Hóa Châu, cửa Tư Dung.
Ở vùng Thuận Hóa có một địa danh nổi tiếng : phá Tam Giang. Hệ thống phá Tam Giang gồm bốn đầm lớn nối nhau trải dài hơn 68 kilômét từ bắc xuống nam (tên gọi ngày nay lần lượt là : phá Tam Giang, đầm Thanh Lam, đầm Hà Trung – Thủy Tú và đầm Cầu Hai). Một dải đất dài gồm những đụn cát cao ngăn đầm với biển, có nơi cồn cát cao đến 20 mét, có hai cửa Tư Dung (nay gọi là cửa Tư Hiền) và Nhật Lệ (cửa của sông Hương) thông với biển. Phá Tam Giang tuy là đầm, nhưng vì thường xuyên có sóng lớn nên từ xưa đã có câu :
“Thương em anh cũng muốn vô,
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang.”
Lúc này, đã hai năm kể từ khi Giang Phong xuyên việt. Năm nay có hai sự kiện trọng đại xảy ra. Ở ngoài bắc, Lê Quý Ly cuối cùng cũng bỏ cháu ngoại là Kiến Tân hoàng đế (sử gọi Thiếu Đế) lúc này mới 5 tuổi, tự xưng làm vua mà thay ngôi nhà Trần. Sau khi xưng đế thì đổi sang họ Hồ và xưng quốc hiệu là Đại Ngu, cải niên hiệu là Thánh Nguyên. Sự kiện này mọi người đều biết sớm muộn gì cũng xảy ra, nên khi nhà Hồ thành lập, trong nước cũng không có biến động gì lớn, sự việc diễn ra cũng êm ả như khi nhà Trần thay ngôi nhà Lý vậy.
Lê Quý Ly sở dĩ đổi sang họ Hồ vì nhận mình có thủy tổ là Hồ Công Mãn, dòng dõi vua Thuấn, nên đặt quốc hiệu Đại Ngu để kế tục Ngu Thuấn. Tuy nhiên, sử gia Trần Xuân Sinh cho rằng : Hồ Quý Ly đã nhận sai. Dòng dõi vua Thuấn chỉ có chi họ Diêu (tên thật của vua Thuấn là Diêu Trọng Hóa, làm vua nước Hữu Ngu, hiệu xưng Ngu Thuấn), và họ Quy chứ không có chi nào họ Hồ. Theo Sử ký Tư Mã Thiên, Hồ Công Mãn là thủy tổ họ Trần chứ không phải họ Hồ. Vua Chu Vũ Vương sau khi diệt nhà Thương, tìm được Quy Mãn là dòng dõi vua Thuấn và phong cho làm vua nước Trần. Sau khi mất, Mãn được đặt thụy hiệu là Trần Hồ Công. Hồ Công là tước hiệu, các vua thời xưa thường được gọi bằng họ (hoặc tên nước) cùng với tước hiệu, như : Tề Hoàn Công, Sở Bá Vương, Chu Vũ Vương, … Từ Trần Hồ Công truyền các đời, tới Trần Thân Công, Trần Tương Công… Các vua nước Trần từ thời Tây Chu trở đi đều là dòng dõi Trần Hồ Công chứ không phải mang họ Hồ. Hồ Công Mãn tức là vị Hồ Công tên Mãn, cũng là một cách gọi thời xưa, giống như Chu Công Đán (Cơ Đán, tổ của nước Lỗ), Thiệu Công Thích (Cơ Thích, tổ nước Yên). Do đó Lê Quý Ly đổi sang họ Hồ và nhận dòng dõi vua Thuấn chỉ là mượn danh dòng họ đế vương cổ xưa. Sau này nhà Minh sang đánh Đại Ngu cũng kể ra 1 trong 22 tội của Hồ Quý Ly là tự ý đổi từ họ Lê sang họ Hồ.
Còn sự kiện thứ hai xảy ra ở các xứ phía nam, và chỉ được các tộc xứ này chú ý đến mà thôi. Tuy vậy, về lâu dài, nó sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến đại cuộc. Giang Phong đã dời đại bản doanh từ Thánh sơn vào Hóa Châu, đóng ở bên cửa Tư Dung. Giang Phong chọn nơi này chứ không phải trị sở của Hóa Châu, vốn đặt ở khu vực phía nam sông Thạch Hãn cho đến phía bắc phá Tam Giang (thuộc huyện Hải Lăng, Quảng Trị và huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế ngày nay), bởi vì nơi này nằm cạnh biển, không xa rừng núi, mà lại hẻo lánh, tiện giữ bí mật những gì mà Giang Phong không muốn nhiều người biết. Đặc biệt là nó cách vịnh Đà Nẵng không xa, chỉ hơn 20 kilômét. Là người thời hiện đại, Giang Phong thừa biết vị trí quan trọng của Đà Nẵng. Chỉ có điều, lúc này các xứ nằm ở phía nam đèo Hải Vân còn thuộc đất Chiêm Thành.
Đại bản doanh mới của Giang Phong, được gọi là Tư Dung hành doanh, có quy mô lớn hơn ở Thánh sơn nhiều, và nhân số cũng được vài nghìn người. Sau gần 2 năm tích góp, Giang Phong đã có được một lượng tài sản khá lớn, ước hơn 60 vạn lượng bạch ngân. Tuy rằng số này so với các phú hào phương bắc không thấm vào đâu, và chỉ bằng chi phí một tháng ăn ngọc Cao Ly của Ngọc phi trong cung nhà Minh. Nhưng so với tình hình Đại Việt lúc bấy giờ, đó đã là một con số cực lớn. Đương nhiên, hơn chín phần trong số đó là đến từ phương bắc. Các thương đoàn của Giang Phong, thông qua một số thương nhân người Hán đã đưa sản phẩm đến tận vùng Tô Hàng, và rất được quan lại phú hào ưa chuộng. Có điều, số bạc đó hiện không có ở Tư Dung hành doanh, mà đã được chuyển ra cất ở đảo Hải Tân (tên do Giang Phong đặt, tức đảo Cồn Cỏ ngày nay, giữa biển mà gọi là cồn thì hơi kỳ, nên Giang Phong không dùng tên thời hiện đại đặt cho nó). Đảo Hải Tân cách đất liền không quá xa, chỉ khoảng 30 kilômét, nhưng lại chẳng mấy người biết đến, và lúc này cũng chưa phải là lãnh thổ Đại Việt, do đó Giang Phong đã cho người ra chiếm lấy, kiến thiết thành căn cứ bí mật của mình. Ban đầu bọn Quảng Tế Pháp sư cũng chưa rõ bản ý của Giang Phong. Trong ý nghĩ của bọn họ đều cho rằng chiếm lấy nơi xa xôi ấy có ích lợi gì kia chứ. Nhưng kể từ năm ngoái, khi Hồ Quý Ly chế ra tiền giấy, cấm người Đại Việt sử dụng tiền đồng, ai vi phạm sẽ phải tội chém; thì Giang Phong đã cho chuyển toàn bộ tài sản của mình ra Hải Tân cất giữ. Đến lúc đó mọi người mới hiểu tác dụng của nơi đó. Các thương đoàn của Giang Phong thường xuyên giao dịch với người nước ngoài, trong đó chủ yếu vẫn là phương bắc, tiền giấy của Hồ Quý Ly không sử dụng được. Giang Phong cũng không thích tiền đồng, chỉ tích trữ hoàng kim và bạch ngân.
Lúc này đây, Giang Phong và các thủ hạ trọng yếu đều tập trung ở bến thuyền bên trong cửa Tư Dung, chờ đợi một sự kiện trọng đại. Mọi người đều chú ý nhìn ra cửa biển.
Sau một thời gian chờ đợi, trên mặt biển bắt đầu xuất hiện những bóng đen. Dần dần, ba chiếc hải thuyền khổng lồ xuất hiện trước mắt mọi người. Thấy bọn Quảng Tế Pháp sư đều lộ xuất vẻ chấn kinh, Giang Phong không khỏi mỉm cười. Trước giờ bọn họ nhìn thấy những thuyền lớn bất quá vài ba chục mét. Còn ba chiếc hải thuyền kia, chiếc nhỏ nhất cũng dài hơn 60 mét, còn chiếc lớn nhất dài đến gần 100 mét, rộng hơn 40 mét, hoàn toàn là một tòa lâu đài nổi trên mặt nước.
Để có được ba chiếc thuyền kia, Giang Phong đã phải đầu tư rất nhiều. Sau gần một năm cho người tiếp cận với các thủy sư đề đốc của Minh triều, dùng trọng kim hối lộ, cuối cùng cũng đã mua được vài chiếc thuyền ‘bị hư hỏng nặng, không thể sử dụng được nữa’. Thủy sư đề đốc ở Phúc Kiến lấy cớ nhiều năm giao chiến với Uy khấu làm cho một số chiến thuyền bị hư hỏng nặng, không thể sử dụng được nữa, phải thanh lý; và người của Giang Phong đã mua lại được với giá rẻ. Đương nhiên, đại lượng bạch ngân đã chảy vào túi của quan tướng thủy quân. Để hoàn thành vụ giao dịch, Giang Phong đã chi ra hơn 20 vạn lượng bạch ngân.
Chiếc thuyền lớn nhất được gọi là ‘lương thuyền’, chủ yếu dùng để chở vật tư, lương thực. Thuyền có 7 cột buồm, dài khoảng 95 mét (56 trượng Tàu), rộng khoảng 40 mét (24 trượng Tàu). Thuyền thứ hai gọi là ‘tọa thuyền’, là thuyền chở quân, có 6 cột buồm, dài khoảng 80 mét (48 trượng Tàu), rộng khoảng 32 mét (18 trượng 8 thước Tàu). Thuyền thứ ba gọi là ‘Phú Xuyên chiến thuyền’, là thuyền chiến, có 5 cột buồm, dài khoảng 60 mét (36 trượng Tàu), rộng khoảng 22 mét (13 trượng 2 thước Tàu).
(chú : trước thời Minh Gia Tĩnh, 1 trượng Tàu = 1,6666… mét; sau thời Minh Gia Tĩnh, chiều dài 1 trượng tăng đôi).
Ba chiếc thuyền cập bến, bắc phương thương đoàn quản sự Cát Ti cùng với thuyền trưởng và một số thành viên quan trọng của thương đoàn xuống thuyền, lên bến ra mắt Giang Phong. Vì bọn họ hoàn thành nhiệm vụ, Giang Phong khen ngợi và gia thưởng. Cát Ti được thăng làm Thương mại tổng quản, quản lý tất cả các thương đoàn dưới quyền Giang Phong. Y có năng lực, giao cho chức vụ đó cũng hợp lý.
Tiếp đó, Cát Ti báo cáo với Giang Phong những việc mắt thấy tai nghe trên đất bắc. Lúc này bên Tàu đang có loạn Tĩnh nạn. Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương vừa qua đời hồi 2 năm trước (trùng với năm Giang Phong đến đây); Hoàng thái tôn Chu Sùng Văn kế vị, niên hiệu Kiến Văn, và tiến hành tước phiên, nhằm làm giảm quyền lực của các phiên vương. Các phiên phương nam sức yếu, có người thuận tòng, về kinh làm thái bình vương gia; có người chống lại nhưng bị đánh bại, giết chết; cũng có người tự sát. Còn các phiên phương bắc thế lực hùng mạnh, nên đều chống lại; trong đó liên minh Yên Vương – Ninh Vương cử binh nam chinh. Hiện tại song phương đang tranh chiến rất kịch liệt ở vùng Sơn Đông. Nam kinh triều đình lúc này có phần mạnh hơn, đã mấy lần đánh bại Yên Vương Chu Lệ, nhưng vẫn không tiêu diệt được.
Giang Phong suy nghĩ một lúc, rồi cho bọn Cát Ti nghỉ ngơi. Ba chiếc thuyền được sai đưa đi sửa chữa, cải trang lại. Ý Giang Phong là muốn hình dáng bên ngoài của nó phải khác đi, để không tiết lộ bí mật. Giang Phong muốn nhân cơ hội bắc phương loạn lạc, Minh triều không rảnh quản việc phương nam, tranh thủ ‘mua’ thêm càng nhiều thuyền càng tốt.