Tin tức về hai Đế quốc Ottoman và Đông La Mã (cách gọi của các nước Tây Âu đối với Đế quốc Byzantine) lần lượt diệt vong chỉ cách nhau vài tháng nhanh chóng truyền sang Âu châu, khiến chúng vương công quý tộc chấn kinh, còn dân chúng thì xôn xao bàn tán. Đối với bình dân bách tính thì đó cũng chỉ là chuyện trà dư tửu hậu, còn đối với nhiều vị vương công quý tộc thì điều đó đồng nghĩa với một nguy cơ to lớn. Tiếp sau đó, những nước từng phái sứ tiết đến Gia Định triều cống thì hoan hỉ vui mừng, còn những nước không triều cống lại lo lắng bất an, cố gắng tìm cách bổ khuyết, vừa khẩn trương thành lập sứ đoàn gửi đến Gia Định, vừa sai sứ giả liên hệ với những người quen biết thuộc nhóm được Thần Thánh Đế quốc công nhận nhờ cầu xin giúp. Đến lúc này, bọn họ đều đã nhận ra rằng không một vị quân vương nào, không một dân tộc nào có thể hứng chịu được cơn thịnh nộ của Đức Thánh hoàng ở Trường Thanh Cung.
Ở Tiểu Á, Đinh An Bình được lệnh tạm trú quân ở đó, ổn định khu vực. Ngoài ra, để có thể triệt để thống trị cương thổ rộng mênh mông, Giang Phong lại ban chiếu tăng quân. Lần này là tăng quân đến hơn trăm vạn. Đế quốc hùng mạnh, lương thực tài nguyên sung túc, có thể cung ứng cho một đội quân đông đảo. Dùng 200 vạn quân để khống chế 90% diện tích địa cầu, quả thật không nhiều. Chỉ có điều, khác với những lần trước, mục tiêu chinh binh lần này đại bộ phận là các chiến binh dũng mãnh của những bộ lạc ở Phi châu và Mỹ châu. Những chiến binh bộ lạc này cực kỳ dũng mãnh thiện chiến, chỉ có vấn đề là quá lạc hậu. Nhưng ở thời buổi lãnh binh khí này, bọn họ chỉ cần gia nhập quân đội Thần Thánh Đế quốc, được trang bị vũ khí tinh lương, được huấn luyện quân sự, được cung cấp lương hướng đầy đủ thì sẽ nhanh chóng trở thành những chiến binh tinh nhuệ ngay.
Trong số hơn trăm vạn tân binh đó, có 3 vạn kỵ binh Arab, 5 vạn kỵ binh Thổ, 2 vạn kỵ binh Somali, 5 vạn kỵ binh Mông Cổ, 10 vạn quân Nubia (dân tộc sống ở khu vực bắc Sudan, nam Ai Cập ngày nay), 10 vạn quân Berber (dân tộc sống ở khu vực nam Địa Trung Hải, từ Marocco đến Lybia), 30 vạn quân Kaffir (Kaffir trong tiếng Arab nghĩa là ‘không tin tôn giáo’, chỉ các dân tộc nam Phi châu theo tín ngưỡng địa phương, không theo các tôn giáo lớn như Hồi giáo, Cơ Đốc giáo, Bà La Môn giáo hay Phật giáo), 25 vạn quân da đỏ Mỹ châu, 10 vạn sơn địa quân Miến Điện, 2 vạn sơn địa quân Tamil (ở nam Thiên Trúc), 30 vạn quân Hán. Tổng quân số tăng thêm đến 132 vạn. Cộng với quân số của 28 đạo quân hiện hữu thì tổng số quân chính quy của triều đình đạt đến 216 vạn quân, được chia thành 72 đạo quân. Đương nhiên, khi thành quân thì các thành phần dân tộc được trộn lẫn vào nhau, không để bất kỳ một dân tộc nào chiếm ưu thế trong một đơn vị quân đội (kiểm soát đến cả cấp đội). Đồng thời, mỗi đơn vị quân đội đều có tân binh và lão binh phối hợp với nhau, để khỏi làm giảm sức chiến đấu của quân đội.
Đại quân sau khi chinh triệu xong, chia làm hai lộ, tập hợp ở nam Thiên Trúc và bán đảo Tiểu Á, giao cho Triệu Phong và Đinh An Bình huấn luyện. Nhiệm vụ sắp tới của hai người bọn họ là chinh phạt Hãn quốc Chagotai ở khu vực Ba Tư, bắc Thiên Trúc và Hãn quốc Kim Trướng ở phía bắc Hắc Hải và biển Caspian. Đây là hai trong số bốn Hãn quốc lớn của người Mông Cổ, nhưng đã tự lập ngay từ sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời, đương nhiên cũng chẳng thần phục nhà Nguyên, hay nay là Bắc Nguyên.
Hãn quốc Chagotai, âm Hán Việt là Sát Hợp Đài, cũng chính là Đế quốc của Timur, đã từng đánh bại quân Ottoman ở Angora năm 1402, nhưng sau khi Timur qua đời năm 1405, Hãn quốc lâm vào nội chiến, các vị vương công tranh ngôi, các vị Tổng đốc địa phương tự lập, dẫn đến Hãn quốc bị phân chia thành nhiều tiểu quốc nhỏ, thế yếu lực suy. Chỉ có Hãn quốc Kim trướng lúc này còn tương đối cường thịnh (so với các vương quốc, Hãn quốc lân bang). Hiện giờ chỉ còn lại hai khu vực này vẫn chưa nằm trong sự chi phối của Thần Thánh Đế quốc, do đó mới cần xuất quân chinh thảo.
Thật ra thì Thần Thánh Đế quốc hoàn toàn đủ năng lực để thống trị toàn bộ các vùng lĩnh thổ, nhưng Giang Phong vẫn để lại mỗi khu vực một số thế lực ‘phản nghịch’, như Đại Minh ở Trung Nguyên, Lý thị vương triều ở trung bộ bán đảo Cao Ly, các công quốc lớn nhỏ trong Đế quốc Đức, … cũng như rất nhiều tiểu quốc chư hầu khác, chính là muốn để lại chỗ cho thần dân so sánh, cho chúng vương công đại thần có chỗ lập uy, và những người hiếu chiến có chỗ mà phát tiết. Những thế lực ‘phản nghịch’ thường xuyên gặp cảnh chiến loạn, khó phát triển được. Những tiểu quốc chư hầu thực ra chính là những đại địa chủ, lĩnh dân ở đó không thể nào sinh sống tự do như ở các quận huyện của Đế quốc được. Mọi thần dân sau khi so sánh, vô hình chung sẽ có cảm giác ưu việt.
Đến Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.511 (Kỷ Hợi, 1419), mùa xuân, tháng 2, lưỡng lộ đại quân dưới sự thống suất của Chiêu Vũ Vương Triệu Phong và Chiêu Đức Vương Đinh An Bình đồng thời xuất quân chinh phạt Hãn quốc Chagotai và Hãn quốc Kim Trướng. Đại quân tiến đến đâu, địch quân tan vỡ đến đó. Bọn Đinh An Bình không cho quân thừa thắng truy kích, mà tuần tự tiệm tiến, chiếm được vùng nào thì dốc sức bình định, thiết lập quận huyện, phái quan viên cai trị và tổ chức dân binh canh giữ. Đại quân thế như phá trúc, sau gần một năm chinh chiến thì chinh phục được toàn vùng. Hai Hãn quốc hoàn toàn diệt vong.
Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.511 (Kỷ Hợi, 1419). Mùa thu, tháng 9. Thành Syracuse, kinh đô của Đế quốc Latium, trở nên vô cùng nhộn nhịp bởi sự xuất hiện của rất nhiều sứ đoàn lân bang đến chúc hạ Long nhi nhân dịp sinh nhật 16 tuổi. Long nhi sinh ngày 25 tháng 9 năm 1403 theo Tây lịch, tức ngày 9 tháng 9 năm Quý Mùi, ngay tiết Trùng Cửu. Vì vậy mà tiết Trùng Cửu hàng năm cũng trở thành ngày lễ kỷ niệm sinh nhật của Long nhi (Thần Thánh Đế quốc sử dụng Âm lịch, nên Đế quốc Latium cũng sử dụng Âm lịch). Và sinh nhật năm nay là một ngày quan trọng đối với Long nhi, bởi theo truyền thống Đông phương thì ‘nữ thập tam, nam thập lục’, sau ngày sinh nhật này thì Long nhi chính thức trưởng thành rồi. Long nhi có địa vị quan trọng ở Âu châu cũng như ở Thần Thánh Đế quốc, nên lễ sinh nhật của Long nhi, các vương công quý tộc lân bang đều thân tự đến dự đông đủ. Lẽ ra thì lễ sinh nhật này phải được tổ chức ở Gia Định, nhưng vì Hoàng cung của Long nhi ở thành Syracuse mới hoàn công, nên Giang Phong đã cho tổ chức ở đấy, để Long nhi ăn mừng khánh thành tân Hoàng cung và nhận lễ triều kiến của các nước chư hầu, củng cố địa vị của Đế quốc Latium.
Hoàng cung Latium tuy không có quy mô vĩ đại như Trường Thanh Cung, nhưng ở khu vực Âu châu thì không có nơi nào có thể sánh bằng. Rất nhiều quân vương trầm trồ thán phục, rồi thầm ghen tỵ cho sự may mắn của Long nhi. Hoàng cung quy mô rộng lớn, hoa lệ huy hoàng. Các vị quân vương, quý tộc đến dự lễ đều được bố trí ở trong cung, hưởng thụ sinh hoạt như giới quyền quý đông phương. Các sứ đoàn có hai loại : những lĩnh chủ, quý tộc trực thuộc Thần Thánh Đế quốc chỉ cử sứ giả đế chúc hạ; còn các quân vương quý tộc Âu châu đều thân tự đến dự (có lẽ vì sợ mất lòng Long nhi chăng). Lúc này cũng là dịp để giới quý tộc có cơ hội gặp gỡ giao lưu, bởi đây cũng là kỳ hội họp của giới quý tộc Âu châu có quy cách cao nhất, đông đủ nhất từ trước đến giờ.
Cũng trong dịp này, qua sự đề xuất của Quốc vương Anh Cách Lan Henry V of England, Long nhi đã cho thống kê lại thành viên các chi tộc Nhà Anjou, và chỉnh đốn gia tộc. Mọi thành viên của gia tộc đều xem Long nhi là gia chủ đương nhiên, và đều hãnh diện khi là thành viên của gia tộc cao quý nhất Âu châu này. Dưới sự chủ trì của Long nhi, các thành viên chủ chốt của gia tộc đã hội họp, xác định các phân chi và phân chia địa bàn ảnh hưởng (Henry V cường liệt yêu cầu) :
1. Chi trưởng : Long nhi; Đế quốc Latium.
2. Chi Anjou : Réne de Anjou; vương quốc Anjou và các lĩnh địa xứ Pháp Lan Tây.
3. Chi Plantag : Henry V of England; bắc Âu châu.
4. Chi Bourbon : Charles de Le Maine; công quốc Bourbon.
5. Chi Poland : Władysław II Jagiello; đông Âu châu.
Władysław II Jagiello là Đại công tước Lithuania, là phu quân của Nữ vương Jadwiga de Poland quá cố. Nữ vương Jadwiga de Poland là hậu duệ cuối cùng của chi Anjou – Hungary, từng cai trị Hungary (1308 – 1395), Ba Lan (1370 – 1399). Sau này Hungary bị Sigismund kiêm tính, chi Anjou – Hungary chỉ còn lại đất Ba Lan. Đến khi Nữ vương Jadwiga de Poland qua đời năm 1399 thì phu quân Władysław II Jagiello kế vị làm Quốc vương Ba Lan. Nguyên bản ông ta xưng hiệu là gia tộc Jagiellon, nhưng khi thấy Đế quốc Latium đột nhiên xuất hiện, chiếm trọn nửa phần Âu châu, và cả các xứ Anh Cách Lan, Pháp Lan Tây đều do các phân chi của gia tộc Anjou khống chế, thì ông ta theo gió trở cờ, xóa sổ gia tộc Jagiellon, tự xưng mình là người kế thừa của chi Anjou – Hungary (từ vợ), và cố làm thân với các phân chi khác. Long nhi nghĩ rằng chi Anjou – Hungary cũng giống như chi Anjou – Maine, đều là nạn nhân của chi Anjou – Darazzo (của Ladislaus de Napoli), nên đã tiếp nhận, để chi Anjou – Hungary (giờ đổi thành chi Poland) được duy trì. Tính ra, trong các phân chi của gia tộc Anjou trước đây, chỉ có 2 chi Anjou – Darazzo và Anjou – Taranto đã tuyệt hậu (thật ra tình trạng của Sigismund cũng tương tự Władysław II Jagiello, nhưng không được Long nhi công nhận, để chi Anjou – Darazzo chấm dứt luôn).
Ngoài ra, mọi người còn thỏa thuận vùng Trung Âu (tức Đế quốc Đức) không phân chia, nghĩa là ai chiếm được thì thuộc về người đó. Điều đó cũng có nghĩa là sắp tới đây, Đế quốc Đức vốn đang là bãi chiến trường, thì chiến tranh sẽ càng khốc liệt hơn.
…
Trường Thanh Cung.
Giang Phong xem biểu tấu từ các nơi đưa về, rất hài lòng. Hiện tại trên thế giới trừ ba bãi chiến trường đang hồi náo nhiệt thì phần còn lại đã thật sự thiên hạ thái bình. Ba bãi chiến trường kia là do Giang Phong cố ý để lại, cho những kẻ hiếu chiến có chỗ phát tiết tinh lực và dã tâm của mình. Ba nơi đó là Đế quốc Đức ở trung bộ Âu châu, Đại Minh ở bắc Trung Nguyên và Lý thị vương triều ở trung bộ Cao Ly.
Thần Thánh Đế quốc giờ đây với các Hạm đội xưng hùng tứ hải, với hơn 200 vạn đại quân tinh nhuệ trấn giữ các vùng hiểm yếu, có thể nói là vững như bàn thạch. Giang Phong cho tụ tập những học giả khắp nơi về Gia Định, thân tự chỉ đạo, đề ra hạng mục cho bọn họ nghiên cứu, khiến cho khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão. Giang Phong biết nguyên lý, các học giả kia chịu trách nhiệm biến nguyên lý trở thành thành quả, tạo ra vô số phát minh sáng chế, khiến cho Đế quốc ngày càng cường thịnh, kinh tế phát triển, cuộc sống của thần dân ngày càng được cải thiện.
“Khi Thánh hoàng đặt bút vẽ bản đồ thế giới, thiên hạ bách tính đều được thấm nhuần ơn vũ lộ, thoát khỏi cảnh tối tăm của đêm dài lạc hậu. Thần dân của Đế quốc hay thuận dân của các chư hầu đều được hưởng thụ cuộc sống văn minh, vật chất phong phú, khoa kỹ phát triển, xã hội ổn định, kinh tế phồn vinh. Thật may mắn là ông cha chúng ta đã được cứu rỗi, không giống như ‘khí dân’ của ba xứ phản nghịch, bị Thiên thóa khí, mấy trăm năm rồi mà vẫn mãi sống trong cảnh lạc hậu bần cùng. Nhờ phúc tổ tiên mà hiện tại chúng ta mới có thể dùng tư thế nhàn nhã để xem lại đoạn lịch sử này”. Đó là lời của một vị Âu duệ học giả mấy trăm năm sau, bình luận về phúc ấm của tổ tiên mình.
Hết