Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 15: ba năm sau




Thánh Nguyên năm thứ nhất, tức năm canh thìn (1400), cuối năm, Quý Ly làm vua chưa được 1 năm thì bắt chước tục nhà Trần, nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương, rồi làm Thái Thượng Hoàng. Quý Ly đã nhường ngôi rồi, nhưng việc gì cũng tự mình quyết đoán cả, Hán Thương chỉ làm vua lấy vì mà thôi.

Năm sau, cải nguyên, niên hiệu Thiệu Thành nguyên niên, tức năm tân tỵ (1401), chỉnh đốn võ bị, quân số tăng lên gấp mấy lần, lại đặt ra bốn kho chứa khí giới và bắt thợ giỏi trong dân gian vào làm việc. Sửa sang thủy quân, đóng thuyền lớn. Quân lực tăng, nhưng chi tiêu nhiều, thuế khóa nặng nề, lòng dân oán thán. Quý Ly còn nói với các quan : “Ta làm thế nào cho có 100 vạn quân để đánh giặc bắc”. Trong khi Đại Việt lúc đó chỉ có hơn 2 triệu dân, chẳng lẽ Quý Ly định lấy hết con trai Đại Việt, từ cả đứa trẻ mới sinh cho đến ông già sắp chết ra làm lính.

Cũng năm đó, Tư Dung hành doanh nội quân tăng lên 5.000 người, cấm vệ quân tăng lên 500.

Thiệu Thành năm thứ hai, tức năm nhâm ngọ (1402), Quý Ly sai Đỗ Mãn làm Thủy quân Đô tướng, Phạm Thế Căng làm Bộ quân Đô tướng, suất lĩnh 15 vạn đại quân đi đánh Chiêm Thành. Chiêm vương là Ba Đích Lại sai cậu là Bồ Điền sang dâng đất Chiêm Động (phủ trị ở vùng Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam ngày nay) để xin bãi binh. Quý Ly lại bắt phải dâng đất Cổ Lụy (Quảng Ngãi), rồi phân đất ra làm châu Thăng, Châu Hoa, châu Tư, châu Nghĩa, và đặt quan An Phủ Sứ để cai trị bốn châu ấy, gọi chung là Thăng Hoa trấn. Lại bắt những dân có của mà không có ruộng ở các bộ khác đem vợ con vào ở để khai khẩn đất những châu ấy, bởi vì khi vua Chiêm nhường đất Chiêm Động và Cổ Lụy, người Chiêm đều bỏ đất mà đi cả.

Cùng năm, Tư Dung hành doanh nội quân tăng lên 1 vạn, cải thành Định Hải quân. Thủy quân thành lập, nhiệm vụ đầu tiên là vận chuyển 3 vạn thạch lương lên phương bắc.

Năm sau, cải nguyên, niên hiệu Khai Đại nguyên niên, tức năm quý mùi (1403), Quý Ly lại muốn lấy những đất Bạt Đạt Gia, Hắc Bạch, và Sa Ly Nha, tức là vùng phía nam những đất đã nhường năm trước, bèn sai Phạm Nguyên Khôi và Đỗ Mãn đem thủy bộ cả thảy 20 vạn quân sang đánh Chiêm Thành. Theo lệnh Giang Phong, Phạm Thế Căng trước đó đã cáo bệnh, nên không phải đi. Quân nhà Hồ vào vây thành Đồ Bàn hơn một tháng mà đánh không nổi, lương thực hết cả, đành phải rút quân về. Lần này hao binh tổn tướng mà không có công trạng gì. Hơn nữa, quân Chiêm phản kích, Thăng Hoa An phủ sứ tử trận. Thăng Hoa nguy cấp. Quý Ly không cam tâm để mất Thăng Hoa, lệnh cho Phạm Thế Căng dù đang bệnh cũng phải vào kinh lý đất Thăng Hoa. Từ đó, Thăng Hoa sát nhập vào Nam trấn.

Tư Dung hành doanh. Thái An Đại Viện.


Giang Phong đang nghe chúng thủ hạ báo cáo. Mọi người thần sắc nghiêm trang. Năm năm kể từ khi Giang Phong giáng lâm, sau năm năm chuẩn bị, giờ cũng đã đến lúc cử sự. Nam Dương Hạm đội đô đốc Đinh An Bình bẩm báo :

– Hồi bẩm đại nhân. Hạm đội đã sẵn sàng. Lần này xuất chinh có tổng cộng mã thuyền 2, lương thuyền 5, tọa thuyền 15 và chiến thuyền 20. Có thể vận chuyển được 1 vạn 5 nghìn người, lương thực đủ dùng 6 tháng, nước uống 1 tháng.

Định Hải tướng quân Triệu Phong bẩm báo :

– Hồi bẩm đại nhân. 1 vạn Định Hải quân đã sẵn sàng.

Quảng Tế Pháp sư bẩm báo :

– Hồi bẩm đại nhân. Lương thực đã tích trữ được 12 vạn thạch. Đủ cho Định Hải quân dùng trong hơn chục năm. Vũ khí cũng được tích trữ đầy 2 kho, đủ cung cấp cho 10 vạn quân. Năm nghìn dân phu cũng đã sẵn sàng.

Thương mại Tổng quản Cát Ti bẩm báo :

– Hồi bẩm đại nhân. Hướng đạo đã sẵn sàng.

Giang Phong hài lòng nói :

– Tốt. Tất cả chuẩn bị, đến giờ lập tức khởi trình.

Chúng nhân đồng cung thân nói :

– Dạ.

Rồi Đinh An Bình và Triệu Phong lập tức đi đến quân doanh, chuẩn bị cho quân sĩ xuống thuyền. Quảng Tế Pháp sư thì đi điều động dân phu. Cát Ti thì đi triệu tập số thương nhân đi theo làm hướng đạo. Mấy năm trước, Giang Phong đã bảo Cát Ti phái thương đoàn đến vùng Lã Tống thám thính tình hình, điều tra phong thổ nhân tình, vẽ lại địa đồ. Nay đã đến lúc dùng đến.

Lát sau, Quảng Tế Pháp sư quay vào, bẩm báo :

– Đại nhân. Phạm Thế Căng tướng quân xin bái kiến.

Giang Phong gật đầu bảo :


– Cho vào đi.

Quảng Tế Pháp sư vâng dạ, lui ra, lát sau dẫn Phạm Thế Căng vào. Sau khi hành lễ xong, Giang Phong hỏi :

– Ngươi đến đây có chuyện gì thế ?

Phạm Thế Căng cung kính nói :

– Hồi bẩm đại nhân. Triều đình cuối cùng cũng giao đất Thăng Hoa cho thuộc hạ rồi.

Giang Phong nói :

– Tất nhiên phải thế rồi. Có ai thích hợp hơn ngươi đâu. Ta nghĩ rằng các quan trong triều chẳng ai muốn đến Thăng Hoa cả.

Phạm Thế Căng nói :

– Đúng thế đấy ạ. Chỉ có Đặng Tất là chịu đi. Nhưng y đang luyện quân ở Đồn Sơn, không bỏ đi được. Triều đình nhất thời cũng không chuẩn bị đủ lương thảo cho đại quân, nên đành giao cho thuộc hạ tự lo lấy.

Hiện tại nhà Hồ chỉ có hai danh tướng là Đỗ Mãn và Phạm Thế Căng. Trong ba cuộc chiến tranh từ khi nhà Hồ thành lập đến giờ, Đỗ Mãn tham dự cả ba, Phạm Thế Căng chỉ tham dự một lần. Nhưng đó lại là lần duy nhất đại thắng, chiếm được đất Thăng Hoa. Còn hai lần kia đều hao quân tổn tướng, chẳng nên công trạng gì. Do đó Phạm Thế Căng tự nhiên trở thành đệ nhất danh tướng của triều đình, thanh vọng còn cao hơn cả Đỗ Mãn. Chỉ có điều, Phạm Thế Căng là người Mường, Quý Ly không tin tưởng, nên không thể về triều mà phải trấn giữ biên cương. Đương nhiên, đã là đệ nhất danh tướng thì cũng sẽ là phong cương đại lại. Vùng Nam trấn triều đình đã ủy thác cho Phạm Thế Căng toàn quyền liệu lý, lo việc phòng ngự quân Chiêm, giữ yên mặt nam cho triều đình rảnh tay phòng ngự mặt bắc. Thật ra thì nếu không giao cho Phạm Thế Căng, triều đình sẽ buộc phải phân binh (quân của Phạm Thế Căng là tư quân, lại chủ yếu là người Mường, quan tướng triều đình quản không được). Và nếu làm vậy thì phòng tuyến phía bắc sẽ yếu đi, đó là điều mà Quý Ly tối kỵ. Y vẫn luôn đề phòng Minh triều. Mối họa phương bắc lớn hơn mối họa phương nam nhiều.

Quảng Tế Pháp sư tán thán :

– Đại nhân liệu việc như thần. À quên, thuộc hạ thật hồ đồ, đại nhân vốn là thần rồi mà. Đại nhân liệu việc quả không sai. Chỉ cần Thăng Hoa An phủ sứ tử trận, quân Chiêm áp cảnh là triều đình phải giao đất Thăng Hoa cho Phạm tướng quân ngay.

Phạm Thế Căng cũng ca tụng :

– Pháp sư đại nhân cũng lợi hại thật đấy, ám sát được gã đó. Hừ, cái xứ Thăng Hoa hẻo lánh đầy nguy cơ đó mà gã vẫn nhất quyết giữ chặt không buông.

Thật ra thì do không thôn tính được Thăng Hoa, bọn Giang Phong mới lập kế hoạch bí mật phái người quấy nhiễu đất Chiêm, dẫn một số toán quân Chiêm áp sát Thăng Hoa, sau đó phái sát thủ ám sát Thăng Hoa An phủ sứ. Tạo nên giả tượng là Thăng Hoa nguy cấp. Nhiệm vụ của Phạm Thế Căng lúc này là vào đánh đuổi mấy toán quân Chiêm kia, kiểm soát hoàn toàn đất Thăng Hoa.

Giang Phong suy nghĩ giây lát, rồi nói :


– Tìm cơ hội bí mật hòa giải với Chiêm Thành, có thể tạm trao trả cho bọn họ hai châu ở Cổ Lụy.

Phạm Thế Căng ngạc nhiên hỏi :

– Đại nhân. Tại sao lại phải hòa giải với Chiêm Thành và trả đất cho bọn họ ?

Giang Phong nói :

– Tối đa 5 năm nữa, quân Minh sẽ sang đây. Hiện tại Quý Ly vẫn đang lo xây dựng tuyến phòng ngự phía bắc đó thôi. Chẳng lẽ ngươi muốn khi quân Minh sang rồi lưỡng diện thọ địch hay sao.

Phạm Thế Căng sắc diện trầm trọng, thở dài nói :

– Đại nhân nói phải. Để đối phó với quân Minh, chúng ta đành tạm thời hòa giải với Chiêm Thành thôi.

Quảng Tế Pháp sư nhắc nhở :

– Đại nhân đã bảo là phải bí mật hòa giải đó nha. Quý Ly tham đất Chiêm Thành, y không chịu nhường đất hòa giải đâu.

Các triều đại trước đây, mỗi khi muốn chống Bắc quân đều hòa hảo với Chiêm Thành. Nhà Lý đánh Chiêm Thành chỉ khi đã lo yên việc phương bắc rồi. Chỉ có Hồ Quý Ly trong khi chuẩn bị chống quân Minh thì lại đem quân đánh Chiêm Thành, quả là thất sách. Dù có chiếm được Thăng Hoa thì cũng chỉ là tạm chiếm, khi quân Minh kéo sang, quân Chiêm cũng bắc tiến, chiếm lại Thăng Hoa một cách dễ dàng, rồi kéo quân tấn công Hóa Châu. Thăng Hoa chẳng có mấy người Việt, làm sao giữ được. Giang Phong đương nhiên không muốn sự việc như thế diễn ra. Thà rằng học theo nhà Lý, nhà Trần tuần tự tiệm tiến, lấn dần dần. Trước mắt củng cố vùng Chiêm Động (Quảng Nam) trước đã, vùng Cổ Lụy (Quảng Ngãi) sẽ tính sau.

Phạm Thế Căng đi rồi, Giang Phong lại nhớ đến một việc quan trọng, bảo Quảng Tế Pháp sư :

– Phái người khẩn trương tìm kiếm các sách của tiền nhân, đặc biệt là các sách y học, toán pháp, binh thư, rồi đưa ra cất giữ ở Hải Tân. Không cần sợ hao tiền.

Đa số các sách cổ của người Việt thất truyền là do quân Minh mang về Tàu. Giang Phong không thể để chuyện đó diễn ra. Có điều, Giang Phong không quan tâm nhiều các sách thơ văn, pháp luật. Thu thập được thì tốt, không có cũng chẳng sao. Chủ yếu là giữ được binh thư, toán pháp, y học mà thôi. Quảng Tế Pháp sư cung kính vâng dạ, cẩn thận ghi nhớ. Mọi mệnh lệnh của Giang Phong, lão đều nguyên bản chấp hành.



Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận