Trong khi ở vùng tây bắc Âu châu, Vương quốc Anh Cách Lan lúc này ba bề thọ địch, tình thế hiểm nghèo, thì vùng trung bộ Âu châu cũng chẳng được yên bình. Trên cương thổ của Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức vốn có hàng nghìn công quốc lớn nhỏ, sau chiến dịch hẻm núi Kalwang, đã biến thành một lò lửa chiến tranh. Hoàng đế Sigismund de Luxembourg không còn uy tín gì nữa, ngôi vị Hoàng đế chỉ còn trên danh nghĩa, chúng vương công quý tộc không ai tuân phục. Những vương công quý tộc không tham gia chiến dịch hẻm núi Kalwang, nhân cơ hội những người tham chiến đang bị bắt, quân đội tổn thất hoàn toàn, liền đua nhau xua quân xâm chiếm lĩnh địa của bọn họ. Các cuộc chinh phục, thôn tính, cướp phá không ngừng bùng phát, chiến tranh diễn ra liên tục hàng ngày, dân chúng rên siết trong cảnh nước sôi lửa bỏng. Cũng chính những cuộc chiến tranh đó đã khiến cho việc chuộc thân của những vương công quý tộc bị bắt diễn ra rất thuận lợi, và Thần Thánh Đế quốc hoạch lợi nhiều hơn cả mong đợi. Chúng vương công quý tộc đều mong muốn nhanh chóng quay về bảo vệ lĩnh địa của mình, nên chẳng tiếc gì kim ngân tài bảo, bởi một khi lĩnh địa mất đi thì bọn họ cũng chẳng còn gì cả, đương nhiên lúc đó cũng sẽ chẳng còn cơ hội chuộc thân.
Xấu số nhất vẫn là Hoàng đế Sigismund de Luxembourg. Do tính cách hung bạo hiếu chiến, trước đây còn cường thế mà vẫn nhiều phen bị dân chúng đánh đuổi, nói gì lúc này. Nghiêm trọng nhất là vấn đề của phong trào Kháng Cách. Trong khi Công đồng Constantine đang nhóm họp, Jan Huss (tiếng Anh là John Huss, một nhà thần học, nhà cải cách tôn giáo Séc) đã đến Constantine để bày tỏ quan điểm của mình, nhưng đã bị Giáo hội Công giáo La Mã kết tội dị giáo, và bị thiêu sống (năm 1415). Khi đó, đã có 450 lĩnh chủ viết thư bênh vực ông là người chính thống về giáo lý, và đã dẫn đến cuộc nổi dậy của người Bohemia ủng hộ Jan Huss (lịch sử gọi là cuộc chiến tranh Hussites, kéo dài 15 năm với thắng lợi thuộc về phe Hussites, Giáo hội Công giáo La Mã tổ chức ba cuộc Thập tự chinh vào các năm 1420, 1423, 1431 để đàn áp nhưng vẫn thất bại), cũng như cuộc vận động thành lập Giáo hội Hussites sau này.
Do Jan Huss bị thiêu sống, những người ủng hộ Jan Huss (được gọi là Hussites) đã nổi dậy ở Bohemia. Và do Hoàng đế Sigismund de Luxembourg thất trận ở hẻm núi Kalwang, người Bohemia đã truất phế ông ta, tự thành lập Hội đồng quý tộc để cai trị vương quốc như một thể chế Nghị viện kiểu Anh Cách Lan. Để củng cố chính quyền, bọn họ đã học theo George I de Trento, gửi một sứ đoàn đến Gia Định. Trong khi đó, Hoàng đế Sigismund de Luxembourg mất đi hai vương quốc Hungary và Bohemia, cũng tức là đã mất đi hơn 90% lĩnh địa của mình, trở thành một tiểu lĩnh chủ, chẳng còn được ai tôn trọng nữa.
Ngoài ra, hiện tại mọi người đang tránh sử dụng tên gọi Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức, chỉ gọi đơn giản bằng tên Đế quốc Đức, bởi tên gọi La Mã Thần Thánh không còn thích hợp nữa do sự xuất hiện của Vương quốc Latium.
Ở phía đông bắc Vương triều Latium, tức là khu vực phía bắc Hungary, có hai vương quốc Ba Lan (Poland), Lithuania và lĩnh địa Các Hiệp sĩ tonic (do Hội đồng Hiệp sĩ cai trị). Giữa Vương quốc Ba Lan và lĩnh địa Các Hiệp sĩ tonic đang có xung đột, tuy chưa diễn biến thành chiến tranh, nhưng tình hình cũng không được yên ổn. Ở phía đông và đông nam là các tiểu vương quốc Moldavia, Wallachia, vương quốc Bulgaria và Đế quốc Ottoman, có cuộc bao vây thành Constantinople đã kéo dài gần 50 năm nay.
Chỉ có duy nhất vùng Bắc Âu là ổn định nhất, với các vương quốc Đan Mạch (Denmark), Na Uy (Norway) và Thụy Điển (Sweden). Ngoài ra, phần phía tây bán đảo Iberia, gồm các vương quốc Leon, Castile, Bồ Đào Nha (Portugal) và Granada (Hồi giáo) được sát nhập vào Thần Thánh Đế quốc, thành lập 7 tỉnh vùng Iberia (Cordova, Granada, Lisbon, Toledo, Santander, Léon và Gibraltar).
Do Thần Thánh Đế quốc thực hiện tự do tôn giáo ở tỉnh Jerusalem, chấm dứt tình trạng người Hồi giáo độc quyền kiểm soát thánh địa, nên đã có rất nhiều người Cơ Đốc giáo từ Âu châu hành hương đến đó, và cũng có không ít người ở lại, bổ sung cho thế lực Cơ Đốc giáo ở đây. Đồng thời, bởi vì nơi đây thuộc cương thổ của Thần Thánh Đế quốc, có phong khí tự do hơn ở Âu châu (lịch sử gọi Âu châu thời kỳ này là ‘Đêm dài Trung Cổ’ thì cũng đủ biết), nên phong cách truyền giáo cũng có khác hơn. Cuộc Đại Ly giáo của Giáo hội Công giáo La Mã mới kết thúc với Công đồng Constantine (vẫn còn đang nhóm họp). Giáo hội Chính Thống giáo Đông Phương đã rất suy yếu bởi cuộc tấn công của người Thổ, và thành Constantinople đang bị bao vây. Ở Bohemia, Ba Lan và Đan Mạch đang có phong trào Kháng Cách. Do đó mà người Cơ Đốc giáo ở Jerusalem tự nhận mình tiếp nối từ Giáo hội tiên khởi thời các thánh Tông đồ (nơi này là quê hương của chúa Kitô cũng như các thánh Tông đồ, cũng là nơi hình thành tổ chức giáo hội đầu tiên), và xưng là Giáo hội Nguyên thủy, để phân biệt với Giáo hội Công giáo La Mã và Giáo Hội Chính Thống giáo Đông Phương.
…
Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.519 (Đinh Dậu, 1417). Mùa thu tháng 8. Sinai. Đại Tây hành cung.
Sau khi chỉnh đốn xong tình hình quân chính của Vương quốc Latium, Long nhi và Đinh An Bình quay trở về Đại Tây Hành cung. Vương cung ở Syracuse vẫn còn đang trong quá trình xây dựng, nên Long nhi vẫn thích ở Đại Tây Hành cung hơn. Vương quốc Latium được tổ chức theo hình thức của Thần Thánh Đế quốc, cũng chia thành tỉnh – quận – huyện, nên dù Long nhi ở tại Sinai cũng vẫn không ảnh hưởng đến việc thống trị. Thần Thánh Đế quốc rộng lớn đến thế, Giang Phong ở tại Gia Định Thành mà vẫn thống trị được đấy thôi. Vào thời Trung Cổ, chỉ cần nắm chắc quân quyền thì ngôi vị không có vấn đề gì.
Trải qua hơn một năm đông chinh bắc phạt, Vương quốc Latium đã trở thành một đại cường quốc chiếm vị trí chủ đạo ở Âu châu. Với diện tích quốc thổ 1,329,847 kilômét vuông, Vương quốc Latium có diện tích lớn hơn cả tổng diện tích các nước Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Thụy Sĩ và Bỉ thời hiện đại. Cả nước có 22 tỉnh, 124 quận, hơn nghìn huyện và 2 lĩnh địa giáo quyền. Quân đội chính quy 6 vạn người trú đóng ở các vị trí hiểm yếu, đặc biệt là khu vực biên cảnh phía bắc và phía đông. Quân địa phương gồm 5 vạn, phụ trách phòng thủ các tỉnh thành, quận thành, huyện thành. Ngoài ra, đại lĩnh địa Trento – Tyrol cũng tăng quân số lên 1 vạn. Sau chiến tranh, George I de Trento có người có của, nên đã quyết định mở rộng quy mô quân đội. Do lĩnh địa nằm ở vùng biên cảnh nên lão phải đề phòng tình trạng xấu nhất (thật ra thì lão đang chờ cơ hội mở mang lĩnh địa, bởi giờ đây các vương công quý tộc ở Đế quốc La – Đức đâu dám dẫn quân vượt qua biên giới của Vương quốc Latium). Mới hơn một năm trước lão còn lo lĩnh địa bị xâm chiếm, mà giờ đây lão lại tìm cơ hội xâm chiếm lĩnh địa kẻ khác, quả là tình cảnh khác nhau một trời một vực. Mỗi khi nói chuyện với bằng hữu, lão vẫn tự hào nói rằng việc đi đến Gia Định đã đổi thay số phận của lão.
Long nhi giờ đây đã 14 tuổi. Sau gần 2 năm gần gũi Giang Phong, sau hơn 1 năm cai trị Vương quốc Latium, Long nhi đã trưởng thành rất nhiều, đã có được ít nhiều uy thế của đế vương, nói một cách văn hoa là ‘vương giả phong phạm’. Trong chính điện, cậu bé cùng Đinh An Bình bàn bạc đại sự. Cậu bé hỏi :
– Phụ hoàng triệu chúng ta về Gia Định. Vương gia định khi nào sẽ khởi trình ?
Đinh An Bình nói :
– Tình hình Âu châu cũng tương đối ổn định rồi. Tin rằng hiện tại chẳng có nước nào dám gây hấn với Đế quốc cũng như Vương quốc Latium đâu. Việc ở đây để lại cho chư tướng giải quyết cũng không vấn đề gì. Mười ngày nữa chúng ta sẽ khởi trình. Điện hạ thấy thế nào ?
Long nhi gật đầu nói :
– Cũng được. Vương gia có biết phụ hoàng triệu chúng ta về cung vì việc gì không ?
Đinh An Bình mỉm cười nói :
– Còn việc gì nữa đâu ! Đương nhiên là việc điện hạ gia miện xưng đế rồi. Nên biết, Vương quốc Latium hiện tại rộng gấp rưỡi tổng diện tích 5 Đế quốc ở Trung Hoa đó nha !
Hiện tại ở Trung Hoa có 5 Đế quốc là Đại Minh (ở Hà Bắc), Đại Tống (ở Sơn Đông và vùng Khai Phong), Đại Hán (ở Hà Nam trừ vùng Khai Phong), Đại Đường (ở Thiểm Tây), Tấn (ở Sơn Tây) và 2 vương quốc Hạ (ở Tứ Xuyên), Lương (ở Cam Túc). Tổng diện tích 5 Đế quốc chỉ có khoảng 875,000 kilômét vuông, nhỏ hơn diện tích Vương quốc Latium nhiều. Đương nhiên dân số thì đông hơn. Người Trung Hoa nổi tiếng về việc đông dân kia mà. Tổng quân số của 5 Đế quốc lên đến 150 vạn, trong khi Vương quốc Latium chỉ có 11 vạn, kể luôn địa phương quân.
Long nhi nghe Đinh An Bình nói vậy, lắc đầu nói :
– Không phải. Ta nghe nói có việc xung đột ở nam Thiên Trúc. Không rõ sự tình thế nào ? Phụ hoàng có quyết định chinh phạt nam Thiên Trúc hay không ?
Đinh An Bình cười nói :
– Cũng chẳng có chuyện gì đáng kể đâu ! Trước đây Vương triều Vijayanagara thống trị toàn bộ nam Thiên Trúc, có hàng trăm tiểu quốc chư hầu. Sau này Đế quốc chiếm Tích Lan, công kích nam Thiên Trúc, buộc Vương triều Vijayanagara phải nạp cống cầu hòa. Từ đó thế lực của Vương triều Vijayanagara ngày càng yếu hơn. Gần đây, người Mông Cổ ở bắc Thiên Trúc lấn xuống phía nam, xung đột với Vương triều Vijayanagara. Các tiểu quốc phương nam thấy thế, muốn tìm nơi bảo hộ vững chắc hơn, nên đã xin thần phục Đế quốc. Vương triều Vijayanagara phản đối việc ấy, thành ra có xung đột với Đế quốc. Nhưng đối với Đế quốc, Vương triều Vijayanagara chẳng đáng kể gì !
Long nhi hỏi :
– Theo Vương gia thì phụ hoàng có quyết định chinh phạt nam Thiên Trúc không ?
Đinh An Bình nói :
– Chúng ta không nên phỏng đoán thánh ý, chỉ nên phụng chỉ hành sự. Hơn nữa, dù có tiến hành chinh phạt nam Thiên Trúc thì cũng không phải là nhiệm vụ của chúng ta. Đã đến lúc Triệu vương gia cầm quân rồi.
Đinh An Bình và Triệu Phong vẫn luân phiên nhau cầm quân chinh phạt. Đinh An Bình vừa mới phụ trách chinh phạt Âu châu, nên lần chinh phạt sau sẽ được giao cho Triệu Phong đảm nhiệm.