến anh tìm kiếm không ngừng. Và rồi, cuộc chạy đuổi theo cái bóng tưởng tượng không dừng lại lúc thân thể người đàn bà bị lột trần; nó tiếp tục đi xa hơn: Lúc cởi quần áo, cử chỉ cô như thế nào? Miệng cô thốt những câu gì trong lúc làm tình với anh? Tiếng cô rên xiết ra sao? Lúc đạt đến tuyệt đỉnh ái ân khuôn mặt cô bị méo mó như thế nào?

Sự cá biệt của “cái tôi” trong mỗi con người ẩn giấu ở phần không ai tưởng tượng được về người đó. Chúng ta chỉ có thể tưởng tượng ra những phần tương tự người nào cũng có như nhau. “Cái tôi” cá biệt tách rời cá nhân ra khỏi đám đông. Nó là phần không ai có thể đoán chừng hay suy tính mà nhìn xuyên thấu được. Muốn biết phải vén lên, phải lật ra, phải chinh phục.

Suốt mười năm trong ngành y tế, Tomas chuyên về não bộ. Anh biết rất rõ không gì khó khăn hơn làm thế nào nắm bắt được “cái tôi” trong con người. Giữa Hitler và Einstein hoặc giữa Brezhnev và Solzhenitsyn có nhiều tương đồng hơn là tương dị. Dùng con số, chúng ta có thể phán bên cạnh một phần triệu phần khác biệt có chín trăm chín mươi chín ngàn chín trăm chín mươi chín phần giống nhau.

Khát vọng muốn khám phá và chiếm đoạt cái một phần triệu đó ám ảnh Tomas. Đối với anh đây mới là trọng điểm nỗi ám ảnh. Anh bị ám ảnh bởi cái gì nơi người đàn bà không trí óc tưởng tượng nào khám phá nổi, nói cách khác, cái một phần triệu khiến người đàn bà này khác tất cả đàn bà khác.

(Ở đây, có lẽ, lòng say mê nghề giải phẫu và đam mê đàn bà trong anh nhập làm một. Ngay cả với những cô tình nhân, anh không buông con dao mổ tưởng tượng của anh xuống được. Bởi anh khao khát muốn sở hữu cái gì nằm sâu trong họ, anh cần mổ banh họ ra.)

Dĩ nhiên, chúng ta có thể đặt câu hỏi, tại sao anh cắc cớ muốn tìm kiếm cái một phần triệu đó trong thú vui xác thịt mà không ở những thứ khác. Tại sao anh không chịu tìm nó nơi dáng điệu, tài nội trợ hay trình độ thưởng ngoạn nghệ thuật của người nữ?

Hẳn nhiên, cái tương dị một phần triệu đó hiện hữu mọi ngõ ngách trong đời sống con người, nhưng ở những phần khác ngoài phạm vi tình dục, nó phơi bày trước mắt mọi người và chẳng cần ai cất công tìm tòi khám phá, nó không đòi hỏi phải có con dao mổ trong tay. Người đàn bà này thích ăn phó mát sau bữa ăn, người khác ghét su-lơ, và mặc dù qua đó mỗi người phô bày cá tính mình nhưng đó là cá tính không quan hệ, nó chẳng phóng ra tín hiệu nào bắt chúng ta phải chú tâm tìm hiểu.

Chỉ trên lãnh vực tình dục, cái tương dị một phần triệu kia trở nên quý giá, bởi muốn có nó người ta phải bỏ công đi chinh phục. Năm sáu mươi năm trước đây, những cuộc săn đuổi như vậy rất tốn kém thì giờ (nhiều tuần, có khi nhiều tháng), và thời gian cuộc chinh phục càng dài kết quả càng đáng giá. Ngay cả thời nay, mặc dù thời gian bỏ ra cho cuộc chinh phục giảm thiểu đi nhiều lắm nhưng tình dục vẫn là cái hộp cứng ẩn chứa “cái tôi” của người đàn bà.

Vì thế, lí do khiến Tomas theo đuổi đàn bà chính là lòng khao khát muốn sở hữu toàn thể thế giới (mổ banh thế giới bằng con dao mổ) chứ không phải dục vọng lạc thú (lạc thú là phần thưởng phụ trội kèm theo.)

10

Có thể phân loại những hạng đàn ông đa mang thích săn đuổi đàn bà thành hai thành phần khác nhau. Có người tìm kiếm nơi đàn bà giấc mơ chủ quan và bất biến của mình về đàn bà. Người khác bị thúc đẩy bởi khát vọng muốn làm chủ thế giới khách quan và phong phú bất tận của người nữ.

Nỗi ám ảnh nơi hạng đàn ông thứ nhất có tính cách trữ tình: qua đàn bà họ tìm kiếm chính họ, hay đúng hơn một lí tưởng. Và theo định nghĩa lí tưởng là cái gì không bao giờ tìm thấy, họ thất vọng hoài hoài. Thất vọng thúc đẩy họ đi từ đàn bà này sang đàn bà khác và đó là cách chạy tội lãng mạn. Nhưng chính vì thế phần đông đàn bà giàu tình cảm bị rung động bởi cái thói trăng hoa trữ tình này của đàn ông.

Nỗi ám ảnh nơi hạng đàn ông thứ hai có tính cách hào hùng, và dưới mắt đàn bà, điều này chẳng làm họ rung động chút nào: người đàn ông không biểu lộ lí tưởng chủ quan của mình về đàn bà, và bất cứ thứ gì cũng lôi cuốn anh ta được nên anh ta chẳng bao giờ biết thất vọng. Không biết thất vọng ô nhục lắm. Dưới mắt người khác, hạng đàn ông này không bao giờ được chuộc tội (thất vọng mới được chuộc tội.)

Bởi hạng đàn ông trữ tình luôn luôn chạy theo khuôn mẫu đàn bà nhất định nên dù anh ta có cô tình nhân mới chúng ta cũng chẳng nhận ra. Bạn bè anh ta thường xuyên gây chuyện hiểu lầm đáng tiếc vì cứ lẫn lộn cô này với cô nọ, thậm chí tên tuổi cũng chẳng bao giờ gọi cho đúng.

Đi kiếm tìm tri thức, hạng đàn ông hào hùng (và dĩ nhiên Tomas thuộc vào hạng này) ngoảnh mặt không thèm nhìn vào cái đẹp thông thường của nữ giới. Cái đẹp đó chỉ làm họ chóng chán và rốt cuộc họ trở thành người đi sưu tập của lạ. Họ biết thế và tự thấy đôi chút xấu hổ. Để tránh trường hợp bạn bè phải ngượng ngùng bối rối, họ ít khi dẫn tình nhân xuất hiện nơi công chúng.

Tomas làm nghề lau chùi cửa sổ gần hai năm. Bữa kia anh đến nhà một khách hàng mới và vóc dáng kì dị của người đàn bà chủ nhà làm anh chấn động ngay giây phút đầu tiên. Mặc dù kì dị nhưng không phải vì thế nhân dáng cô vượt quá mọi điều bình thường (Tomas đam mê nét lạ, nhưng nỗi đam mê này không liên quan gì đến tính say mê quái vật của Fellini): người cô cao lớn, cao hơn anh khá nhiều. Sóng mũi cô thanh tú, dài, trên một khuôn mặt lạ lùng đến nỗi khó có thể gọi đó là quyến rũ (ai cũng có thể phản đối!) tuy vậy (ít nhất dưới mắt Tomas) không thể gọi khuôn mặt đó không quyến rũ. Cô mặc quần dài, áo sơ mi trắng. Trông cô như tổng hợp dị kì của cò, hươu cao cổ, và cậu trai nhạy cảm.

Cô nhìn anh chăm bẳm dò xét. Cái nhìn đầy những tia sáng thông minh cắc cớ. Cô bảo anh, “Mời bác sĩ vào.”

Anh nghĩ cô biết anh là ai nhưng anh không muốn cô nhận ra điều đó. Anh hỏi cô, “Nhờ cô chỉ chỗ tôi đi lấy ít nước.”

Cô mở cửa phòng tắm. Trong phòng tắm anh thấy bồn tắm, la-va-bô và bàn cầu, trước mỗi thứ là một tấm thảm nhỏ màu hồng.

Khi người đàn bà có diện mạo nửa cò nửa hươu cao cổ mỉm cười, đôi mắt cô nheo lại, và mỗi câu nói thốt ra từ đôi môi cô hình như đầy giọng điệu cắc cớ hay ẩn chứa tín hiệu bí mật nào.

“Anh có toàn quyền sử dụng phòng tắm.” Cô bảo anh. “Anh có thể làm bất cứ điều gì con tim anh đòi hỏi.”

“Tôi tắm được chứ?”

“Anh thích tắm?” Cô hỏi lại anh.

Anh vặn nước nóng đầy sô rồi bước ra phòng khách. “Cô muốn tôi bắt đầu ở đâu trước?”

“Tùy anh.” Cô vừa nói vừa nhún vai.

“Tôi đi xem cửa sổ các phòng khác được không?”

“À, vậy ra anh muốn đi xem nhà.” Nụ cười trên môi cô dường như ám chỉ lau chùi cửa sổ chỉ là chuyện phụ không chút gì thú vị.

Anh bước sang phòng ngủ bên cạnh. Phòng có cửa sổ rộng, hai chiếc giường kê sát nhau, trên tường là cảnh mùa thu với cây phong và ánh tà huy.

Anh trở ra và thấy trên bàn đặt chai rượu mở sẵn và hai cái li. “Anh uống chút rượu để lấy sức cho công tác lớn trước mặt.”

“Vâng, tôi không phản đối điều đó chút nào.” Tomas trả lời và ngồi xuống bàn.

“Việc làm anh chắc thú vị lắm nhỉ, tận mắt nhìn thấy mọi người sinh sống ra sao.” Cô bảo anh.

“Chẳng có gì khiến tôi phải than phiền.”

“Hàng tá những bà vợ lẻ loi ở nhà chờ đón anh.”

“Ý cô muốn nói những bà nội, bà ngoại, những bà mẹ vợ, mẹ chồng?”

“Có bao giờ anh nuối tiếc nghề nghiệp cũ của anh không?”

“Làm cách nào cô biết tôi làm nghề gì trước đây?”

“Bà chủ anh thích khoe khoang về anh.”

“Chừng đó năm mà vẫn còn vậy à?” Tomas tỏ vẻ ngạc nhiên.

“Lúc nói chuyện trên điện thoại, bà chủ anh hỏi tôi có muốn anh đến làm công chuyện không. Bả nói anh trước đây là bác sĩ giải phẫu nổi tiếng bị đuổi khỏi bệnh viện. Điều đó kích thích tính tò mò trong tôi.”

“Tính tò mò trong cô hay ho lắm.”

“Nó lộ liễu vậy sao?”

“Vâng, trong cách cô dùng mắt.”

“Tôi dùng mắt như thế nào?”

“Cách cô đảo mắt liếc xéo. Và câu hỏi từ miệng cô.”

“Ý anh muốn nói anh không thích trả lời?”

Nhờ cô, cuộc đối thoại ngay từ lúc khởi đầu đã có chiều lả lơi vui thích. Không điều gì cô nói ràng buộc với thế giới bên ngoài; tất cả đều hướng nội, chĩa thẳng vào hai người. Và bởi nội dung câu chuyện quá hiển nhiên nói về hai người nên chẳng có chi ngạc nhiên khi da thịt họ va chạm nhau để tạo thêm hương vị cho lời nói. Vì thế, khi Tomas nói đến đôi mắt hay liếc xéo của cô, anh đưa tay lên mắt cô ve vuốt. Cô cũng làm như vậy với anh. Hành động này không phải do phản ứng ngẫu nhiên; dường như cô đang chủ ý vẽ ra trò chơi “ăn miếng trả miếng” với anh. Và cứ thế, hai người ngồi mặt đối mặt, tay tuần tự lần mò thân thể nhau.

Cho đến lúc bàn tay Tomas sờ xuống vùng cấm địa bên dưới cô mới bắt đầu chống cự. Anh không đoán được cô chống cự thật hay chỉ giả vờ, hơn nữa đã đến giờ gặp khách hàng tới nên anh đành đứng dậy bảo cô anh phải đi.

Mặt cô đỏ bừng. “Tôi phải kí tên vào tờ biên nhận.” Cô bảo anh.

“Nhưng tôi có làm gì đâu.” Anh phản đối.

“Lỗi ở tôi.” Và rồi với giọng nhẹ nhàng vô tội, cô lè nhè, “Có lẽ tôi phải gọi anh trở lại làm cho xong công việc bị tôi cản trở.”

Thấy Tomas không chịu đưa tờ biên nhận, cô ngọt ngào nói với anh như thể đang nhờ vả anh ân huệ gì, “Làm ơn đưa cho tôi đi.” Cô lại đảo đôi mắt rồi nói tiếp, “Nói ngay, tôi đâu phải là người trả tiền. Chồng tôi trả. Và tiền trả cho nhà nước chứ không phải cho anh. Hai chúng ta chẳng dính dáng gì đến khoản tiền đó.”

11

Người đàn bà nhân dáng nửa cò nửa hươu cao cổ cứ thế xâm chiếm đầu óc anh: nửa chớt nhả bỡn cợt nửa vụng về ngây ngô; nụ cười cắc cớ châm chọc khơi dậy niềm khao khát dục tình; ngôi nhà tầm thường cổ điển nhưng chủ nhân lại rất mực tân kì. Lúc làm tình trông cô như thế nào? Cố tưởng tượng nhưng không tài nào anh hình dung nổi. Suốt mấy hôm liên tiếp đầu óc anh chẳng nghĩ ngợi được chuyện gì khác.

Khi cô gọi anh đến nhà lần thứ hai, trên bàn đặt sẵn chai rượu và hai cái li. Lần này mọi chuyện diễn tiến êm xuôi đâu vào đấy. Chẳng bao lâu, hai người đứng đối diện nhau trong phòng ngủ (nơi mặt trời đang lặn trên vòm cây phong trong bức tranh) và hôn nhau. Nhưng khi anh thốt mệnh lệnh quen thuộc “Cởi quần áo ra!” cô chẳng những không tuân lời mà còn ra lệnh ngược lại, “Không, anh làm trước đi!”

Anh hơi khựng vì bất ngờ với lối phản ứng như vậy. Cô bắt đầu kéo cửa quần anh xuống. Sau khi ra lệnh thêm vài lần nữa (và lần nào cũng thất bại cách buồn cười), anh đành chấp nhận giải pháp dung hoà. Theo điều lệ cô đặt ra trong lần trước (“ăn miếng trả miếng”), cô lột quần anh thì anh cởi váy cô, rồi cô cởi áo anh, anh cởi áo cô cho đến lúc hai người hoàn toàn trần truồng. Anh đặt tay lên chỗ thầm kín của cô rồi đi lần xuống hậu môn. Thân thể người đàn bà, anh thích nhất chỗ này. Hậu môn cô lồi ra cách lạ thường, chứng tỏ ruột già cô dài lắm, ăn lấn ra tận bên ngoài. Trong lúc đang mân mê cái phần tuyệt vời trên cơ thể người đàn bà mà bác sĩ vẫn gọi là cơ vòng, đột nhiên anh cảm thấy ngón tay cô cũng đang rờ mó phần đó của anh. Cô bắt chước từng động tác anh làm như tấm gương phản chiếu.

Mặc dù anh từng ăn nằm với chừng hai trăm đàn bà (chưa kể khá đông những người anh gặp trong thời gian làm nghề lau chùi cửa sổ), chưa bao giờ anh chạm trán người đàn bà nào cao hơn anh, liếc nhìn anh, và thò tay xuống rờ hậu môn anh. Để chế ngự cảm giác bẽ bàng, anh đẩy cô ngã ngửa xuống giường.

Hành động của anh bất ngờ đến nỗi cô không kịp chống cự. Trong lúc thân hình cao lênh khênh của cô ngã ngửa về phía sau, anh thấy giữa những vết sần đỏ trên mặt cô bỗng thoáng hiện nét sợ hãi vì mất thăng bằng. Anh nắm hai chân cô hơi xoạc ra rồi giơ lên cao, đôi chân bỗng nhiên trông giống như hai cánh tay người lính trận đang giơ tay đầu hàng trước họng súng kẻ thù.

Vụng về cộng với say đắm, say đắm đi với vụng về – Tomas bị kích thích đến tột độ. Anh làm tình với cô thật lâu. Trong lúc làm tình chốc chốc anh cúi xuống nhìn khuôn mặt sần đỏ tìm kiếm nét sợ hãi của người đàn bà bị xô ngã, nét mặt chẳng bao giờ tái diễn lần thứ hai mà thoáng chốc mới đây truyền lên óc não anh những tín hiệu kích thích.

Làm tình xong, anh đứng dậy vào phòng tắm. Cô đi theo anh miệng dặn dò dài dòng kĩ lưỡng nào là xà phòng ở đâu, khăn tắm chỗ nào, cách mở nước nóng ra sao. Anh ngạc nhiên không hiểu tại sao cô phải đi vào chi tiết những sự việc tầm thường giản dị như vậy. Cuối cùng anh phải ôn tồn bảo cô anh hiểu hết và ra dấu cho cô đi ra để anh một mình trong phòng tắm.

“Anh không cho em nhìn anh tắm sao?” Cô van nài.

Cuối cùng anh đẩy cô ra được. Trong lúc kì cọ và tiểu tiện trong bồn tắm (bác sĩ Tiệp đều làm thế), anh có cảm tưởng cô đang chạy tới chạy lui bên ngoài phòng tắm tìm cách đột nhập vào. Lúc anh tắt nước và căn nhà đột nhiên yên ắng trở lại, anh có cảm tưởng anh đang bị quan sát. Anh dám chắc đôi mắt đẹp của cô đang mở lớn nhìn mình qua kẽ hở đâu đó ngoài cửa phòng tắm.

Anh ra khỏi nhà, lòng thơ thới hân hoan hơn bao giờ. Vừa đi anh vừa cố ghi nhận vào trí nhớ những nét đặc biệt của người đàn bà và từ trí nhớ đó anh tìm ra công thức hoá học định nghĩa điểm độc nhất vô nhị của cô (cái một phần triệu tương dị). Kết quả là công thức gồm ba phần:

1) vụng về cộng với say đắm,

2) khuôn mặt sợ hãi vì mất thăng bằng, và

3) đôi chân xoạc ra như hai cánh tay người lính giơ lên đầu hàng trước họng súng quân địch.

Đúc kết lại những điều trên, anh nghe lâng lâng cảm giác thú vị vừa chinh phục thêm một phần thế giới, như khi anh cầm con dao mổ tưởng tượng rạch thêm đường nữa trên bức tranh vũ trụ bao la này.

12

Cũng khoảng thời gian đó, anh hẹn hò với một thiếu phụ trẻ trong căn phòng người bạn cho mượn dùng mỗi ngày đến nửa đêm. Sau một hai tháng trời gặp gỡ, có lần cô nhắc đến một trong những lần đầu: hai người làm tình trên thảm nhìn ra cửa sổ trong lúc bên ngoài trời mưa gió sấm chớp bão bùng; anh làm tình với cô trong suốt thời gian cơn bão; thật là một kỉ niệm đẹp khó quên!

Nhưng Tomas kinh ngạc vô cùng. Vâng, anh nhớ rõ lắm anh làm tình với cô trên thảm (người bạn anh ngủ trên ghế nệm dài chật hẹp mà Tomas thấy không thoải mái chút nào), nhưng cơn bão hoàn toàn không có trong kí ức anh! Thật lạ lùng. Anh nhớ từng chi tiết mỗi lần hai người gặp gỡ; anh nhớ cả những động tác ái ân (cô nhất định không chịu cho anh đi vào từ đằng sau); anh nhớ những lời cô nói (cô bảo anh ôm siết hông cô và đừng nhìn mặt cô); đến vết rách trên quần áo lót cô anh cũng nhớ rõ mồn một. Vậy mà cơn bão hoàn toàn không để lại dấu vết gì.

Mỗi lần trải qua một kinh nghiệm yêu đương, kí ức anh chỉ ghi giữ con đường dốc đứng và chật hẹp của cuộc chinh phục dục tình: câu nói tấn công đầu tiên, cái ve vuốt đầu tiên, lời nói suồng sã gợi dục đầu tiên giữa hai người, những đòi hỏi dâm đãng anh ép cô ưng chịu và những đòi hỏi cô nhất định không cho. Tất cả những điều đó anh cho vào kí ức rất kĩ, kì dư anh quên tuốt. Ngay cả nơi chốn gặp gỡ người đàn bà lần đầu anh cũng không nhớ nổi, nếu cuộc gặp gỡ đó xảy ra trước khi anh ra tay săn đuổi.

Người thiếu phụ trẻ nở nụ cười mơ màng trong lúc ôn lại với anh về trận bão hôm đó. Anh nhìn cô kinh ngạc lẫn đôi chút ngượng ngùng: cô đang nhắc đến một kỉ niệm đẹp vậy mà anh không chia sẻ được với cô. Cách thế kí ức hai người phản ứng về cái đêm dông bão đó phân biệt rạch ròi giữa tình yêu và phi tình yêu.

Khi nói “phi tình yêu” tôi không có ý ám chỉ anh đối xử bạc bẽo với người thiếu phụ trẻ, hay, như cách nói thời thượng ngày nay, anh xem cô như món đồ chơi giải trí chỉ để thoả mãn dục tình. Ngược lại, anh rất quý mến cô. Nhân cách và trí tuệ cô làm anh nể vì không ít, và lúc nào anh cũng sẵn sàng chạy đến giúp đỡ cô trường hợp cô nhờ vả anh điều gì. Kí ức anh, không phải con người anh, đối xử cô tệ bạc. Bởi chính kí ức anh, trong lúc anh không hề hay biết, đã xô đẩy cô ra khỏi cầu vực tình yêu.

Bên trong bộ óc con người hình như có não vực đặc biệt mà ta có thể gọi là vùng kí ức thi vị. Nó ghi nhớ tất cả những gì làm ta rung động say sưa, những gì làm đời sống ta tươi đẹp. Từ khi anh gặp Tereza, không người đàn bà nào có quyền hạn để lại ấn tượng, dù chỉ một chút nhỏ, trong phần đó não bộ anh.

Tereza chiếm cứ vùng kí ức thi vị anh như nhà bạo chúa và cô tẩy xoá sạch sẽ tất cả dấu vết những người đàn bà khác. Điều đó không công bằng lắm, bởi người thiếu phụ trẻ làm tình với anh trên thảm đêm mưa bão hôm đó không kém thi vị nếu đem so với Tereza. Cô hét lên: “Anh nhắm mắt lại đi anh! Siết hông em mạnh vào! Ôm em chặt hơn nữa đi!” Cô không chịu nổi nếu Tomas làm tình với cô mà hai mắt cứ mở lớn nhìn cô chăm chú, nếu thân thể anh cứ cong lên không chịu ép sát vào cô. Cô không chịu cho anh quan sát thăm dò cô. Cô muốn kéo anh đắm chìm trong dòng sông màu nhiệm mà chỉ hình dung được khi nhắm nghiền đôi mắt. Cô không chịu cho anh dở trò chơi chờn vờn bằng cách đứng ra xa vì cách đó thân hình hai người hoàn toàn không đụng chạm nhau và anh có thể dễ dàng quan sát cô. Cô ghét cay ghét đắng khoảng cách đó. Cô muốn hoà nhập vào anh. Đó là lí do vì sao, nhìn thẳng vào mắt anh, cô bảo cô chẳng bao giờ đạt đến tuyệt đỉnh mặc dù mặt thảm nơi hai người nằm ướt đẫm nguồn sữa ái ân. “Cái em chạy theo không phải là hoan lạc nhục cảm,” cô bảo anh vậy. “Em khao khát hạnh phúc. Và hoan lạc không có hạnh phúc không còn là hoan lạc nữa.” Nói cách khác, cô đang vung tay đập lên cánh cổng khép kín nhốt kĩ vùng kí ức thi vị của anh. Cô không có chỗ đứng trong đó. Cô chỉ có tấm thảm mà thôi.

Cuộc phiêu lưu của anh với Tereza bắt đầu vào đúng thời điểm các cuộc phiêu lưu với những người đàn bà khác chấm dứt. Nó xảy ra ở phía bên kia động lực thúc đẩy anh lao đầu vào hết cuộc chinh phục này sang cuộc chinh phục khác. Anh không hề có ý muốn khám phá điều gì nơi Tereza. Cô đến với anh hoàn toàn không che đậy. Anh làm tình với cô trước khi anh có cơ hội cầm trong tay con dao mổ tưởng tượng anh vẫn dùng rạch mổ thế giới phủ phục trước mặt anh. Trước khi anh có thì giờ tưởng tượng cô như thế nào khi làm tình, anh yêu cô mất rồi.

Chuyện tình hai người mãi sau đó mới bắt đầu: cô ngã bệnh và không cách nào anh đưa cô về nhà như anh vẫn làm với những cô tình nhân khác. Trong lúc quỳ bên cạnh giường nhìn cô thiêm thiếp trong giấc ngủ, trí óc anh bỗng vẽ ra hình ảnh lạ lùng cô bị ai đó đặt trong chiếc thúng cói thả trôi sông và giạt đến chân anh. Như tôi thuật trong phần trước, ẩn dụ thường nguy hiểm. Tình yêu bắt đầu bằng ẩn dụ. Nói như vậy có nghĩa tình yêu bắt đầu vào thời điểm khi người đàn bà rót lời nói đầu tiên vào vùng kí ức thi vị của người đàn ông.

13

Khoảng thời gian gần đây, hình ảnh Tereza lần nữa xâm nhập đầu óc anh. Buổi sáng hôm đó, như mọi buổi sáng khác, cô đi mua sữa về. Anh thấy cô đứng nơi ngưỡng cửa, hai tay khư khư ôm con quạ đáng thương trước ngực. Cô dùng chiếc khăn quàng cổ màu đỏ ủ kín con quạ. Cô ôm nó như người đàn bà gíp-si ôm con. Anh không bao giờ quên được hình ảnh đó: từ cái mỏ to lớn con quạ phát ra tiếng kêu thảm thiết bên cạnh khuôn mặt cô.

Cô tìm thấy con quạ lúc nó bị chôn một nửa thân mình dưới đất, tương tự lối kị binh Cô-dắc hành hạ tù nhân. “Lũ trẻ con chơi như thế đấy.” Cô bảo anh, và câu nói không hẳn chỉ là câu nói suông đề cập một sự việc thông thường, nó cho thấy mối ác cảm bất ngờ nơi cô với con người nói chung. Nó làm anh nhớ lời cô nói với anh cách đó không lâu: “Dần dà em thấy em phải biết ơn anh đã nhất quyết không chịu sinh con đẻ cái.”

Đoạn cô than phiền với anh về gã đàn ông hay phá rối cô ở chỗ làm. Hắn ta có lần còn dám thò tay nắm sợi dây chuyền rẻ tiền cô đeo trên cổ và ám chỉ xa gần cô phải nhảy dù tiếp khách làng chơi mới có tiền mua nổi sợi dây chuyền. Chuyện đó làm cô giận lắm. Tomas đột nhiên kinh tâm khi nhận ra suốt hai năm qua anh đã bỏ bê cô; chẳng còn bao giờ thấy anh ôm lên ve vuốt bàn tay run rẩy của cô nữa.

Sáng hôm sau anh đi làm với hình ảnh Tereza trong đầu. Bà chủ anh bảo có khách hàng đòi chính anh đến nhà lau chùi cửa sổ cho họ. Tomas ngao ngán trong lòng. Anh sợ lại phải đối diện một mụ đàn bà nào khác. Đang bận tâm với Tereza, anh chẳng tâm trí đâu nghĩ ngợi đến chuyện phiêu lưu.

Khi cánh cửa ngôi nhà mở ra, anh thở phào nhẹ nhõm. Trước mặt anh là người đàn ông dáng cao, lưng hơi khòm. Ông có cái cằm to quá khổ và khuôn mặt trông quen quen.

“Mời ông vào.” Ông mỉm cười mời Tomas vào nhà.

Đứng ngay đó là một thanh niên trẻ. Mặt cậu đỏ hồng tươi sáng. Cậu nhìn Tomas, miệng cố nở nụ cười.

“Tôi thiết tưởng chẳng cần phải giới thiệu hai người làm gì.” Người đàn ông cất tiếng.

“Vâng, đúng vậy.” Tomas trả lời, anh bắt tay cậu trai, nhưng miệng không đáp lại nụ cười của cậu. Cậu chính là đứa con trai ruột thịt của anh.

Đến lúc đó người đàn ông mới lên tiếng tự giới thiệu mình.

“Tôi biết ngay ông chẳng xa lạ gì.” Tomas đáp lời. “Dĩ nhiên, làm sao sai trật được với tên tuổi của ông.”

Sau đó ba người ngồi quanh cái bàn trông như bàn dùng làm nơi hội họp. Tomas nhận ra một điều là cả hai người đàn ông đang ngồi trước mặt anh đều là sản phẩm bất đắc dĩ do anh sáng tạo. Người trẻ tuổi anh cho ra đời do sự ép buộc của người vợ cũ, và hình tượng người lớn tuổi nảy sinh trong thời gian anh bị công an tra vấn.

Để gạt đi những ý tưởng này, anh cất tiếng pha trò, “Ông muốn tôi lau chùi cửa sổ nào trước đây?”

Cả hai phá lên cười.

Hiển nhiên chuyện lau chùi cửa sổ chẳng dính dáng gì đến lí do anh được gọi đến. Anh bị lừa vào bẫy. Trước đây anh chưa bao giờ nói chuyện với con trai anh. Đây là lần đầu tiên anh bắt tay cậu. Anh biết mặt mũi, nhân dáng cậu ra sao và anh thấy chừng đó đủ rồi, anh không cần biết về cậu nhiều hơn. Với anh, càng biết ít về cậu con càng tốt, và anh hi vọng cậu cũng nghĩ như vậy về anh.

“Bức bích chương đẹp đấy chứ?” Người đàn ông đứng tuổi bảo Tomas, ngón tay ông chỉ lên bức tranh đóng khung treo trên tường đối diện.

Tomas đưa mắt nhìn quanh phòng. Trên tường treo nhiều khung hình thú vị, hầu hết là ảnh chụp và bích chương. Bức ông nhà báo chỉ Tomas lấy ra từ một trong những ấn bản cuối cùng của tờ báo ông chủ trương trước khi bị người Nga đóng cửa năm 1969. Bức tranh mô phỏng bức bích chương kêu gọi thanh niên nhập ngũ, nổi tiếng trong thời kì Cách mạng Nga năm 1918. Hình vẽ là một người lính, mũ gắn ngôi sao đỏ, đôi mắt nghiêm nghị nhìn về phía trước, ngón tay trỏ chỉ thẳng vào người xem. Câu nói nguyên thủy bằng tiếng Nga ở phía dưới: “Công dân, bạn đã gia nhập Hồng quân chưa?”, ở đây đổi thành: “Công dân, bạn đã kí tên vào bản tuyên ngôn Hai Nghìn Chữ chưa?”

Quả là câu chuyện trào phúng chế nhạo tuyệt hảo! Hai Nghìn Chữ là bản tuyên ngôn vẻ vang đầu tiên trong phong trào Mùa Xuân Praha 1968. Nó kêu gọi chế độ Cộng sản phải dân chủ hoá toàn diện. Thoạt tiên chỉ có một số trí thức kí tên, và rồi nhiều người khác đứng lên xin kí, cuối cùng số người kí lên cao đến nỗi không ai đếm nổi có bao nhiêu người kí cả thảy. Khi Hồng quân Nga xâm lăng đất nước họ và tung ra một loạt những cuộc thanh trừng chính trị, câu hỏi thường được hỏi khi chất vấn là: “Ông có kí tên vào bản tuyên ngôn Hai Nghìn Chữ không?” Người trả lời có lập tức bị đuổi việc.

“Một bức biếm hoạ thật hay,” Tomas trả lời. “Tôi còn nhớ rõ lắm.”

“Hãy cứ hi vọng chúng ta không bị bọn Hồng quân nghe lén.” Người đàn ông cựu biên tập viên tờ báo vừa nói vừa cười.

Ông nói tiếp, nụ cười không còn trên môi. “Thật tình, đây không phải là chỗ ở của tôi. Căn nhà này do một người bạn cho mượn. Chúng tôi không rõ căn nhà có bị công an nghe lén hay không, nhưng nếu tôi mời ông về nhà tôi thì điều đó kể như nắm chắc.”

Rồi ông đổi sang giọng bỡn cợt: “Nhưng theo cái nhìn của tôi thì chúng ta chẳng có chi phải giấu giếm. Tốt cho các sử gia Tiệp khắc tương lai biết chừng nào. Toàn bộ đời sống thành phần trí thức Tiệp khắc được cất giữ vào hồ sơ trong văn khố công an! Ông biết các nhà văn học sử đã khổ công như thế nào khi dựng lại chi tiết đời sống tình dục của các văn hào như Voltaire, Balzac hay Tolstoy không? Với các nhà văn Tiệp khắc, điều đó dễ ợt. Tất cả đều được ghi âm vào băng nhựa. Ngay cả tiếng thở hắt sau cùng.”

Đoạn hướng về ổ máy ghi âm vô hình trên tường, ông cất to giọng, “Thưa quý vị, như những lần khác, tôi khuyến khích quý vị làm việc tốt hơn nữa và nhân danh tôi, nhân danh tất cả các sử gia tương lai, tôi xin cảm ơn quý vị.”

Sau trận cười no bụng giữa ba người, ông thuật lại chuyện tờ báo của ông bị đình bản ra sao, công việc người hoạ sĩ vẽ bức biếm hoạ làm sau đó, và những gì xảy đến các hoạ sĩ, triết gia, nhà văn khác. Sau cuộc xâm lăng, không ai được quyền sáng tạo hay viết lách nữa, họ phải đi làm những nghề như lau chùi cửa sổ, trông coi bãi đậu xe, gác dan, chạy máy hơi nước trong dinh thự công cộng, hay khá nhất là tài xế tắc xi.

Mặc dù câu chuyện nghe khá thú vị nhưng Tomas không tài nào tập trung được tư tưởng để theo dõi. Đầu óc anh miên man nghĩ ngợi về đứa con trai mình. Hai tháng qua, thỉnh thoảng anh gặp cậu đi ngoài phố. Hiển nhiên những cuộc gặp gỡ này không phải do tình cờ. Nhưng anh không bao giờ tưởng tượng có lúc gặp con mình đứng bên cạnh nhân vật làm báo đang bị chính quyền kết án. Vợ trước của Tomas là người Cộng sản chính thống, đương nhiên anh nghĩ con mình cũng bị ảnh hưởng theo chiều hướng đó. Anh không chút hay biết gì về người con trai. Dĩ nhiên anh có thể hỏi thẳng cậu về mối quan hệ giữa hai mẹ con, nhưng anh thấy điều đó không tế nhị lắm trước sự có mặt của người thứ ba.

Cuối cùng ông nhà báo đi đến điểm then chốt. Ông nói càng ngày càng có nhiều người bị bắt bỏ tù chẳng phải vì lí do trọng đại gì mà chỉ vì muốn bảo thủ những ý kiến riêng, và ông kết luận, “Vì thế chúng tôi quyết định phải làm cái gì đó.”

“Các ông định làm gì?” Tomas hỏi lại.

Đến đây, cậu con trai anh cất tiếng. Đó là lần đầu tiên trong đời anh nghe giọng nói con mình. Anh ngạc nhiên nhận ra cậu bị cà lăm.

“Theo như chỗ chúng tôi biết, tù nhân chính trị bị ngược đãi tàn nhẫn lắm. Có người đang ở trong tình trạng vô cùng bi đát. Vì thế chúng tôi quyết định dự thảo một lá thỉnh nguyện thư và đi xin chữ kí những trí thức Tiệp quan trọng nhất, những người vẫn còn chút tâm huyết nào đó.”

Không, cậu không bị cà lăm; đúng ra cậu cố tình chậm rãi nhấn mạnh như gằn từng chữ một. Hiển nhiên cậu nhận ra điều đó, và đôi má cậu vừa mới hơi bình thường lại đỏ ửng lên.

“Và các ông gọi tôi đến đây để nhờ tôi cố vấn về những nhân vật có thể kí tên trong lãnh vực nghề nghiệp của tôi phải không?” Tomas hỏi.

“Không phải,” ông nhà báo cất tiếng cười bảo Tomas, “Chúng tôi không cần ông cố vấn. Chúng tôi cần chữ kí của ông!”

Một lần nữa tự ái anh được vuốt ve! Một lần nữa anh có cảm giác vui sướng khi biết có người vẫn còn nhớ mình là bác sĩ! Anh phản đối chỉ vì muốn tỏ ra thái độ khiêm nhường, “Hãy khoan đã. Tôi bị đá ra khỏi công việc, nhưng điều đó không có nghĩa tôi là một bác sĩ danh tiếng!”

“Chúng tôi chưa quên bài viết ông gửi đăng trên báo của chúng tôi.” Ông nhà báo tủm tỉm cười nhìn Tomas.

“Vâng.” Cậu con Tomas thở hắt ra. Thái độ cậu pha lẫn vui sướng và hãnh diện mà có lẽ vì vô tình Tomas không nhận ra.

“Tôi không hiểu chữ kí tôi trên tờ thỉnh nguyện thư sẽ giúp tù nhân chính trị của các ông ra sao. Tại sao các ông không tìm đến những người chưa bị va chạm nhiều với chế độ, những người ít nhất còn chút ảnh hưởng lên chính sách của nhà nước.”

Ông nhà báo vẫn giữ nguyên nụ cười, “Dĩ nhiên rồi.”

Cậu con trai Tomas cười theo; nụ cười của cậu là nụ cười của kẻ hiểu người biết chuyện. “Vấn đề duy nhất là họ chẳng bao giờ chịu kí!”

“Nhưng điều đó không có nghĩa chúng tôi không tìm đến họ.” Ông nhà báo đỡ lời, “và cũng không có nghĩa chúng tôi quá lịch sự muốn tránh trường hợp mất mặt cho họ.” Đến đây ông lại cười. “Ông phải nghe những lí do họ nại ra để từ chối. Tuyệt diệu lắm!”

Cậu con trai Tomas cười tán thành.

“Dĩ nhiên thoạt đầu bao giờ họ cũng tán đồng với chúng tôi từng điểm một,” ông nhà báo nói tiếp. “Nhưng sau đó họ khuyên chúng tôi nên dùng cách khác thận trọng hơn, hợp lí hơn, khôn ngoan hơn. Họ sợ, không dám kí nhưng cũng sợ bị chúng tôi xem thường.”

Một lần nữa, cậu con Tomas và ông nhà báo đồng thanh cả cười.

Đoạn ông đưa Tomas xem một lá thư ngắn lời lẽ tương đối cung kính kêu gọi Tổng thống ân xá tù nhân chính trị.

Tomas suy nghĩ lung trong đầu. Ân xá tù nhân chính trị? Liệu lời thỉnh cầu xin ân xá sẽ được chấp thuận vì lá thư thỉnh nguyện gửi lên Tổng thống xuất phát từ những người dân bị chế độ ruồng bỏ (và vì thế chính họ có thể trở thành tù nhân chính trị?) Một lá thỉnh nguyện thư như vậy chỉ khiến các tù nhân

chính trị bị quản thúc lâu hơn thôi giả như ngay thời điểm đó chính quyền đang dự trù phóng thích họ.

Cậu con trai anh bỗng cất tiếng cắt đứt dòng suy tưởng của anh, “Điểm chính ở đây là cho họ thấy đất nước này vẫn còn những người không sợ hãi. Và cho thấy chỗ đứng của mỗi hạng người. Tách rời cây lúa ra khỏi rơm rác.”

Đúng, đúng, Tomas nghĩ trong đầu, nhưng điều đó liên quan gì đến các tù nhân chính trị? Hoặc anh kêu gọi xin ân xá hoặc anh tách cây lúa ra khỏi rơm rác. Hai sự việc đâu dính líu gì đến nhau.

“Phải chăng ông lưỡng lự?” Ông nhà báo hỏi Tomas.

Vâng. Anh đang lưỡng lự. Nhưng anh không đủ can đảm nói ra điều đó. Người lính trong bức bích chương trên tường chĩa ngón tay đe doạ chỉ thẳng vào mặt anh và nói, “Anh đang lưỡng lự chưa chịu gia nhập Hồng quân ư?” hay “Anh chưa chịu kí tên vào bản tuyên ngôn Hai Nghìn Chữ à?” hay “Anh đã kí tên vào bản tuyên ngôn Hai Nghìn Chữ rồi sao?” hay “Anh không muốn kí tên vào lá thỉnh nguyện thư xin ân xá sao?!” Nhưng mặc những gì người lính nói, đây là một đe doạ.

Ông nhà báo nói một hơi những gì ông nghĩ về những người tán đồng chuyện xin ân xá cho các tù nhân chính trị nhưng có cả nghìn lí do từ chối kí tên vào lá thỉnh nguyện thư. Theo ý kiến của ông lí do họ nại ra chỉ là cái cớ để họ miễn, không phải kí tên và bên dưới cái cớ đó là lòng hèn nhát. Tomas phải trả lời sao đây?

Cuối cùng anh phá tan bầu không khí yên lặng bằng tiếng cười rồi chỉ bức biếm hoạ treo trên tường, anh nói, “Làm sao tôi có thể suy nghĩ đàng hoàng được khi tên lính kia cứ đe doạ hỏi tôi có chịu kí hay không.”

Cả ba người phá lên cười một lúc lâu.

“Được rồi,” Tomas nói sau khi tiếng cười lắng xuống. “Tôi sẽ suy nghĩ thêm về chuyện này. Vài ngày nữa chúng ta có thể gặp lại nhau được không?”

“Lúc nào cũng được,” ông nhà báo trả lời, “nhưng chúng tôi dự tính gửi lá thỉnh nguyện thư vào ngày mai.”

“Ngày mai?” Đột nhiên Tomas nhớ đến gã công an mập mạp đưa anh lá thư triệt hạ không ai khác hơn chính ông nhà báo này. Mọi người tìm cách bắt anh kí vào những bản văn không do chính tay anh viết.

“Chẳng có gì phải nghĩ lại.” Cậu con trai anh chen vào. Mặc dù ý nghĩa câu nói đầy vẻ gay gắt nhưng giọng nói cậu lại như khẩn khoản van nài. Lúc này hai người nhìn thẳng vào mắt nhau, nhờ vậy Tomas để ý thấy lúc tập trung tư tưởng, môi trên cậu phía trái hơi nhếch lên. Khi nhìn vào gương mỗi lần cạo râu Tomas cũng nhếch môi như vậy. Anh khó chịu nhìn thấy hình ảnh đó hiện trên nét mặt người khác.

Khi sống chung với con cái từ lúc ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, cha mẹ quá quen với những nét đồng dạng như vậy; điều đó quá tầm thường để phải chú ý, hay thảng hoặc có lúc bất chợt ngẫm nghĩ chỉ thấy ngồ ngộ vui vui. Nhưng đây là lần đầu tiên trong đời Tomas nói chuyện với con trai mình! Anh hoàn hoàn không quen ngồi đối diện với cái miệng thiếu cân xứng của chính anh!

Thử tưởng tượng một cánh tay bị cưa đứt và được gắn vào người nào đó. Tưởng tượng người đó ngồi đối diện bạn và cứ quơ cánh tay trước mặt bạn. Chắc hẳn bạn phải nhìn chằm chặp vào cánh tay như đang nhìn một con ma. Mặc dù trước đây nó là cánh tay yêu quý của riêng bạn nhưng bạn sẽ kinh hồn hoảng vía nếu cánh tay va chạm vào người bạn!

“Ông không ở phía những người bị tù tội sao?” Con trai anh lại nói, và đột nhiên Tomas nhận ra trong cảnh huống hiện tại, cái đang bị đe doạ không phải là vụ đòi ân xá các tù nhân chính trị mà chính là tình phụ tử giữa cha con anh. Nếu anh kí tên, định mệnh hai người sẽ kết hợp vào nhau và ít nhiều Tomas sẽ thân thiện với con hơn; còn trường hợp anh không kí, tình cảm giữa anh và con sẽ vẫn trống trơn như xưa, mặc dù điều đó do chủ ý từ con anh nhiều hơn là từ anh, con anh sẽ không nhìn nhận một người cha hèn nhát như anh.

Anh lâm vào hoàn cảnh người đánh cờ đang gặp nước bí và đành bó tay chịu thua. Kí tên vào lá thỉnh nguyện thư hay không, anh chẳng thay đổi được điều gì. Đời sống anh, đời sống những tù nhân chính trị vẫn như cũ mà thôi.

“Đưa tôi lá thư.” Anh cầm lên mảnh giấy.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận