Merano, thủ phủ của Tyrol, nơi có Tyrol thành bảo, nằm tại thung lũng Val d’ Ultimo, gần sông Passirio.
Liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium – Trento thuận lợi tiến đến bên ngoài Tyrol thành bảo hạ trại. Trên đường đi, không hề có một đội quân nào thuộc phe Áo – Tyrol dám chặn đường. Đối diện một đạo quân nhân số lên đến hơn 200.000 người, đông hơn thủ quân gấp trăm lần, quân đội Tyrol chỉ còn có thể cố gắng phòng ngự chờ viện binh. Để kéo dài thời gian chờ cứu viện, Nam tước Andreas de La Passiria sau nhiều phen suy nghĩ, đã quyết định tìm cách hạ thấp sĩ khí đối phương, mong có thể vãn cứu phần nào tình hình. Nam tước Andreas de La Passiria cho rằng, nếu như đối phương sĩ khí đại giảm, tạm thời sẽ không tấn công thành bảo, hoặc có tấn công thì cũng sẽ không tích cực. Suy đi nghĩ lại, thấy cũng chỉ còn cách đó mà thôi, Nam tước liền bảo hầu cận :
– Truyền gọi Werner Kottenkamp đến đây ?
Werner Kottenkamp là đệ nhất Hiệp sĩ dưới trướng của Nam tước Andreas de La Passiria. Hiệp sĩ là một tước hiệu bán quý tộc có từ thời kỳ đầu Trung Cổ, thường để chỉ trọng kỵ binh, ban đầu để chỉ kỵ sĩ, nhưng dần về sau thì biến thành một loại tước hiệu. Gọi là bán quý tộc vì Hiệp sĩ có thân phận nằm ở trung gian giữa bình dân và quý tộc, địa vị cao hơn bình dân nhưng thấp hơn quý tộc (một số quý tộc cũng muốn làm Hiệp sĩ thì ngoại lệ), và tước hiệu Hiệp sĩ cũng không được thừa kế. Trong suốt thời kì trung Cổ, bất cứ ai cũng có thể cũng trở thành một Hiệp sĩ nhưng do trang bị rất đắt tiền, Hiệp sĩ thường xuất thân từ những gia đình giàu có hay quý tộc. Mỗi Hiệp sĩ thường chỉ huy khoảng 10 người, và có một tùy tùng hầu hạ. Áo giáo của Hiệp sĩ rất nặng, cần có tùy tùng giúp đỡ mới có thể mặc vào và lên ngựa được. Hiệp sĩ tùy tùng cũng phải phụ trách chăm lo cho chiến mã và vũ khí của chủ. Hiệp sĩ thường quy phục một vị lĩnh chủ hay quân vương, chiến đấu cho chủ của mình trong chiến tranh hay quyết đấu vì lợi ích của chủ. Khi hai quý tộc có hiềm khích, ngoài cách giải quyết bằng chiến tranh, còn có thể thông qua quyết đấu, phái Hiệp sĩ dưới quyền mình xuất chiến để bảo vệ danh dự và lợi ích của mình.
Quy trình để trở thành một Hiệp sĩ gồm 3 giai đoạn : từ người hầu cho các lãnh chúa, người hầu riêng cho các hiệp sĩ, rồi cuối cùng sau khi qua các đợt huấn luyện sẽ được phong làm Hiệp sĩ. Quá trình thường bắt đầu vào năm một cậu bé lên 7 tuổi, cậu bé sẽ được gửi đến dinh thự của một vị lĩnh chủ giúp việc như một người hầu. Ở đó, cậu bé sẽ học cách cư xử, phép lịch sự, vệ sinh và tôn giáo từ những người hầu nữ trong gia đình lĩnh chủ, đồng thời còn học cách săn bắn, cách nuôi chim ưng, và một số kỹ năng phụ khác như : chuẩn bị ngựa, cưỡi ngựa, cách sử dụng tất cả các loại áo giáp và vũ khí. Đến năm 14 tuổi, cậu bé sẽ được đi theo hầu một vị Hiệp sĩ. Điều này cho phép cậu bé học thêm nhiều điều khác từ những trận đấu của chủ nhân. Nhiệm vụ chính của cậu bé là chuẩn bị ngựa và vũ khí cho chủ nhân. Điều này rèn luyện cho cậu bé những tính cách của một Hiệp sĩ : kiên nhẫn, rộng rãi, và quan trọng nhất là trung thành. Vị Hiệp sĩ kia sẽ chỉ dạy cậu bé mọi điều cần thiết để trở thành một Hiệp sĩ. Khi cậu bé lớn hơn một ít, cậu bé sẽ theo chủ nhân vào chiến trường, và giúp đỡ các Hiệp sĩ đó nếu họ bị thương. Một số cậu bé đã được phong làm Hiệp sĩ ngay trên chiến trường nhờ sự chiến đấu dũng cảm, nhưng hầu hết chỉ được phong tước hiệu Hiệp sĩ bởi những lĩnh chủ sau khi đã huấn luyện hoàn chỉnh. Cậu bé sẽ trở thành một Hiệp sĩ vào khoảng 18 – 21 tuổi. Một khi đã hoàn tất việc đào tạo, cậu bé sẽ được phong tước. Khi đó, cậu bé sẽ phải cầu nguyện cả đêm, xưng tội trước ngày phong tước trong một nhà thờ. Sau đó, cậu bé phải tắm rửa sạch sẽ, mặc áo trắng, quần màu vàng, và áo khoác tím, rồi được phong tước bởi quân vương hay lĩnh chủ. Vào thời Trung Cổ, cậu sẽ phải thề tuân theo những quy tắc của một Hiệp sĩ, và không bao giờ chạy trốn khỏi chiến trường. Mọi phụ nữ sẽ gõ nhẹ lên áo giáp của cậu. Cậu cũng có thể được phong tước ngay trên chiến trường, lúc mà lĩnh chủ đơn giản chỉ cần đặt tay hay thanh kiếm của mình lên vai của cậu và nói : “Ngươi là Hiệp sĩ”. Tuy nhiên, các lĩnh chủ cũng không thể tùy tiện phong tước, bởi theo quy định, tùy vào tước vị của mình mà lĩnh chủ chỉ có thể phong một số lượng Hiệp sĩ nhất định.
Hiệp sĩ gắn liền với những lĩnh chủ phong kiến. Một hiệp sĩ thường được trả công sau các trận đánh bằng đất đai, nhưng đôi khi cũng bằng tiền. Hiệp sĩ được hỗ trợ về mặt kinh tế bởi những nông dân làm việc trên đất của mình và từ nhà thờ. Trong thời kì chiến tranh, quân vương hay lĩnh chủ có thể ra lệnh động viên tất cả các Hiệp sĩ đang ở trong nước hoặc trong lĩnh địa của mình để tham gia vào cuộc chiến, có thể là phòng thủ hay xâm lược các nước, các lĩnh địa khác. Nhiều quý tộc thường thuê những người khác để đi thay cho mình, còn một số khác nói rằng mình không thể đánh nhau. Về sau, các quân vương thích quân đội thường trực, bởi vì họ có thể sử dụng quân đội lâu hơn, chuyên nghiệp hơn và trung thành hơn. Điều này dẫn đến việc các Hiệp sĩ được trả lương bằng tiền từ các lĩnh chủ và từ đó các Hiệp sĩ được phép thu thuế để lấy lương. Một Hiệp sĩ có quyền mang thắt lưng trắng và quần màu vàng để thể hiện đẳng cấp quý tộc của mình (dù rằng chỉ là bán quý tộc).
Nói tóm lại, Hiệp sĩ chính là lực lượng chiến đấu chủ lực của các nước Âu châu thời Trung Cổ. Họ có thể chỉ huy quân đội, đan độc chiến đấu, hoặc tổ hợp thành kỵ sĩ đoàn (Âu châu kỵ binh). Werner Kottenkamp chính là Hiệp sĩ giỏi nhất, mạnh nhất, và cũng là đoàn trưởng Hiệp sĩ đoàn dưới trướng Nam tước Andreas de La Passiria. Khi được truyền gọi, Werner Kottenkamp vội đến ra mắt Nam tước, hỏi :
– Đại nhân. Có chuyện gì không ạ ?
Nam tước Andreas de La Passiria nói :
– Ngươi hãy xuất trận thách đối phương quyết đấu, đánh bại đối phương, nhằm hạ thấp sĩ khí đối phương.
Werner Kottenkamp vâng dạ, khi chuẩn bị đi thì Nam tước lại nói thêm :
– Bằng mọi cách giành chiến thắng. Quân lực giữa ta và địch quá chênh lệch, chỉ có hạ thấp sĩ khí đối phương thì mới mong phòng thủ được cho đến khi viện quân đến nơi.
Sau đó, Werner Kottenkamp mặc giáp, lên ngựa, thống lĩnh Hiệp sĩ đoàn rời thành bảo đến trước doanh trại địch quân khiêu chiến. Gã án chiếu quy tắc của Hiệp sĩ, trước tiên giục ngựa ra trước hàng quân thách đấu :
– Các ngươi có ai dám cùng ta quyết đấu một trận ?
Giọng của gã ta rất lớn, vang vọng vào trong tận trung doanh. Và gã cũng nói tiếng Pháp rất chuẩn, nên bọn thủ hạ của Đinh An Bình hiểu ngay gã muốn nói gì, lập tức hồi báo.
Vào thời Trung Cổ, cho đến tận trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất, tiếng Pháp vẫn là ngôn ngữ chính của giới quý tộc Âu châu. Các vương triều Anh Cách Lan, Pháp Lan Tây, Tây Ban Nha và Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức đều có nguồn gốc từ vương quốc Franks. Charlemagne Đại đế lên ngôi Hoàng đế La Mã năm 800 tại Roma, là vua của cả Tây Âu (Đông Âu là địa bàn của Đế quốc Đông La Mã, hay còn gọi là Đế quốc Byzantine ở Constantinople). Sau khi Charlemagne Đại đế qua đời, Đế quốc bị chia làm 3 phần cho 3 vị Hoàng tử : Tây Franks (Western Frankish Realm), sau thành Pháp Lan Tây; Đông Franks (Eastern Frankish Realm), sau thành Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức; Trung Franks (Central Frankish Realm), sau bị mất phần phía bắc vào tay Tây Franks và Đông Franks, còn lại phần phía nam trở thành Italia. Hàng trăm công quốc và lĩnh địa lớn cũng là do Charlemagne Đại đế phân phong cho thủ hạ của mình. Sau này vùng Catalonia ở phía nam của Tây Franks trở thành tiền thân của vương quốc Tây Ban Nha Cơ Đốc giáo (phía nam là vương quốc Hồi giáo của người Moors như Almohads, Granada). Công tước Normandy ở phía bắc Pháp Lan Tây sau chinh phục và thống nhất các tiểu quốc ở đảo Anh, thành lập vương quốc Anh Cách Lan. Chính vì vậy mà tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ chính thức của giới quý tộc Âu châu. Khi giao tiếp, giới quý tộc sử dụng tiếng Pháp, và các cung đình cũng sử dụng tiếng Pháp.
Đinh An Bình đang ở trong Soái trướng, nghe thủ hạ hồi báo, lộ vẻ ngạc nhiên, nhìn chúng thủ hạ hỏi :
– Gã ta kêu như thế thật ư ?
Những thủ hạ biết tiếng Pháp gật đầu nói :
– Vâng ạ. Gã ta kêu như thế đấy !
Trước giờ chưa từng gặp phải cảnh này, Đinh An Bình ngần ngừ nói :
– Gã ta có phải tự tìm cái chết hay không ? Hay là còn có âm mưu quỷ kế gì ?
Chúng thủ hạ nhìn nhau, vô pháp hồi đáp. Bọn họ cũng chưa từng gặp phải cảnh này.
Có thể bà con chưa biết :
Các loại tước hiệu của quý tộc Âu châu (phần 9)
16. Hungary :
Nhóm 1 :
császár – Hoàng đế
király/királyné – Quốc vương / Nữ vương
fejedelem – thân vương
herczeg – đại công
Nhóm 2 :
gróf – bá tước
báró – nam tước
Nhóm 3 :
lovag – Hiệp sĩ
Hungary nguyên bản không có Hoàng đế, quân chủ xưng hiệu là Quốc vương. Thời kỳ Áo – Hung Đế quốc, do Hoàng đế Áo kiêm nhiệm Hungary Quốc vương. Hungary cũng không có công tước, hầu tước và tử tước. Đến năm 1918 thành lập nền cộng hòa quốc đã bãi bỏ chế độ quý tộc.
17. Nga quốc :
Nhóm 1 :
Император/Императора – Hoàng đế / Nữ hoàng
Цар/Царица – Sa hoàng / Nữ sa hoàng
Цесаревич – hoàng thái tử
Великий Князь/Инфант – đại công / nữ đại công
Nhóm 2 :
Князь/Герцог – công tước / vương tử
Маркиз/Бояре – hầu tước
Граф – bá tước
Виконт – tử tước
Барон – nam tước
Nhóm 3 :
Рыцарь – Hiệp sĩ
Nga quốc đến năm 1917 đã bãi bỏ chế độ quý tộc.
Hết.