Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.519 (Đinh Dậu, 1417). Mùa hạ, tháng 4.
Do sự biến Venice diễn ra, Hohensalzburg thành bảo đã cầm cự được hơn nửa tháng trong yên bình mà không bị tấn công. Chỉ tiêu mà bọn Hầu tước Kultur de Klagenfurt, Bá tước Geschichte de Regensbg và Bá tước Bände de München đã hoàn thành trên cả mong đợi. Bọn họ đã cầm cự được cho đến khi viện quân đến nơi.
Lần này, không chỉ có quân đội của các công quốc thuộc Đế quốc La – Đức, mà còn có quân đội vương quốc Hungary cùng tham chiến. Thật ra thì trong thời kỳ này, Đế quốc La – Đức và vương quốc Hungary tuy 2 mà 1. Hoàng đế Sigismund de Luxembourg của Đế quốc La – Đức lại là phu quân của nữ vương Mary de Hungary của vương quốc Hungary, thuộc nhà Anjou – Hungary, một trong số các phân chi của nhà Anjou (House of Anjou), chủ nhân của các triều đại Angevin.
Nhà Anjou là gia tộc danh giá nhất Âu châu thời Trung Cổ, là chủ nhân của các triều đại Angevin lừng lẫy. Các phân chi của nhà Anjou làm quân vương, Hoàng đế khắp các Đế quốc, vương quốc, công quốc, và vô số lĩnh địa từ Tây Âu cho đến Đông Âu, từ Bắc Âu cho đến Nam Âu. Chỉ đáng tiếc nhà Anjou không thống nhất, và các phân chi còn thường thù địch lẫn nhau, tranh giành lĩnh địa của nhau bằng cả chiến tranh. Các triều đại Angevin của nhà Anjou được các sử gia hiện đại chia thành 3 giai đoạn :
1. Triều đại Angevin đầu tiên (the first Angevin dynasty) : bắt đầu từ Bá tước Geoffrey V de Anjou đến Quốc vương John of England. Sau đó dòng này được gọi là triều đại Plantag, kể từ Henry III of England cho đến Richard II of England. Rồi dòng này lại chia làm 2 trong cuộc chiến tranh Hoa Hồng :
• Nhà Lancaster : con cháu của John of Gaunt, Công tước xứ Lancaster.
• Nhà York : con cháu của Edmund of Langley, Công tước xứ York.
Triều đại này sở hữu các tước hiệu : Quốc vương Anh Cách Lan, lĩnh chủ xứ Ái Nhĩ Lan, Vương tử xứ Wales, Công tước xứ Aquitaine, Công tước xứ Normandy, Công tước xứ Brittany, Bá tước xứ Anjou, Bá tước xứ Maine, Bá tước xứ Poitou, lĩnh chủ xứ Cyprus, và trên danh nghĩa quốc vương Pháp Lan Tây, Jerusalem, Sicily, Castile, và Roma.
2. Triều đại Angevin thứ hai (the second Angevin dynasty) : bắt đầu từ Charles I de Napoli (sau khi nhà Plantag thành lập ở Anh Cách Lan), cai trị vùng đất chính của nhà Anjou – lĩnh địa tự trị Anjou (là chư hầu của quốc vương Pháp Lan Tây nhưng có quyền tự trị rất rộng rãi, có thể xem gần như là một công quốc độc lập, nhiều bản đồ còn vẽ lĩnh địa của nhà Anjou tách biệt với Pháp Lan Tây, với màu sắc khác hẳn để phân biệt), cùng với các vương quốc Hungary (thời Trung Cổ gồm cả Croatia, Slovakia, Rumani), Jerusalem, Sicily, Napoli, Ba Lan, và nhiều lĩnh địa ở Pháp Lan Tây, Đế quốc La – Đức. Dòng này trừ chi trưởng Anjou – Maine, còn có 4 phân chi :
• Nhà Anjou – Hungary : bắt đầu từ Charles Martel de Anjou, cai trị các vương quốc Hungary (1308 – 1385 và 1386 – 1395) và Ba Lan (1370 – 1399).
• Nhà Anjou – Napoli : bắt đầu từ Công tước Charles de Calabria.
• Nhà Anjou – Taranto : bắt đầu từ Philippe I de Taranto, cai trị Đế quốc Latin (1313 – 1374) ở Constantinople.
• Nhà Anjou – Durazzo : bắt đầu từ Công tước Jean de Durazzo, cai trị Napoli (1382 – 1435) và Hungary (1385 – 1386, chiếm ngôi của nhà Anjou – Hungary).
Triều đại này sở hữu các tước hiệu : Bá tước xứ Anjou, Bá tước xứ Provence, Quốc vương Sicily, Quốc vương Napoli, Quốc vương Hungary, Quốc vương Ba Lan, Hoàng đế của Constantinople, Quốc vương Albania, Vương tử xứ Achaea, nhà độc tài của Epirus.
3. Triều đại Angevin thứ ba (the third Angevin dynasty) : tức dòng Anjou – Maine (còn gọi là Anjou – Valois, do có họ hàng với Quốc vương Pháp Lan Tây thuộc nhà Valois), bắt đầu từ Louis I de Anjou, cai trị các lĩnh địa ở Pháp Lan Tây và Italy (Réne de Anjou làm quốc vương Napoli, gồm toàn bộ phần đất phía nam Roma).
Các tước hiệu của triều đại này gồm có : Công tước xứ Anjou, Bá tước xứ Maine, Bá tước xứ Provence và Forcalquier, Quốc vương Napoli, Công tước xứ Touraine, Công tước xứ Lorraine, Công tước xứ Bar, Công tước xứ Calabria, Bá tước xứ Piedmont, Bá tước xứ Roucy, Bá tước xứ Étampes, Bá tước xứ Gien, Bá tước xứ Giuse, Bá tước xứ Mortain, và trên danh nghĩa là quốc vương Sicily, Jerusalem, Cyprus, Aragon.
Rõ ràng là nhà Lancaster và nhà Anjou – Maine thuộc hai phe đối địch nhau trong cuộc ‘chiến tranh trăm năm’. Nhà Anjou – Maine và nhà Anjou – Durazzo đánh nhau giành ngôi Quốc vương Napoli; hoặc nhà Anjou – Durazzo và nhà Anjou – Hungary đánh nhau giành ngôi Quốc vương Hungary; thậm chí trong nhà Plantag vì tranh ngôi Quốc vương Anh Cách Lan mà chia thành 2 nhà Lancaster và York, … Tóm lại, nếu tính về tổng lĩnh thổ do nhà Anjou kiểm soát thì rất rộng lớn, nhưng lại phân tán thuộc nhiều phân chi độc lập, thậm chí thù địch nhau.
(tham khảo tại : http://en.wikipedia.org/wiki/Category:House_of_Anjou)
Trong số các phân chi, chỉ có nhà Anjou – Maine vì cai quản phần đất gốc của tổ tiên, nên có thân phận đặc thù, có quan hệ tương đối tốt với các phân chi khác. Theo đúng lịch sử, trong cuộc ‘chiến tranh trăm năm’, quân Anh tấn công khắp nơi trên đất Pháp, từ bắc đến nam, đến tận Aquitaine ở giáp giới với Aragon (nay là Tây Ban Nha), nhưng tránh Anjou. Hoặc Louis III de Anjou (tức Long nhi) là con nuôi của nữ vương John II de Napoli thuộc nhà Anjou – Durazzo (để được thừa kế ngôi quốc vương Napoli), lại có em gái Marie de Anjou là ‘queen consort’ của Pháp và cháu gái Margaret de Anjou (con của Réne de Anjou) là ‘queen consort’ của Anh. ‘Queen consort’ đại khái có thể dịch là vương hậu thừa kế, là người có quyền thừa kế ngai vàng khi quốc vương qua đời mà không có con nối dõi, hoặc sẽ có quyền nhiếp chính khi con còn nhỏ, thậm chí còn có thể giúp quốc vương xử lý chính sự. Không phải vị vương hậu nào cũng có tước hiệu ‘queen consort’. Tương tự là ‘king consort’ cho phu quân của nữ vương. Ngoài ra, trong cuộc ‘chiến tranh trăm năm’, Thái tử Charles VII de Française được nhà Anjou nuôi dưỡng để khỏi chết như hai người anh của mình (là những Thái tử trước đó). Yolande de Aragon, mẹ của Louis III de Anjou, người nuôi dạy Thái tử Charles VII de Française cùng với các con của mình, đã từng trả lời khi triều đình Pháp Lan Tây yêu cầu đón Thái tử về triều : “Chúng ta không nuôi dạy cậu ấy để làm cho cậu ấy chết như các anh em của mình, hoặc điên loạn như cha của mình, hoặc trở thành người Anh như các người. Ta giữ cậu ấy ở lại đây với ta. Cứ đến và đón cậu ấy đi, nếu như các người dám”.
Vì vậy, cuộc chiến ở Salzburg giữa liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium – Trento và liên quân Đế quốc La – Đức – vương quốc Hungary, cũng có thể xem là cuộc tranh chấp giữa các phân chi trong nhà Anjou, với một bên là Long nhi (nhà Anjou – Maine) và bên kia là vợ chồng Hoàng đế Sigismund de Luxembourg và nữ vương Mary de Hungary (nhà Anjou – Hungary). Trên danh nghĩa, liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium – Trento phát động chiến tranh vì cuộc tranh chấp ngai vàng ở Napoli. Công quốc Áo bị họa lây vì có quan hệ với vương quốc Napoli (Công tước Áo đời trước là phu quân của nữ vương John II de Napoli, em gái và là người kế vị của Ladislaus de Napoli, kẻ thù chính của nhà Anjou – Maine). Tuy vậy, giờ đây cuộc tranh chấp đã mở rộng thành cuộc tranh bá quyền ở Âu châu. Do đó, cuộc đại hội chiến ở Salzburg rất được các bên xem trọng.
Liên quân Đế quốc La – Đức – vương quốc Hungary huy động gần như toàn bộ lực lượng quân sự mà bọn họ có thể huy động được để đưa đến chiến trường Salzburg. Mọi người đều biết rằng nếu thất bại trong cuộc chiến này, bọn họ có thể mất nước. Do đó, Hoàng đế Sigismund de Luxembourg của Đế quốc La – Đức đã huy động quân đội từ các công quốc Luxembourg, Bavaria, Áo, Bohemia, Moravia, Silesia, Saxony, Württemberg, Francony, Palatinate, Lüneburg, Bradenburg, Hesse, Cologne, và hàng trăm lĩnh địa lớn nhỏ khác, tổng quân số 190.000 người (hơn 90% là quân nông dân mới trưng tập). Vương quốc Hungary phải để lại quân đội phòng ngự quân Thổ của Đế quốc Ottoman, và đề phòng người Croatia nổi dậy giành độc lập (kể từ thế kỷ 13 đã từng nổi dậy nhiều lần, đều bị đàn áp, lần gần nhất là vào 14 năm trước – năm 1403), nhưng cũng điều động 95.000 quân (đa số là quân nông dân) đến tham chiến.
Tổng quân số của liên quân Đế quốc La – Đức – vương quốc Hungary đông đến 285.000 người, chưa biết khả năng chiến đấu thế nào, nhưng thanh thế kinh nhân. Trên các cánh đồng của Salzburg toàn người là người, quang cảnh cực kỳ tráng quán. Nhưng lại có vấn đề là các nước Âu châu chưa từng tổ chức một đạo quân đông đến như thế bao giờ, nên không ai có kinh nghiệm và năng lực chỉ huy. Hơn nữa, quân đội đến từ hàng trăm lĩnh địa khác nhau, trừ lĩnh chủ của họ ra, không ai có thể chỉ huy được. Cuối cùng, mỗi vị lĩnh chủ hoặc tự thân, hoặc phái thân tín chỉ huy quân đội của mình, còn đích thân Hoàng đế Sigismund de Luxembourg phụ trách tổng chỉ huy thống suất đại quân tác chiến. Quân đội Hungary không có nữ vương thống suất, nhưng Hoàng đế Sigismund de Luxembourg lại là phu quân của nữ vương nên không thành vấn đề. Hoàng đế Sigismund de Luxembourg là ‘king consort’ của vương quốc Hungary, có đầy đủ quyền hạn giống với nữ vương, cho nên còn có tước hiệu là Quốc vương Hungary.