Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.519 (Đinh Dậu, 1417). Mùa thu, tháng 9. Gia Định Thành. Trường Thanh Cung. Tử Tiêu Điện.
Giờ đã cuối thu, sắp chuyển sang mùa đông, nhưng Gia Định Thành nằm ở vùng nhiệt đới, lại chịu ảnh hưởng của miền khí hậu hải dương, nên quanh năm ấm áp, mùa đông cũng không lạnh lắm, cùng với sự phồn hoa của nó, có thể xem là ‘tứ quý như xuân’, một sự xưng tụng mà người xưa chỉ dành cho các chốn thế ngoại đào nguyên.
Như thường lệ, Giang Phong duyệt đọc báo cáo về tình hình chính sự trong triều. Việc triều chính ở Đế quốc, Giang Phong giao cho chúng triều thần chia nhau xử lý, chỉ cần định kỳ hồi báo cho Giang Phong biết. Giang Phong tự biết mình không giỏi xử lý chính sự, lại muốn an nhàn, nên đã giao quyền cho triều thần. Giang Phong chỉ quyết định quốc sách, chiến lược, hay định đoạt các đại sự kiện. Thân tự thân vi chỉ khiến cho mình lao tâm lao lực, rồi đoản thọ giống như Gia Cát Vũ hầu. Quyền lực, Giang Phong đã đạt đến tột đỉnh quyền uy, nên đối với quyền lực chẳng có tham vọng gì nữa.
Khi Giang Phong duyệt đọc biểu tấu, Quảng Tế Pháp sư đứng bên cạnh giải thích những vấn đề trong đó. Lão theo Giang Phong ngay từ khi Giang Phong mới giáng lâm thế giới này, sang năm nữa là tròn 20 năm, lão cũng đã quá tuổi cổ lai hy, nhưng giờ vẫn còn khỏe mạnh, tinh thần bão mãn, xem ra sống đến trăm tuổi cũng không vấn đề gì. Khi Giang Phong xem đến những biểu tấu về các lĩnh thổ ở Mỹ châu, Quảng Tế Pháp sư nói :
– Khải tấu Thánh hoàng. Từ bán đảo Iberia đi về phía tây, vượt qua Đại Tây Dương sẽ đến một vùng bình nguyên trù phú, nhưng dân cư thưa thớt và lạc hậu. Dân bản địa còn lạc hậu hơn cả các xứ Phi châu. Bản triều đã men theo bờ biển từ bắc xuống nam thiết lập hàng trăm khu định cư, tương tự như các khu định cư ở Phi châu, cứ cách 100 dặm lại có một khu định cư như vậy. Những khu định cư nhỏ chỉ vài trăm cư dân, còn những khu định cư lớn có đến hàng nghìn, có quân đội trú đóng. Mỗi khu định cư đều được xây dựng một bức tường thành kiên cố bao quanh, cao 10 mét, dày 2, 3 mét, bên trong chứa đầy lương thực, và dân chúng đều được vũ trang, có thể giữ vững ít nhất nửa năm một khi có biến cố. Và chỉ cần tin cáo cấp được phát đi, chậm nhất là sau hai tháng sẽ có đại quân cứu ứng.
Giang Phong hỏi :
– Chỉ mới thiết lập được các khu định cư ở bờ biển phía đông ?
Quảng Tế Pháp sư tâu :
– Khải tấu Thánh hoàng. Ở bờ biển phía tây Mỹ châu, bản triều mới khai thác được vùng phía bắc. Vì Đại Đông Dương quá rộng lớn, các chiến hạm của chúng ta xuất phát từ Đông Doanh và Trung Hải đảo chỉ có thể tiếp ứng cho vùng bắc Mỹ châu. Theo kế hoạch, vùng nam Mỹ châu sẽ được khai phá trong vài năm tới.
Đại Đông Dương tức là Thái Bình Dương, vì là phần mở rộng của Đông Hải, nên được gọi là Đại Đông Dương, đối ứng với Đại Tây Dương ở phía bên kia. Hòn đảo Hawai’i ở giữa Đại Đông Dương được gọi là Trung Hải đảo. Do bờ biển phía đông Mỹ châu và bờ biển phía tây Âu châu, Phi châu gần như song song với nhau qua Đại Tây Dương, nên việc tiếp tế được tiến hành tương đối dễ dàng. Còn ở bờ biển phía tây Mỹ châu, Đế quốc chỉ mới tiếp tế được cho vùng bắc Mỹ châu, thông qua các căn cứ Hải quân ở Đông Doanh và Trung Hải đảo, nên vùng nam Mỹ châu phải chờ đến khi các khu định cư ở bắc Mỹ châu đã phát triển ổn định, rồi mới có thể khai thác.
Giang Phong lại xem đến biểu tấu về các sứ đoàn. Quảng Tế Pháp sư tâu :
– Khải tấu Thánh hoàng. Dịp này có đến 1 vạn 8.316 sứ đoàn của các Đế vương Trung Hoa, các phiên quốc Đông Doanh, các Hãn quốc Mông Cổ, các tiểu quốc nam Thiên Trúc, các tiểu vương Hồi giáo, các tiểu vương Phi châu, các tiểu vương và tù trưởng Mỹ châu. Sứ đoàn đông nhất có đến hơn trăm người, sứ đoàn ít nhất chỉ có 3 người. Hiện ở Gia Định Thành đã có đến hơn chục vạn sứ tiết các phương.
Thời Trung Cổ tiểu quốc như rừng (tiểu quốc lâm lập). Chỉ riêng các xứ nam Thiên Trúc (tức vùng nam Ấn Độ, hay Cộng hòa Ấn Độ ngày nay; trước đây các xứ Pakistan, Butan, Nepan, Bangladesh cũng được gọi là Ấn Độ) đã có cả nghìn tiểu quốc. Các xứ A Lạp Bá cũng tương tự. Còn Phi châu và Mỹ châu thì càng nhiều hơn. Các bộ lạc cũng được xem là các thực thể tương đương tiểu quốc, bởi có nhiều bộ lạc (ví dụ bộ lạc Mông Cổ) có dân số đông gấp mấy lần các tiểu quốc ở nam Thiên Trúc hay các xứ A Lạp Bá. Do đó, hơn vạn sứ đoàn đủ để đại biểu ‘vạn quốc lai triều’, một trong những vinh dự quan trọng của các triều đại xưa.
Giang Phong hỏi :
– Không có sứ đoàn nào đến từ Âu châu hay sao ?
Quảng Tế Pháp sư tâu :
– Khải tấu Thánh hoàng. Có ạ ! Nhưng bọn họ đi cùng với Điện hạ và Chiêu Đức Vương. Có sứ tiết của Giáo hội Công giáo La Mã, Vương quốc Bohemia, Đại lĩnh địa Trento – Tyrol, Lĩnh địa Salburg. Còn có hai em của Điện hạ, là Công tước Réne de Anjou và Công tước Charles de Le Maine xứ Bourbon. Ngoài ra, theo tin hồi báo từ Sinai, đã có thêm các sứ đoàn khác đang trên đường đến Gia Định, như : Vương quốc Anh Cách Lan, Vương quốc Tô Cách Lan, Vương quốc Ái Nhĩ Lan, Lĩnh địa Wales, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Na Uy, Vương quốc Thụy Điển, Vương quốc Ba Lan, Vương quốc Lithuania, Lĩnh địa Các Hiệp sĩ tonic, Vương quốc Moldavia, Vương quốc Wallachia, Vương quốc Bulgaria, Công quốc Silesia, Công quốc Saxony, Công quốc Palatine, Công quốc Lorraine, Công quốc Cologne, Lĩnh địa Pomerania, Công quốc Liechtenstein, Liên minh các Công quốc xứ Nederland, Lĩnh địa giáo quyền Liège.
Nederland, âm Hán Việt là Ni Đức Lan, có nghĩa là Vùng đất thấp, thường bị gọi lầm là Hà Lan (Holland) mà thực tế Hà Lan chỉ là một tỉnh (provincy) của nước này (đến năm 1840 mới được chia thành 2 tỉnh là Nam Hà Lan và Bắc Hà Lan). Khi Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức suy yếu, 7 Công quốc xứ này đã ly khai thành lập Liên minh Utrecht vào năm 1568 và tuyên bố độc lập vào năm 1579. Thế nhưng, lúc này Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức đã tan rã và lâm vào cảnh nội chiến. Có lẽ đây cũng là cơ hội cho các xứ Nederland độc lập chăng ?
Giữa lúc này, có thị vệ vào báo :
– Khải tấu Thánh hoàng. Chiến hạm của Điện hạ và Chiêu Đức Vương đã đến Gia Định, vì gặp phải các hạm thuyền chở cống phẩm đang bốc dỡ hàng nên chưa thể vào Quân cảng.
Giang Phong cho thị vệ lui ra, rồi hỏi Quảng Tế Pháp sư :
– Hôm nay các hạm thuyền chở cống phẩm đến Gia Định ?
Quảng Tế Pháp sư tâu :
– Khải tấu Thánh hoàng. Các hạm thuyền chở cống phẩm bắt đầu từ nửa tháng trước đã lần lượt đến Long Sơn. Nhưng vì khi vào Gia Định là phải phong tỏa Gia Định Giang, ảnh hưởng đến sinh kế của dân chúng, nên thần đã cho tập trung ở Long Sơn, rồi khi đến đông đủ thì cùng vào Gia Định một lúc. Chiều qua, đoàn hạm thuyền cuối cùng đến từ Mỹ châu đã đến Long Sơn, rồi hôm nay mới cùng vào Gia Định. Do hạm thuyền chở cống phẩm nặng nề chậm chạp, nên các sứ đoàn đã đi theo thuyền nhẹ đến trước.
Giang Phong bảo :
– Được rồi. Khanh hãy ra Quân cảng tiếp đón Long nhi và Đinh khanh gia.
Quảng Tế Pháp sư vâng dạ, cáo thoái rời cung, đi ra Quân cảng tiếp đón Long nhi và Đinh An Bình.
Khi lão ra đến Quân cảng thì chiến hạm của bọn Long nhi vẫn còn ở ngoài sông, chưa thể cập cảng. Lão đành thân tự chỉ huy quan quân tập trung vận chuyển hết cống phẩm trên một hạm thuyền xuống cảng, để rồi cho hạm thuyền đó rời cảng, dành chỗ lại cho chiến hạm của bọn Long nhi.
Cuối cùng thì chiến hạm cũng có thể cập cảng. Long nhi lên bờ, thấy Quảng Tế Pháp sư chờ sẵn ở đó, kinh ngạc nói :
– Sao dám phiền lão Pháp sư chờ chúng ta ở đây ?
Quảng Tế Pháp sư cười nói :
– Ta đang ở Tử Tiêu Điện tấu trình chính sự, thì Thánh hoàng được tin Điện hạ và Đinh vương gia hồi triều, nên phái ta ra đây đón tiếp.
Long nhi vội nói :
– Không dám. Không dám. Thật phiền lão Pháp sư.
Nói đoạn, Long nhi gọi hai người em của mình đến, giới thiệu :
– Lão Pháp sư. Đây là Réne de Anjou, Công tước xứ Anjou và Charles de Le Maine, Công tước xứ Bourbon. Hai em. Đây chính là Quảng Tế Pháp sư, chưởng quản toàn bộ chính vụ của Đế quốc. Hai em hãy mau chào lão Pháp sư.
Réne de Anjou vội chắp tay chào hỏi :
– Xin bái kiến lão Pháp sư.
Charles de Le Maine đứng nép phía sau Long nhi, ló đầu ra giơ tay chào :
– Xin chào lão Pháp sư. Lão Pháp sư khỏe ạ ?
Quảng Tế Pháp sư phì cười, nói :
– Tiểu công tử đáng yêu quá !
Bé Charles quả thật là rất đáng yêu, ai thấy cũng đều quý mến.